Đảm bảo định hướng xã hội chủ nghĩa

Một phần của tài liệu Hoàn thiện pháp luật đảm bảo dân chủ trong cổ phần hóa doanh nghiệp ở nhà nước việt nam hiện nay (Trang 67)

Định hướng phát triển nền kinh tế là vai trò quan trọng và chủ yếu nhất của mỗi nhà nước trong lĩnh vực kinh tế, đó là việc xác định hướng đi cho sự phát triển của nền kinh tế trên cơ sở định hướng hình thành cơ cấu kinh tế và cơ chế quản lý kinh tế. Trong mỗi nền kinh tế, sự chuyển dịch của cơ cấu sở hữu, của cơ cấu các ngành kinh tế luôn chịu sự tác động của các quy luật thị trường, đồng thời chịu sự tác động to lớn của cơ chế quản lý kinh tế, trong đó có sự tác động trực tiếp của chiến lược phát triển kinh tế.

Để định hướng phát triển nền kinh tế đòi hỏi nhà nước phải có chiến lược phát triển kinh tế được xây dựng trên cơ sở nắm rõ quy luật vận động khách quan của nền kinh tế và những xu hướng tác động đặc thù xuất phát từ những điều kiện khách quan cụ thể như bối cảnh kinh tế quốc tế và khu vực, thực trạng về mọi mặt của nền kinh tế. Ngoài ra, việc xác định chiến lược kinh tế còn phải căn cứ vào đặc điểm, bản chất, truyền thống và hệ giá trị cơ bản của đời sống xã hội, đặc biệt là các mục tiêu tổng thể về chính trị - kinh tế - xã hội theo đúng đường lối đã đề ra.

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn khẳng định độc lập dân tộc và CNXH là mục tiêu xuyên suốt của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Để đảm bảo định hướng XHCN đòi hỏi việc xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội phải luôn gắn liền với việc thực hiện các mục tiêu của CNXH. Trong xây dựng và phát triển kinh tế, yêu cầu khách quan để đảm bảo định hướng XHCN là Nhà nước phải duy trì một tỷ trọng hợp lý sở hữu toàn dân về tư liệu sản xuất, đồng thời phải quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn lực đó như là một đảm bảo trực tiếp và chủ động về nguồn lực vật chất để điều tiết, định hướng XHCN nền kinh tế và thực hiện các mục tiêu của

CNXH. Đảm bảo định hướng XHCN đòi hỏi việc phát triển nền kinh tế phải gắn với đảm bảo dân chủ, tiến bộ và công bằng xã hội. Mặt khác, để duy trì sự tồn tại của hình thức sở hữu toàn dân về tư liệu sản xuất đòi hỏi Nhà nước phải thiết lập được cơ chế quản lý kinh tế có hiệu lực, đảm bảo cho hệ thống các DNNN thực sự năng động, hoạt động có hiệu quả, có sức cạnh tranh cao với ý nghĩa trực tiếp là có được sức sống, có khả năng tồn tại thực sự. Pháp luật đảm bảo dân chủ trong CPH là công cụ tác động điều chỉnh quá trình CPH, hoàn thiện pháp luật đảm bảo dân chủ trong CPH DNNN phải quán triệt quan điểm định hướng XHCN, đảm bảo duy trì một tỷ trọng hợp lý sở hữu nhà nước trong cơ cấu sở hữu của hệ thống doanh nghiệp và của các ngành kinh tế, phải thực sự góp phần đem lại những chuyển biến tích cực, những thay đổi thực sự về cơ chế quản lý nhà nước, cơ chế quản lý điều hành nội tại của doanh nghiệp, khắc phục được những yếu kém, tồn tại trong quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp, khắc phục tình trạng DNNN làm ăn kém hiệu quả, kém năng động, kém sức cạnh tranh. Hoàn thiện pháp luật đảm bảo dân chủ trong CPH DNNN phải gắn liền với dân chủ hóa toàn diện đời sống kinh tế - xã hội, tạo môi trường pháp lý dân chủ, bình đẳng cho sự tham gia của các chủ thể đầu tư thuộc mọi thành phần kinh tế vào quá trình CPH, huy động tối đa các nguồn lực từ các thành phần kinh tế phục vụ cho các mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền kinh tế góp phần thực hiện tốt các mục tiêu của CNXH. Ngoài ra, với ý nghĩa là công cụ trực tiếp bảo vệ quyền dân chủ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia vào quá trình CPH, hoàn thiện pháp luật đảm bảo dân chủ phải gắn liền với nhiệm vụ bảo vệ tốt quyền sở hữu toàn dân, ngăn chặn, loại bỏ các hành vi tiêu cực, tham nhũng, xâm phạm đến tài sản trong doanh nghiệp CPH, xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, của nhân dân.

Một phần của tài liệu Hoàn thiện pháp luật đảm bảo dân chủ trong cổ phần hóa doanh nghiệp ở nhà nước việt nam hiện nay (Trang 67)