Đây là tiêu chí được đặt ra đối với việc hoàn thiện các nội dung qui định cụ thể của pháp luật đảm bảo dân chủ trong CPH DNNN.
Thứ nhất, pháp luật đảm bảo dân chủ trong CPH DNNN phải được xây dựng với đầy đủ các qui phạm pháp luật điều chỉnh toàn diện các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình CPH DNNN, đáp ứng được các nhu cầu khách quan của sự phát triển các quan hệ này
trong thực tiễn CPH, đồng thời định hướng phát triển của các quan hệ này đảm bảo các yêu cầu sau đây:
- Qui định cụ thể rõ ràng nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, tổ chức nhà nước đảm bảo cho quyền lực nhà nước được thực hiện theo các nguyên tắc và cơ chế dân chủ, phục vụ cho lợi ích toàn dân, ngăn chặn sự xâm hại từ phía các chủ thể tham gia vào quá trình CPH DNNN đối với tài sản thuộc sở hữu toàn dân trong các doanh nghiệp CPH.
- Đảm bảo quyền tự do, bình đẳng và quyền lợi hợp pháp khác của công dân khi tham gia vào quá trình CPH.
- Đảm bảo quyền và lợi ích của người lao động trong doanh nghiệp CPH, đảm bảo cho nguời lao động trong doanh nghiệp CPH thực hiện quyền dân chủ trong CPH DNNN theo phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra" với những nội dung và hình thức phù hợp.
- Đảm bảo quyền kiểm tra giám sát đối với việc thực hiện quyền lực nhà nước trong quá trình CPH DNNN từ phía các cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhân dân theo quy định của pháp luật.
Thứ hai, việc xây dựng, hoàn thiện pháp luật đảm bảo dân chủ trong CPH DNNN phải căn cứ vào các quy định của Hiến pháp và pháp luật, căn cứ vào quan điểm, đường lối của Đảng về phát triển kinh tế và truyền thống văn hóa, đạo đức của dân tộc. Hoàn thiện pháp luật đảm bảo dân chủ trong CPH DNNN phải được thực hiện trên cơ sở xem xét, phân tích, đánh giá đúng thực trạng thực hiện CPH; nhận thức đầy đủ, sâu sắc những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn thực hiện; dự kiến một cách khoa học những diễn biến phức tạp của quá trình CPH để các quy phạm pháp luật được ban hành phản ánh đúng thực tiễn CPH, các giải pháp điều chỉnh được đưa ra đảm bảo tính khoa học và tính khả thi, thực sự góp phần đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng CPH DNNN.
Thứ ba, pháp luật đảm bảo dân chủ trong CPH DNNN có đối tượng điều chỉnh liên quan đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, hoàn thiện pháp luật đảm bảo dân chủ trong CPH DNNN phải đáp ứng yêu cầu đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật,
tránh tình trạng qui định chồng chéo, mâu thuẫn với các ngành luật, các chế định pháp luật có lên quan, tránh tình trạng chồng chéo mâu thuẫn giữa các qui định của bản thân pháp luật này.
Kết luận chương 1
Doanh nghiệp nhà nước là tổ chức kinh tế do nhà nước sở hữu toàn bộ vốn điều lệ hoặc có cổ phần, vốn góp chi phối của nhà nước. Trong nền kinh tế nước ta DNNN có vai trò hết sức quan trọng là nguồn lực trực tiếp phục vụ nhiệm vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, là công cụ để Nhà nước điều tiết, định hướng XHCN nền kinh tế. Tuy nhiên, do những hạn chế yếu kém trong quản lý đối với DNNN do hạn chế của cơ chế quản lý, vận hành nội tại của DNNN, trên thực tế DNNN hoạt động kém hiệu quả, năng lực cạnh tranh hạn chế, yêu cầu cải cách đối với DNNN là tất yếu khách quan.
Cổ phần hóa DNNN là một giải pháp đổi mới DNNN nhằm đa dạng hóa hình thức sở hữu DNNN, chuyển DNNN sang hoạt động với hình thức công ty cổ phần. Đây là một giải pháp đã thực sự đem lại những chuyển biến tích cực cho hệ thống DNNN, cần phải được thực hiện có chất lượng và hiệu quả cao hơn.
Trong quan điểm lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, dân chủ là quyền lực của nhân dân. Phân tích khái niệm dân chủ truyền thống trên cơ sở lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, tác giả nhấn mạnh nội dung dân chủ là quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, nêu khái lược các nội dung dân chủ, làm cơ sở cho việc nghiên cứu làm rõ nội dung dân chủ trong CPH DNNN.
Nội dung dân chủ trong CPH DNNN là các nguyên tắc, cơ chế dân chủ trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước đã được thể chế hóa trong Hiến pháp, pháp luật cần được vận dụng trong việc thành lập quy định quyền hạn, nhiệm vụ của các chủ thể nhà nước thực hiện CPH DNNN, là quyền được kiểm tra, giám sát việc thực hiện quyền lực nhà nước của nhân dân phù hợp với các quy định của Hiến pháp và pháp luật. Nội dung dân chủ trong CPH DNNN còn là quyền sở hữu toàn dân đối với tài sản, tiền vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp CPH, là quyền dân chủ của các chủ thể tham gia đầu tư, quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động trong doanh nghiệp CPH.
Pháp luật đảm bảo dân chủ trong CPH DNNN là hệ thống các qui phạm pháp luật, điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình CPH DNNN, nhằm đảm bảo thực hiện các nội dung dân chủ trong CPH DNNN. Hoàn thiện pháp luật đảm bảo dân chủ trong CPH DNNN là sửa đổi, bổ sung, xây dựng hoàn chỉnh, đồng bộ, nâng cao chất lượng nội dung các qui định cụ thể, đảm bảo tính khoa học, tính thực tiễn và hiệu lực điều chỉnh của pháp luật, góp phần thúc đầy dân chủ hóa nền kinh tế đất nước.
Đảm bảo dân chủ trong CPH DNNN là đảm bảo thực hiện các nội dung dân chủ trong CPH DNNN, đảm bảo dân chủ trong CPH DNNN góp phần phát huy sức mạnh nội lực của nền kinh tế, huy động các tiềm năng vật chất, trí tuệ trong nhân dân vào việc thực hiện thắng lợi chương trình CPH DNNN.
Chương 2
Thực trạng pháp luật đảm bảo dân chủ trong cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước
ở Việt Nam hiện nay
Pháp luật bảo đảm bảo dân chủ trong CPH DNNN là hệ thống các quy phạm pháp luật được chứa đựng trong các văn bản quy phạm pháp luật về CPH DNNN. Là công cụ pháp lý quan trọng để đảm bảo dân chủ, điều chỉnh, định hướng tiến trình CPH, pháp luật về CPH DNNN nói chung và pháp luật đảm bảo dân chủ trong CPH DNNN nói riêng luôn được Nhà nước quan tâm xây dựng, sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện.
Để thực hiện thí điểm CPH DNNN, ngày 10-5-1990, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành Quyết định 143/HĐBT về việc thí điểm thực hiện CPH DNNN. Ngoài việc quy định điều kiện lựa chọn thực hiện thí điểm CPH đối với DNNN, trong văn bản quy phạm pháp luật đầu tiên về CPH DNNN này, vấn đề đảm bảo quyền sở hữu nhà nước, tạo điều kiện cho người lao động làm chủ doanh nghiệp đã được xác định là mục tiêu của CPH DNNN. Nhằm đẩy mạnh việc thí điểm thực hiện CPH DNNN, Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 202/TTg ngày 6-8-1992 và Chỉ thị số 84/TTg ngày 4-3-1993 để xúc tiến thực hiện thí điểm CPH DNNN.
Từ thực tiễn thí điểm CPH DNNN, ngày 7-5-1996, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 28/CP về chuyển một số DNNN thành công ty cổ phần, quy định trình tự thủ tục thực hiện CPH, điều kiện, mục tiêu, thẩm quyền quyết định CPH DNNN, quyền lợi của người lao động trong doanh nghiệp CPH. Tuy nhiên, sự chuyển biến toàn diện của đất nước trong thời kỳ đổi mới, đặc biệt là sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế với những chuyển biến nhanh chóng về cơ cấu sở hữu, sự xuất hiện và phát triển đa dạng của các thành phần kinh tế đã làm nảy sinh nhiều vấn đề cần phải giải quyết trong thực tiễn CPH DNNN. Chính vì vậy, pháp luật về CPH DNNN đã được sửa đổi, bổ sung nhiều lần. Cụ thể như sau:
- Ngày 26-3-1997, Chính phủ ban hành Nghị định số 25/CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 28/CP ngày 7-5-1996.
- Ngày 26-6-1998, Chính phủ ban hành Nghị định số 44/CP về việc chuyển DNNN thành công ty cổ phần thay thế Nghị định 28/CP ngày 7-5-1996.
- Ngày 19-6-2002, Chính phủ ban hành Nghị định số 64/2002/NĐ-CP thay thế Nghị định 44/CP ngày 26-6-1998.
- Ngày 16-11-2004, Chính phủ ban hành Nghị định số 187/2004/NĐ-CP về việc chuyển công ty nhà nước thành công ty cổ phần thay thế Nghị định 64/2002/NĐ-CP ngày 19-6-2002. Đây là văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực cao nhất trong pháp luật về CPH DNNN ở nước ta hiện nay.
Trong quá trình xây dựng và hoàn thiện pháp luật về CPH DNNN, các quy định nhằm đảm bảo dân chủ ngày càng được bổ sung đầy đủ và toàn diện hơn. Vấn đề đảm bảo quyền sở hữu nhà nước, đảm bảo quyền làm chủ của người lao động luôn được xác định là mục tiêu của CPH DNNN. Quyền tự do tham gia đầu tư của nhân dân ngày càng được mở rộng, tình trạng CPH khép kín trong nội bộ doanh nghiệp đã dần được khắc phục sau khi Nghị định 64/2002/NĐ-CP và Nghị định 187/2004/NĐ-CP của Chính phủ được ban hành. Mức độ được nắm giữ cổ phần của các cổ đông ngày càng được mở rộng, từ 2% (Quyết định 143/HĐBT) đến 5% đối với cá nhân, 10% đối với pháp nhân (Nghị định 28/CP) và không hạn chế đối với các nhà đầu tư trong nước như hiện nay. Quy định về quyền được thông tin của các nhà đầu tư được cải thiện đáng kể khi Thông tư 126/2004/TT-BTC ngày 24-12-2004 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định 187/2004/NĐ-CP của Chính phủ được ban hành. Quy định về quyền hạn, nhiệm vụ của các cơ quan thực hiện quyền sở hữu nhà nước, DNNN trong quá trình CPH DNNN ngày càng được cụ thể với sự phân công, phân cấp rõ ràng hơn. Vấn đề đào tạo lại lao động, sắp xếp, bố trí việc làm và giải quyết chế độ chính sách đối với người lao động bị mất việc, thôi việc cũng được quy định cụ thể hơn với những ưu đãi thiết thực, góp phần ổn định cuộc sống cho người lao động.
Tuy nhiên, trong các quy định của pháp luật đảm bảo dân chủ trong CPH DNNN hiện hành còn có những hạn chế bất cập cần tiếp tục sửa đổi, bổ sung.