1.3.3.1. Khái niệm:
- Trước hết cần xác định đối tượng của hứng thú học tập Toán:
Đối với mỗi môn học nói chung và môn Toán nói riêng thì hứng thú học tập bao gồm cả hứng thú với bản thân môn học và hứng thú với hoạt động học tập
bộ môn... Vì vậy, đối tượng của hứng thú học tập môn Toán bao gồm cả nội dung môn Toán và hoạt động học môn Toán:
+ Hứng thú với môn Toán là hứng thú với hệ thống tri thức và kỹ năng, kỹ xảo của môn học.
+ Hứng thú với hoạt động học môn Toán là hứng thú với các hành động học tập để lĩnh hội tri thức và hình thành những kỹ năng kỹ xảo tương ứng với hệ thống tri thức.
- Vì vậy, chúng tôi quan niệm: Hứng thú học tập toán là thái độ học
tập tích cực của học sinh với môn Toán và với hoạt động học tập bộ môn Toán, do nhận thức được ý nghĩa của môn học và có khả năng đem lại cho học sinh xúc cảm trong quá trình học tập.
1.3.3.2. Sự hình thành hứng thú học tập môn Toán của học sinh Tiểu học
Có thể vận dụng các giai đoạn hình thành hứng thú nói chung để phân tích quá trình hình thành hứng thú học Toán của học sinh.
- Giai đoạn 1: Nảy sinh sự thích thú gắn với tình huống cụ thể trong quá trình tiếp thu tri thức của môn Toán và tìm tòi các phương pháp học tập môn Toán hợp lý.
- Giai đoạn 2: Hình thành thái độ tích cực khi nhận thức môn Toán. Nội dung môn Toán và cách thức học tập môn Toán càng có ý nghĩa với cá nhân thì thái độ nhận thức tích cực càng được hình thành nhanh chóng.
- Giai đoạn 3: Thái độ nhận thức tích cực được củng cố thường xuyên đã tương đối ổn định và trở thành xu hướng nhận thức tích cực của cá nhân - lúc này hứng thú học tập Toán đã được hình thành một cách bền vững.