Phân tích và đánh giá chiến lược VNPT Tiền Giang

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sĩ Ứng dụng mô hình thẻ điểm cân bằng về khía cạnh khách hàng trong thực thi chiến lược tại viễn thông Tiền Giang (Trang 47)

Chiến lược của VNPT Tiền Giang được xây dựng dựa trên nền tảng chiến lược của VNPT và sự phân tích đánh giá môi trường hoạt động bên ngoài cũng như tình hình sản xuất kinh doanh hiện tại của VNPT Tiền Giang. Trong giai đoạn trước lúc mới thành lập, thị trường VT – CNTT vẫn còn là thị trường độc quyền, VNPT Tiền Giang chỉ chú trọng đầu tư xây dựng mạng lưới, đào tạo và phát triển đội ngũ cán bộ nhân viên, cũng như phát triển một số quy trình hoạt động phù hợp với tình hình sản xuất kinh doanh của mình, bên cạnh đó phải hoàn thành mục tiêu tài chính do Tập đoàn giao. Đây là cơ sở nền tảng để VNPT Tiền Giang phát triển vững chắc, hoạt động ổn định và đáp ứng tốt nhu cầu của khách hàng.Thị trường dịch vụ VT - CNTT tại Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển đổi từ một thị trường độc quyền do nhà nước kiểm soát sang thị trường cạnh tranh. Với tốc độ phát triển công nghệ di động nhanh, chu kỳ công nghệ rút ngắn, lợi thế do chi phí đầu tư ngày càng giảm,

điều đó mang đến những cơ hội cho nhà cung cấp dịch vụ mới tham gia thị trường, đồng thời là thách thức đối với các nhà cung cấp dịch vụ hiện tại. Cuộc chiến giữa các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông đang ngày càng trở nên quyết liệt, nhất là khi có sự hiện diện của các nhà đầu tư nước ngoài với công nghệ hiện đại, kinh nghiệm quản lý và tiềm lực về tài chính. Sự bền vững của thuê bao và sự trung thành của khách hàng thực sự bị lung lay trước những chiến lược cạnh tranh khác nhau của các nhà cung cấp dịch vụ mạng ĐTDĐ. Các nhà cung cấp dịch vụ đã liên tục sử dụng các chiến lược về giá cước, chất lượng dịch vụ cơ bản, dịch vụ gia tăng, dịch vụ chăm sóc khách hàng,…

Trong giai đoạn 2013-2020, VNPT Tiền Giang đã đi vào hoạt động ổn định, thêm vào đó nguồn lực tài chính mạnh mẽ từ phía Tập đoàn giúp VNPT Tiền Giang đầu tư vào mạng lưới viễn thông rộng khắp, đáp ứng đầy đủ nhu cầu sử dụng của khách hàng từ thành thị đến nông thôn, chiến lược của VNPT Tiền Giang đặt khía cạnh khách hàng lên hàng đầu. Với chiến lược khách hàng là trọng tâm, VNPT Tiền Giang đặt mục tiêu gia tăng giá trị dành cho khách hàng, từ đó gia tăng thị phần các dịch vụ trong khu vực. Do đặc điểm trên địa bàn và tình hình cơ cấu của Tập đoàn sẽ có thay đổi trong giai đoạn tới, VNPT Tiền Giang hướng tới mục tiêu đẩy mạnh phát triển dịch vụ ADSL, FTTH và MyTV, nhưng cũng đồng thời duy trì và phát triển dịch vụ di động. Đối tượng khách hàng mà VNPT Tiền Giang hướng đến là khách hàng cá nhân, các đại lý internet công cộng, các doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng dịch vụ VT - CNTT trong khu vực tỉnh Tiền Giang.

Ngoài ra, VNPT Tiền Giang hoạt động tuân theo sự chỉ đạo của Tập đoàn, cập nhật các quy trình mới, các sản phẩm dịch vụ mới do Tập đoàn cung cấp, đảm bảo các chỉ tiêu về tài chính, quy trình nội bộ và nguồn lực lao động. Đây chính là nền tảng vững chắc để VNPT Tiền Giang tiếp tục cung cấp cho khách hàng những sản phẩm dịch vụ chất lượng, đáp ứng nhu cầu của từng loại khách hàng, từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, VNPT Tiền Giang vẫn tiếp tục đề ra các giải pháp nhằm hoàn thiện các quy trình nội bộ, nâng cao chất lượng nguồn lực

con người phù hợp với điều kiện sản xuất và đặc điểm kinh doanh của VNPT Tiền Giang.

Về khía cạnh khách hàng, VNPT Tiền Giang luôn đồng hành cùng khách hàng từ thành thị đến nông thôn. Với hệ thống cửa hàng rộng khắp tỉnh Tiền Giang đã tạo điều kiện thuận cho khách hàng có nhu cầu sử dụng dịch đến đăng ký dịch vụ và giải đáp các khiếu nại cho khách hàng.

Các yếu tố chính ảnh hưởng đến việc xây dựng kênh phân phối của VNPT hiện nay bao gồm: (1) mục tiêu của kênh, (2) đặc điểm khách hàng, (3) đặc điểm sản phẩm, (4) đặc điểm trung gian, (5) khả năng nguồn lực. Chính vì lẽ đó, để đánh giá được hệ thống kênh phân phối VNPT cần xác định được cụ thể các yếu tố then chốt như: quy mô đơn hàng - số đơn vị sản phẩm mà một khách hàng muốn mua một lần, thời gian chờ đợi và phân phối - thời gian trung bình mà khách hàng của kênh phân phối đợi để mua sản phẩm, sự thuận tiện về không gian - mức độ kênh phân phối tạo thuận lợi cho khách hàng mua sản phẩm, sự đa dạng sản phẩm - sự đa dạng các loại cung cấp bởi kênh phân phối, khách hàng thường ưa chuộng sự đa dạng nhiều hơn, bởi vì sẽ tăng cơ hội tìm được sản phẩm cần thiết. Ngoài ra còn một yếu tố cần được quan tâm đó là hỗ trợ dịch vụ, các dịch vụ bổ sung (giao nhận, lắp đặt, …) cung cấp bởi kênh phân phối. Tất cả những yếu tố trên hình thành nên năng lực của điểm bán hàng.

Hơn nữa chất lượng sản phẩm dịch vụ là yếu tố quan trọng trong khía cạnh khách hàng. Theo Cục quản lý chất lượng công nghệ thông tin và truyền thông - Bộ Thông tin và Truyền thông, các chỉ tiêu để đánh giá chất lượng dịch vụ VT - CNTT bao gồm: chất lượng kỹ thuật và chất lượng phục vụ.

Chất lượng kỹ thuật bao gồm nhiều yếu tố nhằm đảm bảo chất lượng hạ tầng mạng lưới cung cấp dịch vụ cho khách hàng một cách tốt nhất.

Chất lượng phục vụ bao gồm nhiều chỉ tiêu:

- Khiếu nại của khách hàng về chất lượng dịch vụ là sự không hài lòng của khách hàng được báo cho doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bằng đơn khiếu nại.

- Hồi âm khiếu nại của khách hàng: là văn bản của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thông báo cho khách hàng có đơn khiếu nại về việc tiếp nhận khiếu nại và xem xét giải quyết.

- Dịch vụ hỗ trợ khách hàng: là dịch vụ giải đáp thắc mắc, hướng dẫn sử dụng, cung cấp thông tin liên quan và thông báo cho khách hàng trụ sở, số điện thoại, fax dịch vụ hỗ trợ khách hàng.

Như vậy, chất lượng dịch vụ viễn thông phụ thuộc vào rất nhiều các yếu tố của môi trường bên trong và môi trường bên ngoài. Nó được xác định bằng các điều kiện kinh tế - tài chính của sự phát triển ngành viễn thông, bằng trình độ kỹ thuật của các phương tiện thông tin, bằng việc tổ chức sản xuất, bằng trạng thái mạng lưới kết nối các điểm thông tin, bằng kỹ thuật khai thác, thiết bị, bằng hiệu quả sử dụng các nguồn lực, bằng yêu cầu của khách hàng đối với số lượng các dịch vụ và mức độ thoả mãn các yêu cầu đó... Nói cách khác, chất lượng dịch vụ viễn thông được đánh giá qua hai phần: thông qua các chỉ tiêu thống kê của nhà cung cấp dịch vụ như thời gian khắc phục sự cố, thời gian thiết lập dịch vụ, dịch vụ hỗ trợ khách hàng, độ chính xác tính cước... và thông qua ý kiến đánh giá của khách hàng.

Nếu như hệ thống bán hàng rộng khắp, chất lượng sản phẩm dịch vụ được nâng cao thì sự trung thành của khách hàng dành cho VNPT Tiền Giang sẽ được nâng cao.

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sĩ Ứng dụng mô hình thẻ điểm cân bằng về khía cạnh khách hàng trong thực thi chiến lược tại viễn thông Tiền Giang (Trang 47)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(114 trang)