Kế thừa truyền thống nhân nghĩa của dân tộc, kết hợp với chủ nghĩa nhân đạo cộng sản, tiếp thu tinh thần nhân văn của nhân loại qua nhiều thế kỷ cùng với việc thể nghiệm bản thân mình qua hoạt động thực tiễn cách mạng, Hồ Chí Minh đã xác định yêu thương con người là một trong những phẩm chất đạo đức cao đẹp của người cách mạng.
Tình yêu thương con người đó là tình cảm rộng nhất, trước hết là dành cho những người cùng khổ, những người bị áp bức bóc lột. Đó là tình yêu thương dành cho nhân dân còn bị thiếu thốn, đói nghèo, chưa thoát được vòng tối tăm lạc hậu. Đó còn là tình yêu thương đối với bạn bè, đồng chí, với mọi người bình thường trong quan hệ hàng ngày...
Hồ Chí Minh thương yêu con người với một tình cảm sâu sắc, vừa bao la rộng lớn, vừa gần gũi thân thương đối với từng số phận con người. Hồ Chí Minh luôn sống giữa cuộc đời và không có cái gì thuộc về con người đối với Hồ Chí Minh lại là xa lạ. Người quan tâm đến tư tưởng, đời sống của từng người, việc ăn, việc mặc, ở, học hành, giải trí của mỗi người dân, không quên, không sót một ai, từ những người bạn thuở hàn vi, đến những người quen mới.
Tình thương yêu con người ở Hồ Chí Minh luôn gắn liền với hành động cụ thể, mang lại cơm ăn, nước uống, trả lại nhân phẩm cho con người, phấn đấu vì độc lập của Tổ quốc, tự do, hạnh phúc của nhân dân.
Trong Di chúc, Người căn dặn trong Đảng “phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau, sống với nhau phải có nghĩa có tình”. Đây chính là diều nhắc nhở cán bộ đảng viên phải luôn luôn chú ý đến phẩm chất yêu thương con người, yêu thương đồng chí, để tránh những hậu quả tai hại, như đã thấy ở nơi này, nơi kia. Đây là tình thương yêu trên nguyên tắc tự phê bình và phê bình một cách chân thành, nghiêm túc giữa những người cùng lý tưởng, cùng phấn đấu cho một sự nghiệp chung. Nó hoàn toàn xa lạ với thái độ dĩ hoà vi quý, bao che sai lầm, khuyết điểm cho nhau, càng xa lạ
với thái độ yêu nên tốt, ghét nên xấu, bè cánh có thể đưa đến những tổn thất lớn cho Đảng, cho cách mạng.