Đó là tinh thần “tứ hải giai huynh đệ” mà Hồ Chí Minh đã tiếp thu được của quá khứ. Đó là tinh thần quốc tế vô sản mà Hồ Chí Minh đã nêu lên bằng mệnh đề “bốn phương vô sản đều là anh em”.
Đó là tinh thần đoàn kết với các dân tộc bị áp bức, với nhân dân lao động các nước mà Hồ Chí Minh đã dày công vun đắp bằng hoạt động cách mạng thực tiễn của bản thân mình và bằng sự nghiệp cách mạng của cả dân tộc.
Đó là tinh thần đoàn kết của nhân dân Việt Nam với tất cả những người tiến bộ trên thế giới, vì hoà bình, công lí và tiến bộ xã hội.
Sự đoàn kết ấy là nhằm mục tiêu lớn của thời đại là hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội, là hợp tác và hữu nghị với tất cả các nước, các dân tộc.
Chủ nghĩa quốc tế vô sản phải gắn liền với chủ nghĩa yêu nước, và chủ nghĩa yêu nước phải đi tới chủ nghĩa quốc tế vô sản. Đó chính là chủ nghĩa yêu nước chân chính và chủ nghĩa quốc tế trong sáng.
Tinh thần quốc tế trong sáng, theo Hồ Chí Minh, là tinh thần “giúp bạn là tự giúp mình”, nó hoàn toàn xa lạ với tinh thần sôvanh nước lớn hay tinh thần dân tộc hẹp hòi.
Đường lối chính trị của Đảng lãnh đạo là định hướng đúng đắn cho việc bồi dưỡng tinh thần quốc tế trong sáng ở mỗi một người.
3. Quan điểm về những nguyên tắc xây dựng đạo đức mới
Để xây dựng một nền đạo đức mới. Hồ Chí Minh đã nêu ra những nguyên tắc cơ bản để định hướng cho sự lãnh đạo của Đảng, cũng như cho việc rèn luyện ở mỗi người.
Nói đi đôi với làm,phải nêu gương về đạo đức.Đây không chỉ là một nguyên tắc rèn luyện đạo đức mà còn là ranh giới phân biệt giữa đạo đức cách mạng và không phải đạo đức cách mạng.
Nói nhưng không làm là đặc trưng đạo đức của giai cấp bóc lột. Lời nói phải đi đôi với việc làm và thực hành đạo làm gương là đạo đức của người cách mạng nói chung, nằm trong vốn văn hoá phương Đông nói riêng. Hồ Chí Minh viết: "nói chung thì các dân tộc phương Đông đều giàu tình cảm, và đối với họ một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Người nhấn mạnh: trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến...Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước... Hô hào dân tiết kiệm, mình phải tiết kiệm trước đã. Người dạy “đảng viên đi trước”, để cho “làng nước theo sau”.
Đạo làm gương phải được quán triệt trong tất cả mọi đối tượng, mọi lĩnh vực: từ Đảng, Nhà nước, các đoàn thể đến nhà trường, gia đình, xã hội..
Đối với mỗi người, nhất là đối với những người lãnh đạo, lời nói phải đi đôi với việc làm thì mới đem lại hiệu quả thiết thực cho chính bản thân mình và có tác dụng to lớn đối với người khác. Nếu nói nhiều mà làm ít, nói mà không làm, hơn nữa nói một đằng làm một nẻo thì chỉ đem lại những hậu quả phản tác dụng.
- Xây đi đối với chống, phải tạo thành phong trào quần chúng rộng rãi
Cùng với việc xây dựng những phẩm chất đạo đức tốt đẹp, nhất thiết phải chống những biểu hiện sai trái, xấu xa, trái với những yêu cầu của đạo đức mới, như những hiện tượng thường được gọi là tệ nạn, tiêu cực, thoái hoá, biến chất.
Xây phải đi đôi với chống, muốn xây phải chống, chống nhằm mục đích xây. Việc xây dựng đạo đức mới trước hết phải được tiến hành bằng việc giáo dục những phẩm chất, những chuẩn mực đạo đức mới, bằng việc nêu gương người tốt, việc tốt, bằng những tấm gương đạo đức trong sáng xuất hiện trong cuộc sống và
bằng việc khơi dậy ý thức đạo đức lành mạnh, để mỗi người tự giác với trách nhiệm đạo đức của mình.
Việc chống những cái xấu, cái sai, cái vô đạo đức, phải được tiến hành bằng tự phê bình và phê bình; bằng giáo dục, thuyết phục, bằng kí luật của Đảng hay của đoàn thể, bằng kỉ luật hành chính hay bằng pháp luật..., tuỳ theo mức độ sai phạm về đạo đức đã xảy ra.
Trong việc chống và xây để có đạo đức mới. Hồ Chí Minh coi trọng việc chống chủ nghĩa cá nhân và xây dựng chủ nghĩa tập thể, vì chủ nghĩa cá nhân là một thứ bệnh cực kỳ nguy hiểm. Do chủ nghĩa cá nhân mà ngại gian khổ, khó khăn, sa vào tham ô, hủ hoá, lãng phí xa hoa; tham danh, trục lợi, thích địa vị quyền hành; tự cao. tự đại, coi thường tập thể, xem khinh quần chúng, xa rời thực tế, mắc bệnh quan liêu mệnh lệnh; không có tinh thần cố gắng vươn lên không chịu học tập để tiến bộ. Cũng do chủ nghĩa cá nhân mà mất đoàn kết, thiếu tính tổ chức, kém tinh thần trách nhiệm, không chấp hành đúng đường lối, chính sách của Đảng và của Nhà nước, làm hại đến lợi ích của cách mạng, của nhân dân ...
Để xây và chống có kết quả phải tạo thành phong trào quần chúng rộng rãi; phải có phong trào chung cho toàn Đảng, toàn dân, có phong trào riêng cho từng ngành, từng giới.
- Phải tu dưỡng đạo đức suốt đời
Theo Hồ Chí Minh, mỗi người phải thường xuyên chăm lo tu dưỡng đạo đức. Đó là công việc phải làm suốt đời, không được chủ quan tự mãn, lơ là rèn luyện. Theo Người, đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống, nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong.
Rèn luyện đạo đức theo tư tưởng Hồ Chí Minh không hoàn toàn giống như: “tu thân, dưỡng tính” của Nho giáo, Phật giáo. Bởi vì, đạo đức cách mạng là đạo đức mới. Mục đích của đạo đức cách mạng là tuyệt đối trung thành với sự nghiệp của
Đảng và của dân tộc nhằm giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người. Vì vậy, nếu không kiên trì rèn luyện thì ở thời kỳ trước là người có công, như- ng ở thời kỳ sau có thể lại là người có tội, lúc trẻ giữ được đạo đức, nhưng lúc già lại thoái hoá biến chất, hư hỏng. Người thường nhắc nhở: một dân tộc, một Đảng và mỗi con người ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất thiết ngày hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không còn trong sáng nữa, nếu rơi vào chủ nghĩa cá nhân.
Ba nguyên tắc cơ bản nêu trên là một thể thống nhất, gắn bó với nhau một cách chặt chẽ. Đó là các nguyên tắc rèn luyện của cá nhân để trở thành người có đạo đức cách mạng. Đó cũng là những nguyên tắc để Đảng ta xây dựng nền đạo đức mới Việt Nam.