1. Trang chủ
  2. » Luận Văn - Báo Cáo

Tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh từ góc nhìn thể loại (qua ba tác phẩm: Hồ quý ly, Mẫu thượng ngàn và Đội gạo lên chùa)

137 1,1K 0

Đang tải... (xem toàn văn)

Tài liệu hạn chế xem trước, để xem đầy đủ mời bạn chọn Tải xuống

THÔNG TIN TÀI LIỆU

Thông tin cơ bản

Định dạng
Số trang 137
Dung lượng 891,5 KB

Nội dung

Vấn đề được giới nghiên cứu, phê bình văn học quan tâm là nội dunglịch sử và những nét nổi bật về nghệ thuật của tác phẩm như kết cấu, cốt truyện, nghệthuật xây dựng nhân vật

Trang 1

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

TRƯỜNG ĐẠI HỌC VINH

VÕ THỊ HỒNG THẮM

TIỂU THUYẾT NGUYỄN XUÂN KHÁNH

TỪ GÓC NHÌN THỂ LOẠI

(QUA BA TÁC PHẨM: HỒ QUÝ LY, MẪU THƯỢNG NGÀN VÀ

ĐỘI GẠO LÊN CHÙA)

LUẬN VĂN THẠC SĨ NGỮ VĂN

NGHỆ AN - 2013

Trang 3

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

TRƯỜNG ĐẠI HỌC VINH

VÕ THỊ HỒNG THẮM

TIỂU THUYẾT NGUYỄN XUÂN KHÁNH

TỪ GÓC NHÌN THỂ LOẠI

(QUA BA TÁC PHẨM: HỒ QUÝ LY, MẪU THƯỢNG NGÀN

VÀ ĐỘI GẠO LÊN CHÙA)

CHUYÊN NGÀNH: LÝ LUẬN VĂN HỌC

MÃ SỐ: 60.22.32

LUẬN VĂN THẠC SĨ NGỮ VĂN Người hướng dẫn khoa học: TS LÊ VĂN DƯƠNG

NGHỆ AN - 2013

Trang 5

MỤC LỤC

MỞ ĐẦU 1

1 Lí do chọn đề tài 1

2 Lịch sử vấn đề 2

3.Đối tượng nghiên cứu và phạm vi tư liệu khảo sát 6

4.Nhiệm vụ nghiên cứu 6

5 Phương pháp nghiên cứu 7

6 Đóng góp và cấu trúc của luận văn 7

Chương 1 TIỂU THUYẾT NGUYỄN XUÂN KHÁNH TRONG BỐI CẢNH TIỂU THUYẾT VIỆT NAM THỜI KÌ ĐỔI MỚI 8

1.1 Giới thuyết chung về tiểu thuyết 8

1.1.1 Khái niệm tiểu thuyết 8

1.1.2 Một số đặc trưng thi pháp cơ bản của tiểu thuyết 9

1.2 Một số thành tựu cơ bản của tiểu thuyết Việt Nam thời kì đổi mới 12

1.2.1 Đổi mới tư duy nghệ thuật gắn với quan niệm nghệ thuật mới về con người, về hiện thực, về vị trí, chức năng của văn học 12

1.2.2 Đổi mới thi pháp 15

1.3 Tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh - hiện tượng nổi bật của tiểu thuyết Việt Nam đương đại 23

1.3.1 Quan niệm của Nguyễn Xuân Khánh về tiểu thuyết lịch sử 23

1.3.2 Bộ ba tiểu thuyết Hồ Quý Ly, Mẫu Thượng Ngàn và Đội gạo lên chùa trong sự nghiệp văn học của Nguyễn Xuân Khánh 25

Chương 2.TIỂU THUYẾT NGUYỄN XUÂN KHÁNH NHÌN TỪ NỘI DUNG CỦA THỂ LOẠI 30

2.1 Hai nguồn cảm hứng lớn trong tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh 30

2.1.1 Cảm hứng về lịch sử dân tộc 30

2.1.2 Cảm hứng về văn hóa dân tộc 34

2.1.3 Mối quan hệ gắn bó giữa lịch sử và văn hóa - một cách kiến giải về sức sống dân tộc của Nguyễn Xuân Khánh 40

2.2 Con người và thế giới trong nhận thức, phản ánh của tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh .42 2.2.1 Con người trong tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh 42

Trang 6

2.2.2 Không gian, thời gian trong tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh 65

Chương 3.TIỂU THUYẾT NGUYỄN XUÂN KHÁNH TỪ GÓC NHÌN THI PHÁP THỂ LOẠI 83 3.1 Kết cấu 83

3.1.1 Một vài giới thuyết 83

3.1.2 Kết cấu theo trình tự thời gian 83

3.1.3 Kết cấu đan lồng 85

3.1.4 Kết cấu lưỡng phân 89

3.2 Điểm nhìn trần thuật và nhịp điệu trần 92

3.2.1 Điểm nhìn trần thuật 92

3.2.2 Nhịp điệu trần thuật 97

3.3 Ngôn ngữ và giọng điệu 101

3.3.1 Ngôn ngữ 101

3.3.2 Giọng điệu trần thuật 108

KẾT LUẬN 121

TÀI LIỆU THAM KHẢO 124

6

Trang 7

MỞ ĐẦU

1 Lí do chọn đề tài

1.1 Tiểu thuyết là thể loại dài hơi, luôn vận động, biến đổi và chưa hoàn tất M

Bathtin xem đối tượng ưu tiên của tiểu thuyết là cái “hiện tại chưa hoàn thành” bởi

khả năng bắt nhịp, miêu tả một cách sống động, chân thực thực tại đang biến động vàkhả năng tổng hợp, khái quát cao nhất những hiện tượng đời sống của thể loại này

Tiểu thuyết đương đại Việt Nam, nhất là tiểu thuyết thời kì đổi mới đã cónhững bước “xé rào” ngoạn mục, thoát dần bộ đồng phục của văn chương minh hoạ đểtiếp cận đời sống đa diện, nhiều chiều hơn Các nhà văn say sưa khai vỡ mảnh đất hiệnthực mới, say mê tìm tòi những phương thức biểu hiện hiện đại Khiêm nhường, điềmtĩnh lựa chọn cho mình một lối đi riêng, Nguyễn Xuân Khánh đã tạo được dấu ấn đậmnét và nhanh chóng trở thành “tâm điểm”, “hiện tượng” trong đời sống văn học những

năm đầu thế kỉ XXI Nghiên cứu Hồ Quý Ly, Mẫu Thượng Ngàn và Đội gạo lên chùa

cũng là cách đánh giá đúng sự đóng góp về mặt thể loại của lão nhà văn và hiểu hơncái năng động của nghệ thuật tiểu thuyết

1.2 Bộ ba tiểu thuyết Hồ Quý Ly (2000), Mẫu Thượng Ngàn (2006) và Đội

gạo lên chùa (2011) là những tác phẩm được đánh giá có những kiến giải sâu sắc về

lịch sử, văn hoá và sức sống dân tộc Trung thành với cách tiếp cận đời sống từ gócnhìn lịch sử, văn hoá nhưng ở mỗi tác phẩm, tác giả nổ lực làm mới mình bằng vốnkiến thức uyên bác, sự sâu sắc trong thể hiện ý tưởng và tìm tòi đổi mới về hình thứcthể hiện Dẫu đón nhận nhiều lời khen, chê song không thể phủ nhận sức hút cũng nhưgiá trị của ba cuốn tiểu thuyết, nhất là khi nó “ẵm” về những giải thưởng danh giá: giảithưởng Hội Nhà văn Hà Nội, giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam Đây là phần thưởngxứng đáng ghi nhận sự cống hiến không mệt mỏi của nhà văn “lão thành” đầy tài năng,tâm huyết này

1.3 Nghiên cứu tác phẩm văn học từ góc độ thể loại là việc làm cần thiết nhằmtìm hiểu sâu hơn đặc điểm sáng tác của một tác giả, phong cách nhà văn và đóng gópcủa họ về mặt thể loại Nguyễn Xuân Khánh là hiện tượng văn học khá nổi bật trongthời gian gần đây Với những nổ lực tìm tòi đổi mới cả về mặt tư duy nghệ thuật vàphương thức tổ chức trần thuật, tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh rất cần được nghiên

Trang 8

cứu một cách hệ thống để đánh giá đúng vị trí của nó trong dòng chảy tiểu thuyết ViệtNam đương đại

2 Lịch sử vấn đề

Tiểu thuyết Hồ Quý Ly (2000), Mẫu Thượng Ngàn (2006) và Đội gạo lên chùa

(2011) ngay thời điểm mới ra đời đã nhanh chóng trở thành “hiện tượng” trên văn đàn.

Nhiều cuộc toạ đàm, hội thảo được tổ chức, liên tục những lần tái bản và lần lượt cácbài nghiên cứu phê bình “mổ xẻ” tác phẩm từ nhiều phương diện là minh chứng chosức lan toả của hiện tượng Nguyễn Xuân Khánh

Trình làng năm 2000, tiểu thuyết Hồ Quý Ly ngay lập tức thu hút sự quan tâm

của dư luận, đặc biệt khi cuốn tiểu thuyết giành được nhiều giải thưởng danh giá từHội Nhà văn Vấn đề được giới nghiên cứu, phê bình văn học quan tâm là nội dunglịch sử và những nét nổi bật về nghệ thuật của tác phẩm như kết cấu, cốt truyện, nghệthuật xây dựng nhân vật, điểm nhìn trần thuật, giọng điệu…

Xếp tiểu thuyết Hồ Quý Ly vào khuynh hướng tiểu thuyết lịch sử luận giải, Nguyễn Văn Dân đã phát hiện ra “cái luận đề” xuyên suốt tác phẩm Hồ Quý Ly chính

là luận đề về ý nghĩa “thời thế” của nhân vật này trong thời đại suy tàn của nhà Trần,khi mà số phận của nhà Trần không còn cho phép nó đảm đương trọng trách của lịch

sử [14]

Quan tâm đến số phận và sự vận động của hình tượng nhân vật, Hoà Vang đãnhận xét về nét độc đáo trong nghệ thuật xây dựng nhân vật của tác phẩm: “Lực hấpdẫn của tiểu thuyết Hồ Quý Ly còn nằm trong sự phân thân, sự vận động của các hìnhtượng nhân vật… mỗi người một số phận, một tính cách, một dạng nổi trôi và vùngvẫy, một kết cục, để mỗi người một nét cùng vẽ nên sinh động, rõ ràng và bi hùng mộthoàn cảnh lịch sử cụ thể…” [ 66 ]

Nguyễn Diệu Cầm trong bài Tiểu thuyết lịch sử đang hấp dẫn trở lại đã phân

tích thành công của cấu trúc vòng tròn trong tác phẩm và sự đa dạng điểm nhìn trầnthuật khi miêu tả nhân vật Hồ Quý Ly

Trong tham luận Đọc Hồ Quý Ly, nghĩ về tư duy tiểu thuyết của Nguyễn Xuân Khánh, Phạm Phú Phong trên cơ sở soi chiếu đặc trưng thể loại và đối chiếu với một

số tiểu thuyết lịch sử trước Hồ Quý Ly đã chỉ ra đóng góp của tác phẩm trên các

phương diện như đề tài, kết cấu và cốt truyện, thế giới nhân vật, giọng điệu Tác giả

2

Trang 9

cho rằng, Hồ Quý Ly “thể hiện một tư duy tiểu thuyết hoàn toàn mới, vừa là sản phẩm

của không khí thời kì đổi mới, vừa đánh dấu bước khẳng định một phong cách tiểuthuyết không trộn lẫn với bất kì người nào khác” [ 22, 267]

Ngoài ra, còn rất nhiều bài nghiên cứu tiếp cận tác phẩm từ các góc độ khác

nhau: Hồ Quý Ly tiểu thuyết lịch sử của Nguyễn Xuân Khánh của Lại Nguyên Ân (Báo

Thể thao và Văn hoá, số 58/2000); Tiểu thuyết của Hồ Quý Ly thưởng thức và cảm nhận của Hoàng Cát (Tạp chí Sách, số 11/2000); Mắt bão giữa trần ai của Đỗ Ngọc

Yên (Báo Sức khoẻ đời sống, số 74/2000); Đọc Hồ Quý Ly của Phạm Xuân Nguyên (Tạp chí Tia sáng, 1/2001),…

Nhiều bài nghiên cứu đã soi chiếu tiểu thuyết Mẫu Thượng Ngàn (2006) từ

nhiều phương diện: đề tài, chủ đề, kết cấu, hệ thống hình tượng, các kĩ thuật tự sự hiện

đại… Có thể kể đến các bài viết: Hoài Nam với Sức hấp dẫn của cái được viết (Văn

nghệ, số 29/2006); Đoàn Ánh Dương với Tự sự hậu thực dân: Lịch sử và huyền thoại trong Mẫu Thượng Ngàn (Tạp chí Nghiên cứu văn học, số 9/2010); Trần Thị An với Sức ám ảnh của tín ngưỡng dân gian trong tiểu thuyết Mẫu Thượng Ngàn (Tạp chí Nghiên cứu văn học, số 6/2007); Lê Thị Thanh Bình với Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh

- “về từ miền hoang tưởng” (An ninh cuối tháng, số 65/2006); Văn Chinh với Nơi bắt đầu Mẫu Thượng Ngàn của Nguyễn Xuân Khánh (Báo Tiền phong cuối tuần, số

11/2007); Mẫu Thượng Ngàn - nội lực văn chương của Nguyễn Xuân Khánh trong

cuộc trao đổi giữa VTC News với nhà nghiên cứu phê bình văn học Phạm Xuân

Nguyên; Đỗ Hải Ninh với Quan niệm về lịch sử trong tiểu thuyết của Nguyễn Xuân

Khánh (http://vienvanhoc.org.vn)

Hầu hết, các ý kiến đều thống nhất cho rằng Mẫu Thượng Ngàn là cuốn tiểu

thuyết về văn hoá, lịch sử có vẻ đẹp vừa cổ điển vừa hiện đại Trong đó việc lựa chọn

đề tài đạo Mẫu - tôn giáo bản địa, tôn giáo của người nghèo để khởi đầu cho mọi sựdiễn giải về lịch sử, về văn hoá, về sức sống của dân tộc cũng là đóng góp to lớn củaNguyễn Xuân Khánh

Về nghệ thuật tự sự, các bài viết ghi nhận những đổi mới trong kĩ thuật tự sự

trên cơ sở lối viết cổ điển đã tạo nên lực hấp dẫn cho Mẫu Thượng Ngàn Đặc biệt, soi

chiếu từ lí thuyết hậu thực dân và lí thuyết tự sự học, Đoàn Ánh Dương trong bài

nghiên cứu Tự sự hậu thực dân: Lịch sử và huyền thoại trong Mẫu Thượng Ngàn (Tạp

Trang 10

chí Nghiên cứu văn học, số 9/2010) đã đề cập tới hệ thống các nhân vật / các tiếng nói,

hệ thống các biểu tượng và cách thức tổ chức ngôi kể như là các kĩ thuật tự sự phục vụmục đích diễn giải lịch sử của Nguyễn Xuân Khánh Các bài nghiên cứu đã gợi mở

cho người đọc nhiều hướng tiếp cận Mẫu Thượng Ngàn và các tác phẩm khác của

Nguyễn Xuân Khánh

Đội gạo lên chùa (2011) lại khuấy động làng văn khi được vinh danh ở vị trí

cao nhất giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2011 - 2012 Tác phẩm thu hút sự quantâm của đông đảo giới nghiên cứu, phê bình văn học, nhà văn và độc giả trong cả

nước, nhất là khi Hội Nhà văn Hà Nội kết hợp với Nhà xuất bản Phụ nữ tổ chức Giới

thiệu và toạ đàm về Đội gạo lên chùa của Nguyễn Xuân Khánh (vào ngày 20/6/2011).

Theo QĐND online, hầu hết tham luận trong toạ đàm đều dành những lời tốt đẹp chođứa con út của nhà văn sát vách tuổi 80 Nhà văn Hoàng Quốc Hải tâm đắc: “Anh luônđụng đến những vấn đề bản chất của văn hoá Việt… và bây giờ là đạo Phật - hiệntượng văn hoá du nhập nhưng đã được Việt hoá” Nguyễn Thị Minh Thái cho rằng

trong Đội gạo lên chùa, đạo Phật được Việt Nam hoá ở cái “lõi” tuỳ duyên, hoàn toàn nhập thế Phạm Xuân Thạch đánh giá đóng góp độc đáo của cuốn tiểu thuyết “Đội gạo

lên chùa”: “Trong một thời đại khi mà mọi hình thức kĩ thuật đã trở nên bão hoà, nhà

văn trở về với hình thức sơ khai nhất của tiểu thuyết Chính xác hơn, ông đưa tiểu

thuyết về lại với cội nguồn của thể loại: những câu chuyện kể.” Trong bài Văn xuôi

Việt Nam năm 2011 gừng già mới cay? (Báo An ninh thế giới giữa tháng, số 50/2012),

Hoài Nam nói đến sức hấp dẫn của văn phong Nguyễn Xuân Khánh cùng khả năng

chuyển tải tư tưởng trong Đội gạo lên chùa Tác giả viết: “Đơn giản ông chỉ kể

chuyện, có lớp lang, dẫn dắt mạch lạc, diễn giải kĩ càng, từng bước, từng bước đưachúng ta vào thế giới của Phật giáo Việt Nam Ông nói với chúng ta về tác động của tưtưởng Phật giáo tới văn hoá - lối sống của con người Việt Nam trong trường kì lịch

sử.” Ngoài ra, có thể dẫn ra một số bài nghiên cứu khác như: Tiểu thuyết như một

tham khảo Phật giáo của Mai Anh Tuấn (Tạp chí Nhà văn, số 8/2011); Văn xuôi Việt Nam năm 2011 gừng già mới cay của Hoài Nam (Báo An ninh thế giới giữa tháng, số

50/2012); Tinh thần dân chủ Phật giáo Việt Nam qua tiểu thuyết Đội gạo lên chùa của

Nguyễn Xuân Khánh của Văn Chinh (Văn nghệ, số 6/2012); Kiến giải về dân tộc trong Đội gạo lên chùa của Nguyễn Xuân Khánh của Đoàn Ánh Dương (Văn nghệ, số

4

Trang 11

27/2011); Cảm nhận đọc Đội gạo lên chùa của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh của Nguyễn Thanh Lâm (Tạp chí Nhà văn, số 8/ 2011); Đội gạo lên chùa - trong chùa và

ngoài chùa của Hoài Nam (http://daibieunhandan.vn )…

Gần đây nhất, cuốn sách Lịch sử và văn hoá - cái nhìn nghệ thuật Nguyễn Xuân

Khánh (Nguyễn Đăng Điệp chủ biên, 2012) đã chọn lọc các tham luận tham gia toạ

đàm về tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh do Viện Văn học và Nhà xuất bản Phụ nữphối hợp tổ chức nhân dịp nhà văn tròn 80 tuổi Đáng chú ý, một số tham luận đãnghiên cứu xâu chuỗi ba tác phẩm để đánh giá thành công và hạn chế của tiểu thuyếtNguyễn Xuân Khánh Có thể tóm lược một số ý kiến liên quan đến đề tài nghiên cứucủa chúng tôi như sau:

Tham luận Tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh - một diễn ngôn về lịch sử và văn

hoá của Nguyễn Đăng Điệp đã khẳng định cả ba tiểu thuyết, nhà văn trung thành lối

viết truyền thống, chỉ dùng thủ pháp hiện đại để làm sinh động lịch sử

Bùi Việt Thắng với tham luận Tiếp cận tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh từ

phương diện kết cấu thể loại đã tìm cách đối sánh với các tiểu thuyết ngắn đương đại

Việt Nam để khám phá đặc điểm của kết cấu tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh Đó làkết cấu đa tuyến có tầm khái quát rộng lớn, kết cấu “hoà âm lịch sử và tâm lí” mà ở đólịch sử được nhìn qua tâm lí nhân vật và ngược lại qua dòng chảy tâm lí mà biến cốlịch sử được tái hiện

Ở tham luận Tính đối thoại trong tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh, Thái

Phan Vàng Anh trên cơ sở tìm hiểu tính đối thoại - nét bản chất của tiểu thuyếthiện đại đã phân tích sâu sắc những dạng thức đối thoại trong tiểu thuyết NguyễnXuân Khánh Đặc biệt, bài viết đã có những nhận định xác đáng về đóng góp củanhà văn khi vận dụng kĩ thuật tự sự hiện đại Về điểm nhìn trần thuật: “ NguyễnXuân Khánh đã khước từ lối tự sự tiêu cự Zero với một điểm nhìn duy nhất Liêntục chuyển đổi điểm nhìn, chuyển đổi vai kể, ở cả ba tiểu thuyết, tác giả đã xử líkhá ổn thoả mối quan hệ giữa hư cấu và sự thực lịch sử” [22, 76] Về ngôn ngữ

và giọng điệu:“ Nhờ sự phối kết hợp lí giữa ngôn ngữ và giọng điệu, NguyễnXuân Khánh đã làm bật nên tính đa thanh cùng với những xung đột tư tưởng củatiểu thuyết” [22, 80] Giọng tự thuật và biện giải, chất vấn và hoài nghi cũng gópphần làm tăng tính đối thoại ở tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh

Trang 12

Một số luận văn thạc sĩ cũng đã nghiên cứu về đặc điểm tiểu thuyết lịch sử, vềthế giới nghệ thuật trong tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh

Hoàng Thị Thuý Hoà (2007) với đề tài Đặc điểm tiểu thuyết lịch sử Nguyễn

Xuân Khánh đã khẳng định đóng góp của nhà văn trong dòng văn học đương đại Từ

việc khảo sát hai tiểu thuyết Hồ Quý Ly và Mẫu Thượng Ngàn, luận văn đã phân tích,

luận giải hướng khai thác các vấn đề lịch sử, hư cấu lịch sử trong sáng tạo tiểu thuyết

và xác định những đặc sắc trong nghệ thuật thể hiện của Nguyễn Xuân Khánh [31]

Lê Thị Thuý Hậu (2009) với đề tài Thế giới nghệ thuật trong tiểu thuyết Hồ Quý

Ly và Mẫu Thượng Ngàn của Nguyễn Xuân Khánh bước đầu đã tìm hiểu tác phẩm của

tiểu thuyết gia 80 tuổi trên các mặt: nhân vật, không gian - thời gian, giọng điệu, ngôntừ, kết cấu, nghệ thuật trần thuật Cuối cùng, tác giả đi đến kết luận về sự đa dạng vàphong phú trong thế giới nghệ thuật của tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh và đóng gópcủa nhà văn cho nền văn học hiện đại [29] Luận văn thạc sĩ của tác giả Đào Thị Lý

tìm hiểu nhân vật trong hai tác phẩm Hồ Quý Ly và Mẫu Thượng Ngàn [42], …

Như vậy, các bài báo ngắn và một số luận văn thạc sĩ nghiên cứu về Hồ Quý Ly,

Mẫu Thượng Ngàn và Đội gạo lên chùa được trích dẫn ở trên chỉ xoay quanh vấn đề

văn hoá, phong tục và bước đầu lí giải những thành công về kĩ thuật viết văn cũng nhưhạn chế của ba tác phẩm Trong số những tài liệu chúng tôi có được đến nay, chưa cócông trình nghiên cứu nào đi vào tìm hiểu một cách hệ thống tiểu thuyết Nguyễn XuânKhánh từ góc độ thể loại

3 Đối tượng nghiên cứu và phạm vi tư liệu khảo sát

Lấy tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh từ góc nhìn thể loại làm đối tượng khảo sát, luận văn tập trung khảo sát: Hồ Quý Ly (Nxb Phụ nữ, 2002); Mẫu Thượng Ngàn (Nxb Phụ nữ, 2006); Đội gạo lên chùa (Nxb Phụ nữ, 2011)

4 Nhiệm vụ nghiên cứu

4.1 Đưa ra một cái nhìn chung về tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh trong bốicảnh tiểu thuyết Việt Nam thời kì đổi mới

4.2 Khảo sát tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh từ phương diện nội dung của thểloại (hệ thống cảm hứng, hệ thống hình tượng, )

4.3 Xác định, phân tích và lí giải một số đóng góp của tiểu thuyết Nguyễn XuânKhánh về thi pháp thể loại

6

Trang 13

Cuối cùng rút ra một số nhận xét về thi pháp thể loại của tiểu thuyết NguyễnXuân Khánh.

5 Phương pháp nghiên cứu

Luận văn chủ yếu sử dụng các phương pháp sau: phương pháp thống kê - miêutả; phương pháp so sánh - đối chiếu; phương pháp phân tích - tổng hợp; phương pháploại hình, phương pháp cấu trúc – hệ thống

6 Đóng góp và cấu trúc của luận văn

6.1 Đóng góp:

Luận văn là công trình khảo sát tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh với cái nhìntập trung và hệ thống

6.2 Cấu trúc của luận văn

Ngoài Mở đầu và Kết luận, Tài liệu tham khảo, nội dung chính của luận văn

gồm 3 chương:

Chương 1 Tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh trong bối cảnh tiểu thuyết Việt

Nam thời kì đổi mới

Chương 2 Tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh nhìn từ nội dung của thể loại Chương 3 Tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh từ góc nhìn thi pháp thể loại

Trang 14

Chương 1 TIỂU THUYẾT NGUYỄN XUÂN KHÁNH TRONG BỐI CẢNH TIỂU THUYẾT VIỆT NAM THỜI KÌ ĐỔI MỚI

1.1 Giới thuyết chung về tiểu thuyết

1.1.1 Khái niệm tiểu thuyết

Tiểu thuyết là thể loại giữ vai trò then chốt trong đời sống văn học nhân loại bởikhả năng riêng trong việc phản ánh hiện thực đời sống một cách khái quát, sinh động,sâu sắc và dân chủ nhất Thể loại này cũng được xem là “nhân vật chính” trên sânkhấu văn học hiện đại bởi tiểu thuyết gắn liền với quan niệm nhân bản về con người,nhìn con người như bản ngã cá nhân có ý thức

Xung quanh khái niệm tiểu thuyết còn có nhiều quan niệm khác nhau, vì “thể loạivăn chương duy nhất đang biến chuyển và còn chưa định hình… nòng cốt thể loại củatiểu thuyết chưa hề rắn lại và chúng ta chưa thể dự đoán được hết những khả nănguyển chuyển của nó” (M.Bakhtin) nên việc đi tìm một định nghĩa đầy đủ về tiểu thuyếtcó thể thích ứng cho mọi trường hợp trong thực tế văn học là điều khó có thể làmđược Các nhà lí luận, tuỳ theo góc nhìn và hoàn cảnh, phát biểu, khi thì nhấn mạnhđặc điểm này khi nhấn mạnh đặc điểm kia mà đưa ra quan điểm khác nhau về tiểuthuyết

Hêghen gọi tiểu thuyết là “Sử thi tư sản hiện đại” và nhấn mạnh tính chất “vănxuôi”của tiểu thuyết Đồng quan điểm với Hêghen, BanZac xem “Tiểu thuyết là nhữngtấn kịch của xã hội tư sản” Bêlinxki cho tiểu thuyết là “sự tái hiện thực tại với sự thựctrần trụi của nó”, là “xây dựng một bức tranh toàn vẹn, sinh động và thống nhất”.Bakhtin đề cập đến vai trò thể loại và khái quát đặc điểm riêng của thể loại tiểu thuyết.Ông xem thể loại là nhân vật chính của lịch sử văn học, trong đó tiểu thuyết là thể loạiquan trọng nhất, đang vận động biến đổi và chưa hoàn tất

Ở Việt Nam, khái niệm tiểu thuyết được nhiều nhà lí luận, nhà văn bàn đến nhưPhạm Quỳnh, Thanh Lãng, Nguyễn Văn Trung, Phan Cư Đệ, Trần Đình Sử, ThạchLam, Nguyễn công Hoan, Nguyễn Đình Thi … Chưa toàn diện song hầu hết các ý kiếnđã chỉ ra dấu hiệu đặc trưng của thể loại tiểu thuyết Phạm Quỳnh khẳng định “Tiểuthuyết là một loại truyện viết bằng văn xuôi đặt ra để tả tình tự người ta, phong tục xã

8

Trang 15

hội hay là những sự tích lạ đủ làm cho người đọc có hứng thú” [56; 12] Còn Nguyễn

Văn Trung trong “Những áng văn chương quốc ngữ đầu tiên” đề nghị hiểu tiểu thuyết

theo lối Tây phương “là một thể văn xuôi, kể một câu chuyện, tuy là tưởng tượngnhưng phải dựa vào thực tế đời sống hàng ngày, có thể có thực và người đọc không thểdự đoán trước mọi diễn biến hay kết thúc của câu chuyện kể (nghĩa là truyện khôngnhất thiết phải có hậu)

Theo Từ điển thuật ngữ văn học (do Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc

Phi đồng chủ biên), tiểu thuyết là “Tác phẩm tự sự cỡ lớn có khả năng phản ánh hiệnthực đời sống ở mọi giới hạn không gian và thời gian Tiểu thuyết có thể phản ánh sốphận của nhiều cuộc đời, những bức tranh phong tục, đạo đức xã hội, mô tả các điều

kiện sinh hoạt giai cấp, tái hiện nhiều tính cách đa dạng ” [26; 328]

1.1.2 Một số đặc trưng thi pháp cơ bản của tiểu thuyết

1.1.2.1 Tiểu thuyết nhìn cuộc sống dưới góc độ đời tư

Nhìn cuộc sống dưới góc độ đời tư là một trong những đặc trưng quan trọng hàng đầu của tiểu thuyết Bêlinxki từng nói “tiểu thuyết là sử thi của đời tư” bởi gắn liền khả năng phản ánh đời sống ở quy mô lớn, mở rộng về không gian, thời gian, nhân vật, sự kiện là năng lực đi sâu khám phá số phận cá nhân xoay quanh những góc khuất đời tư như tình yêu, hạnh phúc hoặc bất hạnh trong cuộc sống riêng tư Nếu sử thi thường quan tâm đến những vấn đề của cộng đồng, ngợi ca những con người anh hùng, những cá nhân tiêu biểu của cộng đồng thì tiểu thuyết cơ bản quan tâm đến những vấn đề bình thường, những con người, cá nhân có hoàn cảnh và số phận riêng Mỗi cuốn tiểu thuyết không phải là “một cuộc đời” được nhà văn “cưa” lấy một khoảnh khắc có ý nghĩa để thể hiện ý đồ nghệ thuật mà là câu chuyện của nhiều cuộc đời với những thăng trầm của số phận, những bi kịch cá nhân… Đó là số phận của Anđrây, Natasa, Pie, Mary

(Chiến tranh và hoà bình - L.Tônxtôi), Grigôri, Acxênhia, Natalia (Sông Đông êm

đềm - Sôlôkhôp), Thứ, Oanh, San (Sống mòn - Nam Cao), nghị Hách, Long, Mịch,

Tú Anh (Giông Tố - Vũ Trọng Phụng), Kiên, Phương (Nỗi buồn chiến tranh - Bảo

Ninh)… Mỗi cuộc đời là một ô cửa mà nhà văn dụng công trổ ra để phản ánh thực tại đang biến đổi bằng cảm quan của riêng mình

Trang 16

Dưới góc độ đời tư, tiểu thuyết nhìn con người ở tính người, chất người đích thực trong “tổng hoà các mối quan hệ xã hội” với những góc khuất: tốt - xấu, cao cả - thấp hèn… Bakhtin thật có lí khi cho rằng: “Nhân vật tiểu thuyết không nên là “anh hùng” trong cái nghĩa sử thi và bi kịch của từ đó, mà nên thống nhất trong bản thân các nét vừa chính diện vừa phản diện, vừa tầm thường, vừa cao cả, vừa buồn cười, vừa nghiêm túc” Nhà văn Thạch Lam khi bàn về nhân vật tiểu thuyết đã phủ nhận quan niệm “vai chính hoàn toàn” của tiểu thuyết: “Cái hoàn toàn tốt hay cái hoàn toàn xấu không có ở trên đời, đó là một điều ai cũng biết Người ta là một động vật rất phiền phức…Người ta là người với những sự cao quý và hèn hạ của người” Tuy nhiên, tuỳ vào từng thời

kì nhất định mà cái nhìn đời tư có thể kết hợp với các chủ đề thế sự hoặc lịch sử dân tộc Khi yếu tố đời tư càng phát triển thì chất tiểu thuyết càng tăng và ngược lại, khi yếu tố lịch sử càng phát triển thì chất sử thi càng đậm nét

1.1.2.2 Chất văn xuôi

Chất văn xuôi làm cho thể loại này khác biệt với truyện thơ, trường ca, sử thi.Với tâm thế phơi bày sự thật, không thi vị hoá, lãng mạn hoá cuộc sống, đặc điểm nàytạo nên một trường lực mạnh mẽ để tiểu thuyết hấp thụ cái “hiện tại chưa hoàn thành”ở tất cả các yếu tố ngổn ngang, bề bộn của cuộc đời, bao hàm cái cao cả lẫn cái tầmthường, nghiêm túc và buồn cười, bi và hài… Chất văn xuôi cũng biến tiểu thuyếtthành thể loại có “sở trường” trong miêu tả tâm lí nhân vật, đào xới tận cùng nhữngbiến thái tinh vi trong đời sống tâm hồn con người Các thể loại khác, trên quỹ đạo củavăn học hiện đại, có thể bị “tiểu thuyết hoá” nhưng không thể dung nạp chất văn xuôi

như một đặc trưng của nội dung thể loại như ở tiểu thuyết Chất văn xuôi thể hiện rất

rõ trong các tiểu thuyết của Banzac, Xtanđan, Phlobe, Đôtxtôiepxki, Sêkhop, VũTrọng Phụng, Nam Cao, Nguyễn Khải, Bảo Ninh… Chính chất văn xuôi tạo ra mộtvùng tiếp xúc tối đa với thời hiện tại đang sinh thành, cho phép tiểu thuyết phơi bàyđến tận cùng sự phức tạp muôn màu của hiện thực đời sống…

1.1.2.3 Nhân vật tiểu thuyết thường là “con người nếm trải”

Đây là thuật ngữ vận dụng ý tưởng của Bakhtin nhằm chỉ những nhân vật phảichịu rất nhiều những trải nghiệm trong cuộc đời với bao nhiêu thăng trầm, biến đổi,suy nghĩ, dằn vặt đau khổ và có sự lớn lên, trưởng thành trong ý thức, tư duy Nếu

10

Trang 17

nhân vật sử thi tương đối đơn giản và thường là nhân vật hành động thì nhân vật tiểuthuyết là “con người trong con người”, “con người không trùng khít với chính nó”(Bakhtin) Nghĩa là nhân cách con người tiểu thuyết phức tạp hơn nhiều so với nhữnglược đồ đơn giản về vị thế, giới tính, giai cấp của chính họ Chính vì thế, khác với sửthi cổ đại và truyện trung đại, tiểu thuyết thường tìm mọi cách thâm nhập, khám pháthế giới bên trong của con người để phát hiện ra những bí ẩn trong chiều sâu tâm hồn

họ, kể cả đường biên mong manh giữa tốt - xấu, cao cả - thấp hèn

Để thực sự có được những “con người nếm trải” trong tiểu thuyết, nhà văn phảinhìn thấy logic của tính cách và mối quan hệ giữa con người với hoàn cảnh Trong tiểuthuyết trung đại (và văn xuôi trung đại nói chung), tính cách nhân vật ổn định và nếucó biến đổi thì cũng biến đổi trong khuôn khổ tính cách đã có từ trước Tiểu thuyếtlãng mạn cũng chưa phát hiện ra tính logic của tính cách mà chủ yếu lí giải sự biến đổicủa con người dựa trên ý chí, nội lực bản thân, vì vậy nhân vật lãng mạn ít so đo tínhtoán hay dằn vặt nội tâm Phải đến chủ nghĩa hiện thực trở đi, tiểu thuyết mới thực sựcó những nhân vật lớn lên, trưởng thành trong ý thức, tư duy bởi chủ nghĩa hiện thựcphát hiện ra mối quan hệ giữa con người với hoàn cảnh, tìm thấy tư duy phân tích xã

hội và “phép biện chứng của tâm hồn” Những nhân vật như Juyliêng, Xoren (Đỏ và

Đen), Anđrây (Chiến tranh và hoà bình) , Anna Karênina (Anna Karênina) Grigôri

Mêlêkhôv (Sông Đông êm đềm), Long (Giông tố), Thứ (Sống mòn)… đều là những

con người nếm trải và tư duy

1.1.2.4 Sự gia tăng vai trò của các yếu tố ngoài cốt truyện

Trong truyện cổ dân gian và văn xuôi trung đại, cốt truyện đóng vai trò quan trọngnhất, cốt truyện lấn át nhân vật Đến tiểu thuyết hiện đại, cốt truyện được đơn giản hoá,nhiều khi rất khó kể lại… Vốn là thể loại dài hơi, quy mô phản ánh sâu rộng, tất yếu khivai trò cốt truyện giảm bớt thì vai trò của nhân vật, sự kiện, tình tiết … được gia tăng.Chính vì thế, tiểu thuyết có rất nhiều yếu tố “thừa" như suy tư của nhân vật về thế giới, vềđời người, sự miêu tả môi trường, đồ vật, sự phân tích cặn kẽ diễn biến tình cảm, trình bàytường tận tiểu sử nhân vật, bình luận của người trần thuật… Những yếu tố này nhiều khiđược miêu tả một cách tỉ mỉ, chi tiết nhằm hướng tới một mục đích nghệ thuật nhất định.Đọc tiểu thuyết lãng mạn, người đọc thường bị hấp dẫn bởi những trang viết về thiênnhiên, miêu tả nội tâm nhân vật Tiểu thuyết hiện thực thiên về phân tích tâm lí nhân vật,

Trang 18

mô tả môi trường sống để lí giải, cắt nghĩa mối quan hệ biện chứng giữa hoàn cảnh và tínhcách Tiểu thuyết sử thi quan tâm miêu tả môi trường cộng đồng, tập thể với tâm thế ngợica… Những yếu tố thừa này góp phần không nhỏ trong việc tạo dựng dấu ấn cá nhân

của từng nhà văn và đưa lại sinh mệnh sống thực sự cho từng tác phẩm

1.1.2.5 Rút ngắn khoảng cách trần thuật

Nếu trong sử thi giữa người trần thuật và đối tượng luôn tồn tại khoảng cáchtuyệt đối để thành kính, ngưỡng mộ, tôn sùng thì tiểu thuyết xoá bỏ khoảng cách này.Điểm nhìn trần thuật trong tiểu thuyết ở thì hiện tại, ở cái chưa hoàn thành, do đóngười trần thuật có thể tiếp xúc, nhìn nhận các nhân vật một cách gần gũi như ngườibình thường, có thể hiểu họ bằng kinh nghiệm của mình Đặc điểm này làm cho tiểuthuyết trở thành thể loại dân chủ, cho phép người trần thuật có thái độ thân mật, thậmchí suồng sã đối với nhân vật Đồng thời, thể loại này cũng cho phép nhìn sự vật từnhiều chiều, sử dụng nhiều giọng nói tạo nên sự đối thoại giữa nhiều giọng khác nhau

mà ta gọi là đa thanh, đa giọng

1.1.2.6 Tính chất tổng hợp của thể loại

Tiểu thuyết là thể loại có khả năng tổng hợp nhiều nhất những đặc trưngnghệ thuật của các loại hình nghệ thuật khác Nó có thể dung nạp phong cáchnghệ thuật của các thể loại văn học khác như thơ, kịch, kí… và các thủ phápnghệ thuật của những loại hình ngoại biên như hội họa, âm nhạc, điêu khắc, điệnảnh, thậm chí cả các bộ môn khoa học khác như tâm lý học, phân tâm học, đạođức học và các bộ môn khoa học tự nhiên, khoa học viễn tưởng khác Nhiềuthiên tài nghệ thuật đã định hình phong cách từ khả năng tổng hợp này của thểloại như L.Tônxtôi với tiểu thuyết - sử thi, Đôtxtôiepxki với thể loại tiểu thuyết -kịch, Solokhop với tiểu thuyết anh hùng ca - trữ tình, Macxen Pruxt với tiểuthuyết tâm lí - trữ tình, Gorky với tiểu thuyết thế sự - trữ tình, Roman Rolandvới tiểu thuyết - giao hưởng

1.2 Một số thành tựu cơ bản của tiểu thuyết Việt Nam thời kì đổi mới

1.2.1 Đổi mới tư duy nghệ thuật gắn với quan niệm nghệ thuật mới về con

người, về hiện thực, về vị trí, chức năng của văn học

1.2.1.1 Quan niệm nghệ thuật mới về con người

12

Trang 19

Quan niệm nghệ thuật về con người là sự lí giải, cắt nghĩa, sự cảm thấy conngười được hoá thân thành các nguyên tắc, phương tiện, biện pháp thể hiện con ngườitrong văn học, tạo nên giá trị nghệ thuật và thẩm mĩ cho các hình tượng nghệ thuậttrong đó Một nền văn học mới bao giờ cũng được bắt đầu từ việc đổi mới trong quanniệm nghệ thuật về con người

Nếu con người trong tiểu thuyết 1945 - 1975 được nhìn nhận chủ yếu ở phươngdiện công dân, trách nhiệm với cộng đồng thì con người trong tiểu thuyết sau 1986được nhận thức đầy đủ, toàn diện và sâu sắc hơn Đó là con người cá nhân, con ngườiđời thường tồn tại trong mối quan hệ với xã hội, với tự nhiên và với chính mình -những quan hệ mà trước đây do nhu cầu của đời sống thời chiến đã không được chú ýmột cách thích đáng Nhà văn đặt con người trong nhiều mối quan hệ xã hội phức tạp,nhìn nhận con người như là tổng hoà các mặt đối lập: sáng - tối, thiện - ác, cao cả -thấp hèn Đặc biệt, không bị ám ảnh bởi cái nhìn sử thi, tiểu thuyết đi sâu phân tích

bi kịch cá nhân thời hậu chiến và khi đụng chạm mặt trái cơ chế thị trường phải đốidiện thường trực với nhiều con người trong một con người Giang Minh Sài trong

Thời xa vắng, Hoan, Khiêm trong Ngược dòng nước lũ, Bối trong Ba người khác, anh

Khải trong Thượng đế thì cười… là những con người bi kịch như thế

Con người bản năng với những ham muốn, những dục vọng, thậm chí cả tìnhdục cũng không còn là cấm kị trong văn học Tiểu thuyết sau đổi mới, nhất là tiểuthuyết những năm đầu thế kỉ XXI, yếu tố tình dục xuất hiện khá dày đặc Không nhằm

“lạ hoá” để câu khách mà sex có ngôn ngữ và đời sống riêng của nó Sex được nhìnnhận như một phần cuộc sống, một nhu cầu tự nhiên và khát vọng chính đáng của conngười trên hành trình tìm kiếm hạnh phúc đích thực Khai thác các yếu tố tích cực củacon người tự nhiên, ứng xử với nó một cách văn hoá là khía cạnh nhân bản của tiểuthuyết giai đoạn này

Tiểu thuyết cũng không ngần ngại khám phá đời sống tâm linh để thâm nhập và

lí giải chiều sâu bí ẩn trong tâm hồn con người Đó là thế giới của cõi vô thức, tiềmthức, giấc mơ…Và xu hướng huyền thoại hoá con người để nhân vật hiện diện với sứcmạnh bí ẩn, có những hành động lạ lẫm, kì quặc, khó giải thích theo nhận thức thông

thường xuất hiện nhiều trong tiểu thuyết thời kì này như Thiên sứ của Phạm Thị Hoài,

Trang 20

Thiên thần sám hối của Tạ Duy Anh, Cõi người rung chuông tận thế của Hồ Anh Thái, Người sông Mê của Châu Diên, Mẫu Thượng Ngàn của Nguyễn Xuân Khánh…

Như vậy, con người không phải là lát cắt nguyên phiến mà luôn tồn tại trongnhiều mối quan hệ đa chiều, mang nhiều sắc thái đối lập và luôn tiềm ẩn sức mạnh kìlạ bên trong đòi hỏi người nghệ sĩ khơi mở, khám phá Đô ̉i mới quan niệm về conngười trong tiểu thuyết thời kì đổi mới là kết quả của sự vận động tất yếu trong nội tạinền văn học khi mà mối quan hệ giữa văn học và đời sống luôn khăng khít, hiện thựcluôn là đối tượng phản ánh của văn học

1.2.1.2 Quan niệm mới về hiện thực, về vị trí, chức năng của văn học

Với phương châm nhìn thẳng vào sự thật, hiện thực giờ đây không đơn thuần là

vấn đề chiến tranh, cách mạng mà là hiện thực hàng ngày với các mối quan hệ thế sựvốn phức tạp, chằng chịt mạch nổi mạch ngầm trong cuộc sống Hàng loạt vấn đề nónghổi được đặt ra đòi hỏi nhà văn phải tỉnh táo và sâu sắc trong nhận thức, lí giải, đánhgiá vấn đề như mối quan hệ giữa cá nhân và cộng đồng, xung đột giữa truyền thống vàhiện đại, vấn đề chiến tranh và cách mạng, vấn đề văn hoá, tín ngưỡng … Đây là tháchthức lớn đối với nhà văn bởi hiện thực không nguyên phiến, đơn giản, một chiều mà

“đa sự”, “đa đoan”, nhiều khi rất khó nắm bắt

Văn học là hiện tượng đa chức năng Xét đến cùng sứ mệnh của văn họckhông nằm ngoài mục đích cải tạo thế giới, đấu tranh vì sự tiến bộ của con người.Phát triển trong bối cảnh đất nước bước vào công cuộc đổi mới, tiểu thuyết ViệtNam một mặt vẫn kiên trì mục tiêu đấu tranh cách mạng, mặt khác nhấn mạnh đếnmục tiêu chiến đấu vì quyền sống của từng cá nhân con người Thế nên, hơn baogiờ hết, đời tư cá nhân, bi kịch con người giữa đời thường được đặt ra với ý thứcphản tỉnh ráo riết nhằm nhận thức nó trong tất cả mối quan hệ xã hội phức tạp vốncó Bên cạnh đó, nhiều vấn đề về lịch sử, về hiện thực mà một thời xem chuẩn mựcđược nhận thức lại, nhiều “cấm địa”, thậm chí kiêng kị bị kìm nén bấy lâu nay, tự

do bung toả như sex, thế giới tâm linh, cõi tiềm thức, vô thức,… Tiểu thuyết trởthành “vũ khí phê bình” đắc lực đấu tranh cho giá trị nhân bản của cá nhân conngười Mặt khác, đề cao chức năng giải trí của văn chương, tiểu thuyết quan tâmnhiều đến khoái cảm thẩm mĩ và là “sân chơi” để nhà văn và độc giả cùng sángtạo, cùng đối thoại về các vấn đề đời sống

14

Trang 21

Một thành tựu đáng chú ý của tiểu thuyết sau 1986 là sự xuất hiện của nhữngnhà văn và độc giả mới “không hề bị vướng mắc bởi cái nhìn sử thi” (Hoàng NgọcHiến) Nhà văn tự do sáng tạo và lí giải những vấn đề đời sống bằng kinh nghiệm và ýhướng cá nhân Độc giả cũng tự do lựa chọn món ăn tinh thần, tự do bày tỏ quan điểm,đòi hỏi được trải nghiệm, khám phá mình trên những trang sách, kể cả đối thoại vớinhà văn, với nhân vật để nhận thức về đời sống

1.2.2 Đổi mới thi pháp

1.2.2.1 Sự đa dạng về bút pháp

Những đổi mới trong tư duy nghệ thuật đã tiếp sức cho nhà văn tìm kiếm nhữngphương thức biểu hiện mới trong việc khám phá đời sống vốn phong phú và đa dạng.Có thể kể đến một số bút pháp nổi trội được nhiều nhà văn sử dụng trong tác phẩmnhư bút pháp kì ảo, bút pháp giễu nhại, bút pháp tả thực mới…

Bút pháp kì ảo là một trong những cách thức chiếm lĩnh đời sống được nhiều

cây bút của văn học thời kì đổi mới sử dụng Tác phẩm được xem có yếu tố kì ảo khi

“Có sự thâm nhập hợp lí của yếu tố “hư”, yếu tố “ảo” vào cái “thực” để tạo nên nhữngtác phẩm văn chương, vừa có tính hiện thực, nhân văn, vừa kích thích óc tưởng tượngtích cực của người đọc, tạo ra những hình tượng đa nghĩa, có kết cấu mở, giúp người đọccó thể đồng sáng tạo với nhà văn” [18, 169] Bút pháp kì ảo vốn rất quen thuộc trong các

truyện cổ dân gian hay các tác phẩm văn học trung đại như Việt điện u linh, Lĩnh Nam

chích quái, Thanh Tông di thảo, Truyền kì mạn lục … Đến văn học hiện đại, người đọc

biết đến một thế giới “liêu trai”, hoang đường, rùng rợn qua tác phẩm của những nhà văntài hoa có phong cách độc đáo như Thế Lữ, Nguyễn Tuân, Nhất Linh Ba mươi nămchiến tranh, với nhiệm vụ trở thành vũ khí trên mặt trận văn hoá tư tưởng, yếu tố kì ảotrở nên lạc lõng trong văn học Văn học thời kì đổi mới đánh dấu sự hồi sinh mạnh mẽcủa văn xuôi kì ảo nói chung và tiểu thuyết kì ảo nói riêng Bởi hình thức cuộc sống mới

và hiện thực tâm hồn con người mới luôn chứa đựng những điều kì bí mà cách nhìnthông thường không dễ tiếp cận và lí giải nổi Nhiều cây bút như Phạm Thị Hoài, TạDuy Anh, Hồ Anh Thái, Châu Diên, Võ Thị Hảo, Nguyễn Xuân Khánh… trong tácphẩm của mình đã sáng tạo ra một thế giới kì ảo mà cái thực và cái hư trộn lẫn, nhậpnhoằng những suy tư, dằn vặt về lương tâm, nghĩa vụ của con người trước cuộc đời

Được “cởi trói” bởi tư tưởng dân chủ, tiểu thuyết gia đương đại sử dụng bút

Trang 22

pháp giễu nhại như là cách để “giải thiêng” và tiếp cận đời sống trong tính đa nguyên,

phi quy phạm Nhiều nhà văn sử dụng bút pháp giễu nhại như Nguyễn Khải, Phạm ThịHoài, Thuận… nhưng thành công nhất phải kể đến Hồ Anh Thái Tác giả nhại tên tácphẩm, nhại hành động nhân vật, nhại ca khúc nghệ thuật, nhại ca dao, tục ngữ … Bútpháp giễu nhại luôn đi liền với tinh thần phê phán những cái xấu xa, “dị biệt” trongcuộc sống mà chúng ta không thể dung túng, buông tha

Bút pháp tả thực mới có khả năng phản ánh hiện thực đa chiều, phức tạp

Nếu bút pháp hiện thực trước đây xem hiện thực trong tác phẩm có cấu trúc đồng đẳngvới hiện thực ngoài đời, hoặc ít nhiều thi vị hoá hiện thực thì bút pháp tả thực mớiphản ánh cuộc sống và con người trong tính chất phức tạp, đa chiều Nghĩa là hiệnthực với tư cách đối tượng phản ánh phải là đời thường, đời tư với những số phận cánhân bi kịch, những ẩn ức bên trong, tiềm thức, vô thức… kể cả những điều vốn đượcxem là kiêng kị trong văn học truyền thống Bút pháp hiện thực mới tôn trọng cá tínhsáng tạo của nhà văn, để họ tự nói lên chính kiến cá nhân chứ không nhân danh tậpthể, cộng đồng Từ đây nhiều vấn đề lịch sử được “nhận thức lại” một cách sâu sắcnhư tư tưởng bảo thủ, thói gia trưởng, tâm lí tiểu nông, tâm lí nô lệ, nhiệt tình cáchmạng, giáo điều, máy móc… Đây chính là cản trở lớn trên con đường xây dựng xã hội

mới Thời xa vắng của Lê Lựu, Ba người khác của Tô Hoài, Mảnh đất lắm người

nhiều ma của Nguyễn Khắc Trường, Dòng sông Mía của Đào Thắng… là những tiểu

thuyết khai thác sâu sắc những vấn đề cần nhận thức lại này

1.2.2.2 Đổi mới kết cấu và nghệ thuật xây dựng nhân vật

Tiểu thuyết truyền thống thường triển khai kết cấu theo trình tự thời gian Kếtcấu này gắn chặt với cách tổ chức cốt truyện sự kiện, men theo dòng đời của nhân vật.Tiểu thuyết thời kì đổi mới, bên cạnh những nhà văn vẫn trung thành với kiểu kết cấutruyền thống thì nhiều tác giả đã tìm tòi, thử nghiệm kiểu kết cấu lắp ghép, phân mảnh,đồng hiện Kiểu kết cấu này dựa trên kĩ thuật lắp ghép (collage) của điện ảnh Ở đó, cấutrúc truyện có vẻ rời rạc, lỏng lẻo, nội dung được kể không tuân theo logic nhân quả,thường triển khai theo mạch vận động của dòng ý thức, cái ảo và thực đan xen nhau, cácđoạn hội thoại không đặt nặng tính hô ứng rõ rệt, câu chuyện thường hình thành theokiểu chuyện nọ xọ chuyện kia… Cốt truyện, vì thế ít theo mạch tuyến tính, lỏng lẻo vàrất khó tóm tắt Cốt truyện “truyện lồng trong truyện”, “tiểu thuyết trong tiểu thuyết” rất

16

Trang 23

được các nhà văn đương đại yêu thích như Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, Cơ hội

của Chúa, Khải huyền muộn của Nguyễn Việt Hà, Thoạt kì thuỷ của Nguyễn Bình

Phương… Những hình thức kĩ thuật tạo dựng kết cấu này góp phần thể hiện các tínhsáng tạo của nhà văn Họ đang chơi trò chơi kết cấu trong lãnh địa tiểu thuyết của mình

Xây dựng nhân vật theo lối ẩn danh, có có nghĩa là thông tin cá nhân của nhânvật bị mờ hoá đang là xu hướng chủ yếu của tiểu thuyết sau thời kì đổi mới Nhân vậtkhông nhất thiết phải có một bộ hồ sơ đầy đủ về bản thân như tiểu thuyết truyền thống

mà chỉ là những “mảnh vỡ” về ngoại hình, về tính cách, thậm chí cả cái tên của nócũng không có, hoặc có nhưng không rõ ràng, không ám ảnh Chẳng hạn, nhân vật T

trong T mất tích của Thuận, tiến sĩ N trong Đi tìm nhân vật của Tạ Duy Anh hoặc nhân

vật được mô hình hoá trong Thiên sứ của Phạm Thị Hoài Thiên sứ chỉ đánh số 2 mô

hình I (Quang lùn) và II (Hùng), nhưng người đọc cũng có thể tăng con số đó lênthành mô hình III (người đàn bà công dân), mô hình IV (người không mặt)… Mỗi môhình cũng được coi là một lời cảnh báo đối với con người đang dần đi vào quá trình xơcứng hoá, lược đồ hoá bởi những ảo tưởng về văn minh và bị trói chặt trong những

thiết chế của nó Nhân vật Khẩn trong Ngồi của Nguyễn Bình Phương lúc đầu không

có tên mà chỉ là dấu ba chấm, tiếp đó chỗ ba chấm được thay thế dần bằng “h” đến

“ẩn” rồi “hẩn” và cuối cùng là “Khẩn” Được biểu diễn theo nguyên tắc lộ rõ dần, nhàvăn đã vẽ nên chân dung một loại người trong xã hội Họ làm việc trong công sở Nhànước, nhàn rỗi đến nhàm chán, không có việc gì quan trọng, ngoài việc tán gẫu và dễdãi trong chuyện ngoại tình Tiểu thuyết đương đại không quá chú trọng đến sự hoànchỉnh về tính cách bởi bản thân cuộc sống luôn chứa nhiều bất định, nhiều khi khôngđáng tin cậy mà một nhân vật điển hình không thể đại diện hết được Mờ hoá nhân vậtlàm cho nhân vật tiểu thuyết trở nên sống động, hấp dẫn hơn

1.2.2.3 Sự gia tăng các thủ pháp nghệ thuật tự sự hiện đại

Khước từ mô hình đại tự sự, xuất phát từ quan niệm về một hiện thực phi trậttự, chưa hoàn kết, không đáng tin cậy, nhà văn xem tiểu thuyết như lãnh địa của tròchơi để thể nghiệm những mô hình thế giới do mình tạo ra và đối thoại cùng độc giả.Nhiều kĩ thuật tự sự hiện đại được lựa chọn (dòng ý thức, đồng hiện, lắp ghép, phânmảnh…) như là phương tiện hữu hiệu để nhà văn chuyển thông điệp thẩm mĩ đến vớingười đọc

Trang 24

Dòng ý thức là sự tái hiện trực tiếp đời sống nội tâm, những cảm xúc, những

liên tưởng ở con người Ở đó, những tư tưởng, cảm xúc, liên tưởng bất chợt luôn lấnát, đan bện vào nhau, nhiều khi rất “phi logic’ Dòng ý thức là một dạng đặc biệt củađộc thoại nội tâm… Tiểu thuyết 1945 - 1975 nặng tính duy lý nên tiếng nói nội tâmnhân vật chủ yếu là phát ngôn của ý chí, lý tưởng của con người thời đại Cuộc sốngsau đổi mới nẩy sinh nhiều vấn đề phức tạp, chứa nhiều bất định nên đời sống tâm hồncon người cũng đa dạng và khó nắm bắt hơn Kĩ thuật dòng ý thức cho phép nhà văn đisâu vào thế giới nội tâm, vùng mờ của ý thức, tiềm thức, vô thức của con người bằngcách sắp xếp, trộn lẫn, đồng hiện các mảnh ghép cảm xúc, những dòng suy tưởng, liên

tưởng, hồi ức, hoài niệm, giấc mơ… Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh là cuốn tiểu

thuyết đi được xa nhất trong việc sử dụng bút pháp này để miêu tả tâm trạng cô đơn,không thể hoà nhập với cuộc sống thực tại và luôn chìm đắm trong hồi ức, mộng mị

đứt nối Người sông Mê của Châu Diên miêu tả dòng ý thức phân lập, lẫn lộn, kì quặc

của người sống trong trạng thái mê mê tỉnh tỉnh không phân biệt được mình là Hươnghay Hoa, sống hay đã chết

Đồng hiện vốn là kĩ thuật của điện ảnh nhưng được nhà văn sử dụng như một

bút pháp để đào sâu vào thế giới tâm linh của con người Kĩ thuật đồng hiện có khảnăng xoá bỏ sự ngăn cách của các thời quá khứ - hiện tại - tương lai Ở đó, hiện tại,hồi tưởng, ảo giác, giấc mơ được xáo trộn theo chủ đích nghệ thuật của nhà văn và từkhoảnh khắc tâm lí dó, các vỉa tầng hiện thực và tâm thức nhân vật được đào xới Cóthể đồng hiện về không gian, thời gian và các bình diện tâm lí nhân vật Cùng với kĩthuật dòng ý thức, thủ pháp đồng hiện có khả năng dịch chuyển điểm nhìn từ bênngoài vào bên trong và như thế độc giả dễ dàng nắm bắt những trạng thái tâm lí phức

tạp, tinh vi của nhân vật Nhân vật Kiên trong Nỗi buồn chiến tranh luôn có những

tạt ngang về thời gian, không gian nhất là khi anh một lúc mộng mị về tình yêu với

Phương và mộng mị về chiến tranh Trong Giàn thiêu, Võ Thị Hảo để cho nhân vật

Thần Tông luôn đi về giữa hai tầng vô thức và hữu thức khi chứng kiến lễ hành hìnhcung nữ Ngạn La Kĩ thuật đồng hiện giúp nhà văn miêu tả những chuyển động thẳmsâu trong tâm hồn nhân vật

Lắp ghép vốn là thuật ngữ điện ảnh nhưng được sử dụng rộng rãi trong tự sự

hiện đại Kĩ thuật lắp ghép là sự pha trộn, sắp xếp các hiện tượng xa nhau nhưng

18

Trang 25

được đặt cạnh nhau để tạo ra những lớp nghĩa mới Tiểu thuyết đương đại thườngpha trộn các biểu tượng, các yếu tố kì ảo và giấc mơ khiến cho hiện thực thấm đẫmchất siêu thực Xuyên qua biểu tượng, huyền thoại và giấc mơ đó, người đọc sẽ “lọc”

ra chất hiện thực được phản ánh và nắm bắt được ý đồ nghệ thuật của nhà văn Bé

Hon trong Thiên sứ của Phạm Thị Hoài, nhân vật bào thai trong Thiên thần sám hối

của Tạ Duy Anh là những biểu tượng huyền thoại sinh động, là hiện thân của cái đẹp

trong sáng giữa cuộc đời lạnh lùng, ô trọc Tiểu thuyết Người sông Mê của Châu Diên,

Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, Ngồi của Nguyễn Bình Phương… cũng dày đặc

những mộng mị, nhân vật thường đi về giữa tầng hữu thức và vô thức, giữa cõi thực

và mộng, mê và tỉnh Tiểu thuyết đương đại còn có sự lắp ghép nhiều thể loại nhưthơ, truyện, tiểu luận, cổ tích, huyền thoại, đồng giao… tạo nên sự phức hợp điểmnhìn trần thuật, giúp nhà văn khám phá đời sống từ nhiều góc độ khác nhau

Ngoài một số thủ pháp nghệ thuật tự sự trên, tiểu thuyết thời kì đổi mới còn sửdụng các thủ pháp khác như: thủ pháp huyền thoại hoá, phân mảnh, cắt dán… để giatăng tính hiện đại cho tiểu thuyết Những kĩ thuật hiện đại này có khả năng phá vỡmạch tuyến tính của kết cấu tác phẩm, phân rã cốt truyện, giảm thiểu vai trò của sựkiện, dịch chuyển vào bên trong, xoá nhoà khoảng cách giữa người trần thuật và nhânvật nhằm giúp người đọc đồng thời trải nghiệm nhiều cung bậc tâm lí khác nhau củanhân vật Trong tiểu thuyết đổi mới, chúng tôi thấy những thủ pháp này thường đượcvận dụng phối hợp và xuyên thấm vào nhau tạo nên sự lạ hoá, hấp dẫn của tiểu thuyếtgiai đoạn này so với tiểu thuyết truyền thống

1.2.2.4 Đổi mới về phương thức trần thuật

Trước hết cần nói đến đổi mới điểm nhìn trần thuật Điểm nhìn trần thuật có thể

hiểu là vị trí của người kể chuyện quan sát, cảm thụ và miêu tả, đánh giá đối tượng Sovới tiểu thuyết truyền thống, tiểu thuyết thời kì đổi mới có sự đa dạng hóa điểm nhìntrần thuật và dịch chuyển điểm nhìn trần thuật Thay vì toàn bộ mạch chuyện được xáclập bởi điểm nhìn từ một người kể chuyện toàn tri, đáng tin cậy, tiểu thuyết theo xuhướng hiện đại thường lựa chọn trần thuật từ điểm nhìn của người kể chuyện khôngbiết hết, thậm chí không đáng tin cậy, hoặc điểm nhìn từ những con người dị biệt, khác

thường (Trong Thiên thần sám hối là một thai nhi, ở Thoạt kì thủy là một người điên

loạn) Điểm nhìn trần thuật có sự đan xen và dịch chuyển liên tục tạo nên tính linh hoạt

Trang 26

và uyển chuyển trong nghệ thuật dẫn chuyện Người kể chuyện có khi ở ngôi 3, khi lạiở ngôi 1 xưng tôi, hoặc có khi được trao cho các nhân vật khác trong tiểu thuyết Điểmnhìn của người kể chuyện và nhân vật có khi song song tồn tại, có khi “trùng khít”,đan bện vào nhau rất khó phân biệt rạch ròi Đây là lúc cái nhìn trần thuật có sự dịchchuyển từ bên ngoài vào bên trong Nghĩa là người kể chuyện đã nhập thân vào nhânvật, nhìn thế giới và trình bày cảm nhận bằng chính cảm nhận của nhân vật chứ không

đứng ở vị trí bên ngoài để quan sát và miêu tả đối tượng Trong các tiểu thuyết Cơ hội

của Chúa, Nỗi buồn chiến tranh, Hồ Quý Ly, Mẫu Thượng Ngàn, Giã biệt bóng tối, Khải huyền muộn, Phiên bản… điểm nhìn trần thuật có sự dịch chuyển linh hoạt như

thế Chính điều này tạo nên tính phức điệu, đa âm và gia tăng tính đối thoại ở tiểuthuyết đương đại

Thứ hai là đổi mới ngôn ngữ trần thuật Từ chối thứ ngôn ngữ diễm lệ, mượt

mà của chủ nghĩa lãng mạn, ngôn ngữ giàu chất thơ của văn học cách mạng, tiểuthuyết đương đại đã có những bước chuyển mình, bứt phá khi tạo ra thứ ngôn ngữ đathanh vừa giàu sắc thái đời thường vừa giàu chất triết lí, suy tư Đó là thứ ngôn ngữgóc cạnh, thô ráp, thậm chí thô tục Không còn bị ràng buộc bởi những tín điều đạođức luân lí, khát vọng diễn đạt chân thật cái đời sống “đa sự”, con người “đa đoan”,nhà văn thẳng thắn trong cách định danh, định tính, suồng sã trong giọng điệu, thànhphần khẩu ngữ gia tăng và cú pháp cũng linh hoạt mềm mại hơn Không khó để tìmthấy những lời trần thuật như: “chúng ta chỉ thu nhận những đức tin đã đóng gói và

chế biến sẵn”, “nền âm nhạc thiếu tự tin của chúng ta”( Thiên sứ), “Con này dáng người tạm được nhưng răng hơi lộ và thối mồm” (Cõi người rung chuông tận thế)

hoặc “lạ hoá” ngôn ngữ: “Tóc tôi lên cơn sốt”, “ngôi sao lùn”, “bán đứng V.Hugo cho

nền kinh doanh nước đá”, “các phụ tùng đời sống” (Thiên sứ)… Thứ ngôn ngữ này có

khả năng kéo văn chương gần cuộc sống và diễn đạt chân thực trạng thái xô bồ, hỗnloạn của đời sống hiện đại

Bên cạnh ngôn ngữ đối thoại, ngôn ngữ độc thoại nội tâm giàu tính hướng nội,đậm chất trữ tình là phương tiện hữu hiệu để nhà văn đi sâu vào trạng thái tâm lí chập

chờn, đứt nối, mong manh, mơ hồ và hư ảo của tâm thức con người Có thể coi Nỗi

buồn chiến tranh của Bảo Ninh, Tấm ván phóng đao của Mạc Can, Người sông mê của

Châu Diên, Thoạt kì thuỷ của Nguyễn Bình Phương… là những tác phẩm thành công

20

Trang 27

trong việc sử dụng ngôn ngữ độc thoại nội tâm để khai sáng thế giới tâm linh, nhữngvùng mờ ý thức, cõi tiềm thức, vô thức Và như thế, nhận thức của nhà văn về conngười, về cuộc sống trở nên sâu sắc và toàn vẹn hơn

Tính triết luận, khái quát đời sống cũng được gia tăng trong tiểu thuyết thể hiệnnhu cầu nhận thức và lí giải đời sống theo cách riêng của từng nhà văn Họ triết lí vềsự sống, cái chết, về đạo đức, nhân cách, về tình yêu Gia tăng tính triết luận tạochiều sâu trong nhận thức và phản ánh cho tiểu thuyết đương đại

Ngoài ra, tiểu thuyết thời kì đổi mới có sự dung hợp nhiều kênh ngôn ngữ, trộnlẫn nhiều loại phong cách ngôn ngữ khác nhau tạo nên hiện tượng đa sắc trong ngônngữ Tiểu thuyết có thể sử dụng các lớp từ khác nhau như lớp từ của Thiên chúa giáo,Phật giáo, từ ngữ khoa học, ngôn ngữ nước ngoài hoặc pha trộn nhiều phong cách

ngôn ngữ như phong cách báo chí và văn chương trong Paris 11 tháng của Thuận, phong cách thơ, kịch, tiểu luận trong Thiên sứ của Phạm Thị Hoài, phong cách sinh hoạt hàng ngày và phong cách văn chương trong Cơ hội của Chúa của Nguyễn Việt

Hà… Sự đa dạng trong ngôn ngữ trần thuật đưa tiểu thuyết thời kì đổi mới thoát li hẳnngôn ngữ văn chương trang trọng, gọt giũa, bóng bẩy một thời, kéo tác phẩm về gầnvới độc giả trong tính đối thoại đa chiều của nó

Thứ ba là đổi mới giọng điệu trần thuật Giọng điệu là yếu tố cấu thành phong

cách nhà văn và cũng là biểu hiện thái độ ứng xử của nhà văn trước hiện thực đờisống Tiểu thuyết 1945 - 1975, với sự chi phối của khuynh hướng sử thi và cảm hứnglãng mạn, giọng điệu chiếm ưu thế trên văn đàn là giọng ngợi ca, tự hào Giọng điệunày góp phần thi vị hoá hiện thực gian khổ, khốc liệt, gieo vào lòng người niềm lạcquan bay bổng, tạo động lực tinh thần để chiến đấu và chiến thắng Sau chiến tranh,giọng điệu trần thuật có nhiều biến chuyển trên cơ sở những thay đổi quan niệm vềhiện thực và văn học Đó là sự kết hợp của nhiều giọng tạo thành sự phức điệu trongtiểu thuyết Giọng điệu phân tích, lí giải thường xuất hiện trong khuynh hướng tự vấn,nhận thức lại lịch sử (Tiểu thuyết của Ma Văn Kháng, Nguyễn Khải, Lê Lựu, Hồ AnhThái, Châu Diên, Nguyễn Xuân Khánh…) Giọng điệu tranh biện, đối thoại nhằmhướng tới nhận thức sâu hơn, toàn diện hơn các giá trị đời sống (Tiểu thuyết NguyễnViệt Hà, Nguyễn Khải, Bắc Sơn, Bảo Ninh…).Giọng trữ tình chủ yếu bày tỏ cảm xúccá nhân trước hiện thực đời sống Giọng điệu hoài nghi thể hiện cái nhìn “bất khả tín”

Trang 28

của nhà văn đối với hiện thực đời sống và bản chất con người (Tiểu thuyết Phạm ThịHoài, Hồ Anh Thái, Thuận, Nguyễn Bình Phương…) Nhưng nổi bật nhất làm nên sựđổi mới giọng điệu trần thuật trong tiểu thuyết đương đại là giọng giễu nhại và giọng

vô âm sắc

Giễu nhại là bắt chước để cười cợt, mỉa mai, hài hước nhằm phê phán những cáixấu xa, “dị biệt” trong cuộc sống mà chúng ta không thể dung túng, buông tha Giễunhại đã trở thành giọng điệu phổ biến ở nhiều cây bút tiểu thuyết như Hồ Anh Thái, TạDuy Anh, Nguyễn Việt Hà, Châu Diên, Phạm Thị Hoài… Dường như không có địa hạtnào là cấm kị đối với nhà văn, từ nếp sinh hoạt trong đời sống đến những vấn đề chínhtrị, lí tưởng, từ tầng hữu thức đến tầng vô thức trong mỗi con người Chẳng hạn: giễunhại văn hóa thi hoa hậu: “Bạn sẽ làm gì ngay sau khi đăng quang hoa hậu? Em kínhthưa ban giám khảo, nếu em đăng quang hoa hậu, việc đầu tiên em sẽ hiến thân cho

người nghèo trong xã hội ”(Mười lẻ một đêm); giễu nhại lối sống của giới trẻ qua

những ca khúc trữ tình hiện đại: “Nếu mai anh chết em có buồn không? Một bài rền rĩ

mà nghe chỉ thấy vui vui tai Thậm chí tôi suýt bật cười Ngươi cứ việc chết đi, ngườitình duy nhất của ngươi, một nữa cuộc đời ngươi sẽ lập tức đi hát karaoke với một

người tình duy nhất khác.” (Cõi người rung chuông tận thế); giễu nhại những tác phẩm kinh điển ngợi ca lí tưởng một thời: “Lời tuyên bố của anh ta về cái chết “… để

đến khi nhắm mắt xuôi tay, khỏi thấy mình sống hoài sống phí ” đã sổ một nét tànnhẫn phân cách đời sống và cõi bên kia, đặt một câu hỏi vô lí về ý nghĩa cuộc đời (…)Anh ta hẳn không bao giờ biết tới những thiên sứ pha lê vụt đến, vụt đi, ban phát và

trao tặng không hỏi vì sao, bí ẩn và mỏng manh như bé Hon của tôi” (Thiên sứ)…

Với giọng giễu nhại, những thói hư tật xấu bị bóc mẽ, những nhân cách tha hoá

bị phê phán riết róng và sâu xa hơn nhà văn muốn giải thiêng những giá trị cũ vốnđược tôn thờ để thiết lập một giá trị mới theo cảm quan cá nhân Giọng giễu nhại gópphần diễn đạt các trạng thái đời sống sinh động, hấp dẫn hơn

Giọng vô âm sắc thực chất là không giọng điệu, nó thể hiện ở lời trần thuậtmang màu sắc trung tính, không hề có điểm nhìn bên trong mà chỉ đơn thuần trình bàysự việc từ bên ngoài, theo kiểu ống kính máy quay Chủ trương tẩy trắng giọng điệu,các nhà văn sử dụng những câu văn ngắn gọn, thường chỉ gồm chủ ngữ và vị ngữ,thậm chí chủ ngữ cũng bị lược bỏ Chính vì vậy, các câu văn chỉ có nội dung thông

22

Trang 29

báo, không hề có lời bình luận thậm chí không hề có sắc thái biểu cảm Có thể gặpgiọng điệu này trong một số tiểu thuyết của Nguyễn Việt Hà, Nguyễn Bình Phương,Thuận… Ví như: “Paris 11 tháng 8 năm 2003, 39 độ trong bóng râm, 42 độ tầng ápmái 39 độ làm hai nghìn chín trăm cụ già đột tử 42 độ khiến Liên có thêm sáu cái

mụn, bốn cái đối xứng trên cằm, hai cái hai cánh mũi” (Paris 11 tháng 8 - Thuận); “Bị

dắt đi, dắt đi Có mấy sợi lông mao treo dưới tán lá đen Hai người ngồi trong hốc cổ

thụ nói về máu Đập đập đập đập đập đẻ ả từ nách này” (Thoạt kì thủy - Nguyễn

Bình Phương) Giọng điệu vô âm sắc góp phần làm nổi rõ một hiện thực phân rã, vỡvụn, qua đó làm nói lên các mối quan hệ rời rạc, trạng thái cô đơn, xơ cứng tâm hồncủa con người trong xã hội hiện đại Thực tế, tác phẩm văn học là sự kết hợp, hoà trộnnhiều giọng điệu khác nhau, trong đó “giọng điệu chủ đạo không những không loại trừ

mà còn cho phép tồn tại trong tác phẩm văn học những giọng điệu khác nhau”(Khravchenko) tạo thành sắc điệu thẩm mĩ riêng cho mỗi tác phẩm

1.3 Tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh - hiện tượng nổi bật của tiểu thuyết Việt Nam đương đại

1.3.1 Quan niệm của Nguyễn Xuân Khánh về tiểu thuyết lịch sử

1.3.1.1 Tiểu thuyết lịch sử

Trước hết, tiểu thuyết lịch sử là những tác phẩm mang trọn đặc trưng của tiểuthuyết nhưng lại lấy nội dung lịch sử làm đề tài, làm cảm hứng sáng tạo nghệ thuật

Theo Từ điển thuật ngữ văn học , tiểu thuyết lịch sử “viết về đề tài lịch sử có chứa

đựng các nhân vật và các chi tiết hư cấu, tuy nhiên nhân vật chính và sự kiện chính thìđược sáng tạo trên các sử liệu xác thực trong lịch sử, tôn trọng lời ăn tiếng nói, trangphục, phong tục tập quán phù hợp với giai đoạn lịch sử ấy Tác phẩm văn học lịch sửthường mượn chuyện xưa nói chuyện đời nay, hấp thu những bài học quá khứ, bày tỏsự đồng cảm với những con người và thời đại đã qua, song không vì thế mà hiện đạihoá người xưa, phá vỡ tính chân thực lịch sử của thể loại này” [26, 302] Như vậy, vềmặt thể loại, một tiểu thuyết lịch sử phải đảm bảo các tiêu chí như phải viết về đề tàilịch sử, được hư cấu trên cơ sở các nguồn dữ liệu lịch sử nhằm đảm bảo tính chân thựclịch sử, nói chuyện xưa nhưng soi sáng các vấn đề hiện tại

Xuất hiện trong văn học Việt Nam từ thế kỉ XVIII với Nam triều công nghiệp

diễn chí của Nguyễn Khoa Chiêm, Hoàng Lê nhất thống chí của Ngô Gia văn phái…

Trang 30

đến nay tiểu thuyết lịch sử đã có một quá trình vận động, phát triển dài lâu và có sựkhác biệt căn bản về quan điểm lịch sử Tiểu thuyết truyền thống lấy việc tái diễn giảisự thật lịch sử làm mục đích sáng tác văn chương, thậm chí lịch sử được “thanh lọc”qua điểm nhìn ý thức hệ, nặng tính chính trị nên không tránh khỏi phiến diện Tiểuthuyết đương đại đi theo“tiếng gọi của trò chơi”(M Kundera) nên thoát dần việc nô lệsự thật lịch sử Lịch sử được soi chiếu nhiều chiều, diễn giải theo ý hướng cá nhân nênvượt xa mô hình cũ với nhiều hướng đi khác nhau Có xu hướng trung thành với chính

sử như Bão táp triều Trần và Tám triều vua Lý của Hoàng Quốc Hải, Sông Côn mùa

lũ của Nguyễn Mộng Giác, Nguyễn Thị Lộ của Hà Văn Thùy… Có xu hướng xem lịch

sử chỉ như “cái đinh để treo các bức hoạ mà thôi” (Dumas), nghĩa là nhà văn mượnlịch sử để suy tư về hiện tại, đào sâu những bi kịch của con người trong cơn biến động

lịch sử để biện giải quá khứ, dự báo, cảnh báo hiện tại như tiểu thuyết Hồ Quý Ly của Nguyễn Xuân Khánh, Giàn thiêu của Võ Thị Hảo, Dưới chín tầng trời của Dương Hướng, Hội thề của Nguyễn Quang Thân… Dù viết theo xu hướng nào, hư cấu nhiều

hay ít thì nhà văn cũng cố gắng lấp đầy những “khoảng trắng” lịch sử, những điểm mờcòn nhiều tranh cãi để soi chiếu lịch sử trong cái nhìn đa chiều, mang tính dân chủ.Đằng sau các nhân vật lịch sử, người đọc nhận ra bao nhiêu nỗi đau, bao nhiêu bi kịchcủa kiếp nhân sinh và những bài học lịch sử rút ra từ quá khứ của nhà văn Từ đó lịch

sử vẫn đang đồng hành, đang nhắc nhở mỗi con người chúng ta

2.1.1.2 Quan niệm của Nguyễn Xuân Khánh về tiểu thuyết lịch sử

Với tư duy lịch sử hiện đại, Nguyễn Xuân Khánh đã có những quan niệm riêng

về tiểu thuyết Trong một bài trả lời phỏng vấn báo Văn nghệ, nhà văn từng chia sẻ

“Với tôi, tiểu thuyết lịch sử trước hết là tiểu thuyết ” [36], có nghĩa là tiểu thuyết lịch

sử chứa đựng trong nó toàn bộ đặc trưng của tiểu thuyết, trong đó hư cấu nghệ thuật lànền tảng làm nên sự sống còn của tác phẩm Lịch sử trong tiểu thuyết Nguyễn XuânKhánh không còn “đóng khung” trong kinh nghiệm cộng đồng mà được thẩm thấu quatrải nghiệm của cá nhân, được soi chiếu từ nhiều góc độ với dày đặc sự hư cấu từ nhânvật, tình tiết, sự kiện… Nhà văn chỉ mượn lịch sử để làm phương tiện chuyển tải kinhnghiệm, suy ngẫm và triết lý của mình về quá khứ trong mối tương quan với hiện tại

Đi sâu vào đặc trưng thể loại này, Nguyễn Xuân Khánh chia tiểu thuyết lịch sửthành hai loại :“Với tôi tiểu thuyết lịch sử có hai loại Một là viết về những nhân vật

24

Trang 31

nổi tiếng trong lịch sử Và người viết không được phép bịa đặt một cách trắng trợn, chỉcó thể hư cấu về tâm lí hoặc thêm những nhân vật hư cấu để soi sáng nhân vật có thực.Còn một loại khác là nhà văn xây dựng không khí xưa nhưng nhân vật là nhân vật hưcấu Có một vài nhân vật nhưng chỉ làm bối cảnh cho nhân vật hư cấu Và lịch sử chỉ

là cái đinh treo Tôi quan niệm rằng, tiểu thuyết lịch sử không phải là kể lại lịch sử,minh hoạ lịch sử mà là phản ánh những vấn đề của con người hiện tại vì chúng ta đangviết cho những người đang sống đọc vì vậy cần đề cập đến những điều mà họ quantâm… Chính vì thế theo tôi, loại tiểu thuyết thứ hai có nhiều đất để người viết dụng võ

và người đọc cũng thấy hấp dẫn” [35] Rõ ràng, quan niệm về tiểu thuyết lịch sử của

Nguyễn Xuân Khánh không nằm ngoài quan điểm của Từ điển thuật ngữ văn học mà

chúng tôi trích dẫn ở trên Có chăng, nhà văn đã mở rộng hơn cách hiểu về tiểu thuyếtlịch sử trên cơ sở nhấn mạnh hư cấu nghệ thuật và chú trọng tái hiện “bối cảnh khôngkhí của thời đại” mà nhân vật đang sống

1.3.2 Bộ ba tiểu thuyết Hồ Quý Ly, Mẫu Thượng Ngàn và Đội gạo lên chùa

trong sự nghiệp văn học của Nguyễn Xuân Khánh

1.3.2.1 Sự nghiệp văn học của Nguyễn Xuân Khánh

Bén duyên với văn chương từ gần giữa thế kỉ trước nhưng mãi đến đầu thế kỉXXI, khi đã vào tuổi “xưa nay hiếm” nhà văn Nguyễn Xuân Khánh mới thực sự thànhdanh Trước đó, khi gặp vận bĩ buộc phải gác bút nhưng ông vẫn cần mẫn với thú vuidịch sách mặc dù phải lấy bút danh khác Tác phẩm dịch của Nguyễn Xuân Khánh bao

gồm: Tiểu thuyết Những quả vàng của Nathalie Sarraute, Lời nguyền cho kẻ vắng mặt Taha Ben Jelloun, Nhận dạng nam của Elizabeth Badinter, Người đàn bà ở đảo Saint

Dominique của Bona Dominique, Bảy ngày trên khinh khí cầu của Jules Verne, Hoàng hậu Sicile của Pamela Schoenewaldt… Say mê viết truyện ngắn và tiểu thuyết nhưng ở

thể loại này lúc đầu nhà văn không mấy thành công Những tác phẩm đã xuất bản:

Rừng sâu (1963), Miền hoang tưởng (1990), Trư cuồng (1981- 1982, chưa xuất bản), Hai đứa trẻ và con chó mèo xóm núi ( 2002), Mưa quê (2003)… không gây được ấn

tượng với bạn đọc như mong đợi Như một thứ quả quý chín muộn, phải đợi đến ba

cuốn tiểu thuyết: Hồ Quý Ly (2000), Mẫu Thượng Ngàn (2006), Đội gạo lên chùa

(2011), Nguyễn Xuân Khánh mới khẳng định được vị trí của mình trong nền văn học

Trang 32

đương đại Việt Nam khi liên tiếp “ẵm” về các giải thưởng có uy tín và liên tục được táibản với số lượng lớn

1.3.2.2 Ba tiểu thuyết Hồ Quý Ly, Mẫu Thượng Ngàn và Đội gạo lên chùa Bộ ba tiểu thuyết Hồ Quý Ly (2000), Mẫu Thượng ngàn (2006) và Đội gạo lên

chùa (2011) là kết quả của quá trình lao động nghệ thuật không biết mệt mỏi, không

ngừng sáng tạo của một nhà văn ở tuổi “tri thiên mệnh” Sức hấp dẫn của tiểu thuyếtNguyễn Xuân Khánh không ở những cách tân về mặt hình thức nghệ thuật mà lànhững luận giải về quá khứ trên cơ sở nhìn sâu vào cội nguồn văn hoá và mối quan hệgiữa văn hoá - lịch sử để khẳng định sức mạnh dân tộc

Tiểu thuyết Hồ Quý Ly xuất bản lần đầu vào năm 2000, lập tức trở thành một

hiện tượng văn học được dư luận tập trung chú ý Tác phẩm vinh dự được nhận cácgiải thưởng chính thức của Hội Nhà văn Việt Nam 1998 - 2000, giải thưởng Hội Nhà

văn Hà Nội 2000 - 2001 Hồ Quý Ly đã tái hiện lại gần như cả một giai đoạn lịch sử bi

tráng của dân tộc từ năm 1370 đến năm 1400 khi triều đại nhà Trần đã đến thời mạtvận Ở đó, Hồ Quý Ly là nhân vật trung tâm của những biến thiên lịch sử, là “mắt bão”giữa triều Trần không chỉ với tôn thất nhà Trần mà còn đối với giặc ngoại xâm và lòngdân trăm họ Được Nghệ Tôn tín nhiệm khi đương triều và cả khi lui về làm Tháithượng hoàng, Hồ Quý Ly được phong chức rất nhanh và giữ đến chức Thái sư, nắmtrong tay hầu hết quyền bính của triều đình Tuy nhiên, khát vọng canh tân giữa dòngxoáy lịch sử của một triều đại đang đối diện với lẽ thịnh suy ở đời thì ý tưởng và việclàm của ông vấp phải sự chống đối từ phe thủ cựu, sự không đồng lòng của dân chúng.Mượn bối cảnh lịch sử, mượn những con người có thật trong lịch sử cùng với hư cấunghệ thuật, Nguyễn Xuân Khánh đã kể câu chuyện về một thời đại, về một con ngườilâm vào bi kịch của lịch sử: bi kịch cái mới không hợp thời, bi kịch của kẻ tiên phong

Và nhân vật bị chính sử coi là kẻ tiếm quyền, thoán nghịch được nhà văn giải mã bằngcái nhìn khác đa diện, nhiều chiều hơn Trên hết, những đau đớn và hi vọng đầy phiềnmuộn của nhà cải cách vĩ đại Hồ Quý Ly được nhà văn thấu hiểu và đồng cảm sâu sắc.Tiểu thuyết Hồ Quý Ly thể hiện suy tư của tác giả về sự hưng vong của từng thời đại,suy ngẫm về bước thăng trầm của mỗi con người giữa lúc lịch sử sắp sang

Mẫu Thượng Ngàn của Nguyễn Xuân Khánh là cuốn tiểu thuyết mang đậm dấu

ấn lịch sử và văn hoá, phong tục Tiền thân của tác phẩm là truyện Làng nghèo được

26

Trang 33

viết từ năm 1959 Sau này, trên cơ sở Làng nghèo, Nguyễn Xuân Khánh mở rộng thành cuốn tiểu thuyết mới với tên mới Mẫu Thượng Ngàn.

Tiểu thuyết Mẫu Thượng Ngàn viết về cuộc sống của những người dân ở một

làng quê vùng bán sơn địa nông thôn Bắc Bộ cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX khi thựcdân phương Tây sang xâm lược nước ta dưới chiêu bài khai hoá văn minh Ở đó cócâu chuyện tình yêu của những người đàn bà Việt trong khung cảnh một làng cổ; câuchuyện đời tư của những con người trong vòng xoáy của cuộc giao tranh, bao gồm sốphận của những người đàn bà Cổ Đình, ông đồ, ông lí, kì hào, nghĩa quân chống Phápthất trận, Tây lai và những ông Tây mang danh nghĩa đi khai sáng văn minh… Tácphẩm cũng là cuốn tiểu thuyết lịch sử về Hà Nội cuối thế kỉ XIX gắn với việc ngườiPháp đánh thành Hà Nội lần thứ hai, việc xây Nhà thờ lớn, cuộc giao tranh giữa quânCờ đen Lưu Vĩnh Phúc với người Pháp

Song, vấn đề cốt lõi mà Nguyễn Xuân Khánh đặt ra trong Mẫu Thượng Ngàn là

cuộc giao thoa văn hoá trong đó có tiếp nhận, có đào thải, có trải nghiệm đớn đau vàmạch ngầm làm nên sức sống bền bĩ của dân tộc chính là đạo Mẫu Mẫu là cội nguồncủa tín ngưỡng dân gian, văn hoá bản địa, tâm tính Việt Bất cứ cuộc đụng độ văn hoánào (dù là cưỡng bức) khi trở về với vòng tay của Mẫu đều có thể được hoà giải.Mượn câu chuyện về giao thoa văn hoá Đông - Tây, nhà văn muốn kiến giải về nội lựcdân tộc mà mọi sức mạnh sinh diệt đều được phát sinh, nuôi dưỡng trong lòng dân tộc,gắn với làng xã Việt và những con người nhỏ bé, bất hạnh sau luỹ tre làng

Tiểu thuyết Đội gạo lên chùa được khơi nguồn cảm hứng trong một lần nhà

văn nằm viện vì bị nghi ung thư Cơ duyên đã đưa Nguyễn Xuân Khánh gặp được cácnguyên mẫu ngoài đời như sư chùa Cả (Nam Định), chú tiểu theo chăm sóc nguyên làbộ đội, giải ngũ về, vào chùa Rút tỉa từ câu chuyện của họ cùng với những câu chuyệncó thật của người thân, của làng Cổ Nhuế, Nguyễn Xuân Khánh đã ấp ủ viết một câuchuyện về ảnh hưởng của Phật giáo trong đời sống người dân Bắc Bộ ở thế kỉ XX

Đội gạo lên chùa là cuốn tiểu thuyết hiện thực, viết theo lối biên niên cổ điển

ghi lại những biến thiên của lịch sử, tái hiện cuộc sống, số phận của người dân Bắc Bộ

và dân tộc Việt Nam nói chung qua nhiều thời đoạn lịch sử khốc liệt từ kháng chiếnchống Pháp đến chống Mỹ, thống nhất đất nước Câu chuyện xoay quanh làng Sọ vàngôi chùa Sọ nhỏ bé - nơi trú ngụ của những tâm hồn bất an, những số phận trắc ẩn,

Trang 34

thăng trầm, chìm nổi trong cơn tao loạn nhưng họ không bao giờ gục ngã Phật tínhvẫn luôn hiện hữu ở mỗi con người trong nếp sống, nếp nghĩ, cách hành xử dù họ làbậc chân tu, là tín đồ hay bất cứ con người bình thường nào khác

Vẫn bắt mạch vào ý hướng kiến giải về sức sống của dân tộc qua việc đối

thoại với văn hoá - lịch sử, song nếu ở Mẫu Thượng Ngàn cảm hứng được khơi nguồn từ văn hoá bản địa thì Đội gạo lên chùa là văn hoá ngoại lai đã được Việt

hoá trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống tâm linh dân tộc Hơn thếnữa, Phật giáo ở đây hoàn toàn mang tinh thần nhập thế ở lõi “tuỳ duyên” và nhàvăn Nguyễn Xuân Khánh qua tác phẩm đã mạnh dạn đề xuất “Phật giáo là một lốisống” trong thời hiện đại bởi cuộc đời không tránh khỏi bể dâu và ai cũng phải tuỳtheo duyên của mình mà đi hết kiếp người

Sức hấp dẫn của Đội gạo lên chùa không chỉ về mặt tư tưởng Phạm Xuân

Thạch đã đánh giá cao sự đóng góp về mặt hình thức của cuốn tiểu thuyết: “Trong mộtthời đại khi mà mọi hình thức kĩ thuật đã trở nên bão hoà, nhà văn trở về với hình thức

sơ khai nhất của tiểu thuyết Chính xác hơn, ông đưa tiểu thuyết về lại với cội nguồn

của thể loại: những câu chuyện kể” [Dẫn theo Đội gạo lên chùa] Vì lẽ ấy, tác phẩm

xứng đáng được vinh danh ở vị trí cao nhất giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2011

-2012 và có chỗ đứng trong lòng bạn đọc

1.3.2.3 Nhận diện Hồ Quý Ly , Mẫu Thượng Ngàn và Đội gạo lên chùa từ

đặc trưng thể loại

Soi chiếu từ đặc trưng thể loại tiểu thuyết lịch sử, Hồ Quý Ly là tiểu thuyết lịch

sử không có gì bàn cãi bởi tác phẩm viết về một triều đại lịch sử đã qua cách đây hơn

sáu thế kỉ với hầu hết các sự kiện, nhân vật có thật Mẫu Thượng Ngàn và Đội gạo lên

chùa còn có nhiều băn khoăn Có ý kiến cho rằng nên xếp tiểu thuyết Mẫu Thượng Ngàn vào thể loại tiểu thuyết văn hoá, lại có đề xuất xếp vào tiểu thuyết lịch sử Sự

băn khoăn này là lẽ đương nhiên trong tình hình hiện nay lí luận văn học không theokịp thực tế sáng tác, hơn nữa do tính chất đặc trưng của thể loại tiểu thuyết vốn “chưađông kết lại”(M Bakhtin) Tuy nhiên, rất nhiều nhà nghiên cứu đã mạnh dạn gọi hai

thiên tiểu thuyết này là tiểu thuyết lịch sử hoặc tiểu thuyết viết về đề tài lịch sử bởi tác

phẩm đã khai thác những giai đoạn lịch sử tương đối đặc biệt trong lịch sử Việt Nam

Phạm Xuân Thạch trong bài “Nguyễn Xuân Khánh từ cấu trúc nghệ thuật đến cấu trúc

28

Trang 35

tư tưởng” viết: “Khuynh hướng giải thể tính lưỡng phân của hệ thống nhân vật có thể

được ghi nhận một cách rõ nét trong những tiểu thuyết lịch sử tiếp theo của Nguyễn Xuân khánh - Mẫu Thượng Ngàn và Đội gạo lên chùa” [22, 152] Nguyễn Đăng Điệp

cũng thừa nhận trong hai tiểu thuyết “Mối quan tâm chính của Nguyễn Xuân Khánhvẫn là lịch sử và yếu tố quan trọng nhất của lịch sử chính là văn hoá” [22, 12] Nhữngquan niệm này khá tương đồng với quan niệm của Nguyễn Xuân Khánh “Tôi quanniệm tiểu thuyết lịch sử tạo ra hiện thực làm sao để gây cho người đọc một ảo tưởng lànó có thật Tiểu thuyết lịch sử phải dựng lên bối cảnh không khí của thời đại Tôi phảiđọc rất nhiều tư liệu cùng sự trải nghiệm thực tế để nhào nặn thành nhân vật, sự kiện,những mối liên hệ Tiểu thuyết phải có đời sống, bi hài trữ tình Trong khi đó, kí sựlịch sử chỉ là bám chắc vào các văn bản sử để viết” [ 36] Theo quan điểm này, nhữngtác phẩm dã sử, dị sử, hoặc viết về thân phận con người cá nhân (không phải là vĩ nhân

lịch sử như Mẫu Thượng Ngàn và Đội gạo lên chùa) nhưng ở một thời điểm lịch sử

trong quá khứ cũng chính là những tác phẩm văn học viết về đề tài lịch sử Bởi nhữngtác phẩm đó đã hư cấu trên một bối cảnh và nền tảng văn hóa, ngôn ngữ, xã hội của

thời điểm lịch sử trong quá khứ Hồ Quý Ly chính là loại tiểu thuyết thứ nhất và Mẫu

Thượng Ngàn, Đội gạo lên chùa là loại tiểu thuyết thứ hai theo quan niệm của lão nhà

văn [35] Hấp thu ảnh hưởng từ lí thuyết hiện đại và hậu hiện đại của phương Tâycùng tinh thần dân chủ có được sau thời kì đổi mới, tiểu thuyết Việt Nam thực sự thayđổi diện mạo với những cách tân về mặt nội dung và hình thức nghệ thuật Sự nở rộnhiều phong cách, nhiều khuynh hướng tiểu thuyết, các tác phẩm ngày càng “gia tăngtính hiện đại”, xuất hiện nhiều “hiện tượng văn học”… là minh chứng sinh động choquá trình “lột xác” của tiểu thuyết Việt Nam sau 1986

Xuất hiện như một hiện tượng văn học sau ba cuốn tiểu thuyết cuối đời văn,Nguyễn Xuân Khánh được thừa nhận là nhà tiểu thuyết tài năng với bút lực dồi dào,vốn kiến thức phong phú, phông văn hoá rộng và có một tâm hồn nghệ sĩ luôn gắn bóvới mạch nguồn truyền thống dân tộc Giữa thời đại “bùng nổ” kĩ thuật tự sự hiện đại

và hậu hiện đại, lão nhà văn vẫn điềm tĩnh lựa chọn bút pháp cổ điển để đi sâu kiếngiải về lịch sử, văn hoá và sức sống của dân tộc với cách viết vừa lịch lãm vừa nhẹnhàng, tinh tế Có lẽ vì thế, tác phẩm của ông được đông đảo công chúng đón nhậnmột cách nồng nhiệt

Trang 37

Chương 2 TIỂU THUYẾT NGUYỄN XUÂN KHÁNH NHÌN TỪ NỘI DUNG CỦA THỂ LOẠI

2.1 Hai nguồn cảm hứng lớn trong tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh

2.1.1 Cảm hứng về lịch sử dân tộc

2.1.1.1 Lịch sử và hư cấu lịch sử

Cảm hứng lịch sử mãnh liệt và xuyên chảy trong toàn bộ tiểu thuyết NguyễnXuân Khánh nhưng bên cạnh sự thật lịch sử thì những khoảng trống lịch sử là mảnhđất màu mỡ để nhà văn hư cấu, sáng tạo nghệ thuật Điều này không phải mới mẻ bởibản chất của tiểu thuyết là hư cấu Cái mới / khác của nhà văn so với tiểu thuyết truyềnthống là “cấu tạo lịch sử mới”(cách nói của Nguyễn Đăng Điệp) theo ý hướng cá nhân

để suy tư, kiến giải về quá khứ dân tộc

Chọn một giai đoạn lịch sử khá nhạy cảm, một nhân vật lịch sử còn nhiều tranhcãi như Hồ Quý Ly để khơi nguồn cảm hứng là một thử thách đối với cây bút Nguyễn

Xuân Khánh trong tiểu thuyết Hồ Quý Ly Bởi lịch sử đòi hỏi tỉ mỉ, chính xác (theo

kinh nghiệm cộng đồng) còn tiểu thuyết cho phép hư cấu Vậy hư cấu như thế nào đểvừa tôn trọng tinh thần lịch sử vừa thể hiện được tư tưởng của cá nhân nhà văn.Nguyễn Xuân Khánh đã xử lí tốt mối quan hệ giữa sự thật lịch sử và hư cấu trên cơ sởhầu như trung thành với các sự kiện, các mốc lịch sử, chỉ chọn hư cấu về hành động,

về lời nói, về tâm lí, nói chung là những “khoảng trắng” mà sử gia đã bỏ qua hoặc xâydựng những nhân vật hoàn toàn bằng hư cấu để soi sáng sự thật lịch sử Vì thế, hư cấu

mà không làm mất đi sự thật lịch sử, con người thật của nhân vật lịch sử Chẳng hạn,thượng tướng Khát Chân chiến đấu và chiến thắng quân Chế Bồng Nga là sự thật lịch

sử nhưng việc nhận Thanh Mai - cô ca nữ bị bắt làm nô lệ cho quân Chiêm Thành làmcon nuôi hoàn toàn do tưởng tượng của nhà văn Tham vọng quyền lực được hé lộ

ngay từ nhỏ khi Hồ Quý Ly có niềm đam mê, khao khát được chơi với lửa bất chấp

nguy hiểm Mối tình với Thanh Mai đã phản ánh một phần tính cách Hồ NguyênTrừng không tham vọng quyền lực, luôn đứng trước ngã ba đường của sự lựa chọn chỗđứng chính trị: theo vua, theo cha và lối sống tự do Chính sử ghi lại sự việc Quý Lysai đạo sĩ Nguyễn Khánh mê hoặc Thuận Tông để vua đắm chìm trong đạo thần tiên

Trang 38

mà bỏ bê chính sự nhưng nhà văn hư cấu khung cảnh dạo chơi trong rừng và “duyên kìngộ” giữa Thuận Tông, Thánh Ngẫu với một đạo sĩ ở Thanh Hư quán trước khi gặpNguyễn Khánh Hay những đoạn miêu tả tâm lí của Quý Ly khi ở một mình tâm sự vớibức tượng đã bà công chúa Huy Ninh… Phải chăng, nhà văn muốn bênh vực, gỡ tộicho nhân vật lịch sử của mình Hồ Quý Ly mang bi kịch đau đớn của kẻ tiên phong bởiông có tài năng, trí tuệ nhưng khát vọng cách tân nhanh chóng, nóng vội trên nền tảngmột cơ chế nhà nước đã lỗi thời, lại không được lòng dân nên thất bại là tất yếu.

Nếu lịch sử trong Hồ Quý Ly xuyên chảy từ đầu đến cuối và là nền tảng của tác phẩm thì lịch sử trong Mẫu Thượng Ngàn và Đội gạo lên chùa chỉ là “khung hờ của

bức tranh” để nhà văn tự do giăng mắc những số phận và khẳng định sức mạnh củanền tảng văn hoá trong đời sống tinh thần cư dân Việt ở những thời điểm biến loạn.Lịch sử được nhắc đến chỉ là các mốc thời gian, các biến động lịch sử, có hoặc nhiềukhi không mang tính chất bước ngoặt đối với số phận dân tộc nhưng là một trongnhững nguyên nhân thúc đẩy sự phát triển của cốt truyện, tâm lí nhân vật Lịch sử

trong Mẫu Thượng Ngàn chủ yếu tập trung vào ba sự kiện chính: sự kiện Pháp đánh

thành Hà Nội lần thứ hai, sự kiện Pháp đánh nhau với quân Cờ Đen và sự kiện Phápxây nhà thờ lớn Còn chủ yếu nhân vật và các biến cố liên quan đến cuộc đời, số phậnnhân vật đều được nhà văn hư cấu Tương tự như thế, thật khó để tìm ra nhân vật lịch

sử có thật trong Đội gạo lên chùa bởi lịch sử ở đây là lịch sử của những mảnh đời bất

hạnh, những con người vô danh Cả câu chuyện phiêu lưu của chị em An được triểnkhai qua ba mốc sự kiện chính kéo dài hơn 30 năm của thế kỉ XX Đó là kháng chiếnchống Pháp bắt đầu từ năm 1946, phong trào cải cách ruộng đất năm và kháng chiến

chống Mĩ, thống nhất đất nước Nhìn chung, lịch sử trong Mẫu Thượng Ngàn và Đội

gạo lên chùa chỉ là chất xúc tác cho câu chuyện chứ không phải câu chuyện lịch sử

nhà văn muốn hướng đến Trong khi đó hầu hết biến cố, nhân vật, cốt truyện… và nhất

là những số phận bi kịch giữa cơn tao loạn lịch sử đều được đắp nổi bằng hư cấu nghệthuật Cũng từ đây, bao ý tưởng, bao suy ngẫm, triết lí về cuộc đời và con người đượcNguyễn Xuân Khánh say mê giãi bày trong thế đối thoại thẳng thắn và sâu sắc

Nguyễn Diệu Cầm cho rằng: “Tiểu thuyết lịch sử càng phải hư cấu Hư cấu đếnmức độ nào ư? Phải hư cấu đến độ chân thực Chỉ có như vậy nhà văn mới giải mãđược lịch sử, từ đó tạo ra thế giới của riêng mình” [9] Với Nguyễn Xuân Khánh, hư

32

Trang 39

cấu không đồng nghĩa với việc làm thay đổi sự thật lịch sử mà làm cho thời “quávãng” sống lại trong thời hiện tại, sinh động trên từng cột mốc lịch sử

2.1.1.2 Cảm hứng về lịch sử gắn với suy tư về con người

Soi chiếu bằng cảm quan lịch sử nhưng trong ba cuốn tiểu thuyết, con người làtâm điểm chứ không phải tái hiện lịch sử hay minh hoạ lịch sử làm mục đích chính.Con người ở đây chứa đựng cả dấu ấn của thời đại lịch sử nhưng được nhìn ở góc độđời tư với những bi kịch cá nhân đau đớn, khắc khoải Mặt khác, nó không nguyênphiến mà bao hàm cả tốt lẫn xấu, cao cả và thấp hèn, rồng phượng và rắn rết Nhữngnhân vật ấy là những con người cá nhân với đầy đủ tính cách phức tạp và đa dạng, nó

lí giải cho những động cơ sâu xa của những hành động có tính lịch sử của nhân vật Làkiểu nhân vật “bị lịch sử lựa chọn”, Hồ Quý Ly có đầy đủ phẩm chất của người có thểthực hiện nhiệm vụ lịch sử giao phó nhưng ông lại vấp phải sự chống đối quyết liệt từphe thủ cựu Sử gia phong kiến và người đương thời xem ông là kẻ phản nghịch, tiếmngôi nhưng với cách nhìn của Nguyễn Xuân Khánh, ông tài trí mưu lược hơn ngườivới những cách tân tiến bộ, quyết đoán đến tàn bạo nhưng cũng có lúc rất cô đơn, đángthương Hay như Trần Khát Chân không chỉ là vị tướng tài ba, mưu lược, có tâm hồnnghệ sĩ, tấm lòng nhân hậu mà có khi cũng thủ đoạn và tàn bạo không kém đối thủ khi

đề nghi Sử Văn Hoa viết sách bôi nhọ Hồ Quý Ly Trong Mẫu Thượng Ngàn quá trình

xâm lược và công cuộc khai thác thuộc địa của thực dân Pháp có thể được hình dungqua chuyện đời, chuyện tình của anh em nhà Mesmer Những thăng trầm trong quátrình làm giàu ở thuộc địa, các cấp độ của sự chiếm đoạt tình yêu và kết thúc đầynghiệt ngã khi Philippe phải chết, Julien mang chứng hoang tưởng Xét đến cùng, cả

Philippe và Julien là nạn nhân của lịch sử mà thôi Nhân vật Bernard trong Đội gạo

lên chùa là sản phẩm lai ghép giữa hai dòng máu Pháp và Việt, nói rộng ra là của hai

nền văn hoá phương Tây và bản địa Nguyễn Xuân Khánh đã để cho nhân vật dùnggiằng tự đấu tranh để tìm về con người bản ngã của chính mình: anh ta thuộc về dòngmáu trội nào Sinh ra, lớn lên giữa làng Sọ, được nuôi dưỡng bằng sữa của người mẹViệt, nằm trong trường phủ sóng của hào quang Phật tính toả ra từ chùa Sọ và ngườimẹ của mình Nhưng khuôn mặt, ánh mắt, tâm tính và nhất là sự tàn bạo lại thuộc vềchủ nghĩa thực dân Dẫu độc ác, tàn bạo nhưng trong cách cắt nghĩa, lí giải về conngười đích thị là sản phẩm của lịch sử này, người đọc vẫn thấy ngùi ngùi Những con

Trang 40

người thuộc tầng lớp bình dân như sư Vô Uý, sư Khoan Độ, An, Nguyệt, bà Thêu, bàNấm… đều có sự “lớn lên” sau những trải nghiệm buồn - vui, bất hạnh - hạnh phúc,thất bại - thành công trong những biến thiên lịch sử Như vậy, dù là tầng lớp quý tộchay bình dân, dù bên này hay bên kia chiến tuyến thì họ đều là “con đẻ của thời đại”

và là những bi kịch của lịch sử trong tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh Điều căn bảnnhà văn không nhìn con người - chủ nhân của lịch sử và cũng là nạn nhân của lịch sử -một cách đơn giản, phiến diện mà soi chiếu từ nhiều chiều để lí giải, cắt nghĩa, để thấy

“con người trong con người” của từng nhân vật

2.1.1.3 Cảm hứng lịch sử gắn với khả năng hiện đại hoá các vấn đề quá khứ

Nguyễn Xuân Khánh từng quan niệm: “tiểu thuyết lịch sử không phải là

kể lại lịch sử, minh hoạ lịch sử mà là phản ánh những vấn đề của con ngườihiện tại vì chúng ta đang viết cho những người đang sống đọc vì vậy cần phải

đề cập đến những điều mà họ quan tâm” [35] Vậy vấn đề mà độc giả hiện tạiquan tâm là gì? Tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh dù viết về quá khứ cách đâymấy trăm năm hay gần hơn đều có khả năng mở rộng biên độ phản ánh hiệnthực bởi tính thời sự cập nhật của nó Không hề né tránh vấn đề của hôm nay,tác giả ráo riết tìm lời đáp cho những câu hỏi thiết thực thời hiện đại Tiểu

thuyết Hồ Quý Ly khiến người đọc liên tưởng đến công cuộc đổi mới của đất

nước trong những năm gần đây chuyển từ cơ chế quan liêu bao cấp chuyểnsang vận hành theo cơ chế thị trường, mở rộng giao lưu, hội nhập quốc tế.Nhiều vấn đề mới đặt ra cần giải quyết như mối quan hệ giữa cái cũ và cáimới, vai trò của trí thức trước bước ngoặt của thời cuộc, lợi ích cá nhân và lợi

ích dân tộc… Lịch sử trong Mẫu Thượng Ngàn và Đội gạo lên chùa là lịch sử

thời cận và hiện đại Nguyễn Xuân Khánh dường như muốn mượn các cột mốclịch sử đầy biến động để lí giải quá trình tiếp biến văn hoá có tiếp thu, có đàothải và có những trải nghiệm đớn đau Cả hai tác phẩm đều dặt ra vấn đề giữgìn bản sắc dân tộc trong các giai đoạn thử lửa khắc nghiệt, đớn đau và đâu làhướng đi của dân tộc trước những biến động lịch sử Nguyễn Xuân Khánhkhông chỉ làm công việc phục dựng lịch sử mà còn chạm đến khát vọng sâu xacủa lịch sử, kéo lịch sử về gần hơn với con người hiện đại Có lẽ vì thế mà tiểuthuyết của lão nhà văn luôn mới mẻ và hấp dẫn với người đọc hôm nay

34

Ngày đăng: 29/10/2015, 15:15

Nguồn tham khảo

Tài liệu tham khảo Loại Chi tiết
1. Trần Thị An (2007), “Sức ám ảnh của tín ngưỡng dân gian trong tiểu thuyết Mẫu Thượng Ngàn”, Tạp chí Nghiên cứu văn học, (6) Sách, tạp chí
Tiêu đề: Sức ám ảnh của tín ngưỡng dân gian trong tiểu thuyếtMẫu Thượng Ngàn”, Tạp chí "Nghiên cứu văn học
Tác giả: Trần Thị An
Năm: 2007
2. Lại Nguyên Ân (2003), 150 thuật ngữ văn học, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội Sách, tạp chí
Tiêu đề: 150 thuật ngữ văn học
Tác giả: Lại Nguyên Ân
Nhà XB: Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội
Năm: 2003
3. Lại Nguyên Ân (2000), “Hồ Quý Ly tiểu thuyết lịch sử của Nguyễn Xuân Khánh”, Báo Thể thao và Văn hoá, (58) Sách, tạp chí
Tiêu đề: Hồ Quý Ly tiểu thuyết lịch sử của Nguyễn XuânKhánh”, Báo "Thể thao và Văn hoá
Tác giả: Lại Nguyên Ân
Năm: 2000
4. Bakhtin. M (1998), Lí luận và thi pháp tiểu thuyết, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội Sách, tạp chí
Tiêu đề: Lí luận và thi pháp tiểu thuyết
Tác giả: Bakhtin. M
Nhà XB: Nxb Hội Nhà văn
Năm: 1998
5. Bakhtin. M (1993), Những vấn đề thi pháp Đôxtôiepxki, Nxb Giáo dục, Hà Nội Sách, tạp chí
Tiêu đề: Những vấn đề thi pháp Đôxtôiepxki
Tác giả: Bakhtin. M
Nhà XB: Nxb Giáo dục
Năm: 1993
6. Nguyễn Thị Bình (1999), “Một vài đặc điểm của tiểu thuyết mới”, Tạp chí Văn học, (6) Sách, tạp chí
Tiêu đề: Một vài đặc điểm của tiểu thuyết mới”, Tạp chí "Vănhọc
Tác giả: Nguyễn Thị Bình
Năm: 1999
7. Lê Thị Thanh Bình (2006), “Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh – về từ miền hoang tưởng”, An ninh thế giới cuối tháng, (65) Sách, tạp chí
Tiêu đề: Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh – về từ miền hoangtưởng"”, An ninh thế giới
Tác giả: Lê Thị Thanh Bình
Năm: 2006
8. Hoàng Cát (2000), “Tiểu thuyết Hồ Quý Ly, thưởng thức và cảm nhận”, Tạp chí Sách, ( 11) Sách, tạp chí
Tiêu đề: Tiểu thuyết Hồ Quý Ly, thưởng thức và cảm nhận”, Tạpchí "Sách
Tác giả: Hoàng Cát
Năm: 2000
9. Nguyễn Diệu Cầm, “Tiểu thuyết lịch sử đang hấp dẫn trở lại”, http://www1.laodong.com.vn Sách, tạp chí
Tiêu đề: Tiểu thuyết lịch sử đang hấp dẫn trở lại”
10. Quỳnh Châu, “Nguyễn Xuân Khánh tuổi 74 và cuốn tiểu thuyết mới”, http://www.vnca.cand.come.vn Sách, tạp chí
Tiêu đề: Nguyễn Xuân Khánh tuổi 74 và cuốn tiểu thuyết mới”
11. Văn Chinh (2007), “Nơi bắt đầu Mẫu Thượng Ngàn của Nguyễn Xuân Khánh”, Tiền phong cuối tuần, (11) Sách, tạp chí
Tiêu đề: Nơi bắt đầu Mẫu Thượng Ngàn của Nguyễn Xuân Khánh”",Tiền phong
Tác giả: Văn Chinh
Năm: 2007
12. Văn Chinh (2012), “Tinh thần dân chủ Phật giáo Việt Nam qua tiểu thuyết Đội gạo lên chùa của Nguyễn Xuân Khánh”, Văn nghệ, (6) Sách, tạp chí
Tiêu đề: Tinh thần dân chủ Phật giáo Việt Nam qua tiểu thuyết Độigạo lên chùa của Nguyễn Xuân Khánh”", Văn nghệ
Tác giả: Văn Chinh
Năm: 2012
13. Nguyễn Văn Dân (1999), Nghiên cứu văn học lý luận và ứng dụng, Nxb Giáo dục, Hà Nội Sách, tạp chí
Tiêu đề: Nghiên cứu văn học lý luận và ứng dụng
Tác giả: Nguyễn Văn Dân
Nhà XB: Nxb Giáodục
Năm: 1999
14. Nguyễn Văn Dân (2012), “Tiểu thuyết lịch sử Việt Nam đương đại - phác họa một số xu hướng chủ yếu”, Tạp chí Nhà văn, (1) Sách, tạp chí
Tiêu đề: Tiểu thuyết lịch sử Việt Nam đương đại - phác họamột số xu hướng chủ yếu”, Tạp chí "Nhà văn
Tác giả: Nguyễn Văn Dân
Năm: 2012
15. Châu Diên (2006), “Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh và cuộc giành lại bản sắc”, http://tuoitre.vn Sách, tạp chí
Tiêu đề: Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh và cuộc giành lại bản sắc”
Tác giả: Châu Diên
Năm: 2006
16. Trương Đăng Dung (1998), Từ văn bản đến tác phẩm văn học, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội Sách, tạp chí
Tiêu đề: Từ văn bản đến tác phẩm văn học
Tác giả: Trương Đăng Dung
Nhà XB: Nxb Khoa họcXã hội
Năm: 1998
17. Trương Đăng Dung (1994), “Tiểu thuyết lịch sử trong quan niệm mĩ học của G.Luckacs”, Tạp chí Văn học (5) Sách, tạp chí
Tiêu đề: Tiểu thuyết lịch sử trong quan niệm mĩ học của G.Luckacs”, Tạp chí "Văn học
Tác giả: Trương Đăng Dung
Năm: 1994
18. Đinh Trí Dũng (2012), Văn học Việt Nam hiện đại nghiên cứu và giảng dạy, Nxb Đại học Vinh Sách, tạp chí
Tiêu đề: Văn học Việt Nam hiện đại nghiên cứu và giảng dạy
Tác giả: Đinh Trí Dũng
Nhà XB: Nxb Đại học Vinh
Năm: 2012
19. Nguyễn Đăng Duy (1999), Phật giáo với văn hoá Việt Nam, Nxb Hà Nội Sách, tạp chí
Tiêu đề: Phật giáo với văn hoá Việt Nam
Tác giả: Nguyễn Đăng Duy
Nhà XB: Nxb Hà Nội
Năm: 1999
20. Đoàn Ánh Dương (2010), “Tự sự hậu thực dân: Lịch sử và huyền thoại trong Mẫu Thượng Ngàn của Nguyễn Xuân Khánh”, Tạp chí Nghiên cứu văn học, (9) Sách, tạp chí
Tiêu đề: Tự sự hậu thực dân: Lịch sử và huyền thoại trongMẫu Thượng Ngàn của Nguyễn Xuân Khánh”, Tạp chí "Nghiên cứu văn học
Tác giả: Đoàn Ánh Dương
Năm: 2010

TỪ KHÓA LIÊN QUAN

TRÍCH ĐOẠN

TÀI LIỆU CÙNG NGƯỜI DÙNG

TÀI LIỆU LIÊN QUAN

w