Tuy nhiên, do đối tượng và phạm vi nghiên cứu của luận văn được tiến hành trên một diện rộng nên tác giả luận văn chưa có điều kiện đi sâu vào toàn bộ tiểu thuyết của Thuận và chỉ ra nhữ
Trang 1VŨ THỊ HẠNH
NGHỆ THUẬT TỰ SỰ TRONG TIỂU THUYẾT CỦA NHÀ VĂN THUẬN
LUẬN VĂN THẠC SĨ KHOA HỌC VĂN HỌC Chuyên ngành: LÝ LUẬN VĂN HỌC
Hà Nội – 2010
Trang 2VŨ THỊ HẠNH
NGHỆ THUẬT TỰ SỰ TRONG
TIỂU THUYẾT CỦA NHÀ VĂN THUẬN
CHUYÊN NGÀNH: LÝ LUẬN VĂN HỌC
LUẬN VĂN THẠC SĨ KHOA HỌC VĂN HỌC
Người hướng dẫn khoa học: PGS TS LÝ HOÀI THU
Trang 31 LÝ DO CHỌN ĐỀ TÀI 1
2 LỊCH SỬ VẤN ĐỀ 4
3 ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI NGHIÊN CỨU 12
4 MỤC ĐÍCH NGHIÊN CỨU, Ý NGHĨA CỦA LUẬN VĂN 13
5 PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU 14
6 KẾT CẤU LUẬN VĂN 15
B NỘI DUNG 16
Chương 1: NGHỆ THUẬT XÂY DỰNG NHÂN VẬT TRONG TIỂU THUYẾT CỦA NHÀ VĂN THUẬN 16
1.1 GIỚI THUYẾT VỀ NHÂN VẬT 16
1.2 CÁC KIỂU NHÂN VẬT TIÊU BIỂU TRONG TIỂU THUYẾT CỦA NHÀ VĂN THUẬN 18
1.2.1 Nhân vật tha hương, sầu xứ và bi kịch 18
1.2.2 Nhân vật “vắng mặt” 25
1.2.3 Nhân vật đám đông 30
1.3 NGHỆ THUẬT KHẮC HỌA CHÂN DUNG NHÂN VẬT TRONG TIỂU THUYẾT CỦA NHÀ VĂN THUẬN 32
1.3.1 Phá bỏ ngoại hình và tính cách 32
1.3.2 Giản lược đối thoại, gia tăng độc thoại và phân thân 35
1.3.3 Tưởng tượng và vô thức 43
Tiểu kết Chương 2: KẾT CẤU TRONG TIỂU THUYẾT CỦA NHÀ VĂN THUẬN .55
2.1 GIỚI THUYẾT VỀ KẾT CẤU 55
2.2 KẾT CẤU TRONG TIỂU THUYẾT CỦA NHÀ VĂN THUẬN 56
Trang 42.2.3 Kết cấu phân mảnh 78
2.2.4 Kết cấu lồng ghép, gá lắp 83
Tiểu kết Chương 3: PHƯƠNG THỨC TRẦN THUẬT TRONG TIỂU THUYẾT CỦA NHÀ VĂN THUẬN 94
3.1 CẤP ĐỘ LIÊN KẾT VÀ CẤP ĐỘ TRẦN THUẬT 94
3.1.1 Giới thuyết về cấp độ liên kết và cấp độ trần thuật 94
3.1.2 Các cấp độ liên kết trong tiểu thuyết của nhà văn Thuận 96
3.1.2.1 Cấp độ liên kết không hư cấu 96
3.1.2.2 Cấp độ sắp xếp hư cấu 100
3.1.2.3 Cấp độ hành động 104
3.1.2.4 Sự vượt cấp trong liên kết trần thuật 105
3.1.3 Các cấp độ trần thuật trong tiểu thuyết của nhà văn Thuận 108
3.1.3.1 Trần thuật bậc một 108
3.1.2.2 Trần thuật bậc hai và bậc ba 109
3.2 NGÔI KỂ VÀ ĐIỂM NHÌN 111
3.2.1 Giới thuyết về ngôi kể và điểm nhìn 111
3.2.2 Ngôi kể và điểm nhìn trong tiểu thuyết của nhà văn Thuận 114
3.2.2.1 Trần thuật ngôi thứ nhất theo điểm nhìn phức hợp 115
3.2.2.2 Trần thuật ngôi thứ ba theo điểm nhìn phức hợp 122
3.2.2.3 Đa dạng hóa điểm nhìn và sự di chuyển điểm nhìn linh hoạt 124
3.3 GIỌNG ĐIỆU 125
3.3.1 Giới thuyết về giọng điệu 125
3.3.2 Giọng điệu từ khía cạnh trần thuật 126
3.3.3 Giọng điệu từ khía cạnh sắc thái thẩm mĩ 128
3.3.3.1 Giọng điệu mỉa mai, châm biếm 128
Trang 53.3.3.4 Giọng điệu trung tính, sắc lạnh, dửng dưng, lạnh lùng 135
Tiểu kết
C KẾT LUẬN 138
TÀI LIỆU THAM KHẢO 141
Trang 6A MỞ ĐẦU
1 Lý do chọn đề tài
1.1 Tự sự học “vốn là một nhánh của thi pháp học hiện đại, hiểu theo nghĩa rộng, nghiên cứu cấu trúc của văn bản tự sự và các vấn đề liên quan, nói cách khác, nghiên cứu đặc điểm nghệ thuật trần thuật của văn bản tự sự
nhằm tìm một cách đọc Tên gọi Tự sự học – Naratology, Narratologie, do nhà nghiên cứu Pháp gốc Bungari T Todorov đề xuất 1969, trong sách Ngữ
pháp “Câu chuyện mười ngày”, làm cho ngành nghiên cứu tự sự trước nay
có được một cái tên chính thức và trở thành một khoa nghiên cứu có tính độc lập” [22, 11] Kể từ đó, tự sự học trở thành một trong những lĩnh vực học thuật được quan tâm phổ biến Ở Việt Nam, tuy các công trình nghiên cứu dưới ánh sáng của tự sự học đã xuất hiện nhưng những công trình chuyên sâu
và dày dặn vẫn còn hiếm Trong công trình này, tác giả luận văn vận dụng lý thuyết tự sự học tiếp cận sự nghiệp sáng tác của nhà văn Thuận nhằm chỉ ra những đặc điểm nghệ thuật tự sự, từ đó “tìm ra một cách đọc” Thiết nghĩ, đây cũng là một trong những mục đích mà tự sự học hướng đến
1.2 Tiểu thuyết là một thể loại tự sự cỡ lớn, giữ vị trí trung tâm, góp phần làm nên diện mạo của một nền văn học Những thập kỷ cuối của thế kỷ
XX đã ghi lại sự bàn luận sôi nổi của giới nghiên cứu toàn thế giới về các vấn
đề như: tiểu thuyết có khủng hoảng hay không và nếu có thì tại sao khủng hoảng? tiểu thuyết có chết không và nếu có thì tại sao chết? tiểu thuyết có phải đang phát triển không và nếu có thì xu hướng phát triển của nó như thế nào? Đến nay, thế kỷ XX đã khép lại được tròn một thập kỷ nhưng những câu hỏi ấy vẫn còn giữ nguyên tính thời sự
Trang 7Hòa cùng xu hướng văn học thế giới, ở Việt Nam, tình hình cũng diễn
ra tương tự Cho đến thập kỷ đầu của thế kỷ XXI, văn học Việt Nam vẫn đang nhức nhối tìm lời giải đáp cho câu hỏi: tiểu thuyết Việt Nam đang ở đâu? Có hay không vấn đề khủng hoảng trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại? Chúng tôi không tham vọng trả lời những câu hỏi lớn về tiểu thuyết nhưng thông qua việc tìm hiểu về nghệ thuật tự sự trong tiểu thuyết của nhà văn Thuận, luận văn góp phần đưa đến cái nhìn bao quát về diện mạo tiểu thuyết Việt Nam những năm đầu thế kỷ XXI
Thế kỷ XXI, thế giới bước vào công cuộc toàn cầu hóa, đa phương hóa, thúc đẩy tiến trình hội nhập và phát triển của văn học Thực tế đó khiến cho biên giới của văn chương không bị giới hạn trong khuôn khổ hạn hẹp về địa lý đơn thuần Sự “khai thông” này là tiền đề cho hàng loạt những tác
phẩm của các nhà văn hải ngoại (Và khi tro bụi của Đoàn Minh Phượng, Tìm
trong nỗi nhớ của Lê Ngọc Mai, Thiên sứ của Phạm Thị Hoài, Made in Vietnam, Chinatown, Paris 11 tháng 8, T mất tích, Vân Vy của Thuận) được
giới thiệu và giành những giải thưởng trong nước Trong số những nhà văn
xa xứ kể trên, Thuận là cây bút thu hút tác giả luận văn hơn cả bởi sự bản lĩnh, từng trải, chuyên nghiệp và những tìm tòi mới lạ trong lối viết
Thuận tên đầy đủ là Đoàn Ánh Thuận, sinh 1967 tại Hà Nội Thuận đã tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ của Đại học Sư phạm Pyatigorsk (Nga), cao học Đại học Paris 7 và Đại học Sorbonne Thuận là vợ họa sĩ Trần Trọng Vũ, con dâu nhà thơ Trần Dần, chị em song sinh với dịch giả Đoàn Cầm Thi Hiện Thuận đang định cư tại Pháp Với truyền thống gia đình hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, với nền tảng tri thức nhiều năm tích lũy, lại có điều kiện tiếp xúc với nhiều truyền thống văn học (đặc biệt là Pháp – “cái nôi” của những tìm tòi và đổi mới về nghệ thuật tiểu thuyết), Thuận là một trong số ít
Trang 8tác giả mà “từ tuyên ngôn đến sáng tác đều bộc lộ một cách rất quyết liệt tham vọng cách tân hình thức tự sự” [44] Tuy mới vào nghề nhưng Thuận đã nhanh chóng tạo được “thương hiệu” thông qua 5 tiểu thuyết “trình làng” liên
tục trong năm năm: Made in Vietnam (2003), Chinatown (2004), Paris 11
tháng 8 (2005), T mất tích (2006) và Vân Vy (2008) Với năm tiểu thuyết,
Thuận đã từng bước chứng tỏ bản lĩnh và tài năng của một cây bút chuyên nghiệp, đam mê với nghề Mỗi tiểu thuyết đều là kết quả của một quá trình lao động nghệ thuật nghiêm túc, nhọc nhằn, dày công tìm tòi và thể nghiệm những lối viết mới, vượt thoát khỏi những lối mòn sẵn có của nghệ thuật tự
sự truyền thống Nhờ đó, Thuận nhanh chóng trở thành một trong những cây bút tiểu thuyết tiên phong đi tìm những hình thức thể hiện mới, nỗ lực làm mới văn học nước nhà, bên cạnh những cây bút khác như Tạ Duy Anh, Nguyễn Bình Phương, Hồ Anh Thái
Tiểu thuyết của Thuận có một vị trí nhất định trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại Ở Việt Nam, “những tiền đề của sự đổi mới quan niệm về hiện thực và cách kể chuyện của tiểu thuyết đã không ngừng được đặt ra qua nhiều “làn sóng” nối tiếp nhau: từ “làn sóng thứ nhất” (với Nguyễn Minh Châu, Lê Lựu, Ma Văn Kháng…) đến “làn sóng thứ hai” (với Nguyễn Huy Thiệp, Dương Thu Hương, Phạm Thị Hoài, Bảo Ninh…) Song, để có một sự chuyển biến sâu sắc “nòng cốt thể loại”, “đặc trưng thể loại” thì phải đến đầu thế kỷ XXI, với những “thử nghiệm”, những thành tựu của các nhà văn sinh
ra trong một thế hệ đã khác trước (“làn sóng thứ ba”) Giờ đây, với “làn sóng thứ ba” (Tạ Duy Anh, Nguyễn Bình Phương, Thuận…), nhu cầu “tràn bờ” lại ngày càng mạnh mẽ Quả thực, tiểu thuyết Việt Nam đã đi qua nhiều biến động, thậm chí cả những cuộc “lột xác” để đến với đời sống đương đại và có được diện mạo mới mẻ như ngày hôm nay” [77, 36] Những nhận định sâu
Trang 9sắc trên đây đã phác họa diện mạo tiểu thuyết Việt Nam từ sau 1986 cũng như “vị thế” của Thuận trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại Theo “lộ trình” phát triển của văn học, nếu “làn sóng thứ nhất” và “làn sóng thứ hai”
đã trở thành những hiện tượng văn học sử khá “yên ổn” thì những tác giả thuộc “làn sóng thứ ba” (mà Thuận là một trường hợp) vẫn còn đang “gây sóng”, vẫn trong quá trình “khai mở và định giá” Sự “khai mở và định giá” trở nên thực sự cần thiết bởi họ là những người đang viết tiếp những “trang
sử mới” cho tiểu thuyết Mặc dù tiểu thuyết của Thuận mới xuất hiện trong vài năm trở lại đây nhưng tiếp nối hành trình của những thế hệ đi trước, cùng với những “người đương thời”, Thuận đã có những đóng góp không nhỏ trong việc đưa đến “những chuyển biến sâu sắc về “nòng cốt” cũng như “đặc trưng thể loại” [77, 36]
Trên đây là những lí do thôi thúc chúng tôi đi sâu tìm hiểu nghệ thuật
tự sự (hướng tiếp cận còn khá mới) trong tiểu thuyết của Thuận và đặt Thuận trong làn sóng đổi mới của tiểu thuyết Việt Nam đương đại để góp phần khẳng định phong cách, những đóng góp cũng như điểm dừng của nhà văn trong công cuộc đổi mới tiểu thuyết Thông qua đó, luận văn phần nào phác họa diện mạo tiểu thuyết Việt Nam những năm đầu thế kỷ XXI
2 Lịch sử vấn đề
2.1 Ở phương Tây, việc xem xét tác phẩm văn học dưới góc độ tự sự học đã và đang rất phổ biến Nhưng đối với văn học Việt Nam, tự sự học vẫn còn là một vấn đề khá mới mẻ, dường như mới chỉ là thói quen của các nhà chuyên môn cũng như những người làm nghiên cứu lý luận Tình hình đó gây nên không ít khó khăn đối với độc giả trong việc tiếp nhận cũng như chiếm
Trang 10lĩnh thế giới tác phẩm, đặc biệt trong thời kỳ tiểu thuyết có sự “mở rộng bến bờ”, ghi nhận nhiều những thử nghiệm mới về nghệ thuật tự sự như ngày nay
2.2 Thuận là một cây bút trẻ, bản lĩnh và chuyên nghiệp, có những tìm tòi và thể nghiệm không ngừng để làm mới tiểu thuyết Liên tục trong năm năm, Thuận đã cho ra mắt bạn đọc năm tiểu thuyết mà tiểu thuyết nào cũng gắn liền với vấn đề đổi mới trong văn học Vì thế, tiểu thuyết của Thuận thu hút sự quan tâm của đông đảo độc giả - cả những nhà nghiên cứu, lí luận, phê bình và bạn đọc văn chương đơn thuần Tuy vậy, số lượng các công trình nghiên cứu chuyên sâu về nghệ thuật tự sự trong tiểu thuyết của Thuận còn rất ít ỏi và chưa thật sự tập trung Chúng tôi tạm chia ra hai nhóm: nhóm các công trình nghiên cứu phê bình, khóa luận, luận văn, luận án và nhóm các bài nghiên cứu phê bình, phỏng vấn trên báo mạng Internet Điểm lại những bài nghiên cứu thuộc hai nhóm trên, chúng ta sẽ thấy được những kết quả nghiên cứu và “điểm dừng” trong lịch sử nghiên cứu về tiểu thuyết của Thuận
2.2.1 Các công trình nghiên cứu phê bình, luận án, luận văn, khóa luận
Nếu không kể Made in Vietnam được xuất bản ở nước ngoài thì những
tiểu thuyết của Thuận đã thu hút sự chú ý của các nhà nghiên cứu ngay từ khi mới xuất bản Năm 2004, tiểu thuyết đầu tiên của Thuận được xuất bản trong
nước (Chinatown) lập tức giành được sự quan tâm của các nhà nghiên cứu
Tác phẩm được các nhà nghiên cứu đề cập đến trong một công trình khá dày
dặn Văn học Việt Nam sau 1975 – những vấn đề nghiên cứu và giảng dạy
(Nguyễn Văn Long - Lã Nhâm Thìn (đồng chủ biên), Nhà Xuất bản Giáo dục, 2006) Trong công trình này, trước hết, tiểu thuyết của Thuận được nhà
nghiên cứu Bùi Việt Thắng đề cập đến trong bài viết nhan đề Tiểu thuyết Việt
Nam sau 1975 – nhìn từ góc độ thể loại Trong bài viết này, ngay phần Nhận
Trang 11diện tiểu thuyết sau 1975, tác giả đã đặc biệt chú ý đến tính chất mới lạ của Chinatown, khẳng định nó đã khước từ truyền thống nhưng chưa đến được
hậu hiện đại Tác giả cũng đề cập đến cấu trúc của Chinatown, vai trò của kí
ức đối với những thay đổi của cấu trúc tiểu thuyết Tác giả khẳng định: “đây
là một lối kiến trúc tiểu thuyết kiểu lồng ghép các “mảnh vỡ tâm trạng” khiến người đọc rất khó tiếp nhận theo lối truyền thống”[18, 191]
Như vậy, ở bài viết trên, tác giả Bùi Việt Thắng đã đề cập đến một
phương diện của nghệ thuật tự sự (kết cấu) như một minh chứng cho cái mới
lạ, phần nào giải thích cho sự “khó tiếp nhận” của độc giả Do bài viết hướng tới phạm vi bao quát rộng (tiểu thuyết Việt Nam sau 1975), hơn nữa, lại chỉ gói gọn trong dung lượng chục trang giấy, nên nghệ thuật kết cấu trong
Chinatown mới chỉ được tác giả đề cập đến một cách sơ lược Bài viết cũng
chưa có điều kiện đi sâu vào những yếu tố khác nhau trong nghệ thuật tự sự
của Chinatown nói riêng và những tiểu thuyết khác của Thuận nói chung
Trong công trình nghiên cứu Văn học Việt Nam sau 1975 – những vấn
đề nghiên cứu và giảng dạy còn có một số bài viết khác cũng đề cập đến tiểu
thuyết của Thuận nhưng mới dừng lại ở mức độ “điểm mặt, gọi tên” như:
Tiểu thuyết Việt Nam sau 1975 – một cái nhìn khái quát (Nguyễn Thị Bình);
Ý thức cách tân trong tiểu thuyết Việt Nam sau 1975 (Nguyễn Bích Thu)
Nếu trong công trình Văn học Việt Nam sau 1975 – những vấn đề
nghiên cứu và giảng dạy mới chỉ bước đầu “chạm đến” phương diện kết cấu
trong Chinatown của Thuận thì trong Luận văn Thạc sĩ Khoa học Văn học - trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn năm 2007 với nhan đề Cấu
trúc thể loại tiểu thuyết Việt Nam đầu thế kỷ XXI của tác giả Hoàng Cẩm
Trang 12Giang đã có bước “tiến xa” hơn trong việc nghiên cứu về tiểu thuyết của Thuận trên cả hai phương diện: chiều rộng và chiều sâu
Luận văn Cấu trúc thể loại tiểu thuyết Việt Nam đầu thế kỷ XXI không chỉ “giới hạn” trong Chinatown mà đề cập đến cả bốn tiểu thuyết của Thuận (trừ Vân Vy vì luận văn được hoàn thành trước khi tác phẩm được xuất bản) Luận văn cũng không chỉ đề cập đến kết cấu trong Chinatown mà bao quát
hết những vấn đề cơ bản của cấu trúc thể loại (phương thức tự sự, nhân vật, không – thời gian) trong cả bốn tiểu thuyết So với công trình nghiên cứu trên, công trình này đã ghi nhận những thành tựu nghiên cứu sâu rộng và chi tiết hơn về tiểu thuyết của Thuận Tuy nhiên, do đối tượng và phạm vi nghiên cứu của luận văn được tiến hành trên một diện rộng nên tác giả luận văn chưa
có điều kiện đi sâu vào toàn bộ tiểu thuyết của Thuận và chỉ ra những đặc điểm về nghệ thuật tự sự trong tiểu thuyết của nhà văn
Ở Luận văn Thạc sĩ Khoa họcVăn học của tác giả Phạm Thu Hiền với
đề tài Tiểu thuyết Việt Nam năm năm đầu thế kỷ, Đại học Khoa học Xã hội và
Nhân văn năm 2007 tình hình cũng diễn ra tương tự Luận văn này đã sơ bộ ghi nhận những đóng góp mới cả về nội dung và nghệ thuật của tiểu thuyết Việt Nam năm năm đầu thế kỷ (trong đó có Thuận) nhưng chưa đề cập một cách tập trung về phương diện nghệ thuật tự sự trong tiểu thuyết của Thuận
Khác với các công trình nghiên cứu trên, ở bài viết Tư duy thơ trong
tiểu thuyết Việt Nam đương đại (được in trong công trình Tự sự học – một số vấn đề lý luận và lịch sử, phần 2 do Trần Đình Sử chủ biên, Nhà Xuất bản
Đại học Sư phạm, 2008), Nguyễn Thị Bình lại chú ý đến tiểu thuyết của Thuận ở khía cạnh nhịp điệu, chất thơ: “trong các nhà văn Việt Nam, ý thức biến nhịp điệu thành nội dung tiểu thuyết ở Thuận là mạnh nhất, dù Thuận
Trang 13xuất hiện muộn hơn Phạm Thị Hoài, Bảo Ninh, Châu Diên”[23, 490] Tác giả
đã mô hình hóa cấu trúc tiểu thuyết của Thuận: Chinatown có cấu trúc như một bức tranh lập thể, như một bản nhạc; T mất tích có cấu trúc như một câu
đố…Như vậy, dù tác giả đã đưa đến những phát hiện thú vị (chất thơ ẩn sau bức tranh đời sống chẳng có gì thi vị; chất thơ ẩn sau cái nhìn đầy sắc thái hoài nghi, tra vấn; chất thơ ẩn sau một giọng điệu giễu nhại chen lấn với giọng điệu dửng dưng và lạnh lùng…) nhưng mới chỉ đề cập đến một phương diện nhỏ (nhịp điệu tạo nên chất thơ cho tiểu thuyết), chưa có điều kiện bao quát những đặc điểm cơ bản của nghệ thuật thuật tự sự
Bên cạnh những công trình nghiên cứu mang tính khái quát về tiểu thuyết Việt Nam sau 1975 nói chung và tiểu thuyết Việt Nam thế kỷ XXI nói riêng (mới bước đầu nhắc tới Thuận và điểm tên một số tiểu thuyết của Thuận trong “vô vàn” những tiểu thuyết của các nhà văn khác) là những công trình nghiên cứu chuyên sâu về tiểu thuyết của Thuận Chúng ta có thể kể đến
các công trình như: Đặng Thị Lan Anh, Tính trò chơi trong tiểu thuyết T mất
tích của Thuận, Khóa luận tốt nghiệp, Đại học Sư phạm Hà Nội, 2007;
Nguyễn Thị Loan, Những cách tân nghệ thuật trong tiểu thuyết của nhà văn
Thuận, Khóa luận tốt nghiệp, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, 2008;
Nguyễn Xuân Lệ Hằng, Thi pháp tiểu thuyết của nhà văn Thuận, Luận văn
Thạc sĩ khoa học Ngữ văn, Đại học khoa học, Đại học Huế, 2009 Những công trình nghiên cứu này đều hướng đến bao quát các tiểu thuyết của Thuận Tuy nhiên, cho đến thời điểm các công trình trên hoàn thành, Thuận chưa ra
mắt bạn đọc Vân Vy Vì vậy, tính đến thời điểm này, chưa có công trình nghiên cứu nào đề cập đến Vân Vy Hơn nữa, đúng như tên gọi của các công
trình trên, các tác giả đều hướng đến những đối tượng nghiên cứu cụ thể (Đặng Thị Lan Anh nghiên cứu về “tính trò chơi trong tiểu thuyết”; Nguyễn
Trang 14Thị Loan nghiên cứu về “những cách tân nghệ thuật”; Nguyễn Xuân Lệ Hằng nghiên cứu về thi pháp tiểu thuyết), chưa đề cập tới nghệ thuật tự sự trong tiểu thuyết của Thuận một cách tập trung và có hệ thống Như vậy, cho đến thời điểm luận văn này được tiến hành, “cánh cửa” đi sâu tìm hiểu về nghệ thuật tự sự trong tiểu thuyết của nhà văn Thuận vẫn còn đang để ngỏ
Điểm qua những công trình nghiên cứu, các khóa luận, luận văn như trên chúng tôi nhận thấy tiểu thuyết của Thuận đã thu hút được sự quan tâm, chú ý của các nhà nghiên cứu ngay từ khi tác phẩm mới được xuất bản Các công trình nghiên cứu trên đã tiếp cận tiểu thuyết của Thuận ở những mức độ rộng, hẹp khác nhau (có khi tiểu thuyết của Thuận được đặt trong diện mạo tiểu thuyết Việt Nam từ sau 1975 đến nay; có khi lại chỉ được đặt trong diện mạo tiểu thuyết Việt Nam năm năm đầu thế kỷ XXI) và ở những khía cạnh khác nhau (cấu trúc thể loại, tính trò chơi, thi pháp, những cách tân nghệ thuật…) Đó cũng là những “bước tiến” và “điểm dừng” trong việc nghiên cứu về tiểu thuyết của Thuận Những “bước tiến” và “điểm dừng” của các công trình nghiên cứu trên là cơ sở, là xuất phát điểm để chúng tôi tiến hành
đề tài nghiên cứu về nghệ thuật tự sự trong tiểu thuyết của Thuận
2.2.2 Các bài nghiên cứu phê bình, phỏng vấn trên báo viết, mạng Internet
Nói đến lịch sử nghiên cứu về tiểu thuyết của Thuận mà chỉ đề cập đến những công trình nghiên cứu, những khóa luận, luận văn thì đó sẽ là một khiếm khuyết lớn Bởi tiểu thuyết của Thuận mới được xuất bản vài năm trở lại đây nên những công trình nghiên cứu dày dặn và tập trung còn khá thưa thớt Trái lại, tiểu thuyết của Thuận lại được giới thiệu một cách rộng rãi và dành được sự quan tâm sôi nổi trên báo viết và mạng Internet, đặc biệt là các diễn đàn văn học, các trang báo điện tử, blog cá nhân
Trang 15Trong số những bài viết về Thuận được đăng tải trên báo mạng Internet,
có những bài viết mới chỉ dừng lại ở mức độ cảm thụ, bộc bạch cách cảm, cách nghĩ của cá nhân khi tiếp cận tiểu thuyết của Thuận Những bài viết dạng này chủ yếu xuất hiện trên các diễn đàn văn học, các website hoặc blog cá nhân… Bên cạnh đó, cũng có không ít các bài nghiên cứu ít nhiều đề cập đến những khía cạnh về nghệ thuật tiểu thuyết của Thuận và đã có không ít những phát hiện mới lạ, độc đáo Ở đây, tác giả luận văn quan tâm hơn cả đến những bài viết đề cập đến những khía cạnh về nghệ thuật tiểu thuyết của Thuận
Số lượng những bài viết đề cập đến nghệ thuật tiểu thuyết của Thuận
khá phong phú Chúng ta có thể kể đến một số bài viết như: Tiểu thuyết Việt
Nam: những chuyển động không nhỏ của Phong Điệp, bài viết đăng trên
http://www.tienphong.vn; Thu Hà với hai bài viết Paris 11 tháng 8 – con
người và số phận đăng trên http://www.vietvan.vn và Thuận và Paris 11 tháng
8 đăng trên http://vietbao.vn; Nguyễn Thị Hoa với hai bài viết Thuận với việc tìm đến hình thức tiểu thuyết ngắn đăng trên http://tienve.org và Thân phận công dân toàn cầu trong tiểu thuyết của Thuận đăng trên
http://www.vietvan.vn; hai bài viết Tiểu thuyết Chinatown và những chiều
kích hiện tại của thời gian quá khứ và Thuận và Phố Tàu: dung nghịch lý để nói những nghịch lý của Nguyễn Chí Hoan đăng trên http:/www.evan.com.vn;
Phạm Ngọc Lương với Nhân vật trong Paris 11 tháng 8 là một khối mâu
thuẫn lớn đăng trên http://evan.vnexpress.net; Janine Gillon với bài viết Về ba tác phẩm Việt Nam mới xuất bản tại Pháp đăng trên
http://www.bbc.co.uk; Nguyễn Vĩnh Nguyên với hai bài viết Phố Tàu: không
chỉ là tha hương đăng trên http:/www.tuoitre.com.vn và Văn học hải ngoại:
“dòng riêng” có gặp “dòng chung”? đăng trên http://vietbao.vn; Hoàng
Nguyễn với Đôi nét về thi pháp và kết cấu tiểu thuyết Chinatown đăng trên
Trang 16http:/www.evan.com.vn; Đoàn Minh Tâm với Một vài đặc trưng nghệ thuật
tiểu thuyết Thuận đăng trên http://vannghequandoi.com.vn; Đỗ Minh Tuấn với Văn học hải ngoại nhìn từ trong nước đăng trên http://www.tienve.org; Phùng
Gia Thế với Lý giải về sự khó đọc của tiểu thuyết hiện nay đăng trên http://phongdiep.net; Đoàn Cầm Thi với ba bài viết: Đọc Paris 11 tháng 8 của
Thuận đăng trên http:/www.talawas.org; I’m yellow – Khoái cảm văn bản
đăng trên http:/www.tienve.org; Có một dòng văn học “khác” đăng trên
http:/www.talawas.org….Những bài viết kể trên ít nhiều đề cập đến những phương diện khác nhau về nghệ thuật tiểu thuyết của Thuận Tuy nhiên, hầu hết các bài viết hoặc chỉ dừng lại ở một tiểu thuyết của Thuận, hoặc đề cập đến các tiểu thuyết của Thuận nhưng chỉ trên một khía cạnh nhỏ…Do đó, chưa bài viết nào có khả năng đưa đến cho chúng ta một bức tranh khái quát, toàn diện
và sâu sắc về nghệ thuật tự sự trong tiểu thuyết của Thuận
Ngoài các bài viết trên, chúng ta còn phải kể đến một số bài phỏng vấn của các phóng viên đối với Thuận và sự chia sẻ của Thuận thông qua những
các bài nói chuyện như: Cát Khuê, Thuận: trong văn chương, mọi cách thể
hiện đề tài đều bình đẳng, http://www.phongdiep.net; Khánh Lam, Thuận: Nhà văn Việt ghi dấu ấn văn chương ở Pháp, http://lethieunhon.com; Thủy
Lê, Thuận: Với tôi, mỗi tác phẩm như một chuyến đi xa, http://evan.vnexpress.net; Hà Linh, Thuận: Khi viết tôi không mặc cảm, http://evan.vnexpress.net; Lan Ngọc, Thuận: Ngôn ngữ Việt thừa hiện đại và
tinh tế để sáng tạo, http://evan.vnexpress.net; Thụ Nhân, Thuận: Tôi rất muốn biết vì sao mình được tặng thưởng, http://www2.vietnamnet.vn; Việt Quỳnh, Thuận: càng viết là càng bớt bồng bột, http://thethaovanhoa.vn Thông qua
những bài phỏng vấn cũng như những bài nói chuyện như trên, chúng ta hiểu
rõ hơn về tác giả, quan niệm sáng tác, ý thức và hành trình sáng tạo… Đó
Trang 17chính là những tư liệu cần thiết cho tác giả luận văn khi nghiên cứu về nghệ thuật tự sự trong tiểu thuyết của Thuận
Bên cạnh báo mạng Internet, tiểu thuyết của Thuận cũng đã rải rác được
đề cập đến trên các báo viết như: Thử nhận diện tiểu thuyết ngắn Việt Nam
gần đây của tác giả Văn Giá, đăng tải trên Báo văn nghệ số 26 – 2005; Dòng tiểu thuyết ngắn trong văn học Việt Nam thời kì đổi mới (1986-2000) của tác
giả Bùi Việt Thắng, Tạp chí Nhà văn 10/2006…
Điểm qua lịch sử nghiên cứu về tiểu thuyết của Thuận chúng tôi nhận thấy: Thuận là một “hiện tượng” khá nổi bật, được đông đảo giới nghiên cứu quan tâm nhưng hiện chưa có một công trình nào tập trung về nghệ thuật tự
sự trong tiểu thuyết của Thuận Phần nhiều các nhà nghiên cứu mới chỉ đi vào một khía cạnh hoặc một tác phẩm cụ thể của Thuận Thực tiễn đó cho thấy, việc tập trung tìm hiểu về nghệ thuật tự sự trong tiểu thuyết của Thuận
là một đề tài mới mẻ, và có những ý nghĩa thiết thực đối với việc nghiên cứu
lý luận phê bình cũng như tiếp nhận và sáng tạo văn học Vì vậy luận văn này
hi vọng sẽ hệ thống lại những nét tiêu biểu về nghệ thuật tự sự trong tiểu thuyết của Thuận, nhằm hướng tới một cái nhìn toàn diện và khách quan
3 Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
3.1 Đối tượng nghiên cứu: luận văn nghiên cứu về nghệ thuật tự sự trong tiểu thuyết của Thuận.Tuy nhiên, nghệ thuật tự sự là có phạm vi rộng, bao gồm nhiều yếu tố nên chúng tôi tập trung đi sâu nghiên cứu về các phương diện: nhân vật, kết cấu và các phương thức trần thuật
3.2 Phạm vi nghiên cứu: luận văn tập trung vào năm tiểu thuyết của
Thuận là: Made in Vietnam, Chinatown, T mất tích, Paris 11 tháng 8 và Vân
Trang 18Vy Ngoài ra, chúng tôi cũng tìm hiểu thêm về những tác phẩm của Đoàn
Minh Phượng, Nguyễn Bình Phương, Lê Ngọc Mai, Phạm Thị Hoài, Tạ Duy Anh để có sự so sánh, đối chiếu
4 Mục đích nghiên cứu, ý nghĩa của luận văn
Trong công trình này, tác giả luận văn sử dụng lý thuyết tự sự học để chỉ ra những đặc điểm cơ bản về nghệ thuật tự sự trong tiểu thuyết của nhà văn Thuận Trong đó, tác giả luận văn tập trung làm rõ nghệ thuật xây dựng nhân vật, kết cấu và các phương thức trần thuật
Tiểu thuyết của Thuận thuộc tạng “khó đọc”, “khó hiểu” đối với không
ít đối tượng độc giả Cái “khó đọc”, “khó hiểu” trong tiểu thuyết của Thuận đến từ những hình thức thể hiện mới của nghệ thuật tự sự (mà nhân vật, kết cấu, các cấp độ liên kết trần thuật, các cấp độ trần thuật, người kể chuyện, điểm nhìn và giọng điệu là những yếu tố tiêu biểu) Ngoài ra, chúng ta cũng không thể không kể đến dấu ấn của chủ nghĩa hậu hiện đại cũng như học thuyết S Freud…trong tiểu thuyết của Thuận Do đó, trong công trình này, ngoài việc vận dụng chủ yếu lý thuyết về tự sự học, chúng tôi còn kết hợp cả
lý thuyết của chủ nghĩa hậu hiện đại và học thuyết S Freud soi chiếu vào các khía cạnh tự sự trong tiểu thuyết của Thuận Vì thế, luận văn đưa đến cho độc giả một hướng tiếp cận mới đối với những tiểu thuyết của nhà văn Thuận, đưa ra một chỉ dẫn mới, một cánh cửa mới để độc giả “bước chân” vào thế giới tác phẩm Thiết nghĩ, đó là một trong những cơ sở để đánh giá một cách công bằng những đóng góp cũng như những hạn chế của Thuận trong diện mạo nền văn học Việt Nam thế kỷ XXI
Ngoài ra, để có thể đánh giá tiểu thuyết của Thuận một cách khách quan và toàn diện hơn, tác giả luận văn bước đầu đặt Thuận trong tương quan
Trang 19so sánh với một vài tác giả tiểu thuyết khác trên thế giới để để thấy được những ảnh hưởng tác động của văn học hiện đại thế giới đối với tiểu thuyết của nhà văn Thuận cũng như những yếu tố kế thừa và sáng tạo trong tiểu thuyết của nhà văn Thuận Trong từng nội dung của luận văn, chúng tôi cũng đặt tiểu thuyết của Thuận trong bối cảnh văn học Việt Nam truyền thống và đương đại để thấy được những cách tân, những đóng góp, “điểm dừng” cũng như những thử nghiệm thành công và chưa thực sự thành công trong tiểu thuyết của nhà văn Thuận trên phương diện nghệ thuật tự sự
Với hướng nghiên cứu và triển khai như trên, luận văn với đề tài Nghệ
thuật tự sự trong tiểu thuyết của nhà văn Thuận có ý nghĩa thiết thực trong
nghiên cứu lý luận phê bình cũng như trong tiếp nhận và sáng tạo nghệ thuật Luận văn cũng là cơ sở để cung cấp nguồn tư liệu nghiên cứu về một tác giả đương đại vốn vẫn chưa có bề dày trong nghiên cứu
5 Phương pháp nghiên cứu
Luận văn vận dụng lý thuyết tự sự học nghiên cứu về nghệ thuật tự sự trong tiểu thuyết của Thuận Ngoài ra, chúng tôi cũng sử dụng một số phương pháp nghiên cứu khác như:
- Phương pháp cấu trúc: phân tích tác phẩm như một hệ thống các yếu tố, nêu lên các quan hệ cốt yếu, quyết định giữa các yếu tố ấy với nhau bởi vì chỉ khi đưa vào chỉnh thể cấu trúc mới có thể xác lập được ý nghĩa thực và chức năng của các yếu tố ấy với nhau Phương pháp này có vai trò
vô cùng quan trọng trong việc làm rõ nghệ thuật kết cấu cũng như các cấp
độ liên kết và trần thuật trong tiểu thuyết của nhà văn Thuận
Trang 20- Phương pháp tiếp cận thi pháp học: phương pháp này giúp chúng tôi khảo sát, phân tích các phương diện hình thức có tính nội dung như: ngôi kể, điểm nhìn, giọng điệu…một cách hệ thống Đặt các yếu tố đó vào một chỉnh thể từ đó luận văn khái quát nên những nét chung nhất về nghệ thuật tự sự trong tiểu thuyết của nhà văn Thuận
- Phương pháp thống kê, so sánh: phương pháp thống kê giúp chúng tôi khảo sát, tìm hiểu tần số xuất hiện, sự biểu hiện của những yếu tố có ý nghĩa quan trọng, từ đó đi tới khái quát về nghệ thuật tự sự trong tiểu thuyết của nhà văn Thuận Phương pháp so sánh được vận dụng để làm sáng rõ những yếu tố kế thừa cũng như cách tân về nghệ thuật tự sự, từ đó thấy được
sự độc đáo, nét riêng biệt trong tiểu thuyết của nhà văn Thuận
6 Kết cấu luận văn
Ngoài phần Mở đầu, Kết luận và Tài liệu tham khảo, nội dung của luận văn được triển khai thành ba chương:
Chương 1: Nghệ thuật xây dựng nhân vật trong tiểu thuyết của nhà văn Thuận
Chương 2: Kết cấu tiểu thuyết của nhà văn Thuận
Chương 3: Phương thức trần thuật trong tiểu thuyết của nhà văn Thuận
Trang 21B NỘI DUNG CHƯƠNG 1 NGHỆ THUẬT XÂY DỰNG NHÂN VẬT TRONG TIỂU THUYẾT CỦA NHÀ VĂN THUẬN
1.1 Giới thuyết về nhân vật
Nhân vật là phạm trù cơ bản của văn học Trong nghiên cứu, phê bình, nhân vật văn học đã trở thành một khái niệm quen thuộc, thiết yếu Vì thế, khái niệm nhân vật là đối tượng được hầu hết các công trình mang tính công
cụ (giáo trình lý luận văn học, từ điển thuật ngữ văn học…) nhắc đến
Theo Từ điển thuật ngữ văn học (Lê Bá Hán, Trần Đình Sử và Nguyễn
Khắc Phi chủ biên): nhân vật là “con người cụ thể được miêu tả trong tác phẩm văn học (…), là một đơn vị nghệ thuật đầy tính ước lệ, không thể đồng nhất nó với con người thật trong đời sống (…), thể hiện quan niệm nghệ thuật
và lí tưởng thẩm mĩ của nhà văn về con người” [21, 162]
Tác giả Lại Nguyên Ân trong 150 thuật ngữ văn học bổ sung thêm các
loại nhân vật tiêu biểu cho từng thể loại và rút ra kết luận: “Nhân vật văn học
là một trong những khái niệm trung tâm để xem xét sáng tác của một nhà văn, một khuynh hướng, trường phái hoặc dòng phong cách” [6, 251]
Tác giả Trần Đình sử trong công trình Lí luận văn học khẳng định
“nhân vật văn học là con người được miêu tả trong văn học bằng phương tiện văn học (…).Văn học không thể thiếu nhân vật bởi đó là hình thức cơ bản để qua đó văn học miêu tả thế giới một cách hình tượng (…) Nhân vật văn học
là một hiện tượng ước lệ, có những dấu hiệu để ta nhận ra Thông thường, đó
là một cái tên (…) Thứ đến là các dấu hiệu tiểu sử, nghề nghiệp hoặc đặc
Trang 22điểm riêng (…) Sâu hơn là các đặc điểm tính cách (…) Các đặc điểm ấy được đúc kết thành các “công thức” giới thiệu nhân vật (…) Trong các công thức nhận ra ấy được chứng thực trong các quan hệ, được bộc lộ, phát triển hoặc điều chỉnh trong các xung đột, và cuối cùng ta có một hình tượng hoàn chỉnh về một nhân vật văn học (…) Nhân vật là phương tiện khái quát các tính cách, số phận con người và các quan niệm về chúng” [19, 277 – 279]
Điểm qua những ý kiến trên chúng ta có thể thấy, các nhà nghiên cứu khá đồng nhất trong việc coi nhân vật văn học được miêu tả trong tác phẩm nhằm thể hiện quan niệm và lí tưởng thẩm mĩ của nhà văn và là phương tiện
để khái quát tính cách, số phận con người
Trong tiểu thuyết truyền thống, các nhân vật thường được xây dựng theo những “công thức” như Trần Đình Sử khái quát: gồm tên gọi, tiểu sử, nghề nghiệp, đặc điểm tính cách được bộc lộ thông qua lời nói, cử chỉ, hành động Các nhà văn thường “chăm chút” xây dựng nhân vật từ ngoại hình, hành động, tâm trạng, tính cách…để trở thành những hình tượng đầy đặn, sống động Nhân vật trở thành một yếu tố quan trọng về nội dung, một phương tiện nhằm nêu bật chủ đề tác phẩm
Với tiểu thuyết đương đại, nhân vật không chỉ là hình tượng ước lệ chuyên chở hành động, tâm tư và tình cảm mà còn được xem như một yếu tố cấu thành cấu trúc tự sự Các phương thức mới trong nghệ thuật xây dựng nhân vật là nhân tố thể hiện sự cách tân về hình thức và nội dung Đặc biệt, trong bối cảnh tiểu thuyết có sự “mở rộng bến bờ” như ngày nay, chúng ta khó có thể khuôn các nhân vật vào những “công thức” chung sẵn có Xem xét nhân vật trong tiểu thuyết của Thuận với tư cách là một yếu tố cấu thành của nghệ thuật thuật tự sự, trong luận văn này, người viết đã chỉ ra các kiểu nhân
Trang 23vật cơ bản trong tiểu thuyết của Thuận và đi sâu tìm hiểu nghệ thuật xây dựng nhân vật của nhà văn Qua đó, luận văn giúp người đọc thấy được những quan niệm, lí tưởng thẩm mĩ của Thuận cũng như những thông điệp
mà nhà văn muốn gửi gắm đến độc giả
1.2 Các kiểu nhân vật tiểu biểu trong tiểu thuyết của nhà văn Thuận
Thừa nhận tính chất tương đối trong việc xác định các kiểu nhân vật, ở tiểu thuyết của Thuận, chúng ta có thể thấy ba kiểu nhân vật cơ bản: nhân vật tha hương, sầu xứ; nhân vật “vắng mặt”, nhân vật đám đông
1.2.1 Nhân vật tha hương, sầu xứ
Nhân vật tha hương dường như là điểm đến của các nhà văn xa xứ nói chung Giống như tiểu thuyết của các nhà văn di dân khác (Phạm Thị Hoài, Đoàn Minh Phượng, Lê Ngọc Mai…), tiểu thuyết của Thuận là “bến đậu” của những con người tha hương
Năm tiểu thuyết của Thuận, ngoại trừ Made in Vietnam lấy bối cảnh
trong nước, bốn tiểu thuyết còn lại đều lấy Paris làm phông nền - “môi trường sống” cho các nhân vật Họ được sinh ra ở rất nhiều nơi khác nhau nhưng đều quy tụ ở kinh đô ánh sáng: Paris Paris với họ là tương lai, là hạnh phúc, là ước mơ khát vọng đổi đời Nhưng bằng những hình thức khác nhau, họ đều
bị Paris hoa lệ từ chối, xô đẩy đến bên bờ sinh tử Vì thế, tiểu thuyết của Thuận trở thành “mảnh đất” của “ngồn ngộn” những thân phận tha hương mang trong mình nỗi cô đơn sầu xứ và bi kịch Họ cho người đọc thấy rõ một Paris khác – một “bóng đen” đổ dài xuống từ kinh đô ánh sáng - Paris của những người nhập cư Tìm về “quê gốc” cũng như nơi quy tụ hiện tại của các nhân vật trong tiểu thuyết của Thuận, chúng tôi có bảng thống kê sau:
Trang 24Tác phẩm Nhân vật Quê gốc Nơi quy tụ
“lực từ” khác nhau nhưng khi đã bị “hút” vào, họ chỉ có thể “bám” trên bề mặt – bên lề của Paris chứ chẳng bao giờ hòa nhập được vào trong đó Họ cũng chẳng đủ sức mạnh tự đẩy mình ra để trở về miền đất cũ Cho dù họ có
đủ dũng cảm để bứt ra thì cố hương cũng chẳng thể là bến đỗ bình an đối với
họ Họ bị rơi vào trạng thái bất an, hẫng hụt, không trôi dạt đến bên bờ sinh
tử thì cũng bị kết án “biến mất”
Trang 25Chinatown trước hết là “tiểu tự sự” về những thân phận tha hương bé
nhỏ và lạc lõng, nằm ở vùng ngoại biên của mọi không gian mà mình có mặt, nhiều quốc tịch nhưng không có nổi một quê hương Sự cô đơn trong
Chinatown dường như đã là một định mệnh cho tất cả những con người trong
đó Nếu chúng ta đã từng gặp trong Hồi hương ngẫu thư của Hạ Tri Chương
một thân phận bị biến thành “khách” trên chính quê hương mình thì có lẽ khi
đọc Chinatown, chúng ta sẽ thấy vị “khách” trong Hồi hương ngẫu thư vẫn
phần nào được chút an ủi bởi hai chữ “quê hương” tự thân nó đã gợi lên một
chút gì ấm áp, thân quen Nhân vật trong Chinatown thậm chí không có nổi
một quê hương để cảm nhận được dù chỉ là một chút ấm áp đó Nỗi cô đơn của sự sống nhưng ở đó tất cả với mình đều chênh vênh, xa lạ càng khủng khiếp hơn gấp ngàn lần
Cũng như Chinatown, Paris 11 tháng 8 và T mất tích, Vân Vy đều là
những “tiểu tự sự” về thân phận tha hương Nhưng tiến xa hơn, đó còn là những thân phận “không được nhớ đến” [71], bị “rơi chìm” vào vùng quên lãng: báo chí Pháp, văn chương Pháp, chính trị Pháp, luật pháp Pháp …đã, đang và sẽ chẳng bao giờ chú ý đến những thân phận ngoài lề như họ
Nhân vật tha hương đã trở thành mạch ngầm xuyên suốt sáng tác của những nhà văn di dân như Đoàn Minh Phượng, Phạm Thị Hoài, Lê Ngọc Mai…Hòa cùng “nguồn chung” với các nhà văn xa xứ nhưng Thuận lại khơi được một “dòng riêng”, tạo sự khác biệt Nếu những nhà văn trên mới chỉ chạm đến sự tha hương nói chung thì Thuận lại nhìn sâu vào trong phân phận
đó để thẩu tỏ nỗi niềm cô đơn, sầu xứ
Các nhân vật trong tiểu thuyết của Thuận luôn mang nặng nỗi cô đơn sầu xứ Sầu xứ bởi trên đất khách, dưới ánh sáng Paris, họ bị hình dung như
Trang 26những sinh vật xấu xí và bẩn thỉu Thậm chí, tên gọi – cái bản nguyên của con người họ cũng không còn giữ được cho riêng mình Tiểu thuyết nói về những con người tha hương nhưng trong số đó, chỉ một phần họ được gọi bằng cái tên người (Mai Lan, Pát, Nát, Vân, Vy, Vượng), số còn lại – chiếm phần lớn – hoặc biến thành những kí hiệu (N, M, V, T, B), hoặc bị “vật hóa”:
Sư tử, Mèo ốm, Đượi, Hà Mã, Gấu, những con chuột bẩn thỉu
Kiếp tha hương, họ phải vật lộn với cuộc sống nhưng không được dung nạp, không được thừa nhận Muôn nẻo đường đời chung một số phận: giam mình trong những toa tàu điện ngầm chất chứa thảm họa khôn lường; chen lấn nhau để được vào ở khu tập thể mà với người Pháp - đó là nơi dành cho
“những con chuột bẩn thỉu” May mắn lắm, họ mới thuê được một căn phòng tồi tàn trên tầng bảy áp mái chưa đủ chín mét vuông và luôn trong tình trạng báo động: không lò sưởi giữa mùa đông khi nhiệt độ xuống đến âm, không điều hòa khi cái nắng mùa hè lên đến bốn mươi hai độ Đó là nơi mà những nhà văn Pháp dù rất nhạy cảm và tinh tế nhưng cũng chưa bao giờ “chiếu cố” đến Giới báo chí Pháp, các nhà xã hội học Pháp – những người “tỉ mỉ” nhất, giành sự quan tâm đến cả những loài hoa “di cư” đến nước Pháp (có cả hoa Cứt Lợn) nhưng cũng lãng quên những số phận tha hương
Không chỗ đứng trong hiện tại, các nhân vật trong tiểu thuyết của Thuận hồi nhớ cố hương Nhưng cố hương có khi nào mở lòng để đồng cảm
và chia sẻ với họ? Bố mẹ “Tôi” trong Chinatown nhìn Paris như một vùng
sáng – nơi gửi trọn niềm tin về một tương lai mĩ mãn Bằng mọi giá (khóc lóc, hờn dỗi, tuyệt thực), họ bắt “Tôi” quên đi tình yêu đầu đời sang Pháp tìm kiếm hai chữ tương lai Gia đình, bạn bè Vy vẫn hướng về Paris như gửi gắm khát vọng đổi đời Họ đã đưa Vy qua “đường tắt” sang Paris và khôn nguôi
hy vọng tìm được “đường tắt” khác cho chị Vy Anh chị Liên gửi em gái sang
Trang 27Paris với niềm tin mãnh liệt rằng đứa em xấu số sẽ sớm lấy được ông chồng ngoại quốc như ý…Ai trong số họ nhìn thấu nỗi cô đơn ngày đêm vò xé tâm
can những thân phận tha hương? Bố mẹ “Tôi” trong Chinatown có thấu cảnh
“Tôi” ngày lang thang, dật dờ như một cái bóng, đêm về “vật lộn” với những
ám ảnh, day dứt và những cơn mê sảng triền miên? Anh chị Liên ở nhà, thức
ăn đầy ứ tủ lạnh liệu có thấu cảnh em gái tỉnh cũng như mơ, chỉ thèm khát một bát phở gà? Tha hương vẫn hoàn tha hương Sầu xứ vẫn hoàn sầu xứ Tha hương sầu xứ mãi cũng biến thành bi kịch
Tha hương tự nó chưa đủ sức để biến thành bi kịch Chúng ta có thể
kiểm chứng điều này qua Tìm trong nỗi nhớ của Lê Ngọc Mai Cũng giống
như các nhân vật trong tiểu thuyết của Thuận, các nhân vật trong tiểu thuyết của Lê Ngọc Mai (Lan Chi, Thanh Hoa) cùng có mẫu số chung là tha hương, cùng thất bại trong tình yêu đầu đời nhưng họ không rơi vào bi kịch vì họ không bị ám ảnh bởi thân phận di dân, không day dứt khi bỏ lại tình yêu đầu đời để đến với tình yêu nơi “miền đất hứa” Điều đó cho thấy, khởi nguyên của những bi kịch trong tiểu thuyết của Thuận chính là những ám ảnh day
dứt Trong Chinatown, đó là ám ảnh day dứt khôn nguôi của “Tôi” về căn hộ
tập thể chật hẹp và nghèo nàn nơi “Tôi” có một năm ngắn ngủi sống bên Thụy; là dòng sông “vô định” từ đầu cho đến cuối tác phẩm vẫn “không đủ rộng, nước không đủ trong” khiến “Tôi” mãi phải day dứt vì không đủ dũng cảm để giữ hạnh phúc của riêng mình; là sân bay Nội Bài nơi chứng kiến những lần “Tôi” chấp nhận hy sinh hạnh phúc riêng ra đi thực hiện nghĩa vụ với hai chữ tương lai của đấng sinh thành để rồi lại trở về trong nỗi cô đơn đến tê tái Tất cả, đổi lại là sự hiện hữu trong “Tôi” – “mọi thứ đều mù mịt”
Trong T mất tích, đó là chị Xuân “lai lưng” kiếm tiền chỉ để đôi năm một lần
trở về nơi “chôn rau cắt rốn” và lần nào cũng thế, sau mỗi lần trở lại, cả hai
Trang 28mắt đều sưng mọng Đó là T chục năm tha hương vẫn không có tiền để một lần trở về chốn cũ, chấp nhận cuộc sống không gia đình, không thân thích
nhưng cuối cùng vẫn bị kết án “mất tích” Trong Paris 11 tháng 8, đó là Liên
với cơn đói quặn bụng nhưng chẳng có gì để nhét vào dạ dày ngoài nỗi sợ hãi Những bi kịch cả về thể chất lẫn tinh thần từ đầu đến cuối tác phẩm vẫn luôn đè nặng lên những phân thận bé nhỏ, di dân
Nhân vật trong tiểu thuyết của Thuận bằng nhiều con đường khác nhau, đều bị “đất khách” đẩy ra bên lề, trôi dạt đến bên bờ sinh tử Trong họ day dứt những câu hỏi: “Chúng ta từ đâu đến? Chúng ta là cái gì? Chúng ta đi
nghỉm” vào vùng quên lãng ngay cả khi vẫn hiện tồn Cuối cùng, họ đều là hiện thân của những tấn bi kịch
Ở Tìm trong nỗi nhớ của Lê Ngọc Mai, các nhân vật Lan Chi, Thanh
Hoa, Kiên, Quân…bằng mọi cách để được sang Pháp và trụ lại đó vì với họ, Paris vẫn còn là tương lai, là hạnh phúc, là những cơ hội tốt đẹp mà ở Việt Nam họ không có được Vì thế, ở họ, nỗi nhớ cố hương chỉ thoang thoảng hiện lên mỗi độ Tết đến xuân về chứ không khi nào cồn cào và thường trực như các nhân vật trong tiểu thuyết của Thuận (anh cả Vượng chẳng quan tâm đến cái gì khác ngoài việc gói bánh chưng và luôn thèm được chia sẻ quy trình gói bánh chưng với bất cứ ai mỗi khi có dịp; Vy luôn nhớ cồn cào
hương vị kem cối Thủy Tạ, phở hồ Thiền Quang…) Kết thúc Tìm trong nỗi
nhớ cũng là kết thúc hành trình về thăm cố hương của Lan Chi và ba đứa con
nhưng nó lại mở ra không gian Paris - không gian của nỗi nhớ như vợ nhớ chồng, như con nhớ cha - không gian nơi đó có người chồng yêu thương và gia đình êm ấm, hạnh phúc Chính thời điểm đó, cái thoang thoảng nhớ về cố hương (Việt Nam) đã bị triệt tiêu hoàn toàn, nhường chỗ cho nỗi nhớ về một
Trang 29“cố hương” khác (Pháp) khi nhân vật thấy Pháp đã trở thành quê hương của mình Việt Nam vì thế, sẽ dần trở nên xa lạ - như đất khách đối với họ
Như vậy, Thuận đã chú trọng xây dựng nhân vật của mình trên cả ba phương diện: không chỉ là cô đơn, lạc lõng, bơ vơ, thẩn thơ nơi xứ người (tha hương), không chỉ canh cánh nỗi niềm nhớ nhung quê hương da diết (sầu xứ)
mà còn rơi vào bi kịch với sự bất an trong hiện thực, sự hoang mang vô định
về tương lai Nếu phương diện thứ nhất khiến Thuận hòa cùng “nguồn chung” của các nhà văn xa xứ thì hai phương diện còn lại (đặc biệt là việc nhìn ra bi kịch của những người xa xứ) đã góp phần làm nên nét riêng ở Thuận Có lẽ chính vì thế mà chỉ đến những tiểu thuyết của Thuận người ta mới đề cập đến những “thân phận công dân toàn cầu” [41] Đó là “điểm dừng” mà Thuận đã vượt qua so với những nhà văn xa xứ khác
Với kiểu nhân vật tha hương, sầu xứ và bi kịch, Thuận không chỉ thể hiện bản lĩnh cùng nhân cách của một nhà văn mà còn cho người đọc thấy được một cái nhìn công tâm và từng trải Trong “nguồn chung” với nhiều nhà văn xa xứ khác, Thuận đã vượt lên với một cái nhìn khách quan để thẳng thắn chỉ ra những bi kịch cùng sự khốn cùng của những thân phận tha hương ở dưới đáy xã hội hậu tư bản viên mãn – nơi mà những nhân vật của họ đang nuôi dưỡng một ước mơ đổi đời và khát vọng về một tương lai tươi sáng nhưng sẽ chẳng bao giờ thực hiện được Nước Pháp dưới ngòi bút của Thuận không còn hiện lên như là thiên đường của hạnh phúc Việt Nam cũng không phải là “ngõ cụt” của những ước mơ Đó là một cái nhìn đầy khách quan và
tự trọng của một nhà văn tâm huyết với nghề
Tha hương, lưu vong trên đất khách quê người luôn là nỗi ám ảnh của Thuận nói riêng và các nhà văn xa xứ nói chung Với lối tư duy sắc sảo và
Trang 30khát vọng khám phá những góc khuất của cuộc sống đương đại, Thuận đã mang thân phận di dân cùng nỗi niềm thương nhớ của mình ra làm vốn để xây dựng thành công hình tượng nhân vật trên cả hai phương diện: không chỉ
di dân bé nhỏ mà còn mang nặng nỗi niềm sầu xứ
1.2.2 Nhân vật “vắng mặt”
Nhân vật là “con người cụ thể được miêu tả trong tác phẩm văn học” [21, 162] Nhận định này lập tức bị lung lay, “rạn vỡ” trên từng trang văn của Thuận Nó không đủ sức để lý giải tại sao trên những trang văn ấy, những con Gấu, Hà Mã, Đượi, Sư tử, Mèo ốm cũng xếp hàng xin trợ cấp, tham gia lớp bồi dưỡng giành cho những người thất nghiệp, cũng ăn uống, nói năng, sinh hoạt tình dục và cũng nạo phá thai như những nhân vật “rất người” khác Quan điểm ấy thậm chí còn bị “sụp đổ” khi Thuận thả nhân vật (hay đúng hơn là không – nhân vật) lên một bệ đỡ là sự “vắng mặt”
Thuận “chủ đích” xây dựng kiểu nhân vật “vắng mặt” nhằm thể hiện trạng thái thiếu hụt, trống rỗng, không hoàn thiện cũng như nỗi cô đơn hoang vắng thường trực của con người hiện đại Có hai dạng “vắng mặt”: một là
“vắng mặt” trong đó “mặt” được hiểu như là một danh từ - ám chỉ những đường nét về ngoại hình cũng như tính cách của nhân vật; hai là loại nhân vật – không nhân vật hay nhân vật “vắng mặt” trong tiến trình tự sự Trong tiểu thuyết của Thuận, hầu hết các nhân vật đều thuộc về một trong hai, hoặc cả hai kiểu “vắng mặt” trên Sự “vắng mặt” này càng nhấn mạnh hơn đến sự tha hương, sầu xứ và bi kịch của các nhân vật trong tiểu thuyết của Thuận
Ở bình diện thứ nhất, nhân vật “vắng mặt” thể hiện thông qua sự “thiếu hụt” các yếu tố: tên gọi, đường nét ngoại hình, tính cách Hầu hết các nhân
Trang 31vật trong tiểu thuyết của Thuận đều “vắng mặt” ở bình diện này: “vắng” họ,
“thiếu” tên, mờ dần về đường nét ngoại hình và tính cách
Duy chỉ có “đứa con đầu lòng” Made in Vietnam được Thuận gia công
tìm kiếm cho những cái tên đầy đủ (Trần Minh Phượng, Nguyễn Thanh Bình, Nguyễn Đức Lương, Trần Thị Lan…) còn với những “đứa con thứ” – một cái tên còn chẳng có, nói gì đến họ Chẳng biết họ xấu, đẹp, cao, thấp thế nào,
Thuận “giấu tiệt” luôn đặc điểm ngoại hình và tính cách Ở Chinatown, người
đọc không thể biết “Tôi”, “hắn”, “bố mẹ tôi”, “cậu mợ tôi”, “hai thằng em họ
của tôi”, “các đồng nghiệp của tôi” tên họ là gì Ở Paris 11 tháng 8, người
đọc cũng không thể biết bà già láu cá, vợ chồng ông “đấm ngực”, Sư tử, Mèo
ốm, Hà mã…tên họ là gì Ở Vân Vy, chúng ta thấy đầy rẫy những nhân vật kí
hiệu B, V, N, M… Vậy mà các nhân vật ấy, những kí hiệu ấy vẫn “ồ ạt” xuất hiện trên các trang văn của Thuận
Thuận đã từng tâm sự “Tìm được tên cho nhân vật là viết được hơn nửa…Tên riêng của nhân vật, một từ thôi mà chẳng đơn giản chút nào Nó phải cùng lúc hoàn thành hai nhiệm vụ rất trừu tượng: khái quát nhân vật và tạo cảm hứng Tác phẩm thành công thì độc giả không thể nào quên được tên nhân vật” [48] Soi chiếu nhận định này lên những trang văn của Thuận chúng ta thấy xuất hiện một nghịch lý: Thuận rất coi trọng việc đặt tên nhân vật nhưng các nhân vật trong tiểu thuyết của Thuận (đặc biệt là nhân vật chính) lại thường chẳng có một tên gọi đầy đủ Nghịch lý này chỉ có thể “hóa giải” bằng chính “chủ tâm” của Thuận: “dùng nghịch lý để nói những nghịch lý” [43] Nghĩa là Thuận đã cố gắng thiết lập kiểu nhân vật “vắng mặt” Rõ ràng, đã “vắng mặt” thì cũng chẳng cần gọi tên Nhưng không gọi tên không
có nghĩa là Thuận thất bại trong việc khái quát nhân vật Cố tình tạo ra một
“khoảng trống” lớn, Thuận dẫn dắt người đọc “ngắm sâu” vào bên trong đời
Trang 32sống tinh thần của nhân vật, từ đó thấu rõ trạng thái trỗng rỗng, thiếu hụt cũng như sự cô đơn hoang vắng của con người trong xã hội hiện đại “Thiếu hụt” về mặt hiện tồn nhưng cũng vì thế, các nhân vật trong tiểu thuyết của Thuận “đầy đặn” hơn ở những tầng vỉa tâm hồn sâu kín Điều đó chứng tỏ những trang văn của Thuận có “khả năng chạm đến những ngõ ngách đặc biệt của đời sống chúng ta” [4, bìa 4]
Sự “vắng mặt” của nhân vật ở bình diện thứ nhất liên quan mật thiết đến thủ pháp phá bỏ ngoại hình và tính cách nhân vật mà chúng tôi sẽ đề cập đến ở phần sau (mục 1.3.1.) Nói cách khác, chính chủ tâm xây dựng những kiểu nhân vật nhằm thể hiện sự thiếu hụt, sự không hoàn thiện của con người trong đời sống hiện đại đã khiến Thuận tìm đến với thủ pháp phá bỏ ngoại hình và tính cách với tư cách như một phương tiện để hiện thực hóa ý đồ nghệ thuật của nhà văn
Ở bình diện thứ hai, nhân vật “vắng mặt” ở cấp độ không – nhân vật, nghĩa là biến mất hoàn toàn khỏi tiến trình tự sự Số lượng những nhân vật thuộc vào kiểu này không nhiều Rõ nhất, chúng ta có thể thấy đó là sự biến
mất hoàn toàn của T trong tiến trình tự sự ở T mất tích Ngoài ra, chúng ta có thể kể đến Hélène, Thụy trong Chinatown; chị Xuân, Viđa trong T mất tích
Bên cạnh đó, chúng ta cũng thấy một số nhân vật xuất hiện trong nửa đầu tiến trình tự sự nhưng “đột ngột” biến mất mà không rõ nguyên do như Pát trong
Paris 11 tháng 8 Cuộc đời và số phận của những nhân vật này đều được đề
cập đến một cách khá chi tiết trong tác phẩm nhưng tuyệt nhiên họ không hề xuất hiện trong tiến trình tự sự Họ chỉ được đề cập đến qua lời kể của các nhân vật khác Thông thường, những nhân vật “vắng mặt” ở bình diện thứ hai thường kèm theo sự “vắng mặt” ở bình diện thứ nhất Kết hợp cả hai bình diện, nhân vật trở thành không – nhân vật hay nhân vật “mất tích”
Trang 33Cũng giống như kiểu nhân vật tha hương, nhân vật “vắng mặt” không phải là “bản quyền” của Thuận Lịch sử văn học hiện đại thế giới thế kỷ XX
cũng đã ghi dấu sự xuất hiện kiểu nhân vật này trong sáng tác của Kafka (Vụ
án), Josep K (Lâu đài)… Kiểu nhân vật này cũng đã xuất hiện trong sáng tác
của một số nhà văn đương đại Việt Nam như Tạ Duy Anh (Thiên thần sám
hối – nhân vật bào thai; Đi tìm nhân vật – nhân vật cô gái điên, hắn), Nguyễn
Bình Phương (Người đi vắng – những hồn ma, Trí nhớ suy tàn – nhân vật
Tuấn )… Mặc dù vậy, chưa có nhà văn nào lại để cho kiểu nhân vật này xuất hiện một cách “ồ ạt” như trên những trang văn của Thuận Với chủ đích xây dựng kiểu nhân vật “vắng mặt” Thuận góp phần làm cho loại nhân vật này trở nên phổ biến hơn trong văn học đương đại, đưa văn học vượt thoát khỏi những “lối mòn”, “công thức” trong nghệ thuật xây dựng nhân vật
Hơn nữa, nếu các nhà văn đương đại khác mới chủ yếu dừng lại ở việc xây dựng kiểu nhân vật “vắng mặt” ở bình diện thứ nhất thì với sự bản lĩnh
và khát vọng tìm tòi không ngừng trong lối viết, Thuận đã tiến một bước xa hơn – “đánh bật” hoàn toàn nhân vật ra khỏi tiến trình tự sự Với sự “đánh bật” này, Thuận đã “đẩy xa hơn, một bước rất dài, ngưỡng cửa của bất an và hoang vắng của con người hiện đại Con người không còn mang thân phận của kẻ tha hương, bơ vơ trong một bối cảnh xa lạ, mà lâm vào một tình thế khác, không kém phần tuyệt vọng: bị kết án biến mất Nhân vật của Thuận thậm chí không còn một chỗ đứng dưới chân, quá khứ nhạt nhòa và tương lai đơn giản là không tồn tại Nhờ đó, Thuận đã tiếp tục khẳng định sức viết dồi dào và khả năng chạm đến những ngõ ngách đặc biệt của đời sống thời đại chúng ta” [4, bìa 4]
Xây dựng kiểu nhân vật vắng mặt, Thuận đã phản ánh một cách chân thực con người hiện đại trước ngưỡng cửa của sự bất an và hoang vắng –
Trang 34ngưỡng cửa mà ở đó, chỉ có trạng thái cô đơn của con người là hoàn thiện
Đó là sự nhạt nhẽo của những mối liên hệ giữa con người với con người trong xã hội, sự nhạt nhẽo của cả tình mẫu tử, tình huynh đệ cũng như nghĩa
vợ chồng Đó là nỗi cô đơn tồn tại trong con người như một định mệnh và trạng thái trỗng rỗng, hụt hẫng khó cân bằng như là thường thực
Nếu kiểu nhân vật tha hương, sầu xứ mới chỉ bao quát được những thân phận di dân bé nhỏ thì ở kiểu nhân vật “vắng mặt” – bằng mục đích khơi sâu nỗi cô đơn hoang vắng của con người hiện đại, Thuận đã đạt đến một tầm bao quát sâu rộng hơn – bao quát “thân phận công dân toàn cầu” [39] Kiểu nhân vật này trong tiểu thuyết của Thuận làm người đọc liên hệ đến những
nhân vật cô đơn đến cùng cực trong tiểu thuyết Hạt cơ bản của Michel Houllebecq.Về thời gian, Hạt cơ bản (1998) của Michel Houllebecq chỉ xuất
hiện trước tiểu thuyết của Thuận vài năm Không mang thân phận di dân như Thuận nhưng Michel Houllebecq và Thuận đều là “người trong một nước”, cùng từng trải và cùng thấm thía nỗi cô đơn của con người trong xã hội đó
Michel trong Hạt cơ bản suốt đời mình sống trong đơn độc, trong sự trống
rỗng đến khủng khiếp và cuối cùng, cũng chỉ còn lại là nỗi cô đơn trọn vẹn, là
cái chết Rõ ràng, cô đơn không phân biệt di dân (Tôi trong Chinatown, T trong T mất tích, Liên và Mai Lan trong Paris 11 tháng 8…) hay không di dân (Michel và Bruno trong Hạt cơ bản) Nếu mỗi con người là một cơ thể
sống riêng biệt, thậm chí khác biệt thì sự “vắng mặt” đã trung hòa họ, sự “cô
đơn” đã thống nhất họ Liên và Mai Lan trong Paris 11 tháng 8, Michel và Bruno trong Hạt cơ bản – khác nhau hoàn toàn: Liên xấu xí chưa một lần biết
mùi ân ái, Mai Lan xinh đẹp, kiều diễm quá từng trải trong chuyện “gối chăn”, Michel đam mê khoa học, Bruno đam mê tình dục…nhưng họ lại gặp
Trang 35nhau ở nỗi cô đơn bất hạnh, gặp nhau ở thân phận “hạt cát” bên lề những cơn lốc biến chuyển của xã hội
Con người hiện đại, họ có đủ tầm trí tuệ để hiểu rằng thời gian không ngừng trôi và cuộc đời hữu hạn Con người hiện đại, họ có đủ tầm nhận thức
để tin rằng thay vì tuyệt đối, tương đối mới là chân lý Họ hiểu rằng, âm thanh và ánh sáng cũng chỉ có tốc độ giới hạn và do đó, họ sẽ chẳng bao giờ
có cơ hội được tiếp xúc với những người cùng thời Cho nên, cô đơn hoang vắng là trạng thái tất yếu đối với họ Có lẽ, để hiểu được những chân lý đó,
“Tôi” trong Chinatown đã phải mất ba mươi chín năm – ba mươi chín năm để
biết thế nào là chờ đợi, thế nào là thất vọng Không phải ngẫu nhiên, các nhân vật chính trong tiểu thuyết của Thuận đều bước vào tác phẩm khi đã ở cái tuổi tứ tuần – cái tuổi đã có đủ thời gian để trải nghiệm và nhận thức rõ trạng thái tồn tại của con người
1.2.3 Nhân vật đám đông
Cá nhân - “đơn vị” cấu tạo nhỏ nhất của những “đám đông”, là một phần của xã hội Nói cách khác, nhân vật đám đông là sự thể hiện của những tập thể người trong những mối quan hệ nhất định, làm thành một xã hội thu nhỏ Trong xu hướng tiểu thuyết thiên về phản ánh hiện thực cuộc sống theo
“bề sâu” nhằm phám khá số phận cá nhân, các tiểu thuyết gia đương đại thường ít để tâm tới những đám đông nhân vật Điều này trái ngược lại hoàn toàn với Thuận – nhà văn vẫn giành một sự quan tâm đặc biệt đến những đám đông nhân vật và xây dựng chúng trong tác phẩm một cách đầy chủ ý
Những nhân vật trong tiểu thuyết của Thuận luôn được nhà văn “đặt” vào những đám đông để qua đó, nhà văn tiến một bước xa hơn trong việc khắc họa số phận cá nhân Những đám đông xuất hiện “ồn ào” trên những
Trang 36trang văn của Thuận: đám đông đoàn du khách tham quan; các cuộc hội nghị; đám đông những người thất nghiệp; đám đông những kẻ ăn xin; đám đông nhân viên trong căng tin công ty; đám đông sinh viên du học; đám đông trong tàu điện ngầm, đám ma, đám cưới…Họ xuất hiện ở lớp học, căng tin công ty,
ga tàu điện ngầm, nhà hàng, vũ trường, khách sạn, bệnh viện, đám hiếu, hỷ…Họ xuất hiện nhằm hai mục đích:
Trước hết, đám đông nhân vật xuất hiện với chức năng “phông nền”
mà ở đó, các nhân vật bị tách ra, bị chối bỏ, đào thải Có lẽ, sự cô độc của Trinh không thể đạt đến mức “hoàn hảo” nếu như Thuận không “đặt” Trinh vào những đám đông ở trường học, ở thư viện, ở sân bóng rổ, ở bể bơi Là
nữ giới nhưng lại thừa nội tiết nam, Trinh chẳng được tìm được cho mình một vị trí trong những đám đông Vì thế, cho dù hiện diện ở tất cả những
“chốn đông người” ấy nhưng từ đầu đến cuối, Trinh cô độc vẫn hoàn cô độc
Khác với Trinh, Liên không thừa nội tiết nam nhưng đổi lại, cuộc đời
cô từ khi dậy thì đều gắn liền với mùi tanh của các phòng khám da liễu Với khuôn mặt được xem như là “miền đất hứa” của những mụn là mụn, Liên chưa từng giành được thiện cảm từ bất cứ đám đông nào Xuất hiện trong rất nhiều đám đông nhưng ở đám đông nào, Liên cũng thui thủi một mình một bóng, cô đơn và lẻ loi Thuận đã từng đặt Liên giữa một buổi triển lãm tranh
ồn ào như để “kiểm chứng” khả năng hòa hợp của Liên với xã hội Nhưng cũng chính bởi “phép thử” này, Thuận đã để Liên thấm thía sự cô độc hoàn toàn Liên bị tách ra, bị chối bỏ, “cô độc” lang thang như một “sinh vật” lạ, lần tìm cho mình một góc khuất như một vị trí trú ẩn an toàn
Trong Chinatown, Thuận lại đặt “Tôi” vào giữa toa tàu điện ngầm
“chặt cứng” hành khách Đám đông ồn ào, xô bồ, còn tôi lại tự tách mình ra,
Trang 37để tâm hồn phiêu lưu trong tâm tưởng cho đến khi đoàn tàu tiếp tục lộ trình Đặt nhân vật trong những đám đông, Thuận không chỉ nhấn mạnh đến thân phận của kẻ tha hương bơ vơ trên đất khách mà còn thể hiện nỗi cô đơn sầu
xứ và cũng như sự bất an hoang vắng của con người trong xã hội hiện đại
Không chỉ là “phông nền” thể hiện số phận cá nhân, các đám đông trong tiểu thuyết của Thuận còn xuất hiện với vai trò như là môi trường, là thiết chế xã hội mà ở đó, nhân vật chính hòa vào cùng chung số phận của những con người tha hương và bi kịch Đó là đám đông những người ăn xin
có chung số phận; là đám đông những người trong lớp học giành cho những người thất nghiệp nhưng có chung một “khát vọng” được viết “đơn xin thôi việc” (họ mong đợi một ngày được tự mình viết đơn xin thôi việc, bởi như thế có nghĩa là – họ đã từng có việc làm và họ có cơ hội để lựa chọn những việc làm khác); là những đám đông khu tập thể HLM – nơi những con người đến từ nhiều nơi khác nhau nhưng “quy tụ” nhau quanh hai chữ “bi kịch”
Nhân vật đám đông đã làm thành một xã hội Pháp thu nhỏ của những người nhập cư – một xã hội mà ở đó, các mối quan hệ đã dần mất đi nhân tố quan trọng nhất có khả năng xâu chuỗi những yếu tố khác, nhân tố trung tâm
Vì thế, mối quan hệ giữa người với người ngày càng trở nên lỏng lẻo, vụn rời, khiến cho các thân phận tha hương càng trở nên lạc lõng, bơ vơ
1.3 Nghệ thuật khắc họa chân dung nhân vật trong tiểu thuyết của nhà văn Thuận
1.3.1 Phá bỏ ngoại hình và tính cách
Nhân vật cũng giống như con người ngoài đời, đều cần “có những dấu hiệu để ta nhận ra: đó là một cái tên ( ) đặc điểm ngoại hình (…) các đặc
Trang 38điểm tính cách (…) Các đặc điểm ấy được đúc kết thành các “công thức” [19, 279] Công thức đó đã trở thành “lối mòn” trong văn học truyền thống
Trong lý luận văn học truyền thống, xây dựng nhân vật đã được “công thức” hóa, tạo thành một “vệt hằn” trong tâm lý sáng tạo cũng như tiếp nhận Tuy nhiên, đến những sáng tác của các nhà văn đương đại mà Thuận là một
ví dụ, với những tìm tòi trong lối viết, Thuận ngang nhiên “chối bỏ” công thức sáo mòn, tự thiết lập cho mình một hướng đi mới: phá bỏ ngoại hình và tính cách nhân vật Đây là thủ pháp hữu hiệu nhất nhằm làm “mờ hóa” nhân vật, từng bước đưa nhân vật tiến về ngưỡng “không - nhân vật”
Như trên đã nói, may mắn lắm Thuận mới “chiếu cố” cho các nhân vật của mình một tên gọi (Mai Lan, Thụy, Vĩnh, Vân, Vy), còn đại đa số họ được
kí hiệu hóa bằng một chữ cái ngắn gọn không đủ sức gợi lên chút ý nghĩa gì (N, M, V, T, B ) Thậm chí, tên nhân vật “mất tích” hoàn toàn, nhường chỗ cho sự hiện diện của tên những loài động vật…Ngoại hình và tính cách nhân vật cũng theo đó mà biến mất
Không chỉ tước đi những tên gọi thực chất “Người”, Thuận còn xem nhẹ những đặc điểm về ngoại hình và tính cách của nhân vật Không một nhân vật nào trong tiểu thuyết của Thuận có lấy một bức chân dung hoàn
chỉnh Trong Chinatown, “Tôi” hiện lên với “cái mặt khó đăm đăm”, cái giọng pha ba bốn tạp âm nhưng cũng không đến nỗi Trong Paris 11 tháng 8,
Liên hiện lên với “cái mặt đầy mụn” và cái mắt “gườm gườm” Thuận cũng
ưu ái đến chồng và con của tôi trong Chinatown, miêu tả họ với “tóc cắt cao,
mắt xếch” Nhưng thực chất, đặc điểm của hai nhân vật đã hóa hợp cho nhau, hòa vào thành một Những nhân vật còn lại – chiếm đại đa số - không được nhà văn đếm xỉa đến những đặc điểm ngoại hình và tính cách Họ bị tước bỏ
Trang 39một cách toàn diện mọi đường nét hình hài Điểm qua hệ thống nhân vật cùng với những đặc điểm được nhà văn miêu tả, chúng ta sẽ thấy rõ hơn thủ pháp này:
Chinatown Tôi Mặt khó đăm đăm; giọng pha ba bốn tạp
âm nhưng không đến nỗi Vĩnh, Thụy Tóc cắt cao, mắt xếch Hắn, Feng Xiao, Hao Peng Không
Paris 11
tháng 8
Liên Mặt đầy mụn, mắt gườm gườmMai Lan Dáng cao, đùi và ngực đã hơi xệ Pát, Pedro, Nát… Không
Tôi, T, Hanal, Paul… Không
Vân Vy Vy, bố mẹ Vượng, anh trai
sự thảm hại của những số phận tha hương Cái mặt ấy, cái mắt ấy hiện lên
Trang 40một cách rời rạc và lặp lại nhiều lần trong tác phẩm như để nhấn mạnh những thân phận tha hương giống như những “mảnh vụn rời rạc” trên đất khách
Không chỉ phá bỏ ngoại hình, Thuận còn phá bỏ tính cách nhân vật Nhân vật không còn bị ràng buộc bởi những tiểu sử của gia đình mà thay vào
đó, trở thành những cá thể độc lập đứng trong đời sống xã hội Đặc biệt, Thuận thường chú tâm đến việc khắc họa những trạng thái tinh thần với một thế giới nội tâm phức hợp – đa bình diện của nhân vật nên những yếu tố về ngoại hình và tính cách được nhà văn gạt bỏ Chính vì thế, nhân vật trong tiểu thuyết của Thuận mặc dù đều được giấu mặt nhưng lại trở thành những đại diện về lịch sử - tâm hồn của thân phận công dân toàn cầu
1.3.2 Giản lược đối thoại, gia tăng độc thoại và phân thân
Xóa bỏ ngoại hình và tính cách là một trong những thủ pháp hữu hiệu
để xây dựng kiểu nhân vật “vắng mặt” Với hướng thể nghiệm này,Thuận đã thành công ở một mức độ nhất định Tuy nhiên, nhân vật “vắng mặt” không phải là thành công lớn nhất của Thuận Nói cách khác, cái mang lại thành công cho Thuận là sự giản lược đối thoại, gia tăng độc thoại và phân thân một cách chủ đích Đây chính là “con đường” giúp Thuận “chạm đến được những ngõ ngách đặc biệt của cuộc sống thời đại chúng ta” [4, bìa 4]
Để phân tích cặn kẽ thủ pháp giản lược đối thoại và gia tăng độc thoại,
trước hết, chúng ta cần phải hiểu rõ khái niệm đối thoại và độc thoại.Theo Từ
điển Tiếng Việt của Viện Ngôn Ngữ Học thuộc Ủy ban Khoa học Xã hội Việt
Nam, đối thoại được hiểu là hành động nói chuyện qua lại giữa hai hay nhiều người Cấu trúc một cuộc đối thoại gồm có: người phát ngôn (người nói), người nhận phát ngôn (người nghe) và sự luân chuyển thành phần lời từ người nhận phát ngôn sang người phát ngôn thông qua cơ chế phản hồi