Cấp độ hành động

Một phần của tài liệu Nghệ thuật tự sự trong tiểu thuyết của nhà văn Thuận (Trang 109 - 110)

B. NỘI DUNG

3.1.2.3. Cấp độ hành động

Hành động là cấp độ liên kết thể hiện mối quan hệ giữa nhân vật với nhân vật. Trong năm tiểu thuyết của Thuận, nhà văn đều tốn công sức để thiết lập cấp độ liên kết này. Không phải vì Thuận chuyên nghiệp, cũng không phải vì Thuận tài năng mà công việc đó trở nên nhàn hạ hơn. Thuận tốn không mấy công sức bởi vì Thuận thấy thực sự không cần thiết. Không cần thiết bởi Thuận chủ tâm hướng đến kiểu nhân vật tha hương, sầu xứ, bi kịch và vắng mặt. Để làm bật cái cô đơn, bi kịch, nhà văn không thể để cho các nhân vật của mình “yêu thương, đùm bọc” nhau. Xây dựng các nhân vật “vắng mặt”, Thuận không thể để các nhân vật gặp lại nhau quá nhiều (cha con “Tôi” trong T mất tích hơn hai chục năm trời không gặp nhau), không sống với nhau quá lâu (sáu năm chung sống cùng vợ với “Tôi” là một kỉ lục), không tâm sự với nhau (“tâm sự với người thân là điều tôi chưa từng nghĩ đến” [4, 45]). Các nhân vật của Thuận – dưới sự chỉ đạo của nhà văn – sống

theo nguyên tắc không tâm sự, không hỏi, không trả lời, không làm phiền. Thay vào đó, họ tích cực “im lặng”, “gật đầu”, “lắc đầu”…. Đó là cách để Thuận tách các nhân vật ra khỏi các mối quan hệ, tự “phân ly” vào những thế giới riêng – thế giới mà ở đó - “điện thoại không lắp, tài khoản không mở, bạn bè không kết” như trong T mất tích.

Với những chủ ý như trên, Thuận đã có những thành công nhất định trong việc thể hiện sự cô đơn, hoang vắng của con người trong xã hội hiện đại. Họ đều là “người trong một nước”, “anh em trong một nhà” nhưng họ lại là “những đường cong không bao giờ tiệm cận”: không thể đồng cảm, không thể chia sẻ, không thể thấu hiểu. Đó cũng là sự khác biệt giữa Thuận với các nhà văn xa xứ khác: những nhân vật không chỉ tha hương mà còn vong thân, không chỉ nhỏ bé mà còn cô đơn, bi kịch. Xoáy sâu vào sự cô đơn, bi kịch, sự vụn rời của các mối quan hệ, Thuận khiến chúng ta không khỏi giật mình khi nghĩ về chính mình, về hiện thực chúng ta đang sống. Đó cũng là những lúc chúng ta thấy mất đi sự cân bằng, băn khoăn không hiểu đâu mới là ý nghĩa đích thực của cuộc đời. Trong cuộc sống bộn bề, sự mất cân bằng nhiều khi cũng thật cần thiết. Thuận không ru chúng ta bằng những giai điệu mượt mà. Thuận đánh thức chúng ta trước những giấc mơ về tình yêu cứu rỗi. Thuận bày trước mắt chúng ta hiện thực trần trụi, không che đậy. Đó là những giây phút chúng ta cần phải nhìn lại mình, nhìn vào hiện thực cuộc sống để tự mình điều chỉnh: hãy sống như thể ngày mai cả ta và họ không còn nữa.

Một phần của tài liệu Nghệ thuật tự sự trong tiểu thuyết của nhà văn Thuận (Trang 109 - 110)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(153 trang)