B. NỘI DUNG
2.2.3. Kết cấu phân mảnh
Xuất phát từ thực tế sáng tác những tác phẩm có sự pha trộn thể loại hư cấu và phi hư cấu, trong tiểu luận On writing short books (Hải Ngọc đã chuyển dịch tên tiểu luận này thành Về những tiểu thuyết ngắn và đăng tải trên http://www.evan.com) tác giả Kristjana Gunars đã nói đến tính phân mảnh như là một thuộc tính tất yếu của hiện thực đời sống cũng như văn bản tự sự. Kristjana Gunars biện luận: “chúng ta không thể nhìn thấy được trạng thái toàn thể của sự vật; nhãn quan của chúng ta được nhận biết bởi chính bản chất phân mảnh (…). Tính toàn thể là một ý niệm, chỉ có thể biểu hiện thông
qua những mảnh vỡ. Bản chất của một cuốn sách tự nó đã mang tính phân mảnh: chúng ta đọc từng phân mảnh và hình dung từng chút một, từng mảnh một (…). Những mảnh vụn cho phép chúng ta tham dự vào câu chuyện mà không bị nuốt chửng vào cõi vô hình (…). Cả Kroetsch và Jabès đều tin tưởng một cách sâu sắc rằng tự sự, giống như chính cuộc đời thực, trở nên rõ ràng trong hình thức của những mảnh vỡ. Không những có một nhu cầu kể lại các câu chuyện theo những mảnh đoạn mà còn có một sự thôi thúc tạo ra những cuốn sách mà chính chúng lại chỉ là mảnh vỡ của những “cuốn sách” lớn hơn” [37]. Tham chiếu nhận định này vào một số tiểu thuyết gia đương đại mà Thuận là một trường hợp, chúng ta sẽ thấy rõ điều này.
Tính phân mảnh là một thuộc tính khá phổ biến trong văn học đương đại Pháp ngay từ giữa thế kỷ XX nhưng trong văn học Việt Nam, nó mới chỉ xuất hiện trong những năm gần đây với sự góp mặt của Nguyễn Bình Phương (Trí nhớ suy tàn, Thoạt kỳ thủy, Vào cõi, Những đứa trẻ chết già, Người đi vắng), Thuận (Made in Vietnam, Chinatown, Paris 11 tháng 8, T mất tích,
Vân Vy) và một vài tác giả đương đại khác. Ở Thuận, với ý thức “viết để viết khác đi”, tính phân mảnh đã được “khai lộ”, trở thành một phương diện của kết cấu và thể hiện ở hai cấp độ: trên bề mặt và dưới “tầng ngầm văn bản”.
Kết cấu phân mảnh là kiểu kết cấu mà ở đó, các mảng văn bản trần thuật bị đập vỡ “thành những mảnh vụn rời rạc, xô lệch, không theo một trật tự nhân quả rõ rệt nào và tương ứng với mỗi mảnh vụn ấy là mỗi mảnh của hiện thực đời sống được biểu hiện” [34]. Kết cấu phân mảnh thể hiện sự không chú trọng đến tiến trình của sự kiện, biến cố theo lôgic thời gian thông thường. Nó là hệ quả của sự phân rã cốt truyện và sự đảo lộn trật tự thời gian tuyến tính. Hình dung một cách cơ học, kết cấu phân mảnh là kết quả của cả
một quá trình mà ở đó, trước hết, cốt truyện bị nới lỏng dần, rồi bị rã ra, hình thành nên những mảnh vụn.
Trên bề mặt ngôn từ, kết cấu phân mảnh thể hiện rất rõ ở cả bốn tiểu thuyết (trừ Made in Vietnam – tiểu thuyết có bố cục theo kiểu khối đặc). Ở
Chinatown, kết cấu phân mảnh thể hiện trước hết ở việc chặt đứt mạch tự sự gốc trong Chinatown và đan xen vào đó là hai trích đoạn của tiểu thuyết I’m yellow. Trong Paris 11 tháng 8, kết cấu phân mảnh thể hiện ở việc sắp đặt đều đặn những trích đoạn báo chí, những tham luận xã hội học vào giữa tiến trình tự sự về hai nhân vật chính là Mai Lan và Liên. Trong T mất tích, mỗi chương tiểu thuyết lại gắn với một câu chuyện của nhân vật, một mảnh hiện thực nào đó của đời sống. Vân Vy lại gồm 20 chương với từng chủ đề độc lập. Trước mỗi chương lại là một trích đoạn nhật ký của “mình” về “Nicolas”, cuối tiểu thuyết là trích đoạn tiểu thuyết Đả đảo độc tài tiểu thuyết “chân chính” được rút ra từ tiểu thuyết Nicolas Page của Guillaume Dustan. Mỗi chương có nội dung khá độc lập, có thể tách ra như một truyện ngắn.
Sự thể hiện của kết cấu phân mảnh trên bề mặt văn bản phần nào gợi ý cho chúng ta về cách tiếp cận tiểu thuyết: độc giả có thể đọc từng phần, từng mảng bất kỳ, không nhất thiết phải theo một trình tự liên tục từ đầu đến cuối. Đọc Chinatown, bạn đọc có thể lựa chọn chỉ đọc về I’m yellow mà không cần đọc những phần còn lại; cũng có thể chỉ đọc Chinatown mà không cần đọc
I’m yellow; độc giả cũng có thể chỉ đọc những tin tức nắng nóng ở Paris 11 tháng 8 như thể đọc những tin tức báo chí; độc giả cũng có thể chỉ đọc tuyến truyện về Vy mà không cần để tâm đến tuyến truyện về nhà văn B…
Tuy Thuận thể hiện rất rõ chủ ý xây dựng hình thức kết cấu phân mảnh trên bề mặt văn bản nhưng cái mà nhà văn muốn đi xa hơn, chắc hẳn không
dừng lại ở đó. Nói cách khác, kết cấu phân mảnh không chỉ “khai lộ” ở bề mặt mà còn ẩn dưới lớp vỏ tưởng chừng liền mạch nhất.
Tiểu thuyết của Thuận là sự tập hợp của những phân đoạn văn bản và những phân mảnh tâm trạng. Từ Made in Vietnam, Chinatown, Paris 11 tháng 8, T mất tích đến Vân Vy, nhà văn thường xuyên đặt cạnh nhau những mảnh số phận khác nhau hay những đoạn đời khác nhau của các nhân vật. Trong Paris 11 tháng 8, Mai Lan khéo léo, kiều diễm đứng cạnh Liên xấu xí, vụng về. Trong Vân Vy, Vượng hời hợt, nhạt nhẽo đứng cạnh Vy nồng nhiệt và tràn đầy sức sống…Tách các nhân vật ra thành những mảnh số phận riêng rẽ, khi thì Thuận thể hiện sự cộng hưởng, sự nhấn mạnh khiến tác phẩm như trở thành mảnh đất của ngồn ngộn những thân phận tha hương (Paris 11 tháng 8), khi thì Thuận thể hiện sự hời hợt, trống rỗng, sự bất an hoang vắng của con người trong xã hội hiện đại (T mất tích)…
Ở Chinatown, tính phân mảnh thể hiện ở sự đan xen I’m yellow vào văn bản tự sự gốc. Sự phân mảnh này không chỉ báo hiệu cho độc giả về sự tồn tại của một tiểu thuyết bên trong một tiểu thuyết khác mà còn là cơ sở để nhà văn cho nhân vật tự phân thân, tự soi chiếu mình, tự tra vấn mình và nhận thức mình. Trên bề mặt văn bản, chúng ta thấy từ đầu tiểu thuyết đến trước trích đoạn I’m yellow là một văn bản triền miên, thậm chí không có dấu chấm xuống dòng, không phân đoạn. Như vậy không có nghĩa là trong dòng ngôn từ triền miên đó không chứa đựng sự phân mảnh. Sự phân mảnh – nhìn một cách sâu sắc và toàn diện – nó còn nằm bên trong những mạch ngầm văn bản.
Ở mục 2.2.2. Kết cấu theo thời gian, chúng tôi đã tiến hành khảo sát sự sắp xếp, tổ chức bố cục các tình tiết, sự kiện gắn liền với tổ chức thời gian trong ba chục trang mở đầu tiểu thuyết và đã sơ đồ hóa kết quả khảo sát:
A10 – B1 – C10 – D9 – E4 – F9 – G11 – H9 – I8 – J4 – K9 – L4 – M9 – N11 – O1 – P2 – Q3 – R7 – S3 – T5 – U6 – W9 –X5 – Y10 – Z6.
Sơ đồ trên không chỉ là minh chứng tiêu biểu tính phi trật tự của thời gian trong tiểu thuyết mà còn là minh chứng tiêu biểu cho kết cấu phân mảnh trong mạch ngầm văn bản ở Chinatown. Nhìn vào sơ đồ, chúng ta thấy, tương ứng với mỗi mốc thời gian được đánh số thứ tự (từ 1 đến 11) là những mảnh hiện thực khác nhau trong đời sống nhân vật được tái hiện. Thay vì ghép nối một cách tuần tự các mảnh hiện thực để tạo thành một sợi dây xuyên suốt, tác giả lại đặt chúng tồn tại cạnh nhau một cách hỗn độn, không theo một trật tự nào. Hơn nữa, nếu nhìn sâu hơn vào những mảnh hiện thực đó, chúng ta sẽ thấy: nếu Thuận có ghép liền tất cả những mảnh vụn đó theo một trật tự tuyến tính thì bản chất phân mảnh của nó vẫn tồn tại như một tất yếu. Bởi mỗi mảnh vụn chỉ là một mảnh kí ức mà theo cơ chế của sự quên lãng, người ta không thể tái hiện nó trong tính toàn thể được.
Mọi kiếm tìm nghệ thuật chân chính đều xuất hiện từ những tham vọng thể hiện chân thực cuộc sống này. Việc tìm đến hình thức kết cấu phân mảnh trong tiểu thuyết của Thuận cũng không nằm ngoài tham vọng đó. Với tư duy nghệ thuật nhạy bén, Thuận đã nhìn thấy một hiện thực đa dạng, phức tạp, một cuộc sống bề bộn, thuận nghịch, nhiều chiều. Kết cấu phân mảnh thể hiện ý thức vượt thoát mạnh mẽ khỏi những đường biên hạn chế sức sáng tạo của tiểu thuyết đương đại. Tìm đến với hình thức kết cấu phân mảnh, ngòi bút tiểu thuyết của Thuận như được mở rộng trường hoạt động, tạo điều kiện cho sự giao thoa, xâm lấn, sự ùa vào của những thể loại khác như tiểu luận phê bình, báo chí…Đây cũng chính là cơ sở để tạo ra hình thức kết cấu lồng ghép, gá lắp trong tiểu thuyết của Thuận.
Với kết cấu phân mảnh, Thuận đã thể hiện một trạng thái rã rời trong quan hệ con người với con người. Đó là một thế giới hỗn độn, bị chia cắt, xáo trộn, đầy mâu thuẫn và không thể nào biết hết. Điều đó cũng phần nào nói lên cảm quan hậu hiện đại trong tiểu thuyết của Thuận – là sự hình dung về một thế giới phân mảnh và đổ vỡ, tồn tại đầy rẫy những hoang vắng, bất an…