Nhân vật đám đông

Một phần của tài liệu Nghệ thuật tự sự trong tiểu thuyết của nhà văn Thuận (Trang 35 - 37)

B. NỘI DUNG

1.2.3.Nhân vật đám đông

Cá nhân - “đơn vị” cấu tạo nhỏ nhất của những “đám đông”, là một phần của xã hội. Nói cách khác, nhân vật đám đông là sự thể hiện của những tập thể người trong những mối quan hệ nhất định, làm thành một xã hội thu nhỏ. Trong xu hướng tiểu thuyết thiên về phản ánh hiện thực cuộc sống theo “bề sâu” nhằm phám khá số phận cá nhân, các tiểu thuyết gia đương đại thường ít để tâm tới những đám đông nhân vật. Điều này trái ngược lại hoàn toàn với Thuận – nhà văn vẫn giành một sự quan tâm đặc biệt đến những đám đông nhân vật và xây dựng chúng trong tác phẩm một cách đầy chủ ý.

Những nhân vật trong tiểu thuyết của Thuận luôn được nhà văn “đặt” vào những đám đông để qua đó, nhà văn tiến một bước xa hơn trong việc khắc họa số phận cá nhân. Những đám đông xuất hiện “ồn ào” trên những

trang văn của Thuận: đám đông đoàn du khách tham quan; các cuộc hội nghị; đám đông những người thất nghiệp; đám đông những kẻ ăn xin; đám đông nhân viên trong căng tin công ty; đám đông sinh viên du học; đám đông trong tàu điện ngầm, đám ma, đám cưới…Họ xuất hiện ở lớp học, căng tin công ty, ga tàu điện ngầm, nhà hàng, vũ trường, khách sạn, bệnh viện, đám hiếu, hỷ…Họ xuất hiện nhằm hai mục đích:

Trước hết, đám đông nhân vật xuất hiện với chức năng “phông nền” mà ở đó, các nhân vật bị tách ra, bị chối bỏ, đào thải. Có lẽ, sự cô độc của Trinh không thể đạt đến mức “hoàn hảo” nếu như Thuận không “đặt” Trinh vào những đám đông ở trường học, ở thư viện, ở sân bóng rổ, ở bể bơi.... Là nữ giới nhưng lại thừa nội tiết nam, Trinh chẳng được tìm được cho mình một vị trí trong những đám đông. Vì thế, cho dù hiện diện ở tất cả những “chốn đông người” ấy nhưng từ đầu đến cuối, Trinh cô độc vẫn hoàn cô độc.

Khác với Trinh, Liên không thừa nội tiết nam nhưng đổi lại, cuộc đời cô từ khi dậy thì đều gắn liền với mùi tanh của các phòng khám da liễu. Với khuôn mặt được xem như là “miền đất hứa” của những mụn là mụn, Liên chưa từng giành được thiện cảm từ bất cứ đám đông nào. Xuất hiện trong rất nhiều đám đông nhưng ở đám đông nào, Liên cũng thui thủi một mình một bóng, cô đơn và lẻ loi. Thuận đã từng đặt Liên giữa một buổi triển lãm tranh ồn ào như để “kiểm chứng” khả năng hòa hợp của Liên với xã hội. Nhưng cũng chính bởi “phép thử” này, Thuận đã để Liên thấm thía sự cô độc hoàn toàn. Liên bị tách ra, bị chối bỏ, “cô độc” lang thang như một “sinh vật” lạ, lần tìm cho mình một góc khuất như một vị trí trú ẩn an toàn.

Trong Chinatown, Thuận lại đặt “Tôi” vào giữa toa tàu điện ngầm “chặt cứng” hành khách. Đám đông ồn ào, xô bồ, còn tôi lại tự tách mình ra,

để tâm hồn phiêu lưu trong tâm tưởng cho đến khi đoàn tàu tiếp tục lộ trình. Đặt nhân vật trong những đám đông, Thuận không chỉ nhấn mạnh đến thân phận của kẻ tha hương bơ vơ trên đất khách mà còn thể hiện nỗi cô đơn sầu xứ và cũng như sự bất an hoang vắng của con người trong xã hội hiện đại.

Không chỉ là “phông nền” thể hiện số phận cá nhân, các đám đông trong tiểu thuyết của Thuận còn xuất hiện với vai trò như là môi trường, là thiết chế xã hội mà ở đó, nhân vật chính hòa vào cùng chung số phận của những con người tha hương và bi kịch. Đó là đám đông những người ăn xin có chung số phận; là đám đông những người trong lớp học giành cho những người thất nghiệp nhưng có chung một “khát vọng” được viết “đơn xin thôi việc” (họ mong đợi một ngày được tự mình viết đơn xin thôi việc, bởi như thế có nghĩa là – họ đã từng có việc làm và họ có cơ hội để lựa chọn những việc làm khác); là những đám đông khu tập thể HLM – nơi những con người đến từ nhiều nơi khác nhau nhưng “quy tụ” nhau quanh hai chữ “bi kịch”.

Nhân vật đám đông đã làm thành một xã hội Pháp thu nhỏ của những người nhập cư – một xã hội mà ở đó, các mối quan hệ đã dần mất đi nhân tố quan trọng nhất có khả năng xâu chuỗi những yếu tố khác, nhân tố trung tâm. Vì thế, mối quan hệ giữa người với người ngày càng trở nên lỏng lẻo, vụn rời, khiến cho các thân phận tha hương càng trở nên lạc lõng, bơ vơ.

Một phần của tài liệu Nghệ thuật tự sự trong tiểu thuyết của nhà văn Thuận (Trang 35 - 37)