Giọng điệu từ khía cạnh trần thuật

Một phần của tài liệu Nghệ thuật tự sự trong tiểu thuyết của nhà văn Thuận (Trang 131 - 133)

B. NỘI DUNG

3.3.2. Giọng điệu từ khía cạnh trần thuật

Sự vượt cấp trong liên kết trần thuật cũng như sự tồn tại của nhiều cấp độ trần thuật trong tiểu thuyết của Thuận kéo theo sự tồn tại phức hợp nhiều người kể chuyện với nhiều điểm nhìn khác nhau. Toàn bộ những kết quả nghiên cứu này cho phép chúng tôi bước đầu khẳng định giọng điệu trần thuật trong tiểu thuyết của Thuận mang đặc tính phối hợp, đa âm giữa giọng điệu trần thuật theo điểm nhìn của tác giả, của các nhân vật…Đây cũng là một trong những đặc trưng ngôn ngữ tiểu thuyết theo cách nói của Bakhtin.

Đặc tính phối hợp, đa âm về giọng điệu trần thuật trong tiểu thuyết của Thuận thể hiện ở sự hiện diện đồng thời nhiều tiếng nói khác nhau trong tiểu thuyết (pha trộn giữa lời của người trần thuật và lời của nhân vật và lời gián tiếp tự do). Điều này làm nên sự khác biệt giữa tiểu thuyết của Thuận với tiểu thuyết truyền thống (các sự kiện, các nhân vật đều được nhìn và thuật lại

thông qua lăng kính của tác giả. Tất cả hầu như đều thu về một điểm nhìn, một giọng của tác giả - đó là loại tiểu thuyết đơn âm).

Trong tiểu thuyết của Thuận, tác giả dường như giấu mình, cố giữ thái độ khách quan trước các nhân vật, để cho chúng tự do bộc lộ những tư tưởng, tình cảm riêng, không bị can thiệp bằng bất cứ hình thức nào. Các tư tưởng, tình cảm rất khác nhau, thậm chí đối lập của mọi nhân vật đều có giá trị độc lập và cùng được tôn trọng như nhau. Chính điều này khiến cho tiểu thuyết của Thuận có tính chất phức điệu – tính nhiều giọng và nhiều ý thức độc lập khác hẳn nhau. Nhờ đó, mỗi nhân vật trong tiểu thuyết của Thuận đều có một giọng điệu riêng, độc lập, tự nó. Mỗi nhân vật là một cái tôi riêng biệt. Đó có lẽ cũng chính là “sự bình đẳng” mà Thuận đã lên tiếng khẳng định.

Chinatown, tính chất đa âm, nhiều giọng trở thành mục đích của tác giả, tạo thành chủ âm của văn bản tự sự: “Cô giáo chủ nhiệm gọi tôi ra gặp riêng. Cô giáo dạy toán gọi tôi ra gặp riêng. Thày giáo dạy văn gọi tôi ra gặp riêng. Thày giáo tiếng Anh gọi tôi ra gặp riêng. Bí thư liên đoàn trường gọi tôi ra gặp riêng. Em nên tập trung để dẫn đầu cả lớp kỳ thi cuối năm. Em nên tập trung để đạt kết quả cao nhất kì thi hết cấp. Em nên tập trung để mang lại danh dự cho toàn trường kỳ thi đại học. Người ta đem trách nhiệm trao cho tôi. Người ta mang thi cử ra làm tôi sợ. Không ai đả động gì đến Thụy” [2, 7].

Qua trích đoạn trên, chúng ta thấy sự vang lên đồng thời giọng của “tôi” kể chuyện và các nhân vật (cô giáo dạy toán, cô giáo chủ nhiệm, thày giáo dạy văn, thày giáo tiếng Anh, bí thư đoàn trường). Mỗi nhân vật đều có giọng điệu riêng. Giọng của các nhân vật (cô giáo, thày giáo, bí thư đoàn, cha mẹ tôi) vang lên thành một bè cao – đa âm, đa giọng – thể hiện cho những bổn phận, trách nhiệm, nghĩa vụ bao hàm trong đó cả sự dọa nạt, lấn át. Đan xen vào giữa cái bè cao đó là giọng của “tôi” kể chuyện – đơn lẻ, yếu đuối,

lúng túng, hoang mang. Hai giọng điệu này khi đặt cạnh nhau, chúng luôn tìm cách ngốn nuốt lẫn nhau. Nó như ngầm báo trước một cuộc đấu tranh âm thầm, không cân sức mà phần yếu thế thường nghiêng về cái bè thấp hơn. Vì thế, cho đến hai mươi bảy tuổi “tôi” mới sống cho riêng mình. “Sông không đủ rộng, nước không đủ trong” và “tôi” cũng không đủ sức để chiến thắng. “Tôi” chỉ còn biết tự cật vấn mình trong những ám ảnh và day dứt triền miên.

Sự phối hợp, hòa trộn và nối ghép không báo trước của nhiều giọng điệu trần thuật ít nhiều gây hẫng cho độc giả, tạo sự đứt gãy của mạch tự sự, tạo ra hiệu quả đặc biệt trong việc khám phá và thể hiện thế giới sâu kín của nhân vật. Nó không chỉ thể hiện sự đứt đoạn, sụ rối bời trong dòng ý thức của nhân vật chính mà còn thể hiện trạng thái day dứt, hoang mang, bất an của nhân vật trong đời sống hiện đại.

Một phần của tài liệu Nghệ thuật tự sự trong tiểu thuyết của nhà văn Thuận (Trang 131 - 133)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(153 trang)