GIỚI THUYẾT VỀ KẾT CẤU

Một phần của tài liệu Nghệ thuật tự sự trong tiểu thuyết của nhà văn Thuận (Trang 60 - 61)

B. NỘI DUNG

2.1.GIỚI THUYẾT VỀ KẾT CẤU

Mỗi tiểu thuyết trước hết là một văn bản - một phức thể được hợp lại từ nhiều lớp yếu tố để tạo thành một chỉnh thể nghệ thuật. Kết cấu tiểu thuyết chính là những nguyên tắc kết hợp các lớp yếu tố đó. Vì thế, kết cấu tiểu thuyết là một yếu tố quan trọng, đề cập đến tác phẩm trên cả mặt ngữ nghĩa lẫn hình thức nghệ thuật. Về mặt ngữ nghĩa, kết cấu là sự kết hợp, tổ chức hệ chủ đề và hệ đề tài, hệ thống nhân vật, hệ thống tình tiết của cốt truyện. Về mặt hình thức nghệ thuật, kết cấu đề cập đến các nguyên tắc kết hợp các phương thức tự sự, những kỹ thuật hình thức…Chính vì thế, khi tìm hiểu về nghệ thuật tự sự, chúng ta không thể không bàn đến phương diện kết cấu.

Các tác phẩm văn học không chỉ khác nhau về chất liệu hiện thực mà còn khác nhau về cách bố trí, sắp xếp, tổ chức sự xuất hiện của các chất liệu hiện thực đó trong tác phẩm. Với thơ, cách bố trí, sắp xếp và tổ chức được thể hiện thông qua cách cấu tạo các câu thơ, khổ thơ, đoạn thơ…Với văn xuôi tự sự, đó là cách dựng các chương, phần, tập.... Như vậy, “kết cấu là sự tạo thành và liên kết các bộ phận trong bố cục của tác phẩm, là sự tổ chức, sắp xếp các yếu tố, các chất liệu tạo thành nội dung của tác phẩm trên cơ sở đời sống khách quan và theo một chiều hướng tư tưởng nhất định”[11, 179].

Kết cấu khác với bố cục. “Thuật ngữ bố cục nhằm chỉ sự sắp xếp, phân bố các chương đoạn, các bộ phận của tác phẩm theo một trình tự nhất định. Thuật ngữ kết cấu thể hiện một nội dung rộng rãi, phức tạp hơn. Nó không giới hạn ở sự tiếp nối bề mặt, ở những tương quan bên ngoài giữa các bộ phận, chương đoạn mà còn bao hàm sự tổ chức và liên kết bên trong, nghệ thuật kiến trúc nội dung. Bố cục là một phương diện của kết cấu. Ngoài bố

cục, kết cấu còn bao gồm: tổ chức hệ thống tính cách, thời gian và không gian nghệ thuật; nghệ thuật tổ chức những liên kết cụ thể các thành phần của cốt truyện; nghệ thuật trình bày, bố trí các yếu tố ngoài cốt truyện... sao cho toàn bộ tác phẩm thực sự trở thành một chỉnh thể nghệ thuật” [21, 106].

Như vậy, thực chất kết cấu chính là sự tổ chức, sự tạo thành và liên kết các bộ phận trong tác phẩm. Khi đề cập đến kết cấu như là một yếu tố quan trọng của hình thức nghệ thuật, chúng ta có thể xem xét kết cấu trên rất nhiều bình diện. Trong luận văn này, chúng tôi giới hạn việc xem xét kết cấu theo quan niệm của trần thuật học: “kết cấu của một tác phẩm không chỉ bao hàm việc sắp đặt một bố cục các tình tiết, sự kiện mà còn bao hàm cả việc sử dụng và tổ chức, phối hợp các kỹ thuật trần thuật để tạo nên một công trình nghệ thuật nhân tạo mang dấu ấn sáng tạo nghệ thuật của người nghệ sĩ”[64].

Một phần của tài liệu Nghệ thuật tự sự trong tiểu thuyết của nhà văn Thuận (Trang 60 - 61)