B. NỘI DUNG
1.3.1. Phá bỏ ngoại hình và tính cách
Nhân vật cũng giống như con người ngoài đời, đều cần “có những dấu hiệu để ta nhận ra: đó là một cái tên (...) đặc điểm ngoại hình (…) các đặc
điểm tính cách (…). Các đặc điểm ấy được đúc kết thành các “công thức” [19, 279]. Công thức đó đã trở thành “lối mòn” trong văn học truyền thống.
Trong lý luận văn học truyền thống, xây dựng nhân vật đã được “công thức” hóa, tạo thành một “vệt hằn” trong tâm lý sáng tạo cũng như tiếp nhận. Tuy nhiên, đến những sáng tác của các nhà văn đương đại mà Thuận là một ví dụ, với những tìm tòi trong lối viết, Thuận ngang nhiên “chối bỏ” công thức sáo mòn, tự thiết lập cho mình một hướng đi mới: phá bỏ ngoại hình và tính cách nhân vật. Đây là thủ pháp hữu hiệu nhất nhằm làm “mờ hóa” nhân vật, từng bước đưa nhân vật tiến về ngưỡng “không - nhân vật”.
Như trên đã nói, may mắn lắm Thuận mới “chiếu cố” cho các nhân vật của mình một tên gọi (Mai Lan, Thụy, Vĩnh, Vân, Vy), còn đại đa số họ được kí hiệu hóa bằng một chữ cái ngắn gọn không đủ sức gợi lên chút ý nghĩa gì (N, M, V, T, B...). Thậm chí, tên nhân vật “mất tích” hoàn toàn, nhường chỗ cho sự hiện diện của tên những loài động vật…Ngoại hình và tính cách nhân vật cũng theo đó mà biến mất.
Không chỉ tước đi những tên gọi thực chất “Người”, Thuận còn xem nhẹ những đặc điểm về ngoại hình và tính cách của nhân vật. Không một nhân vật nào trong tiểu thuyết của Thuận có lấy một bức chân dung hoàn chỉnh. Trong Chinatown, “Tôi” hiện lên với “cái mặt khó đăm đăm”, cái giọng pha ba bốn tạp âm nhưng cũng không đến nỗi. Trong Paris 11 tháng 8, Liên hiện lên với “cái mặt đầy mụn” và cái mắt “gườm gườm”. Thuận cũng ưu ái đến chồng và con của tôi trong Chinatown, miêu tả họ với “tóc cắt cao, mắt xếch”. Nhưng thực chất, đặc điểm của hai nhân vật đã hóa hợp cho nhau, hòa vào thành một. Những nhân vật còn lại – chiếm đại đa số - không được nhà văn đếm xỉa đến những đặc điểm ngoại hình và tính cách. Họ bị tước bỏ
một cách toàn diện mọi đường nét hình hài. Điểm qua hệ thống nhân vật cùng với những đặc điểm được nhà văn miêu tả, chúng ta sẽ thấy rõ hơn thủ pháp này:
Tác phẩm Nhân vật Đặc điểm
Chinatown Tôi Mặt khó đăm đăm; giọng pha ba bốn tạp
âm nhưng không đến nỗi
Vĩnh, Thụy Tóc cắt cao, mắt xếch
Hắn, Feng Xiao, Hao Peng Không
Paris 11 tháng 8
Liên Mặt đầy mụn, mắt gườm gườm
Mai Lan Dáng cao, đùi và ngực đã hơi xệ
Pát, Pedro, Nát… Không
T mất tích Brunel Khúc dồi lợn khổng lồ
Tôi, T, Hanal, Paul… Không
Vân Vy Vy, bố mẹ Vượng, anh trai
Vượng, V, B, M, N…
Không
Vân Tóc đen, mũi thẳng, mắt sâu
Trinh Da đen, to, cao
Năm tiểu thuyết với ngồn ngộn những số phận tha hương nhưng tập hợp lại, người đọc không hình dung ra được lấy một bức chân dung hoàn chỉnh. Cái được đặc tả chỉ là ánh mắt “gườm gườm” như tự vệ, như thách thức; đôi “mắt sâu” như vực thẳm chứa đựng trong đó sự cô đơn, sầu xứ, bi kịch; khuôn mặt “khó đăm đăm” và “đầy mụn” đã đủ sức phô bày hết tất cả sự thảm hại của những số phận tha hương. Cái mặt ấy, cái mắt ấy hiện lên
một cách rời rạc và lặp lại nhiều lần trong tác phẩm như để nhấn mạnh những thân phận tha hương giống như những “mảnh vụn rời rạc” trên đất khách.
Không chỉ phá bỏ ngoại hình, Thuận còn phá bỏ tính cách nhân vật. Nhân vật không còn bị ràng buộc bởi những tiểu sử của gia đình mà thay vào đó, trở thành những cá thể độc lập đứng trong đời sống xã hội. Đặc biệt, Thuận thường chú tâm đến việc khắc họa những trạng thái tinh thần với một thế giới nội tâm phức hợp – đa bình diện của nhân vật nên những yếu tố về ngoại hình và tính cách được nhà văn gạt bỏ. Chính vì thế, nhân vật trong tiểu thuyết của Thuận mặc dù đều được giấu mặt nhưng lại trở thành những đại diện về lịch sử - tâm hồn của thân phận công dân toàn cầu.