Văn học Việt Nam từ sau Cách mạng tháng Tám được coi là “giai đoạn mở đầu cho một thời kỳ văn học mới chưa có tiền lệ” [46 ; 10] - một nền văn học được sinh ra, tồn tại và phát triển tro
Trang 1ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN
Trang 3MỤC LỤC
PHẦN MỞ ĐẦU 7
1 Lí do chọn đề tài 7
2 Đối tượng, phạm vi đề tài và mục đích nghiên cứu 8
3 Lịch sử vấn đề 9
4 Phương pháp nghiên cứu 11
5 Cấu trúc Luận văn 12
PHẦN NỘI DUNG 14
CHƯƠNG 1: MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ GIAI CẤP VÀ TÍNH GIAI CẤP TRONG VĂN HỌC CÁCH MẠNG VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 1945 - 1985 14
1.1 Khái niệm về giai cấp và tính giai cấp trong văn học nghệ thuật 14
1.1.1 Khái niệm về giai cấp 14
1.1.2 Khái niệm tính giai cấp trong văn học 15
1.1.3 Vai trò quan niệm tính giai cấp trong hệ thống lí luận văn học Việt Nam giai đoạn 1945 - 1985 20
1.2 Quán triệt quan điểm giai cấp trong đường lối văn nghệ của Đảng Cộng sản Việt Nam 23
1.2.1 Văn học chịu sự lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối, toàn diện của Đảng Cộng sản Việt Nam 23
1.2.2 Văn học phục vụ trực tiếp sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội 32
CHƯƠNG 2: ẢNH HƯỞNG CỦA QUAN NIỆM VỀ TÍNH GIAI CẤP TRONG LÝ LUẬN VÀ PHÊ BÌNH VĂN HỌC CÁCH MẠNG GIAI ĐOẠN 1945 - 1985 40
2.1 Quan niệm về tính giai cấp chi phối đến tư duy lý luận, phê bình văn học 40
Trang 42.1.1 Tính giai cấp trở thành nguyên tắc trong công tác lý luận, phê bình
văn học 40
2.1.2 Tính giai cấp chi phối các thuộc tính khác trong văn học nghệ thuật cách mạng giai đoạn 1945 - 1985 43
2.1.3 Tính giai cấp quyết định phương pháp sáng tác trong văn học nghệ thuật cách mạng giai đoạn 1945 - 1985 48
2.2 Các cuộc tranh luận trong văn học nghệ thuật cách mạng Việt Nam 1945 - 1985 thể hiện mạnh mẽ tinh thần đấu tranh giai cấp 50
2.2.1 “Nghệ thuật vị nghệ thuật” hay “Nghệ thuật vị nhân sinh” 50
2.2.2 Đấu tranh để “nhận đường” trong văn học 51
2.2.3 Cuộc đấu tranh chống Nhân văn - Giai phẩm (1955 - 1958) 55
2.2.4 Đấu tranh chống ảnh hưởng của chủ nghĩa xét lại hiện đại trên mặt trận văn nghệ 56
CHƯƠNG 3: ẢNH HƯỞNG CỦA QUAN NIỆM VỀ TÍNH GIAI CẤP TRONG THỰC TIỄN SÁNG TÁC CỦA VĂN HỌC CÁCH MẠNG VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 1945 - 1985 65
3.1 Quan niệm về tính giai cấp chi phối đến hệ thống đề tài, chủ đề 66
3.1.1 Văn học phục vụ công, nông, binh (đại chúng) 66
3.1.2 Văn học phục vụ trực tiếp các nhiệm vụ cách mạng 72
3.2 Hình tượng nhân vật trung tâm của văn học cách mạng Việt Nam giai đoạn 1945 - 1985 89
3.2.1 Hình tượng nhân vật mang tính chất sử thi 89
3.2.2 Các nhân vật luôn xuất hiện trong thế đối kháng 94
3.3 Ngôn ngữ biểu hiện chịu ảnh hưởng của quan niệm về tính giai cấp 105 3.3.1 Ngôn ngữ văn học nghiêng hẳn về lời ăn tiếng nói của quần chúng 106
3.3.2 Ngôn ngữ văn học mang tính chính luận 112
PHẦN KẾT LUẬN 117
TÀI LIỆU THAM KHẢO 122
Trang 5PHẦN MỞ ĐẦU
1 Lí do chọn đề tài
Để tổng kết và đánh giá một giai đoạn văn học cho thật khách quan bao giờ cũng phải cần đến một độ lùi thời gian cần thiết Văn học Việt Nam từ sau Cách mạng tháng Tám được coi là “giai đoạn mở đầu cho một thời kỳ văn học mới chưa có tiền lệ” [46 ; 10] - một nền văn học được sinh ra, tồn tại và phát triển trong hoàn cảnh chiến tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và từng bước xây dựng chủ nghĩa xã hội, một nền văn học có “sự biến đổi toàn diện từ mối quan hệ văn học với đời sống nhà văn và công chúng, đến quan niệm nghệ thuật, các thể tài, thể loại và thi pháp” [46 ; 11], đồng thời cũng là một nền văn học “bước đầu xây dựng theo mô hình mới, chưa có kinh nghiệm bao nhiêu, do đó khó tránh khỏi những lệch lạc ấu trĩ” [56 ; 48] Đã qua gần 30 năm sau công cuộc Đổi mới đất nước (Đại hội Đảng VI năm 1986), tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước đã có nhiều biến chuyển, khoảng thời gian gần 30 năm không phải là quá dài nhưng cũng đã đủ để nhìn nhận lại một giai đoạn văn nghệ của đất nước
Văn học cách mạng Việt Nam giai đoạn 1945 - 1985 là một nền văn học mang đậm tư tưởng chính trị, gắn liền với cuộc đấu tranh giành độc lập của dân tộc Do đó, nền văn học giai đoạn này đã tiếp nhận và chịu ảnh hưởng sâu sắc của văn hóa xô viết, của cả nền mĩ học xô viết Đề tài luận văn tiến hành khảo sát các vấn đề văn học Việt Nam giai đoạn 1945 - 1985 dưới góc độ hệ tư tưởng Mác - Lênin mà Hồ Chí Minh và những người lãnh đạo cách mạng, các
vị tiền bối của văn học cách mạng Việt Nam như Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Tố Hữu,… đã tiếp nhận và tạo nên một hệ thống quan điểm
về văn học nghệ thuật, quán triệt tính giai cấp và tính Đảng, những kết quả của quá trình tiếp nhận đó đã chi phối toàn diện và triệt để đến đời sống văn nghệ đất nước ta một thời
Một lí do có tính cá nhân là sự quan tâm của chúng tôi đối với hướng nghiên cứu văn học nhìn từ góc độ văn hóa học Chúng tôi nhận thấy rằng việc
Trang 6nghiên cứu quan niệm về tính giai cấp (một trong những quan điểm mĩ học mác xít cơ bản) trong văn học cách mạng Việt Nam giai đoạn 1945 - 1985 là nghiên cứu mang tính khởi đầu cho việc nghiên cứu khái quát sự ảnh hưởng của hệ hình văn hóa, văn học Nga - Xô viết đối với hệ hình văn hóa, văn học Việt Nam ở vào giai đoạn được đánh giá là “thời kỳ hội nhập thứ ba” của văn hóa, văn học Việt Nam “Thời kỳ thứ ba này là khoảng 40 năm (1945 - 1985) gắn với hai cuộc chiến tranh lớn là chống Pháp và chống Mỹ, là thời kỳ lấy nước Nga - Xô viết làm mô hình để noi theo… đó là cuộc hội nhập theo ý thức hệ” [76 ; 10]
2 Đối tượng, phạm vi đề tài và mục đích nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu trực tiếp của đề tài là ảnh hưởng của hệ tư tưởng mác xít, cụ thể là sự hình thành, vận động và khẳng định của quan niệm về tính giai cấp chi phối đến mọi mặt của văn học cách mạng Việt Nam giai đoạn 1945
- 1985 - giai đoạn được đánh giá là “thời kỳ phát triển độc tôn của lý luận văn học và mĩ học hiện thực xã hội chủ nghĩa”
Chúng tôi chọn giai đoạn văn học từ sau cách mạng tháng Tám 1945 cho đến tận năm trước Đổi mới (1985) vì đây là giai đoạn chịu ảnh hưởng và có những biểu hiện sâu sắc nhất trên tổng thể diễn tiến văn học từ quan điểm mĩ học mác xít, cụ thể ở đây là quan niệm về tính giai cấp Thông thường các nghiên cứu trước đều chọn giai đoạn văn học từ 1945 - 1975, nhưng theo chúng tôi, để có được một cái nhìn trọn vẹn hơn thì phải khảo sát đến năm
1985 - 10 năm sau đất nước giải phóng, nhưng quan niệm về tính giai cấp vẫn
có tác động mạnh mẽ đến đời sống văn học nghệ thuật
Quan niệm về tính giai cấp thực ra đã có tác động đến văn học cách mạng Việt Nam ở cả giai đoạn trước 1945 nhưng chưa rõ rệt và cả ở giai đoạn sau
1985 nhưng không còn đậm đặc, mang tính thuần nhất nữa Tuy nhiên, chúng tôi cũng sẽ trình bày một vài nét chung nhất ảnh hưởng của quan niệm tính giai cấp đến diễn trình văn học ở hai giai đoạn trước 1945 và sau 1985 với mục đích để đối chiếu, làm nổi bật rõ ảnh hưởng độc tôn ở giai đoạn văn học cách
Trang 7mạng 1945 - 1985, trong khi đặt đối tượng nghiên cứu trong toàn bộ tiến trình văn học Việt Nam thế kỷ XX - kỷ nguyên nền văn học Việt Nam gia nhập vào dòng chảy chung của văn học hiện đại thế giới
Thế giới quan quyết định sáng tác là một mệnh đề quan trọng của lý luận văn học mác xít Cái gọi là bản chất xã hội của văn học thực ra phải thông qua thế giới quan của nhà văn được thể hiện trong sáng tác Mối quan hệ khăng khít giữa thế giới quan và sáng tác, do đó, gắn rất chặt với các vấn đề tính tư tưởng (tính Đảng, tính nhân dân, tính giai cấp,…) và tính chân thật của sáng tác văn học Vì vậy, nghiên cứu quan niệm về tính giai cấp trong văn học cách mạng Việt Nam giai đoạn từ 1945 - 1985 hướng tới mục đích khảo sát mối quan hệ bản chất giữa thế giới quan nhà văn (chịu ảnh hưởng của mĩ học xô viết) và sáng tác văn học cách mạng Chính vì lẽ đó mà tiến hành nghiên cứu
về sự ảnh hưởng và chi phối của quan niệm tính giai cấp đối với văn học cách mạng Việt Nam giai đoạn 1945 - 1985, luận văn nhằm làm rõ hơn những đặc trưng cơ bản, những thành tựu, cũng như những hạn chế của văn học giai đoạn này
3 Lịch sử vấn đề
Ở nước ta, đã có rất nhiều các sách dịch thuật, nghiên cứu, các công trình biên soạn công phu về nguyên lý mĩ học mác xít và mối quan hệ của nó với
văn học như: Tính nhân dân, tính giai cấp và tính Đảng của nghệ thuật do
Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô biên soạn, nhà xuất bản Văn hóa nghệ thuật,
năm 1961 [90]; C.Mác - Ph Ăngghen - V.I Lênin, Về Văn học và nghệ thuật, nhà xuất bản Sự thật, năm 1977 [55]; C.Mác - Ph Ăngghen - V.I Lênin và một
số vấn đề lý luận văn nghệ, do Hà Minh Đức biên soạn, nhà xuất bản Sự thật,
năm 1981 [20]; Lênin, Bàn về văn học và nghệ thuật [42]; Lênin, Bàn về văn
hóa, văn học [43], I.U Bô-Rép, Những phạm trù mĩ học cơ bản [2]; M Gorki, Bàn về văn học [24],… Tất cả các cuốn sách mà chúng tôi liệt kê ở trên đều là
sách lí luận văn học được sử dụng làm tài liệu bắt buộc phải đọc của sinh viên các trường ngữ văn một thời gian rất dài Đồng thời, đó cũng là mong muốn
Trang 8được tìm hiểu của chính những người làm công tác văn nghệ và sinh viên, đặc biệt là ở giai đoạn đầu cuộc cách mạng - khi mà Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo nhân dân ta giành thắng lợi liên tiếp, văn nghệ được định hướng nhất nhất
đi theo chủ nghĩa Mác - Lênin, trong khi nguồn sách về lý luận mác xít hồi đó còn ít và còn hiếm Vì vậy, tất cả các cuốn sách trên đã cung cấp một nền tảng
lí luận vững chắc về những phạm trù mĩ học mác xít cơ bản, quan niệm sáng tạo văn hóa, văn học của của C Mác, Ph Ăngghen, V.I Lênin, trong đó có và nổi bật là tính giai cấp mà đề tài chúng tôi tiến hành nghiên cứu ở đây
Việc áp dụng các quan điểm mĩ học mác xít trên vào lí luận văn nghệ Việt Nam đã thể hiện trong các văn bản có tính chất chỉ đạo văn nghệ của Đảng
như: Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943 [6], Thư của Ban chấp hành trung
ương Đảng Lao động Việt Nam gửi các kỳ đại hội văn nghệ toàn quốc, các báo cáo chính trị, các lá thư, bài phát biểu, bài nói chuyện của các đồng chí lãnh đạo Đảng: Hồ Chí Minh, Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ
Nguyên Giáp, Nguyễn Chí Thanh, đã được tập hợp trong cuốn sách Về văn hóa
văn nghệ [58], Tố Hữu có cuốn Về văn học và nghệ thuật [31],…
Bên cạnh các văn bản có tính đường lối văn nghệ của Đảng như ở trên thì các cuốn sách lí luận văn học được coi là các cuốn giáo trình cơ bản giảng dạy trong các trường đại học một thời gian dài cũng đã trình bày rất cơ bản về
nguyên lý mĩ học Mác - Lênin: Những nguyên lý về lý luận văn học, tập I, của
Hà Minh Đức, được xếp trong Tủ sách Đại học Tổng hợp [19]; Cơ sở lý luận
văn học, tập I của Tổ bộ môn Lý luận Văn học các trường Đại học Sư phạm Hà
Nội, Vinh và Đại học Tổng hợp, năm 1976 [86]; Cơ sở lý luận văn học, tập I,
của nhóm tác giả Nguyễn Lương Ngọc (Chủ biên) - Lê Bá Hán - Phương Lựu - Bùi Ngọc Trác, năm 1980 [59],… Tuy nhiên, các cuốn sách lý luận văn học này mới chỉ dừng lại ở việc cung cấp một kiến thức chung nhất chứ chưa đi sâu
cụ thể từng chuyên đề
1 Hai cuốn sách Nhà văn Việt Nam (1945 - 1975), tập 1 do Phan Cự Đệ - Hà Minh Đức biên soạn [15] và Nhà văn Việt Nam (45 - 75), tập 2 [16], do
Trang 9Phan Cự Đệ biên soạn đã có sự bao quát lại về sự vận động của 30 năm văn học Việt Nam thông qua các thể loại và một số tác giả tiêu biểu Tuy nhiên, hai cuốn sách này do chưa có độ lùi thời gian cần thiết nên mới chỉ nêu ra, phân tích các hiện tượng văn học chứ chưa có sự khái quát và đánh giá toàn diện, hơn nữa các vấn đề được trình bày một cách dàn trải, chưa đi sâu vào từng khía cạnh có tính lý luận cụ thể Các bài viết về văn học cách mạng giai đoạn 1945 – 1975 đăng trên các tạp chí cũng tương đối đa dạng: Hoàng Ngọc Hiến, “Về một đặc điểm của văn học và nghệ thuật ở ta trong giai
đoạn vừa qua”, Báo Văn Nghệ, số 23, ngày 9 tháng 6 năm 1979 [27],
Phương Lựu, “Thử tự giải đáp đôi điều về đường lối văn nghệ của Đảng”,
Tạp chí Văn học, số 10, 2001 [50], hay bài viết của tác giả Trương Đăng
Dung: “Những đặc điểm của hệ thống lí luận văn học mác xít thế kỉ XX”,
đăng trên Tạp chí Văn học, số 7 năm 2001 [12], Lã Nguyên, “Diện mạo Văn học Việt Nam 45 - 75, nhìn từ góc độ thi pháp thể loại”, Tạp chí Văn
nghệ quân đội, số 9, 1995 [60],… Tác giả Nguyễn Bá Thành trong cuốn Bản sắc Việt Nam qua giao lưu văn học [76] đã đưa ra nhiều ý kiến về văn
học cách mạng Việt Nam giai đoạn này
Các Luận án Tiến sỹ Ngữ văn của Vũ Hồng Loan, Văn học Việt Nam tiếp
nhận Văn học Xô Viết [44], Quan niệm văn học là vũ khí cách mạng và ảnh hưởng của nó đối với thơ 1945 - 1985 của Trần Thị Minh Giới [23],… trong
thời gian gần đây đã trở lại với những vấn đề lý luận có liên quan đến đề tài của chúng tôi
Từ việc khái quát lịch sử vấn đề nghiên cứu như trên, có thể nhận thấy rằng đề tài của chúng tôi đã có được một vốn tư liệu rất phong phú Tuy nhiên, việc nghiên cứu chuyên sâu quan niệm về tính giai cấp trong văn học cách mạng Việt Nam 1945 - 1985 là chưa từng có một công trình riêng biệt nào
4 Phương pháp nghiên cứu
Từ đặc điểm của đối tượng và mục đích nghiên cứu của luận văn, chúng tôi thực hiện đề tài theo các phương pháp sau đây:
Trang 10Phương pháp lịch sử - xã hội: Việc xác định lại những điều kiện lịch sử -
xã hội - chính trị - kinh tế làm phát sinh, phát triển những vấn đề lý luận sẽ là một bức “phông” cần thiết hỗ trợ cho đề tài Cụ thể ở đây là quan niệm về tính giai cấp - một trong những vấn đề lý luận chủ chốt của mĩ học mác xít đã được hình thành, vận động ra sao ở nước ta và những tác động của nó đến đường lối văn nghệ và thế giới quan của nhà văn trong nền văn học cách mạng giai đoạn
1945 - 1985
Phương pháp loại hình: Phương pháp này được sử dụng để phân tích tác phẩm theo đặc trưng của thể loại văn học Việc phân kỳ lịch sử từng giai đoạn văn học cách mạng, các cụm đề tài, chủ đề mà các tác giả chọn lựa để sáng tác, cách xây dựng hình tượng nhân vật, lối kết cấu và ngôn ngữ có những nét khác biệt của văn học cách mạng,… là một việc làm cần thiết để có thể nêu bật được ảnh hưởng của quan niệm về tính giai cấp trong thực tiễn sáng tác của văn học cách mạng Việt Nam giai đoạn 1945 - 1985
Phương pháp so sánh: Phương pháp này giúp chúng tôi có được một cái nhìn chính xác và khách quan hơn với đối tượng nghiên cứu là nền văn học cách mạng Việt Nam giai đoạn 1945 - 1985 trong thế đối sánh với các giai đoạn trước nó và sau nó, sự biến chuyển của thế giới quan của các nhà văn sống trong thời kỳ này ở các giai đoạn sáng tác khác nhau của họ
- Phương pháp phân tích, tổng hợp: vừa giúp chúng tôi chia tách được một cách mạch lạc, tìm hiểu cụ thể vấn đề nghiên cứu nhưng đồng thời cũng giúp chúng tôi nhìn nhận tổng thể trong một hệ thống, không sa đà vào những chi tiết vụn vặt, nhưng vẫn làm nổi bật được những hiện tượng chủ yếu với những đặc điểm cơ bản của nó
Ngoài ra, chúng tôi cũng áp dụng một số phương pháp nghiên cứu khác như: phương pháp tiểu sử, phương pháp hệ thống, phương pháp văn hóa học
5 Cấu trúc Luận văn
Luận văn gồm 124 trang Ngoài phần mở đầu, kết luận, thư mục tham khảo, phần chính văn của luận văn được cấu tạo thành 3 chương:
Chương 1: Một số vấn đề lý luận về giai cấp và tính giai cấp trong văn
Trang 11học cách mạng Việt Nam giai đoạn 1945 - 1985
Chương 2: Ảnh hưởng của quan niệm về tính giai cấp trong lý luận và phê bình văn học cách mạng giai đoạn 1945 - 1985
Chương 3: Ảnh hưởng của quan niệm về tính giai cấp trong thực tiễn sáng
tác của văn học cách mạng Việt Nam giai đoạn 1945 - 1985
Trang 12PHẦN NỘI DUNG
CHƯƠNG 1: MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ GIAI CẤP VÀ TÍNH GIAI
CẤP TRONG VĂN HỌC CÁCH MẠNG VIỆT NAM
GIAI ĐOẠN 1945 - 1985
1.1 Khái niệm về giai cấp và tính giai cấp trong văn học nghệ thuật
1.1.1 Khái niệm về giai cấp
Trong hệ thống nhận thức triết học C Mác về lịch sử, “học thuyết giai cấp và đấu tranh giai cấp” chiếm vị trí đặc biệt quan trọng Năm 1848, khi Chủ nghĩa Cộng sản còn bị coi như một "bóng ma" lởn vởn trên bầu trời châu Âu
thì C Mác và Ph Ăngghen đã lần đầu tiên khởi thảo Tuyên ngôn Đảng Cộng
sản Trong Tuyên ngôn, từ đầu chí cuối, xuyên suốt một tư tưởng cơ bản:
phương thức sản xuất, phương thức trao đổi chủ yếu của mỗi thời đại và cả cơ cấu xã hội được sản sinh tất yếu, từ đó làm nên nền tảng chính trị, tinh thần và lịch sử của thời đại đó Vì vậy, toàn bộ lịch sử xã hội loài người từ khi có giai cấp là lịch sử đấu tranh giai cấp, mà đấu tranh này, hiện đã đi đến giai đoạn giai cấp vô sản bị bóc lột, bị áp bức Nếu không đồng thời làm cho toàn xã hội vĩnh viễn thoát khỏi bóc lột, áp bức thì không thể giải phóng mình ra khỏi sự khống chế của giai cấp tư sản bóc lột mình, áp bức mình Hai ông đã lần đầu tiên chỉ ra điều kiện thật sự để giai cấp công nhân cùng toàn thể loài người được giải phóng và tuyên bố chân lý: Sự diệt vong của giai cấp tư sản và thắng
lợi của giai cấp vô sản đều là điều không thể tránh khỏi
Từ điển Triết học đã dẫn ra khái niệm giai cấp của C Mác từ cuốn Lênin: Tuyển tập, tập II, phần 2, bản tiếng Pháp, Mát-xcơ-va, 1954, tr 225: “Giai cấp
là những tập đoàn người đông đảo, những tập đoàn này khác nhau về địa vị của
họ trong một hệ thống sản xuất xã hội nhất định trong lịch sử, về những quan
hệ (phần lớn là do luật pháp quy định và thừa nhận) của họ đối với tư liệu sản xuất, về vai trò của họ trong tổ chức lao động xã hội, và do đó, về những phương thức hưởng thụ của cải xã hội, và về số lượng của cải xã hội mà họ chi
Trang 13phối Giai cấp là những tập đoàn người mà tập đoàn này có thể chiếm đoạt lao động của tập đoàn khác, do địa vị khác nhau mà họ chiếm giữ trong một chế độ
kinh tế xã hội nhất định” [62 ; 359]
Từ khái niệm trên cho thấy: Giai cấp là kết quả của sự phân hóa xã hội do
có sự đối lập giữa họ về địa vị trong một chế độ kinh tế xã hội nhất định Trong
xã hội, giai cấp nào nắm được tư liệu sản xuất chủ yếu của xã hội thì đồng thời
có khả năng chiếm được địa vị làm chủ quyền lực chính trị và quyền lực nhà nước và trở thành giai cấp thống trị xã hội Giai cấp không chỉ là khái niệm của khoa học chính trị mà còn là khái niệm phản ánh mối quan hệ khách quan giữa lĩnh vực kinh tế và lĩnh vực chính trị của xã hội; phản ánh mối quan hệ kinh tế, chính trị giữa các tập đoàn người trong một điều kiện lịch sử nhất định Đó là mối quan hệ không chỉ có sự khác biệt mà còn có tính chất đối lập của họ trên phương diện kinh tế và chính trị Từ đó cho thấy, việc phân tích các vấn đề về kết cấu chính trị cần phải gắn liền với việc phân tích kết cấu kinh tế của xã hội theo quan điểm lịch sử cụ thể Cần phân biệt khái niệm giai cấp với khái niệm tầng lớp xã hội Khái niệm tầng lớp xã hội dùng để chỉ sự phân tầng, phân lớp, phân nhóm giữa những con người trong cùng một giai cấp theo địa vị và sự khác biệt cụ thể của họ trong giai cấp đó hoặc chỉ những nhóm người ngoài kết cấu giai cấp trong một xã hội nhất định (công chức, trí thức, tiểu nông)
1.1.2 Khái niệm tính giai cấp trong văn học
Trước C Mác, các nhà xã hội học không tưởng cũng như các nhà Sử học
và các nhà Kinh tế của giai cấp tư sản đã phát hiện ra sự tồn tại của các giai cấp và những mâu thuẫn đối kháng giữa các giai cấp đó Nhưng chỉ đến C Mác, vấn đề mới được đặt ra quán triệt trong tất cả mọi lĩnh vực, kể cả văn học nghệ thuật Tính giai cấp là một trong những quan điểm cơ bản của lý luận văn học vô sản, là nơi giao điểm đấu tranh giữa chủ nghĩa Mác chân chính và quan điểm của “bọn xét lại” cùng các trường phái khác Trước hết, C Mác là người chỉ ra sự tồn tại của các giai cấp bao giờ cũng gắn với cơ sở kinh tế của từng thời kỳ lịch sử nhất định Nguồn gốc trực tiếp của giai cấp trong xã hội là từ sự phân hóa xã hội do sự ra đời, tồn tại của chế độ tư hữu đối với những tư liệu sản xuất chủ yếu của xã hội Trong điều kiện đó tất yếu làm phát sinh và tồn tại
Trang 14sự phân biệt địa vị của các tập đoàn người trong quá trình sản xuất, dẫn tới khả năng tập đoàn người này chiếm đoạt lao động thặng dư của tập đoàn người khác Tuy nhiên, quá trình này còn phải gắn với điều kiện lực lượng sản xuất phải phát triển đến một mức độ nhất định, làm cho năng suất lao động tăng lên khiến cho thời gian lao động được chia thành thời gian lao động tất yếu và thời gian lao động thặng dư mà biểu hiện của nó là sự dư thừa tương đối của cải trong cộng đồng xã hội Nguồn gốc sâu xa của sự phân hóa giai cấp trong xã hội là do tình trạng phát triển chưa đầy đủ của lực lượng sản xuất Khi lực lượng sản xuất phát triển tới mức đầy đủ thì chính nó lại là nguyên nhân khách quan dẫn đến xóa bỏ chế độ chiếm hữu tư nhân về tư liệu sản xuất, do đó xóa
bỏ giai cấp, đối kháng và đấu tranh giai cấp trong xã hội
Theo C Mác và Ph Ăngghen, tính giai cấp là một thuộc tính tất yếu của văn học trong xã hội có giai cấp Giai cấp không phải chỉ tồn tại trong hình thái
mơ hồ với sự phân biệt về chính trị qua các đặc quyền của một đẳng cấp mà bản chất của nó được bộc lộ rõ trong quyền sở hữu những tư liệu sản xuất, trong các tổ chức lao động xã hội và quyền hưởng thụ sản phẩm làm ra của xã hội Điều đó tạo điều kiện để nhận thức những mối quan hệ xã hội, các hiện tượng vật chất và tinh thần trong xã hội, quan hệ giữa cá nhân và xã hội
Xét về tính thống nhất giữa bản thể và nhận thức, thì văn học với tư cách
là tấm gương của hiện thực, không thể không mang tính giai cấp Mặt khác, nhà văn trước hết là con người xã hội, vậy, cá nhân trong xã hội bao giờ cũng thuộc về một giai cấp nhất định
Trong quá trình vận dụng và sáng tạo học thuyết đấu tranh giai cấp, C Mác, Ph Ăngghen đã phân biệt và giải thích về tính giai cấp của nhà văn tiểu
tư sản: Tính giai cấp của nhà văn có khi không trực tiếp phản ánh lợi ích thiển cận của giai cấp họ Muốn nhìn thấy bản chất giai cấp của họ, chúng ta chỉ cần khảo sát thái độ của những nhà văn đó trước những xung đột thực tiễn xảy ra
có nguy cơ đe dọa toàn bộ sứ mệnh của giai cấp họ Trên cơ sở đó, C Mác, Ph Ăngghen đã phân tích rằng: trong giai cấp thống trị cũng có sự phân công giữa
lao động vật chất và lao động tinh thần Vì vậy, trong tác phẩm Hệ tư tưởng
Đức, C Mác và Ph Ăngghen đã nhận xét: “Những tư tưởng của giai cấp thống
Trang 15trị là những tư tưởng thống trị trong mỗi thời đại, nói cách khác, giai cấp nào là lực lượng vật chất chiếm địa vị thống trị trong xã hội thì cũng là lực lượng tinh thần chiếm địa vị thống trị Giai cấp nào chi phối những tư liệu sản xuất vật chất thì đồng thời cũng chi phối luôn cả tư liệu sản xuất tinh thần, thành thử tư tưởng của những người không có tư liệu sản xuất tinh thần nói chung bị giai cấp thống trị chi phối.” [54 ; 48]
Rõ ràng, văn học đã trở thành vũ khí đấu tranh giai cấp giữa các ý thức hệ khác nhau trong xã hội có giai cấp, trở thành vũ khí sắc bén để tuyên truyền cho tư tưởng cộng sản, giác ngộ quần chúng nhân dân lao động làm cách mạng
Tính giai cấp phải biểu hiện cụ thể trong tác phẩm văn học dưới nhiều đề tài, chủ đề rất phong phú, trong đó rất rõ và chủ yếu là trong tư tưởng chủ đề của tác phẩm Trong cuộc sống hiện thực muôn màu, muôn vẻ, các nhà văn đã chọn đề tài nào liên quan đến lập trường, quan điểm giai cấp và quan điểm thẩm mỹ của họ Trên cơ sở đó, các nhà văn khi sáng tác dĩ nhiên không thể
“khách quan chủ nghĩa”, khi giải quyết vấn đề mới thực sự lay động tận gốc đến những tư tưởng tình cảm giai cấp sâu xa, máu thịt của nhà văn Cuộc đấu tranh giai cấp đã tác động mạnh mẽ đến tinh thần và những hoạt động của xã hội Văn nghệ không những chịu ảnh hưởng giai cấp mà còn là một công cụ đấu tranh giai cấp có hiệu lực Không có một giai cấp nào khi lên nắm chính quyền mà không chú ý đến hoạt động tinh thần, không khai thác và vận dụng
nó vào trong cuộc đấu tranh về chính trị và đấu tranh để bảo vệ cho khuynh hướng giai cấp mình
Tuy nhiên, khi khẳng định về mối quan hệ giữa các ý thức hệ giai cấp với quá trình lao động sáng tạo nghệ thuật, cũng cần tránh khuynh hướng lí giải quá đơn giản và máy móc Xác định thành phần xuất thân của người viết và cho đó là nhân tố quyết định lập trường giai cấp của nhà văn Làm như vậy sẽ dẫn đến việc đánh giá nhà văn không chính xác Yếu tố quyết định tính giai cấp trong văn học là lập trường tư tưởng của người viết và nhân tố này phải thể hiện trực tiếp trong tác phẩm nghệ thuật Nhân tố đó với sự tác động trực tiếp hay gián tiếp nó sẽ quyết định quá trình sáng tác qua những chặng đường lịch
Trang 16sử của người viết
Trên cơ sở đó, C Mác - Ph Ăngghen cho rằng hoạt động của văn học là một hoạt động có ý thức, gắn liền với tính xã hội, tính giai cấp Nhà văn thực chất là người phát ngôn cho giai cấp mình, là người nói lên tâm tư nguyện vọng, ý chí và nghị lực của giai cấp trong cuộc đấu tranh vì lợi ích kinh tế và địa vị xã hội của giai cấp của nhà văn
Tính giai cấp mà C Mác - Ph Ăngghen nêu ra ở trên sau này đã được VI Lênin phát triển hoàn chỉnh hơn và sâu sắc hơn vào trong công cuộc đấu tranh
về kinh tế, chính trị và cả trong lĩnh vực văn học nghệ thuật Tính giai cấp gắn
bó chặt chẽ với các nguyên lý tính Đảng, tính nhân dân, tính chân thực, đồng thời nó còn liên quan chặt chẽ đến các vấn đề nội dung, tư tưởng, phương pháp sáng tác,…
Tác giả Nguyễn Xuân Nam trong cuốn Từ điển Văn học, tập II, Nxb
Khoa học xã hội, năm 1984 cho rằng: “Tính giai cấp là thuộc tính tất yếu và cơ bản nhất của văn học trong xã hội có giai cấp Bản chất giai cấp thể hiện trong cách sống, tâm lý, tư tưởng tình cảm, lợi ích kinh tế riêng,… của con người thuộc các giai tầng, giai cấp xã hội khác nhau Đặc tính ấy được phản ánh qua chủ đề, tư tưởng chủ đề, ngôn ngữ,… trong văn học là tính giai cấp của văn học Cũng như nhà văn về căn bản phải thuộc một giai cấp nhất định thì bất cứ một tác phẩm, một trào lưu, một nền văn học nào cũng có tính giai cấp của nó.” [63 ; 398]
Nhận rõ bản chất xã hội của văn học là một yêu cầu cơ bản của học thuyết Mác - Lênin về văn học Học thuyết ấy bác bỏ luận điệu cho rằng văn học đứng trên giai cấp, đứng ngoài cuộc đấu tranh chính trị của các giai cấp Có thể
có nhà văn chưa ý thức rõ rệt về quyền lợi, về địa vị của giai cấp mình, tác phẩm của họ vẫn mang tính giai cấp, như M Gorki đã nói: “Nhà văn là con mắt, là tiếng nói, là lỗ tai của một giai cấp Nhà văn có thể không có ý thức, có thể phủ nhận điều đó Nhưng nhà văn không bao giờ và không thể nào thoát khỏi bộ máy cảm quan của một giai cấp” [24 ; 271] Khi nhà văn có ý thức sâu sắc về quyền lợi và địa vị của giai cấp mình, họ công khai và kiên quyết dùng văn học như một vũ khí đấu tranh cho sự thắng lợi của một giai cấp Lúc đó
Trang 17tính giai cấp đã phát triển thành tính Đảng Lênin nói: “Tính đảng nghiêm túc
là người bạn đường và là kết quả của cuộc đấu tranh giai cấp phát triển đến cao
độ Và ngược lại, vì mục đích đấu tranh giai cấp công khai và rộng rãi cần phải phát huy tính đảng nghiêm túc.” [42 ; 104]
Để xác định tính giai cấp của văn học, ta phải xét nhiều mặt, chủ đề, tư tưởng, ngôn ngữ,… Nhưng có ý nghĩa quyết định hơn cả là phải xem tư tưởng tình cảm, lý tưởng thẩm mỹ toát ra từ nội dung khách quan của tác phẩm thuộc giai cấp nào Tính giai cấp biểu hiện ra một cách khác nhau tùy theo phương pháp sáng tác của nhà văn, tùy theo phong cách và sức mạnh tình cảm giai cấp của họ Giữa thành phần giai cấp của nhà văn và tính giai cấp của tác phẩm có mối quan hệ nhất định Nhưng không phải bất kỳ lúc nào, bất kỳ vấn đề nào, nhà nghệ sĩ cũng phục tùng tâm lý giai cấp mình Chịu sự tác động của những quan sát, thể nghiệm trong thực tế cuộc sống, chịu ảnh hưởng trong phong trào đấu tranh của nhân dân, nhiều nhà văn vốn gắn bó với những tầng lớp xã hội
có đặc quyền đã vượt qua sự chật hẹp trong quan điểm giai cấp của mình Những nhà văn vĩ đại của quá khứ như H Bandắc, Nguyễn Du, L Tônxtôi là
“những đứa con phản nghịch” của giai cấp mình, tuy vẫn còn những nét nhất định của sự hạn chế giai cấp không thể tránh khỏi
Tính chất giai cấp trong văn học không chỉ bộc lộ khi miêu tả những hiện tượng xã hội, mà còn thể hiện trong những cảm thụ thẩm mỹ đối với cuộc sống Những bài thơ ca ngợi thiên nhiên: mây, gió, trăng, hoa, tuyết, núi, sông cũng đều mang một khuynh hướng giai cấp có khi rất kín đáo Những biện pháp nghệ thuật bản thân nó không mang tính giai cấp, nhưng việc vận dụng những biện pháp nghệ thuật đó trong một tác phẩm cụ thể, các giai cấp thường theo những dụng ý khác nhau, phụ thuộc quan điểm thẩm mỹ của mình
Do thực tế đấu tranh giai cấp phức tạp, trong giai cấp lại có nhiều giai tầng khác nhau; các giai cấp lại không ngừng tác động lẫn nhau, nên tính giai cấp trong ý thức con người không thuần nhất Tính giai cấp trong văn học, do
đó cũng thường không thuần nhất Có lúc chúng ta phải từ ý nghĩa khách quan của tác phẩm có lợi cho giai cấp nào trong cuộc đấu tranh xã hội mà suy định bản chất giai cấp của tác phẩm văn học
Trang 181.1.3 Vai trò quan niệm tính giai cấp trong hệ thống lí luận văn học Việt Nam giai đoạn 1945 - 1985
Ở nước ta, từ Đề cương văn hóa năm 1943, đáng chú ý từ cuộc Tranh
luận văn nghệ Việt Bắc năm 1949 và đặc biệt từ cuối những năm 50 trở đi cho đến tận những năm 80, lí luận văn học thu về một hướng thống nhất và trở thành một thứ lí luận có tính chất nhà nước, chỉ đạo nhất quán từ trên xuống dưới, là trụ cột của cuộc đấu tranh ý thức hệ trên lĩnh vực văn học nghệ thuật Chưa bao giờ trong lịch sử nước nhà lí luận văn học được nâng tầm quan trọng như thế, quyền lực như thế, thống nhất như thế Nó trở thành tiêu chí để phê bình, đánh giá mọi hiện tượng văn học trong nước và thế giới Các khái niệm như chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa, tính giai cấp, tính Đảng, tính nhân dân, tính chân thực, thế giới quan mác xít, vốn sống, lập trường,… được hiểu một cách đặc biệt, trở thành tiêu chí giá trị chung của những sáng tác được suy tôn là tiên tiến bậc nhất của thời đại
Trước năm 1954, ở nước ta, lý luận văn học chưa phải là một bộ môn độc lập trong nghiên cứu cũng như giảng dạy, tức là chưa có một vị trí chính thức trong số các chuyên ngành của khoa học xã hội và nhân văn trong nhà trường Năm 1956, khi nền giáo dục đại học được mở lại ở Hà Nội, do nhu cầu thiết yếu của khoa Văn, bộ môn lý luận văn học được thành lập Suốt những năm
60, hầu hết sinh viên văn khoa được biết đến bộ môn lý luận văn học chủ yếu
thông qua cuốn giáo trình của tác giả Nguyễn Lương Ngọc và bộ sách Nguyên
lý lý luận văn học của L Timofeev Ở Liên Xô, bộ sách này được coi là sách
giáo khoa chính thức giảng dạy cho khoa văn các trường đại học tổng hợp và
đại học sư phạm Được dịch sang tiếng Việt, bộ sách này cùng với cuốn Những
phạm trù mỹ học cơ bản của Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô mau chóng là
“kim chỉ nam” cho chúng ta xây dựng những cuốn giáo trình về lý luận văn
học với cùng một kết cấu và những vấn đề cơ bản Cuốn sách Tính nhân dân,
tính giai cấp và tính Đảng của nghệ thuật của Viện Hàn lâm khoa học Liên
Xô, Viện Triết học - Viện Lịch sử triết học được xuất bản ở nước ta vào năm
1961 Cuốn sách đã trình bày rất rõ về tính nhân dân và tính giai cấp của nghệ thuật ở phần thứ hai (cuốn sách được chia ra làm bốn phần) Trong giáo trình
Trang 19này, các nhà lí luận đã khẳng định: “….trong khi nghiên cứu các hiện tượng nghệ thuật theo quan điểm mác xít, thì ắt phải kết luận rằng trong xã hội có giai cấp, những hiện tượng ấy nhất định sẽ mang trong mình dấu vết của các quan điểm giai cấp Lịch sử của đời sống xã hội cho thấy rằng từ trước tới nay, nghệ thuật bao giờ cũng tham gia cuộc đấu tranh giai cấp Ở một số thời đại, nghệ thuật có vai trò hết sức to lớn trong cuộc đấu tranh giai cấp [90 ; 39] Qua việc khảo sát lịch sử nghệ thuật đã “chứng minh rằng hệ tư tưởng giai cấp biểu hiện dưới rất nhiều hình thức ở trong tác phẩm nghệ thuật” [90 ; 37]
Quan niệm về tính giai cấp đã trở thành một trong những nguyên lý vô cùng quan trọng, không thể thiếu trong hệ thống các bộ giáo trình dùng để giảng dạy cho sinh viên văn khoa trong các trường đại học Bộ giáo trình
Những nguyên lý về lý luận văn học, gồm 4 tập do hai tác giả Lê Đình Kỵ và
Hà Minh Đức viết, nhà xuất bản Giáo dục, năm 1962; Bộ giáo trình Cơ sở lý
luận văn học, gồm 4 tập, do tập hợp các tác giả của tổ bộ môn lý luận văn học
các trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Vinh và Đại học Tổng hợp viết, nhà xuất bản Giáo dục, năm 1976, có ghi rõ rằng đây là “sách bồi dưỡng giáo viên cấp
II và III”, đều đã trình bày những nguyên lý cơ bản về lý luận văn học dựa theo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tính giai cấp cũng được đề cập rất rõ ở tập I: Phần nguyên lý chung Quan niệm về tính giai cấp được trình bày trong hai bộ sách này vẫn là theo đường hướng khẳng định chắc chắn đúng như theo quan điểm của lý luận văn học mác xít: “Trong xã hội có giai cấp, văn học bao giờ cũng thuộc về một giai cấp nhất định, đều mang tính chất giai cấp rõ rệt.”
[86 ; 82] Bộ giáo trình Cơ sở lý luận văn học do tập thể các nhà nghiên cứu,
giảng dạy văn học của trường Đại học Sư phạm I Hà Nội (Nguyễn Lương Ngọc, Phương Lựu), Đại học Tổng hợp Hà Nội (Lê Đình Kỵ, Hà Minh Đức, Bùi Ngọc Trác) và Đại học Sư phạm Vinh (Lê Bá Hán) biên soạn, nhà xuất bản Đại học và Trung học chuyên nghiệp, năm 1980 đã xếp tính giai cấp của văn học trở thành một mục riêng, cùng với tính Đảng của văn học, tính nhân dân của văn học, tính dân tộc của văn học nằm trong phần “Tính khuynh hướng của văn học” Xuyên suốt toàn bộ bộ giáo trình, các tác giả đã trình bày một cách
hệ thống toàn bộ các quan điểm lý luận văn học mác xít, quán triệt đúng tư
Trang 20tưởng chỉ đạo văn nghệ của Đảng Cộng sản Việt Nam Trong đó, “tính giai cấp
là thuộc tính tất yếu của văn học trong xã hội phân chia giai cấp” [59 ; 177]
“Tính giai cấp trong văn học không phải là cái gì khác mà chính là tính giai cấp trong thực tiễn xã hội được ý thức bằng văn học.” [59 ; 179] Cùng với việc chỉ rõ và khẳng định những biểu hiện của tính giai cấp trong văn học qua
tư tưởng, chủ đề tác phẩm, nghệ thuật xây dựng nhân vật, đặc biệt là nhân vật
lý tưởng, các tác giả của bộ giáo trình cũng đồng thời nêu ra lập trường phê phán quan điểm siêu giai cấp, đề phòng những cách nhìn giản đơn, máy móc vì tính giai cấp trong văn học có những biểu hiện phức tạp, cũng không nên quan niệm tính giai cấp một cách siêu hình, cô lập và tĩnh tại, mà phải thấy chúng
liên đới, phát triển và chuyển hóa Bộ giáo trình Lí luận văn học do các tác giả
Phương Lựu, Trần Đình Sử, Lê Ngọc Trà biên soạn, nhà xuất bản Giáo dục, năm 1986, đã được Hội đồng thẩm định sách của Bộ Giáo dục giới thiệu làm sách dùng chung cho các trường đại học sư phạm Trong tập I: Nguyên lí tổng quát, ngoài việc chỉ rõ những biểu hiện của tính giai cấp trong sáng tác văn nghệ, các tác giả còn chỉ ra ảnh hưởng của tính giai cấp trong tiếp nhận và thưởng thức, đồng thời khẳng định một cách rõ ràng: “Tính giai cấp xuyên thấm trong cả sáng tác và trong thưởng thức, cho nên văn học tất yếu sẽ trở thành vũ khí đấu tranh giai cấp.” [52 ; 112]
Nhận xét về giáo trình lý luận văn học ở nước ta, nhà nghiên cứu Trịnh
Bá Đĩnh bày tỏ: “Kết cấu của chúng thường gồm hai phần: Phần một, các vấn
đề nguyên lý chung (tính Đảng, tính nhân dân, tính giai cấp, bản chất và chức
năng của văn học và nghệ thuật,…) là sự vay mượn từ cuốn Nguyên lý mĩ học
Mác - Lênin Phần hai đi sâu vào đặc tính của văn học (văn học và hiện thực,
hình tượng văn học, nội dung và hình thức, kết cấu và ngôn ngữ,…) là sự tham
khảo rõ ràng cuốn Nguyên lý lý luận văn học.” [18 ; 486] Và điều đáng nói,
cho đến nay, qua một thời gian khá dài phát triển, mô hình giáo trình lý luận văn học như trên, về căn bản, vẫn chưa có sự thay đổi
Lý luận, phê bình văn học giai đoạn 1945 - 1985 ở nước ta, trước những yêu cầu của hiện thực cách mạng và những quy định của phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa đã có những dấu ấn và tác động quan trọng đối với
Trang 21hệ thống tác phẩm văn học nói riêng và toàn bộ nền văn học cách mạng Việt Nam giai đoạn này nói chung Trong khuôn khổ luận văn này, chúng tôi chỉ
xin được đề cập chủ yếu đến cuốn sách Nhà văn Việt Nam (1945 - 1975) của
hai tác giả Phan Cự Đệ và Hà Minh Đức, Nxb Đại học và Trung học chuyên nghiệp năm 1979 Đây là một cuốn sách lý luận, phê bình văn học vô cùng quan trọng, có tính chất tổng kết cả nền văn học cách mạng từ 1945 - 1975, được sử dụng như là sách tham khảo cơ bản trong khoa ngữ văn tại các trường đại học ở nước ta trong một thời gian dài, và đến tận bây giờ vẫn được coi là một cuốn sách tham khảo cần thiết cho sinh viên học chuyên ngành văn học
Có thể khẳng định rằng, những nguyên lý của lý luận văn học mác xít, trong đó
có nguyên lý về tính giai cấp đã được thể hiện hết sức rõ ràng qua phương pháp nghiên cứu của các tác giả trong cuốn sách này Kết cấu của cuốn sách được phân chia theo các thể loại: ngoài phần “Lời tựa” của Hoàng Trung Thông, “Lời nói đầu” của nhóm biên soạn, cuốn sách bao gồm 6 phần chính: 1)
Về một nền văn xuôi cách mạng ba mươi năm qua 1945 - 1975 (Phan Cự Đệ viết); 2) Ba mươi năm phát triển của thơ ca cách mạng 1945 - 1975 (Hà Minh Đức viết); 3) Những chặng đường phát triển của nghệ thuật sân khấu cách mạng ba mươi năm qua 1945 - 1975 (Hà Minh Đức viết); 4) Về một nền lý luận, phê bình, nghiên cứu văn học theo quan điểm mác xít ba mươi năm qua
1945 - 1975 (Phan Cự Đệ viết); 5) Chủ tịch Hồ Chí Minh, người đặt nền móng
và sáng tạo tinh hoa cho nền văn học cách mạng thời kỳ hiện đại (Hà Minh Đức viết) Phần cuối cùng là những trình bày của hai tác giả cuốn sách về các nhà văn, nhà thơ, nhà lý luận, phê bình văn học, nhà hoạt động văn nghệ có vai trò quan trọng trong giai đoạn văn học cách mạng này: Trường Chinh, Tố Hữu, Đặng Thai Mai, Tú Mỡ, Huy Cận, Hoài Thanh, Nguyễn Huy Tưởng, Xuân Diệu, Như Phong, Chế Lan Viên, Tô Hoài, Nguyễn Đình Thi
1.2 Quán triệt quan điểm giai cấp trong đường lối văn nghệ của Đảng Cộng sản Việt Nam
1.2.1 Văn học chịu sự lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối, toàn diện của Đảng Cộng sản Việt Nam
Từ hai khái niệm về giai cấp và tính giai cấp trong văn học nói trên,
Trang 22chúng ta đã có được một cơ sở lý luận vững chắc cho vấn đề đang nghiên cứu
Rõ ràng, văn học cách mạng Việt Nam 1945 - 1985 là nền văn học theo quan điểm mĩ học của chủ nghĩa Mác - Lênin, chịu sự lãnh đạo chặt chẽ của Đảng Cộng sản Việt Nam về phương diện tư tưởng và tổ chức
Hệ thống những quan điểm, tư tưởng và lý luận (được trình bày trong các văn kiện chính thức của Đảng đã xuất bản, trong các lời phát biểu của Hồ Chí Minh và các vị lãnh đạo cao cấp của Đảng, trong các Nghị quyết và chỉ thị của Trung ương và Chính phủ về công tác văn hóa văn nghệ) đã khai sinh ra nền văn nghệ cách mạng và những ý kiến của các nhà lý luận văn nghệ đã chứng tỏ được vị trí của nguyên tắc về tính giai cấp trong văn học nghệ thuật cách mạng Việt Nam thời kỳ này
Đề cương văn hóa Việt Nam (năm 1943) ra đời sau khi Mặt trận Việt
Minh được thành lập, chiến khu Việt Bắc đã trở thành trung tâm đầu não của cách mạng Việt Nam Một không khí giải phóng dân tộc do Đảng lãnh đạo đang sôi sục trong lòng đại chúng khắp Bắc, Trung, Nam Trong tình hình ấy,
đề cương văn hóa được công bố rất phù hợp với thực tiễn cách mạng, với nguyện vọng của quần chúng Đề cương nêu lên 3 nguyên tắc vận động cách mạng trên mặt trận văn hóa và yêu cầu 3 nguyên tắc này luôn luôn phải thống nhất với nhau: “Dân tộc hóa (chống mọi ảnh hưởng nô dịch và thuộc địa khiến cho văn hóa Việt Nam phát triển độc lập); Đại chúng hóa (chống mọi chủ trương hành động làm cho văn hóa phản lại đông đảo quần chúng hoặc xa đông đảo quần chúng); Khoa học hóa (chống lại tất cả những gì làm cho văn hóa trái khoa học, phản tiến bộ” [58 ; 140] Bao trùm lên ba nguyên tắc không thể tách rời ấy là một nguyên tắc đặc biệt quan trọng được nhắc lại nhiều lần trong nội dung đề cương - đó là sự lãnh đạo của Đảng cộng sản, đứng trên lập trường của giai cấp công nhân, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm tư tưởng Rõ ràng, đề cương văn hóa đã chỉ rõ và khẳng định con đường vận động của văn hóa Việt Nam nói chung, văn học Việt Nam nói riêng là phải hướng tới đông đảo quần chúng lao động và phải tuân thủ đường lối văn nghệ của Đảng của giai cấp công nhân
Trang 23Năm 1946, cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, một phong trào văn hóa hóa kháng chiến và kháng chiến hóa văn hóa dưới sự lãnh đạo của Đảng, thực
chất là sự mở rộng Đề cương văn hóa Việt Nam trong hoàn cảnh mới Trước
tình hình đó, Đảng đã mở hội nghị giáo dục và đặc biệt là hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ hai: lần đầu tiên nêu lên một cách hệ thống, toàn diện các quan niệm về văn hóa và phát triển văn hóa theo lập trường mác xít của Đảng Tháng 7 năm 1948, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản lúc đó là đồng chí Trường
Chinh đã trình bày một cương lĩnh văn hóa quan trọng: Chủ nghĩa Mác và văn
hóa Việt Nam Nội dung của cương lĩnh này ngoài phần mở đầu và kết luận,
được chia thành 7 phần Phần I: Văn hóa và xã hội; Phần II: Lập trường văn hóa mác xít; Phần III: Văn hóa Việt Nam xưa và nay; Phần IV: Tính chất và nhiệm vụ của văn hóa dân chủ mới Việt Nam; Phần V: Mặt trận văn hóa thống nhất trong mặt trận thống nhất; Phần VI: Văn hóa Việt Nam trong mặt trận văn hóa dân chủ thế giới; Phần VII: Mấy vấn đề cụ thể trong văn học nghệ thuật ở nước ta hiện nay Ngay ở phần I, cương lĩnh đã chỉ rõ tính giai cấp của văn hóa: “văn hóa thống trị của một xã hội là văn hóa của giai cấp thống trị trong
xã hội ấy…”; vai trò của văn hóa trong đấu tranh giai cấp, đấu tranh cách mạng: “Cuộc đấu tranh giữa những lực lượng cần được giải phóng với khuôn khổ kinh tế chính trị của xã hội cũ thoạt tiên hiện ra dưới hình thức đấu tranh
về tư tưởng… Lúc đó học thuyết cách mạng, văn học cách mạng có hiệu lực giác ngộ, động viên, tổ chức quần chúng nhân dân, đưa quần chúng lên hàng ngũ cách mạng… đứng dậy làm cách mạng, đánh đổ giai cấp áp bức, bóc lột…” Đồng thời, cương lĩnh cũng tuyên bố rõ lập trường văn hóa của Đảng, lập trường văn hóa mác xít: “…về xã hội, lấy giai cấp công nhân làm gốc; về chính trị, lấy độc lập dân tộc dân chủ nhân dân và chủ nghĩa xã hội làm gốc; về
tư tưởng, lấy học thuyết duy vật biện chứng và duy vật lịch sử làm gốc; về sáng tác văn nghệ, lấy chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa làm gốc…” [58 ; 156]
Là sự tiếp tục mở rộng từ Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943, Chủ
Trang 24nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam đã nhấn mạnh hơn đến tính chính trị, tính tư
tưởng, tính giai cấp của văn nghệ, khẳng định vai trò to lớn của văn hóa văn nghệ trong công tác vận động quần chúng
Trong các bức thư của Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam gửi Đại hội Văn nghệ toàn quốc lần thứ hai (20/2/1957), lần thứ ba (26/11/1962), lần thứ tư (22/1/1968) đều có sự phân tích diễn biến tình hình cách mạng và ảnh hưởng của nó đối với văn nghệ Trong đó, việc xác định đường lối vận động, phát triển của văn nghệ cách mạng luôn được định hướng theo ngọn cờ dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội: “Nền văn nghệ mới ở miền Bắc chúng ta trong giai đoạn này phải là một nền văn nghệ xã hội chủ nghĩa về nội dung và dân tộc về hình thức.”
Xuất phát từ quan điểm quần chúng lao động là người sáng tạo ra lịch sử, chúng ta chủ trương “văn nghệ phục vụ nhân dân, chủ yếu là phục vụ công nông binh.” [58 ; 12] Do vậy, phương pháp sáng tác “độc quyền” đó chính là phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa; các tác phẩm “có ích” cho sự nghiệp cách mạng được xuất bản rộng rãi và tất cả những người công tác văn nghệ yêu nước và tiến bộ nên đoàn kết nhất trí trong một mặt trận rộng rãi và chặt chẽ dưới sự lãnh đạo của Đảng Phân tích những thiếu sót còn tồn tại trong nền văn nghệ cách mạng, trong thư của Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam gửi Đại hội văn nghệ toàn quốc lần thứ ba đã khẳng định: “Nhiều tác phẩm văn nghệ chưa có tính Đảng rõ rệt” [58 ; 23] Do đó, nhiệm vụ mà đại hội đề ra đó là: “Phát triển nền văn nghệ mới với nội dung xã hội chủ nghĩa và tính chất dân tộc, có tính Đảng và tính nhân dân sâu sắc Nắm vững phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa, phấn đấu để có thêm nhiều tác phẩm phản ánh chân thật cuộc sống mới, con người mới, góp phần giáo dục và động viên nhân dân đấu tranh cho cách mạng xã hội chủ nghĩa và cho sự nghiệp thống nhất nước nhà.” [58 ; 25] “Tổ quốc và chủ nghĩa xã hội là những đề tài cao đẹp nhất của văn học nghệ thuật nước ta” và đáp ứng được đòi hỏi của nhân dân về những tác phẩm văn nghệ: “nêu cao lý tưởng của Đảng và soi sáng phương hướng đấu tranh của giai cấp công nhân và của dân tộc ta” [58 ; 36] là phương
Trang 25hướng chỉ đạo văn nghệ của Đảng Cộng sản Việt Nam trong đại hội văn nghệ toàn quốc lần thứ tư
Quan niệm về tính giai cấp của nền văn học cách mạng Việt Nam cũng đã được đề cập đến một cách sinh động qua ý kiến của các vị lãnh đạo và các nhà
lý luận văn nghệ nước ta trong giai đoạn này
Với tư cách là một vị chủ tịch nước, giữ vai trò có tính chất chỉ đạo đường lối văn hóa văn nghệ, nhưng bằng lối viết sinh động và mộc mạc, Hồ Chí Minh đã đưa ra những quan niệm về văn nghệ rất hiện thực mà lại rất dễ
tiếp thu Trong Thư gửi các họa sĩ nhân dịp Triển lãm hội họa 1951, Người
khẳng định: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy” [58 ; 67] Quan niệm về tính chính trị trong văn học cũng được Người đề cập đến một cách sâu sắc:
“Chắc có người nghĩ: Cụ Hồ đưa nghệ thuật vào chính trị
Đúng lắm Văn hóa, nghệ thuật cũng như mọi hoạt động khác, không thể đứng ngoài, mà phải ở trong kinh tế và chính trị.” [58 ; 68]
Tư tưởng văn học là vũ khí đấu tranh giai cấp thể hiện rõ trong tập thơ
Nhật kí trong tù của Bác, đặc biệt trong bài thơ nổi tiếng Cảm tưởng đọc Thiên gia thi:
“Thơ xưa yêu cảnh thiên nhiên đẹp,
Mây, gió, trăng, hoa, tuyết, núi, sông
Nay ở trong thơ nên có thép,
Nhà thơ cũng phải biết xung phong”
Rõ ràng, Người quan niệm thơ ngày nay trước hết phải có chất cách mạng, có tính chiến đấu, thể hiện tinh thần của người chiến sĩ cách mạng Chữ
“thép” chỉ xuất hiện một lần trong tập thơ nhưng trong Nhật kí trong tù bài nào
cũng có “thép”, câu nào cũng có “thép” Nhà thơ Quách Mạt Nhược (Trung Quốc) đã nhận định như vậy Trường Chinh cũng nói trong thơ Hồ Chủ tịch đều mang chất thép, đều toát ra tư tưởng và tình cảm của một chiến sĩ vĩ đại Trong tập “nhật ký bằng thơ” này, một mặt ta thấy có những bài trực tiếp nói
Trang 26đến cách mạng và thể hiện tinh thần cách mạng như bài thơ đề từ tập nhật ký,
Việt Nam có biến động, Nghe tiếng giã gạo, Học đánh cờ, Tự khuyên mình,…
mặt khác, lại thấy có nhiều bài thơ chỉ ghi lại sinh hoạt trong tù như Nhà lao
Nam Ninh, Tiền đèn, Tù cờ bạc, Cháu bé trong nhà lao Tân Dương, Lính ngục đánh mất chiếc gậy, Chiếc khăn giấy của người bạn tù,… hay nhiều bài thơ thể
hiện xúc cảm của nhà thơ trước hiện thực trong và ngoài nhà tù Nhân vật trữ tình ở đây là một thi sĩ nhạy cảm với những cảnh ngộ trớ trêu trong tù, với vẻ
đẹp thiên nhiên trên đường giải tù như Đi đường, Chiều tối, Giải đi sớm, Giữa
đường đáp thuyền đi Ung Ninh, Hoàng hôn, Nắng sớm,… lại có nhiều bài thể
hiện tinh thần trào lộng, cười cợt với đau khổ của Bác như Pha trò, Đi Nam
Ninh, Hụt chân ngã, Ghẻ, Báo động, Dây trói, Đáp xe lửa đi Lai Tân,…
Những bài thơ trên rõ ràng là không “nói chuyện thép”, không “lên giọng thép” nhưng lại có “tinh thần thép”, tinh thần kiên cường bất khuất của một chiến sĩ cộng sản lỗi lạc
Trường Chinh là một nhà cách mạng và chính trị gia của Việt Nam Ông
đã giữ các chức vụ quan trọng trong hệ thống chính trị của Việt Nam như Tổng
bí thư của Đảng Cộng sản Việt Nam (là nhân vật duy nhất hai lần giữ chức Tổng Bí thư), Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Ông còn là một nhà thơ với bút danh Sóng Hồng Bàn về tính giai cấp trong
văn nghệ cách mạng, trong bài Chủ nghĩa Mác và vấn đề văn hóa Việt Nam
năm 1949, Trường Chinh đã chỉ rõ: “Trong xã hội phân chia giai cấp, không thể có văn hóa (và đặc biệt là văn học nghệ thuật) không khuynh hướng Sáng tác văn nghệ nào cũng bao hàm một thái độ xã hội nhất định.” [58 ; 149] Thái
độ xã hội nhất định ấy là cái gì nếu không phải là nói đến tính khuynh hướng của văn học nghệ thuật, một thuộc tính có liên hệ mật thiết với tính giai cấp trong văn học Tính khuynh hướng không tách rời, nhưng cũng không đồng nhất hoàn toàn với tính giai cấp và có phần tập trung hơn tính giai cấp Nói một cách khác, nó không phải là tính giai cấp ở mức độ tự phát thông thường, mà là
Trang 27tính giai cấp tự giác theo một khuynh hướng chính trị nhất định Trong bài Mấy
vấn đề văn hóa Việt Nam hiện nay, đồng chí Trường Chinh đã đặt vấn đề:
“Gần đây vấn đề văn nghệ và chính trị đã nổi bật trên trường dư luận… Học thuyết Mác - Lênin cho rằng trong xã hội có giai cấp, văn nghệ phản ánh cuộc đấu tranh giai cấp, có tính giai cấp rõ rệt và phục vụ một đường lối giai cấp rõ rệt” [58 ; 142]
Trong tập Thơ của mình, Trường Chinh đã phát biểu như sau: “Thơ là
một thứ vũ khí đấu tranh giai cấp kỳ diệu Làm sao có thể quan niệm thơ không có tính Đảng và tính giai cấp được” [29 ; 6] Vận dụng quan điểm văn
nghệ trên trong sáng tác, Trường Chinh có hai câu thơ nổi tiếng trong bài Là
thi sĩ đề bút danh Sóng Hồng:
“Dùng ngọn bút làm đòn xoay chế độ Mỗi vần thơ bom đạn phá cường quyền”
Nhiều người cho rằng, nhà thơ Sóng Hồng viết bài Là thi sĩ với mục đích phê phán bài thơ Cảm xúc của Xuân Diệu và là một lời tuyên chiến với các nhà
thơ lãng mạn Hai câu thơ trên trong bài thơ đã trở thành phương hướng cho loại thơ chiến đấu, có tinh thần cách mạng cao độ
Thủ tướng Phạm Văn Đồng đưa ra quan niệm văn học “phải có quan
điểm giai cấp rõ ràng.” Trong bài viết Tổ quốc ta, nhân dân ta, sự nghiệp ta và
người nghệ sĩ, ông khẳng định: “Tác phẩm phải có quan điểm giai cấp rõ ràng
và phải có quan điểm của con người mới, quan điểm nhân đạo cộng sản chủ nghĩa, yêu cầu cao nhất về các mặt đó cũng là trăm phần trăm…” [58 ; 387] Đồng thời, trong bài viết này, ông cũng chỉ ra hai nguồn “để có ánh sáng trong lòng và trong mắt” người nghệ sĩ: “Một nguồn là quan điểm và phương pháp tư
tưởng của Đảng Nguồn thứ hai là đời sống của quần chúng” [58 ; 384]
Hải Triều là cái tên được biết nhiều và nhắc nhiều qua cuộc tranh luận bảo vệ quan niệm “nghệ thuật vị nhân sinh”, là một nhân vật hoạt động nổi bật trong phong trào Mặt trận dân chủ 1936 - 1939, là tác giả của tác phẩm lý luận,
phê bình văn học mác xít đầu tiên ở Việt Nam: Văn sĩ và xã hội, được viết năm
Trang 281937 Đi tìm nguồn gốc văn chương, sau khi tham khảo một số tư liệu ít ỏi thời bấy giờ, Hải Triều đã phát triển nhận thức được gợi ý từ bộ Bách khoa toàn thư
của Anh và đi đến khẳng định: “Thời đại biến đổi thì văn học cũng biến đổi Giai cấp chống nhau thì văn học cũng chống nhau Vì thế, trên lịch sử có thứ văn học hợp tiến hóa mà cũng có thứ văn học phản tiến hóa Diễn tả cho đúng cái tư tưởng, cái ý chí, cái tình cảm của mỗi giai cấp, mỗi thời đại trong lịch sử
là một sứ mệnh cao cả của nhà văn chân chính, dẫu ở thời nào cũng thế, ở xứ nào cũng thế.” [48 ; 47] Quan niệm này đã theo suốt trong cuộc đời hoạt động nghệ thuật của Hải Triều mà cụ thể là ở tư tưởng triết học mác xít trong văn hóa, văn chương và quan niệm đề cao văn học dấn thân, phụng sự đất nước
Tố Hữu vừa là một nhà lãnh đạo văn hóa, văn nghệ, đồng thời cũng là một nhà thơ cách mạng tiêu biểu của thơ ca Việt Nam hiện đại Năm 1995, nhân dịp kỷ niệm 50 năm Cách mạng tháng Tám thành công, khi Giáo sư Hà Minh Đức đề nghị nhà thơ Tố Hữu cho biết những cảm nghĩ về nhân dân và Tổ quốc, mạch tình cảm lớn nuôi dưỡng nguồn sáng tạo của thơ Tố Hữu qua nhiều chặng đường cách mạng, ông đã nói: “…Cuộc đời cách mạng và cuộc đời thơ
của tôi chỉ là một, từ buổi đầu, Từ ấy cho đến hôm nay Đối với tôi làm thơ là
làm cách mạng bằng thơ.” [21 ; 92] Lời nhận định trên đã là một sự tổng quát
lại toàn bộ cuộc đời hoạt động cách mạng và cuộc đời thơ của Tố Hữu Từ Từ
ấy qua Việt Bắc, Gió lộng, Ra trận, Máu và hoa đến Một tiếng đờn, thơ Tố
Hữu đã đi từ cái riêng đến với cái chung và lại từ cuộc đời chung trở về với những suy nghĩ, chiêm nghiệm riêng, nổi bật lên vẫn là hình ảnh về nhân dân
và đất nước anh hùng Bên cạnh những sáng tác đã đi sâu vào lòng công chúng
kể trên, những bài phát biểu của ông tại các đại hội văn nghệ luôn có tầm quan trọng đặc biệt, bởi ngoài là một nhà thơ, ông còn là một nhà tổ chức văn nghệ
Trong bản báo cáo Xây dựng văn nghệ nhân dân năm 1949, Tố Hữu đã nhắc lại ba tính chất: dân tộc, khoa học, đại chúng của văn nghệ dân chủ mới của Đề
cương văn hóa Việt Nam (1943); khẳng định những thành tựu và thẳng thắn
vạch rõ những nhược điểm của phong trào văn nghệ; đặc biệt, ông nêu ra yêu
Trang 29cầu cho việc xây dựng văn nghệ nhân dân phải đạt hai nhiệm vụ chính: “1) Làm cho tác phẩm văn nghệ phổ cập trong nhân dân, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân 2) Khai thác khả năng sáng tạo vô tận của nhân dân” [31;
472, 473] Rõ ràng, phương hướng chỉ đạo văn nghệ mà Tố Hữu muốn đề cập tới đó chính là nội dung và hình thức của văn nghệ phải hướng tới đông đảo quần chúng nhân dân - những người chủ của cuộc đấu tranh giai cấp Năm
1951, trong Đại hội lần thứ 2 của Đảng, Tố Hữu đã trình bày bản báo cáo Xây
dựng văn nghệ nhân dân Việt Nam Quan niệm về đấu tranh giai cấp của Tố
Hữu được thể hiện rõ ràng nhất trong thái độ lên án mạnh mẽ hiện tượng Nhân văn - Giai phẩm và cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa xét lại trên mặt trận văn
nghệ Chính ông là người đã có bản báo cáo tổng kết Qua cuộc đấu tranh
chống nhóm Nhân văn - Giai phẩm trên mặt trận văn nghệ năm 1958 Những
quan điểm phản động của chủ nghĩa xét lại về đấu tranh giai cấp đã được Tố
Hữu chỉ rõ và phủ định dứt khoát trong bài nói chuyện Đứng vững trên lập
trường của giai cấp vô sản, nâng cao nhiệt tình cách mạng và tính chiến đấu trong văn nghệ
Trong bài báo “Đường lối văn nghệ của Đảng, kim chỉ nam tư tưởng và
nguồn sức mạnh sáng tạo của văn nghệ chúng ta” đăng trên Tạp chí Văn học,
số 1 năm 1975, Hoàng Trinh quan niệm, văn nghệ trong các xã hội trước kia chỉ là văn nghệ tự phát, nền văn nghệ cách mạng là nền văn nghệ cần có một đường lối cũng như bản thân cách mạng cần một đường lối Đường lối là ánh sáng soi đường, chỉ dẫn phương hướng cho văn nghệ đạt được mục tiêu cách mạng; là nguồn ý thức tư tưởng, nhận thức và sáng tạo đối với văn nghệ, là ngọn cờ tập hợp, tổ chức và động viên đội ngũ văn nghệ sĩ làm tròn nhiệm vụ cách mạng của mình “Đường lối văn nghệ của Đảng sở dĩ đã đưa đến những thắng lợi lớn trên lĩnh vực văn nghệ là vì đó là một đường lối mác xít, lêninnít, nhất quán, kiên trì và sáng tạo, tất cả vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì một nền văn nghệ xứng đáng với dân tộc, với thời đại chúng ta.” [87 ; 13] Theo Hoàng Trinh, toàn bộ đường lối văn nghệ của Đảng ngay từ bước đi ban
Trang 30đầu là một hệ thống những quan điểm cơ bản và lý luận nhất quán, liên hệ chặt chẽ với nhau, quy định và phát triển lẫn nhau trên ba cái gốc: “cái gốc triết học
là chủ nghĩa Mác - Lênin, cái gốc chính trị là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, cái gốc xã hội là giai cấp công nhân Chính ba cái gốc này bảo đảm cho tính nhất quán và dẫn đến tính hệ thống của đường lối.” [87 ; 17] Phân tích quan điểm chính trị và văn nghệ, ông cho rằng, đường lối của Đảng đã đề ra những quan điểm hết sức quan trọng, có liên hệ chặt chẽ với nhau từ cơ cấu lý luận bên trong: “Đảng và văn nghệ, tính Đảng và nghệ thuật, tính Đảng và tự
do sáng tạo, thế giới quan và phương pháp sáng tác, văn nghệ đi vào đời sống, đến với những nơi tiền tiến, sống với những người tiền tiến… Hoặc là: tính giai cấp đã được giải quyết trong mối quan hệ thống nhất với tính dân tộc dẫn đến vấn đề tính Đảng, tính giai cấp, tính nhân dân trong văn nghệ, nội dung xã hội chủ nghĩa, tính chất dân tộc, giữ gìn và tiếp thu vốn cổ có phê phán vì cuộc sống mới, con người mới, xã hội chủ nghĩa…” [87 ; 17]
1.2.2 Văn học phục vụ trực tiếp sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội
Đặc điểm tình hình chính trị, xã hội nước ta thời kỳ sau cách mạng tháng Tám đến trước thời kỳ Đổi mới, mà chủ chốt là hai cuộc cách mạng dân tộc dân chủ và cách mạng xã hội chủ nghĩa đóng một vai trò vô cùng quan trọng đối với sự vận động của nền văn học nghệ thuật nước nhà Những yêu cầu của phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa với các nguyên tắc chặt chẽ
về các thuộc tính của văn học nghệ thuật, trong đó có tính giai cấp đã trở thành bắt buộc trước những sự vận động của hiện thực cách mạng
Cách mạng tháng Tám thắng lợi mở ra một vận hội mới cho cả dân tộc Việt Nam ta Bằng cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nhân dân Việt Nam
đã đập tan xiềng xích nô lệ của thực dân gần 90 năm và chế độ quân chủ chuyên chế để lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà - nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam châu Á Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám
đã mở ra một kỉ nguyên mới của dân tộc Việt Nam - kỉ nguyên độc lập tự do,
Trang 31dân chủ nhân dân, đi lên chủ nghĩa xã hội Không khí thắng lợi và niềm vui hân hoan bao trùm trên khắp mọi nẻo đường của Tổ quốc Trong những ngày đầu cách mạng ấy, đúng như nhà thơ Tố Hữu đã viết:
“Ngực lép bốn nghìn năm, trưa nay cơn gió mạnh Thổi phồng lên, tim bỗng hóa mặt trời…”
(Huế tháng Tám, 1945)
Tuy nhiên, sau thắng lợi của cách mạng, khó khăn của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là hết sức to lớn Ba thứ giặc: “giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm”, đều là những hiểm họa đặt vận mệnh dân tộc như “ngàn cân treo sợi tóc” Từ ngày 19/12/1946, khi thực dân Pháp bội ước, gây chiến tranh xâm lược ra cả nước, với ý chí “Chúng ta thà hi sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, Đảng Cộng sản Việt Nam đã phát động toàn dân tiến hành cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp theo đường lối chiến tranh nhân dân, kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài,
dựa vào sức mình là chính Trải qua những khó khăn ban đầu, với cuộc tiến
công chiến lược Đông Xuân 1953 - 1954, đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ, quân dân ta đã buộc thực dân Pháp phải đi tới đàm phán và kí kết Hiệp định Giơnevơ, chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam
Từ tháng 7/1954, đế quốc Mĩ đã từ can thiệp chuyển sang trực tiếp thay chân Pháp xâm lược Việt Nam Cuộc đấu tranh của nhân dân ta vì độc lập, thống nhất trở nên hết sức gay go, phức tạp Chủ trương chiến lược cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới của Đảng Cộng sản đó là đường lối tiến hành đồng thời và kết hợp chặt chẽ hai chiến lược cách mạng khác nhau ở hai miền: cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, nhằm thực hiện mục tiêu chung trước mắt của cả nước là giải
phóng miền Nam, hòa bình, thống nhất Tổ quốc Theo đường lối của Đảng,
nhân dân miền Bắc đã hăng hái phấn đấu xây dựng hậu phương xã hội chủ nghĩa và giành được những thành tựu hết sức quan trọng Đến năm 1965, miền Bắc trở thành căn cứ địa vững chắc của cách mạng cả nước, hậu phương có
Trang 32tiềm lực kinh tế quốc phòng ngày to lớn cho miền Nam Được sự chi viện của
miền Bắc, với truyền thống “Thành đồng Tổ quốc”, quân dân ta ở miền Nam
đã anh dũng đấu tranh, vượt qua những năm tháng khó khăn của giai đoạn đấu
tranh chính trị là chính, tiến tới cuộc nổi dậy và “Đồng Khởi” (1959 - 1960)
theo Nghị quyết lần thứ 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, giành quyền làm chủ ở các vùng nông thôn, rừng núi, đưa cách mạng chuyển từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tiến công Tiếp đó đã đánh bại chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mĩ (1961- 1965), đưa cuộc chiến đấu tiến lên mạnh mẽ, làm
lung lay tận gốc rễ chế độ nguỵ quân, nguỵ quyền tay sai Từ năm 1965, do đế
quốc Mĩ gây chiến tranh cục bộ ở miền Nam, đánh phá ra miền Bắc, Đảng và
Hồ Chí Minh đã phát động cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước trên phạm vi toàn quốc và đề ra đường lối cho cuộc kháng chiến trong giai đoạn mới, giai
đoạn cả nước có chiến tranh Với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập, tự
do”, quân dân miền Bắc đã tiến hành cuộc chiến tranh nhân dân chống chiến tranh phá hoại của không quân, hải quân Mĩ, bảo vệ vững chắc hậu phương, đồng thời ra sức sản xuất, tạo nên tiềm lực to lớn chi viện cho miền Nam Quân dân miền Nam đã tỏ rõ ý chí kiên cường giành được thắng lợi trong các mùa khô 1965 - 1966, 1966 - 1967 và nhất là cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân (1968), làm cho cuộc chiến tranh cục bộ của Mĩ bị thất bại, buộc chúng phải ngồi vào bàn đàm phán với ta ở hội nghị Paris Trong những năm
1969 - 1975, quân dân miền Nam đã liến tiếp đánh bại các thủ đoạn của chiến tranh “Việt Nam hoá” của đế quốc Mĩ, đã “đánh cho Mĩ cút” và tiến tới “đánh
cho Nguỵ nhào” với đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh mùa xuân 1975
Sau hơn 30 năm tranh đấu vô cùng gian khổ, đất nước ta bước sang một thời kì mới, thời kì cả nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội Trong bối cảnh phải khắc phục rất nhiều khó khăn do hậu quả nhiều mặt của chiến tranh để lại, Đảng và nhân dân ta lại phải đương đầu với cuộc chiến tranh ở hai đầu biên giới phía Nam, phía Bắc, trong những năm 1975 - 1986, Đảng đã lãnh đạo nhân dân cả nước đi lên theo định hướng xã hội chủ nghĩa với những thành quả
Trang 33to lớn trong bảo về Tổ quốc và những thành tựu đáng kể về kinh tế Đồng thời,
trong thời gian đó, Đảng đã đề ra đường lối đổi mới Được nhân dân đón nhận
và thực hiện, trong những năm 1986 - 1996, công cuộc đổi mới đã giành được nhiều thắng lợi to lớn
Tóm lại, xuất phát từ hiện thực cách mạng từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến 1985: cả nước làm cuộc cách mạng vĩ đại đánh đuổi ngoại xâm, toàn dân tộc đứng dưới lá cờ của Đảng Cộng sản làm hai cuộc kháng chiến trường kỳ và thần thánh chống Pháp, chống Mỹ, cuộc chiến tranh biên giới gian nan, đồng thời với đó là cả nước gồng mình lên cùng gánh nặng xây dựng kinh tế thời bình trước Đổi mới Vì vậy, những quan điểm lí luận về văn học nghệ thuật của chủ nghĩa Mác - Lênin đã được thể chế hóa thành đường lối lãnh đạo văn nghệ của Đảng Cộng sản Văn học cách mạng giai đoạn này, do
đó, cũng đã sáng tác theo một đường lối văn nghệ nhất quán của Đảng Và quan niệm về tính giai cấp trong văn học nghệ thuật đã được thể chế trong các tài liệu, văn kiện của Đảng và trong các vấn đề lý luận về văn nghệ, đồng thời được cụ thể thông qua các tác văn học
Trước thực tiễn lịch sử đấu tranh và dựng xây của đất nước thời kỳ bão tố cách mạng, nền văn học cách mạng nước ta giai đoạn 1945 - 1985 đã có nhiều đổi thay và để lại những dấu ấn quan trọng, khác hoàn toàn với các giai đoạn văn học cách mạng trước đó nhằm tương thích với những biến động to lớn của
thời đại Khái niệm văn học cách mạng Việt Nam ở đây “chúng tôi muốn nói
đến văn học cách mạng với tư cách là một nền văn học, tức là từ lực lượng sáng tác đến tác phẩm, từ hệ thống lí luận đến hệ thống các thể loại văn học, trong đó, các tác phẩm văn học mang tư tưởng cách mạng, theo xu hướng cách mạng, phục vụ cho sự nghiệp cách mạng, và khi đó quảng đại quần chúng đã trở thành độc giả cách mạng.” [76 ; 363] Nền văn học ấy xuyên suốt từ đầu
những năm 1920 đến đầu thế kỷ XXI
Có thể khẳng định rằng, quan niệm tính giai cấp luôn luôn được thể hiện
một cách nhất quán trong văn học cách mạng Việt Nam Giai đoạn văn học đầu
Trang 34thế kỉ XX nổi bật là văn chương yêu nước của các chí sĩ cách mạng Khác với thơ văn yêu nước cuối thế kỷ trước, những thơ ca này được viết hàng loạt, nhằm tuyên truyền, cổ động cho một chủ trương chung: duy tân để cứu nước Cái mới mà loại thơ văn yêu nước tuyên truyền, cổ động, đưa ra mở mang dân trí, nâng cao dân khí là tư tưởng dân là chủ và duy tân, học theo Âu - Mỹ Nổi bật nhất trong thời kỳ này là những tư tưởng dân chủ của Phan Bội Châu, đề xướng cải cách văn hóa - xã hội của Phan Châu Trinh cùng nhiều nhân sĩ yêu
nước khác
Giai đoạn trước Cách mạng tháng Tám, đặc biệt là từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (ngày 3/2/1930), văn học của các nhà hoạt động cách mạng như Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Tố Hữu,… chủ yếu được lưu truyền trong các nhà tù Tuy nhiên, trước đó cần phải kể đến những năm 20 sôi sục như là báo hiệu sự phát triển của văn học về sau Đó là sự ra đời nhanh chóng và hoạt
động tích cực của các tờ báo quốc ngữ: Đông Dương tạp chí, Trung Bắc tân
văn, Nam Phong tạp chí, Ích Hữu, Ngày nay,… Các sự kiện đấu tranh đòi ân
xá cho Phan Bội Châu và để tang Phan Châu Trinh vô cùng quyết liệt Trong không khí đó, một lớp thanh niên tiên tiến của trí thức tân học bước vào hoạt động chính trị và những người cầm bút trẻ tuổi, như Trần Huy Liệu, Tôn Quang Phiệt, Phạm Tuấn Tài, Trần Hữu Độ,… Chiều hướng của văn học yêu nước là đi vào kịch liệt “thiết huyết” chống thực dân Pháp Đồng thời, văn học yêu nước thời kỳ này đã đi vào đông đảo quần chúng, tìm ở đó sức mạnh thực
sự Văn học người chí sĩ đến đây cũng đã có sự hồi quang, đặc biệt có thể tìm thấy tinh thần nhiệt huyết với thanh niên của nhà chí sĩ Phan Bội Châu Tiểu
thuyết Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách (1925) và các truyện ngắn đầu tay của Nguyễn Công Hoan: Một chương trình quyết thực hành, Sách bị cấm, Oẳn tà
roằn, Thật là phúc, Lập gioòng, Răng con chó nhà tư sản, Hai thằng khốn nạn,… đã đánh dấu sự đổi mới rõ rệt về bút pháp và nghệ thuật miêu tả
Văn học Việt Nam giai đoạn 1945 - 1985 chứng kiến những khuynh hướng khác nhau đã phản ánh vào trong mọi lĩnh vực văn học, đặc biệt là sự
Trang 35loại trừ gay gắt khuynh hướng văn học phi vô sản Tình hình tư tưởng của các văn nghệ sĩ lúc này cũng khá phức tạp Trong giai đoạn chuyển mình của văn học, văn nghệ sĩ như vừa tỉnh giấc, trông thấy cuộc đời mới sáng lạn Tuy nhiên, họ còn quá bỡ ngỡ, chưa nhìn ra được hướng đi một cách rõ ràng Một
số không phải nhỏ cho rằng “văn nghệ là văn nghệ, chính trị là chính trị, họ cũng đồng ý cho rằng văn nghệ có nhiệm vụ đấu tranh vì độc lập dân tộc, nhưng sau đó văn nghệ không nên đi với giai cấp nào cả, không phục vụ một chương trình cải cách xã hội nào cả Văn nghệ có địa hạt của nó và mục đích
“tự thân”, đó là “cái đẹp” Các văn nghệ sĩ tiêu biểu có thể kể đến cho tư tưởng này đó là Trần Dần, Bùi Huy Phồn, Nguyễn Tuân, Vũ Hoàng Chương,… Họ bị coi là “những cái nấm độc vẫn còn có thể mọc lên trên những cây gỗ mục” [53] Bên cạnh đó cũng có một số nhà văn đã mò mẫm chuyển từng bước theo với cách mạng như Lưu Trọng Lư, đặc biệt là nhà thơ Xuân Diệu, có thể nói rằng “nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới” ấy là một trong những cây bút hoạt động sôi nổi nhất trong những ngày đầu của cách mạng Với tác phẩm
trường ca Hội nghị non sông, Xuân Diệu đã thể hiện sự đóng góp của mình vào
công cuộc xây dựng nền văn học cách mạng buổi đầu, đồng thời đánh dấu một bước chuyển biến có ý nghĩa, một cái mốc báo hiệu chặng đường mới của nhà thơ Các nhà văn, nhà thơ đã theo cách mạng ngay từ những ngày đầu như Tố Hữu, Nam Cao,… đã có nhiều sáng tác phục vụ trực tiếp những yêu cầu của cách mạng Với những khuynh hướng tư tưởng chống đối nhau như vậy cho nên văn học nước ta giai đoạn này đã có những cuộc đấu tranh tư tưởng trên mặt trận văn nghệ diễn ra liên tiếp nhằm chống lại văn nghệ phi vô sản, định hướng văn nghệ nước ta vận động sao cho đúng với những yêu cầu trong chủ trương, chính sách của Đảng Cộng sản Việt Nam
Giai đoạn từ sau 1985, đặc biệt là sau Đổi mới (1986), văn học Việt Nam
về bản chất vẫn là một nền văn học mang những tư tưởng của cách mạng vô sản Tuy nhiên, văn học nước ta lúc này đã có sự nhìn nhận, đánh giá lại một giai đoạn “văn nghệ minh họa”, bắt đầu có những sáng tác theo chiều hướng
Trang 36“đổi mới” Đặc biệt, nền văn học đương đại Việt Nam từ những năm 1990 đã
có những chuyển biến mới, phá vỡ tính biệt lập và có tính hội nhập hơn
Từ sự nhìn nhận chung về tiến trình vận động của văn học cách mạng Việt Nam như trên, và qua sự khảo sát văn học nước ta ở vào giai đoạn sau Cách mạng tháng Tám cho đến trước Đổi mới, chúng tôi nhận thấy, giai đoạn văn học Việt Nam từ 1945 - 1985, có thể khẳng định là giai đoạn văn học thể hiện rõ nhất những tư tưởng cách mạng vô sản: thể hiện trực tiếp những tư tưởng cách mạng xã hội của thời kỳ đấu tranh giai cấp quyết liệt giữa giai cấp
vô sản và giai cấp tư sản có tính toàn cầu
* Tiểu kết:
Từ một số khảo sát ở trên, chúng ta có thể nhận thấy rằng: Ngay từ khi hình thành nền văn nghệ nước nhà, Đảng Cộng sản Việt Nam đã rất chú trọng đến bản chất xã hội của văn nghệ, coi nó là một vũ khí đấu tranh cách mạng Đây là một quy luật Bởi lẽ, trong lịch sử loài người, giai cấp tiến bộ nào cũng biết dùng văn học nghệ thuật làm vũ khí đấu tranh cho quyền lợi giai cấp và quyền lợi của dân tộc mình Nói văn nghệ là vũ khí đấu tranh giai cấp, đấu tranh chính trị không có nghĩa là xem văn nghệ như một thứ vũ khí có thể trực tiếp dùng bạo lực, hành chính, lại càng không có nghĩa là xem văn nghệ như một thứ lao động có thể trực tiếp làm ra của cải vật chất, hay là một yếu tố trực tiếp có khả năng tạo ra những điều kiện kinh tế cho đời sống xã hội của con người Mối quan hệ giữa văn nghệ và chính trị là một vấn đề cơ bản có liên quan đến lập trường và thái độ giai cấp, một vấn đề có ý nghĩa chính trị mà các giai cấp đối địch đều có cách giải quyết của mình Đồng thời, nó cũng nói lên mối quan hệ giữa chính trị và văn nghệ là một quan hệ hữu cơ và phổ biến Trong xã hội có giai cấp, cuộc đấu tranh giai cấp đã dội vào trong tất cả các lĩnh vực của hệ tư tưởng, trong đó có văn học, nghệ thuật Văn nghệ là một hình thái ý thức xã hội, phản ánh hiện thực cuộc sống Nó không thể thoát khỏi những quy luật chung của tư tưởng con người Dù ở thời kỳ lịch sử nào, nhà văn, nhà thơ cũng chỉ là một thành viên của xã hội, thuộc giai cấp này hay giai cấp khác Không thể có nhà văn, nhà thơ trung lập về tư tưởng, trong đó có tư
Trang 37tưởng chính trị Vì vậy, vấn đề văn nghệ là một vũ khí đấu tranh chính trị, đấu tranh giai cấp, nói một cách khác là văn nghệ phục vụ chính trị là một nguyên
lý chung, phổ biến đối với tất cả các xã hội có giai cấp đối kháng từ trước đến nay
Đứng về quan điểm văn học nghệ thuật mà nói thì việc nêu phương châm văn nghệ phục tùng chính trị, phục tùng đấu tranh giai cấp, đấu tranh xã hội là đường hướng chính thì rõ ràng, chất lượng chính trị không phải là yêu cầu phục vụ một cách bị động mà nó biểu hiện ra ở lập trường giai cấp kiên định, tính chiến đấu cao, ủng hộ cái gì thì ủng hộ triệt để, chống cái gì thì chống kỳ cùng Do vậy, các nguyên tắc quy định toàn bộ hệ thống văn học cách mạng của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa, mà cụ thể ở đây là tính giai cấp trong văn học đã góp sức rất lớn trên mặt trận định hướng tư tưởng của đường lối chính trị, có tác dụng quan trọng trong thắng lợi của cách mạng Đặc biệt ở giai đoạn văn học cách mạng 1945 - 1985, mối quan hệ giữa chính trị và văn học, nguyên tắc về tính giai cấp, tính Đảng của văn học nghệ thuật đã thể hiện rất rõ ràng trong đường lối chỉ đạo văn nghệ của Đảng ta, có ảnh hưởng sâu đậm và tác động vô cùng to lớn đến toàn bộ hệ thống văn học của nước ta thời kỳ này Chúng ta không thể phủ nhận những thành quả to lớn của văn học nghệ thuật dưới sự chỉ đạo của đường lối chính trị của Đảng (phần này sẽ trình bày cụ thể hơn ở chương 2 và chương 3) nhưng chúng ta, đến hôm nay cũng đã có đủ thời gian cần thiết để phải nhìn nhận lại và nhận thấy sự cứng nhắc, khuôn khổ và
“gò” quá mức của chính trị đối với văn nghệ cách mạng nước ta trong một thời
kỳ khá dài Tất nhiên, điều này có lí do quan trọng là từ sự vận động của thực tại khách quan, của cuộc chiến tranh cách mạng chống lại kẻ thù xâm lược, bảo
vệ chủ quyền đất nước và của công cuộc dựng xây cả một chế độ mới của toàn dân tộc “Trở lại yêu cầu nhận diện văn học Việt Nam sau 1945”, nhà nghiên cứu Phong Lê đã khẳng định: “Nhận thức và thẩm định lại cái đã qua tất yếu gắn với việc định hướng cho hôm nay Văn học hôm nay đang chuyển động theo hướng điều chỉnh các vế đó, theo hướng cân bằng lại các so lệch - đôi lúc không tránh khỏi có những thái quá, một sự chuyển động có mặt còn dè dặt, lại
có mặt sấn sổ, có thể gây ngại ngần cho người này, nhưng cũng gây tin tưởng
Trang 38cho người khác Nhưng có sự lớn lên nào lại không là một cuộc xé vỏ trổ mầm? Phần tôi, tôi tin ở con đường đi lên, ở xu thế phát triển tất yếu của văn học Một sự phát triển mới dựa trên cơ sở cái nền cũ, cái vốn cũ; nhưng dứt khoát không phải là sự kéo dài cái cũ Nó là một sự phủ định, không thể khác được, nhưng là phủ định biện chứng - tức là có khía cạnh kế thừa, nhưng để có một sản phẩm khác, thích hợp với trình độ mới, với nhu cầu mới của dân tộc và thời đại.” [41 ; 260]
CHƯƠNG 2: ẢNH HƯỞNG CỦA QUAN NIỆM VỀ TÍNH GIAI CẤP TRONG LÝ LUẬN VÀ PHÊ BÌNH VĂN HỌC CÁCH MẠNG VIỆT NAM
xã hội Thứ hai, văn học có quan hệ mật thiết với chính trị, phục vụ chính trị Thứ ba, nhà văn trong xã hội có giai cấp, phải thuộc về một giai cấp nhất định, phải miêu tả cuộc sống trên lập trường của một giai cấp nhất định Thứ tư, văn học là một loại hình nhận thức đối với cuộc sống, giúp con người hiểu biết đời sống hiện thực, cho nên chức năng trước tiên của nó phải là chức năng giáo dục Việt Nam cũng là một nước nằm trong “phe” XHCN, cho nên những nguyên tắc chỉ đạo văn nghệ trên đã có ảnh hưởng mang tính chất quyết định đối với nền văn học vô sản của nước ta, đặc biệt trong giai đoạn 1945 - 1985
Do quan niệm văn học là vũ khí đấu tranh giai cấp cho nên lý luận, phê bình
Trang 39trong giai đoạn này ở nước ta cũng được coi là một vũ khí đấu tranh tư tưởng, một vũ khí sắc bén để bảo vệ đường lối văn nghệ của Đảng, bảo vệ sự trong sáng của mĩ học Mác - Lênin: “Thực tế văn học chứng minh rằng không có thứ
lý luận phê bình thuần túy khách quan tách rời khỏi cuộc đấu tranh giai cấp, đấu tranh về mặt ý thức hệ.” [15 ; 235] Văn học phải gắn với đời sống chính trị của dân tộc Yêu cầu quan trọng ở phẩm chất của nhà lý luận, phê bình văn học nghệ thuật trong thời kỳ này là không chỉ cần có năng lực cảm thụ thẩm mĩ một cách tinh tế mà trước hết phải có trình độ chính trị vững vàng, có khả năng phát hiện nhạy bén những tác phẩm tốt, những tài năng mới, những vấn đề tồn tại trong sáng tác văn học, phải có tính chiến đấu cao, kiên quyết bảo vệ sự trong sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin và đường lối văn nghệ của Đảng
Nâng cao tinh thần đấu tranh giai cấp, tính Đảng của công tác lý luận, phê bình, nghiên cứu văn học đó là nhiệm vụ hàng đầu và thường xuyên của những
người chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng và văn hóa Thư của Ban Chấp hành TƯ
Đảng Lao động Việt Nam gửi Đại hội Văn nghệ toàn quốc lần thứ ba (1962)
đã quán triệt: “Phê bình nghệ thuật là một công việc khó khăn và tế nhị Trên nguyên tắc tính Đảng, phê bình phải có tác dụng cổ vũ những cái tốt, cái hay, phát hiện những tài năng, phát huy những phong cách mới; đồng thời cần phân tích một cách đúng đắn, thẳng thắn với thái độ chân thành những khuyết điểm, sai lầm của tác phẩm và tác giả Người phê bình cần có thái độ nghiêm chỉnh, thận trọng, thì người được phê bình cũng cần nâng cao tinh thần phụ trách, khiêm tốn lắng nghe dư luận, bình tĩnh phân rõ đúng sai để ngày càng tiến bộ Giữa những người đồng chí, phê bình, thảo luận là để tìm chân lý cho thắng lợi của sự nghiệp chung, cho sự tiến bộ và đoàn kết giúp nhau của những người cùng chung một lý tưởng.” [58 ; 29] Phương pháp phê bình mác xít được xây dựng trên cơ sở chủ nghĩa duy vật biện chứng và duy vật lịch sử, đi tìm mối quan hệ giữa tác phẩm và nhà văn, giữa nhà văn và thời đại, đặc biệt quan tâm đến thái độ của nhà văn đối với cuộc đấu tranh tư tưởng trên lĩnh vực ý thức
hệ, đấu tranh giai cấp và đấu tranh dân tộc Chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa không cho phép nhà lý luận, phê bình được chủ quan, tùy hứng thú và
Trang 40thiên kiến cá nhân để đánh giá sáng tác văn nghệ mà cần phải thấm nhuần quan điểm quần chúng trong phê bình: “Công tác phê bình cần mang tính chất quần chúng rộng rãi, nó phải tổng kết và nâng cao những nhận xét của quần chúng, coi ý kiến của quần chúng là cơ sở để đánh giá các tác phẩm văn học và nghệ thuật một cách đúng đắn nhất.” [58 ; 39]
Vị trí, chức năng của lý luận, phê bình văn học
Trong Đại hội văn nghệ toàn quốc lần thứ tư, nói về Phê bình văn nghệ,
đồng chí Trường Chinh khẳng định: “Phê bình là một phương thức chỉ đạo cụ thể của Đảng trong lĩnh vực văn nghệ; phê bình là một vũ khí bảo vệ đường lối văn nghệ của Đảng, một hình thức giáo dục tư tưởng, tình cảm, giáo dục thẩm
mĩ và nâng cao nhận thức của quần chúng nhân dân.” [58 ; 75] Rõ ràng là trên mặt trận văn nghệ, các nhà lý luận, phê bình mác xít luôn luôn phải là người đấu tranh để bảo vệ đường lối văn nghệ của Đảng, bảo vệ sự trong sáng của mĩ học Mác - Lênin Vị trí của lý luận, phê bình đối với sáng tác là rất quan trọng
Nó vừa phải giữ vai trò hướng dẫn cho sáng tác đi đúng đường lối văn nghệ của Đảng, phải góp phần vào việc chỉ đạo cụ thể cho sáng tác và nghiên cứu văn nghệ, góp phần nâng cao chất lượng và nghệ thuật của tác phẩm, nâng cao nhận thức và trình độ thẩm mĩ của quần chúng Sáng tác, ngược lại cũng có tác động quan trọng trở lại đối với lý luận, phê bình Nó giữ vai trò như là cơ sở thực tiễn để kiểm nghiệm lý luận, đồng thời làm cho lý luận, phê bình ngày càng thêm phong phú, sinh động
Dựa trên nguyên lý lý luận cũng như trên thực tiễn của công tác lý luận, phê bình văn nghệ giai đoạn này, chúng ta có thể nhận thấy giữa các chức năng của nền văn nghệ hiện thực xã hội chủ nghĩa nói chung và các chức năng của
lý luận, phê bình văn nghệ nói riêng có một mối quan hệ trực tiếp, nhất quán Nếu như lý luận, phê bình và sáng tác là hai bộ phận luôn có quan hệ khăng khít với nhau trong toàn bộ chỉnh thể phát triển văn học; nếu như thể hiện chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong sáng tác văn nghệ là nội dung cụ thể của chức năng khẳng định, ngợi ca và xây dựng xã hội mới của nền văn nghệ hiện thực