1. Trang chủ
  2. » Luận Văn - Báo Cáo

dạy học đoạn trích đất nước trường ca mặt đường khát vọng nguyễn khoa điềm từ hướng tiếp cận văn hóa

126 1K 10

Đang tải... (xem toàn văn)

Tài liệu hạn chế xem trước, để xem đầy đủ mời bạn chọn Tải xuống

THÔNG TIN TÀI LIỆU

Thông tin cơ bản

Định dạng
Số trang 126
Dung lượng 865,44 KB

Nội dung

2 xuất bản Giáo dục ban hành đã chỉ rõ: “Môn Ngữ văn cung cấp cho học sinh những kiến thức phổ thông, cơ bản, hiện đại, có tính hệ thống về ngôn ngữ trọng tâm là tiếng Việt và văn học tr

Trang 1

1

ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI

TRƯỜNG ĐẠI HỌC GIÁO DỤC

NGUYỄN THỊ THU HƯƠNG

DẠY HỌC ĐOẠN TRÍCH “ĐẤT NƯỚC” (TRƯỜNG CA

“MẶT ĐƯỜNG KHÁT VỌNG” - NGUYỄN KHOA ĐIỀM)

TỪ HƯỚNG TIẾP CẬN VĂN HOÁ

LUẬN VĂN THẠC SĨ SƯ PHẠM NGỮ VĂN

Chuyên ngành: LÝ LUẬN VÀ PHƯƠNG PHÁP DẠY HỌC

Trang 2

3

MỤC LỤC

Trang

MỞ ĐẦU

1 Lí do chọn đề tài 1

2 Lịch sử vấn đề 3

3 Nhiệm vụ nghiên cứu 7

4 Đối tượng nghiên cứu 8

5 Để hoàn thành luận văn, chúng tôi sử dụng các phương pháp sau 8

6 Cấu trúc luận văn 8

Chương 1: CƠ SỞ LÍ LUẬN VÀ TRI THỨC VĂN HOÁ TRONG TRƯỜNG CA “MẶT ĐƯỜNG KHÁT VỌNG” 9

1.1 Vài nét về văn hoá 9

1.1.1 Khái niệm văn hoá 9

1.1.2 Đặc trưng văn hoá 13

1.1.3 Chức năng của văn hoá 14

1.1.4.Văn hoá phản ánh và lưu giữ bản sắc dân tộc ở mọi thời đại 14

1.2 Mối quan hệ giữa văn học và văn hoá 15

1.2.1 Văn học là nơi lưu giữ, phản ánh và sáng tạo ra văn hoá 15

1.2.2 Tri thức văn hoá là chìa khoá để hiểu các giá trị tác phẩm văn học 16

1.2.3 Tiếp cận tác phẩm văn học từ góc nhìn văn hoá 17

1.3 Biểu hiện của tri thức văn hoá trong trường ca “Mặt đường khát vọng” và đoạn trích “Đất nước” 19

1.3.1 Biểu hiện của tri thức văn hoá trong trường ca “Mặt đường khát vọng” 19

1.3.2 Nội dung văn hoá trong đoạn trích “Đất nước” 34

Chương 2: THỰC TRẠNG DẠY HỌC ĐOẠN TRÍCH “ĐẤT NƯỚC” TRONG NHÀ TRƯỜNG PHỔ THÔNG VÀ HƯỚNG TIẾP CẬN VĂN HOÁ 49

2.1 Khảo sát thực trạng dạy “Đất nước” trong nhà trường Phổ thông 49 2.1.1 Đối tượng khảo sát 49

2.1.2 Kết quả và phân tích kết quả khảo sát 50

Trang 3

4

2.2 Nguyên nhân 53

2.2.1 Từ đặc điểm văn chương Nguyễn Khoa Điềm 54

2.2.2 Từ phía người học 55

2.2.3 Từ phía người dạy 57

2.2.4 Từ phía tài liệu giảng dạy và học tập 58

2.3 Đề xuất hướng tiếp cận văn hoá 60

2.3.1 Bổ sung tri thức văn hoá về “đất nước” cho học sinh 60

2.3.2 Các phương pháp, biện pháp thích hợp dạy học đoạn trích “Đất nước” theo hướng tiếp cận văn hoá 64

Chương 3: THIẾT KẾ VÀ THỰC NGHIỆM DẠY HỌC ĐOẠN TRÍCH “ĐẤT NƯỚC” CỦA NGUYỄN KHOA ĐIỀM THEO HƯỚNG TIẾP CẬN VĂN HOÁ 77

3.1 Thiết kế đoạn trích “Đất nước” theo hướng tiếp cận văn hoá 77

3.1.1 Mục tiêu bài học 77

3.1.2 Chuẩn bị 77

3.1.3 Phương pháp 78

3.1.4 Thiết kế bài học 78

3.1.5 Thuyết minh giáo án thực nghiệm 112

3.2 Thực nghiệm sư phạm 114

3.2.1 Tổ chức thực nghiệm 114

3.2.2 Kết quả thực nghiệm 114

3.2.3.Đánh giá thực nghiệm 115

KẾT LUẬN 117

TÀI LIỆU THAM KHẢO 120

Trang 4

1

MỞ ĐẦU

1 Lí do chọn đề tài

Lựa chọn đề tài: “Dạy học đoạn trích “Đất nước” (Trường ca “Mặt

đường khát vọng” - Nguyễn Khoa Điềm) từ hướng tiếp cận văn hoá” chúng

tôi xuất phát từ những lí do chính sau đây:

1.1 Tri thức văn hoá có vai trò quan trọng trong việc đọc hiểu tác phẩm văn chương

Văn bản văn chương vốn là một sinh thể nghệ thuật, là sản phẩm tinh thần của nhà văn – con người có một bề sâu hiểu biết, bề rộng về văn hoá Đọc văn chính là quá trình người đọc tiếp xúc, cảm nhận, giải mã các tầng cấu trúc ngôn ngữ, hình tượng

Môn Ngữ văn vừa là một ngành khoa học vừa là một ngành nghệ thuật

Để cảm thụ và hiểu được tác phẩm văn chương thì độc giả phải có những hiểu biết nhất định về văn học, văn hoá, lịch sử, địa lí, xã hội Những tri thức hiểu biết đó của độc giả chính là chiếc chìa khoá mở ra cánh cửa đối với mỗi tác phẩm văn chương khi độc giả muốn tìm hiểu nó

Tri thức văn hoá là tri thức nền tảng cần thiết để học sinh đến với mỗi tác phẩm văn chương sẽ có một kĩ năng tiếp xúc, cảm nhận, hiểu nội dung văn học một cách thấu đáo, toàn diện, sâu sắc, thú vị hơn

1.2 Xuất phát từ mục tiêu của việc dạy học văn trong nhà trường

Đất nước đang đứng trước xu thế hội nhập toàn cầu trên mọi lĩnh vực: kinh tế, xã hội, chính trị, văn hoá và giáo dục không phải là một thành phần ngoại lệ Vì vậy để làm thế nào cho ngành giáo dục cũng phù hợp và bắt nhịp được xu thế toàn cầu hoá, hoà nhập và theo kịp các nước có nền giáo dục tiên tiến? Chính vì thế mà trong nhiều năm gần đây giáo dục đã có nhiều cuộc đổi mới, cách tân về phương pháp, cách thức, nội dung của dạy và học Dạy và học văn trong nhà trường cũng thay đổi cho phù hợp với nhu cầu của thực

tiễn Trong cuốn “Chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ Văn” do Nhà

Trang 5

2

xuất bản Giáo dục ban hành đã chỉ rõ: “Môn Ngữ văn cung cấp cho học sinh những kiến thức phổ thông, cơ bản, hiện đại, có tính hệ thống về ngôn ngữ (trọng tâm là tiếng Việt) và văn học (trọng tâm là phần văn học Việt Nam), phù hợp với trình độ phát triển của lứa tuổi và yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực trong thời kì công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước Môn Ngữ văn hình thành và phát triển ở học sinh các năng lực sử dụng tiếng Việt, tiếp nhận văn học, cảm thụ thẩm mĩ, phương pháp học tập, tư duy, đặc biệt là phương pháp

tự học, năng lực ứng dụng những điều đã học vào cuộc sống Môn Ngữ văn bồi dưỡng cho học sinh tình yêu tiếng Việt, văn học, văn hoá, tình yêu gia đình, thiên nhiên, đất nước, lòng tự hào dân tộc; ý thức tự lập, tự cường, lí tưởng xã hội chủ nghĩa, tinh thần dân chủ nhân văn; giáo dục cho học sinh trách nhiệm công dân, tinh thần hữu nghị và hợp tác quốc tế, ý thức tôn trọng

và phát huy các giá trị văn hoá của dân tộc và nhân loại”

Như vậy, việc dạy và học môn Ngữ văn không chỉ đơn thuần cung cấp, trang bị cho học sinh kiến thức về văn học mà bên cạnh đó cần bổ sung cho các em các kiến thức liên ngành khác trong đó có kiến thức về văn hoá để phù hợp với nhu cầu của thực tiễn Các tri thức về văn hoá mà học sinh thu lượm được trong văn học sẽ góp phần giúp cho các em bồi dưỡng, giữ gìn, phát huy sáng tạo bản sắc văn hoá của dân tộc và nhân loại

1.3 Trường ca “Mặt đường khát vọng” - Nguyễn Khoa Điềm có giá trị văn hoá lớn

Mỗi tác phẩm văn học đều mang trong mình những giá trị văn hoá riêng, bởi nó là sản phẩm tinh của nhà văn Nó hiện thân cho tư tưởng, tình cảm của

nhà văn cũng như của thời đại lúc tác phẩm ra đời “Mặt đường khát vọng”

của Nguyễn Khoa Điềm không phải là một trường hợp ngoại lệ Thơ ông được nuôi dưỡng, ấp ủ từ xứ Huế mộng mơ, thâm trầm, cổ kính Mảnh đất quê hương giàu truyền thống văn hoá ấy đã nuôi dưỡng và truyền cảm hứng sáng tác thi ca dồi dào cho Nguyễn Khoa Điềm Thơ Nguyễn Khoa Điềm giàu

Trang 6

3

chất suy tưởng, triết lí, chứa đựng nhiều chất liệu văn học và văn hoá dân gian Các sáng tác của nhà thơ dù ở thể loại nào cũng phảng phất phong vị của

ca dao, tục ngữ

Đến với “Mặt đường khát vọng” đặc biệt là đoạn trích “Đất nước” người

đọc có thể cảm nhận được “màu dân tộc” thấm đẫm vào từng hơi thở của mỗi

câu thơ Vẻ đẹp văn hoá ấy đã làm cho trường ca “ Mặt đường khát vọng” của

Nguyễn Khoa Điềm có sức sống lâu bền trong lòng người đọc qua nhiều thế

hệ Chính vì vậy, văn hoá là một nội dung quan trọng cần phải khai thác khi tìm hiểu tác phẩm nếu không sẽ không thấy hết được vẻ đẹp của tác phẩm cũng như vị trí của tác phẩm trong diện mạo văn hoá tinh thần dân tộc Do đó khai

thác giá trị văn hoá của trường ca “Mặt đường khát vọng” nói chung và đoạn trích “Đất nước” nói riêng là một việc làm cần thiết, có ý nghĩa thực tiễn

2 Lịch sử vấn đề

2.1 Các công trình nghiên cứu về trường ca “Mặt đường khát vọng”

Trường ca “Mặt đường khát vọng” ra mắt bạn đọc năm 1974 đã đem lại

tiếng vang cho tên tuổi Nguyễn Khoa Điềm Năm 1975, Nguyễn Văn Long có

bài viết “Nguyễn Khoa Điềm với Mặt đường khát vọng” in trên Tạp chí Văn

nghệ Quân đội Ở bài viết này, tác giả đã lí giải nội dung của tập thơ và phân tích con đường đi theo cách mạng của tuổi trẻ Miền Nam nói chung của Nguyễn Khoa Điềm nói riêng Tác giả bài viết cho rằng: “Có thể thấy những dấu ấn rõ rệt của một vốn văn hoá nhà trường và sách vở, một ảnh hưởng của cách suy tưởng cả bài “Mặt đường khát vọng”có được sức rung động, âm vang chính là tác giả thực sự sống với cảm xúc của mình” [47, tr 136] Cả tập thơ là sự tìm tòi, khám phá, suy nghĩ, trải nghiệm của Nguyễn Khoa Điềm về quê hương, đất nước

Năm 1976, Tôn Phương Lan đã khẳng định tiềm năng của nhà thơ trẻ

Nguyễn Khoa Điềm qua bài giới thiệu “Nguyễn Khoa Điềm nhà thơ trẻ có

nhiều triển vọng”, bài viết có cái nhìn bao quát về “Mặt đường khát vọng”

Trang 7

4

Tác giả đã nhận thấy một phong cách rất riêng của Nguyễn Khoa Điềm giữa các gương mặt trẻ khác của thế giới thơ ca thời đó Tác giả khẳng định “Một phong cách Nguyễn Khoa Điềm khá rõ Bạn đọc ghi nhận ở anh một cách suy nghĩ và diễn đạt có âm hưởng rất riêng”

Năm 1985, Nguyễn Xuân Nam tìm hiểu về phong cách Nguyễn Khoa

Điềm trong “Mặt đường khát vọng” với bài viết “Mặt đường khát vọng của

Nguyễn Khoa Điềm” Trong bài viết tác giả nhấn mạnh điểm nổi bật của

Nguyễn Khoa Điềm “Không đặc sắc về tạo hình, màu sắc nhưng có sức liên tưởng mạnh” và đặc biệt thơ Nguyễn Khoa Điềm “Có được cái nhìn vừa phân tích vừa khái quát” [41, Tr 106-109] là một điều cần thiết cho thơ ca

Tôn Phương Lan, Vũ Văn Sĩ, Vũ Tuấn Anh đều đánh giá cao tài năng

Nguyễn Khoa Điềm, cho rằng “Mặt đường khát vọng” đã góp một phong cách

mới, đi sâu vào khía cạnh nội dung lịch sử - dân tộc, thời đại, triết lí - trữ tình, thể hiện nét tinh tế, tài hoa Lối diễn đạt giàu sức khái quát hiện thực, suy tưởng đầy chất chính luận, vừa “đồng thanh” vừa “cá tính” đại diện cho thế hệ

Tác giả Nguyên An có bài viết “Giao hưởng và âm vang thơ thời trẻ

chống Mĩ”, bài viết đánh giá cao về trường ca “Mặt đường khát vọng” Tác

giả khẳng định: “Cuối năm 1973, ngay sau khi chưa in thành sách, trường ca

“Mặt đường khát vọng” của Nguyễn Khoa Điềm đã được giới học sinh, sinh

viên, sau đó là công chúng đón chào, hoan nghênh Tác giả là một tài năng đầy triển vọng, người ta nói về Nguyễn Khoa Điềm như vậy Trong trường ca

này có chương “Đất nước”, góp vào dòng thơ về tổ quốc Việt Nam những

trang thơ đặc sắc.”

Tác giả Nguyễn Trọng Hoàn trong bài viết “Cảm nhận thơ Nguyễn Khoa

Điềm” đã ghi nhận một bước trưởng thành trong thơ Nguyễn Khoa Điềm qua

trường ca “Mặt đường khát vọng”: “ Ở đó hội tụ không chỉ độ chín của tư tưởng,

nhận thức mà còn thể hiện một phong cách thơ có chất giọng riêng Anh tự bứt lên khỏi mình để thơ vươn tới những khái quát mới lạ” [47, Tr 146]

Trang 8

5

Ngoài ra, trong luận văn thạc sĩ “Thơ Nguyễn Khoa Điềm nhìn từ góc độ

tư duy nghệ thuật” tác giả Lại Thu Hương chỉ rõ: “Trong trường ca, chúng ta

thấy rõ Nguyễn Khoa Điềm đã rất thành công mặc dù chỉ sáng tác một trường

ca “Mặt đường khát vọng” nhưng ông đã đem đến cho người đọc những ấn

tượng không thể phai nhoà Trong trường ca ông bộc lộ một cái nhìn hiện thực hết sức toàn diện và sâu sắc, điều đó không phải ai cũng làm được.”

2.2 Các công trình nghiên cứu về chương “Đất Nước”

Trần Đình Sử khi nghiên cứu về đoạn thơ “Đất nước” đã phát hiện ra cái

mới mẻ của đoạn thơ là đã vẽ ra được một khoảng không gian tinh thần của đất nước: “ Nguyễn Khoa Điềm đã vượt lên trên cả truyền thống viết về đất nước trong tâm thức của mỗi người” [15, Tr 236] Nguyễn Khoa Điềm không nhìn đất nước từ hình dáng bên ngoài như đất đai, ruộng đồng, sông núi mà nhà thơ hướng cái nhìn đất nước vào bên trong, vào tâm hồn, kí ức Đất nước luôn gần gũi, gắn bó với mỗi gia đình Tác giả cũng khẳng định “giúp người đọc cảm nhận được đất nước sâu sắc và mới mẻ nhưng lại rất bình dị: đất nước- văn hoá – con người” [15, Tr 236]

Khi nghiên cứu về “Đất nước” của Nguyễn Khoa Điềm, Nguyễn Văn

Long chỉ ra cái đặc sắc, độc đáo của đoạn trích là cái nhìn toàn vẹn, tổng hợp

để làm nổi bật tư tưởng “Đất nước của nhân dân” Tác giả thấy chủ đề đất nước được thể hiện trên ba bình diện:

- Chiều dài thời gian lịch sử: quá khứ - hiện tại – tương lai

- Chiều rộng không gian địa lí

- Chiều sâu văn hoá phong tục, lối sống, tâm hồn và tích cách dân tộc

Trong cuốn “Giảng văn văn học Việt Nam” Trần Đăng Xuyền có bài nghiên cứu về đoạn trích “Đất nước” của Nguyễn Khoa Điềm Trong bài viết

tác giả cũng khẳng định chiều sâu của thi tứ, cảm hứng của mỗi phần bám chắc vào tư tưởng cốt lõi: Đất nước của Nhân dân Đặc biệt, tác giả nhấn mạnh cả chương thơ như được bao bọc bởi không khí văn hoá dân gian: “

Trang 9

6

Nguyễn Khoa Điềm đã sử dụng rộng rãi và linh hoạt các chất liệu của văn hoá dân gian, từ ca dao tục ngữ, đến truyền thuyết, cổ tích, từ phong tục tập quán đến thói quen sinh hoạt” [47, Tr 128] Để từ đó tác giả cũng định hướng phân tích hình tượng đất nước thì phải đặt trong những truyền thống, lịch sử, văn hoá, phong tục ngàn đời của dân tộc

Năm 2000, Chu Văn Sơn trong bài phê bình chương “Đất nước” của

Nguyễn Khoa Điềm lại đi sâu vào khẳng định tư duy thơ Nguyễn Khoa Điềm

là tư duy trữ tình - triết luận Sự hoà hợp, đan quyện giữa hai tư duy này hình thành nên một phong cách thơ rất riêng của Nguyễn Khoa Điềm: “Nét chủ đạo trong tư duy triết luận trữ tình là đào sâu vào cái bản chất của sự vật dưới dạng những biểu tượng thi ca sống động Tư duy ấy chuyển động dựa trên mạch lôgic biện chứng với những mối liên hệ bất ngờ kì thú”.[50, Tr 11]

Phan Huy Dũng khi nghiên cứu chương “Đất nước” cũng triển khai từ tư

tưởng: Đất nước của Nhân dân Tác giả đã phát hiện ra : “Cái hay của Đất nước chưa hẳn đã ở lí mà ở sự hài hoà quyện chặt giữa lí và tình, giữa trí tuệ

và cảm xúc, ở chiều sâu của những phát hiện mới về đất nước” [3, Tr 137] Bao trùm không gian nghệ thuật của đoạn thơ thì đậm đà màu sắc truyền thống lấy từ huyền thoại, ca dao, tục ngữ Tác giả cũng nhấn mạnh “ Nhìn đất nước từ góc độ văn hoá là một đóng góp của Nguyễn Khoa Điềm” [3, Tr 140]

Khi nghiên cứu chương “Đất nước” của Nguyễn Khoa Điềm tác giả Đào

Thị Thu Hằng đánh giá cao đóng góp của nhà thơ về đề tài này: “ Đoạn trích Đất nước tập trung nhất cái nhìn mới về đất nước, cũng như ý thức trách nhiệm của mỗi người dân đố với Tổ quốc mình” [3, Tr 141] Tác giả khai thác hình tượng đất nước trong chiều sâu văn hoá lịch sử, để trả lời cho đáp án Đất nước là do Nhân dân làm ra và do Nhân dân bảo vệ Đất nước không còn

là “Một khái niệm trừu tượng mà trở nên có hình hài, vóc dáng trong mỗi con người Việt Nam cần cù lao động, yêu nước thương nòi” [3, Tr 144]

Trang 10

7

Trong cuốn Sách giáo viên “Ngữ văn 12 - Tập 1” trong phần nội dung dạy học tác giả SGK cũng định hướng cụ thể cho giáo viên khi giảng dạy đoạn

trích “Đất nước”: “ Sự độc đáo của đoạn thơ này là cảm nhận, phát hiện về

đất nước trong một cái nhìn tổng hợp, toàn vẹn, mang đậm tư tưởng nhân dân,

sử dụng phong phú các yếu tố của văn hoá, văn học dân gian một cách sáng tạo” [53, Tr 106]

Nhìn chung các công trình nghiên cứu về trường ca “Mặt đường khát

vọng” và chương “Đất nước” khá phong phú, đa dạng Tuy nhiên, hướng vận

dụng tri thức văn hoá vào phân tích cụ thể đoạn trích “Đất nước” chưa được

quan tâm đến nhiều Chúng tôi thấy rằng việc phân tích và tìm ra phương pháp thích hợp để tiếp cận đoạn trích này là cần thiết và có ý nghĩa thực tiễn đối với giáo viên THPT

3 Nhiệm vụ nghiên cứu

Mục đích chính của luận văn là đề ra phương hướng tiếp cận văn hoá khi

đọc hiểu đoạn trích “ Đất nước” để nâng cao chất lượng và hiệu quả của việc

giảng dạy

Đề tài giải quyết các vấn đề sau:

* Nghiên cứu mối liên hệ giữa văn học và văn hoá

* Tìm hiểu thực trạng giảng dạy và học tập đoạn trích “Đất nước” trong nhà

trường phổ thông

* Tìm ra biểu hiện của tri thức văn hoá trong tác phẩm, cụ thể ở đoạn trích

“Đất nước”, luận văn chỉ lựa chọn những biểu hiện văn hoá trong trường ca

“Mặt đường khát vọng” cần thiết, có ý nghĩa cho việc giảng dạy đoạn trích

* Tìm ra phương hướng, biện pháp cụ thể để vận dụng tri thức văn hoá vào

hướng dẫn học sinh đọc hiểu đoạn trích “Đất nước”

* Thiết kế giáo án thực nghiệm cho đoạn trích “Đất nước”, trong đó vận

dụng những phương pháp, biện pháp cách thức vận dụng tri thức văn hoá

Trang 11

8

4 Đối tượng nghiên cứu

* Trường ca “Mặt đường khát vọng” và chương thơ “Đất nước”

* Các công trình nghiên cứu về cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Khoa Điềm

* Thực trạng dạy và học chương thơ “Đất nước” trong nhà trường phổ thông

5 Để hoàn thành luận văn, chúng tôi sử dụng các phương pháp sau

- Phương pháp điều tra, khảo sát, thực nghiệm

- Phương pháp so sánh loại hình

- Phương pháp tiếp cận văn hoá

- Các thao tác phân tích, tổng hợp, xử lí thông tin

6 Cấu trúc luận văn

Ngoài phần mở đầu, kết luận, tài liệu tham khảo, nội dung chính của luận văn gồm ba chương:

Chương 1:Cơ sở lí luận và tri thức văn hoá trong trường ca “Mặt đường

khát vọng”

Chương 2: Thực trạng dạy học đoạn trích “Đất nước” trong nhà trường

phổ thông và đề xuất hướng tiếp cận

Chương 3: Tổ chức học sinh tiếp cận đoạn trích “Đất nước” của Nguyễn

Khoa Điềm theo hướng tiếp cận văn hoá

Trang 12

9

CHƯƠNG 1

CƠ SỞ LÍ LUẬN VÀ TRI THỨC VĂN HOÁ TRONG

TRƯỜNG CA “MẶT ĐƯỜNG KHÁT VỌNG”

1.1 Vài nét về văn hoá

1.1.1 Khái niệm văn hoá

Theo các nhà ngôn ngữ học, văn hoá (culture) - với tư cách là một danh từ độc lập - chỉ bắt đầu sử dụng vào cuối thế kỉ XVII đầu thế kỉ XVIII Mặc dù trước đó, khoảng đầu thế kỉ XVII Francis Bacon đã nói về văn hoá với sự chuyển nghĩa từ “gieo trồng trên đất đai” sang nghĩa bóng “vun trồng cho trí óc” Người đầu tiên có công đưa từ “culture” vào trong khoa học là S Pufendorf (1632- 1694) – nhà nghiên cứu pháp luật người Đức S.Pufendorf

sử dụng thuật ngữ này để chỉ toàn bộ những gì do con người tạo ra và các sản phẩm nhân tạo này khác với sản phẩm thiên nhiên

Ở Ý, nhà xã hội học, nhà triết học G.Vico (1668- 1744) quan niệm rằng nếu như cuộc đời con người có các thời kì phát triển khác nhau thì mỗi dân tộc cũng phát triển qua các thời đại không giống nhau về văn hoá Ông coi văn hoá như một phức thể, trong đó bao gồm cả kinh tế, chính trị, khoa học và nghệ thuật

Cũng ở giai đoạn này, P Voltaire (1694- 1778) – nhà văn, nhà triết học, nhà sử học đã nhắc tới văn hoá khi bàn về sự phát triển của khoa học, nghệ thuật, đạo đức Ông tán thành ý kiến cho rằng lịch sử thực sự của loài người

là lịch sử xã hội, lịch sử văn hoá, chứ không phải lịch sử của các vương triều Đến I.G.Herder (1744- 1803)- nhà triết học khai sáng, nhà văn, nhà nghiên cứu văn học Đức- thì thuật ngữ văn hoá được sử dụng rộng rãi Ông gọi văn hoá là quá trình hình thành con người, là sự nắm bắt và sử dụng kinh nghiệm, truyền thống, cho nên cần phải gắn văn hoá với việc giáo dục tính nhân văn và lối sống của dân tộc

Trang 13

10

Theo nhà nghiên cứu Phan Ngọc, người Trung Quốc đã dùng từ văn hoá

để dịch từ “culture” theo nghĩa gốc là vẻ đẹp do màu sắc tạo ra Văn có nghĩa

là hình thức đẹp đẽ trong lễ, nhạc, trong cách cai trị trong ngôn ngữ cũng như trong cách cư xử lịch sự Còn “văn hoá” để dịch chữ culture là theo cái nghĩa

“trình độ phát triển lịch sử của xã hội và con người biểu hiện trong các kiểu

và các hình thức tổ chức đời sống và hành động của con người, cũng như trong các giá trị vật chất và tinh thần do con người tạo ra” [20, Tr 7]

Nhưng trước đó rất lâu, từ thế kỉ I trước Công nguyên, ở Trung Quốc, Lưu Hướng (đời Hán đã quan niệm văn hoá là văn trị và giáo hoá hay “giáo hoá bằng văn”

Cho đến nay, chưa ai nói rõ khái niệm văn hoá được du nhập từ Trung Quốc vào Việt Nam từ bao giờ, có thể là cuối thế kỉ XIV, hay đầu thế kỉ XX? Chỉ biết rằng, trước cái thời điểm này từ rất lâu cha ông ta đã dùng khái niệm văn hiến và văn vật ( như “Nước Việt Nam nghìn năm văn hiến” hay “ Hà Nội - Thăng Long ngàn năm văn vật”) Điều này khẳng định rằng, trước khi khái niệm văn hoá được du nhập vào, thì Việt Nam đã có một nền văn hoá từ lâu đời, cũng như đã

có những khái niệm tương ứng để biểu thị văn hoá của mình

Năm 1938, định nghĩa về văn hoá của Đào Duy Anh được đưa ra trong

cuốn “Việt Nam văn hoá sử cương” do Quan Hải tùng thư xuất bản tại Huế

Khi tác giả nói “Văn hoá tức là sinh hoạt” là ông đã chú trọng tới khía cạnh cấu trúc, đã coi văn hoá như một kiểu thức sinh tồn của xã hội do đó thấy được sự gắn bó của nó với các bộ phận, các thiết chế xã hội

Trong những năm gần đây ở Việt Nam vấn đề văn hoá và bản sắc văn hoá dân tộc nổi lên như một vấn đề thời sự, được bàn luận trên nhiều quy mô: chuyên luận, giáo trình, báo chí với các công trình tiêu biểu như: Trần Ngọc

Thêm “Cơ sở văn hoá Việt Nam” (1995); Trần Quốc Vượng (Chủ biên) “Cơ

sở văn hoá Việt Nam”; Phan Ngọc “Một cách tiếp cận văn hoá”; Nguyễn San

và Phan Đăng “Giáo trình văn hoá Việt Nam” (2000); Đặng Đức Siêu “Giáo

Trang 14

11

trình cơ sở văn hoá Việt Nam” (2009); “Bàn về văn hoá ứng xử của người Việt Nam” (Nguyễn Tất Thịnh, 2006); “Người Việt phẩm chất và thói hư tật xấu” (Nhiều tác giả, 2008) Các công trình nghiên cứu nhìn chung đã xem

xét văn hoá trên nhiều phương diện: trong các công trình vật thể hay trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày thể hiện qua các lễ hội, phong tục tập quán, ngôn ngữ

Mặc dù có nhiều công trình nghiên cứu về văn hoá nhưng đến ngày nay văn hoá vẫn là một đối tượng chưa được thống nhất Vì vậy vẫn tồn tại nhiều quan niệm, định nghĩa khác nhau về văn hoá

Trong cuốn “Xã hội học Văn hoá” của Đoàn Văn Chúc, Viện văn hoá và

NXB Văn hoá – Thông tin, 1997, các tác giả định nghĩa: “Văn hoá – vô sở bất tại: Văn hoá – Không nơi nào không có Điều này cho thấy tất cả những sáng tạo của con người trên nền của thế giới tự nhiên là văn hoá, nơi nào có con người nơi đó có văn hoá”

Theo Đại từ điển tiếng Việt của Trung tâm Ngôn ngữ và Văn hoá Việt Nam - Bộ Giáo dục và đào tạo, do Nguyễn Như Ý chủ biên, NXB văn hoá Thông tin, xuất bản 1998 thì: “Văn hoá là những giá trị vật chất, tinh thần do con người sáng tạo ra trong lịch sử”

Trong Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học, do NXB Đà Nẵng và Trung tâm Từ điển học, 2004 đưa ra một loạt quan niệm về văn hoá:

- Văn hoá là tổng thể nói chung những giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra trong quá trình lịch sử

- Văn hoá là tri thức, kiến thức khoa học (nói khái quát)

- Văn hoá là những hoạt động của con người nhằm thoả mãn nhu cầu đời sống tinh thần (nói tổng quát)

- Văn hoá là trình độ trong sinh hoạt xã hội, biểu hiện của văn minh

Trang 15

12

- Văn hoá là một cụm từ để chỉ một nền văn hoá của một thời kì lịch sử cổ xưa, được xác định trên cơ sở một tổng thể những di vật có những đặc điểm giống nhau,ví dụ: Văn hoá Hoà Bình, văn hoá Đông Sơn

Từ những năm 70, 80 của thế kỉ XX Unesco đã có nhiều cuộc họp bàn về văn hoá dưới sự chủ trì của Liên hợp quốc, qua đó có nhiều định nghĩa văn hoá được đề xuất, có những định nghĩa được thừa nhận một cách rộng rãi, được coi như là sự thể hiện quan niệm văn hoá của thế giới:

“Văn hoá bao gồm tất cả những gì làm cho dân tộc này khác với dân tộc khác, từ những sản phẩm tinh vi hiện đại nhất cho đến tín ngưỡng, phong tục, tập quán, lối sống và lao động” [49, Tr 15]

“Văn hoá là năng lực và thành quả sáng tạo mà nhân loại đã đạt được trong quá trình hoạt động thực tiễn trong xã hội Văn hoá hiểu theo nghĩa rộng bao quát năng lực sản xuất vật chất và sản xuất tinh thần của nhân loại cùng toàn bộ sản phẩm vật chất và tinh thần được làm ra Văn hoá hiểu theo nghĩa hẹp là năng lực sản xuất tinh thần và sản phẩm tinh thần Văn hoá là hiện tượng lịch sử cụ thể Trong các giai đoạn lịch sử khác nhau của xã hội văn hoá có những đặc điểm khác nhau Các dân tộc khác nhau đẫ cấp cho văn hoá những đặc điểm dân tộc khác nhau.” [49, Tr 17]

Văn hoá được Hồ Chí Minh định nghĩa rất dễ hiểu: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hằng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó chính là văn hoá Văn hoá là tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của

sự sinh tồn”

Theo Trần Quốc Vượng: “Văn hoá là một quan hệ Nó là quan hệ giữa thế giới biểu tượng và thế giới thực tại Quan hệ ấy biểu hiện một kiểu lựa

Trang 16

13

chọn riêng của một dân tộc người, một cá nhân so với một tộc người khác Nét khu biệt các kiểu lựa chọn làm cho chúng ta khác nhau, tạo thành những nền văn hoá khác nhau là do độ khúc xạ Tất cả mọi cái mà một tộc người tiếp thu hay sáng tạo đều có một tộc người khác ” [58, Tr.127]

Trần Ngọc Thêm trong cuốn “Tìm về bản sắc văn hoá Việt Nam” cho

rằng: “Văn hoá là một hệ thống hữu cơ các giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra và tích luỹ qua quá trình hoạt động thực tiễn, trong sự tương tác giữa con người với môi trường tự nhiên, xã hội của mình” [54, Tr.10]

1.1.2 Đặc trưng văn hoá

Có nhiều cách hiểu khác nhau về văn hoá nhưng ở bất cứ thời điểm nào văn hoá luôn tồn tại những đặc trưng cơ bản sau:

Văn hoá do con người tạo ra, con người tác động trực tiếp vào thế giới tự nhiên để tạo ra những giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể Những giá trị văn hoá đó luôn mang dấu ấn của con người qua mọi thời đại Nó biểu hiện cho tài năng, tâm tư, tình cảm, thế giới tâm hồn phong phú của con người nó trở thành sợi dây vô hình gắn kết con người trong mọi thời đại

Văn hoá có tính giá trị, là thước đo độ nhân bản của xã hội loài người Tính giá trị phân theo mục đích có: giá trị vật chất và giá trị tinh thần Giá trị vật chất là của cải vật chất phục vụ nhu cầu sinh tồn của con người Giá trị tinh thần là những gì phục vụ cho thế giới tinh thần của con người Tính giá trị phân theo ý nghĩa có: giá trị sử dụng, giá trị đạo đức, giá trị thẩm mĩ Tính giá trị phân theo thời gian: giá trị vật chất và giá trị vĩnh cửu Ngoài ra tính giá trị được phân biệt với tính phi giá trị Tuy nhiên trong văn hoá không tồn tại tính phi giá trị

Văn hoá mang tính lịch sử Văn hoá là sản phẩm được tạo ra trong suốt chiều dài lịch sử Nó được duy trì và liên thông từ đời này sang đời khác tạo thành những truyền thống văn hoá của một dân tộc

Trang 17

14

Văn hoá mang tính hệ thống Tính hệ thống của nó chỉ ra mối quan hệ mật thiết, gắn bó giữa các hiện tượng, sự kiện về một nền văn hoá cụ thể Văn hoá có mặt trong toàn bộ đời sống của con người gồm đời sống vật chất và đời sống tinh thần (ngôn ngữ, đạo đức ) Vì lẽ đó mà tất cả các mặt của cuộc sống trong một giai đoạn lịch sử cụ thể đều có mối liên hệ mật thiết, giằng buộc lẫn nhau không thể tách rời tạo nên khái niệm văn hoá hay một nền văn hoá nào đó

Tóm lại, ngoài những đặc trưng cơ bản của văn hoá cũng cần lưu ý một

số thuộc tính cố hữu của nó như: tính phổ quát, tính vận động, tính thời đại, tính khu vực, tính dân tộc và tính giai cấp

1.1.3 Chức năng của văn hoá

Văn hoá có ba chức năng cơ bản sau:

Thứ nhất, văn hoá có chức năng điều chỉnh xã hội Văn hoá giúp duy trì

hệ thống xã hội, qua đó xã hội không ngừng hoàn thiện, thích ứng với những biến đổi mới của môi trường sống

Thứ hai, văn hoá có chức năng giao tiếp Bởi văn hoá luôn gắn liền với mọi hoạt động của con người trong đời sống xã hội Văn hoá trở thành một công cụ thực hiện chức năng giao tiếp của con người Con người giao tiếp với nhau qua hình thức ngôn ngữ thì nội dung của ngôn ngữ là văn hoá

Thứ ba, văn hoá có chức năng giáo dục Văn hoá bồi dưỡng những phẩm chất tốt đẹp, những phong cách lành mạnh luôn hướng con người vươn tới chân, thiện , mĩ

1.1.4.Văn hoá phản ánh và lưu giữ bản sắc dân tộc ở mọi thời đại

Bản sắc không phải là cái gì bẩm sinh, cũng không phải là một món quà ngẫu nhiên do ai đó ban tặng Bản sắc văn hoá chính là sự kết tinh những giá trị được coi là thiêng liêng và cao đẹp của một cộng đồng người trong tiến trình lịch sử lâu dài mà có Trải qua hàng trăm năm, hàng ngàn năm, mỗi cộng đồng đều có một cách lựa chọn để tạo nên một lối sống của riêng mình

Trang 18

15

Lối sống ấy không phải nảy nở từ ý thức của cá nhân lẻ mà được tạo nên như một kinh nghiệm tập thể - cái kinh nghiệm được truyền từ những thế hệ trước cho thế

hệ sau và nó không giống với lối sống của bất kì một cộng đồng nào khác

Bản sắc văn hoá là cái cốt lõi, đặc trưng của riêng một cộng đồng văn hoá trong lịch sử tồn tại và phát triển giúp phân biệt dân tộc này với dân tộc khác Bản sắc văn hoá thể hiện trong tất cả các lĩnh vực đời sống, ý thức của một cộng đồng bao gồm: cội nguồn, khoa học, nghệ thuật

Bản sắc dân tộc của văn hoá Việt Nam bao gồm những giá trị bền vững, những tinh hoa vun đắp nên qua lịch sử hàng nghìn năm của cộng đồng dân tộc Việt Nam, con người Việt Nam Đó là lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, bao dung, trọng tình đạo lí, đầu óc thực tế, tinh thần cần cù, sáng tạo trong lao động, tế nhị trong ứng xử, giản dị trong lối sống

1.2 Mối quan hệ giữa văn học và văn hoá

1.2.1 Văn học là nơi lưu giữ, phản ánh và sáng tạo ra văn hoá

Văn hoá là tổng thể các giá trị do con người sáng tạo ra, trước hết là những giá trị tinh thần Trong đó văn học là một thành tố rất quan trọng của văn hoá Văn hoá phản ánh sự hình thành, phát triển của văn hoá trong mọi mặt của đời sống xã hội

Văn học là công cụ chuyển tải văn hoá và lưu giữ bóng dáng của con người qua mọi thời đại Các phong tục tập quán, các truyền thống văn hoá, các lối sống ứng xử của con người được phản ánh trong văn học đều trở nên đẹp và có giá trị hơn Văn học giúp cho những giá trị văn hoá đến với đời sống sinh hoạt của con người được dễ dàng tiếp nhận và phát triển hơn Bởi

lẽ, đôi khi có những giá trị văn hoá còn tiềm ẩn, mơ hồ với con người mà thông qua văn học nó mới được hiểu sâu sắc và đầy đủ

Văn học không chỉ lưu giữ, truyền đạt, phản ánh văn hoá thời đại mà còn góp phần sáng tạo ra văn hoá cho thời đại Nếu không có văn học thì văn hoá không được phát triển rộng rãi và lâu bền Văn học là mảnh đất màu mỡ, giàu

Trang 19

Giáo dục là chức năng bao trùm của văn hoá thì văn học là một thành viên quan trọng trong gia đình văn hoá để thực hiện chức năng ấy Văn học luôn tỏ rõ ưu thế khi thực hiện chức năng này Bởi văn học không trừu tượng như triết học, không khô cứng như khoa học Văn học thông qua những câu thơ ngọt ngào, tha thiết, qua những câu chuyện nhẹ nhàng, sâu lắng đã dần thấm vào lòng người bao triết lí sống đẹp Những nhà văn lớn thường là những là văn hoá lớn Và cũng dễ thấy những tác phẩm nghệ thuật lớn lao bao giờ cũng có chức năng văn hoá cao

1.2.2 Tri thức văn hoá là chìa khoá để hiểu các giá trị tác phẩm văn học

Văn học được xem như là sự kết tinh cao độ của văn hoá trên cả hai phương diện: văn học phản ánh mọi mặt của đời sống văn hoá và văn học cũng đạt tới đỉnh cao chính là đã tạo ra các giá trị văn hoá Văn hóa chính là

cơ sở, nền tảng cho sự sáng tạo và phát triển của văn học Cũng vì thế mà tri thức văn hoá cũng là cơ sở để hiểu và giải thích tác phẩm văn chương

Văn hoá được hiểu là một tổng thể, một hệ thống nhiều yếu tố khách quan trong đó có văn học Như vậy văn hoá chi phối văn học với tư cách là hệ thống chi phối yếu tố, toàn thể chi phối bộ phận.Tuy nhiên so với các yếu tố khác văn học là một yếu tố mạnh và năng động mà trong khi đó hệ thống văn hoá lại có tính duy trì, ổn định Như thế nên giữa văn học và văn hoá luôn xảy

Trang 20

17

ra sự xung đột, chống trọi, nhờ đó mà văn học có sự sáng tạo Sáng tạo ra những giá trị mới cho bản thân và cho hệ thống Đôi khi sự sáng tạo lớn, có giá trị sẽ dẫn tới sự thay đổi của hệ thống

Văn học được hiểu là một bộ phận, một yếu tố trong hệ thống văn hoá thì nó không thể đi ra khỏi hệ thống để tác động trực tiếp đến hệ thống xã hội

mà phải gián tiếp qua hệ thống văn hoá Từ đấy, có thể thấy văn học không phản ánh hiện thực một cách trực tiếp được mà phải phản ánh thông qua “lăng kính” của văn hoá Văn học từ đó có cách phản ánh đặc trưng riêng - phản ánh có nghệ thuật

Qua đó, cũng có thể kết luận rằng, văn học không thể có ảnh hưởng tức thời, trực tiếp đến hành động của con người mà chỉ tác động được đến con người với tư cách là chủ - khách thể của văn hoá, làm cho con người chuyển biến rồi mới phát sinh hành động cụ thể Cho nên chúng ta thấy để hiểu được giá trị tác phẩm văn học thì phải có những tri thức văn hoá cơ bản

1.2.3 Tiếp cận tác phẩm văn học từ góc nhìn văn hoá

Tiếp cận tác phẩm từ góc nhìn văn hoá là việc dùng văn hoá để lí giải tác phẩm văn học, gọi là phương pháp văn hoá học Phương pháp này nhằm khai thác sâu hơn các giá trị văn học của tác phẩm Có thể nói, cách tiếp cận này

đã mở ra thêm một con đường mới để khám phá văn học

Dạy học tác phẩm văn chương trong nhà trường phổ thông dưới góc nhìn văn hoá tức là không chỉ cung cấp thêm cho học sinh tri thức văn học như ngôn ngữ nghệ thuật, hình tượng nhân vật, biện pháp tu từ, phong cách, thi pháp của nhà văn mà cao hơn nữa phải tăng cường tô đậm bản chất văn hoá của văn học Bởi văn hoá là “ngữ cảnh gần nhất luôn được cảm thấy của ngữ bản văn học sử Ngữ cảnh văn hoá ảnh hưởng tạo tác đến văn học trong tổng thể của nó và đến từng thành tố của tác phẩm văn học” (Phan Cư Đệ)

Tiếp cận theo hướng văn hoá là một hướng tiếp cận ưu thế trong tay nhiều nhà nghiên cứu trong thời gian qua Trên thế giới, M.Bakhtin với tác

Trang 21

18

phẩm “Sáng tác của Francois Rabelais với văn hoá dân gian thời trung đại

và phục hưng” đã đưa ra cái nhìn văn hoá phân tích và lí giải tác phẩm của

nhà văn phục hưng Pháp Rabelair là đỉnh cao của xu hướng chính thống của văn học dân gian Ở Việt Nam, phương pháp này đã có một số tác giả đi vào nghiên cứu như Trần Đình Hượu, Trần Ngọc Vương, Đỗ Lai Thuý, Trần Nho Thìn Ở đây, các tác giả đã vận dụng cái nhìn văn hoá để tìm hiểu văn học

trung đại Việt Nam, thơ Hồ Xuân Hương, “Truyện Kiều” với các cuốn sách

“Hồ Xuân Hương, hoài niệm, phồn thực” của Đỗ Lai Thuý, “Nho giáo và văn

học Việt Nam trung - cận đại ” của Trần Đình Hượu, “Nhà Nho tài tử và văn học Việt Nam” của Trần Ngọc Vương

Tiếp cận tác phẩm văn chương dưới góc nhìn văn hoá là một phương pháp có hiệu quả trong việc khai thác hết vẻ đẹp và giá trị của tác phẩm Tác

giả Lê Nguyên Cẩn trong bài viết “Tính văn hoá của tác phẩm văn học” đăng

trên Tạp chí khoa học số 2, năm 2006 của Đại học Sư phạm Hà Nội, đã chỉ tác phẩm văn học có giá trị cao về văn hoá và tiếp cận văn hoá là hướng khai thác có nhiều ý nghĩa như: “Tiếp cận tác phẩm văn học từ góc độ này sẽ góp phần làm rõ thêm đóng góp của tác phẩm văn học vào trong tổng thể giá trị tinh thần của dân tộc” và “tiếp cận tính văn hoá trong tác phẩm văn học từ bình diện con người hay từ bình diện kí hiệu học sẽ mở ra những cấp độ ngữ nghĩa khác cho phép tạo ra chiều sâu của hình tượng văn chương, tạo ra sự đồng cảm, thấu tình, đạt lí” [5, Tr 3-7] Trong bài viết tác giả cũng chỉ ra hai phương diện rõ nhất của văn hoá trong tác phẩm là hình tượng nhân vật và ngôn ngữ Vì lẽ đó, việc vận dụng tri thức văn hoá, cái nhìn văn hoá vào dạy học tác phẩm văn chương là một việc làm cần thiết Tiếp cận văn hoá trong giờ dạy tác phẩm văn chương nhằm kiếm tìm, khám phá hết những vẻ đẹp văn hoá của tác phẩm để học sinh cảm nhận, thấu hiểu, vận dụng truyền thống văn hoá tốt đẹp của dân tộc vào cuộc sống

Trang 22

19

Tuy nhiên, tiếp cận văn hoá không được đi chệch mục tiêu tiếp cận tác phẩm văn chương dưới góc độ văn học, mà văn hoá được hiểu như là một phương diện để hỗ trợ, bổ sung cho việc khám phá tác phẩm văn chương được trọn vẹn và có giá trị hơn

1.3 Biểu hiện của tri thức văn hoá trong trường ca “Mặt đường khát vọng” và đoạn trích “Đất nước”

1.3.1 Biểu hiện của tri thức văn hoá trong trường ca “Mặt đường khát vọng”

1.3.1.1.Vận dụng nhuần nhuyễn chất liệu văn hoá, văn học dân tộc

* Ảnh hưởng của sử thi dân gian đối với trường ca “Mặt đường khát vọng”

Trường ca là loại tác phẩm mà yếu tố cốt truyện và yếu tố trữ tình kết hợp hài hoà, còn gọi là trường thiên, là thơ dài có gắn với những sự kiện hoặc tình tiết nào đó của cốt truyện hoặc của đời sống thực tế

Trường ca là một hiện tượng tiêu biểu của thời đại mang tính sử thi Chất

sử thi trong trường ca là sự kế thừa thể loại sử thi dân gian Sử thi (anh hùng ca) miêu tả các sự kiện quan trọng, có ý nghĩa quyết định đối với đời sống cộng đồng của nhân dân, dân tộc đối với quá khứ vẻ vang của mình Nội dung của sử thi là các sự kiện có ý nghĩa toàn dân tộc Đó là cuộc chiến tranh, cách mạng, là sự đổi thay, thử thách tồn vong của đất nước Các sự kiện đó đòi hỏi các thành viên dân tộc một quan điểm nhất trí, đòi hỏi mọi người phải đối xử với nhau như anh em, đòi hỏi nhà thơ “dùng quan điểm của nhân dân mình để xem xét sự kiện, chứ không phải tách mình ra ngoài sự kiện đó”

Cuộc kháng chiến chống Mĩ gian khổ và oanh liệt đã trở thành mảnh đất hiện thực để khơi gợi cho bao nhà thơ sáng tác những bản trường ca hào hùng, sâu lắng để phản ánh hiện thực cuộc sống chiến tranh, để ngợi ca khí

phách lòng dũng cảm của dân tộc: Bài ca chim ChơRao – Thu Bồn, Những

người đi tới biển – Thanh Thảo, Đường đi tới thành phố - Hữu Thỉnh và

trường ca “Mặt đường khát vọng” của Nguyễn Khoa Điềm cũng không nằm

ngoài trào lưu này

Trang 23

20

Trong trường ca “Mặt đường khát vọng” Nguyễn Khoa Điềm đã tái hiện

đời sống hiện thực trong tính chủ quan của nhà thơ và các hình tượng thế giới nghệ thuật được xây dựng theo nguyên tắc này Đây là điểm mới mẻ của trường ca thời kì chống Mĩ so với trường ca sử thi, trường ca tự sự trước đó Trường ca là một thể loại có kết cấu dài nên nó cũng phải chú ý đến xây dựng nhân vật và tuyến sự kiện Đây là điểm tương ứng với lối triển khai của sử thi dân gian Vì thế mà trường ca cần có cốt truyện Tuy nhỉên, cốt truyện trong trường ca không nhất thiết phải có tình tiết và hành động mà cốt truyện chỉ tạo ra một tình huống thống nhất cho tác phẩm Ở mỗi chương của trường ca

“Mặt đường khát vọng” hệ thống chi tiết, sự kiện được đóng vai trò quan

trọng và được triển khai một cách hiệu quả

Trong trường ca, tuyến sự kiện luôn gắn với một hệ thống nhân vật Tuy nhiên trường ca không miêu tả nhân vật với tính cách và hành động của nhân vật trong các thể loại tự sự khác Trường ca chú ý xây dựng nhân vật có những chi tiết và hành động chứa đựng chất thơ của hiện thực Trường ca

“Mặt đường khát vọng” có nhiều tuyến nhân vật, đó là nhân vật tập thể trong

quá trình nhận đường, nhân vật “anh, em”, nhân vật “tôi”, “ta”

Khác với thơ trữ tình, nhân vật ngôi thứ nhất trong trường ca không trình bày cảm xúc của mình một cách tự nhiên mà nó bị chi phối bởi tuyến sự kiện Nhân vật trong trường ca thường xuất hiện với tư cách là người đại diện cho một thế hệ, một tầng lớp, cho cộng đồng, nhân dân để thực hiện chức năng của người dẫn chuyện, mách bảo, điều tiết, phân bố và liên kết các sự kiện thành một chỉnh thể hoàn chỉnh Nhân vật ngôi thứ nhất cũng có thể chính là nhà thơ tham gia với tư cách là nhân vật tâm trạng và nhân vật hành động Ở

trường ca “Mặt đường khát vọng” Nguyễn Khoa Điềm đã hoà mình vào

không khí tác phẩm, sống với mỗi chi tiết, hành động của tác phẩm

Qua đó, ta thấy được trường ca “Mặt đường khát vọng” phát triển từ thơ

trữ tình nhưng nó ảnh hưởng rõ nét của sử thi dân gian về dung lượng, tính

Trang 24

21

ngợi ca, sự kiện dồi dào, nhân vật đại diện cho cộng đồng, tập thể Nguyễn Khoa Điềm đã kế thừa, phát triển những đặc điểm của sử thi cho phù hợp với thực tế cùng thẩm mĩ thời đại và thể hiện nó bằng tài năng nghệ thuật của

riêng mình Chính vì lẽ đó mà ngay sau khi xuất bản (1974) trường ca “Mặt

đường khát vọng” được đông đảo bạn đọc tiếp nhận và len lỏi vào trong chiến

trường để cổ vũ tinh thần chiến đấu của tuổi trẻ miền Nam

* Chất liệu văn hoá dân gian trong trường ca “Mặt đường khát vọng”

Trong thơ ca Việt Nam có không ít tác giả đã sử dụng vốn văn hoá dân gian làm nền tảng sáng tác bởi dân tộc ta có một nền văn học dân gian phong phú, đa dạng Nền văn học dân gian là nơi hội tụ, kết tinh của trí tuệ, phẩm chất, lối sống của cha ông qua hàng ngàn năm lịch sử Nhưng không phải nhà thơ nào cũng khai thác, sử dụng thành công vốn văn hoá dân gian đặt trong trường liên tưởng mạnh mẽ của hiện thực cuộc sống như Nguyễn khoa Điềm

Đến với trường ca “Mặt đường khát vọng” chất liệu văn hoá dân gian

được nhà thơ sử dụng nhuần nhuyễn, tài tình có sức lay động lòng người sâu sắc và là cơ sở chủ yếu tạo nên tính dân tộc trong thơ Nguyễn Khoa Điềm

Chất liệu văn hoá dân gian thể hiện trong trường ca “Mặt đường khát

vọng” trước hết là truyền thống văn hoá nông nghiệp lúa nước của dân tộc ta

Chính cái gốc văn hoá nông nghiệp đã chi phối lớn đến mọi dời sống sinh hoạt của cha ông Trong thơ Nguyễn Khoa Điềm gốc văn hoá nông nghiệp gắn với nghề trồng lúa nước được thể hiện qua nhiều góc độ

Có nhà nghiên cứu văn hoá đã nhận xét: hai yếu tố văn hoá chi phối mạnh mẽ đến đời sống văn hoá Việt Nam là luôn phải đắp đê chống lũ và tồn tại bên cạnh một nước lớn luôn muốn thâu tóm mình Quả thật đúng như vậy, Việt Nam là một nước sinh tồn bằng sản xuất nông nghiệp thì đắp đê chống lũ

là một hành động dũng cảm, cao cả để sinh tồn:

“Đất nước

Phải chặt tre, đóng cọc mà giữ lấy

Trang 25

Không thể trôi được”

Hiện tại hôm nay đang được tích tụ, dồn nén sức mạnh của dân tộc đối đầu với nước lũ trong bốn nghìn năm để giữ nước:

Nói về truyền thống đắp đê chống lũ, Nguyễn Khoa Điềm liên tưởng đến

nhân vật Sơn Tinh trong truyền thuyết “Sơn Tinh - Thuỷ Tinh” Sơn Tinh đã

gan dạ, dũng cảm, kiên trì, thông minh chiến đấu với những cơn lũ của Thuỷ Tinh để giành lại hạnh phúc, công lí cho mình Nhà thơ đã nhìn về quá khứ và hướng về hiện tại đánh Mĩ của dân tộc ta, từ hiện tại nhà thơ còn mở rộng thời gian liên tưởng đến cả tương lai và không gian toàn vũ trụ:

“ Sơn Tinh đang nhìn ta lo lắng đăm đăm

Cả nhân loại đang nhìn ta cổ vũ

Con cháu ta mai sau hối hả lật từng trang sử Ngợp trước con đê sông Hồng lên cao, lên cao‟‟

Việt Nam có một nền văn hoá gốc nông nghiệp Hai đặc trưng cơ bản của văn hoá nông thôn là tính cộng đồng và tính dân tộc Khi vượt ra khỏi phạm vi Làng

để vươn tới phạm vi Nước, tính cộng cộng đồng của làng (xã) sẽ trở thành tinh

Trang 26

23

thần đoàn kết dân tộc, tính tự trị sẽ trở thành ý thức độc lập dân tộc Vì thế mà người dân lao động đời nào cũng vậy sau khi hoàn thành xong nhiệm vụ với Đất Nước lại trở về nơi mình đã sinh ra : „„Đánh giặc xong lại trở về làng cần cù lam

lũ với cái cày, con trâu Nhân dân vĩ đại là ở đó‟‟ [16, Tr 240] Cũng vì lẽ đó mà cái dáng cầm cày, cầm cuốc của cha ông trên mỗi thưở ruộng từ đời này sang đời khác mang đậm nét văn hoá nông nghiệp nông thôn Việt Nam:

„„Lúa lên xanh trên những cánh đồng Cũng có tay cha ông in vào trong lúa Sâu thẳm qua cho đến từng mái rạ Cũng có một ngày cha ông khăn gói bước ra‟‟

Hình dáng của cha ông tay cày, tay cuốc lao động hăng say trên cánh đồng làng để tạo ra màu xanh bát ngát của lúa (của sự sống) đã để lại cho thế

hệ con cháu bao niềm cảm phục, biết ơn sâu sắc

Việt Nam có một nền nông nghiệp lúa nước, sống trong môi trường sông nước nên yếu tố sông nước là một điển hình văn hoá gốc nông nghiệp Việt Nam Nguyễn Khoa Điềm đã từng lí giải: “ Việt Nam có nhiều sông Mỗi con sông chảy qua một vùng châu thổ đều kiến tạo cùng với nó một bản sắc văn hoá góp phần làm đa dạng thêm văn hoá chung của đất nước Vì khi làm nông nghiệp, cuộc sống con người gắn chặt với những dòng sông Vậy thì văn hoá

ắt hẳn phải mang gương mặt dòng sông” [16, Tr 240] Cũng xuất phát từ nền văn minh sông nước mà các phong tục tập quán cũng tồn tại với môi trường

tự nhiên và được định hình thành truyền thống:

“Người dạy ta nghèo ăn cháo rau Biết ăn ớt để đánh lừa cái lưỡi Chén rượu đánh lừa cơn mỏi, cơn đau Con nộm nang tre đánh lừa cái chết Đánh lừa cái rét là ăn miếng trầu Đánh lừa thuồng luồng xăm mình xăm mặt”

Trang 27

24

Trong trường ca “Mặt đường khát vọng” Nguyễn Khoa Điềm đã gợi lại

tuổi thơ của mỗi con người với các trò chơi dân gian đã trở thành sức mạnh văn hoá truyền thống theo suốt cuộc đời mỗi chúng ta Đó là trò chơi thả diều, trò chơi dân gian nổi tiếng của xứ Huế:

“Biết ơn những cánh sẻ nâu bay đến cánh đồng

Rút những cọng rơm vàng về kết tổ

Đã dạy ta với cánh diều tuổi nhỏ

Biết kéo về cả một sắc trời xanh”

Cánh diều tuổi thơ với bầu trời xanh lồng lộng là một không gian bình yên nhất để ru tuổi thơ của mỗi người Khoảng trời xanh ấy chắp cánh cho bao ước mơ, khát vọng của tuổi trẻ

Đó còn là trò chơi chuyền lẻ, một trò chơi trẻ con kết hợp nhuần nhuyễn, uyển chuyển giữa động tác với lời đồng dao:

“Biết ơn trò chơi tuổi nhỏ mê li

“Chuyền chuyền một ” miệng buông tay bắt Ngôn ngữ lung linh quả chuyền thoắt

Nên một đời tiếng Việt mãi ngân nga”

Những trò chơi con trẻ đó đã trở thành môi trường để tiếng Việt được lưu truyền từ đời này sang đời khác Và khi nó trở thành giá trị văn hoá truyền thống thì nó chứa đựng một tình yêu tiếng Việt sâu sắc, nặng lòng

Văn học dân gian là một bộ phận của văn hoá dân gian Nước ta vốn có một nền văn học dân gian đa dạng, phong phú về cả chiều sâu, bề rộng Nền văn học đó đi suốt chiều dài lịch sử của dân tộc và trở thành vốn văn hoá vô cùng quý báu của con cháu mỗi đời sau Đó là những thần thoại, truyền thuyết, ca dao, tục ngữ tạo nên tích cách con người Việt Nam hiện đại Thật gần gũi biết bao khi chúng ta đọc những câu thơ:

“Ta lớn lên bằng niềm tin rất thật Biết bao nhiêu hạnh phúc có trên đời

Trang 28

25

Dẫu có khi cay đắng dập vùi

Rằng cô Tấm cũng về làm hoàng hậu Cây khế chua có đại bàng đến đậu Chim ăn rồi trả ngon ngọt cho ta Đất đai cằn cỗi thì người sẽ nở hoa Hoa của đất, người trồng cây dựng cửa”

Văn hoá phong tục tập quán của dân tộc cũng được Nguyễn Khoa Điềm thấm nhuần trong trang thơ của mình Đó là những phong tục tập quán được truyền nối từ thế hệ này sang thế hệ khác Theo người Việt, khi một sinh linh được tác hợp Âm Dương của Cha và Mẹ vừa mới hình thành như một giọt máu, bản thân nó đã có sự sống trong lòng mẹ Người mẹ vì thế khi mang trong mình giọt máu của thai nhi thì không chỉ sống cho riêng mình mà phải sống vì sự sống của thai nhi Vì thế, phong tục tính “tuổi mụ” trở thành một phong tục tính tuổi của dân gian mà Nguyễn Khoa Điềm đã có những câu thơ thật thiêng liêng, xúc động lòng người:

“ Biết ơn mẹ vẫn tính cho con thêm một tuổi sinh thành

“Tuổi của mụ” con nằm trong bụng mẹ

Để con yêu quý tháng ngày tuổi trẻ

Buổi mở mắt chào đời, phút nhắm mắt ra đi”

Với những vần thơ chân thành như vậy khiến chúng ta biết ơn biết bao công ơn sinh thành của cha mẹ mình

Ngài ra, đọc trường ca “Mặt đường khát vọng” chúng ta còn thấy thấp

thoáng văn hoá Trị Thiên - Huế Đó là hình ảnh của con sông Hương ngàn năm lững lờ trôi đã trở thành nhân chứng lịch sử của cố đô, là dòng sông tri

ân của nhiều danh nhân tên tuổi:

“Biết ơn dòng sông dựng dánh kiếm uy nghi

Trong tâm trí một nhà thơ khởi nghĩa Cao Bá Quát ngã mình trên chiến địa Trăm năm rồi sông vẫn sáng màu gươm”

Trang 29

26

Đó còn là những con phố Huế thân quen gắn với tên tuổi những anh hùng, danh nhân của dân tộc Không chỉ đơn giản là những tên đường, mà tên tuổi họ làm sống dậy truyền thống hào hùng của Huế trong những ngày cả thành phố xuống đường tranh đấu:

“Trần Hưng Đạo gối lên Phan Bội Châu Phan Bội Châu nối tay Huỳnh Thúc Kháng Qua cầu là Chi Lăng, Nguyễn Du

Vào đại nội có Mai Thúc Loan, Đoàn Thị Điểm

Nhà thơ cầm tay anh hùng‟‟

Màu sắc văn hoá Huế cứ thế đi vào thơ Nguyễn Khoa Điềm rất tự nhiên

và có dấu ấn phong cách riêng

* Ngôn ngữ phong phú tạo khả năng biểu cảm độc đáo

Nguyễn Khoa Điềm đã tiếp nhận và sử dụng sáng tạo lời ăn tiếng nói hàng ngày cũng như ca dao, thành ngữ, tục ngữ là ngôn ngữ nghệ thuật của nhân dân lao động để làm cho vốn ngôn ngữ của mình thêm phong phú Tuy nhiên, nhà thơ sử dụng vốn ngôn ngữ dân gian như một chất liệu nghệ thuật chứ không phải trích dẫn nguyên vẹn nên tạo cho câu thơ chất uyển chuyển, biểu cảm, mang màu sắc hiện đại của thơ ca đương thời

Trong trường ca „„Mặt đường khát vọng‟‟ Nguyễn Khoa Điềm tiếng Huế

cũng được nhà thơ đưa vào một cách linh hoạt, tự nhiên Ngôn ngữ mang màu sắc địa phương đã làm cho trường ca của nhà thơ thêm gần gũi hơn, đồng thời thể hiện được cá tính, tâm lí con người ở mỗi vùng đất cụ thể Tên các địa danh Huế được nhà thơ nhắc nhiều trong trường ca như : hình ảnh sông Hương, hình ảnh con đường, những con phố Huế

Lịch sử Huế, nét hồn hậu của văn hoá Cố Đô được Nguyễn Khoa Điềm thể hiện bằng tất cả tình yêu, niềm tự hào của mình nên nó có sức vang lớn trong lòng người đọc

Trang 30

27

1.3.1.2 Hình tượng đất nước và truyền thống dân tộc

Cảm hứng đất nước là nguồn cảm hứng bao trùm và chi phối những nguồn cảm hứng khác trong thơ Nguyễn Khoa Điềm Trong thời kì chiến tranh cảm hứng đất nước luôn đi liền với khát vọng giữ gìn, bảo vệ, chủ quyền của dân tộc Thơ kháng chiến chống Mĩ, tinh thần của thời đại là chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa anh hùng Cho nên tính trữ tình - sử thi vốn là phong cách nổi bật của thơ chống Mĩ Mỗi nhà thơ trong thờ kì này đều thể hiện tính thời đại ấy và qua đó mỗi tác giả đều dựng nên được một tượng đài đất nước riêng trong thơ mình như : Tố Hữu, Phạm Tiến Duật, Thanh Thảo, Nguyễn Đức Mậu Cùng với các nhà thơ đó Nguyễn Khoa Điềm cũng xây dựng nên một tượng đài đất nước mang phong cách cá nhân của mình nhưng cũng không nằm ngoài tinh thần của thời đại

Trường ca „„Mặt đường khát vọng‟‟ được viết tại khu sáng tác Trị Thiên -

Huế tháng 10 năm 1971, trong hoàn cảnh khốc liệt dưới những căn hầm, trong khoảng yên tĩnh của những đợt bom Trường ca đã tái hiện lại quá trình nhận thức của tuổi trẻ miền Nam, từ nỗi đau quê hương nhận thức rõ bản chất của

kẻ thù, sự thức tỉnh về trách nhiệm của tuổi trẻ trong sự nghiệp cứu nước, tình cảm đối với đất nước để rồi xuống đường hoà vào dòng người đấu tranh vì

độc lập tự do Trường ca „„Mặt đường khát vọng‟‟ là một bản anh hùng của

tuổi trẻ miền Nam, đồng thời qua đó hình tượng đất nước được hiện lên với nhiều nét độc đáo

* Đất nước anh hùng trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước

Hoà vào cùng thế hệ thơ trẻ trong những năm chống Mĩ, thơ Nguyễn Khoa Điềm đã thể hiện được hình tượng đất nước hào hùng trong máu lửa chiến tranh, qua đó để ngợi ca niềm tin, sức sống của tuổi trẻ, của lòng nhiệt huyết, lí tưởng của họ trong sự nghiệp đấu tranh cứu nước

Trang 31

28

Truyền thống đánh giặc giữ nước là một truyền thống nổi bật làm nên phẩm giá của con người Việt Nam Lịch sử anh hùng xả thân vì nước (những anh hùng vô danh và hữu danh):

„„Biết ơn dòng sông dựng dáng kiếm uy nghi

Trong tâm trí một nhà thơ khởi nghĩa Cao Bá Quát ngã mình trên chiến địa Trăm năm rồi sông vẫn sáng màu gươm‟‟

Tinh thần yêu nước luôn được người dân gìn giữ, phát huy, lưu truyền qua từng thế hệ để tạo nên sức mạnh tiềm tàng của dân tộc Để mỗi khi đất nước đứng trước gót giầy xâm lược của kẻ thù thì sức mạnh đó trỗi lên mãnh liệt tựa như những đợt sóng vỗ tràn mỗi lúc một dâng cao để quét sạch quân thù Thời đại đất nước trong chiến tranh có lẽ ra đường đâu đâu ta cũng gặp những anh hùng, danh nhân của dân tộc Tên tuổi của họ đã làm sống dậy truyền thống hào hùng của dân tộc trong sự nghiệp cứu nước:

“Trần Hưng Đạo gối lên Phan Bội Châu Phan Bội Châu nối tay Huỳnh Thúc Kháng Qua cầu là Chi Lăng, Nguyễn Du

Vào Đại nội có Mai Thúc Loan, Đoàn Thị Điểm

Nhà thơ cầm tay anh hùng‟‟

Lòng yêu nước của cha ông trong quá khứ đã thổi một luồng sinh khí mới trong quá trình nhận đường của tuổi tre miền Nam, nó có sức lay động, vực dậy tinh thần yêu nước luôn tiềm tàng, ngự trị trong mỗi trái tim người dân Việt Nam Luồng sinh khí ấy đã dọn đường, chỉ lối cho thế hệ trẻ khỏi đi lầm đường, lạc lối, để họ trực tiếp đứng dậy đấu tranh giành lại giang sơn, gấm vóc tươi đẹp mà tổ tiên để lại từ thưở sơ khai

Thế hệ trẻ vốn là những con người đang ngồi hay vừa dời khỏi ghế nhà trường nên họ có một tâm hồn rất mơ mộng, thiếu kinh nghiệm sống nên hành

Trang 32

Sao con học để làm bầy nô lệ

Súng Mĩ hôm nay thành giáo cụ học đường‟‟

Thành phố bị giặc chiếm đóng, tuổi trẻ phải hứng chịu bao bất trắc, tai hoạ không ít những thanh niên đi nhầm đường lạc lối, Nguyễn Khoa Điềm đã nhân danh một lí tưởng sống cao đẹp, nhân danh đất nước mà gợi lại cho họ truyền thống đánh giặc giữ nước của dân tộc ta trong lịch sử và trong hiện tại Thật thuyết phục biết bao khi tuổi trẻ được sống lại với bao trang sử oanh liệt của dân tộc Trên trang sử của dân tộc vẫn còn đó sáng ngời tấm gương yêu nước, anh hùng của thần tích Phù Đổng Thiên Vương và cuộc chiến thắng quân Nguyên Mông của quân dân nhà thời Trần thưở thưở trước :

„„Đất nước muôn năm

Nhưng ngựa đá lại xuống đường Những bà mẹ đo chân vào thần tích

Để hoài thai triệu triệu anh hùng‟‟

Bởi đất nước Việt Nam là đất nước của những bậc anh hùng bất tử :

„„ Người Mĩ đừng quên đây là xứ sở Của những Yết Kiêu bất tử‟‟

Là đất nước của những người vợ, người mẹ anh hùng, thuỷ chung, đảm đang :

“ Mẹ của con ơi hẳn mẹ sẽ yêu hơn Thịt da mẹ vuông tròn là thế đó Chúng con xin đón mẹ vào đội ngũ Hiếu thảo gia đình, chung thuỷ nước non”

Trang 33

30

Từ truyền thống yêu nước của cha ông trong quá khứ đã truyền cho tuổi trẻ miền Nam hôm nay lòng nhiệt huyết yêu nước, yêu lí tưởng cách mạng của họ trong đấu tranh trực diện với kẻ thù :

„„Ôi những bước tự do chuyển thành phố Đại lộ nghiêng mình làm thác đổ

Đội ngũ tiến lên, tiến lên là đội ngũ Mặt đường là mặt người, mặt đường là thanh niên‟‟ Thế hệ trẻ giờ đây cảm thấy tự hào vì đã dũng cảm đứng dậy tiêu diệt quân thù nối tiếp truyền thống đánh giặc giữ nước của tổ tiên xưa :

„„Máu thấm sâu xuống mỗi mặt đường Trần Hưng Đạo, Phan Bội Châu, Lê Lợi Trên trăm lối những anh hùng để lại Máu cháu con hoà với máu cha ông‟‟

„„Máu cháu con hoà với máu cha ông‟‟ đó là dòng máu của lòng yêu nước đau đáu cuồn cuộn chảy trong tim mỗi người dân Việt Hình tượng Máu trong thơ Nguyễn Khoa Điềm ở thời đại mới còn là biểu trưng cho lòng nhiệt tình cách mạng, tinh thần xả thân vì nước, coi sự hi sinh mất mát vì dân tộc là trách nhiệm của mỗi người Tuổi trẻ chống Mĩ chấp nhận cái chết thanh thản, lạc quan :

„„ Máu đỏ rực trên nền áo trắng Máu càng thắm tự do càng chóc sáng Máu Việt Nam, máu yêu nước hồng tươi‟‟

Để khắc hoạ hình tượng đất nước anh hùng trong sự nghiệp chống Mĩ cứu nước, giọng thơ Nguyễn Khoa Điềm có lúc trở nên trang trọng, hùng tráng Sự láy lại và tăng cường điệp ngữ „„Đất nước‟‟ khiến cho hình tượng thơ có sức lay động, giục giã tâm hồn người đọc :

„„Ôi, Đất Nước đầu mũi dao Đất Nước đầu mũi tên

Trang 34

31

Đất Nước đầu bước chân

Đất Nước đầu tiếng chiêng Đất Nước là ngọn lửa

Đất Nước tràn tràn trên từng đỉnh núi

Đất Nước thiêng liêng ‟‟

Hình ảnh Đất Nước hiện ra nơi đầu mũi dao, nơi đầu mũi tên, là tiếng bước chân hùng mạnh băng rừng bạt núi của bao thế hệ, là tiếng chiêng âm vang núi rừng, là đỉnh núi, mảnh đất quen thuộc của quê hương xứ sở Nhưng tựu chung lại, Đất Nước đọng lại trong lòng mỗi người thật „„thiêng liêng‟‟ Đó là hình ảnh của đất nước trải qua bao thăng trầm lịch sử vẫn anh hùng vững vàng đi lên phía trước Bởi tinh thần yêu nước nồng nàn, nghĩa cử

xả thân quên mình bảo vệ Tổ Quốc của cha ông từ buổi bình minh non trẻ dựng nước Để đến thời đại Hồ Chí Minh, thế hệ con cháu vẫn lắng nghe lịch

sử 4000 năm vọng lại, lắng nghe lời tâm tình của đất nước, của cha ông để ngọn lửa của lòng yêu nước trở thành hành động dũng cảm để chiến đấu bảo

vệ mỗi gang tấc của giang sơn, gấm vóc trước gót giầy xâm lược của kẻ thù Đây cũng chính là nét đẹp văn hoá của con người Việt Nam

* Đất nước gần gũi, bình dị trong đời thường

Hình tượng Đất Nước thật anh hùng, kì vĩ trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước nhưng có lúc hình ảnh Đất Nước lại hiện lên với vẻ đẹp thuần phác, bình dị trong đời thường gắn với đời sống sinh hoạt của mỗi người dân

Với tuổi thơ đất nước là hình ảnh của những dòng sông thật thơ mộng, nơi bắt đầu chắp cánh cho những ước mơ, hoài bão của tuổi trẻ :

„„Ta đã đi qua những năm tháng không ngờ

Vô tư quá để bây giờ xao xuyến

Bèo lục bình mênh mang màu mực tím Nét chữ thiếu thời trôi nhanh như dòng sông‟‟

Trang 35

Đã dạy ta với cánh diều thơ nhỏ

Biết kéo về cả một sắc trời xanh‟‟

Hình ảnh đất nước còn sống trong những trò chơi của tuổi thơ cùng với những lời đồng dao nhịp nhàng :

„„Chuyền chuyền một ‟‟ miệng buông tay bắt Ngôn ngữ lung linh quả chuyền thoăn thoắt Nên một đời tiếng Việt mãi ngân nga‟‟

Thật kì diệu biết bao vốn ngôn ngữ quý giá của dân tộc lại được kết tinh nơi những trò chơi dân gian gắn với tuổi thơ của mỗi người Ở đó ngôn ngữ dân gian được sử dụng linh hoạt và là môi trường đẹp nhất để tiếng Việt truyền lại, gìn giữ, phát huy ngàn đời Vì thế mà mỗi thế hệ con cháu đời sau yêu quý biết bao tiếng mẹ đẻ Ngôn ngữ tiếng Việt chính là giá trị tinh thần thiêng liêng mà cha ông truyền lại cho con cháu đời sau

Đất nước có lúc lại là hình ảnh của những con đường nhỏ quen thuộc dẫn

ta đến trường :

„„Biết ơn những dấu chân bấm mặt đường xa Những dấu chân trần, bàn nặng vết

Ta đi học quen dẫm vào không biết

Dáng cuộc đời in mãi dáng ta đi‟‟

Hình ảnh con đường đã trở thành nỗi „„ám ảnh‟‟ sâu nặng trong suốt cuộc

đời con người Quên sao được con đường thân thương dẫn ta cùng bạn bè mỗi buổi tới trường Con đường cũng là nơi lưu giữ bao kỉ niệm buồn vui một thời

áo trắng hồn nhiên, tươi trẻ

Trang 36

33

Đất nước còn được khắc hoạ qua cái dáng cầm cày, cầm cuốc của cha ông

từ đời này nối sang đời khác để làm nên nền móng nông nghiệp nông thôn Việt Nam :

„„Ôi những gốc tre tổ tiên ta từng thấy Vẫn còn nguyên trên bờ bãi sông Hồng Lúa lên xanh trên những cánh đồng Cũng có tay cha ông in vào trong lúa Sâu thẳm quá cho đến từng mái rạ

Cũng có một ngày cha ông khăn gói bước ra‟‟

Hình ảnh mỗi gốc tre, hình ảnh dòng sông Hồng nước đỏ au màu phù sa trong mùa lũ, hình ảnh những cánh đồng lúa xanh bạt ngàn, đặc biệt là hình ảnh lao động của cha ông trên những thuở ruộng đã vẽ lên một hình tượng đất nước thật gần gũi mà thiêng liêng, ấm áp Hình tượng đất nước đã gắn với phẩm chất của con người Việt Nam qua mỗi thế hệ: cần cù, chịu thương, chịu khó

Đất nước còn được đọng lại nơi đời sống văn hoá dân gian:

„„Trái cà Người ăn

Cũng là trái cà nuôi người anh hùng đầu tiên Thánh Gióng‟‟

„„Trái cà‟‟ vốn quen thuộc trong bữa ăn của mỗi gia đình Việt Nam

Đọc câu thơ của Nguyễn Khoa Điềm ta liên tưởng đến bài ca dao:

“Anh đi anh nhớ quê nhà Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương”

“Trái cà” đã trở thành niềm thương nỗi nhớ da diết của người con khi

xa quê hương - nơi chôn rau cắt rốn của mình Nhắc tới hình ảnh “trái cà” Nguyễn Khoa Điềm muốn gợi lại nét đẹp trong đời sống sinh hoạt của cha ông, để qua đó khắc hoạ vẻ đẹp bình dị của vị lãnh tụ dân tộc Hồ Chí Minh Đất nước trong thơ Nguyễn Khoa Điềm còn là những truyện cổ thấm đẫm lòng yêu nước, yêu cái thiện, yêu lẽ phải trên đời và sự vươn lên bằng niềm

tin, hi vọng của cô Tấm trong truyện cổ tích “Tấm Cám” và “Cây khế”

Trang 37

34

có người em út hiền lành, chịu thương, chịu khó, nhân hậu, vị tha:

“Ta lớn lên bằng niềm tin rất thật

Biết bao nhiêu hạnh phúc có trên đời

Dẫu có khi cay đắng dập vùi

Rằng cô Tấm cũng về làm hoàng hậu Cây khế chua có đại bàng đến đậu

Chim ăn rồi trả ngon ngọt cho ta ”

Cứ như thế hình tượng đất nước trong trường ca “Mặt đường khát vọng”

không có gì xa xôi, trừu tượng mà đất nước được vẽ ra, dựng lên từ những cái nhỏ nhoi nhất, đời thường nhất nhưng lại gắn bó chặt chẽ với mỗi cuộc đời, với mỗi số phận của con người qua bao thế hệ Chính vì thế hình ảnh đất nước luôn ngự trị trong tâm trí, là một phần xương máu của mỗi người dân Việt để

họ sẵn sàng xả thân vì giang sơn gấm vóc tươi đẹp của mình

1.3.2 Nội dung văn hoá trong đoạn trích “Đất nước”

1.3.2.1 “Đất nước của ca dao thần thoại”

Trong chương “Đất nước” ngôn ngữ được sử dụng từ chất liệu văn học

dân gian với tần số lớn Nguyễn Khoa Điềm đã khai thác được tất cả năng lực biểu hiện và vẻ đẹp của ngôn ngữ thơ ca dân tộc khi đưa vào thơ của mình :

“Thơ ca Nguyễn Khoa Điềm chứa đựng nhiều chất liệu văn học và văn hoá dân gian Câu thơ dù ở thể truyền thống hay thơ tự do bao giờ cũng phảng phất phong vị của ca dao, tục ngữ Chất hiền minh của trí tuệ dân gian thấm đẫm trong từng từ” Tuy nhiên chất liệu văn học dân gian trong thơ Nguyễn Khoa Điềm được sử dụng như một chất liệu nghệ thuật chứ không phải trích dẫn hay sử dụng nguyên vẹn Nhà thơ đã tiếp nhận, sử dụng sáng tạo, có hiệu quả lời ăn tiếng nói hằng ngày cũng như ca dao, thành ngữ, tục ngữ vốn là ngôn ngữ nghệ thuật của nhân dân lao động để làm vốn ngôn ngữ của mình thêm phong phú Vì lẽ đó mà lời thơ trở nên uyển chuyển, biểu cảm hơn

Trang 38

35

Ca dao, tục ngữ, thành ngữ, cổ tích, thần thoại đã thấm vào Nguyễn Khoa Điềm một cách tự nhiên trong cách cảm nhận về đất nước - một đất nước giàu truyền thống văn hoá Những câu thơ mở đầu đoạn trích “Đất nước‟‟ đã gợi cho chúng ta nhớ đến những truyền thuyết và cổ tích xa xưa nhất của dân tộc:

“Đất nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn”

Ai trong chúng ta chẳng một lần đọc sự tích “Trầu cau” và đã từng xót xa,

thương cảm cho tình cảnh éo le cùng tình nghĩa thuỷ chung của ba nhân vật trong truyện Để từ đó ta hiểu được tục ăn trầu đâu chỉ thắm má đỏ môi mà còn để khắc ghi lối sống thuỷ chung, ân tình của con người Việt Nam Văn học dân gian còn lưu truyền lời mời trầu tình tứ, duyên dáng và đáng yêu:

“Tiện đây ăn một miếng trầu Không ăn thì cầm lấy cho nhau vừa lòng”

Hay:

“Trầu này trầu ái trầu tình

Ăn vào cho đỏ môi mình môi ta”

Nguyễn Khoa Điềm còn tìm thấy hình hài của đất nước trong truyền thống

chống ngoại xâm qua truyền thuyết “Thánh Gióng”:

“Đất nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre đánh giặc”

Hình ảnh cậu bé lên ba chưa biết nói biết cười nhưng khi đất nước có giặc ngoại xâm đã biết cầm vũ khí đánh giặc Chàng trai Phù Đổng cưỡi ngựa sắt, mặc áo giáp sắt, cầm roi sắt hùng dũng, hiên ngang ra trận Khi ngựa sắt gẫy với sức mạnh phi thường của lòng quả cảm, căm thù, người tráng sĩ đã nhổ tre quật tới tấp vàp đầu giặc Nhân dân Việt Nam đã biết trồng tre để làm vũ khí đánh giặc Tre đã cùng người dân chiến đấu và xả thân vì sự tồn vong của đất nước; tre cũng là biểu tượng đẹp nhất cho phẩm chất của của con người Việt Nam trung dũng, kiên cường

Trang 39

“Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn”

Hạnh phúc đâu chỉ có ngọt bùi, hạnh phúc còn có cả đắng cay Họ ăn gừng chấm muối để tự nhắc nhau: vợ chồng phải biết gắn bó và san sẻ gánh nặng cuộc đời Chỉ có sự thuỷ chung son sắt mới đem lại hạnh phúc trọn vẹn cho con người

Nguyễn Khoa Điềm cũng không quên những tập tục xưa cũ có thể đã lùi

xa vào quá khứ nhưng nó cũng đã từng là sợi dây vô hình làm nên nét truyền thống bền vững của đất nước Đó là tục bới tóc sau đầu của người phụ nữ:

“Tóc mẹ thì bới sau đầu” hay tục đặt tên con cái với cái tên xấu xí để được an lành: “Cái kèo cái cột thành tên” Đạo lí, lối sống, văn hoá của người Việt đã được Nguyễn Khoa Điềm đưa vào những câu thơ đậm triết lí mà rất thuyết phục về một đất nước có bề sâu văn hoá

Với Nguyễn Khoa Điềm đất nước là một cái gì đó không xa xôi, trừu tượng mà rất gần gũi như hơi thở của cuộc sống, đất nước gắn liền với những câu ca dao duyên dáng:

“Đất nước là nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm”

Câu thơ gợi nhớ bài ca dao “Khăn thương nhớ ai” là nỗi nhớ khắc khoải,

da diết, là tình yêu nồng cháy của cô gái dành cho chàng trai

Đất nước còn được gợi lại qua huyền thoại con Rồng, cháu Tiên - Lạc Long Quân, Âu Cơ một cách thành kính, thiêng liêng:

“Hằng năm ăn đâu làm đâu Cũng biết cúi đầu nhớ ngày giỗ Tổ”

Trang 40

37

Là cách nói khác đi của câu ca dao quen thuộc:

“Dù ai đi ngược về xuôi Nhớ ngày giỗ Tổ mồng mười tháng ba”

Trong kho tàng phong phú của ca dao Việt Nam, nhà thơ chọn ba câu ca dao để nói về truyền thống nhân dân, tâm hồn dân tộc Việt Nam

Người Việt luôn thiết tha, đắm say trong tình yêu: “Dạy anh biết yêu em

từ thưở trong nôi” lấy ý từ bài ca dao:

“Yêu em từ thưở trong nôi

Em nằm em khóc, anh ngồi anh ru”

Nhân dân Việt Nam là những con người trọng nghĩa tình: “Biết quý công cầm vàng những ngày lặn lội” lấy ý từ bài ca dao:

“Cầm vàng mà lội qua sông Vàng rơi không tiếc, tiếc công cầm vàng”

Phấm chất của con người Việt Nam còn thể hiện qua tinh thần quyết liệt với kẻ thù: “Biết trồng tre đợi ngày thành gậy

Đi trả thù mà không sợ dài lâu”

Lấy ý từ bài ca dao: “Thù này ắt hẳn còn lâu

Trồng tre thành gậy, gặp đâu đánh què”

Đất nước từ buổi hồng hoa đã ghi nhận nhiều sự “hoá thân cho dáng hình

xứ sở” Nhiều bậc anh hùng, những tấm gương dựng nước và giữ nước đã đi vào truyền thuyết của dân tộc, in dấu sâu đậm trên mỗi trang sử của đất nước: những đá vọng Phu, những hòn Trống Mái, những ao đầm của gót ngựa Thánh Gióng, con Rồng, ông Đốc, ông Trang, bà Đen, bà Điểm Trong kho tàng văn học dân gian có rất nhiều truyện cổ tích, câu ca dao, dân ca gắn liền với những thắng cảnh thiên nhiên Nếu không có những người vợ mòn mỏi đợi chồng qua cuộc chiến tranh thì không thể có sự tích về núi Vọng Phu ở nhiều nơi trên đất nước ta; nếu không có truyền thuyết Hùng Vương dựng nước thì không thể có cách cảm nhận đọc đáo về vẻ hùng vĩ của vùng đồi núi

Ngày đăng: 03/03/2015, 08:59

Nguồn tham khảo

Tài liệu tham khảo Loại Chi tiết
1. Hoài Anh. Nguyễn Khoa Điềm với chủ đề sóng đôi Đất và Khát vọng. Báo Văn nghệ số 4, 2002 Sách, tạp chí
Tiêu đề: Nguyễn Khoa Điềm với chủ đề sóng đôi Đất và Khát vọng
2. Nguyễn Thị Mai Anh. Định hướng dạy học thơ Haikư ở lớp 10 THPT từ góc nhìn văn hoá. Luận văn thạc sĩ, 2007 Sách, tạp chí
Tiêu đề: Định hướng dạy học thơ Haikư ở lớp 10 THPT từgóc nhìn văn hoá
3. Lê Huy Bắc (biên soạn), Phan Huy Dũng... Ngữ văn ôn thi tốt nghiệp và tuyến sinh quốc gia. Nxb Dại học quốc gia Hà Nội, 2009 Sách, tạp chí
Tiêu đề: Ngữ văn ôn thi tốt nghiệp và tuyến sinh quốc gia
Nhà XB: Nxb Dại học quốc gia Hà Nội
4. Nguyễn Huy Bình. Dạy văn - dạy cái hay, cái đẹp. Nxb Giáo dục, 1983 Sách, tạp chí
Tiêu đề: Dạy văn - dạy cái hay, cái đẹp
Nhà XB: Nxb Giáo dục
5. Lê Nguyên Cẩn. Tính văn hoá của tác phẩm văn học. Tạp chí văn học số 2, ĐHSPHN, 2006, tr. 3 - 7 Sách, tạp chí
Tiêu đề: Tính văn hoá của tác phẩm văn học
6. Lê Nguyên Cẩn. Tiếp cận Truyện Kiều từ góc nhìn văn hoá. Tạp chí văn học, số 9 năm 1998 Sách, tạp chí
Tiêu đề: Tiếp cận Truyện Kiều từ góc nhìn văn hoá
7. Nguyễn Viết Chữ. Phương pháp dạy học tác phẩm văn chương (theo loại thể). Nxb Đại học Sư phạm Hà Nội, 2006 Sách, tạp chí
Tiêu đề: Phương pháp dạy học tác phẩm văn chương (theo loại thể
Nhà XB: Nxb Đại học Sư phạm Hà Nội
8. Nguyễn Viết Chữ. Rèn luyện kĩ năng đặt câu hỏi trong giờ văn. Trích hợp tuyển công trình nghiên cứu (Khoa ngữ văn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) Sách, tạp chí
Tiêu đề: Rèn luyện kĩ năng đặt câu hỏi trong giờ văn
9. Nguyễn Văn Dân. Tiếp cận văn học bằng văn hoá. Tạp chí nghiên cứu Văn học, số 11/2004 Sách, tạp chí
Tiêu đề: Tiếp cận văn học bằng văn hoá
10. Hữu Đạt. Ngôn ngữ thơ Việt Nam. Nxb Khoa học xã hội, 2001 Sách, tạp chí
Tiêu đề: Ngôn ngữ thơ Việt Nam
Nhà XB: Nxb Khoa học xã hội
11. Nguyễn Khoa Điềm. Đất và khát vọng . Nxb Tác phẩm mới, Hà Nội, 1986 Sách, tạp chí
Tiêu đề: Đất và khát vọng
Nhà XB: Nxb Tác phẩm mới
12. Nguyễn Khoa Điềm. Đôi nét về cuộc đời và tác phẩm, nhà văn nói về tác phẩm. Nxb Văn học, HN, 1998 Sách, tạp chí
Tiêu đề: Đôi nét về cuộc đời và tác phẩm, nhà văn nói về tác phẩm
Nhà XB: Nxb Văn học
13. Nguyễn Khoa Điềm. Đất nước (Trả lời phỏng vấn), Tác giả nói về tác phẩm. Nxb Trẻ, Tác phẩm HCM, 2000 Sách, tạp chí
Tiêu đề: Đất nước (Trả lời phỏng vấn), Tác giả nói về tác phẩm
Nhà XB: Nxb Trẻ
14. Nguyễn Khoa Điềm. Mặt đường khát vọng. Nxb Văn nghệ giải phóng, 1974 Sách, tạp chí
Tiêu đề: Mặt đường khát vọng
Nhà XB: Nxb Văn nghệ giải phóng
15. Nguyễn Văn Đường. Thiết kế bài giảng Ngữ Văn 12, tập 1. Nxb Hà Nội, 2008 Sách, tạp chí
Tiêu đề: Thiết kế bài giảng Ngữ Văn 12, tập 1
Nhà XB: Nxb Hà Nội
16. Hà Minh Đức. Thực tiễn cách mạng và sáng tạo thi ca. Nxb Văn học, 1997 Sách, tạp chí
Tiêu đề: Thực tiễn cách mạng và sáng tạo thi ca
Nhà XB: Nxb Văn học
17. Lại Hà Giang. Phương pháp dạy học sử thi dưới góc nhìn văn hoá. Khoá luận tốt nghiệp (1188), H, 2007 Sách, tạp chí
Tiêu đề: Phương pháp dạy học sử thi dưới góc nhìn văn hoá
18. Nguyễn Văn Giàu. Giá trị truyền thống của văn học Việt Nam. Nxb Khoa học xã hội, H, 1980 Sách, tạp chí
Tiêu đề: Giá trị truyền thống của văn học Việt Nam
Nhà XB: Nxb Khoa học xã hội
19. Mai Văn Hai (chủ biên), Mai Kiệm. Xã hội học văn hoá. Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, 2005 Sách, tạp chí
Tiêu đề: Xã hội học văn hoá
Nhà XB: Nxb Đại học quốc gia Hà Nội
20. Nguyễn Trọng Hoàn. Đọc- hiểu văn bản Ngữ văn 10. Nxb Giáo dục, H, 2006 Sách, tạp chí
Tiêu đề: Đọc- hiểu văn bản Ngữ văn 10
Nhà XB: Nxb Giáo dục

TỪ KHÓA LIÊN QUAN

TRÍCH ĐOẠN

TÀI LIỆU CÙNG NGƯỜI DÙNG

TÀI LIỆU LIÊN QUAN

w