1. Trang chủ
  2. » Luận Văn - Báo Cáo

dạy học các bài thơ hát nói trong sách giáo khoa ngữ văn 11 theo đặc trưng thể loại

116 1,9K 6

Đang tải... (xem toàn văn)

Tài liệu hạn chế xem trước, để xem đầy đủ mời bạn chọn Tải xuống

THÔNG TIN TÀI LIỆU

Thông tin cơ bản

Định dạng
Số trang 116
Dung lượng 0,94 MB

Nội dung

Một số tài liệu khác cũng bàn về hát nói nhưng chỉ ở mức độ giới thiệu khái quát như các cuốn “Nhà nho tài tử và văn học Việt Nam” của Trần Ngọc Vương, “Thơ văn Nguyễn Công Trứ” của Trươ

Trang 1

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu - Đại học Thái Nguyên http://www.lrc-tnu.edu.vn

\ĐẠI HỌC THÁI NGUYÊN

TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM

NGUYỄN THỊ THANH LOAN

DẠY HỌC CÁC BÀI THƠ HÁT NÓI TRONG SGK NGỮ VĂN 11 THEO ĐẶC TRƯNG THỂ LOẠI

LUẬN VĂN THẠC SĨ KHOA HỌC GIÁO DỤC

Thái Nguyên, năm 2010

Trang 2

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu - Đại học Thái Nguyên http://www.lrc-tnu.edu.vn

ĐẠI HỌC THÁI NGUYÊN

TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM

NGUYỄN THỊ THANH LOAN

DẠY HỌC CÁC BÀI THƠ HÁT NÓI TRONG SGK NGỮ VĂN 11 THEO ĐẶC TRƯNG THỂ LOẠI

CHUYÊN NGÀNH: LL&PP DẠY HỌC VĂN – TIẾNG VIỆT

Mã số: 60.14.10

LUẬN VĂN THẠC SĨ KHOA HỌC GIÁO DỤC

NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC: TS HOÀNG HỮU BỘI

Thái Nguyên, tháng 8 năm 2010

Trang 3

LỜI CẢM ƠN

Em xin được bày tỏ lòng kính trọng và biết ơn sâu sắc của mình tới

PGS TS Hoàng Hữu Bội – người thầy đã tận tâm hướng dẫn, giúp đỡ em

trong quá trình thực hiện và hoàn thành luận văn này

Em xin chân thành cảm ơn các thầy giáo, cô giáo trong khoa Ngữ Văn

và khoa Sau đại học - trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên – Đại học Thái Nguyên, đã tạo điều kiện - giúp đỡ em trong quá trình học tập, nghiên cứu và hoàn thành luận văn

Cuối cùng, em xin gửi lời cảm ơn tới gia đình và bạn bè đã tạo điều kiện, giúp đỡ, động viên em trong suốt quá trình học tập và hoàn thành luận văn

Tác giả luận văn

Nguyễn Thị Thanh Loan

Trang 4

CÁC CHỮ VIẾT TẮT TRONG LUẬN VĂN

THPT : Trung học phổ thông

PT : Phổ thông NXB : Nhà xuất bản

GS : Giáo sư

GV : Giáo viên

HS : Học sinh SGK : Sách giáo khoa TPVC : Tác phẩm văn chương

Trang 5

MỤC LỤC

Trang

A PHẦN MỞ ĐẦU

1 Lý do chọn đề tài 3

2 Lịch sử vấn đề 3

3 Mục đích nghiên cứu 6

4 Đối tượng và phạm vi nghiên cứu 6

5 Nhiệm vụ nghiên cứu 7

6 Phương pháp nghiên cứu 7

B PHẦN NỘI DUNG Chương 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ CƠ SỞ THỰC TIỄN CỦA ĐỀ TÀI 9

1.1 Cơ sở lý luận 9

1.1.1 Khái niệm thơ hát nói 9

1.1.2 Đặc trưng thể loại của thơ hát nói 13

1.2 Cơ sở thực tiễn: Thành tựu của thơ hát nói trong văn học trung đại Việt Nam 31

1.2.1 Thế kỷ XIX 31

1.2.2 Thế kỷ XX 44

Chương 2: ĐỊNH HƯỚNG DẠY HỌC CÁC TÁC PHẨM THƠ HÁT NÓI 47

THEO ĐẶC TRƯNG THỂ LOẠI 47

2.1 Thực trạng dạy và học thơ hát nói ở trường phổ thông 47

2.1.1 Học sinh THPT với thơ hát nói: 47

2.1.2 Giáo viên với việc dạy các văn bản thơ hát nói 50

2.2 Định hướng dạy các văn bản thơ hát nói trong SGK Ngữ văn 11 67

2.2.1 Xác định nội dung bài dạy 68

2.2.2 Tổ chức HS đọc và tìm hiểu bài thơ theo hướng đổi mới phương pháp giảng dạy 73

Trang 6

Chương 3: THỰC NGHIỆM SƯ PHẠM 85

3.1 Thiết kế bài học 85

3.1.1 Thiết kế bài học “Bài ca ngất ngưởng” của Nguyễn Công Trứ 85

3.1.2 Thiết kế bài “Bài ca phong cảnh Hương Sơn” của Chu Mạnh Trinh 94

2.1.2 Bắt đầu đi vào thăm thú Hương Sơn 99

2.1.3 Vào trung tâm quần thể Hương Sơn 100

2.1.3 Lời tự bạch của nhà thơ 101

3.2 Tổ chức dạy thực nghiệm .103

3.2.1 Chọn lớp thực nghiệm và thời gian thực nghiệm 103

3.2.2 Kết quả thực nghiệm: 103

3.2.3 Đánh giá: 105

C PHẦN KẾT LUẬN TÀI LIỆU THAM KHẢO 108

Trang 7

A PHẦN MỞ ĐẦU

1 Lý do chọn đề tài

1.1 Vấn đề dạy học TPVC theo thể loại đã được đặt ra từ lâu (từ những năm

70 của thế kỷ XX), những vấn đề cơ bản, đường hướng chung của các thể loại lớn đã được bàn đến Song đi vào tác phẩm cụ thể lại đòi hỏi vận dụng một cách sáng tạo các đường hướng chung, riêng phần thơ hát nói trong các văn bản cụ thể vừa được lựa chọn vào chương trình SGK Ngữ văn mới cũng chưa

có công trình nào nói đến một cách đầy đủ Do đó, chúng tôi mạnh dạn chọn

đề tài “Dạy học các bài thơ hát nói trong SGK Ngữ văn 11 theo đặc trưng

thể loại” với hi vọng có thể đóng góp thêm một tiếng nói nhỏ bé vào vấn đề

lý thuyết dạy học TPVC theo thể loại

1.2 Chương trình SGK mới của môn Ngữ văn (được thực thi từ năm học 2006 – 2007) có sự lựa chọn lại và xếp thành từng cụm thể loại các văn bản văn

học Riêng thể loại thơ hát nói trong SGK Ngữ văn 11 có 2 bài: “Bài ca ngất

ngưởng” của Nguyễn Công Trứ và “Bài ca phong cảnh Hương Sơn” của

Chu Mạnh Trinh Khi thực thi chương trình này, GV và HS chưa hết những khó khăn lúng túng trong việc dạy học các văn bản hát nói ấy theo đặc trưng thể loại của nó Do đó chúng tôi đã chọn đề tài này với mong muốn tìm ra những biện pháp khắc phục khó khăn khi giảng dạy các văn bản đó Trước hết phục vụ cho chính mình, sau đó cùng các bạn đồng nghiệp dạy tác phẩm thơ hát nói trong trường phổ thông đạt hiệu quả cao

2 Lịch sử vấn đề

2.1 Lịch sử vấn đề nghiên cứu thơ hát nói

Với tư cách là một thể loại hết sức độc đáo của văn học, hát nói đã thu hút được sự quan tâm, đánh giá của các nhà nghiên cứu Mặc dù các tài liệu hát nói có số lượng khá khiêm tốn nhưng đã đề cập đến một số khía cạnh của

Trang 8

thể loại như nguồn gốc, nội dung, hình thức Hầu hết các tài liệu về hát nói mới chỉ nghiên cứu nó ở mức độ khái quát, nhìn chung là chưa đầy đủ và toàn diện Hầu như chưa xuất hiện một công trình nào có tính chất chuyên luận nghiên cứu kỹ càng, công phu, toàn diện về thể loại hát nói

Những cuốn sách đầu tiên viết về hát nói phải kể đến “Đào nương ca” của Nguyễn Văn Ngọc, “Hát ả đào” của Hoàng Sơn, “Ca trù thể cách” của Xuân Lan, “Việt Nam ca trù biên khảo” của Đỗ Bằng Đoàn, Đỗ Trọng Huề Đây là những cuốn sách rất có giá trị trong việc khảo sát một cách hoàn chỉnh thể loại hát nói Song điều đáng tiếc là trong quá trình thu thập tài liệu, chúng tôi không có được văn bản nên không đưa ra được những dẫn chứng cụ thể Đó

là một hạn chế trong đề tài nghiên cứu của chúng tôi Các nhà nghiên cứu tuy mới chỉ dừng ở mức độ khái quát nhưng đã đưa ra những nhận xét, đánh giá

có tính định hướng quan trọng trong việc tìm hiểu một cách hệ thống và toàn diện thể loại hát nói Đó là các công trình: “Tuyển tập thơ ca trù” của Ngô Linh Ngọc, Ngô Văn Phú; “Việt Nam văn học sử yếu” của tác giả Dương Quảng Hàm; “Thơ ca Việt nam – hình thức và thể loại” của Bùi Văn Nguyên,

Hà Minh Đức; Văn học Việt Nam nửa cuối thế kỷ XVIII đến hết thế kỷ XIX” của tác giả Nguyễn Lộc; “Từ điển thuật ngữ văn học” của Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi chủ biên; “Mấy vấn đề thi pháp văn học trung đại Việt Nam” của Trần Đình Sử

Nếu như trong “Tuyển tập thơ ca trù”, tác giả Ngô Linh Ngọc, Ngô Văn Phú trong phần giới thiệu đầu sách tập trung khá kỹ vào việc tìm hiểu nguồn gốc và khái quát quá trình phát triển của hát nói thì tác giả Dương Quảng Hàm trong “Việt Nam văn học sử yếu” lại dành sự quan tâm về mặt hình thức của thể loại này, tác giả mới chỉ đưa ra một số kết quả khảo sát chủ yếu là về

bố cục, luật bằng trắc, cách gieo vần trong hát nói, qua đó chỉ ra một vài đặc điểm về hình thức thể loại

Trang 9

Cuốn “Thơ ca Việt Nam – hình thức và thể loại” của Bùi Văn Nguyên, Hà Minh Đức và “Mấy vấn đề thi pháp Văn học trung đại Việt Nam” của Trần Đình Sử đều là những cuốn sách có mục đích tìm hiểu về mặt hình thức của hát nói nhưng các tác giả cũng đều chỉ mới dừng lại ở những đặc điểm khái quát mang tính chất gợi mở chứ chưa đi sâu vào từng tác phẩm cụ thể

Cuốn “Tìm hiểu các thể thơ” (từ cổ phong đến thơ luật) của tác giả Lạc Nam xuất bản năm 1993 cũng đã dành một chương với tên “Ca trù” trong đó tác giả đã khảo sát và đưa ra dẫn chứng cụ thể minh hoạ về các mặt như trổ (khổ), và câu, nhạc, luật bằng trắc, cách gieo vần Tuy nhiên tác giả cũng chỉ dừng ở mức độ khảo sát là chính, chứ chưa rút ra những kết luận mới mẻ và

có giá trị

Một số tài liệu khác cũng bàn về hát nói nhưng chỉ ở mức độ giới thiệu khái quát như các cuốn “Nhà nho tài tử và văn học Việt Nam” của Trần Ngọc Vương, “Thơ văn Nguyễn Công Trứ” của Trương Chính…

2.2 Lịch sử vấn đề nghiên cứu phương pháp giảng dạy thơ hát nói theo đặc trưng thể loại

Vào những năm 70, vấn đề dạy học TPVC theo thể loại được quan tâm trong cuốn “Phương pháp giảng dạy tác phẩm văn học theo loại thể” của Huỳnh Lý, Trần Thanh Đạm Các tác giả này đã đề cập đến đặc trưng thể loại thơ, truyện; phương pháp đặc thù dạy thơ, truyện; vấn đề giảng dạy một số thể tài văn học đặc biệt

Cuốn “Phương pháp dạy học TPVC theo loại thể” của Nguyễn Viết Chữ có đề cập đến đặc điểm thi pháp của loại thể , phương pháp dạy học theo loại thể

Khi tìm hiểu các tài liệu nghiên cứu về hát nói, chúng tôi chú ý đến bài viết “Thể loại hát nói trong lịch sử thơ ca dân tộc” của tác giả Nguyễn Đức Mậu in trong cuốn “Mấy vấn đề lịch sử và lý luận văn học” - Viện văn học,

Trang 10

Hà Minh Đức chủ biên, Nxb Khoa học xã hội Hà Nội Có thể nói đây là một bài viết khá công phu và có giá trị khoa học Tác giả đã đặt hát nói trong tiến trình lịch sử thơ ca dân tộc, so sánh hát nói với các thể loại văn học dân tộc khác như truyện thơ, ngâm khúc; từ đó làm nổi bật giá trị độc đáo của hát nói

cả về nội dung và hình thức Tác giả cũng đã nhìn “hát nói như một cấu trúc nghệ thuật mới” và đề cập đến một số vấn đề cụ thể như vần và nhịp, câu và

từ, không gian và thời gian nghệ thuật

Cuốn “Thiết kế dạy học Ngữ Văn lớp 11” của tác giả Hoàng Hữu Bội, NXBGD, 2007 Cuốn “Phân tích bình giảng tác phẩm văn học 11” (nâng cao) do tác giả Nguyễn Đăng Mạnh chủ biên, NXBGD, 2009 Cuốn “Phân tích tác phẩm Ngữ văn 11” do Trần Nho Thìn chủ biên cũng đã đề cập đến vấn đề này

Những tài liệu quan trọng trên tuy không mang nội dung trực tiếp nói về phương pháp dạy học hát nói theo đặc trưng thể loại nhưng nó có tác dụng gián tiếp, là cơ sở để chúng tôi triển khai luận văn này

4 Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

4.1 Đối tượng nghiên cứu: Hoạt động dạy học của thầy và trò (nhất là trong

giờ học đối với văn bản đó), đặc biệt là hoạt động tiếp nhận của HS đối với các văn bản hát nói và cách tổ chức, hướng dẫn HS chiếm lĩnh tác phẩm đó của thầy ở trên lớp

4.2 Phạm vi nghiên cứu: Cách tổ chức dạy học các văn bản hát nói có trong

SGK Ngữ văn 11 cho HS đang học tập tại trường THPT Yên Ninh – Phú Lương – Thái Nguyên

Trang 11

5 Nhiệm vụ nghiên cứu

5.1 Nghiên cứu vấn đề trên bình diện lí thuyết: bao gồm đặc trưng thể loại, cách tiếp cận thể loại, cách tổ chức học sinh chiếm lĩnh tác phẩm hát nói theo

tinh thần đổi mới phương pháp giảng dạy

5.2 Nghiên cứu thực tiễn cảm thụ của học sinh đối với văn bản hát nói và thực tiễn giờ dạy của giáo viên

5.3 Thực nghiệm sư phạm để kiểm chứng tính đúng đắn của những biện pháp

mà luận văn đã đề xuất

6 Phương pháp nghiên cứu

6.1 Vận dụng phương pháp nghiên cứu lý thuyết

Phương pháp tổng hợp lý luận

Sử dụng phương pháp tổng hợp lí luận nhằm đưa ra những cơ sở lí luận về hát nói, đặc điểm của hát nói, tìm hiểu đặc điểm cảm thụ của học sinh THPT để

từ đó đưa ra những nội dung, phương pháp, biện pháp dạy học cụ thể về các tác phẩm hát nói trong SGK Ngữ văn 11

6.2 Vận dụng các phương pháp nghiên cứu thực tiễn:

6.2.1 Phương pháp thống kê:

Sử dụng phương pháp thống kê toán học để xử lí số liệu thu thập được trong quá trình điều tra khảo sát và quá trình thực nghiệm

6.2.2 Phương pháp điều tra khảo sát:

Sử dụng phương pháp này để tìm hiểu khả năng cảm thụ của học sinh lớp 11

về hát nói Từ việc nắm được thực trạng của việc day học hát nói để nghiên cứu đề tài một cách sát thực góp phần nâng cao hiệu quả dạy học hát nói 6.2.3 Phương pháp thực nghiệm sư phạm:

Sử dụng phương pháp thực nghiệm sư phạm với việc tiến hành xây dựng thiết kế bài học và dạy thực nghiệm đối chứng tại trường THPT Yên Ninh- Phú Lương - Thái Nguyên

Trang 12

7 CẤU TRÚC CỦA LUẬN VĂN:

Ngoài phần mở đầu và phần kết luận, luận văn gồm 3 chương:

Chương 1: Cơ sở lí luận và thực tiễn của đề tài:

1.1/ Cơ sở lí luận của đề tài:

1.2/ Cơ sở thực tiễn của đề tài:

Chương 2: Định hướng dạy học các tác phẩm thơ hát nói theo đặc trưng thể loại

2.1 Thực trạng dạy và học thơ hát nói ở trường phổ thông

2.1.1 HS THPT với thơ hát nói

2.1.2 GV với việc dạy các văn bản thơ hát nói

2.2 Định hướng dạy các văn bản thơ hát nói trong SGK Ngữ văn 11

2.2.1 Xác định nội dung bài dạy

2.2.2 Tổ chức cho HS đọc và tìm hiểu bài thơ theo hướng đổi mới phương pháp giảng dạy

Chương 3: Thực nghiệm sư phạm:

3.1 Thiết kế bài dạy

3.2 Tổ chức dạy thực nghiệm.

Trang 13

B PHẦN NỘI DUNG

Chương 1

CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ CƠ SỞ THỰC TIỄN CỦA ĐỀ TÀI

1.1 Cơ sở lý luận

1.1.1 Khái niệm thơ hát nói

Có thể nhận thấy, các tài liệu viết về hát nói, dù bàn tới khía cạnh nào của thể loại cũng đưa ra một khái niệm, một định nghĩa về hát nói Các định

nghĩa này nhìn chung là tương đối thống nhất Song xung quanh các cách hiểu

về khái niệm hát nói cũng vẫn cần có sự xem xét vì trước khi đi vào bất cứ

một khái niệm nào của thể loại, việc xác định nội hàm khái niệm là hết sức quan trọng và cần thiết

Cuốn “Từ điển thuật ngữ văn học” ( Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi, NXB Giáo dục năm 2009) nêu rõ:

“ Một điệu hát ca trù ( tức hát ả đào hay hát cô đầu ) có nhạc kèm theo

và có hình thức thơ riêng được gọi là thể thơ hát nói Đây là thể thơ cột trụ của hát ca trù, đặc biệt thịnh hành vào cuối thế kỷ XIX Xét về mặt văn học, hát nói là một thể thơ cách luật Bố cục của một bài thơ hát nói đầy đủ ( hát nói chính cách hay chính thể ) gồm mười một câu chia làm ba khổ ( hay ba trổ ) Các khổ và các câu trong bài hát nói thường được gọi theo tiếng chuyên môn của nhà trò như sau :

- Khổ đầu : bốn câu, gồm hai câu “lá đầu” và hai câu “xuyên thưa”

- Khổ giữa : bốn câu, gồm hai câu “thơ” ( ngũ ngôn hoặc thất ngôn) và hai câu “xuyên sau”

- Khổ xếp : ba câu, gọi là câu “dồn”, câu “xếp” và câu “keo”

Ngoài ba phần chính, mỗi bài hát nói còn có thêm phần “mưỡu” (do chữ mạo nghĩa là “làm trùm”, “phủ lên mình”) là những câu thơ lục bát đặt ở đầu bài

Trang 14

(gọi là “mưỡu đầu”) hoặc cuối bài ( gọi là “mưỡu hậu”) để nói lên ý nghĩa bao quát toàn bài Nếu chỉ có hai câu lục bát thì gọi là “mưỡu đơn”, bốn câu thì gọi là “mưỡu kép”

Một bài hát nói biến cách ( hay biến thể ) thì số khổ giữa có thể tăng (gọi là

“dôi khổ”) hoặc giảm ( gọi là thiếu khổ)

Về số tiếng trong câu vừa cố định vừa tự do Phần cố định bắt buộc là hai câu thơ ở khổ giữa ( nhất thiết phải là ngũ ngôn hay thất ngôn), các câu “mưỡu” (phải là thơ lục bát) và câu cuối ( phải đúng sáu tiếng ) Còn các câu khác chỉ

có thể kéo dài hoặc rút ngắn nhưng phổ biến là bảy, tám tiếng Việc gieo vần, ngắt nhịp trong thể cũng tương đối tự do Sang thế kỷ XX, các nhà thơ hiện đại Việt nam đã tiếp thu nhiều yếu tố của thể hát nói để sáng tạo ra thể thơ tám tiếng - một thể thơ rất thịnh hành trong phong trào Thơ mới.” (1 143)

Còn cuốn “Văn học Việt Nam nửa cuối thế kỷ XVIII- hết thế kỷ XIX” (Nguyễn Lộc, Nxb Giáo dục 1997) cũng cho ta biết :

“Thể hát nói cũng là một thể thơ trữ tình ngắn, nhưng có dung lượng

lớn hơn và cách luật cũng thoải mái hơn thể thơ đường luật Thể thơ hát nói xuất hiện từ thế kỷ XVI với Lê Đức Mao, sau đó không thấy được dùng Đầu thế kỷ XIX nó được dùng lại với các nhà thơ Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Nguyễn Hàm Ninh Hát nói vốn là những bài hát gắn liền với sinh hoạt ả đào, nội dung của nó thường gắn chuyện ăn chơi hưởng lạc Cấu tạo bài hát nói kết hợp được một cách linh hoạt những câu thơ dài với những câu thơ ngắn,

nó không thể kéo dài vô hạn, nhưng cũng không hạn chế vào mấy câu ít ỏi như thể thơ Đường luật Do đặc điểm ấy nên hát nói có khả năng diễn đạt những tình cảm phóng túng, những hoài bão mạnh mẽ Hát nói nửa đầu thế

kỷ XIX phát triển theo hai hướng, một mặt có những bài hát nói nói về cuộc sống hưởng lạc, ăn chơi, mặt khác có những bài lại nói về chí nam nhi, về lý tưởng hành động của con người.” (2 21)

Trang 15

Theo các tác giả của “Tuyển tập thơ ca trù” thì : “Khoảng cuối thế kỷ

thứ XVIII, thể hát nói bắt nguồn từ một số làn điệu ca trù cửa đình ra đời, dần dần hoàn chỉnh rồi ào ạt chiếm lĩnh địa bàn ca quán, tạo thêm bộ mặt mới cho môn nghệ thuật này…Hát nói là nói lên tâm tình, ý nghĩa bằng tiếng đàn tiếng hát Về hình thức nó không gò bó, hạn chế như thơ Đường Về làn điệu, hát nói sử dụng nhuần nhuyễn đủ năm cung huỳnh, pha, bắc, nam, nao của âm luật ca trù ; có khả năng thể hiện đầy đủ các mặt tình cảm vui, buồn, hờn, giận, sầu nén, sôi nổi của con người” (3 26) Như vậy các tác giả này đã

rất chú ý đến tính chất diễn xướng của hát nói Điều đó là có cơ sở bởi hát nói

là một trong hơn bốn mươi điệu thức của ca trù và là điệu thức chủ yếu mang lại nhiều giá trị cho bộ môn ca trù truyền thống Ca trù và hát nói có quan hệ rất gần gũi, gắn bó nhưng cũng có thể nhận diện một số tính chất riêng biệt của chúng

Nói đến ca trù là người ta nói đến một bộ môn nghệ thuật truyền thống

đặc sắc của dân tộc: “Ca trù còn được gọi là hát ả đào hay hát cô đầu, một

loại ca nhạc thính phòng thịnh hành trong giới nho sĩ miền Bắc ( từ Nghệ Tĩnh trở ra ) dưới thời phong kiến ( từ khoảng thế kỷ XV đến đầu thế kỷ XX ), đặc biệt là ở các đô thị ( Hà Nội, Nam Định…) Gọi là ca trù vì khi ca người nghe dung “trù” ( cái thẻ tre ) để thưởng những chỗ hát hay, cuối cùng đếm thẻ để bình giá và thưởng tiền Hát ca trù có cả “đào” ( nữ ) và lần “kép” ( nam ) nhưng “đào” là chủ yếu nên gọi là hát ả đào ( về sau, đầu thế kỷ XX mới gọi là hát cô đầu, hát nhà trò ) Ca trù vốn có nguồn gốc từ lối hát cửa đình ( hát thề, hát tế thần phổ biến ở nước ta từ thời Trần ), qua hình thức hát cửa quyền, hát đón ( hát chúc tụng, khao vọng tại các nhà quyền quí, quan lại) và cuối cùng tiến tới hình thức ca nhạc thính phòng là hình thức phát triển cao nhất, tiêu biểu nhất của ca trù.” ( 4 27-28 )

Ca trù có rất nhiều điệu hát : tỳ bà, cung bắc, gửi thư, ngâm vọng, chừ khi, bắc phản, hát ru… và để đáp ứng việc thể hiện tâm tư, tình cảm phong

Trang 16

phú của con người, hát nói - bắt nguồn từ một số làn điệu ca trù cửa đình đã ra

đời và trở thành điệu thức chủ yếu tạo nên bộ mặt mới cho ca trù Hát nói

nằm trong ca trù nhưng ca trù là một bộ môn nghệ thuật truyền thống, ít

có tính văn học, còn hát nói thì được nâng lên thành một thể loại văn học

Do đó, mặc dù có quan hệ gần gũi nhưng chúng mang đặc trưng riêng biệt Phân biệt như vậy nhưng khi định nghĩa về hát nói, không thể bỏ qua yếu tố hay quan hệ gần gũi này của hát nói và ca trù bởi đây là đặc điểm quan trọng xác định thể loại Sự thống nhất này của các nhà nghiên

cứu khi đưa ra cách hiểu về hát nói cũng chính là ở điểm này

Tác giả Dương Quảng Hàm định nghĩa: “ Hát nói là một lối trong

các lối hát ả đào hay đào nương ca…Hát ả đào kể có nhiều lối Nhưng chỉ có lối hát nói là thông dụng nhất và có văn chương lý thú nhất Hát nói có thể coi là biến thể của hai thể lục bát và song thất” (5 141 )

Tác giả Lạc Nam trong “ Tìm hiểu các thể thơ” còn giải thích cụ thể như sau : “ Gọi là hát nói, vì trừ những câu mưỡu, câu hãm ở cuối bài và

những đoạn thơ bằng chữ Hán hay chữ Nôm xen vào giữa những câu hát ra,

nó bao gồm những câu nửa như nói, nửa như hát dựa theo thể nói sử biến cách, dài ngắn khác nhau từ 4, 5, 6, 7, 8 đến 12 từ, nhưng hình thức cơ bản là theo thể 7 từ và 7 từ biến cách, đồng thời kết hợp với hình thức “ trúc chi từ” ( lối thơ thất ngôn tứ tuyệt vịnh những sự việc thường có trong đời sống, lời lẽ thực thà, mộc mạc, khong văn vẻ ) và thể văn biền ngẫu.”( 6 )

Tác giả Nguyễn Lộc trong “ Văn học Việt Nam cuối thế kỷ XVIII -

hết thế kỷ XIX” viết :“ Hát nói vốn là một thể bài hát phổ theo nhịp phách cho các cô đầu hát trong các hành viện” ( 2 515 )

Có thể thấy, hầu như tất cả các tác giả đều định nghĩa hát nói thông qua ca trù Do đó, một định nghĩa về hát nói - đúng về mặt văn học - có lẽ sẽ phần nào chính xác hơn, đúng đắn hơn và khoa học hơn Mặc dù vậy, với

Trang 17

những ý kiến trên, khái niệm hát nói đã được xác định ở những nét cơ bản nhất và đây là việc làm cần thiết đầu tiên để có thể tiếp tục đi tìm hiểu các vấn

đề mà chúng ta quan tâm ở hát nói

1.1.2 Đặc trưng thể loại của thơ hát nói

đó là sự tồn tại đồng thời cả ngôi vua và ngôi chúa trên cùng một lãnh thổ Đàng Ngoài Xã hội Việt Nam chưa bao giờ rối ren, hỗn loạn như thế Giai cấp phong kiến không những đã mất hết vai trò lịch sử mà còn lộ rõ bộ mặt phản động, đi ngược lại lợi ích quần chúng Đời sống nhân dân vì thế vô cùng điêu đứng cực khổ Đây cũng chính là giai đoạn đã để lại trong lịch sử dấu ấn

của “ thế kỷ nông dân khởi nghĩa” với những phong trào đấu tranh mạnh mẽ,

rộng khắp và liên tục Trong đó khởi nghĩa Tây Sơn ( 1771) với vai trò của người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ đã đập tan các tập đoàn phong kiến thống tri Lê - Trịnh ở Đàng Ngoài và chúa Nguyễn ở Đàng Trong; đồng thời còn lập

Trang 18

nên chiến công vẻ vang phá tan hai mươi vạn quân Thanh năm 1789 Nhưng triều đại Tây Sơn với những tiến bộ trong cải cách chính tri, văn hoá xã hội chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn ngủi Nguyễn Ánh - Gia Long đã tiêu diệt nhà Tây Sơn và lên ngôi, thủ tiêu những tiến bộ thời Quang Trung và phục hưng những cổ hủ của Nho giáo, lịch sử xã hội lại một lần nữa lâm vào bế tắc Trong một xã hội như thế, chế độ phong kiến, đất nước, dân tộc không thể tiếp tục là nguồn cảm hứng để ngợi ca của văn học nữa Ý thức hệ phong kiến cùng với sự suy tàn của chế độ xã hội đã sản sinh ra nó cũng không tránh khỏi sự khủng hoảng tất yếu Đời sống tình cảm và những nhu cầu, lý tưởng của con người thời kỳ này cũng khác trước Cái mà con người quan tâm, hướng tới và đấu tranh để dành được lúc này là tình yêu, hạnh phúc, là những giá trị của cuộc sống mà ở đó con người được khẳng định và

đề cao Vì thế, nói như GS Nguyễn Lộc : “ Đặc trưng cơ bản có tính lịch sử

của văn học thời kỳ này là sự khám phá ra con người và khẳng định những giá trị chân chính của con người” Trong đó, đáng chú ý là sự xuất hiện và

khẳng định mạnh mẽ của con người với tư cách là những cá thể xã hội trong văn học Đó là con người mang trong mình những khao khát mãnh liệt, những tình cảm rộng lớn, đặc biệt là sự thể hiện cái tôi cá nhân một cách vô cùng táo bạo, sự khẳng định mạnh mẽ bản ngã trước cuộc đời Thực tế cuộc sống của đất nước đã buộc các nhà nho trí thức phong kiến phải đứng trước sự lựa chọn

để tìm ra con đường đi cho mình Giữa bối cảnh rối ren, phức tạp của xã hội,

có người vẫn quyết chí học hành, thi cử để đỗ đạt làm quan, hành đạo giúp đời cho chính quyền mà họ ủng hộ Có người lui về ở ẩn, từ bỏ con đường công danh, tìm niềm vui trong cảnh thanh nhàn ở chốn điền viên để quên đi mối sầu về tình cảnh đất nước Những cách lựa chọn như thế vốn rất quen thuộc của các nhà nho từ trước đến nay

Mặt khác xã hội Việt Nam từ thế kỷ XVII, XVIII dù có nhiều biến đổi

về chính trị thì những yếu tố của nền kinh tế đô thị và đời sống văn hoá đô thị

Trang 19

vẫn tiếp tục phát triển, tạo nên một diện mạo mới cho xã hội và đây là điều quan trọng không thể thiếu cho sự ra đời và phát triển loại hình nhà nho tài tử Các nghề thủ công phát triển, đội ngũ thương nhân nước ngoài và Việt Nam ngày càng đông tạo nên những trung tâm buôn bán sầm uất ở cả Đàng Ngoài

và Đàng Trong như Kẻ Chợ, Đồ Sơn, Phố Hiến… các cao lâu tửu quán - một trung tâm giải trí mới - cũng theo nhịp sống đô thị mới mà ra đời Lui tới đây

là những bậc vương tôn công tử, những tao nhân mặc khách, những nho sinh, hàn sĩ, thậm chí các quan trong triều Họ đến đây để tìm bạn kết giao, tìm thú vui giải trí Môi trường mới lạ này ngay lập tức có sức hấp dẫn với nhiều tầng lớp Xã hội Việt Nam với việc tiếp nhận những yếu tố mới của đời sống đô

thị đã hình thành một môi trường kinh tế - văn hoá phi chính thống - “ mảnh

đất màu mỡ cho những điều mới lạ được dịp nảy sinh, các loại hình tình cảm

cá nhân dần dà tìm ra nơi thể hiện” ( 7 80 ) Chính môi trường này đã hình

thành nên loại hình nhà nho thứ ba của xã hội Việt Nam - nhà nho tài tử Và cũng từ đây nhà nho tài tử đã cho ra đời thể loại độc đáo vào bậc nhất trong lịch sử văn học Việt Nam - hát nói

Nhà nho tài tử - cũng như nhà nho hành đạo và nhà nho ẩn dật - đều xuất thân là môn sinh của cửa Khổng sân Trình Nhưng do tiếp xúc với một môi trường xã hội mới, nhận thức và quan niệm của họ có nhiều thay đổi Nếu người hành đạo và người ẩn dật coi đạo đức là điều làm nên giá trị con người thì người tài tử quan niệm đó phải là tài và tình Người tài tử dứt khoát phải là

người có tài và họ ý thức được cái tài của mình “ Được số phận ưu đãi, thiên

nhiên phú cho những phẩm chất hơn người, từ thuở thiếu thời, người tài tử đã luôn tâm niệm về “ tính trội” của mình và luôn lăm le sử dụng nó khi có dịp”

( 7 83) Họ ôm ấp hoài bão lớn lao là lập nên những sự nghiệp phi thường Bởi thế việc được thử tài, trổ tài, việc được thoả mãn hoài bão cá nhân là điều

họ quan tâm nhất Đồng thời với việc ý thức cao về tài năng của mình và luôn

Trang 20

muốn được thể hiện khẳng định tài năng ấy - còn mang trong mình - tuy chưa

phải là “một khát vọng mãnh liệt hướng tới mục đích giải phóng cá nhân,…

một thứ hạnh phúc phong phú thoả mãn các cảm xúc ngày càng đa dạng và phức tạp” ( 7 90 ) - nhưng là những đòi hỏi khao khát về tình yêu, hạnh phúc

thể hiện nhu cầu giải phóng tình cảm, bộc lộ bản ngã Người tài tử không những

“ thị tài” mà còn “ đa tình” - đó là hai đặc trưng tạo nên diện mạo tinh thần

của nhà nho tài tử Khái niệm đa tình ở đây không chỉ là sự say mê sắc đẹp đơn thuần mà phải được hiểu theo nghĩa rộng của nó : tâm hồn giàu tình cảm,

dễ xúc động

Như vậy, sống trong môi trường xã hội - văn hoá mới, với một tâm hồn

tự do phóng khoáng, với một cá tính mạnh mẽ luôn muốn khẳng định cái tôi,

đề cao bản ngã, thậm chí muốn xáo trộn phá phách trật tự xã hội đầy ngông nghênh kiêu bạc - người tài tử trở thành một nhân vật điển hình mới của thời đại Những tư tưởng tình cảm khát khao, cá tính của người tài tử đòi hỏi được bộc lộ một cách đầy đủ nhất, sâu sắc nhất Hát nói đã thể hiện được đúng nhất con người cá nhân đầy cá tính Các nhà nho tài tử đã tìm thấy ở hát nói một hình thức phù hợp để chứa đựng, gửi gắm những hoài bão lớn, những khát vọng mãnh liệt, những tình cảm tự do phóng khoáng của cái tôi ngông nghênh

đa tình Môi trường ca quán càng khiến hát nói được thể hiện và phát triển

rộng rãi, cuốn hút đông đảo người thưởng thức và người sáng tác, đến mức “

người không biết gì về ca trù cũng biết hát nói” và người ta “ xô nhau vào sáng tác hát nói”

Các tác giả tiêu biểu : Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Khuyến, Dương Khuê,

Chu Mạnh Trinh, Ngô Thế Vinh, Trần Tế Xương,…

* Hát nói - tiếng thơ gửi gắm tâm sự yêu nước, lòng căm thù giặc, niềm tin và tinh thần lạc quan chiến đấu chiến thắng kẻ thù xâm lược của những nhà hoạt động cách mạng

Trang 21

Hát nói được các nhà yêu nước của phong trào Đông Kinh nghĩa thục sáng tác để kêu gọi quốc dân Phan Châu Trinh viết một lạt bài hát nói trong

tập “ Giai nhân kỳ ngộ chi ca” kêu gọi đồng bào đứng lên dành độc lập, tự do

Huỳnh Thúc Kháng cùng một số nhà nho khác như Lê Đại, Lê Mạnh Trinh…cũng nói lên niềm yêu nước thương dân bằng thể hát nói Trong thời điểm này, Phan Bội Châu là người sáng tác nhiều nhất và tiêu biểu nhất Hát nói của ông tràn đầy khí thế và âm hưởng lạc quan gieo vào lòng người niềm

tin, khích lệ động viên mọi người chiến đấu Trong bài “ Chơi xuân” (1905),

Phan Bội Châu mở ra một tương lai tươi sáng của đất nước:

“Nước non Hồng Lạc còn đây mãi,

Mặt mũi anh hùng há chịu ri!

Đập toang hai cánh càn khôn

Đem xuân vẽ lại trong non nước nhà”

“Bài ca chúc tết thanh niên” (1927) lại là lời kêu gọi, giục giã tuổi trẻ

trong sự nghiệp cách mạng cứu nước:

“ Thưa các cô,các cậu lại các anh

Đời đã mới người càng nên đổi mới

Mở mắt thấy rõ ràng tân vận hội

Xúm vai vào xốc vác cựu giang san

Đi cho êm, đứng cho vững, trụ cho gan

Dây thành bại quyết ghe phen liên hiệp lại…”

Sau khi các phong trào vận động yêu nước lớn đầu thế kỷ như Duy Tân, Đông Du, Đông Kinh nghĩa thục lần lượt bị dập tắt, hát nói vẫn ngân lên âm điệu của nỗi lòng người dân mất nước, ngày càng sâu lắng hơn, da diết hơn Cũng với âm hưởng hào hùng đầy tự do, phóng khoáng, hát nói được các chiến sĩ cách mạng trong nhà tù đế quốc trước Cách Mạng tháng Tám sáng

Trang 22

tác để bày tỏ niềm tin và tinh thần lạc quan Phỏng theo bài “Hương Sơn

phong cảnh ca” của Chu Mạnh Trinh, họ đã viết nên bài hát nói ngợi ca Cách

Mạng tháng Mười vĩ đại:

“Bầu trời, trái đất

Cảnh Liên Xô ao ước bấy lâu nay

Điện Cẩm Linh rực rỡ bóng cờ bay

Oanh liệt nhất hỏi rằng đây có phải…”

( Nguyễn Ngọc Tỉnh và Lê Viên)

“Này suối Tự do, này nguồn Giải Phóng

Nào xây xã hội nào chống chiến tranh

Vĩ đại thay muôn dặm trường thành

Cờ liềm búa long lanh như gấm dệt…”

(Chu Hà)

Hát nói đã trở thành tiếng thơ gửi gắm tâm sự yêu nước sâu lắng, tha thiết của những nhà hoạt động cách mạng, thành tiếng thơ của lòng căm thù giặc, của niềm tin và tinh thần lạc quan chiến đấu, chiến thắng kẻ thù xâm lược Hát nói đã từ các hành viện ca quán hoà nhập vào phong trào đấu tranh yêu nước và cách mạng, đi sâu vào đời sống nhân dân, thậm chí âm hưởng, giai điệu của nó còn vang vọng trong cả nhà tù thực dân, đế quốc

* Hát nói – nơi chứa đựng tư tưởng Lão Trang

Tư tưởng Lão Trang biểu hiện trong thơ hát nói khá rõ, nó tập trung ở những khía cạnh:

- Tinh thần tự do, tự tại thoát ra khỏi những quy phạm của nho giáo

- Thiên nhiên hát nói là thiên nhiên tiên giới và mộng ảo

- Hưởng lạc đã trở thành một triết lý để thực hiện “vô” Tư tưởng Lão Trang

đã có một vị trí đặc biệt trong văn chương hát nói, là cội nguồn của cái đẹp, cái mộng, cái huyền trong hát nói

Trang 23

* Tiểu kết

Từ đầu thế kỷ XIX đến gần nửa thế kỷ XX, hát nói phát triển với một

số lượng vô cùng đồ sộ Nó đã chuyển tải được những nội dung tình cảm phong phú và không kém phần sâu sắc của con người thời đại Đến với hát nói và sáng tác hát nói nhiều nhất, thành công nhất - như chúng ta đã biết - là những nhà nho tài tử, ngông nghênh kiêu bạc đầy khí phách và một thể thơ tự

do phóng túng giàu chất thơ chất nhạc, có thể nói là một cái “duyên” đầy may

mắn cho Văn học Việt Nam bởi điều đó đã cho ra đời một thể loại văn học dân tộc rất độc đáo về nội dung Tuy chỉ tồn tại và phát triển trong khoảng hơn 200 năm với thời đại hoàng kim là thế kỷ XIX nhưng hát nói đã đóng góp cho nền văn học dân tộc một số lượng sáng tác khá đồ sộ với những tác giả nổi tiếng và những tác phẩm được coi là mẫu mực Có thể nói, nó là sản phẩm của thời đại, mang dấu ấn lịch sử và đại diện cho đời sống tinh thần của con người trong thời đại ấy

1.1.2.2 Đặc trưng về nghệ thuật

Hát nói là sản phẩm của một thời đại lịch sử đầy biến động Nó thể hiện đới sống tâm tư tình cảm của một tầng lớp nhà nho tài từ tài hoa không ai

sánh mà ngông nghênh cũng ít ai bằng Vì thế, “để thể hiện tính cách tự do

phóng túng, hát nói có một hình thức mang tính tự do nội tại” ( Nguyễn Đức

Mậu) Đó chính là nét đặc trưng, là nét đặc thù, cũng là điều làm nên tính chất độc đáo về mặt hình thức nghệ thuật của hát nói Nghiên cứu hát nói, người ta

bị hấp dẫn trước tiên và nhiều nhất là ở hình thức nghệ thuật của nó Hát nói được xem là một thể loại độc đáo vào bậc nhất của văn học nước nhà

Bằng việc khảo sát và tìm hiểu hình thức nghệ thuật của thơ hát nói trên một số phương diện chính: bố cục, câu, từ, vần, nhịp và tính nhạc, chúng tôi

có được một số hiểu biết sau đây về đặc trưng nghệ thuật của thơ hát nói:

Trang 24

* Bố cục

Ở thể chính cách (đủ khổ), bài hát nói gồm 11 câu, được chia làm 3 khổ (trổ): khổ đầu 4 câu, khổ giữa 4 câu, khổ xếp 3 câu Theo tiếng nhà nghề, 11 câu trong bài đủ khổ có tên riêng là:

Khổ đầu: Hai câu 1 - 2 là lá đầu Hai câu 3 - 4 là xuyên thưa Khổ giữa: Hai câu 5 - 6 là thơ

Hai câu 7 - 8 là xuyên mau Khổ xếp: Câu 9 là dồn

Câu 10 là xếp Câu 11 là keo

Ví dụ bài “Chí nam nhi” của Nguyễn Công Trứ

Ở thể biến cách, hát nói có hai dạng: dôi khổ hoặc thiếu khổ

Dôi khổ là những bài có hơn 3 khổ Trong những bài này, khổ đầu vẫn ở trên, khổ xếp vẫn ở cuối, còn khổ giữa thì làm dôi ra thành 2,3 khổ hoặc có thể

nhiều hơn nữa tuỳ người viết Ví dụ bài “ Chí anh hùng” của Nguyễn Công

Trứ

Thiếu khổ là những bài thiếu một khổ (thường là khổ giữa) chỉ còn 7 câu Ví

dụ bài “Chú mán” của Trần Tế Xương Dù đủ khổ, dôi khổ hay thiếu khổ, bố

cục của một bài hát nói là hết súc rõ ràng và mang tính chất ổn định cao Tuy nhiên, khả năng phát triển về số khổ cho thấy phần nào tính chất tự do phóng khoáng về mặt hình thức của hát nói

Trong bố cục của một bài thơ Hát nói ( cả chính sách và biến cách ),

có một bộ phận mặc dù không mang tính chất cố định hay bắt buộc nhưng sự

có mặt của nó đã tạo nên một điểm đặc biệt khá thú vị của bài hát nói Đó là

phần “mưỡu”

Trang 25

Tác giả Dương Quảng Hàm trong “Việt Nam văn học sử yếu” có định nghĩa: “Mưỡu là những câu làm theo thể lục bát đi kèm với hát nói, hoặc

ở trên( mưỡu dầu), hoặc ở dưới (mưỡu hậu) Mưỡu đầu được đặt ở đầu bài hát nói Nếu là một cặp lục bát thì gọi là mưõu đơn” ( 5 )

“Cát đâu ai bốc tung trời

Sống sông ai vỗ, cây đồi ai rung?

Phải rằng dì gió hay không

Phong tình quen thói lạ lùng trêu ngươi”

Núi cao trăng sáng

“Cao sơn nhất phiến nguyệt

Đã chơi trăng nên phải biết tình trăng

Sơn chi thọ đối nguyệt chi hằng

Sơn có nguyệt càng thêm cảnh sắc

Nguyệt phải hàn sơn thi bán bức

Sơn hàn minh nguyệt tửu thiên tôn

Trăng chùa già núi hãy còn non

Trang 26

Núi chửa khuyết trăng vẫn tròn với núi

Câu dồn: Rượu một bầu thơ ngâm một túi

Câu xếp: Góp gió trăng làm bạn với non sông

Mưỡu hậu: Núi kia tạc để chữ đồng

Trăng kia nhớ mặt anh hùng hay chăng?

Câu keo: Xinh thay kìa núi nọ trăng”

thường là những câu thâu tóm cảm hứng của tác giả Vì vậy nó không chỉ góp phần vào việc bộc lộ nội dung mà còn tạo thêm sự hấp hẫn cho bài hát nói

* Nghệ thuật dùng từ ngữ

Với chức năng là đơn vị nhỏ nhất cấu tạo nên văn bản tác phẩm, từ là

yếu tố, là phương diện đầu tiên chúng ta cần quan tâm xem xét Điều dễ nhận thấy là sự tự do về số lượng chữ được sử dụng trong câu hát nói Điều này là hoàn toàn trái ngược với tính chất cố định, không thể thay đổi thêm bớt từ ngữ ở nhiều thể thơ như thơ Đường luật, song thất lục bát…Hát nói thì khác,

số chữ trong câu hát nói không bị hạn định, bị bó buộc trong một khuôn khổ, một giới hạn cụ thể nào Nó có thể phát triển từ 4 chữ lên 10 chữ, 12, 13 thậm chí nhiều hơn nữa, tạo nên sự đan xen của những câu thơ dài ngắn khác nhau rất đa dạng Tuy đặc điểm này chưa thể hiện rõ tính chất đặc thù của hình thức thể loại bởi đặc thù là cái khác biệt hoàn toàn, là nét riêng không lặp lại

Vì thể phú, tế, thơ tự do…cũng đều không giới hạn điểm kết thúc của câu ở một lượng chữ nhất định nào đó Nhưng cũng phải khẳng định rằng, sự tự do

Trang 27

về số lượng chữ trong câu đã góp phần đắc lực vào việc diễn trả những tình cảm phóng túng, những tính cách tự do, khoáng đạt Người tài tử coi trọng tự

do cá nhân chủ động tìm cách thoát khỏi sự kiềm toả của khuôn khổ lễ giáo

và trật tự xã hội, vì thế họ không thể khoác cho cơ thể mình sự bằng phẳng của lục bát, vẻ duyên dáng của song thất hay vẻ đăng đối nghiêm chỉnh của thất ngôn Do đó sự tự do về số chữ trong câu hát nói là một nhu cầu nội tại, một yêu cầu tất yếu của thể thơ

Bên cạnh sự không hạn định về số chữ trong câu, ở hát nói, đáng chú ý

nhất về mặt từ ngữ là việc sử dụng đại từ nhân xưng Sử dụng đại từ nhân

xưng trong thể thơ vốn không phải là một việc mới mẻ Trước đó Bà Huyện Thanh Quan, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương…cũng đã báo hiệu sự xuất hiện của con người cá nhân cá thể, khẳng định cái tôi bản ngã, tạo nên một tiếng nói hết sức mới lạ trong thơ thì đến hát nói, con người cá nhân cá thể ấy đã trở thành trung tâm và tiếng nói khẳng định bản ngã ấy tuy không còn mới lạ nhưng lại vút lên những âm điệu dõng dạc, sảng khoái tự do mà trước đây nó

chưa từng có “Dường như lịch sử văn học Việt Nam đến hát nói mới có hiện

tượng nhà thơ tự nói về mình, phô mìmh ra về tài, về hưởng lạc, về tình yêu đến thế, ngông nghênh, ngang tàng và tham đến thế ” ( 8 859) Có lẽ chính vì

lý do đó mà đại từ nhân xưng xuất hiện khá phong phú ở hát nói Thơ chữ Hán, chữ Nôm trước đó đều đã có nhưng các nhà thơ ấy nói ở ngôi thứ nhất

mà với thái độ khiêm xưng, nhún nhường Cái tôi cá nhân có thể không còn bị hoà tan trong cái ta cộng đồng nữa nhưng vẫn ẩn mình, nép mình kín đáo, không dám bộc lộ, không dám phô trương Trong hát nói chúng ta không bắt gặp thái độ ấy Nhà tài tử sáng tác hát nói là để phô mình ra, để nói về mình

cho mọi người cùng biết, để khẳng định bản ngã con người mình Do đó, đại

từ nhân xưng là phương tiện thể hiện dấu ấn cá nhân rõ nét Hát nói của

Nguyễn Công Trứ là một ví dụ tiêu biểu Trong sáng tác hát nói của ông,

Trang 28

chúng ta nhận thấy đại từ nhân xưng xuất hiện ở dạng : “ Vũ trụ giai ngô

phận sự” ( Nợ tang bang ); “ Phú quý tương dĩ hậu ngô sinh, bần tiện tương dĩ ngọc ngô thành” ( Quân tử có cùng I )… hay có khi nhà thơ tự nói

về mình, tự khẳng định mình đầy tự tin ngạo nghễ:

“Thiên phú ngô, địa tải ngô

Thiên địa sinh ngô nguyên hữu ý”

( Nợ công danh )

Đặc biệt, trong “ Bài ca ngất ngưởng”, Nguyễn Công Trứ đã sử dụng rất

linh hoạt và đa dạng đại từ nhân xưng Điều đó không chỉ tạo nên sự phong phú, đặc sắc trong bài thơ mà dấu ấn cá nhân của tác giả - qua đó - càng được thể hiện sâu sắc Bài thơ vừa là bức chân dung tự hoạ về một cá tính mạnh

mẽ, một con người xuất chúng dám lấy cách sống ngang tàng, ngông ngạo, trái khoáy như một phương diện khẳng định bản ngã; vừa như một tuyên ngôn cho lối sống phóng khoáng, tận hưởng những thú vui ở đời, đối lập giữa cá nhân - những người có tài - với xã hội tầm thường cổ lỗ

Bên cạnh việc sử dụng đại từ nhân xưng, hát nói còn sử dụng nhiều hư từ, liên từ, cả tiếng thô, tiếng tục, tiếng lóng trong sinh hoạt hàng ngày Đó đều là những đặc điểm có đóng góp nhất định trong việc thể hiện con người tài tình, khí phách cũng như góp phần tạo nên nét đặc sắc về mặt nghệ thuật cho thể thơ

Tóm lại, sự tự do về số lượng chữ, đặc biệt là việc sử dụng đại từ nhân xưng đã trở thành phương tiện hiệu quả để người tài tử bộc lộ mình, khẳng định mình

* Nghệ thuật đặt câu

Có thể nói, câu là đơn vị quan trọng nhất vì nó thể hiện trực tiếp, cụ thể nội dung cũng như đặc sắc nghệ thuật của tác phẩm văn chương Xét trên bình diện thể loại văn học, câu cũng là một yếu tố cơ bản tạo nên giá trị khu biệt

Trang 29

của thể loại đó Khi tìm hiểu hát nói, chúng tôi nhận thấy câu chính là một trong những phương diện thể hiện rõ nhất tính chất đặc thù về hình thức nghệ thuật của thể loại này

Đặc điểm đầu tiên của câu trong thơ hát nói là sự tự do về độ dài và số

lượng Tự do về độ dài là bởi số chữ trong câu không không bị hạn định nên câu có thể dài ngắn tuỳ thích Còn tự do về số lượng là bởi số câu trong một bài cũng không bị quy định nghiêm ngặt Hát nói có dạng đủ

khổ nhưng cũng có thể dôi khổ hoặc thiếu khổ Và nếu lấy số lượng 11 câu của bài hát nói chính cách làm đơn vị phân định thì số lượng câu vẫn có thể kéo dài Nhưng một điều khá đặc biệt và thú vị là : dù không giới hạn về số câu, hát nói cũng không thể kéo dài như truyện Nôm và Ngâm khúc vì nó bị phụ thuộc vào môi trường diễn xướng của nó Sự tự do về số câu của hát nói

là hình thức chứa đựng con người phóng túng, ngang tàng của nhà nho tài tử,

mà hơn thế nữa có thể cho phép xem “ Hát nói là một sự bổ sung khoảng

giữa, giữa sự trói buộc số lượng chữ, câu của bát cú, tứ tuyệt và sự kéo dài của ngâm khúc, truyện nôm” ( Nguyễn Đức Mậu )

Trong hát nói, cấu trúc câu lập luận, câu suy lý xuất hiện với tần số cao

Đó là các kiểu cấu trúc như : “ Khi…đã”, “ đã…phải”, “đã…thì”, “

từ…đến…kết cục…”; các từ lập luận như “ thử ngẫm”, “cớ sao”, “thì”,

“lại”…cùng với đó là các liên từ, hư từ “thì”, “chi”, “dữ” Tất cả đã làm

cho câu hát nói về mặt ngữ pháp rất gần với câu văn xuôi Theo đó, dòng cảm xúc hay những suy tư của tác giả được thoải mái giãi bày và được giãi bày

một cách khá lô gíc chặt chẽ Bài “ Kiếp nhân sinh” của Nguyễn Công

Trứ là một ví dụ Bên cạnh đó là việc sử dụng khá phổ biến cấu trúc trùng

điệp từ, cụm từ “Thơ hát nói là thơ giọng điệu, không phải thơ hình ảnh Cái

hay của hát nói cũng hay ở giọng điệu, một giọng điệu nhất quán toàn bài,

khác hẳn trạng thái giọng điệu trong thơ luật” Đó là giọng điệu khảng khái

Trang 30

ngang tàng, ngạo nghễ, khinh bạc, thách thức Trong việc thể hiện giọng

điệu này, cấu trúc trùng điệp cụm từ có đóng góp không nhỏ :

“ Vòng trời đất dọc ngang, ngang dọc

Nợ anh hùng vay trả, trả vay”

( Nguyễn Công Trứ )

Hay :

“ Khoảng trời đất cổ kim, kim cổ

Mảnh hình hài không có, có không”

( Uống rượu tiêu sầu - Cao Bá Quát)

Ngoài ra, việc sử dụng tiếng thô, tiếng tục,tiếng lóng trong sinh hoạt

hàng ngày còn tạo ra giọng nói sôi động, pha tạp vừa nôm vừa thanh vừa tục đặc sắc trong câu hát nói, rất thích hợp với con người cá nhân tài

tình, khí phách “ Bài ca ngất ngưởng” của Nguyễn Công Trứ là một ví dụ

tiêu biểu Hay “ Đĩ cầu nôm” của Nguyễn Khuyến cũng là một điển hình cho

giọng điệu trên :

“ Chém cha cái kiếp đào hồng

Bạn với kẻ anh hùng cho đứng số

Vợ bợm, chồng quan, danh phận đó

Mai sau ngày giỗ có văn Nôm

Cha đời con đĩ cầu Nôm !”

Tóm lại có thể thấy, từ việc sử dụng từ ngữ đến cấu trúc câu, hát nói

thể hiện rõ là một thể thơ điệu nói Tính văn xuôi của câu đã khiến hát nói

được gọi là thơ “ nửa hát nửa nói, có tính chất kể chuyện” ( 9 262 ) và “ Hát

nói đã phát triển thêm hình thức kể, thuật, tự tình của thơ trữ tình trung đại Việt Nam” ( 10 189 )

Trong bài hát nói có ba loại câu rất ổn định : câu tự do, hai câu thơ chữ

Hán

Trang 31

( thường là thất ngôn, có khi là ngũ ngôn ) và câu kết thúc sáu chữ Có thể

nói, đó là những loại câu rất đặc trưng, thậm chí đến mức đặc thù ( hai loại câu sau ) của hát nói Về loại câu tự do ( dài ngắn không cố định do tự do về

số chữ ) chúng tôi không nhắc lại nữa Ở đây chỉ xin đi sâu vào hai loại câu sau để làm nổi bật tính chất đặc thù mà chúng thể hiện trong hình thức nghệ thuật của hát nói

Hai câu thơ chữ Hán :

Hai câu thơ chữ hán còn được gọi là hai câu dựng Sự xuất hiện của hai câu này cùng với việc pha trộn lời hán lời Việt trong hát nói đã khiến hát nói được

gọi là “ Hán Việt hợp dụng thể” Hai câu dựng ở đây xét là hai câu thất ngôn

- nên nó mang tính chất đăng đối Tuy nhiên nhiều bài hát nói không có hai câu chữ hán và nếu có không phải lúc nào nó cũng phải đối nhau, Đó là một biểu hiện tính linh hoạt của hát nói trong khi tiếp thu các thể thơ khác Hai câu chữ hán có thể nằm ở đầu hoặc cuối bài hát nói nhưng vị trí phổ biến và

thể hiện rõ vai trò của nó nhất là ở giữa bài Ví dụ bài “ Vịnh tỳ bà” của

Nguyễn Công Trứ thì hai câu thơ chữ hán là hai câu thơ nằm ở giữa bài:

“ Yên thuỷ mang mang thiên ngũ dạ

Tỳ bà khúc khúc nguyệt tam canh”

Có thể thấy vị trí giữa bài hát nói của hai câu thơ dựng là một vị trí khá đặc biêt, ở vị trí này, hai câu thơ không có chất văn xuôi lại được bao bọc giữa các

câu thơ giàu chất văn xuôi Và cũng ở vị trí này, “ trước nó là thơ Nôm, đến

lượt nó là thơ chữ Hán có đối và sau nó lại là thơ Nôm không đối” ( 11 )

Như vậy, bài hát nói - nhờ hai câu thơ chữ Hán nằm ở vị trí giữa mà trở nên cân đối, cân xứng hơn Nếu ở mặt hình thức, hai câu thơ chữ Hán được coi là cái trục đối xứng của toàn bài thì ở phương diện nội dung, nó đóng vai trò góp phần vào sự nhấn mạnh, bộc lộ con người tự do phóng khoáng trong bài thơ

Trang 32

Câu kết thúc :

Sở dĩ câu kết thúc bài hát nói được xếp riêng thành một loại là bởi tính chất

đặc biệt của nó: luôn là 6 chữ Số bài hát nói kết thúc bằng 7 chữ hoặc 8 chữ

là những trường hợp vô cùng ít gặp Do đó, “ kiểu kết thúc câu 6 chữ là ổn

định và vào loại ổn định nhất trong các yếu tố cấu trúc nên bài hát nói” (

Nguyễn Đức Mậu ) Với những câu thơ giàu tính văn xuôi, với sự xuất hiện của hai câu thơ chữ hán ở vị trí giữa bài và sự kết thúc bởi câu kết 6 chữ ngắt nhịp 2/2/2, hát nói đã phần nào thể hiện tính chất đặc thù về hình thức nghệ thuật của nó

* Nghệ thuật hiệp vần

Hát nói sử dụng cả vần băng và vần trắc, gieo cả vần chân ( cước vận )

và vần lưng ( yêu vận )

Bài hát nói chia làm 3 khổ mà luật bằng chắc trong mỗi khổ đều giống nhau

Cụ thể vần chân trong mỗi khổ được bố trí như sau:

Trang 33

nhằm góp phần biểu hiện cái ngang tàng, phóng túng của con người cá nhân

tự do là : “ vần không tạo thành một áp lực mà tự do” Bài “ Gặp đào hồng

đào tuyết” của Dương Khuê là một bài mẫu về luật bằng trắc và bố trí vần

trong hát nói

* Nghệ thuật ngắt nhịp

Do số chữ không hạn định, câu có thể dài ngắn tuỳ thích nên hát nói khá

tự do về ngắt nhịp Tuy vậy, đặc điểm khá phổ biến và có tính chất ổn định là

hát nói vào nhịp với số chữ là 3 chữ : 3/2/2, 3/2/3, 3/4 Ví dụ như bài “

Hương Sơn phong cảnh ca” của Chu Mạnh Chinh

Nhịp trong hát nói có điểm đặc biệt là : ngoài sự vào nhịp 3 chữ ở những câu thơ tự do, hai câu thơ dựng ngắt nhịp 4/3 theo thơ luật, còn câu kết sáu chữ ngắt nhịp cố định 2/2/2 Như vậy, 3 loại câu trên và cách ngắt nhịp của chúng

đã chia bài hát nói ra làm 4 quãng ngắt nhịp Đó là : trước vị trí hai câu thơ dựng, hai câu thơ dựng, sau hai câu thơ dựng và câu kết Bài hát nói sẽ đi từ nhịp lẻ đến nhịp 4/3 rồi nhịp lẻ đến nhịp chẵn 2/2/2 Trong đó hai câu thơ dựng và câu kết có vai trò tạo nên những quãng ngắt nhịp giữa những câu thơ

tự do ngắt nhịp lẻ Hai câu chữ hán ngắt nhịp 4/3 nằm giữa những câu ngắt nhịp 3/4, 3/2/2, 3/2/3 làm cho nhịp thơ chậm lại, ngưng nghỉ sau sự gấp gáp của đoạn thơ trước nó, đồng thời tạo đà cho sự dồn dập của đoạn thơ sau nó Tiếp đến, trong khi nhịp thơ đang liên tục thì câu kết nhịp 2/2/2 bất ngờ kết thúc đoạn thơ ngắt nhịp 3 chữ khiến bài thơ đột ngột bị dồn nén đem lại giá trị

âm hưởng rất cao Nhịp trong hát nói không chỉ có ý nghĩa đối với âm hưởng, nhạc điệu của bài thơ mà cũng như câu và vần, nó có giá trị rất lớn trong việc

thể hiện con người tự do, phóng túng

* Tính nhạc trong thơ hát nói

Hát nói có lẽ là một trong những thể loại giàu nhạc điệu nhất trong lịch

sử văn học dân tộc tính nhạc như chúng ta đã biết - là sự kết hợp của vần,

Trang 34

nhịp và thanh tạo thành Hát nói với các câu thơ dài ngắn không cố định, các quãng ngắt nhịp rất đặc trưng cùng với việc sử dụng vần chân liền vần và sự đan xen của các thanh bằng trắc đã hấp dẫn người đọc trước tiên là ở nhạc điệu của nó Cái dư ba cuối cùng đọng lại cũng là nhạc điệu, là âm hưởng mà câu kết sáu chữ gợi ra Nó khép lại bài ca với một chút bâng khuâng hụt hẫng nhưng lại mở ra một không gian đầy nhạc điệu Trên chiếu hát, với sự hoà nhịp vào tiếng phách, tiếng đàn, tiếng trống chầu một cách nhuần nhuyễn, dư hưởng mà nó tạo nên còn mênh mông, dàn trải, làm xao xuyến lòng người hơn nữa Mặt khác, hát nói được sáng tác là để diễn xướng, để thể hiện trong môi trường ca quán, do đó yếu tố ca nhạc là phần quan trọng không thể thiếu của hát nói Hát nói chỉ thực sự bộc lộ hết phần linh hồn của nó được sống trong môi trường diễn xướng, được trình diễn trên chiếu hát cùng với tiếng đàn, tiếng trống, tiếng phách và giọng hát cô đầu

Vì là một điệu thức của ca trù nên hát nói được sử dụng cả 5 cung của âm luật ca trù : huỳnh, pha, bắc, nam, nao

- Cung huỳnh : điệu xúc, ngặt, hát dính vào nhau, giọng rất trong

- Cung pha : trong với đục pha lẫn, hơi ai oán, giọng hát chệch đi, lơ lớ

- Cung bắc : điệu khoan, hơi đục nhưng rắn rỏi, lên cao

- Cung nam : điệu hơi nhanh nhưng bằng phẳng và xuống thấp

- Cung nao : điệu chênh chênh, đục ở dưới, trong ở trên, đang ở cung nọ chuyển sang cung kia, cung nao chen giữa ( gọi là nửa cung )

Tuỳ từng bài hát nói mà các cô đầu sử dụng các cung cho phù hợp “ Tiếng

đàn tiếng phách quện với giọng hát ca trù với cách nhả chữ, luyến chữ đặc biệt êm như suối, mịn như nhung, khi gắt gao dằn thét, khi vút nhẹ chơi vơi, càng tăng thêm sức rung động cho lời thơ” ( 11 ) Đó là môi trường diễn

xướng hết sức độc đáo của hát nói nói riêng và của ca trù nói chung

Trang 35

* Tiểu kết

Là một sáng tạo mang tính thời đại về mặt thể loại của văn học những năm cuối thế kỷ XVIII - thế kỷ XIX, hát nói không những là một bước phát triển về nghệ thuật thơ ca Việt Nam mà còn là một thể loại mang tính dân tộc sâu sắc Để thể hiện ý thức cá nhân tự do, hát nói đã lựa chọn cho nó những phương tiện biểu đạt không chỉ thích hợp mà còn mang tính chất đặc thù rất

rõ nét Con người cá nhân ngang tàng, phóng túng “ không thể chưa mình

trong thể thất ngôn đăng đối nghiêm chỉnh, trong lục bát bằng phẳng, trong thể song thất duyên dáng” ( Trần Đình Hượu ) đã tìm được một thể loại có “ hình thức mang tính tự do nội tại” để thể hiện hát nói Tính chất đặc thù về

hình thức nghệ thuật của hát nói không chỉ được thể hiện ở những câu thơ giàu chất văn xuôi theo kiểu cấu trúc suy luận, diễn giả; đặc điểm gieo vần và ngắt nhịp hết sức đặc biệt mà còn được thể hiện ở sự tổng hợp nhiều loại câu của hát nói 9 câu tự do, câu chữ Hán có đối, câu kết sáu chữ) để tạo nên một cấu trúc nghệ thuật hoàn toàn mới

1.2 Cơ sở thực tiễn: Thành tựu của thơ hát nói trong văn học trung đại Việt Nam

Trải qua một quá trình phát triển, hát nói đã thu hút một lực lượng sáng tác đông đảo, đa dạng; phong phú về nội dung cảm hứng Nó đã đóng góp vào nền văn học dân tộc tên tuổi của nhiều tác giả nổi tiếng và những tác phẩm có giá trị, mẫu mực của thể loại Hát nói đã chứng tỏ được ưu thế và xác lập được vị trí của mình trong nền văn học nước nhà

1.2.1 Thế kỷ XIX

Thế kỷ XIX được coi là thời hoàng kim của thể loại hát nói Phần lớn các tác giả lớn, các bài hát nổi tiếng, mẫu mực nhất của thể loại tập trung ở thế kỷ này Trong đó có lẽ nổi tiếng và sáng tác hát nói nhiều hơn cả là

Nguyễn Công Trứ và Cao Bá Quát

Trang 36

Nguyễn Công Trứ - “ ông hoàng hát nói” trong cả sự nghiệp của mình

với 63 bài hát nói, đã gói trọn nỗi lòng tình cảm của mình trước cuộc đời và con người thời đại Đó là tiếng nói khẳng định mình dõng dạc, tiếng nói cất cao chí khí của một đấng nam nhi đứng trong trời đất phải có khát vọng lập công, phải có chí tung hoành trời biển:

“Vòng trời đất dọc ngang, ngang dọc

Nợ tang bang vay trả, trả vay

Chí làm trai nam bắc đông tây

Cho phỉ sức vẫy vùng trong bốn bể”

( Chí khí anh hùng)

Hát nói của Nguyễn Công Trứ nói nhiều về “ Chí nam nhi, về nợ tang

bồng” Trong sự bày tỏ khát khao, hoài bão của một nhà nho, một kẻ sĩ trong

cuộc đời, chúng ta nhận thấy rõ nét lời khẳng định đầy tự tin, kiêu hãnh của con người có tài và ý thức được cái tài của mình

“ Thiên phú ngô, địa tải ngô

Thiên địa sinh ngô nguyên hữu ý

Dã thị giang sơn chung tú khí

Quả nhiên đào các xuất công danh”

( Nợ công danh )

Con người đầy tài năng và khao khát ấy lại sống trong thời buổi rối ren, biến động của lịch sử nên tài năng không có đất dụng, khao khát cũng chỉ là khát khao Hát nói của Nguyễn Công Trứ vì thế còn là những bài ca ghi lại tâm sự, nỗi niềm của một kẻ sĩ đầy tinh thần trách nhiệm với đất nước trước cuộc đời đen bạc Đây là nội dung mà không ít nhà nho, nhà thơ đã tìm đến hát nói, mượn hát nói để bộc lộ giãi bày

“ Vật thái mạc cùng vân biến huyễn

Thế đồ vô lự nguyệt doanh hư

Trang 37

( Thói đời như mây biến đổi không ngừng

Đường đời như trăng đầy vơi khôn kể )”

( Chơi là lãi )

Khi nói về nhân tình thế thái, Nguyễn Công Trứ Đặc biệt chú ý đến đồng tiền và sự chi phối của nó trong xã hội, ông đã khắc hoạ hết sức sinh động sức mạnh ghê ghớm của đồng tiền Quyền lực của nó khiến nhà thơ cũng phải lấy làm kỳ lạ và thốt lên ngạc nhiên:

“ Khả quái tầm thường a đồ vật

Khước giao đáo để đại thần linh”

Buồn chán nhưng bế tắc không thể thay đổi được thời cuộc, Nguyễn Công Trứ không chỉ mỉa mai, chế nhạo mà còn giận dữ, chửi đổng:

“Đ…mẹ nhân tình đã biết rồi

Lạt như nước ốc bạc như vôi

Tiền tài hai chữ son khuyên ngược

Nhân nghĩa đôi đường nước chảy xuôi”

(Thế tình bặc bẽo)

Chán ngán bất bình với hiện thực, Nguyễn Công Trứ đã quay lưng lại

xã hội, chối bỏ thực tại bằng cách tìm đến với chữ nhàn Cái nhàn của Nguyễn Công Trứ là cái nhàn gắn liền với hành lạc hưởng lạc Quên đi nghĩa vụ cuộc đời, ông không tìm đến thiên nhiên để tâm hồn thanh thản mà tìm đến những

thú vui thanh sắc để hưởng lạc quên đời Thế nên việc “mua lấy cuộc nhàn” kia không gì khác là mua lấy những “thú ăn chơi”, những “cuộc hành lạc”

Đối với Nguyễn Công Trứ, cái nhàn gắn với hưởng lạc và hưởng lạc chính là

để sống nhàn Hành lạc đã trở thành một triết lý sống Nguyễn Công Trứ

tuyên bố dứt khoát để “đánh thức người đời”:

“Nhân sinh bất hành lạc

Thiên tế diệc vi thương”

Trang 38

Hành lạc trong hát nói Nguyễn Công Trứ trước hết là những thú cầm

- kỳ - thi - tửu Đây là những thú vui tao nhã của nhà nho xưa để tỏ cốt cách

thanh cao, chúng đã trở thành những “đường ăn chơi mỗi vẻ mỗi hay” và

Nguyễn Công Trứ viết về những thú này cũng không kém phần say sưa, thích thú như khi khẳng định chí nam nhi của mình

“Thơ một túi gieo vần Đỗ, Lý

Rượu mọt bầu rót chén Lưu Linh

Đàn Bá Nha gảy khúc tính tang tình

Cờ Đế Thích đi về xe pháo mã”

(Cầm kỳ thi tửu II)

Hành lạc trong hát nói Nguyễn Công Trứ còn gắn với thú vui thanh sắc Nhà thơ hành lạc vừa để khẳng định cái tài:

“Trời đất cho ta một cái tài

Giắt lưng dành để tháng ngày chơi”

(Cầm kỳ thi tửu I)

Vừa để phô ra cái tình và cái tình này mới là yếu tố làm cho cuộc hành lạc

thêm vui thêm thú, nhà thơ cũng không hề giấu giếm tính “đa tình”, các cảm giác được tận hưởng để thoả mãn tính “đa tình” ấy, nhưng khi thì lại bộc lộ ở thái độ “phàn nàn đáng yêu” của nhà thơ:

“Đa tình là dở

Đã mắc vào đố gỡ cho ra

Khéo quấy người một cái tinh ma

Trói buộc kẻ hào hoa biết mấy”

( Vịnh chữ tình)

Song cũng cần phải thấy rằng, Nguyễn Công Trứ tìm đến với hành lạc không chỉ để thể hiện dấu ấn của con người cá nhân – con người tài tử mà đó còn là một cách để nhà thơ bộc lộ đối với xã hội Trải qua bao thăng trầm

Trang 39

sóng gió của cuộc đời chốn quan trường, nhận ra sự thối nát của xã hội, Nguyễn Công Trứ càng nói nhiều đến cái nhàn hơn và lao vào hành lạc không

phải với thái độ say mê, thích thú của con người “ thích chí” muốn phô bày cái tài cái tình của mình mà là để “ngông” với thiên hạ, “ngất ngưởng” trước

cuộc đời

“Đánh ba chén rượu khoanh tay giấc

Ngâm một câu thơ vỗ bụng cười”

(Hành tàng)

Có thể nói, vai trò của Nguyễn Công Trứ đối với sự hình thành và

phát triển của hát nói là rất to lớn, đúng như GS Nguyễn Lộc đã nhận xét : “

Nguyễn Công Trứ là người có công làm cho hát nói trở thành một thể thơ hoàn chỉnh, linh hoạt, đồng thời ông cũng có công mở rộng nội dung của nó, không phải chỉ nói đến hành lạc, ăn chơi mà nói đến nhiều vấn đề xã hội, về nhân sinh khác nữa, dưới bàn tay tài hoa của nhà thơ, thể hát nói từ giã các hành viện của ả đào để bước lên đài danh dự của những thể thơ truyền thống của dân tộc”

(2 516 ) Nguyễn Công Trứ là điển hình kẻ sĩ trong thời đại của ông Hát nói của ông cũng là tiếng nói của tâm hồn kẻ sĩ trong giai đoạn đó

Cao Bá Quát là một tên tuổi lớn của nền văn học dân tộc đồng thời

cũng là một nhân vật nổi tiếng trong lịch sử chế độ phong kiến Về mặt số lượng, hát nói của Cao Bá Quát chỉ bằng gần 1/7 so với Nguyễn Công Trứ, ông có gần chục bài, hát nói của Cao Bá Quát tuy không phải là nơi kết tinh toàn bộ giá trị nội dung, nghệ thuật thơ văn của tác giả nhưng chắc chắn đó

cũng là một thứ “ hoa trái” mà hương sắc, mùi vị của nó không thể nào không phải là những “tâm tình và nhận thức” mà người sinh ra nó đã từng

nếm trải trong cuộc đời mình Chúng ta bắt gặp trong hát nói của Cao Bá Quát một thái độ tự tin kiêu hãnh khẳng định cái tài của mình, khẳng định vai trò cá

Trang 40

nhân Ông không nói đến những chữ công danh, trung hiếu, quân thần mà nói nhiều đến nhân dân; không nói đến trời đất vũ trụ nhƣng thơ ông là một không gian khoáng đạt, cao rộng tràn đầy hình ảnh tự do, kỳ vỹ Lúc nào nhà thơ cũng khao khát đƣợc thoả mãn cái chí của mình Khi thì Cao Bá Quát tự nhủ:

“Bất kiến ba đào tráng

An tri vạn lý tâm?”

( Nếu không thấy ba đào hung tráng

Thì biết sao được cái chí lớn muôn dặm)

( Thanh Trì phiếm châu nam hạ)

Khi lại khẳng khái tỏ bày:

“ Ngã dục đăng cao sầm

Hạo ca ký vân thuỷ”

( Ta muốn trèo lên đỉnh núi cao ngất kia

Hát vang lên để gửi tấm lòng vào mây nước”

( Quá Dục Thuý sơn)

Đặc biệt, Cao Bá Quát ý thức sâu sắc về cảnh ngộ của mình – có chí mà không đƣợc vùng vẫy, tung hoành cho thoả chí nhƣng ông không ngừng khao khát thực hiện chí lớn, khao khát làm nên sự nghiệp đƣợc núi sông, vũ trụ chứng giám và đặt mình trong tồn tại vĩnh hằng với vũ trụ thiên nhiên:

“ Cao sơn nhất phiến nguyệt

Đã chơi trăng nên phải biết tình trăng

Sơn chi thọ đối nguyệt chi hằng

Sơn có nguyệt càng thêm cảnh cảnh sắc

Nguyệt quải hàn sơn thi bán bức

Sơn hàm minh nguyệt tửu thiên tôn

Trăng chưa già, núi hãy còn non

Ngày đăng: 10/11/2014, 01:22

Nguồn tham khảo

Tài liệu tham khảo Loại Chi tiết
1.Hoàng Hữu Bội, Nguyễn Huy Quát (2001), một số vấn đề về phương pháp dạy học văn trong nhà trường, Nxb Giáo dục, Hà Nội Sách, tạp chí
Tiêu đề: một số vấn đề về phương pháp dạy học văn trong nhà trường
Tác giả: Hoàng Hữu Bội, Nguyễn Huy Quát
Nhà XB: Nxb Giáo dục
Năm: 2001
2.Hoàng Hữu Bội (2007), Thiết kế dạy học ngữ văn 11- phần văn học, Nxb Giáo dục, Hà Nội Sách, tạp chí
Tiêu đề: Thiết kế dạy học ngữ văn 11- phần văn học
Tác giả: Hoàng Hữu Bội
Nhà XB: Nxb Giáo dục
Năm: 2007
3.Nguyễn Sĩ Cẩn (1984), Mấy vấn đề về phương pháp giảng dạy thơ cổ Việt Nam, Nxb Giáo dục, Hà Nội Sách, tạp chí
Tiêu đề: Mấy vấn đề về phương pháp giảng dạy thơ cổ Việt Nam
Tác giả: Nguyễn Sĩ Cẩn
Nhà XB: Nxb Giáo dục
Năm: 1984
4.Nguyễn Gia Cầu (1994), “Vấn đề hiện đại hóa phương pháp dạy học văn”, nghiên cứu giáo dục, (4) Sách, tạp chí
Tiêu đề: Vấn đề hiện đại hóa phương pháp dạy học văn”", nghiên cứu giáo dục
Tác giả: Nguyễn Gia Cầu
Năm: 1994
5.Nguyễn Gia Cầu (2006), “Tiếp cận một số thành tựu của khoa học phương pháp dạy học văn trong những năm qua”, Tạp chí giáo dục, (132) Sách, tạp chí
Tiêu đề: Tiếp cận một số thành tựu của khoa học phương pháp dạy học văn trong những năm qua”, "Tạp chí giáo dục
Tác giả: Nguyễn Gia Cầu
Năm: 2006
6.Nguyễn Viết Chữ (2001), Phương pháp dạy học tác phẩm văn chương theo loại thể, Nxb Đại học Quốc Gia Hà Nội, Hà Nội Sách, tạp chí
Tiêu đề: Phương pháp dạy học tác phẩm văn chương theo loại thể
Tác giả: Nguyễn Viết Chữ
Nhà XB: Nxb Đại học Quốc Gia Hà Nội
Năm: 2001
7.Nguyễn Trọng Di (1996), “Phương pháp giáo dục tích cực bàn về luận điểm xuất phát”, Nghiên cứu giáo dục,(9) Sách, tạp chí
Tiêu đề: Phương pháp giáo dục tích cực bàn về luận điểm xuất phát”, "Nghiên cứu giáo dục
Tác giả: Nguyễn Trọng Di
Năm: 1996
8.Hồ Ngọc Đại (1983), Tâm lí học dạy học, Nxb Giáo dục, Hà nội Sách, tạp chí
Tiêu đề: Tâm lí học dạy học
Tác giả: Hồ Ngọc Đại
Nhà XB: Nxb Giáo dục
Năm: 1983
9.Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi (2000), Từ điển thuật ngữ văn học, Nxb Đại học Quốc Gia Hà Nội, Hà Nội Sách, tạp chí
Tiêu đề: Từ điển thuật ngữ văn học
Tác giả: Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi
Nhà XB: Nxb Đại học Quốc Gia Hà Nội
Năm: 2000
10. Nguyễn Trọng Hoàn (2000), Rèn luyện tư duy sáng tạo trong dạy học tác phẩm văn chương, Nxb Giáo dục, Hà Nội Sách, tạp chí
Tiêu đề: Rèn luyện tư duy sáng tạo trong dạy học tác phẩm văn chương
Tác giả: Nguyễn Trọng Hoàn
Nhà XB: Nxb Giáo dục
Năm: 2000
12.Trần Bá Hoành (2007), Đổi mới phương pháp dạy học chương trình và sách giáo khoa, Nxb Đại học Sƣ phạm, Hà Nội Sách, tạp chí
Tiêu đề: Đổi mới phương pháp dạy học chương trình và sách giáo khoa
Tác giả: Trần Bá Hoành
Nhà XB: Nxb Đại học Sƣ phạm
Năm: 2007
13.Trần Bá Hoành (1996), “ Phương pháp tích cực”, Nghiên cứu giáo dục, (3) 14.Nguyễn Thanh Hùng (2000), Hiểu văn dạy văn, Nxb Giáo dục, Hà Nội Sách, tạp chí
Tiêu đề: Phương pháp tích cực”, "Nghiên cứu giáo dục," (3) 14.Nguyễn Thanh Hùng (2000), "Hiểu văn dạy văn
Tác giả: Trần Bá Hoành (1996), “ Phương pháp tích cực”, Nghiên cứu giáo dục, (3) 14.Nguyễn Thanh Hùng
Nhà XB: Nxb Giáo dục
Năm: 2000
15.Nguyễn Thanh Hùng (2003), Đọc và tiếp nhận tác phẩm văn chương, Nxb Giáo dục, Hà Nội Sách, tạp chí
Tiêu đề: Đọc và tiếp nhận tác phẩm văn chương
Tác giả: Nguyễn Thanh Hùng
Nhà XB: Nxb Giáo dục
Năm: 2003
16.Nguyễn Phạm Hùng (2001), Trên hành trình văn học trung đại, Nxb Đại học Quốc Gia Hà Nội, Hà Nội Sách, tạp chí
Tiêu đề: Trên hành trình văn học trung đại
Tác giả: Nguyễn Phạm Hùng
Nhà XB: Nxb Đại học Quốc Gia Hà Nội
Năm: 2001
17.Nguyễn Thị Thanh Hương (2001), Dạy học văn ở trường phổ thông, Nxb Đại học Quốc Gia Hà Nội, Hà Nội Sách, tạp chí
Tiêu đề: Dạy học văn ở trường phổ thông
Tác giả: Nguyễn Thị Thanh Hương
Nhà XB: Nxb Đại học Quốc Gia Hà Nội
Năm: 2001
18.Nguyễn Thị Thanh Hương (1991), “ Các điều kiện để nâng cao giờ dạy văn học”, Nghiên cứu giáo dục, (2) Sách, tạp chí
Tiêu đề: Các điều kiện để nâng cao giờ dạy văn học”, "Nghiên cứu giáo dục
Tác giả: Nguyễn Thị Thanh Hương
Năm: 1991
19.Đinh Gia Khánh, Bùi Duy Tân, Mai Cao Chương (1978), Văn học Việt Nam thế kỉ X nửa đầu thế kỉ XVIII, tập 1, Nxb Đại học và trung học chuyên nghiệp, Hà Nội Sách, tạp chí
Tiêu đề: Văn học Việt Nam thế kỉ X nửa đầu thế kỉ XVIII
Tác giả: Đinh Gia Khánh, Bùi Duy Tân, Mai Cao Chương
Nhà XB: Nxb Đại học và trung học chuyên nghiệp
Năm: 1978
20.Nguyễn Kỳ (1995), Phương pháp giáo dục tích cực lấy người học làm trung tâm, Nxb Giáo dục, Hà Nội Sách, tạp chí
Tiêu đề: Phương pháp giáo dục tích cực lấy người học làm trung tâm
Tác giả: Nguyễn Kỳ
Nhà XB: Nxb Giáo dục
Năm: 1995
21.Nguyễn Kỳ (1994), Thiết kế bài học theo phương pháp tích cực, Trường cán bộ quản lý Giáo dục và Đào tạo, Hà Nội Sách, tạp chí
Tiêu đề: Thiết kế bài học theo phương pháp tích cực
Tác giả: Nguyễn Kỳ
Năm: 1994
22.Nguyễn Kỳ (1996), “Biến quá trình dạy học thành quá trình tự học”, Nghiên cứu Giáo dục, (3) Sách, tạp chí
Tiêu đề: Biến quá trình dạy học thành quá trình tự học”," Nghiên cứu Giáo dục
Tác giả: Nguyễn Kỳ
Năm: 1996

TRÍCH ĐOẠN

TÀI LIỆU CÙNG NGƯỜI DÙNG

TÀI LIỆU LIÊN QUAN

w