Phân tích và dự báo xu thế diễn biến ĐDSH trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng

Một phần của tài liệu Dự án quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Sóc Trăng đến năm 2020 (Trang 133)

Việt Nam xếp thứ 16 trên thế giới về đa dạng sinh học (ĐDSH), với hệ sinh thái bao gồm 11.458 loài động vật, hơn 21.000 loài thực vật và khoảng 3.000 loài vi sinh vật… Theo báo cáo tại Hội nghị về Đa dạng sinh học tại Hà Nội (2010), Việt Nam có đa dạng hệ sinh thái cao với 7 vùng phân bố tự nhiên trên phần lục địa, 6 vùng đa dạng

C

sinh học biển, 4 trung tâm ĐDSH. Các hệ sinh thái trên cạn có 7 kiểu chính trong đó phong phú nhất là HST rừng chiếm khoảng 36 % diện tích đất tự nhiên và được chia thành 14 kiểu HST phụ (kiểu rừng). HST đất ngập nước (ĐNN) có 39 kiểu gồm 30 kiểu ĐNN tự nhiên (trong đó có 11 kiểu ĐNN ven biển, 19 kiểu ĐNN nội địa) và 9 kiểu ĐNN nhân tạo. Tuy nhiên, cũng như nhiều nước trên thế giới, Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng suy giảm trầm trọng các hệ sinh thái giàu ĐDSH (Bộ Tài nguyên và Môi trường, 2010).

Tổng số các loài động-thực vật hoang dã trong thiên nhiên của Việt Nam đang bị de dọa hiện nay là 882 loài (sách Đỏ Việt Nam, 2007), tăng 161 loài so lần xuất bản Sách Đỏ trước đây (1992- 1996). Nhiều loài sinh vật quý hiếm khác đã và đang bị giảm sút số lượng nghiêm trọng. Việc tăng nhanh độ che phủ của rừng là một tín hiệu tốt, nhưng cũng nên chú ý là một nửa diện tích rừng tăng lên là rừng trồng và rừng phục hồi giá trị ĐDSH không cao. Trong khi đó rừng giàu và rừng nguyên sinh không còn nhiều và vẫn tiếp tục bị suy giảm (Hội nghị Khoa học về Đa dạng sinh học, 2010).

Trong các HST ở cạn đã phát hiện 15.986 loài thực vật với hơn 10% loài đặc hữu, 310 loài thú, 840 loài chim, 260 loài bò sát, 120 loài lưỡng cư và hàng ngàn loài động vật không xương sống. Trong các hệ sinh thái đất ngập nước, đã phát hiện 1.438 loài vi tảo, 794 loài động vật không xương sống. Trong các HST biển đã phát hiện khoảng 11.000 loài động, thực vật. Nhiều nhóm sinh vật Việt Nam có số loài đặc hữu cao (hơn 100 loài và phân loài chim, 78 loài và phân loài thú, 4 loài và phân loài thú linh trưởng…) (Trương Quang Học, 2010).

Các giống loài động vật và thực vật ở nước ta do nơi cư trú nhất là rừng bị tàn phá, do nguồn nước bị cạn kiệt và do khai thác quá mức nhất là nạn săn bắt đã làm cho ĐDSH bị suy thoái. Trong sách đỏ IUCN (2004) đã ghi 289 loài và Sách đỏ Việt Nam (2004) đã ghi 1.056 loài là những loài đang bị đe dọa toàn cầu (Bộ TN&MT 2005). Ngoài ra, nhiều giống cây trồng và vật nuôi như: lúa, đậu tương, ngô, cây ăn quả, các loài cá bản địa cũng đã mất dần.

Ở Sóc Trăng: Cơ cấu sử dụng đất của tỉnh Sóc Trăng sẽ chuyển dịch theo hướng tăng diện tích đất đô thị, đất công nghiệp để phù hợp với tốc độ công nghiệp hóa và đô thị hóa. Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nguồn tài nguyên đa dạng sinh học của tỉnh vì hệ sinh thái tự nhiên của khu vực bị phá vỡ, diện tích bề mặt thảm thực vật giảm, thu hẹp vùng đệm cây xanh và hệ thủy văn.

Thiên tai và sự cố môi trường trên địa bàn tỉnh có thể diễn ra rất phức tạp, sự chênh lệch nhiệt độ trong mùa khô và mùa mưa sẽ khá cao. Mùa nắng nhiệt độ cao gây nắng gắt, có thể là nguyên nhân gây cháy rừng, một trong những nguy cơ gây ảnh hưởng đến đa dạng sinh học và hệ sinh thái rừng. Trong mùa mưa lượng mưa lại khá cao gây lụt lội cục bộ, ảnh hưởng đến tình hình sản xuất nông nghiệp và môi trường sống của các loài động thực vật.

C

Bên cạnh đó, do ảnh hưởng bởi hiện tượng biến đổi khí hậu, nước biển sẽ dâng cao, nhiều cơn bão, sạt lở bờ biển, sự cố môi trường sẽ xảy ra. Thêm vào đó, do ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, cường độ sóng tại khu vực biển Đông diễn ra dữ dội hơn, gây sạt lở bờ nghiêm trọng hơn. Khi đó, HST rừng ngập mặn tại tỉnh Sóc Trăng sẽ bị tác động nghiêm trọng, ảnh hưởng đến các giống loài sống phụ thuộc. Ngoài ra, hệ thủy sinh tại các lưu vực nước ngọt chuyển dần sang HST nước mặn, và làm thay đổi cấu trúc hệ sinh thái nói chung và đa dạng loài nói riêng.

Sóc Trăng có diện tích rừng ngập mặn khá lớn, với diện tích 11.356 ha, gồm có rừng phòng hộ ven biển (chiếm 45%), rừng đặc dụng (chiếm 2,3%), còn lại là rừng sản xuất (chiếm 52,7%), với tỉ lệ che phủ của rừng là khoảng 3,4%. và tập trung với nhiều động thực vật có giá trị. Ngoài giá trị quốc phòng, hệ thống rừng ngập mặn và cây lâm nghiệp còn có vai trò vô cùng to lớn đến sự phát triển kinh tế, việc phòng hộ bảo vệ môi trường sinh thái cũng như tạo cảnh quan cho việc tham quan du lịch ở địa phương. Rừng tỉnh Sóc trăng gồm có các hệ sinh thái rừng tràm (khoảng 4.306 ha, được tập trung ở vùng trũng huyện Mỹ Tú và Thạnh Trị với các phân trường Mỹ Phước, lâm trường Phú Lợi, phân trường Thạnh Trị) và rừng ngập mặn (ven biển huyện Vĩnh Châu, Trần Đề và Cù Lao Dung). Hệ thực vật gồm nhiều loại như: đước, bần, mắm… là nơi cư trú của nhiều loài động, thực vật hoang dã như: chim, rùa, rắn, chồn, ếch, nhái cóc... và là môi trường thuận tiện cho các loài thủy hải sản phát triển. Hàng năm, lượng phù sa lớn do sông Hậu mang lại được bồi lắng ở cửa sông và trong các dải rừng ngập mặn ven biển, bãi biển tỉnh Sóc Trăng ngày càng được mở rộng ra biển. Tuy nhiên, do phần lớn là rừng mới trồng, phân tán thành từng nhóm, chưa hình thành các dãy liên tục, có khả năng sống thấp, do ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như gió bão, phù sa bồi lấp, một số diện tích đất có rừng được chuyển mục đích sang nuôi trồng thủy sản... Do đó, nếu không có những giải pháp nhằm phát triển rừng, bảo vệ rừng hợp lý thì rừng sẽ tiếp tục suy thoái.

Riêng đối với HST vùng cửa sông chịu tác động lớn bởi tác động của thủy triều và sự pha trộn giữa nước mặn và nước ngọt nên rất năng động nhưng cũng rất dễ bị ảnh hưởng do ô nhiễm môi trường và do thay đổi chế độ thủy văn, đặc biệt là do ảnh hưởng bởi hiện tượng biến đổi khí hậu. Do đó, theo xu hướng phát triển công nhiệp và đô thị hóa mà không quan tâm đến vấn đề về chất lượng nước thải sẽ ảnh hưởng không tốt đến khu vực này và sẽ dẫn đến việc suy giảm nguồn lợi thủy sản vùng cửa sông trong tương lai.

Một phần của tài liệu Dự án quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Sóc Trăng đến năm 2020 (Trang 133)