6. Bố cục của đề tài
2.2.2. Tạo dựng thương hiệu hình ảnh điểm đến
Với vị thế là một trong những trọng điểm của du lịch Nghệ An nên thời gian qua hoạt động tuyên truyền quảng bá về Khu di tích Kim Liên được quan tâm xúc tiến rộng rãi ở trong nước và quốc tế. Từ lâu Khu Di tích Kim Liên đã trở thành điểm tham quan không thể thiếu đối với nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế khi đến Nghệ An. Lượng khách đến đây tham quan hàng năm chiếm tỷ trọng lớn trong tổng lượng khách đến Nghệ An với trên 1 triệu lượt và có xu hướng tăng trong những năm gần đây, nhất là dịp năm chẵn, năm có diễn ra các sự kiện trong đại như năm 2000, 2010, 2012… Kim Liên đã trở thành một điểm đến là biểu tượng của du lịch văn hóa. Điều đó phần nào được thể hiện qua logo của du lịch Nghệ An trong vòng mấy năm qua. Hình ảnh và các thông tin về khu di tích đã được giới thiệu trên các ấn phẩm quảng bá du lịch như sách hướng dẫn, đĩa phim, tập gấp, các trang web du lịch, cổng thông tin điện tử các cấp, các ngành trong tỉnh như là biểu tượng của Nghệ An cũng như du lịch Nghệ An.
Một trong những yếu tố tạo nên hình ảnh điểm đến cho khu di tích chính là đội ngũ thuyết minh viên. Điều 78 của Luật Du lịch quy định:
“Thuyết minh viên là người thuyết minh tại chỗ cho khách du lịch trong phạm vi khu du lịch, điểm du lịch” [50, Tr. 64]. Như vậy, có thể hiểu theo cách thông thường thuyết minh viên là những người làm công tác thuyết minh, hướng dẫn giới thiệu, truyên truyền - giáo dục tại các điểm như: Khu bảo tồn di tích lịch sử văn hóa, các bảo tàng, khu di tích, khu đa dạng sinh học, các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên….Đây là đội ngũ âm thầm đóng góp công sức và trí tuệ của mình nhằm phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, giới thiệu với du khách trong nước và bạn bè thế giới về những nét đẹp của đất nước, con người và những giá trị lịch sử văn hóa của dân tộc Việt Nam, đồng thời tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo, góp phần thúc đẩy ngành du lịch phát triển bền vững. Thực tế hiện nay, du lịch văn hóa và du lịch cộng đồng ngày càng được khẳng định. Vì vậy, đi du lịch không chỉ đơn thuần là thăm thú cảnh quan, mà du khách còn có nhu cầu tìm hiểu khám phá những nét độc đáo của truyền thống văn hóa, phong tục tập quán của các điểm đến. Chính vì vậy, bên cạnh những hướng dẫn viên du lịch của các công ty lữ hành, đội ngũ những người làm công tác thuyết minh tại điểm là vô cùng cần thiết và quan trọng giúp du khách nói chung, nhất là đối với du khách quốc tế khi đến với Việt Nam hiểu biết sâu về những giá trị văn hóa lịch sử của mỗi một địa danh, mỗi di tích, điều đó có ý nghĩa sâu sắc góp phần quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam với bạn bè trên thế giới.
Theo kết quả khảo sát điều tra, tác giả có được câu trả lời rằng: Khoảng 95,6% khách du lịch khi đến với khu di tích Kim Liên điều làm họ ấn tượng nhất là đội ngũ thuyết minh viên. Đội ngũ thuyết minh viên tại Khu di tích Kim Liên hiện nay có 22 người. Hầu hết họ được đào tạo tại các trường Đại học, Cao đẳng chuyên ngành nghiệp vụ hướng dẫn du lịch. Với những kiến thức sâu về chuyên môn cộng với sự nhiệt huyết, lòng yêu nghề sâu sắc, thêm vào đó kết hợp với chất giọng miền trung ấm áp, nhẹ nhàng truyền cảm.
Những anh chị thuyết minh viên tại khu di tích này đã mang đến những câu chuyện cảm động về quê hương, gia đình, các thời kì thăng trầm trong cuộc đời Bác Hồ. Họ đã gây được những xúc động mạnh, để lại những ấn tượng sâu sắc, tốt đẹp trong lòng khách tham quan. Khu di tích Kim Liên luôn quan tâm đến sự mong muốn và cảm xúc của khách du lịch khi đến đây. Một số thuyết minh viên còn được chính Thủ Tướng Chính Phủ tặng danh hiệu thuyết minh viên giỏi.
Do đặc thù nghề nghiệp nên thuyết minh viên tại điểm ở đây hầu hết là người dân địa phương được tuyển chọn gắt gao, có tầm hiểu biết về lịch sử và văn hóa xứ Nghệ và đặc biệt là am tường về cuộc đời và sự nghiệp của Hồ Chủ Tịch và những người thân trong gia đình người.Công việc đặc biệt này đòi hỏi họ không được để xảy ra sai sót gì dù là nhỏ nhất. Khách du lịch thường gọi những thuyết minh viên du lịch ở Khu di tích Kim Liên là những người kể chuyện Bác Hồ. Giọng nói nhẹ nhàng truyền cảm và đậm chất xứ Nghệ của thuyết minh viên tại di tích đã khiến không ít du khách trong và ngoài nước cảm phục. Có những người có thâm niên lâu như chị Trần Thị Thao hay chị Hoàng Thị Bích Đảm - 20 năm gắn bó với nghề hay những người mới chập chững vào nghề như chị Lương Thị Định, nguyễn Thị Thu Hương… Nhưng trên tất cả họ đều có tâm huyết với nghề, coi khách du lịch là người mình phải phục vụ, tự hào là con dân Bác Hồ tiếp khách khi họ đến chơi nhà. Nhiệm vụ của họ là hướng dẫn, thuyết minh từng chi tiết nhỏ trong khu di tích Kim Liên với các địa điểm như khu mộ Bà Hoàng Thị Loan, Làng Sen quê nội hay Hoàng Trù quê ngoại. “Mỗi vật dụng đơn sơ trong căn nhà của Bác ở quê nội, quê ngoại đều gắn với những câu chuyện cảm động về cuộc sống của gia đình. Vì vậy, người thuyết minh phải làm sao cho du khách và bạn bè năm châu hòa mình cùng di tích, sống và cảm nhận những ngày xưa cũ khi cậu bé Nguyễn Sinh Cung còn ở Làng Sen, làng Chùa. Từ đó, du khách
mới hiểu được cuộc sống thanh bần, giản dị của Hồ Chủ Tịch và những người thân quê nhà”, chị Hoàng thị Bích Đảm tâm sự. Những nữ thuyết minh viên còn nhớ như in câu chuyện của một du khách đến từ Mỹ. Trong suốt cuộc hành trình thăm nhà Bác, vị khách này im lặng chăm chú lắng nghe nhưng khi được nghe kể về cuộc đời bà Hoàng Thị Loan và chiếc võng mà cậu bé Nguyễn Sinh Cung đã từng nằm, ông không dấu nổi cảm xúc, cầm lấy tay cô thuyết minh viên và nói hai từ “cảm ơn”. Về sau mọi người mới biết vị khách du lịch ấy chính là cựu lính Mỹ đã từng tham gia chiến tranh ở Việt Nam. Bên cạnh vô vàn những câu chuyện xúc động về các đoàn khách hành hương đến nhà Hồ Chủ Tịch, những người làm công tác thuyết minh tại khu di tích còn rất cảm kích trước tấm lòng của du khách muôn phương. Đã có hàng trăm bức thư, hàng nghìn bức ảnh của du khách khắp nơi gửi đến Ban quản lý khu di tích để khen ngợi các cô thuyết minh viên thầm lặng.
Nhiều người còn nhớ như in vần thơ viết vội của một du khách Miền Nam khi kết thúc chuyến tham quan: Từ chuyện thật qua lời rất thật/Em đưa anh vào thế giới của thiêng liêng/ôi kỳ diệu tuyệt vời thay giọng nói/Quê hương mình hay mẹ đã cho em/Dư âm ấy phả làm hơi xứ Nghệ/hay điệu dân ca kết tụ của trăm năm… Chỉ bấy nhiêu thôi cũng thấy được chính những người thuyết minh viên tại khu di tích đã thổi hồn vào cho khu di tích, thổi hồn vào cho những di vật tưởng chừng vô tri vô giác, đem đến cảm xúc sâu lắng cho khách du lịch bằng một chất giọng rất Nghệ, bằng một tấm lòng Nghệ và bằng tấm huyết của những người Xứ Nghệ. Chính họ chứ không ai khác đã góp phần taọ nên hình ảnh điểm đến cho khu di tích Kim Liên.
Tuy nhiên qua điều tra xã học, có 42,5% du khách khẳng định kim Liên không phải là một điểm du lịch văn hóa có văn hóa du lịch. Mặc dù vẫn có các biển báo và thùng rác, thế nhưng thói quen của một số người đi du lịch đặc biệt là du khách ở lứa tuổi thanh thiếu niên vẫn ném rác ở bất kỳ đâu họ
muốn. Hiện tượng rác thải bị vứt bừa bãi và chất thành đống vẫn còn xuất hiện trong khu vực tham quan đặc biệt là tại điểm quê Nội, quê Ngoại - những nơi đón những đoàn khách khá đông trong ngày so với điểm còn lại. Một số du khách cho rằng, họ không thích cách thuyết minh rập khuôn theo mô típ của các thuyết minh viên tại các điểm trong khu di tích. Ai cũng giống ai về cách thuyết minh, nội dung thuyết minh. Chính điều đó đã tạo nên sự nhàm chán và thiếu chân thật về mặt tình cảm.