Thành tố tạo dựng văn hoá du lịch

Một phần của tài liệu Mối quan hệ giữa văn hóa du lịch và du lịch văn hóa Những vấn đề lý luận và thực tiễn Luận văn ThS. Du lịch (Trang 34)

6. Bố cục của đề tài

1.1.4.2. Thành tố tạo dựng văn hoá du lịch

- Khách du lịch

Có không ít các cách hiểu khác nhau về khách du lịch do hoàn cảnh thực tế ở mỗi nước, lăng kính khác nhau của các học giả khác nhau. Trước hết trong tất cả các định nghĩa, du khách đều được coi là người đi khỏi nơi cư trú thường xuyên của mình. Theo các nhà kinh tế học người Anh: Khách du lịch là tất cả những người thõa mãn hai điều kiện: rời khỏi nơi cư trú thường xuyên của mình trong khoảng thời gian ít nhất 1 năm và tiêu tiền tại nơi mà họ đến mà không kiếm tiền ở đó. Đó cũng là cách hiểu của Ủy ban đánh giá tài nguyên Quốc gia Hoa Kỳ, văn phòng kinh tế công nghiệp Australia.. về sau người ta đánh giá tiêu chí này không phù hợp do ở đây du khách không phải được nhìn nhận dưới con mắt của nơi nhận khách mà lại từ phía gửi khách. Tiêu chí thứ hai được nhiều nhà kinh tế du lịch nhấn mạnh là không phải theo đuổi mục đích kinh tế. Nhìn lại lịch sử hình thành và phát triển của hoạt động du lịch, mọi người đều thừa nhận rằng chính các thương gia, trong quá trình mở rộng quan hệ làm ăn buôn bán của họ lại là một đối tượng phục vụ quan trọng của ngành du lịch. Các số liệu thống kê về cơ cấu khách ở nhiều nước cũng khẳng định cho nhận định trên. Tiêu chí thứ ba trong định nghĩa du khách được quan tâm là thời gian và khoảng cách từ nơi cư trú đến nơi du lịch. Rất nhiều người cho rằng đi lại…

Theo PGS.TS Trần Đức Thanh trong tác phẩm “Nhập môn khoa học du lịch”, “du khách là người từ nơi khác đến với/hoặc kèm theo mục đích thẩm nhận tại chỗ những giá trị vật chất, tinh thần hữu hình hay vô hình của thiên nhiên và /hoặc của cộng đồng xã hội. Về phương diện kinh tế, du khách là người sử dụng dịch vụ của các doanh nghiệp lữ hành, lưu trú, ăn uống...”[42,tr.20].

Khách du lịch là một yếu tố không thể thiếu tại các điểm du lịch và đối với mọi loại hình du lịch từ xưa đến nay. Và nói đến các thành tố cấu thành nên văn hóa du lịch thì không thể không nhắc tới thành tố này. Khách du lịch chính là chủ thể du lịch, họ là người trực tiếp thưởng thức các giá trị vật chất hay tinh thần tại điểm đến. Tính văn hoá của chủ thể du lịch thể hiện ở quá trình thưởng thức du lịch. Trên hết nó được bộc lộ qua ý thức đối với nhu cầu du lịch bởi điều đó thể hiện rõ trình độ văn hoá nhất định và nhu cầu xã hội về nhiều mặt của mọi người. Những quan niệm về giá trị, hình thức tư duy, tính thẩm mỹ, tích cách, tình cảm… sẽ được bộc lộ trong hoạt động du lịch và nó phản ánh tâm lý dân tộc. Đối với loại hình du lịch biển, họ chính là người thưởng thức giá trị của loại hình du lịch này. Họ là người thả hồn mình vào dòng nước biển mặn mòi,tắm nắng vào những sáng tinh mơ, họ sử dụng các dịch vụ tại các khu du lịch biển và cũng chính họ là người tạo nên sự sầm uất hay vắng vẻ của những chốn biển đảo. Đến với du lịch văn hóa, du khách được thỏa mãn nhu cầu khám phá các vùng, các miền văn hóa khác nhau của những dân tộc khác nhau, khu vực khác nhau hay các di tích lịch sử văn hóa không giống nhau tại các địa phương. Có những du khách mong muốn rời xa chốn đô hội đông đúc chật hẹp, ô nhiễm, ồn ào thì họ lại tìm đến với loại hình du lịch sinh thái. Thăm thú những khu rừng nguyên sinh, đắm mình trong đời sống của thế giới động vật đặc hữu của mỗi vùng hay tò mò và bất ngờ với những nét văn hóa khác biệt của vùng đất mà mình đang đặt chân tới. cũng có những du khách tìm đến với loại hình du lịch sinh thái nhằm thõa mãn được nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu sinh học, đa dạng sinh thái…Đặc điểm tâm lý cũng như trình độ văn hóa của từng đối tượng khách đối với từng loại hình du lịch cũng hoàn khác nhau hay đối với du khách từng quốc gia, từng vừng miền lại càng thấy được sự khác biệt đó. Những người lựa chọn loại hình du lịch sinh thái thì không đòi hỏi nhiều về mặt trình độ văn hóa nhưng đi kèm với họ đó chính là đặc điểm tâm lý thích hoạt động ngoài thiên nhiên, yêu

thiên nhiên và thế giới động thực vật. Khác với khách du lịch sinh thái, khách du lịch văn hóa là những người thích khám phá, nghiên cứu. Đối với loại hình du lịch này đòi hỏi một giới hạn nhất định của người tham gia. Bởi vì “Các tài nguyên có giá trị lịch sử văn hóa có sức thu hút đặc biệt đối với du khách có trình độ cao, ham hiểu biết” [42, Tr. 108]. Trình độ văn hóa của người đi du lịch quy định cách ứng xử của họ tại các điểm du lịch. Có những người đi du lịch rất có ý thức trân trọng cái đẹp, cái cổ truyền, cái vốn là bản sắc hay là cái gốc của của điểm du lịch. Xin đơn cử ra ví dụ rằng sẽ thật đáng quý với những du khách biết chiêm ngưỡng và gìn giữ những gì thuộc về cấu trúc cổ của những ngôi đình, ngôi chùa; hay đó là những giọt nước mắt lăn dài xúc động khi nghe hướng dẫn viên thuyết minh về điểm du lịch; Chỉ để lại những dấu chân và lấy đi những bức ảnh khi đi vào các vườn quốc gia; tuân thủ những nội quy, quy định của các điểm, các khu du lịch khi tham quan các điểm du lịch… Tuy nhiên cũng không ít những người đi du lịch sẵn sàng làm tất cả những gì mình thích mặc cho những nội quy hay biển báo tại các điểm mà họ đang tham quan. Đáng tiếc, nhiều bãi biển, nhiều danh lam thắng cảnh đang ngày càng bẩn vì rác thải vứt vô tội vạ, chưa kể những dòng lưu bút viết vẽ đủ kiểu, đủ loại trên các vách đá, thân cây, thậm chí còn khắc trên bia cổ…cũng đã có không ít người lợi dụng con đường du lịch để làm những điều phi pháp như buôn bán một số vật cấm, đánh bài bạc trong quá trình đi du lịch, tham gia đánh nhau hay gây gỗ tại khu du lịch. Đó chính là những biểu hiện khác nhau của văn hóa du lịch thông qua yếu tố chủ thể du lịch. Ngoài ra nó còn được thể hiện qua hành vi du lịch biết hướng tới cái đẹp, trân trọng và nâng niu cái đẹp.

- Tài nguyên du lịch

Tài nguyên du lịch chính là Khách thể du lịch, là cơ sở vật chất của văn hóa du lịch, các cơ sở này vừa cung cấp đối tượng để du khách tham quan,

thưởng thức du ngoạn, đồng thời cũng chỉ có dưới sự quan tâm của du lịch mới có thể hoạt động được.

Tính văn hoá của khách thể du lịch được thể hiện qua các giá trị mà tài nguyên du lịch có thể cung cấp cho du khách, những giá trị về thẩm mỹ vệ sinh, môi trường về khả năng nâng cao thể chất và tri thức cho du khách, chưa nói đến bản thân khái niệm các giá trị rất rộng. Ví như một tài nguyên du lịch là một di tích lịch sử văn hoá, giá trị thẩm mỹ ở đây là phải trân trọng tính xác thực, việc trùng tu, tôn tạo làm biến dạng di tích, làm mất đi vẻ đẹp nguyên sơ ban đầu của nó, vi phạm tính nguyên gốc - tính xác thực lịch sử của di tích, đó có thể coi là một hành vi không văn hoá. Điều đó không những không có tác dụng thu hút du khách mà ở một chừng mực nhất định còn làm phương hại đến hình ảnh của điểm du lịch, hình ảnh chung về nền văn hoá của cả quốc gia.

Tính văn hoá trong khách thể du lịch cũng được coi là một tiêu chuẩn để xác định chất lượng sản phẩm du lịch.

- Nguồn nhân lực du lịch

Ngành du lịch vừa gồm các dịch vụ du lịch, quản lý điểm du lịch, trực tiếp tiếp xúc với khách hàng, cũng bao gồm việc xây dựng các khu, điểm du lịch, thiết kế chương trình, bố trí các cơ sở dịch vụ... Nhiệm vụ cơ bản nhất là bắc cầu giữa chủ thể và khách thể du lịch để kiếm tìm cái đẹp và cung cấp cái đẹp. Tính văn hoá được thể hiện trong nguồn nhân lực du lịch (hay theo cách nói khác của TS.Bùi Thanh Thủy chính là bộ phận môi giới) là ngành du lịch khi thiết kế tuyến du lịch, xây dựng các khu điểm du lịch, các cơ sở du lịch, dịch vụ… phải tạo được tính văn hóa. Phải có tác dụng nâng cao được phong vị cuộc sống của du khách, khiến cho du khách cảm giác an lành, thư thái, làm giàu thêm tri thức về thiên nhiên, con người và văn hoá, cảm thấy được cái đẹp của thế giới tự nhiên, triết lý nhân văn và nền văn hoá bản địa.

Cần đảm bảo sự hợp lý, tối ưu trong đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị hạ tầng du lịch, nhưng ngoài thông lệ quốc tế, còn phải có phần đặc thù của nó. Theo các tuyến, điểm du lịch đã được quy hoạch chi tiết, phải từng bước xây dựng hệ thống đường xá, phương tiện vận chuyển, cơ sở lưu trú: khách sạn, nhà hàng, nơi mua sắm; phương tiện thông tin liên lạc...theo tiêu chuẩn quốc tế, càng hiện đại, càng thuận lợi càng dễ thu hút khách. Tuy nhiên, bên cạnh phần thông lệ quốc tế, trong du lịch còn có những phần cơ sở vật chất, thiết bị hạ tầng mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc hấp dẫn du khách. Ví như tại các danh thắng, các khu cảnh quan phải giữ được con đường gập ghềnh uốn khúc qua các sườn núi, ven sông, lên các hang động, chùa chiền mới là du lịch. Không thể hoặc nhất quyết không được bê tông hoá/gạch hoá/ đá hoá hoàn toàn những con đường quanh co, uốn lượn, đó là “phần hồn” của điểm du lịch. Đánh mất phần hồn ấy, giá trị của du lịch sẽ bị giảm sút và chất lượng du lịch cũng sẽ bị suy giảm. Hay tại các điểm du lịch, các ngôi làng, đô thị cổ, khi quy hoạch, xây dựng phải đảm bảo không làm tổn hại đến không gian, bảo tồn những con đường cổ, nhà cổ, cây cầu cổ, chợ, nơi sinh hoạt của cộng đồng cư dân thì điểm này mới khẳng định được những giá trị đặc sắc, riêng có của nó một cách đầy đủ. Kể cả trong trang thiết bị khách sạn, nhà hàng cũng vậy, ngoài phần quốc tế, phải tăng tỷ lệ cơ sở vật chất, thiết bị hạ tầng mang phong cách riêng như tạo dáng kiến trúc, trang trí nội thất, hoa văn trang trí, các vật dụng... làm từ các đồ thủ công truyền thống như thêu ren, lụa, gốm, đá, cói...

Tính văn hoá còn được biểu hiện bởi thái độ ứng xử, hiểu biết rộng, thói quen chính xác khoa học của người môi giới du lịch nhất là người thiết kế sản phẩm và đặc biệt là hướng dẫn viên du lịch - người trực tiếp đi cùng với khách du lịch/ chủ thể du lịch trong suốt chuyến du lịch, là người có nhiệm vụ tìm kiếm cái đẹp và cung cấp cái đẹp cho du khách.

Một phần của tài liệu Mối quan hệ giữa văn hóa du lịch và du lịch văn hóa Những vấn đề lý luận và thực tiễn Luận văn ThS. Du lịch (Trang 34)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(116 trang)