Những yếu tố khác

Một phần của tài liệu Mối quan hệ giữa văn hóa du lịch và du lịch văn hóa Những vấn đề lý luận và thực tiễn Luận văn ThS. Du lịch (Trang 39)

6. Bố cục của đề tài

1.1.4.3.Những yếu tố khác

- Môi trường du lịch

Ngoài những yếu tố nói trên, phát triển được du lịch phải có một môi trường du lịch tốt (bao gồm cả môi trường sinh thái tự nhiên và môi trường xã hội nhân văn). Môi trường xã hội nhân văn gồm trình độ phát triển xã hội, trình độ dân trí, mức sống, ý thức tôn trọng pháp luật, kể cả toàn bộ hệ thống thiết chế, luật pháp, cơ chế chính sách. Môi trường xã hội nhân văn thuận lợi, đặc biệt là môi trường pháp lý rõ ràng, phù hợp với thông lệ quốc tế sẽ có tác dụng tích cực trong việc khuyến khích du lịch phát triển.

- Cách thức quản lý

Du lịch là một hoạt động có sẵn tính văn hoá nhưng suy cho cùng nó vẫn là một hoạt động kinh doanh cho nên các sản phẩm của nó cũng phải đảm bảo tính văn hoá. Chính vì vậy rất cần đến sự có mặt của các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch ở các cấp, các ngành khác nhau. Vấn đề quan trọng là cách thức quản lý sao cho hiệu quả trong các lĩnh vực khai thác các tài nguyên du lịch, hoạt động kinh doanh tại các điểm du lịch cho đến vấn đề quản lý vấn đề rác thải tại các điểm, khu du lịch… Từ phía người làm du lịch, rõ ràng du lịch là một hoạt động kinh doanh, mà đã là kinh doanh thì người ta luôn đặt lợi ích lên hàng đầu. Họ sẽ bằng mọi cách để thu được nguồn lợi ích từ du lịch một cách cao nhất có thể. Rất nhiều các điểm du lịch do sự khai thác quá mức đã làm cạn kiệt nguồn tài nguyên du lịch; hay sự tập trung quá lớn số lượng du khách trong một khoảng thời gian tại các vườn quốc gia đã làm cho một số loài động vật phải di cư. Sự nguyên sơ của các bãi biển không còn khi người làm du lịch không ngần ngại kè đá, xây ốt, tạo ra vô số công trình khác lạ. Cảnh quan của nhiều các di tích đang bị thay đổi dưới bàn tay của con người; Mới đây người ta phát hiện một sự thật rằng một số linh vật được cho là không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam đã được đưa

vào trang trí tại rất nhiều các khu di tích trong cả nước… Tất cả những hiện tượng nói trên đều rất cần sự có mặt của các cơ quan quản lý nhà quản lý về du lịch. Điều quan trọng là phải có cách thức quản lý hợp lý với từng hoàn cảnh, điểm, khu du lịch cùng những quy định chung của Luật du lịch cũng như Luật pháp. Đây chính là một thành tố tạo nên văn hóa du lịch.

- Sản phẩm du lịch

Không phải bất cứ sản phẩm du lịch nào được khai thác từ văn hoá dân tộc cũng đều mang sẵn tính độc đáo, mặc dù văn hoá bản thân nó đã mang tính đặc thù cho mỗi quốc gia. Khai thác những yếu tố mang tính bản sắc, đặc trưng của văn hoá dân tộc để hình thành các sản phẩm du lịch chính là tạo nên những sản phẩm văn hoá đặc sắc, riêng biệt. Để có một hệ thống sản phẩm - hàng hoá du lịch mang tính văn hoá thì nó phải được thể hiện trong toàn bộ chi tiết từ tuyến du lịch, điểm du lịch, phương tiện du lịch và các dịch vụ… nói chung phải xây dựng được sản phẩm đáp ứng được hai yêu cầu: Tính đặc sắc và tính biểu trưng của nền văn hoá dân tộc. không phải bất cứ TN văn hoá nào cũng tạo ra được sản phẩm du lịch đặc sắc, cần tinh lọc, lựa chọn, đầu tư, giữ gìn giá trị văn hoá mang tính cốt lỗi để tạo sản phẩm gốc- điểm du lịch mang tính văn hoá cao của vùng/miền/địa phương/quốc gia…, các sản phẩm phụ trợ để đáp ứng nhu cầu của khách như cơ sở lưu trú, ăn uống, hàng lưu niệm…

Du lịch tới các vùng dân tộc thiểu số đang được thế giới quan tâm bởi ở đó du khách sẽ được quan sát, tìm hiểu những tập tục, những lối sống cũng như những giá trị văn hoá đặc sắc, riêng có, hiếm lạ. Nhiều nước trên thế giới có các dân tộc ít người sinh sống. Tuy nhiên, ở Việt Nam lại có những lợi thế so sánh trong phát triển du lịch đến với các vùng dân tộc ít người. Lợi thế đó được thể hiện trong sự bảo lưu những nét sơ khai của văn hoá các dân tộc, trong lối sống, tập tục, trong thói quen canh tác hay trong kiến trúc, trang

phục, trong sinh hoạt văn hoá nghệ thuật và nghề thủ công truyền thống. Đặc biệt những nét văn hoá đó lại được hoà quện với không gian sinh thái tự nhiên tuyệt đẹp, trong lành có sức cuốn hút du khách. Ngoài ra, nét hấp dẫn của các nền văn hoá các dân tộc ít người Việt Nam chính là đa dạng trong sự thống nhất của nền văn hoá dân tộc. Như vậy, đầu tư để phát triển loại hình du lịch tới các vùng dân tộc thiểu số chính là tạo nên một loại hình du lịch văn hoá độc đáo, đặc sắc của Việt Nam.

Một phần của tài liệu Mối quan hệ giữa văn hóa du lịch và du lịch văn hóa Những vấn đề lý luận và thực tiễn Luận văn ThS. Du lịch (Trang 39)