c. Nguyên nhân hạn chế
3.2.4. Quản lý công tác kiểm tra đánh giá học sinh của tổ chuyên môn
3.2.4.1. Mục đích
Quản lý công tác kiểm tra, đánh giá học sinh của giáo viên, giúp cho Hiệu trưởng quản lý chất lượng học tập của học sinh; từ đó có biện pháp quản lý tốt hơn quá trình giảng dạy của giáo viên để nâng cao chất lượng dạy học trong nhà trường. Vì kết quả học tập của học sinh là thước đo để đánh giá chất lượng hoạt động dạy học và học trong nhà trường. Mọi nỗ lực của thầy trò trong nhà trường đều hướng tới mục đích cuối cùng là kết quả học tập của học sinh.
Thông qua quản lý công tác kiểm tra, đánh giá học sinh, Hiệu trưởng nắm vững kết quả học tập, biết được ý thức và khả năng học tập của học sinh, từ đó có kế hoạch để chỉ đạo giáo viên bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo học sính yếu – kém cho phù hợp với đối tượng học sinh. Đồng thời, có biện pháp để giáo dục, nâng cao tinh thần trách nhiệm trong học tập của học sinh.
Quản lý công tác kiểm tra, đánh giá học sinh, tạo ra được sự công bằng trong đánh giá; từ đó khích lệ học sinh vươn lên để có kết quả học tập tốt hơn. Những học sinh yếu kém không có tư tưởng chờ đợi, ỷ lại mà phải cố gắng vươn lên bằng chính sức lực của mình để có kết quả học tập tốt hơn. Củng cố lòng tin, uy tín của nhà trường trước phụ huynh học sinh và xã hội.
Quản lý được công tác kiểm tra, đánh giá kết quả học sinh, sẽ xây dựng nề nếp nghiêm túc ở học sinh, tránh tình trạng học lệch, học tủ chạy theo điểm số mà bỏ quên chất lượng thật. Đây là một hiện tượng xẩy ra khá phổ biến ở các nhà trường trong cơ chế thị trường hiện nay.
Quản lý công tác kiểm tra, đánh giá học sinh, ngăn chặn được những tiêu cực, gian lận trong thi cử. Đây là động lực thúc đẩy sự vươn lên học tập của học sinh trong nhà trường.
3.2.4.2. Nội dung và cách thực hiện biện pháp
Việc quản lý, kiểm tra đánh giá học sinh của các tổ chuyên môn trong nhà trường rất cần thiết và không thể thiếu trong quản lý hoạt động chuyên môn của Hiệu trưởng, nhằm hạn chế tác động tiêu cực trong hoạt động dạy và học của nhà trường. Theo chúng tôi, để quản lý công tác kiểm tra, đánh giá học sinh thì Hiệu trưởng cần phải tiến hành những biện pháp sau:
- Ngày từ đầu năm học Hiệu trưởng nhà trường cho tất cả các giáo viên học tập quy chế chấm bài, trả bài, cho điểm và vào sổ đối với học sinh.
- Quy định mỗi giáo viên đều phải cho điểm học sinh vào sổ điểm cá nhân và sổ điểm chính đồng thời một lúc. Tránh tình trạng giáo viên cho điểm vào sổ cá nhân đến khi tổng kết điểm mới cho điểm vào sổ chính.
- Quy định cụ thể với tất cả các giáo viên trong nhà trường thời hạn cho điểm vào sổ lớp như sau:
Đối với các môn tự nhiên khi kiểm tra thường xuyên, kiểm tra định kỳ theo quy định thì sau 1 tuần giáo viên phải cho điểm vào sổ lớp. Đối với các môn xã hội thì có thể kéo dài đến 2 tuần.
- Quy định đối với tất cả học sinh trong nhà trường đều phải có túi đựng bài kiểm tra giáo viên chấm xong trả bài cho học sinh và học sinh phải lưu trữ đến hết cả năm học.
- Ngay từ đầu năm học các tổ chuyên môn phải họp bàn, thống nhất nội dung trọng tâm, chương trình kiểm tra thường xuyên, kiểm tra định kỳ tất cả
các khối lớp và thời gian kiểm tra vào tuần thứ mấy đối với các bài kiểm tra thường xuyên.
- Hiệu trưởng chỉ đạo Phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn thành lập ngân hàng đề thi theo chu trình sau đây:
Ở tất cả các khối lớp, các giáo viên giảng dạy đều ra đề khi kiểm tra thường xuyên, kiểm tra định kỳ theo quy định thống nhất của tổ ngay từ đầu năm học. Đề ra kèm theo đáp án và nạp lại cho tổ trưởng chuyên môn. Tổ trưởng chuyên môn có trách nhiệm tập hợp ngân hàng đề, báo cáo Phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn để có phương án lựa chọn đề kiểm tra khi có yêu cầu. Quản lý được đề thi theo dạng ngân hàng đề sẽ tạo được công bằng trong thi cử; tránh được tình trạng giáo viên ra đề kiểm tra không đánh giá đúng chất lượng học sinh.
- Đối với kỳ thi học kỳ thì Hiệu trưởng ủy quyền cho Phó Hiệu trưởng chuyên môn chỉ đạo các tổ trưởng chuyên môn chịu trách nhiệm ra đề và đáp án chấm. Trước khi ra đề thì các tổ chuyên môn họp thống nhất về nội dung, chương trình; sau đó tổ trưởng chịu trách nhiệm trước Hiệu trưởng ra đề và nạp lại cho Phó Hiệu trưởng phụ trách chuyên môn. Kỳ thi này nhà trường nên tổ chức theo đúng quy mô, đảm bảo các quy định như các kỳ thi tốt nghiệp THPT. Làm như vậy tránh tình trạng giáo viên tự dạy, tự ra đề, tự kiểm tra, đánh giá học sinh của mình. Các bài kiểm tra học kỳ phải lưu giữ tại trường một năm. Việc phúc khảo bài thi của học sinh phải tiến hành đúng quy chế.
Đây là biện pháp quan trọng, không chỉ quản lý được về chuyên môn mà còn tạo ra nề nếp học tập nghiêm túc đối với học sinh và tạo ra sự công bằng trong kiểm tra đánh giá học sinh, khích lệ được sự cố gắng học tập của học sinh. Có thể nói, đây là khâu đột phá trong quá trình chỉ đạo nâng cao chất lượng dạy và học trong các nhà trường hiện nay.