6. Bố cục của luận văn
2.3.6. Đời sống tâm linh
Hàng năm cứ vào ngày 20 tháng giêng âm lịch thì tổ chức lễ hội. Nơi tổ chức lễ hội là áng tế. Áng tế là một khu đất cao, có mặt bằng rộng. Mặt bằng này được phân làm hai cấp. Cấp cao xây các bệ thờ làm nơi đặt bát hương và các lễ phẩm nên có diện tích nhỏ hơn. Cấp thấp có diện tích lớn hơn làm sân tế, được lát gạch bát. Đó là nơi ngồi của quan viên, nha môn, văn trưởng, hương lão và cũng là nơi dân làng đến đứng dự lễ. Áng tế không làm mái che.
Chính giữa là sân tế lễ. Phía bên phải là hàng chiếu ngồi của các quan viên. Bên trái là chiếu ngồi của các hàng nha môn, văn trưởng, hương lão.
Phần lễ được tiến hành như sau:
Chiều ngày 19 tháng Giêng, nhân dân trong làng đều rước kiệu đưa vị thành hoàng đến áng thờ. Cuộc rước kiệu diễn ra rất trang nghiêm, lộng lẫy. Kiệu được trang trí đẹp, mỗi kiệu có từ 8 đến 16 người khiêng. Người khiêng mặc áo đỏ cộc tay, quần dài đỏ, chân quấn xà cạp trắng, đầu chít khăn đỏ. Đi trước kiệu là hai hàng cờ hội, sau đó là người vác gươm, chùy, kiếm và biển gỗ, tiếp sau là dàn nhạc bát âm. Sau đó là kiệu, hai bên và phía sau kiệu có người vác tán, vác lọng che cho kiệu. Sau cùng là quan viên, bô lão và nhân dân trong làng.
Sáng ngày 20, sau khi kiệu và các lễ phẩm đã chuẩn bị xong, đặt đúng vị trí quy định thì mới bắt đầu mời các quan viên, tư văn, hương lão vào chiếu ngồi theo một quy định rất cụ thể.
Ban tế lễ gồm có những người trong làng văn, nhưng chủ tế bao giờ cũng là lý trưởng. Ban tế gồm chủ tế, 4 bồi tế, 2 Đông và Tây xướng, 1 chuyển chúc, 1 đọc chúc.
Khi tế xong mọi người vẫn ngồi yên tại chỗ. Một người đại diện cho quan viên (có hàm lục phẩm trở lên và đã về hưu tại làng) đứng lên hỏi về tình hình mùa màng, giá cả thóc gạo và sưu dịch của làng năm qua như thế nào? Tiếp sau một vị nha môn, tư văn nhắc lại câu hỏi trên. Sau cùng một vị đại diện hội hương lão đứng lên trả lời theo đúng tình hình của làng trong năm qua và đề nghị mọi người quyết định chọn một trong ba chữ Thượng - Trung - Hạ cho lễ hội năm sau.
Sau khi tế lễ xong, diễn ra phần hội với các trò diễn phong phú như: trò đánh cờ, kéo co, cướp cờ… đặc biệt vào tối ngày 20/1 tổ chức văn nghệ với nhiều tiết mục của nhân dân trong làng ở nhiều hình thức, thể loại phong phú nhưng chủ yếu là ca ngợi tình yêu quê hương đất nước. Thông qua các hoạt động này nhân dân trong làng có dịp được giao lưu và thắt chặt thêm tình đoàn kết, nên không khí luôn hào hứng, sôi nổi.
Tóm lại, đền thờ Nguyễn Văn Nghi là một di tích kiến trúc nghệ thuật có quy mô lớn và giá trị nghệ thuật cao ở nửa đầu thế kỷ 17. Điểm nổi bật ở đây là trong các công trình kiến trúc nghệ thuật điêu khắc và trang trí mang phong cách dân gian đậm nét, phản ánh trung thực đời sống, xã hội, tư tưởng, tình cảm của nhân dân lúc bấy giờ. Đồng thời nó thể hiện sự vươn lên mạnh mẽ cùng sức sáng tạo phong phú của nền nghệ thuật dân gian ở Thanh Hóa. Chúng ta tự hào và thán phục vô cùng về tài năng tuyệt vời của những kiến trúc sư, những nhà điêu khắc dân gian, những nghệ nhân bình dị đã cống hiến bao nhiêu thời gian, sức lực, tâm hồn để làm ra một công trình tuyệt tác cho hậu thế chiêm bái.
Nhất định, trong tương lai gần, khu di tích đền thờ Nguyễn Văn Nghi ngàn năm văn hiến của xứ Thanh này sẽ trở thành một điểm hẹn lí tưởng cho du khách gần xa.