Thực trạng công tác bảo tồn, trùng tu di tích

Một phần của tài liệu Một số di tích lịch sử văn hóa tiêu biểu ở huyện đông sơn thanh hóa (Trang 128)

6. Bố cục của luận văn

3.3.1.Thực trạng công tác bảo tồn, trùng tu di tích

Từ năm 2000 đến nay, nhiều di tích đã và đang được đầu tư nhằm giữ gìn các giá trị kiến trúc, văn hóa truyền thống và được bảo tồn, khai thác, góp phần phát huy bản sắc dân tộc và giới thiệu những bài học giá trị về lịch sử dựng nước và giữ nước của cha ông. Nhiều di tích như đền thờ Nguyễn Nhữ Soạn, Nguyễn Chích, Lê Hy, Đế Thích, đình Thượng Thọ di tích lịch sử và thắng cảnh Rừng Thông… đã và đang được đầu tư với nhiều mức độ khác nhau nhằm lưu giữ các giá trị kiến trúc, văn hóa truyền thống. Các di tích khác cũng đang được nghiên cứu và từng bước được quy hoạch, bảo tồn. Các di tích được công nhận xếp hạng đều được chính quyền địa phương thành lập ban quản lý di tích, có trách nhiệm bảo vệ, giữ gìn, phát huy giá trị của di tích.

Cùng với các hoạt động bảo vệ, tôn tạo, việc phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa đã góp phần phát huy truyền thống “uống nước nhớ nguồn” trong cộng đồng dân cư thông qua việc tổ chức lễ hội. Toàn huyện hiện có rất nhiều lễ hội truyền thống được tổ chức tại di tích hàng năm. Các lễ hội đã thu hút hàng nghìn lượt khách về tham dự. Bên cạnh đó, việc quảng bá, phát huy những giá trị văn hóa của di tích đến với du khách gần xa cũng được quan tâm đúng mức bằng việc thông qua các lễ hội và thông qua các phương tiện thông tin đại chúng nhất là mạng Internet đã tạo được hiệu ứng xã hội cao, kích thích người dân tham gia vào việc bảo tồn gìn giữ di tích. Hàng năm các lễ hội gắn với các di tích cũng được tổ chức chu đáo, tạo sự phấn khởi trong nhân dân, thu hút ngày càng nhiều khách đến tham quan và du lịch. Đây chính là một nguồn đầu tư xã hội rất quan trọng trong việc tổ chức trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị của các di tích trong điều kiện kinh tế của địa phương đang còn gặp nhiều khó khăn.

Công tác quản lý của Nhà nước về di tích cũng được tăng cường. Hầu hết việc tổ chức các lễ hội ở các di tích đều do ngành văn hóa cấp phép và chỉ đạo, hướng dẫn theo Quy chế do Bộ ban hành. Ngành cũng thường xuyên tiến hành kiểm tra hoạt động của các di tích, chấn chỉnh kịp thời những sai phạm, lệch lạc nhất là trong việc trùng tu tôn tạo xây dựng các công trình phụ của di tích, trong quản lý thu và sử dụng tiền công đức và hoạt động của các dịch vụ khác…

Các ban ngành đoàn thể của các địa phương như Hội người cao tuổi, Đoàn thanh niên, Hội cựu chiến binh, nhất là ngành giáo dục đã tích cực tham gia việc đảm nhận chăm sóc, tu bổ cảnh quan khu di tích. Điều này rất quan trọng trong việc bảo vệ và gìn giữ các khu di tích trong lành, sạch đẹp, đồng thời góp phần vào việc giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho cán bộ nhân dân nhất là thế hệ trẻ hôm nay.

Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, công tác xã hội hóa trong bảo tồn di tích đã thu hút được sự đóng góp nhiều tỷ đồng và hàng triệu ngày công lao động của nhân dân, góp phần duy trì, bảo tồn các di tích khang trang sạch đẹp hơn. Các dòng họ cũng như nhân dân trong huyện đã có nhiều hành động quyên góp tiền của, công sức để tôn tạo, phục dựng lại từng hạng mục của các di tích. Những nhà hảo tâm và những người con đất Đông Sơn thành đạt trên mọi miền quê của Tổ quốc đã có nhiều đóng góp cho công tác bảo tồn, đó là sự biểu hiện tấm lòng tri ân đối với người đi trước, với truyền thống của quê hương.

Nhìn chung công tác bảo tồn và phát huy giá trị của các di tích trên địa bàn huyện Đông Sơn ngày càng được chú trọng quan tâm đúng mức. Nó đóng một vai trò to lớn trong việc giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa cho cán bộ, nhân dân trong huyện. Cũng là việc làm thiết thực nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu về sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng tâm linh của người dân địa phương và đang trở thành kho tài nguyên vô giá cho việc khai thác du lịch, dịch vụ góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội của huyện nhà.

Bên cạnh kết quả đạt được, công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa vẫn còn một số hạn chế như: Vẫn còn tình trạng vi phạm di tích. Ở một số địa phương thực hiện việc tu bổ di tích chưa tuân thủ theo quy định của Luật Di sản trong việc tôn trọng giá trị gốc, thiếu sự quy hoạch, thiết kế, chỉ đạo chuyên môn, dẫn đến không ít công trình bị biến dạng....Khá nhiều di tích được tôn tạo trong thời gian qua mới chỉ đảm bảo được việc chống xuống cấp vì kinh phí còn quá hạn hẹp. Đền thờ Phúc Khê Tướng công Nguyễn Văn Nghi xây dựng năm 1617 niên hiệu Hoàng Định thứ 18 đời vua Lê Kính Tông (1600-1619). Đền thờ thể hiện sự kế thừa những kinh nghiệm, tinh hoa của thời kỳ trước, đặc biệt là thế kỷ 16 và nó đã đạt đến đỉnh cao của nền kiến trúc nghệ thuật dân tộc ở thế kỷ 17. Tuy nhiên, qua thời gian một số

hạng mục công trình đã bị hư hỏng xuống cấp, rất cần được tôn tạo, tu bổ. Mặc dù thời gian vừa qua chính quyền và nhân dân xã Đông Thanh đã khởi công làm hơn 400m đường từ ngoài vào khu đền thờ với tổng giá trị hơn 500 triệu đồng. Tuy nhiên do điều kiện kinh tế của địa phương còn nhiều khó khăn nên vẫn chưa trùng tu tôn tạo được khu đền thờ. Một số hạng mục như kiến trúc thành đá đã bị sạt lở, kiến trúc nhà thờ như cột, ngói bị mất bị mối mọt cần sự đầu tư của nhà nước để trùng tư tôn tạo, đặc biệt là khôi phục lại ngôi nhà tiền đường và hậu đường để tái hiện tương đối nguyên vẹn di tích.

Bên cạnh đó, thiếu quy hoạch tổng thể, chưa đầu tư đúng mức nên nhiều di tích chưa trở thành những sản phẩm văn hóa hoàn chỉnh để tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát huy giá trị của các di tích gắn liền với phát triển du lịch, dịch vụ. Một số di tích gắn với lễ hội đang bị thương mại hóa nặng nề. Tình trạng đất đai xung quanh khu di tích bị xâm lấn, xây dựng tùy tiện các hạng mục vẫn chưa được hạn chế. Mô hình quản lý di tích chưa thống nhất, có nơi khoán cho tư nhân, nguồn thu từ di tích bị sử dụng sai mục đích, không đầu tư trở lại để bảo tồn, phát triển…

Thực trạng trên xuất phát từ những nguyên nhân chủ quan và khách quan sau.

Về chủ quan: Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng trên trước hết, do nguồn ngân sách của tỉnh và các địa phương còn hạn hẹp nên chưa đủ nguồn lực đầu tư, chủ yếu đang dựa vào nguồn kinh phí ít ỏi hàng năm của Chương trình mục tiêu quốc giavà đóng góp của nhân dân. Một số cấp uỷ, chính quyền địa phương cũng chưa nhận thức đúng về ý nghĩa của công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hoá, còn coi đây là công việc riêng của ngành văn hoá, do sự quản lý yếu kém của các cơ quan chức năng và ban quản lý các ngôi đền chưa làm tốt chức trách nhiệm vụ của mình. Một nguyên nhân khác là đội ngũ cán bộ chuyên môn trong lĩnh vực văn hóa chưa đáp ứng được yêu cầu về chuyên

môn nghiệp vụ. Một số cán bộ có trách nhiệm lại mang tâm lý ỷ lại, thiếu tinh thần trách nhiệm, chờ đợi sự đầu tư từ cấp trên mà chưa có sự chủ động trong việc thu hút vốn đầu tư xã hội cho công tác này.

Ở một số di tích có sự đầu tư vốn khá lớn cho việc trùng tu tôn tạo. Tuy nhiên do sự thiếu hiểu biết, thiếu sự thống nhất, đồng bộ trong quản lý và điều hành công tác trùng tu, tôn tạo; tình trạng trùng tu không có bản vẽ thiết kế và quy hoạch chi tiết các khu di tích vẫn còn tồn tại không chỉ làm mất đi giá trị thực của di tích mà còn phá vỡ đi kiến trúc và không gian vốn có của di tích.

Công tác trùng tu tôn tạo thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ phận. Về khách quan: Phần lớn các di tích ở Đông Sơn đều đã có hàng trăm năm tuổi, tình trạng xuống cấp ở các di tích là một quy luật khách quan nếu thiếu sự quan tâm bảo vệ của con người. Một khía cạnh khác là sự thiếu ý thức của nhiều hộ dân muốn lấn chiếm khu vực bảo vệ di tích để làm nơi kinh doanh sinh lợi cho mình. Ngoài ra sự thiếu ý thức bảo vệ di tích của một bộ phận du khách cũng là yếu tố làm cho nhiều bộ phận di tích bị hư hại.

Một phần của tài liệu Một số di tích lịch sử văn hóa tiêu biểu ở huyện đông sơn thanh hóa (Trang 128)