Cuộc đời và sự nghiệp Lê Hy

Một phần của tài liệu Một số di tích lịch sử văn hóa tiêu biểu ở huyện đông sơn thanh hóa (Trang 85)

6. Bố cục của luận văn

2.4.1.Cuộc đời và sự nghiệp Lê Hy

Lê Hy là nhà chính trị tài năng đồng thời là nhà sử học có tên tuổi cuối thế kỷ XVII dưới thời vua Lê Hy Tông. Ông sinh năm Bính Tuất (1646) tại một vùng quê thuộc huyện Thạch Khê (nay thuộc xã Đông Khê). Với tài học nổi tiếng khắp vùng, năm 18 tuổi ông đã thi đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa thi năm Giáp Thìn (1664), niên hiệu Cảnh Trị thứ 2 đời vua Lê Huyền Tông.

Quá trình tham gia chính sự của Lê Hy có thể chia làm hai thời kì lớn. Trong khoảng 30 năm đầu từ sau khi ông đỗ đại khoa dưới hai triều vua Huyền Tông và Hy Tông, ông đã đảm nhiệm nhiều trọng trách ở các lĩnh vực. Lúc đầu, ông giữ những cương vị thấp như Hình khoa đô cấp sự trung, Thị nội dưới thời cháu Tây Đô vương Trịnh Tạc. Nhất là sau khi Định vương Trịnh Căn lên ngôi chúa (1682), trong 10 năm Lê Hy liên tục được giao làm Tả Thị lang Bộ Binh, Bộ Lễ rồi Bộ Lại và làm Bồi tụng trong phủ chúa, được ban tước Lai Sơn Bá. Năm 1692, Lê Hy với cương vị là Tả Thị lang Bộ Lại đã cùng với Hữu Thị lang Bộ Lại là Vũ Công Đạo dâng tờ khải trình bày về việc thuyên chuyển, tuyển bổ quan lại. Việc này đã được cháu Trịnh Căn chuẩn y [9, tr 207].

Năm 1693, Tham tụng Nguyễn Danh Thực mất. Thượng thư Bộ Hình Lê Hy và Thượng thư Bộ Binh Nguyễn Quán Nho cùng được vào phủ chúa làm Tham Tụng (hàm tương đương Tể Tướng). Từ đây trong suốt 10 năm, Lê Hy giữ cương vị người đứng đầu điều hành công việc trong phủ chúa. Tháng 5 năm 1694, Lê Hy và Nguyễn Quán Nho dâng tờ khải trình xin cho ban hành 6 điều mà các ông đã kiến nghị như: chỉnh đốn lại việc xử kiện và thể lệ khảo công quan lại, kiểm tra lại mốc giới ruộng đất… Lê Hy còn được giao làm Đốc trấn Cao Bằng là vùng đất biên giới thường xảy ra tình hình phức tạp do

sự quấy nhiễu của các lực lượng chống đối cả trong và ngoài lãnh thổ. Cuối năm 1693, ông còn phụ trách phái đoàn sứ bộ nước ta sang Trung Quốc đàm phán với nhà Thanh. Là người cương trực, nghiêm khắc, ông không khỏi bị vài người đồng liêu trong triều ghen ghét. Vì vậy, có lần ông bị biếm chức vì bị gièm pha, mấy năm sống nhàn tản, dựng mái tranh bên Hồ Tây để đọc sách, làm thơ. Nhưng rồi chúa Trịnh lại phục chức cho ông và mọi vấn đề chính sự quốc gia, ông (và Nguyễn Quán Nho) đều được mời đến để luận bàn.

Trong 10 năm làm Tham Tụng, khác với Nguyễn Quán Nho là người khoan hòa, Lê Hy là người kiên quyết thực hiện công việc đúng pháp luật quy định, không vì một lí do gì mà đặt “tình” nặng hơn “lý”. Ông thẳng tay trừng trị những kẻ phạm tội để đảm bảo sự nghiêm minh của luật pháp. Ông nghiêm khắc với cả bản thân và gia đình mình. Có lần, ông đã đuổi người vợ thứ yêu quý của mình ra khỏi nhà vì vợ ông dám nhận chút lễ mọn của một kẻ phạm tội tử hình (vì đã đánh vỡ chiếc chén ngọc - quà tặng của xứ thần nhà Thanh cho nhà chúa) muốn đến nhờ ông xin giảm án [27, tr 565].

Không những là nhà chính trị nổi tiếng, Lê Hy còn là nhà hoạt động văn hóa, nhà sử học có nhiều đóng góp đáng kể. Ông đã có công khôi phục thể văn thời Hồng Đức để trấn hưng nền giáo dục dưới triều Lê Hy Tông (1676 - 1705). Nhưng đóng góp lớn nhất của ông là trong lĩnh vực sử học: bộ sách Đại Việt sử kí toàn thư là một bộ sử lớn nhất của nước ta dưới thời Lê, được biên soạn qua nhiều đời gắn liền với tên tuổi của nhiều nhà sử học trong đó có Lê Hy. Bộ sử này được viết theo lối biên niên, phản ánh lịch sử nước ta từ thời Hồng Bàng cho đến năm 1675. Với trọng trách là người đứng đầu nhóm viết sử gồm 13 người được triều đình giao nhiệm vụ, Lê Hy là người kế tục Hồ Sĩ Dương phụ trách công việc (từ năm 1681). Phần biên soạn mới của nhóm Lê Hy là quyển 19 bao gồm lịch sử trong 13 năm dưới 2 triều vua Lê Huyền Tông và vua Lê Gia Tông (từ 1663 đến 1675). Ngoài ra, phần biên

soạn của các tác giả trước đó (Ngô Sĩ Liên, Vũ Quỳnh, Phạm Công Trứ) đều đã qua ngòi bút khảo đính, chỉnh lý của nhóm Lê Hy theo phương thức “chỗ nào sai thì sửa lại, chỗ nào đúng thì chép lấy”. Tháng 11 năm Đinh Sửu (Chính Hòa thứ 18 - 1697), công việc biên soạn hoàn thành. Lê Hy dâng bộ sách lên triều đình và được triều đình “sai thợ khắc in, ban bố trong thiên hạ, để cho những sự tích trước đây trăm ngàn năm chưa tập hợp lại nay được hoàn thành” [9, tr 210].

Như vậy, Lê Hy và nhóm biên soạn của ông đã đóng vai trò kết thúc công việc biên soạn bộ sử lớn của nước ta còn lưu truyền cho đến nay và được giới sử học đánh giá rất cao, coi là một nguồn tư liệu gốc rất quan trọng và cơ bản có giá trị rất lớn để tìm hiểu, nghiên cứu về lịch sử Việt Nam thời cổ đại và trung đại. Một điều khá thú vị là bộ sách này có đóng góp quan trọng của hai nhà sử học quê Thanh: người đặt cơ sở đầu tiên là Lê Văn Hưu với Đại Việt sử ký và người tập đại thành cuối cùng là Lê Hy.

Đặc tiến kim tử Vinh lộc đại phu, Tham tụng, Hình Bộ Thượng thư tri trung thư giám Lê Hy mất ngày 27 tháng 7 năm 1702, hưởng thọ 57 tuổi. ông được triều đình truy tặng chức Lại Bộ Thượng Thư, hàm Thái bảo, tước Lai quận công. Hiện nay, ở làng Thượng Phúc quê hương Lê Hy có nhà thờ ông và tấm bia đá “Lê Tể tướng bia ký”.

Một phần của tài liệu Một số di tích lịch sử văn hóa tiêu biểu ở huyện đông sơn thanh hóa (Trang 85)