Hiện trạng, tình trạng kỹ thuật các di tích lịch sử văn hóa ở

Một phần của tài liệu Một số di tích lịch sử văn hóa tiêu biểu ở huyện đông sơn thanh hóa (Trang 43)

6. Bố cục của luận văn

1.2.3. Hiện trạng, tình trạng kỹ thuật các di tích lịch sử văn hóa ở

huyện Đông Sơn

Có thể nói các di tích lịch sử - văn hóa ở Đông Sơn được hình thành vào các thời điểm khác nhau. Điều dễ nhận thấy là di tích lịch sử có niên đại lớn thường là các đền, đình. Sớm nhất là đền thờ Nguyễn Chích, Nguyễn Nhữ Soạn, Nguyễn Văn Nghi, Đế Thích…

Cũng như đa số di tích khác trên cả nước, hệ thống di tích trên địa bàn Đông Sơn hiện nay cũng đang đứng trước thực trạng khó khăn, đa số các di tích này đều có lịch sử tồn tại từ lâu đời, có những di tích tồn tại từ hàng mấy trăm năm, chính vì vậy đều ít nhiều đều chịu sự ảnh hưởng của điều kiện thời tiết khắc nghiệt, mưa gió thất thường. Bên cạnh đó do đất nước ta trong thời gian dài phải trải qua các cuộc chiến tranh khốc liệt, đền, đình cũng như các công trình khác đều không thể tránh khỏi sự tàn phá của bom đạn

Đền thờ Nguyễn Nhữ Soạn những năm trước đây đã bị vi phạm, đất đai chung quanh đền thờ đã chuyển thành đất dân cư. Nghiêm trọng hơn nữa là các công trình dân cư đã làm lấn át, ảnh hưởng đến vẻ đẹp của di tích.

Nhà thờ họ Lê Văn là di tích có từ lâu đời. Ngày xưa 3 làng đều có đền thờ nhưng sau do biến thiên lịch sử di tích đã bị phá. Trải qua thời gian di tích đã được hậu duệ của cụ Lê Đình Chiêu khôi phục trông coi bảo vệ, kịp thời tu sửa những phần hư hỏng.

Mộ, bia đá và đền thờ Nguyễn Chích cũng bị vi phạm nghiêm trọng. Phần ruộng nơi đặt mộ cụ là một khu vực khá rộng bao gồm 3 mẫu “Nhất trừ mộ địa bất thành điền tam mẫu” là một khu vực liền mạch giữa mộ và bia. Đến khoảng năm 1925 thì thực dân Pháp cho đào đắp sông nông giang cắt chéo di tích chia khu mộ và bia làm hai bờ, làm cho tình trạng di tích vi phạm nghiêm trọng. Đến năm 1956 khu tiền đường bị giải tường bao quanh và nghinh môn bị phá. Hai cây Quéo có đường kính 1,5m cũng bị đốn chặt làm việc công. Như vậy công trình di tích bị phá hủy nghiêm trọng giai đoạn 1954 đến 1958 và việc thờ cúng trông nom cũng bị sao nhãng, đến năm 1956 xã cắt đất các khu vực xung quanh từ đường cho nhân dân ở. Còn khu vực quanh nhà bia cũng lấy đất chia cho nhân dân ở vào khoảng năm 1982, còn khu bãi mộ cho xây dựng khu trạm xá ở phía Tây Nam [17, tr 12].

Đền thờ Nguyễn Văn Nghi, qua thời gian một số hạng mục công trình đã bị hư hỏng xuống cấp: như kiến trúc thành đá đã bị sạt lở, kiến trúc nhà thờ như cột, ngói bị mất bị mối mọt cần sự đầu tư của nhà nước để trùng tư tôn tạo, đặc biệt là khôi phục lại ngôi nhà tiền đường và hậu đường để tái hiện tương đối nguyên vẹn di tích.

Mặt khác, hệ thống di tích lịch sử văn hóa ở Đông Sơn vừa phân bổ ở hầu khắp các vùng, vừa tập trung vào một số vùng trọng điểm. Nơi tập trung nhiều di tích như: xã Đông Thanh, Đông Yên, Đông Tiến, Đông Hòa…Đặc biệt xã Đông Thanh, là nơi có mật độ di tích dày đặc: với 1 di tích quốc gia, 9 di tích cấp tỉnh. Đây là lợi thế quan trọng cho công tác quy hoạch thành tua, tuyến để phát triển du lịch văn hóa tâm linh trên địa bàn.

Một đặc điểm dễ nhận thấy của hệ thống di tích lịch sử văn hóa Đông Sơn chất liệu để xây dựng là những chất liệu có sẵn của địa phương. Thông thường gỗ là chất liệu được sử dụng phổ biến trong quá trình xây dựng. Vì vậy, mà ta có thể thấy hàng trăm cây gỗ lớn, nhỏ được kết cấu thành để làm

khung kết cấu của công trình, đồng thời trên chất liệu gỗ, những nghệ nhân dân gian còn trạm khắc các đề tài, các con vật linh thiêng, các hình tượng thực vật, chính điểm này đã tạo nên giá trị thẩm mĩ cho di tích. So với gỗ gạch và đá, gỗ là loại vật liệu dễ bị hư hỏng, thực tế cho thấy, gỗ tốt thuộc nhóm một cũng chỉ tồn tại từ 200 đến 300 năm, chúng ta có thể nhận thấy các biểu hiện xuống cấp, hư hỏng do tác động của các yếu tố tự nhiên, nắng nóng mưa nhiều của nước ta. Mặt khác, cho dù chất liệu gỗ không chịu nhiều tác động của các yếu tố tự nhiên, thì chính các vật liệu tự nó cũng có những biến đổi theo thời gian, tuy nhiên những biến đổi này diễn ra một cách chậm chạp đôi khi chúng ta cũng không nhận ra được [49, tr 145].

Một đặc điểm nữa cũng cần được xác định, ở các công trình kiến trúc có niên đại sớm, trong quá trình tồn tại cũng luôn được người dân quan tâm trùng tu tu bổ, thậm chí còn mở rộng xây dựng bổ sung thêm cho phù hợp với công năng sử dụng cho cộng đông. Ngay trong một kiến thúc cụ thể như đình, đền, hay nhà thờ họ thường có niên đại khác nhau. Vì vậy, tình trạng kĩ thuật trong từng di tích kiến trúc cũng ở nhiều cấp độ hư hỏng khác nhau.

Mặt khác, do xây dựng từ khi là một vùng đất còn sơ khai nên hiện tại sân đền, đình, kể cả khu vực đều thấp hơn so với khu vực xung quanh. Chính vì vậy mà các di tích nằm khuất trong các khu nhà dân, và các bóng cây. Cho nên thường xuyên bị ẩm thấp, rêu mọc dày. Do tác động của tự nhiên, đất nền móng bị lún dẫn tới các bức tường bị rạn nứt, nền bị lún như. Các di tích này được xếp trong hạng mục tu bổ, tôn tạo cấp thiết. Bên cạnh đó, các di tích được trùng tu hoặc xây dựng gần đây như: Đền thờ Nguyễn Chích, đã xuống cấp và đã tôn tạo chống xuống cấp năm 2006 với sự hỗ trợ kinh phí của Tỉnh rồi đền Nguyễn Nhữ Soạn những năm trước đây đã bị các công trình của dân cư làm lấn át, ảnh hưởng đến vẽ đẹp của khu di tích. Đặc biệt đền Nguyễn Văn Nghi đã bị xuống cấp nghiêm trọng cần được tôn tạo, bảo vệ

Ngoài các di tích kể trên một số đình, đền ở Đông Sơn cũng đang có nguy cơ bị biến mất bởi sự xuống cấp và sự hoang tàn. Thiết nghĩ tình trạng này cần được cơ quan chức năng khẩn trương khắc phục, lập kế hoạch bảo quản, tu bổ, tôn tạo di tích trong những năm tiếp theo để giữ lại những giá trị đặc sắc của cha ông để lại.

Tiểu kết chương 1

Di tích lịch sử - văn hóa là chiếc cầu nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai, là di sản văn hóa quý giá, là động lực tinh thần của mỗi dân tộc, mỗi quốc gia. Kho tàng di sản văn hóa di tích được xem là mảng tiêu biểu của giá trị văn hóa vật thể truyền thống, là bằng chứng sống về sự hi sinh, cống hiến và sáng tạo ở nhiều lĩnh vực của nhiều thế hệ tiền thân để lại cho hậu thế.

Đông Sơn là vùng đất có truyền thống lịch sử hào hùng, văn hóa lâu đời, đa dạng và đậm đà bản sắc dân tộc, nơi sản sinh ra nhiều hiền tài cho đất nước với nhiều danh nhân văn hóa lớn, những tướng tài mà tên tuổi gắn liền với sự lớn mạnh của đất nước.

Mặt khác, Đông Sơn là địa phương có nhiều di tích lịch sử văn hóa, với hơn 100 di tích, trong đó có tới 35 di tích được xếp hạng cấp quốc gia và cấp tỉnh. Hệ thống di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn huyện không những nhiều về mặt số lượng mà còn phong phú về loại hình và đa dạng trong cách thể hiện. Trải qua sự tàn phá khốc liệt của thời gian, chiến tranh, bao nắng mưa, bao thăng trầm, mặc dù đã xuống cấp nhưng đã được trùng tu, tôn tạo thể hiện được sự quan tâm của chính quyền và nhân dân trong suốt chiều dài lịch sử. Chính vì lẽ đó nó có tác dụng rất lớn trong việc giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, truyền thống văn hóa cho các thế hệ mai sau.

Chương 2

DIỆN MẠO MỘT SỐ DI TÍCH LỊCH SỬ - VĂN HÓA Ở HUYỆN ĐÔNG SƠN

Một phần của tài liệu Một số di tích lịch sử văn hóa tiêu biểu ở huyện đông sơn thanh hóa (Trang 43)