Đặc điểm kiến trúc

Một phần của tài liệu Một số di tích lịch sử văn hóa tiêu biểu ở huyện đông sơn thanh hóa (Trang 75)

6. Bố cục của luận văn

2.3.3. Đặc điểm kiến trúc

Đền thờ Nguyễn Văn Nghi là một quần thể kiến trúc, bao gồm nhiều thành phần kiển trúc với chức năng khác nhau được bố cục theo kiểu “nội công ngoại quốc”. Bao gồm hai vòng thành khép kín, thành đất (thành ngoại) ở ngoài, thành đá (Thành nội) phía trong. Bên trong thành nội là các cụm kiểm trúc gỗ được xây dựng theo hình chữ “Công”, chữ “Tam”, chữ “Nhị”, và chữ “Nhất”. Nhóm tượng chầu thờ bằng đá được bài trí hai bên trục đường. Điểm nổi bật trong bố cục mặt bằng là kéo dài theo hình chữ nhật, chỉ mở một trục đường duy nhất từ nghinh môn vào đền điện chính (không có cổng phụ) [18, tr 119].

Về kiến trúc chia làm hai loại: Kiến trúc gỗ và kiến trúc đá (thành đá và nhóm điêu khắc đá).

Về kiến trúc gỗ: Bao gồm các chất liệu gỗ lim, gạch ngói lợp thành làm nơi thờ cúng Nguyễn Văn Nghi và gia tiên, đó là cụm kiến trúc chữ “công” chữ “nhị” chữ “nhất” chữ “tam”. Hiện tại các cụm kiến trúc đã bị phá duy nhất chỉ còn lại 3 gian nhà dọc (nhà gầu). Trong cụm kiến trúc hình chữ “công” qua kết và vật liệu cấu thành cho thấy rằng: đầu đao uốn cong lợp ngói mũi hài đường tầu có gắn loại ngói hình chữ T hai đầu nóc có đầu rồng bằng đất nung. Đây là kiến trúc gỗ đầu thế kỷ 17 còn giữ được nguyên vẹn chỉ riêng hai loại ngói và đầu rồng đã thể hiện sự độc đáo trong kiến trúc gỗ ở đầu thế kỷ 17 hầu khắp di tích kiến trúc ở Thanh Hóa không có các đầu rồng bằng đất nung như ở đền thờ Nguyễn Văn Nghi. Đề tài trang trí trong kiến trúc là hoa lá cách điệu văn hoa văn hình ngọn lửa trang trí ở đầu đao cũng là một nét độc đáo [48, tr 4].

Khu vực nội thành được bố cục thành 4 cụm kiến trúc gỗ. Các cụm kiến trúc gỗ được bố cục đăng đối và có chức năng khác nhau. Các cụm kiến trúc chỉ còn dấu tích nền móng, nền nhà được bó bằng những khối đá liền,

màu trắng, gọt đẽo vuông thành sắc cạnh. Hiện nay chỉ còn lại ngôi nhà dọc (nhà cầu), tuy đã sữa chữa một số cấu trúc bi hư hỏng, nhưng nhìn chung ngôi nhà vẫn còn dáng vẻ xưa của nó. Nhà gồm 4 mái, lợp bằng ngói mũi hài (dài 0,45m, rộng 0,30m, dày 0,03m, mũi hài cao 0,12m) được lợp san sát thành từng dãy theo lối cài răng lược trông lấp lánh như vẩy cá, các mũi hài nhấp nhô như măng mọc. Bốn góc đầu đao uốn cong lên vừa tăng thêm sự quang, thoáng vừa tạo nên cảm giác đỡ nặng nề của mái nhà.

Về kết cấu: Các vì kèo có kích thước vừa phải, chúng là những bộ phận trục chống chủ yếu, được nối với nhau bằng những đường xà dọc, đường hoành để tạo thành một bộ khung vững chắc đỡ toàn bộ lực đè của mái nhà. Thành phần cấu trúc gồm: Cột cái, cột quân, cột hiên và một số đường xà, con chồng… theo phong cách chồng rường của nghệ thuật kiến trúc cổ Việt Nam.

Phía trên câu đầu, ở giữa còn gắn thêm một bộ phận gọi là giá chiêng gồm hai trụ chống. Trên đầu trụ là một đường nối có tên là bụng lợn. Bộ khung giá chiêng có tác dụng giữ cho con chồng hai bên được vững chắc góp phần đỡ mái nhà, đồng thời tạo nên sự quang thoáng của mái nhà. Điều dễ nhận thấy trong kết cấu của kiến trúc gỗ còn lại ở đây được giải quyết bằng mộng thắt. Vì vậy các kết cấu liến gắn với nhau rất bền vững, đồng thời tháo gỡ rất thuận tiện mỗi khi cần thay thế. Đó cũng là ưu việt chung của kiến trúc gỗ so với kiến trúc đá.

Mang tình cảm đôn hậu, đậm màu sắc dân gian, những người dựng đền thờ Nguyễn Văn Nghi còn sáng tạo ra nhiều bức chạm gỗ thật đẹp. Dựa vào một số mảng khắc chạm trang trí còn lại như bức chạm hình rồng và một số phù điêu còn giữ được cũng giúp chúng ta hình dung được sự khang trang lộng lẫy của kiến trúc, đồng thời nó cũng nói lên công việc xây dựng của cha ông ta trước đây quả có nhiều công phu và đạt đến trình độ cao.

Điều đáng chú ý là nghệ thuật điêu khắc các bức uốn làm bằng gỗ ván mỏng. Trên bề mặt của ván, các nghệ nhân xưa đã thể hiện đôi rồng uốn lượn đối diện nhau. Phần thân rồng được thể hiện bằng kĩ thuật chạm bẹt nên hình khối của thân rồng được thể hiện rõ nhưng không cao hơn mặt phẳng, mới nhìn thân rồng như được gắn vào ván gỗ, riêng phần đầu rồng được cấu trúc thành hình khối nhô ra khỏi mặt phẳng, đầu rồng quay ngoặt sang một bên, hơi cúi xuống mắt như quan sát theo dõi đối tượng để rồi sẵn sàng vùng lên với sức mạnh sẵn có của mình.

Nhìn chung, kiến trúc gỗ hiện nay ở đền thờ Nguyễn Văn Nghi còn lại không nhiều và không đầy đủ của một khu kiến trúc trọn vẹn, nhưng cũng đã giúp chúng ta nhiều tư liệu quý để nghiên cứu, tìm hiểu nghệ thuật kiến trúc gỗ Việt Nam thế kỉ XVII.

Ngoài ra, còn có một số mẫu vật bằng đất nung như: đầu rồng, đuôi rồng cách điệu, ngói hình chữ T… những hiện vật này chủ yếu để trang trí bờ nóc, bờ dải, đầu guột nhằm tạo dáng cho kiến trúc có vẻ đẹp hoàn mỹ đồng thời có lẽ cũng là những thể thức được quy định chặt chẽ với loại hình kiến trúc cung đình, điện miếu. Những tác phẩm điêu khắc bằng đất nung này thu hút được sự chú ý của khách du lịch và các nhà nghiên cứu nghệ thuật.

Đầu rồng: dài 0,32m - rộng 0,25m, dày 0,25m, phần bờm của rồng nhô cao 0,30m, như một bó tóc lớn đầu nhọn xoắn cong về phía trước. Chất liệu bằng đất luyện kỹ, nung trong độ lửa vừa phải nên có màu đỏ như vỏ quả vải chín. Miệng rồng há rộng, để lộ bộ nanh nhọn sắc. Bề dày của mép rồng được tạo bởi những đường hoa văn nổi như những quầng lửa hình số 3 ngoặc với nhau. Tai rồng được tạo lồi ra, hai bên má rồng là những hoa văn ngọn lửa như dấu hỏi, số lượng hoa văn cũng khác nhau

Đuôi rồng: Chất liệu, màu sắc như của đầu rồng. Ngoài việc trang trí ở đầu đao nó còn thay cho loại ngói cong (ngói ống) úp nóc mái đầu đao, hình

dáng được cách điệu như hình vây cá, hai cạnh tạo dáng nhấp nhô như từng lớp vây nối nhau theo hình sóng lượn. Phần cuối nhô cao và uốn cong. Với loại mẫu hình này đã tạo cho đầu đao có độ uốn cong ăn nhịp với độ dốc của mái tạo cho kiến trúc bề thế, nhẹ nhàng và thanh thoát [18, tr 127].

Về kiến trúc đá (bao gồm thành nội cổng thành và nhiều tượng). Việc sử dụng một khối lượng đá được đẻo gọt công phu để xây dựng một vòng thành có chiều dài 83m, rộng 66m, cao 1,50m mặt đáy rộng 1,36m mặt thành 1,20m và lớp mai luyện đã là nét độc đáo ở Thanh Hóa. Thành đá ở đây được tạo bởi các khối đá hình chữ nhật xếp thành từng lớp tạo thành hình thang cân không có vữa kết dính, bốn góc thành có chốt giằng bằng đá theo hình gấp thước thợ [48, tr 3]. Hiện nay thành chỉ còn lại 3 lớp đá. Riêng hai đoạn thành 2 bên cổng “Tướng Công môn” là còn giữ được nguyên vẹn hình dáng kiến trúc ban đầu của nó. Gồm có: tượng chó đá, voi, bia, ngựa, võ sĩ, giếng đá.

Tượng chó đá: (cao 0,70m - chu vi bụng 0,82m)

Con vật được thể hiện trong tư thế ngồi cao. Đầu hơi ngẩng lên mắt nhìn về phía trước như chăm chú theo dõi. Hai chân trước to khỏe chống thẳng đứng, hai chân sau thu gọn sát bụng để lộ bắp vế căng tròn. Bộ ngực nở nang, cái đuôi dài tròn lẫn mềm mại và uốn nhẹ đặt trên tấm thân mập mạp. Phần cuối đuôi xòe rộng hình lá đề, được tạo bởi những nét hao văn chạm nổi chau chuốt tinh tế, dây đeo chuông nhạc quàng qua cổ, đầu dây thắt nút hình số 8 phía trên gáy cổ. Dưới tầm mắt người xem, toàn thân con vật toát lên vẻ đẹp mạnh mẽ, nhanh nhẹn, mang tính cách “khuyển mã” của bậc quyền quý.

Tượng voi đá: (gồm 2 tượng, dài 2,65m, cao 1,50m chu vi bụng 1,26m) Tượng được diễn tả trong tư thế nằm phủ phục. Cả thân hình đồ sộ, căng khỏe áp đặt trên bốn chân mập mạp. Đầu hơi ngẩng cao nhìn thẳng về phía trước (con bên phải đang cuộn chặt một khối gỗ hình trụ). Đôi ngà dài, nhọn. Vòi cuốn tròn vào. Vòng dây xích cuốn ngang bụng rồi vòng qua trước

ngực tạo thành dây đeo chuỗi chuông nhạc (10 chuông nhạc). Tạo cho con vật có hình thể vạm vỡ trong trạng thái nghỉ ngơi, nhưng không quá tĩnh, mà sống động, sẵn sàng bật dậy với sức lực dồi dào ẩn dấu bên trong thân hình vạm vỡ của nó

Tượng ngựa đá: (2 tượng, dài 2,35m, cao 1,78m, chu vi bụng 0,85m) Tượng được thể hiện trong tư thế đứng tự nhiên. Đầu hơi ngẩng cao, ngực nở nang bốn vó to khỏe, bắp vế căng tròn. Toàn thân con vật toát lên một thể chất cường tráng (một con có yên cương), chuỗi chuông nhạc vòng qua ngực tạo cho con vật trở nên ung dung đường bệ. Dưới tầm mắt người xem, con vật không gây cảm giác tĩnh lặng, nghỉ ngơi mà nó luôn được coi là sự sẵn sàng với tất cả sức mạnh tiềm tàng còn đang chờ đợi để vùng lên phía trước.

Tượng võ sĩ: (2 tượng, cao 2,10m, vai rộng 0,70m, bệ 1,25m x 0,65m) Tác giả thể hiện hai tượng võ sĩ trong tư thế nghiêm trang đứng gác. Khuôn mặt đầy đặn đôn hậu. Hàng ria mép cong đều. Chòm râu hơi dài thể hiện sự từng trải. Tay cầm chùy ngang tầm ngực. Đầu đội mũ trụ, chân đi hia. Toàn thân vạm vỡ được khoác lên bộ y phục người lính phủ dài xuống quá gối. Phần thân áo loe rộng tương xứng với đôi vai. Hai ống tay áo cộc đến khuỷu tay, được tạo bởi hoa văn hình “dấu hỏi”, để lộ hai cánh tay trần mập mạp rắn rỏi. Hai dây dải lưng được thắt ngang bụng bốn đầu dải uốn lượn, luồn vào nhau thả hai bên cân xứng. Bằng kĩ thuật điêu luyện đường nét phóng khoáng, tác giả đã thể hiện tượng võ sĩ trong trạng thái nghiêm trang đường bệ mà rất sống động.

Nhìn chung, nhóm tượng ở đây mang tính chất chầu thờ, được sắp xếp chặt chẽ từ ngoài cổng vào đền làm tăng thêm sự thiêng liêng tôn kính và trang nghiêm ở chốn miếu đường. Đặc điểm nổi bật trong nghệ thuật tạo hình là khối hình to khỏe mang phong cách hiện thực. Bố cục thoải mái đường nét

phóng khoáng dứt khoát. Kĩ thuật tinh xảo, thể hiện nghệ thuật chạm khắc điêu luyện của những nghệ nhân tài hoa lúc bấy giờ.

Tấm bia “Phúc Khê tướng công từ” (cao 1,96m, rộng 1,26m, dày 0,33m) Bia dựng năm Hoằng Định thứ 18 (1617), tháng 2 ngày 2, dưới triều vua Lê Kính Tông. Nội dung văn bia ghi về gia đình, dòng họ, thân thế và sự nghiệp của Nguyễn Văn Nghi. Trán bia trang trí theo mô típ: “Lưỡng long chầu nguyệt” [18, tr 122], diềm bia trang trí hoa sen, cúc cách điệu, đáy bia trang trí 3 lớp hoa văn sóng nước, đặc biệt giữa đường diềm trán bia trang trí hình “chim điểu” một loại chim được xếp vào hàng cao sang, quyền quý nhất là biểu tượng cho bậc “quân tử” tài cao đức trọng, gỏi văn chương. Diềm bia mặt sau trang trí hoa cúc dây giữa là hoa sen cách điệu.

Bia “Lệnh công thượng thư ký” (cao 2,15m, rộng 1,50m, dày 0,45m) Bia do Thái Phó, Đặng Quận công Nguyễn Khải dựng để ca ngợi công đức của cha mình, bia dựng ngày 8 tháng 3 năm Kỷ Tỵ, niên hiệu Vĩnh Tộ thứ 11 (1629), Tiến sĩ Lê Khả Trù soạn văn, Nguyễn Chí Chi khắc chữ. Bia hình chữ nhật, làm bằng đá trắng. Trán bia chạm khắc “lưỡng long chầu nguyệt” với những lớp hoa văn hình ngọn lửa thanh thoát, mạnh mẽ. Riềm bia trang trí hoa sen, cúc dây, chim muông, thú vật xen lẫn nhau. Đáy bia trang trí hoa văn hình nậm rượu kép ở giữa hình nậm rượu nhỏ là hoa văn hình số 8. Bia khắc chữ một mặt. Bia có nhà che cũng bằng đá trắng. Nóc nhà bia là một khối đá liền được gọt đẽo công phu thành hình mái nhà, đầu đao uốn cong. Hai vách bia là hai phiến đá mài nhẵn (mỗi phiến rộng 1,37m - dày 0,23m - cao 2,15m). Toàn bộ bia và nhà bia đặt trên phiến đá (dài 3m - rộng 2,33m - dày 0,23m) [18, tr 122].

Bia ghi sự kiện tu bổ đền thờ của cháu ngoại Nguyễn Văn Nghi là Lê Khắc Tuy (tri phủ huyện Hà Trung) cùng nhân dân 14 xã huyện Đông Sơn xây dựng xong ngày 26/9/1631. bia gắn ở vách thành. Gồm 86 chữ Hán khắc trên phiến đá trắng dài 1,48m rộng 0,39m.

Thành giếng đá: là một tác phẩm điêu khắc đá hoàn chỉnh, thành giếng đá được tạo bởi hai khối đá liền, gồm hai phần: Phần thân hình bầu tròn, đục rỗng phía trong, cao 0,40m, đường kính miệng rộng 0, 85m, phần gờ miệng dày 4cm. Trang trí những hoa văn hình cánh sen lồng hoa cúc ở giữa. Cánh hoa cúc được tạo bởi 2 hình số 3 ngược chiều nhau. Cả hai phần hợp thành chiều cao của giếng là 0,65m [18, tr123].

Qua ba tấm bia và giếng đá như khảo tả ở trên được đánh giá là những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc và trang trí hoàn mỹ, tiêu biểu của tỉnh ta thế kỷ XVII.

Thành đá chỉ mở một cổng duy nhất vào đền thờ. Kiến trúc cổng thành cũng khá công phu: Phần dưới gồm 6 lớp đá bằng chiều cao của thành, phần trên xây bằng gạch. Cổng thành cao 4m - dài 5m - rộng 4,20m đề ba chữ là “Tướng Công môn” khắc bằng chữ Hán trên phiến đá trắng (dài 1,10m - rộng 0,45m) [18, tr 124]. Cấu trúc thành kiểu cuốn tò vò, bằng loại gạch múi cam. Phần nóc cổng thành đặt bệ đá hình rồng trong tư thế nằm cuộn tròn, đầu tựa vào thân mình to khỏe. Đầu rồng quay vào trong đền, mỗi khi trời mưa to, nước mưa được hội tụ hai bên mũi rồng tạo thành dòng nước phun ra từ miệng rồng. Hình tượng con rồng được thể hiện như trên gọi là rồng ổ. Đó là nét độc đáo trong nghệ thuật điêu khắc và kiến trúc ở đền thờ Nguyễn Văn Nghi.

Một phần của tài liệu Một số di tích lịch sử văn hóa tiêu biểu ở huyện đông sơn thanh hóa (Trang 75)