Vài nét khái quát về Nguyễn Nhữ Soạn và dòng họ Nguyễn Nhữ

Một phần của tài liệu Một số di tích lịch sử văn hóa tiêu biểu ở huyện đông sơn thanh hóa (Trang 62)

6. Bố cục của luận văn

2.2.1. Vài nét khái quát về Nguyễn Nhữ Soạn và dòng họ Nguyễn Nhữ

2.2.1.1. Nguyễn Nhữ Soạn

Đông Yên, quê hương của vị khai quốc công thần nổi tiếng triều Lê - Nguyễn Nhữ Soạn, xưa có tên là Mục Nhuận (Mộc Nhuận), thuộc tổng Thạch Khê, huyện Đông Sơn. Nơi đây vốn là một vùng đồng bằng trù phú trải rộng đền tận chân Ngàn nưa, giáp với các xã Đông Minh, Đông Thịnh, Đông Văn, Đông Tiến và xã Đông Hòa

“Nay chi Nhữ Soạn Thanh Hoa Mẹ là họ Nhữ quê nhà Đông Sơn Phò Lê công chức Quốc Công

Sinh Lương, Trực, Ngọ nối dòng ba trai Quận công phong chức hai người

Sau này con cháu bốn đời hầu phong…” [18, tr 107].

Nguyễn Nhữ Soạn cũng như cha và anh không chỉ là một tướng giỏi mà còn là người “Trên thông thiên văn, dưới tường địa lý”, thiên địa nhân hòa đã để lại truyền thống con cháu bốn đời hầu phong, dòng họ thế phiệt.

Theo gia phả dòng họ Nguyễn ở thôn Cẩm Nga - xã Đông Yên: Nguyễn Nhữ Soạn trước có tên là Bàn, sau đổi là Soạn, tên chữ là Thú Trung, tên hiệu là Huyền Đức, theo họ cha là Nguyễn, họ mẹ là Nhữ, thông danh là Nguyễn Nhữ Soạn. Ông là người tham gia cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo chống quân Minh xâm lược (thế kỉ XV) [47, tr 3].

Cả cuộc đời Nguyễn Nhữ Soạn gắn liền với cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Từ một người trông coi binh lương và sổ sách, buổi đầu dấy nghĩa nhưng vốn là người:

“Thiên tư hùng vĩ Thao lược toàn tài

Chồi thung nảy tốt Hoa lá đua tươi

Lấy thiên tử uốn chúc vin ngô Gồm chí lớn tả gươm hữu ấn Bậc tướng dòng lớn

Văn võ toàn tài” [18, tr 110].

Trong suốt cuộc kháng chiến chống quân Minh, Nguyễn Nhữ Soạn đã được giao phụ trách quân lương nhưng ông vẫn trực tiếp tham gia chỉ huy đánh những trận phục binh lớn như: trận Lạc Thủy, Bảo Lạc (1419), Mường Banh, Ba Lẫm (1423), Tây Đô, vây thành Đông Quan (1426), chặn đánh viện binh của Liễu Thăng ở núi Mã Yên và cùng với nhiều cánh quân khác giải phóng thành Đông Quan, buộc Vương Thông phải viết thư cầu hòa [18, tr 110].

Trải qua 10 năm bền gan chiến đấu, cuộc kháng chiến chống quân Minh của nhân dân ta đã toàn thắng, tháng giêng mùa xuân năm Mậu Thân (1428) Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế lấy niên hiệu là Thuận Thiên. Đại hội luận công ban thưởng được tổ chức. Nguyễn Nhữ Soạn lại được giao ghi chép lại các công thần tướng giỏi trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Ông và Ngô Sĩ Liên đã ghi chép và biên soạn thành sách “Bảo lục Lam Sơn” để con cháu đời đời biết đến.

Chiến tranh kết thúc, đất nước sạch bóng quân thù, người tướng già vẫn với “thiên tư hùng vĩ - thao lược toàn tài” trở về nơi ông cất tiếng khóc trào đời. Cuộc đời ông là cả một tấm gương “sáng nghĩa cả” một lòng giúp dân việc quân, không màng danh lợi. Khi ông mất - được vua ban sắc là “Bình Ngô khai quốc suy trung, hiệp mưu, dực vận, phụ quốc, bảo chính, minh nghĩa, công thần, ngân thanh, vinh lộc đại phu, tả xa kị vệ đị tướng quân, quan phục hầu, nhập thị nội hành khiển, tư mã, tặng Thái Phó Tuy quốc công,

bao phong thượng đẳng phúc thần…” [47, tr 03]. Đúngnhư câu đối ở đền thờ Nguyễn Nhữ Soạn đã ngợi ca:

“Công tại tiền triều, danh tại sử Sinh vi lương tướng, tử vi thần” Tạm dịch: Công ở triều xưa, danh ở sử

Sống làm tướng giỏi, chết nên thần”.

2.2.1.2. Dòng họ Nguyễn Nhữ Soạn

Cha của Nguyễn Nhữ Soạn là cụ Nguyễn Phi Khanh, thi đỗ bảng nhãn triều nhà Trần - nguyên quán đời trước ở xã Chi Ngại huyện Chí Linh - Hải Hưng. Về sau dời đến làng Hạ xã Nhị Khê, huyện Thượng Phúc, Phủ Thường Tín, đạo Sơn Nam Hà Nội.

Cụ Nguyễn Phi Khanh lấy bà cả phu nhân là con gái quan Tư đồ Trần Nguyên Đán, tên là Trần Thị Thái hiệu là Ngọc Điển, sinh được bốn trai, hai gái trong đó có Nguyễn Trãi hiệu là Ức Trai, năm 21 tuổi đỗ Thái học sinh khoa thi Tiến sĩ, năm Canh Thìn vương triều Hồ (1400), sau đó phò vua Lê Thái Tổ. Các em là Báo, Hùng, Ly, Liên, Hồ. Bà Trần Thị Thái mất sớm, cụ Nguyễn Phi Khanh chọn cho mình người bạn đời thứ hai. Bà thứ hai họ Nguyễn Nhữ sinh hạ cho ông hai quý tử là Nguyễn Nhữ Soạn và Nguyễn Nhữ Trạch (dòng cụ Trạch nay ở làng Bồng, xã Vĩnh Tân, Vĩnh Lộc). Bà thứ phu nhân của Nguyễn Phi Khanh quả là người phụ nữ công, dung, ngôn, hạnh vẹn toàn. Năm 1407 vương triều nhà Hồ bị giặc Minh bắt trong đó có cụ Nguyễn Phi Khanh [47, tr 3].

Nguyễn Nhữ Soạn sinh ra ở quê mẹ tại huyện Đông Sơn sau đó dời về Làng Lam Sơn, huyện Thụy Nguyên nay là huyện Thọ Xuân, là con trai thứ năm của cụ Nguyễn Phi Khanh, là em cùng cha khác mẹ với Nguyễn Trãi, đồng thời cũng là người tham gia cuộc khởi nghĩa Lam Sơn từ những ngày đầu. Nguyễn Nhữ Soạn lấy ba người vợ, sinh được ba người con trai:

Bà cả Nguyễn Thị Tài, người làng Lam Sơn (được phong tặng Thái phu nhân), sinh ra Nguyễn Nhữ Trực. Khi Nhữ Trực lên hai tuổi bà mất. Sau này lớn lên Nguyễn Nhữ Trực tham gia cuộc khởi nghĩa Lam Sơn và được phong “Lãn vương hầu Dương quận công” trấn thủ thành Nghệ An. Lập thành chi họ Nguyễn ở thôn Phổ Môn, xã Cẩm Trường, huyện Chân Lộc, Nghệ An nay là xã Nghi Trường, huyện Nghi Lộc. Hiện đền thờ của ông vẫn còn ở đây.

Bà thứ hai tên là Nguyễn Thị Chủng (được phong Á phu nhân). Bà sinh ra Nguyễn Nhữ Ngọ. lớn lên theo phò vua Lê Thánh Tông đi dẹp Chiêm Thành, được phong “Phụ quốc Thượng tướng quân, Đơn nghĩa hầu kiêm quận công” về sau lập nghiệp ở làng Cẩm Nga - Mục Nhuận và một chi ở Lan Trà, Tĩnh Gia, Thanh Hóa.

Vợ thứ ba tên là Chu Thị Triều sinh ra Nguyễn Nhữ Lương cũng phò vua đi dẹp giặc Chiêm Thành, mở rộng bờ cõi được phong chức “Đặc tiến phụ quốc, thị nội hành tổng quản thiên ngưu vệ, chưởng các việc quân, tước đại lộc hầu” tên thụy hiệu là Thủ Tiến tướng công, được vua ban quốc tính trở về quê cha để lập nghiệp, và sinh ra con cháu dòng họ Nguyễn ở Đông Yên ngày nay [47, tr 4].

2.2.2. Đền thờ Nguyễn Nhữ Soạn

2.2.2.1. Lịch sử hình thành

Đền thờ Nguyễn Nhữ Soạn có tên chữ là “Quốc Công Từ”(Đền thờ Quốc Công). Bởi lẽ, Nguyễn Nhữ Soạn là một khai quốc công thần trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo chống quân Minh xâm lược ở thế kỉ XV. Khi ông mất, được nhân dân quanh vùng lập đền thờ phụng. Mặt khác, ông còn là ông tổ dòng họ Nguyễn ở thôn Cẩm Nga - xã Đông Yên. Chính vì vậy ở đền thờ ông hiện nay vẫn còn hai bức đại tự “Quốc Công Từ” và “Nguyễn từ đường”. Cách gọi của nhân dân địa phương cũng xuất phát từ ý nghĩa trên.

Đền thờ Nguyễn Nhữ Soạn nằm giữa làng Cẩm Nga, xã Đông Yên, cách huyện lỵ Đông Sơn 5 km về phía Bắc, cách thành phố Thanh Hóa 9 km. Đến di tích theo tuyến đường thị Thanh Hóa - Cầu Cao - Cầu Trầu. Rẽ phía tay trái đi khoảng 5 km là đến di tích. Phương tiện ô tô - xe máy - xe đạp đều thuận tiện.

Quốc Công Từ dựng theo hướng Đông Nam, chếch về phía Nam 100 trên một khu đất cao ráo, bằng phẳng, diện tích khoảng 1.173m2. Phía trước đền là một ao làng rộng khoảng 7ha, bên kia ao là khu trung tâm kinh tế, chính trị và văn hóa của xã, phía sau đền là hai bên khu dân cư đông đúc

Đền thờ được xây dựng từ bao giờ không rõ. Căn cứ vào thương lượng ở nhà chính tẩm và Tiền đường thì đền thờ được tu tạo vào năm Đinh Mùi cửu nguyệt - thập lục nhật - niên hiệu Chiêu Thống năm đầu - tức là ngày mùng 10 tháng 9 năm Đinh Mùi (1737) thời vua Lê Mẫn Đế (1787 - 1788) [47, tr 7].

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, mưa gió thiên nhiên và khói lửa đạn bom, ngôi đền bị đổ nát và đã bị vi phạm, đất đai chung quanh đền thờ đã chuyển thành đất dân cư. Nghiêm trọng hơn nữa là các công trình dân cư đã làm lấn át, ảnh hưởng đến vẻ đẹp của di tích. Tuy vậy, trong vài năm gần đây, do ý thức dòng họ, nên đền thờ đã được con cháu các chi phái gần xa trong dòng tộc tu bổ và bảo quản cẩn thận. Đặc biệt, ngày 28/1/1988 chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ra quyết định bảo vệ di tích đền thờ. Từ đó đến nay di tích được chính quyền 3 cấp: xã - huyện - tỉnh và các cơ quan văn hóa các cấp quan tâm bảo vệ, tu bổ tôn tạo.

Hàng năm vào ngày 8/ 4 âm lịch - ngày kị của Quốc công Nguyễn Nhữ Soạn địa phương tổ chức ngày hội truyền thống, ôn lại những trang sử hào hùng, truyền thống vẻ vang của quê hương, tưởng nhớ tổ tiên tại khu vực di tích.

2.2.2.2. Đặc điểm kiến trúc

Theo lời kể của các cụ già trong dòng họ Nguyễn làng Cẩm Nga - xã Đông Yên. Trước đây cấu trúc của đền gần nhà tiền đường 5 gian và nhà chính tẩm 2 gian. Bố cục kiến trúc theo kiểu chữ nhị hai bên có tả vu - hữu vu, mỗi dãy 3 gian. Trước tiền đường là sân (Bái đường) lát gạch. Trước sân là bức bình phong và tiếp đó là hai cột nanh cao khoảng 2.5m, trên đầu cột nanh trang trí hai con nghê. Xung quanh khu vực đền thờ không xây tường mà chỉ trồng tre gai dày đặc.

Hiện nay nhà tiền đường và hậu cung vẫn còn tương đối nguyên vẹn. “Nhà tiền đường kiến trúc 5 gian, dài 10,50m, rộng 5,90m diện tích xây dựng khoảng 61,90m2. Nhà chính tẩm dài 7m - rộng 5,60m, diện tích 39, 20m2 và bái đường dài 11m, rộng 7, 60m = 83m2. Tổng diện tích xây dựng của đền khoảng 184m2” [47, tr 8]. Kết cấu các vì kèo gồm: cột cái, cột quân và cột hiên, các vì kèo liên kết với nhau bằng các hàng xà thượng - xà hạ, hai vì kèo giữa kết cấu kiểu giá chiêng. Các cấu trúc như tầu bẩy tiền, các bức đầu dư, đấu bát đều được chạm khắc theo đề tài tứ linh và tứ quý, nét chạm khắc duyên dáng, mềm mại, tinh xảo, thể hiện bàn tay tài hoa của những người thợ mộc xứ Thanh, mang đậm phong cách nghệ thuật điêu khắc gỗ thế kỷ XVIII.

2.2.2.3. Các hiện vật có giá trị trong đền

Ngoài phần kiến trúc, Quốc Công Từ còn lưu giữ nhiều di vật quý giá giúp các nhà nghiên cứu lịch sử có thêm tư liệu trong việc khảo cứu dòng họ Nguyễn, về cuộc khởi nghĩa Lam Sơn thế kỷ XV, về thân thế và sự nghiệp của vị khai quốc công thần Nguyễn Nhữ Soạn

Hiện tại đền thờ Nguyễn Nhữ Soạn còn những di vật quý giá sau đây: Bộ long ngai và bài vị có ghi hiệu duệ: “Lê cố bình Ngô khai quốc truy tặng thái phó Tuy quốc công Nguyễn Tính, Húy Nhữ Soạn tự Thủ Trung,

Thụy Huyền Đức, suy trung hiệp mưu dực vận, phị quốc bảo chính, minh nghĩa công thần, ngân thanh vinh lộc đại phu, tả xa kỵ vệ đại tướng quan, quan phục hầu nhập thị nội, tư mã, Tứ Quốc Tính bap phong thượng đẳng thần” [18, tr 113].

Trong đền còn lưu giữ gia phả dòng họ Nguyễn ghi rõ thế thứ gia đình, thân thế và sự nghiệp của Nhữ Soạn cùng với 22 đạo sắc phong. Đạo sắc sớm nhất từ đời Lê Chiêu Thống (1787) cho đến các đời vua Gia Long, Minh Mạng, Duy Tân, Thiệu Trị, Khải Định. Sắc phong mỗi đời đều có nội dung giống nhau, chỉ riêng đạo sắc có niên hiệu Gia Long nguyên niên (Gia Long năm thứ nhất 1802) phong thêm “Hoằng mô yên biên tĩnh nạn đại vương”.

Gian chính giữa Quốc Công từ là 2 bức đại tự sơn son thếp vàng ghi “Quốc Công từ” và “Nguyễn Từ đường” cùng với ba câu đối trong đền

Đôi thứ nhất: “Bình Ngô bảo kiếm quang ngưu đẩu

Tích mệnh đan thư vĩnh Thái Hoàng”

Tạm dịch: Thanh gươm báu đẹp Ngô sáng ngời sao ngưu đẩu

Cuốn sách son ban mệnh, mãi mãi bậc Thái Hoàng.

Đôi thứ hai: “Công tại tiền triều danh tại sử Sinh vi lương tướng, tử vi thần”

Tạm dịch: Công tại triều xưa danh ở sử

Sống làm tướng giỏi chết nên thần

Đôi thứ ba: “Đế mậu quyết công lịch triều ba cổn Thiên tích chi phúc vạn đại hiếu hiền.”

Tạm dịch: Vua giàu công lao đó nhiều trực rực rỡ Triều ban cho phúc đức vạn thuở hiếu hiền.

Ngoài các di vật trên, trong đền còn giữ nhiều đồ thờ tự khác như bát hương, mâm quả, đế đèn… Giá chiêng và bài chúc văn tế tổ vào ngày 8 tháng 4 hàng năm của dòng họ.

Đền thờ Tuy Quốc Công Nguyễn Nhữ Soạn là một di tích lưu niệm về quê hương, dòng họ và thân thế sự nghiệp của ông - một khai quốc công thần trong cuộc kháng chiến chống ngoại xâm giành độc lập và chủ quyền dân tộc ở thế kỷ XV. Đó là bằng chứng hùng hồn chứng minh truyền thống kiên cường bất khuất chống ngoại xâm của ông cha ta thuở trước. Do vậy, nó có giá trị đặc biệt trong lĩnh vực nghiên cứu lịch sử của dân tộc ta. Tên tuổi và cống hiến của Tuy Quốc Công Nguyễn Nhữ Soạn mãi mãi gắn liền với trang sử hào hùng chống ngoại xâm của dân tộc ta, nhân dân ta ở thế kỷ XV.

Một phần của tài liệu Một số di tích lịch sử văn hóa tiêu biểu ở huyện đông sơn thanh hóa (Trang 62)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(160 trang)