6. Bố cục của luận văn
2.3.1. Vài nét về Nguyễn Văn Nghi
Nguyễn Văn Nghi - tự là Ấp Thanh - người xã Ngọc Bôi, huyện Đông Sơn, châu Ái (nay là thôn Kim Bôi, xã Đông Thanh, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa). Ông sinh năm Ất Hợi (1515), trong một gia đình “danh gia thế phiệt” thời bấy giờ. Ông nội là Nguyễn Uyên làm tri huyện, gia phong Thái Bảo. Thân phụ của ông là Nguyễn Tứ. Thân mẫu là Lê Thị Niệm, con gái đầu lòng của quan Hiến sứ Thụy bằng Lê Hựu. Bà sinh được ba người con trai, đều nối chí làm rạng rỡ danh tiếng của cha ông thuở trước. Con trai trưởng Nguyễn Văn Nghi, thứ hai là Nguyễn Văn Liêm, được phong Thông chính phó, thứ ba là Nguyễn Văn Diễn được phong tặng Tuyên lực tá lý công thần Thượng bảo tự khanh, tước Tuyên đạt. Năm 39 tuổi, Nguyễn Văn Nghi đỗ Nhất giáp chế khoa, năm Giáp Dần niên hiệu Thuận Bình thứ 8 (1554) đời vua Lê Trung Tông (1549 - 1556). Ông là người tài đức vẹn toàn, có nhiều công lao giúp ba vua: Lê Trung Tông (1549 - 1556), Lê Anh Tông (1556 - 1572) và Lê Thế Tông (1573 - 1599), [18, tr 116] và đã giữ nhiều chức vụ quan trọng trong triều.
Những năm cuối đời, dưới thời vua Lê Thế Tông, ông giữ chức Tả thị lang bộ lại, nhập thị Kinh Diên kiêm Đông các học sĩ, tước Phúc Ấm bá. Ông
thọ 69 tuổi, khi ông mất được nhà vua gia ân tặng Thượng thư bộ công, Thái Bảo, ban tên thụy là “Phúc Khê Tướng Công Từ”. Nhà sử học nổi tiếng Phan Huy Chú nhận xét: “Ông tính đoan trang, cẩn thận, có khuôn phép… Là bậc danh nho đỗ cao, được ba vua tri ngộ, đức nghiệp và tiếng tăm hơn cả các nho thần đầu thời Trung Hưng… ” [23, tr 303].
Văn bia hiện còn ở đền thờ ông có đoạn “… Tướng công là bậc đại khoa, ngôi cao chốn triều trung, được khí thiêng của trời đất hun đúc, được tôn làm phúc thần, vinh hoa chồng chất, phúc đức cao dày: Phúc cho nước, phúc cho dân, phúc cho con cháu, phúc cho dòng dõi. Phúc quả là lớn vậy! Dòng chữ đề “Phúc Khê Tướng Công Từ” thật là đầy đủ ý nghĩa… ” [48, tr 2].