Từ năm 1994 đến nay, Việt Nam đã có hàng chục sự cố tràn dầu lớn nhỏ xảy ra với mức độ thiệt hại từ không đáng kể đến hàng chục tỷ đồng. Trong đó, các sự cố tràn dầu lớn, gây hậu quả môi trường và thiệt hại kinh tế nghiêm trọng là từ các tai nạn của các tàu chở dầu [1]. Các sự cố tràn dầu điển hình tại Việt Nam sẽ được đề cập trong nội dung dưới đây.
Sự cố tràn dầu tàu Neptune Aries
Sự cố tràn dầu tàu Neptune Aries, xảy ra ngày 03/10/1994 do tàu Neptune Aries đâm vào cầu cảng Cát Lái, sông Sài Gòn, Thành phố Hồ Chí Minh làm tràn đổ hơn 1.700 tấn dầu DO ra sông Sài Gòn - Đồng Nai và các sông nhánh/ kênh rạch trong khu vực lân cận. Trong đó có khoảng 400 tấn dầu được thu gom bằng phương pháp thủ công tự phát của người dân. Tổng thiệt hại về môi trường và kinh tế xã hội do hậu quả của sự cố được đánh giá rất nghiêm trọng với ước tính lên đến 19 triệu USD. Chủ tàu Neptune Aries đã bồi thường 4,2 triệu USD để khắc phục sự cố và đền bù cho các thiệt hại do sự cố gây ra.
Hình 2.1: Váng dầu từ sự cố tràn dầu tàu Neptune Aries bao phủ mặt sông Sài Gòn và sông Đồng Nai (ảnh chụp từ trực thăng)
Sự cố tràn dầu tàu Pormosa One
Sự cố tràn dầu tàu Pormosa One xảy ra ngày 07/09/2001 tại vịnh Gành Rái, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (BR-VT). Do không tuân thủ đúng chỉ dẫn của cảng vụ Vũng Tàu, tàu Pormosa One đã đâm va với tàu Petrolimex-01 đang neo đậu tại vịnh Gành Rái, làm tràn đổ khoảng 900m3 (tương đương 750 tấn) dầu DO.
Do sự cố xảy ra lúc 3 giờ sáng và tại vị trí cách bờ khoảng 2 km, đúng vào lúc triều đang lên trên vịnh Gành Rái với vận tốc dòng triều khoảng 2 knot, toàn bộ lượng dầu tràn đã nhanh chóng táp vào bờ biển vùng vịnh Gành Rái bao gồm bãi trước Long Sơn, Sao Mai, Bến Đình…và không cho phép các biện pháp ứng cứu có thể được triển khai kịp thời. Ngày 08/09/2001 (một ngày sau sự cố), tàu Petrolimex-01 được kéo đến cảng Nhà Bè để giải phóng toàn bộ lượng dầu còn lại trong tàu.
Mặc dù chính quyền địa phương đã nhanh chóng triển khai nhiều biện pháp khắc phục nhằm hạn chế các thiệt hại do sự cố tràn dầu gây ra, nhưng do các khu vực nhạy cảm cao như rừng ngập mặn, các bãi nuôi trồng thủy sản, các bãi tắm không được che chắn và bảo vệ kịp thời gây thiệt hại nặng nề tới kinh tế và môi trường của tỉnh BR-VT.Thiệt hại từ sự cố tràn dầu này được ước tính lên đến 14,2 triệu USD. Sau hơn 3 năm giải quyết khiếu nại đền bù, chủ tàu Pormosa One đã bồi thường hơn 4 triệu USD cho các thiệt hại do sự cố tràn dầu gây ra.
Hình 2.2: Thiệt hại về nuôi trồng thủy sản từ sự cố tràn dầu tàu Pormosa One
Sự cố tràn dầu tàu Fortune Freighter
Sự cố tràn dầu tàu Fortune Freighter, xảy ra ngày 12/01/2003 trên sông Sài Gòn do tàu biển Fortune Freighter và đoàn phương tiện tàu kéo của tỉnh đội Hậu Giang. Sự cố này đã làm tràn khoảng 300 tấn dầu DO vào môi trường.Ước tính thiệt hại kinh tế và môi trường khoảng hơn 2 tỷ đồng.
Ngay sau khi sự cố xảy ra 1 giờ, công ty Đại Minh đã huy động lực động lực lượng đến hiện trường, triển khai các phao quây và máy hút dầu tại khu vực xảy ra sự cố. Cũng ngay trong ngày 12/01/2003, UBND Tp. HCM cũng đã nhanh chóng thành lập Ban chỉ đạo ứng cứu sự cố gồm sở Khoa học công nghệ môi trường (KHCNMT), lực lượng CSGT đường thủy, cảnh sát PCCC, Cảng vụ Tp.HCM, Ban quản lý khu đường sông, công ty Đại Minh và Công ty Khoan & Dịch Vụ Khoan dầu khí (PV Drilling) để lập kế hoạch và triển khai công tác ứng cứu cùng với công ty Đại Minh. Đến tối ngày 13/01/2003, toàn bộ lượng dầu còn lại trong sà lan bị tai nạn đã được bơm chuyển ra ngoài và đến sáng ngày 14/01/2003, luồng tàu đã được hoàn toàn giải phóng.
Kết thúc các công tác ứng cứu sự cố, lượng dầu thu gom được là khoảng 170 tấn, chiếm hơn 36% lượng dầu đã tràn ra ngoài.
Sự cố tràn dầu tàu Hồng Anh
Sự cố đắm tàu chở dầu Hồng Anh xảy ra ngày 20/03/2003 do sóng lớn trong khu vực vịnh Gành Rái, làm tràn khoảng 100 tấn dầu FO ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực rừng phòng hộ Cần Giờ và các khu vực nuôi trồng thủy sản của huyện Cần Giờ. Tổng thiệt hại về kinh tế và môi trường do sự cố gây ra được ước tính khoảng 23 tỷ đồng.
UBND huyện Cần Giờ đã nhanh chóng tổ chức cứu hộ các thuyền viên và thông báo cho các cơ quan chức năng của Tp.HCM để triển khai phao quây, cùng phối hợp trong công tác thu gom dầu. Đến ngày 26/03/2003, tàu Hồng Anh được làm nổi và đưa về cảng VISAL Vũng Tàu. Hoạt động cứu hộ chấm dứt lúc 17 giờ cùng ngày. Tổng lượng dầu và nước bơm chuyển từ trong tầu ra ngoài là 567 tấn.
Sự cố tràn dầu tàu Kasco Monrovia
Sự cố tràn dầu xảy ra ngày 21/01/2005 do tàu Kasco Monrovia đâm vào trụ cảng trong khi cập cảng Saigon Petro trên sông Sài Gòn, Tp. HCM làm tràn ra môi trường hơn 500 tấn dầu DO. Tổng thiệt hại được ước tính khoảng 25 tỷ đồng.
Hình 2.3: Hoạt động thu gom dầu của người dân trong sự cố tàu Kasco Monrovia
Chỉ 1 giờ sau khi sự cố xảy ra, sở Tài nguyên và Môi trường Tp. HCM đã huy động công ty Đại Minh triển khai lực lượng gồm 25 nhân viên, 4 tàu ứng cứu, các tàu và ca nô phụ trợ, các phao quây dầu, phao thấm dầu và các máy hút dầu đến hiện trường sự cố. Mặc dù các lực lượng ứng cứu đã được triển khai nhanh chóng nhưng do sự cố xảy ra đúng lúc triều lên gần đạt đỉnh, dòng triều đã làm phân tán nhanh chóng vào hệ thống
kênh rạch chằng chịt trong khu vực, tạo ra những bất lợi cho công tác thu gom dầu tràn. Đến ngày 24/01/2005, các hoạt động ứng cứu chấm dứt, tàu Kasco Monrovia được kéo đến cảng Nhà Bè để sữa chữa. Tổng lượng dầu thu được khoảng 50 tấn.
Sự cố tràn dầu tàu La Palmas.
Ngày 24/8/2006, tàu La Palmas (quốc tịch nước ngoài) có trọng tải 31.000 tấn, chuyên chở 23.000 tấn dầu DO trong lúc cập cảng Sài Gòn đã va vào cầu cảng và làm tràn hơn 1500 tấn dầu ra môi trường. Ngoài ra, còn có 150 tấn xăng tràn ra từ hệ thống ống dẫn của cầu cảng. Dù đã ứng phó sự cố kịp thời, nhưng chỉ sau 9 giờ, váng dầu đã lan rộng cách khu vực xảy ra sự cố 40-50 km theo phía hạ lưu sông Sài Gòn. Tiếp đó, do thủy triều lên, váng dầu bị đẩy ngược lên thượng lưu cách nơi xảy ra sự cố 4-5 km. Sau 15 ngày, diện tích bị ảnh hưởng bởi tràn dầu là 60.000 ha bao trùm một khu vực lớn dọc diện tích theo sông Sài Gòn, trong đó diện tích bị ô nhiễm nặng nhất là 40.000 ha.
Sự cố tràn dầu không rõ nguồn gốc xảy ra vào đầu năm 2007
Sự cố tràn dầu không rõ nguồn gốc kéo dài từ tháng 1- 4/2007, dầu táp vào bờ biển của 20 tỉnh/thành phố dọc theo bờ biển Việt Nam (Hình 1.6). Trong sự cố này đã thu gom được 1.721 tấn dầu ô nhiễm, đa phần có nguồn gốc dầu thô và một số ít có nguồn gốc là thành phẩm. Cho đến quí 3/2008 đã có báo cáo cuối cùng về đợt tràn dầu này từ bộ TN&MT gửi Chính phủ Việt Nam.
Đây là vụ tràn dầu gây ảnh hưởng với diện lớn nhất và thời gian kéo dài trong các sự cố đã xảy ra tại Việt Nam, gây ra nhiều bức xúc về tâm lý, xã hội. Tuy chưa công bố con số thiệt hại cuối cùng từ đợt tràn dầu này nhưng có nhiều bài học liên quan tới công tác tổ chức thực hiện ứng phó cũng như khâu quan trắc, nhận dạng nguồn gốc dầu ô nhiễm, công tác đối ngoại trong ứng phó tràn dầu đã được tổng kết để cải thiện trong tương lai.
Hình 2.4: Bản đồ các tỉnh thành dọc bờ biển Việt Nam bị ảnh hưởng từ đợt tràn dầu vào dầu năm 2007
Sự cố tràn dầu tàu Đức Trí
Sự cố chìm tàu chở dầu Đức Trí ngày 2/3/2008 đã làm 1.700 tấn dầu FO loang tràn trên biển gây ảnh hưởng trên diện rộng từ Bình Thuận đến Vũng Tàu về kinh tế, môi sinh và môi trường. Đặc biệt, tác động đến các hoạt động kinh doanh du lịch, đánh bắt, nuôi trồng thủy sản, nông nghiệp, môi trường, tài nguyên biển, rừng phòng hộ ven biển, sinh vật phù du… Ở một số khu vực nhạy cảm, tác động của tràn dầu sẽ gây thiệt hại trong một thời gian dài.
Sự cố tàu Lady Belinda
Ngày 21/9/2009, tàu biển Lady Belinda mang quốc tịch Sêria trọng tải 30.000 tấn chở đầy quặng thép đã đâm vào cầu Mương Chuối (huyện Nhà Bè, Tp.HCM) và bị chìm xuống đáy sông Soài Rạp gây tràn 1.000 lít dầu DO. Ngay khi xảy ra sự cố các lực lượng cứu hộ của DNTN ứng cứu sự cố tràn dầu Đại Minh, sở Tài nguyên và Môi trường Tp.HCM, đội cứu hộ thuộc sở Cảnh sát PCCC, bộ đội biên phòng,… đã có mặt tại hiện trường (khu vực phao số 8 trên sông Soài Rạp, xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè) triển khai ngay công tác cứu hộ, cứu nạn và ngăn ngừa sự cố tràn dầu từ chiếc tàu này.
Sự cố tràn dầu tại Cảng Dung Quất
Tháng 11/2012, tại khu vực bến số 1, cảng Dung Quất – khu kinh tế Dung Quất, thuộc địa bàn xã Bình Thuận (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi), tàu Racer Expresss có trọng tải 43.000 tấn quốc tịch Panama neo đậu để vận chuyển dăm gỗ xuất khẩu, trong lúc bơm dầu cặn từ các hầm chứa trong tàu thì xảy ra sự cố ống bơm bị vỡ, khiến 1.000 lít dầu tràn ra biển.
Hình 2.5: Sử dụng phao quây không cho dầu loang tại cảng Dung Quất
Như vậy, qua các sự cố kể trên và nhiều sự cố nhỏ lẻ khác có thể nhận thấy tần
suất xảy ra sự cố tràn dầu là tương đối cao, gây ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường và kinh tế xã hội của các địa phương ven biển của nước ta.