Các phương pháp định giá quyền Sở hữu trí tuệ

Một phần của tài liệu Pháp luật Việt Nam về thương mại hóa quyền sở hữu trí tuệ (Trang 46)

7. Kết cấu của luận văn

1.4.2. Các phương pháp định giá quyền Sở hữu trí tuệ

Hiện nay có 3 phương pháp định giá quyền SHTT:

1.4.2.1. Phuơng pháp định giá dựa trên chi phí:

+ Phương pháp dựa trên chi phí quá khứ

Phương pháp này dựa trên sự xác định và tổng hợp các chi phí quá khứ đã phát sinh trong quá trình xây dựng tài sản, tổng chi phí coi như là giá trị của tài sản.

Như vậy, định giá quyền SHTT theo phương pháp này là dựa trên sự tích lũy các chi phí đã phát sinh trong quá trình xây dựng như: chi phí quảng cáo, xúc tiến, chi phí quảng cáo, chi phí đăng ký, các khoản lệ phí… Song

46

việc sử dụng phương pháp này lại có hạn chế là không phản ánh được tiềm năng, khả năng sinh lời trong tương lai của quyền SHTT được định giá. Nên việc định giá quyền SHTT chỉ dựa trên chi phí quá khứ là chưa thực sự chuẩn xác.

+ Phương pháp dựa trên chi phí thay thế tái tạo

Phương pháp này liên quan đến việc xác định và tổng hợp các chi phí cần thiết để tái tạo lại tài sản mà nó có khả năng tạo ra các lợi ích kinh tế trong tương lai giống như tài sản đang được định giá.

Về mặt lý thuyết thì phương pháp này chính xác hơn phương pháp chi phí quá khứ nhưng trong thực tế khó ước tính được chi phí thay thế hiện tại một cách khách quan. Ví dụ như trong quá trình định giá quyền đối với nhãn hiệu, cần bao nhiêu chi phí cho quảng cáo để đạt được mức độ quan tâm của thị trường với một nhãn hiệu là rất khó thực hiện.

Phương pháp chi phí thay thế khấu hao thường được áp dụng khi định giá cho tài sản chuyên dụng như phần mềm máy tính đã được bảo hộ quyền tác giả. Cách tính là:

Giá trị phần mềm máy tính = Chi phí thay thế tái tạo – Khấu hao/độ cũ [40; 359].

1.4.2.2. Phương pháp định giá dựa trên thu nhập

Nguyên tắc của phương pháp định giá quyền SHTT căn cứ vào thu nhập đó là việc xác định giá trị của quyền SHTT sẽ được tính ra từ các lợi ích kinh tế (tức là thu nhập/dòng tiền) mà nó mang lại trong tương lai. Có 2 cách tiếp cận đối với phương pháp này là “vốn hóa thu nhập” và “phân tích dòng tiền chiết khấu”

+ Cách tiếp cận “vốn hóa thu nhập”

Giá trị hiện tại của các lợi ích trong tương lai = mức thu nhập đại diện của tài sản : tỷ lệ vốn hóa

47 + Cách tiếp cận “dòng tiền chiết khấu”

Trong cách tiếp cận này thì các khoản tiền nhận được sẽ được xác định cho từng giai đoạn trong những giai đoạn tương lai. Những khoản nhận được này được chuyển sang giá trị bằng cách áp dụng một tỷ lệ chiết khấu có sử dụng các kỹ thuật giá trị hiện tại.

1.4.2.3. Phương pháp định giá dựa trên thị trường

Phương pháp định giá dựa trên thị trường được thực hiện bằng cách so sánh đối tượng được định giá với đối tượng của quyền SHTT tương tự hay các lợi ích sở hữu quyền SHTT.

Khi áp dụng phương pháp này, cần phải đáp ứng các điều kiện sau: + Cần phải có cơ sở hợp lý dựa vào để so sánh với các đối tượng của quyền SHTT tương tự và cùng nằm trong lĩnh vực kinh doanh. Sự so sánh phải được thực hiện có ý nghĩa và không gây ra sự nhầm lẫn;

+ Dữ liệu sử dụng để tính toán phải chính xác;

+ Dữ liệu giá cả phải còn hiệu lực vào thời điểm định giá và đại diện cho thị trường vào thời điểm đó;

+ Tiến hành những điều chỉnh phù hợp để khiến cho đối tượng được so sánh và đối tượng cần định giá trở nên dễ so sánh hơn;

+ Khi sử dụng các giao dịch trước đó cần phải thực hiện những điều chỉnh cần thiết đối với sự thay đổi về thời gian, những hoàn cảnh thay đổi trong nền kinh tế, trong ngành công nghiệp và trong các đối tượng của quyền SHTT.

Phương pháp này tỏ ra ưu việt hơn 2 phương pháp dựa trên chi phí và thu nhập vì nó có tính khách quan hơn, độ tin cậy cao hơn và có những bằng chứng khách quan về giá thị trường (là thỏa thuận giữa các bên giao dịch). Tuy nhiên, trong thực tế khó tìm được các giao dịch đối với các đối tượng của quyền SHTT tương tự trên thị trường và các thông tin đáng tin cậy về chúng.

48

Các giao dịch đó thường tuân thủ theo các điều khoản không tiết lộ bí mật và trong các giao dịch thì các chi phí phụ thường được tính vào giá đã thanh toán. Hơn thế nữa các đối tượng của quyền SHTT thường là duy nhất (như sáng chế) thì sẽ gây ra khó khăn trong việc tìm ra mức giá của những đối tượng có thể so sánh được với đối tượng cần định giá.

Các hình thức để thương mại hóa quyền SHTT rất đa dạng và phong phú, điều này xuất phát từ bản chất thương mại của quyền SHTT. Tuy nhiên, để thương mại hóa được và áp dụng các hình thức nào để thương mại hóa quyền SHTT thì còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố: nhu cầu của xã hội, các quy định của pháp luật, khả năng của chủ sở hữu, chiến lược sử dụng, kinh doanh để tạo ra lợi nhuận của chủ sở hữu, định giá đúng giá trị của các đối tượng của quyền SHTT… Để thương mại hóa quyền SHTT phù hợp nhất với các chi phí bỏ ra và sự đầu tư của trí tuệ thì việc định giá các tài sản trí tuệ là đối tượng của quyền SHTT cũng là một khâu rất quan trọng làm nên sự thành công. Tuy nhiên, với đặc tính vô hình của tài sản trí tuệ cho nên việc định giá trở nên khó khăn hơn so với tài sản hữu hình. Điều này phụ thuộc vào năng lực định giá của các chuyên gia. Có thể nói việc thương mại hóa quyền SHTT thành công không phải là dễ dàng song nó tạo ra lợi nhuận và thúc đẩy sự phát triển của tri thức nhân loại, kinh tế, văn hóa, xã hội…

49

CHƯƠNG 2.

PHÁP LUẬT VỀ THƯƠNG MẠI HÓA QUYỀN SỞ HỮU TRÍ TUỆ

Một phần của tài liệu Pháp luật Việt Nam về thương mại hóa quyền sở hữu trí tuệ (Trang 46)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(147 trang)