Nhượng quyền thương mại

Một phần của tài liệu Pháp luật Việt Nam về thương mại hóa quyền sở hữu trí tuệ (Trang 38)

7. Kết cấu của luận văn

1.3.4. Nhượng quyền thương mại

NQTM xuất hiện từ rất lâu và được khởi nguồn từ Mỹ vào những năm 1850 nhưng trong suốt 100 năm tiếp theo thì hoạt động này chỉ diễn ra trong phạm vi của nước Mỹ. Cho đến những năm 1980 thì hoạt động NQTM mới phát triển và lan rộng mạnh mẽ trên khắp thế giới [1]. NQTM đã đem lại rất nhiều thành công và lợi nhuận cho những thương hiệu lớn ở Việt Nam và ở trên thế giới. Điển hình nổi tiếng đó là McDonald’s sau 70 năm hình thành và phát triển, nó đã hình thành được hơn 31.000 hệ thống cửa hàng ở trên 100 quốc gia. Doanh thu năm 2008 của tập đoàn này là 22,8 tỷ USD, lãi ròng khoảng 3,5 tỷ USD [69]. Người ta ước tính rằng cứ khoảng sau 4 đến 5 giờ đồng hồ thì trên toàn cầu lại xuất hiện thêm 1 nhà hàng nữa mang thương hiệu McDonald’s với mức phí cố định thanh toán ban đầu mua quyền thương mại của McDonald’s là 45.000 USD và phí hàng tháng là 1,9% doanh số (giá 2005) [70]. Có thể thấy rằng NQTM là một hình thức thương mại hóa các đối tượng SHTT mang lại doanh thu và lợi nhuận khổng lồ.

Hiện nay vẫn chưa có một định nghĩa thống nhất về NQTM trên toàn thế giới. Ở Việt Nam, NQTM là một hoạt động thương mại theo một mô hình kinh doanh thống nhất, có gắn liền với quyền SHTT. Điều 284 Luật thương mại 2005 quy định:

38

NQTM là hoạt động thương mại, theo đó bên nhượng quyền cho phép và yêu cầu bên nhận quyền tự mình tiến hành việc mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ theo các điều kiện sau đây:

1. Việc mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ được tiến hành theo cách thức tổ chức kinh doanh do bên nhượng quyền quy định và gắn với nhãn hiệu hàng hóa, tên thương mại, bí quyết kinh doanh, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, quảng cáo của bên nhượng quyền.

2. Bên nhượng quyền có quyền kiểm soát và trợ giúp cho bên nhận quyền trong việc điều hành công việc kinh doanh.

NQTM cũng là một hoạt động thương mại hóa quyền SHTT nhưng theo quy định trên thì NQTM chỉ là thương mại hóa quyền SHTT đối với một số đối tượng, cụ thể là quyền sử dụng đối với nhãn hiệu, tên thương mại và BMKD.

Đặc điểm của NQTM:

+ Đối tượng của NQTM là “quyền kinh doanh”

Có thể thấy rằng bản chất của NQTM là bên nhượng quyền cho phép bên nhận quyền sử dụng “quyền thương mại” của mình trong kinh doanh.

“Quyền thương mại” là quyền kinh doanh hàng hóa, dịch vụ theo những phương pháp và cách thức kinh doanh mà bên nhượng quyền quy định. Cùng với đó là quyền sử dụng các đối tượng của quyền SHTT do bên nhượng quyền chuyển giao như: nhãn hiệu, tên thương mại, BMKD và các dấu hiệu thương mại của mình như: biểu tượng kinh doanh, khẩu hiệu kinh doanh, biển hiệu, quảng cáo…

+ Bên nhượng quyền và bên nhận quyền luôn có một mối quan hệ mật thiết với nhau trong suốt thời hạn của hợp đồng NQTM

39

Bước vào bất cứ một mô hình kinh doanh nào theo hình thức NQTM, chúng ta đều bắt gặp một sự đồng nhất trong phong cách phục vụ, cách bài trí không gian, chất lượng sản phẩm, cách thức sử dụng nhãn hiệu, tên thương mại, biển hiệu kinh doanh, đồng phục của nhân viên… Để đảm bảo sự thống nhất này, thì ngay từ khi hợp đồng NQTM bắt đầu thì bên nhượng quyền đã cung cấp các tài liệu kinh doanh, đào tạo nhân viên… cho bên nhận quyền. Đồng thời, trong quá trình kinh doanh, bên nhượng quyền thường xuyên giúp đỡ bên nhận quyền trong việc quảng cáo, tiếp thị, trợ giúp kỹ thuật và các chiến lược kinh doanh cho bên nhận quyền. Ngoài ra, bên nhượng quyền kinh doanh cũng thường xuyên kiểm tra hoạt động kinh doanh của bên nhận quyền theo định kỳ hoặc đột xuất. Điều này tạo nên đặc điểm riêng biệt của hoạt động NQTM so với các hoạt động kinh doanh khác.

NQTM cũng là một trong những hình thức để thương mại hóa quyền SHTT đối với một số đối tượng của quyền SHCN: nhãn hiệu, tên thương mại và BMKD. Cũng giống như hình thức license các đối tượng của quyền SHCN, NQTM cũng là việc chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu, tên thương mại và BMKD. Tuy nhiên, hình thức NQTM lại không đồng nhất với license. License là việc chuyển quyền sử dụng một đối tượng của quyền SHTT hoặc một số hoặc tất cả các đối tượng thuộc quyền sở hữu của chủ sở hữu hoặc người được chủ sở hữu cho phép. Điều này tùy thuộc vào số lượng đối tượng của quyền SHTT đang còn hiệu lực bảo hộ của chủ sở hữu và sự cho phép của chủ thể quyền. Ngoài ra, thời điểm license cũng phụ thuộc vào ý chí của bên chủ thể quyền. Song đối với NQTM thì việc chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu, tên thương mại, BMKD là chuyển giao tất cả các đối tượng trên trong cùng một thời điểm cho bên nhận NQTM và cùng các đối tượng khác như biển hiệu kinh doanh, khẩu hiệu kinh doanh… Ngoài ra, nghĩa vụ và quyền kiểm tra, giám sát của bên NQTM đối với bên nhận quyền thể hiện một cách sâu sắc và

40

thường xuyên trong hoạt động kinh doanh của bên nhận quyền. Còn đối với license thì nghĩa vụ và quyền kiểm tra, giám sát của bên license rất ít và không thường xuyên.

Hiện nay, ở Việt Nam có nhiều mô hình áp dụng hình thức NQTM như: Trung Nguyên, Phở 24, Foci…

Một phần của tài liệu Pháp luật Việt Nam về thương mại hóa quyền sở hữu trí tuệ (Trang 38)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(147 trang)