7. Bố cục của Luận văn
3.2.2.1. Hình thức vay mượn của từ Hán Việt
Các từ HV du nhập vào TVNB theo cả hai hình thức vừa lẻ tẻ, vừa theo nhóm,
vừa ở cả loại từ đơn tiết và đa tiết. Việc du nhập lẻ tẻ các từ HV bổ sung cho TVNB những khái niệm mới còn thiếu ở nhiều lĩnh vực. Việc du nhập theo nhóm các từ HV bổ sung cho TVNB nói riêng và tiếng Việt nói chung những trường từ vựng - ngữ nghĩa mới mà chúng tôi đã thống kê chi tiết ở phần chương 2, như các từ chỉ chức vụ,
các từ liên quan đến việc xử án, các từ liên quan đến chính trị - quân sự hoặc là: Các từ liên quan đến bệnh tật, sức khỏe, sinh tử: ác sang, an hảo, tráng, cửu
tuyền, tri thiên, bỉ thới (bĩ cực thái lai), bóng xế, vô thường, chẩn cứu, kỳ nam..
Các từ nói về phụ nữ: cốt cách, liễu bồ, tràng mạng, trinh tiết, vương phi, vu
qui...
Các từ liên quan đến báo chí, học thuật: trường thi, xuất dương, anh danh, bỉnh bút, cáo bạch, công phu, cơ nghiệp, nhựt báo, nhựt ký, nhựt trình...
Như đã thấy, hầu hết những từ đa tiết ở các trường từ vựng trên đều là từ song tiết. Chúng cũng không phải là những từ phổ biến trong sinh hoạt hàng ngày, mà liên quan đến những lĩnh vực lớn như chính trị, quân sự, báo chí, học thuật, chức vụ hay triết lí chung về cuộc sống của con người.
Ngoài những từ chỉ các đơn vị hành chính và đơn vị đo như tổng, giáp, trại, ấp,
thôn, xã, phường, trượng,... các từ đơn tiết xuất hiện ở đa dạng các lĩnh vực của đời
sống sinh hoạt, văn hóa, tình cảm,... phản ánh sự đa chức năng của các từ HV. Điều này cho thấy nền văn hóa, văn minh Trung Hoa đã ảnh hưởng vô cùng lớn đối với văn hóa Việt. Chẳng hạn như: bố (1 loại vải thô dùng để may mặc), an (yên), bạc
(mỏng), bần (nghèo), ư (ở), hiệp (hợp), khẩn (cày đất, cày ruộng), tưởng (nhớ), thạnh (thịnh), trường (dài), vô (không), đương (đang), lộ (đường),...
Chúng ta thường nói “thiếu thì phải vay”. Đây là quy luật tất yếu xảy ra ở bất cứ ngôn ngữ nào. Tiếng Việt và TVNB cũng thế. Những trường hợp tiếng Việt mượn từ tiếng Hán, cụ thể là từ HV để biểu thị khái niệm mới có: bút, tiết, đề huề, trinh
tiết, vu qui, cần vương.... Tất nhiên, do “ưu thế” của mình, nên khi vào hệ thống từ
vựng tiếng Việt, những từ này vẫn giữ nguyên nghĩa và hoạt động độc lập. Thế nhưng, quan sát các từ vựng TVNB giai đoạn cuối thế kỷ XIX đến năm 1945, chúng tôi thấy, ở nhiều trường hợp, TVNB đã có khái niệm biểu đạt nhưng vẫn “tiếp
nhận” thêm từ tiếng Hán như: trường (dài), báo cừu (trả thù), hồi ngữ (quay về),
kim ngưu (con trâu)...
Tình hình này có lẽ không chỉ xảy ra với riêng TVNB mà xảy ra với toàn bộ hệ thống từ vựng tiếng Việt nói chung. Vì thế, khi lí giải cho vấn đề tương tự đối với từ HV, Nguyễn Văn Khang nhấn mạnh đến việc “bảo lưu nghĩa” giữa chúng. Ông cho rằng: Khi các từ HV mang những khái niệm trong tiếng Việt đã có từ tương đương biểu thị mà chúng muốn bảo lưu về mặt ngữ nghĩa thì sẽ xảy ra 2 trường hợp: 1-sự giáng cấp về chức năng ngữ pháp, thường là các từ HV đơn tiết: từ cương vị từ chuyển xuống làm đơn vị cấu tạo từ như: viên (nhân viên), phi (phi cơ), bất
(bất bình), trường (trường cửu)...; 2-vừa bảo lưu nghĩa lại vừa bảo lưu cương vị ngữ pháp, ví dụ: đầu, quả...[28, tr. 159].
Như vậy, có lẽ do các từ HV đã du nhập vào hệ thống từ vựng tiếng Việt nói chung và TVNB nói riêng qua con đường sách vở và trường học nên chúng có những quy tắc nhất định. Chính vì thế, việc nhận diện chúng trong hệ thống từ vựng tiếng Việt được dễ dàng hơn, số lượng cũng áp đảo hơn so với các từ gốc Hán khác.