7. Bố cục của Luận văn
3.2.2.5. Thành ngữ Hán Việt
Khi nhắc đến thành ngữ tức là chúng ta đang nhắc tới “tinh hoa” của một ngôn ngữ nói chung và sự kết tinh của bản sắc văn hóa của một dân tộc nói riêng. Bởi vì “mỗi thành ngữ chứa đựng cả một chiều sâu tư duy, kinh nghiệm sống và làm việc, tập tục, lễ giáo, quan điểm thẩm mĩ, đạo lí làm người, cách đối nhân xử thế và biết bao điều khác nữa của con người thuộc từng dân tộc”. “Nội dung của nó không hiện lên trên bề mặt cấu trúc của ngôn ngữ mà nằm ẩn sâu trong cơ tầng ngữ nghĩa như khoáng sản dưới lòng đất” [28, tr. 199]. Để hiểu được thành ngữ, chúng ta không thể chỉ dựa vào cái “vỏ ngôn ngữ” bề ngoài. Nó đòi hỏi phải am hiểu cả về văn hóa bản địa, đặc biệt là các điển cố, điển tích, thậm chí là cả quan niệm về triết lí nhân sinh... Thành ngữ được coi là những đơn vị ngôn ngữ - văn hóa cũng bởi vì thế.
Thành ngữ HV dùng để chỉ “những kết cấu ngôn ngữ rất ổn định, phổ thông, cô
đọng về mặt ngữ nghĩa thịnh hành trong tiếng Trung Quốc, được du nhập vào Việt Nam và sử dụng rộng rãi từ xưa đến nay”. Thành ngữ HV rất đa dạng nhưng thường gồm 4 chữ, 5 chữ hoặc 8 chữ có kết cậu thường theo dạng biền ngẫu.
Trong các tư liệu về TVNB mà chúng tôi khảo sát cũng xuất hiện khá nhiều các thành ngữ HV. Tuy không có thành ngữ nào liên quan đến điển cố, điển tích, nhưng chúng đều có ý nghĩa răn dạy, nhắc nhở, hay đề cập đến những điều lớn lao, mang tính triết lí về đạo nghĩa vợ chồng hay cách ứng xử làm người. Điều này chứng tỏ, trong quá trình tiếp xúc ngôn ngữ văn hóa Hán - Việt, người Việt không chỉ “vay mượn” vốn từ vựng phong phú mà còn tiếp thu chọn lọc những tinh hoa của nền văn minh Trung Hoa để làm giàu thêm cho văn hóa dân tộc mình. Đây là một vấn đề hoàn toàn bình thường đối với các dân tộc trong quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa.
Ví dụ: phú tắc cộng lạc, bần tắc cộng ưu (giàu cùng chung vui, nghèo cùng
chung lo); quân tử ái nhơn dĩ đức, tiểu nhơn ái nhơn dĩ cô truất (Người quân tử
thương người thì làm cho cái đức của người càng lớn thêm, còn kẻ tiểu nhân thương người thời làm cho người được sung sướng rồi trụy lạc); kiết tường chi triệu (điềm lành, tốt); tiền hô hậu hủng (củng) (có người đưa rước, dẹp đường)...
Thành ngữ tiền hô hậu hủng (củng) viết chính xác là tiền hô hậu ủng, tức là
đằng sau có lính tráng ủng hộ. Ngày nay, tuy chế độ phong kiến đã chấm dứt xong nó vẫn được dùng phổ biến để chỉ sự xuất hiện rùm beng, phô trương của những người có chức tước, địa vị, tiền tài... trong xã hội.
Ví dụ: Quan tổng đốc Hà Nội Trần Đình Túc ở trong thành ra, đi tiền hô hậu hủng (củng)…[1, tr. 7].