7. Bố cục của Luận văn
3.1.1. TVNB bảo lưu các từ Việt cổ
Số liệu của bảng 3.1 cho thấy, lớp từ thuần Việt xuất hiện tất cả 2722 lần, chiếm 56,63%, hơn nửa số lần xuất hiện của các lớp từ TVNB còn lại trong toàn bộ tư liệu khảo sát.
Theo đó, TVNB vẫn còn bảo lưu các từ ngữ cổ của tiếng Việt mà đến nay không còn hoặc ít được sử dụng trong toàn dân. Đây có thể là những từ do lớp cư dân tổ phụ mà phần lớn là dân vùng Bắc Trung Bộ để lại, được người Nam Bộ tự bao đời gìn giữ nguyên cả “hình thức” lẫn “nội dung”. Việc bảo lưu này giúp cho các từ Việt cổ không bị mất đi theo thời gian. Bởi chúng không chỉ có ý nghĩa về mặt lịch sử mà còn có cả ý nghĩa văn hóa, gắn với quá trình hình thành và phát triển của dân tộc Việt. Dựa trên tư liệu chúng tôi thống kê được, những từ này còn xuất hiện khá nhiều trong TVNB cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX. Chẳng hạn như: chun xả (di
chuyển vào bên trong), cuối đầu (cúi đầu), cuồn/cuồn chưn (cuồng), chái (gian xép ở hai đầu nhà), gặc (gật), vùng (đột nhiên), nệ (ngại), thấu (chín), mựa (chớ)...
Ví dụ: Chí Đại lại cái giường để tại chái trên mà ngủ, mùng gối chiếu mền thảy
đều sạch sẽ [4, tr. 71].
Trong văn hóa Việt, chái (gian xép ở hai đầu nhà) là một đặc trưng về kiến trúc nhà ở của người dân vùng đồng bằng Bắc Bộ xưa, điển hình là kiểu nhà ba gian hai chái với vì kèo suốt - giá chiêng - sáu hàng cột. Đây là một tổ hợp hai nhà gồm: nhà chính và nhà phụ kết hợp với nhau theo hình "thước thợ". Nhà chính gồm có: Mặt bằng sinh hoạt với gian giữa đặt bàn thờ tổ tiên, phản gỗ dành cho chủ nhà và bàn ghế tiếp khách; hai gian bên của gian giữa kê giường tủ giành cho các thành viên nam trong nhà; hai gian chái có vách ngăn với ba gian giữa. Trong các gian này dành cho sinh hoạt của các thành viên nữ, đồng thời còn là nơi để cất lương thực và các thứ lặt vặt khác. Nhà phụ bao gồm: một gian hai chái với kèo đơn giản, thường là nhà bếp kết hợp làm nơi để nông cụ, cối xay, cối giã và chuồng trâu...[52]. Kiến trúc nhà như vậy không chỉ rộng rãi, thoáng mát, rất gần gũi với thiên nhiên và còn là nơi để gia đình quây quần, đoàn tụ. Theo thời gian, khi sự hiện đại hóa phủ khắp các làng quê trung du Bắc Bộ thì các nhà mái ngói ba gian hai chái, năm gian hai
chái... dần bị thay thế bởi nhà mái bằng, nhiều tầng và “chái” dần cũng chỉ còn tồn tại trong kí ức đẹp của người Việt.
Khi đối chiếu chúng tôi thấy, chái hầu hết không tồn tại trong các từ điển về
TVNB giai đoạn cuối thế kỉ XIX đến nửa đầu thế kỉ XX. Nó chỉ xuất hiện trong 2 cuốn ĐNQATV với nghĩa “mái nhà, mái tranh, ngói cất dựa theo nhà lớn, che thêm” [10, tr. 114] và TĐVBL với nghĩa “cái chái phụ thêm vào nhà” [59, tr. 55]. Như thế, chái ở ví dụ trên về cơ bản vẫn giữ nguyên nghĩa cổ của nó, đặc biệt là giống với nghĩa mà Alexandre Rhode đã đưa ra cách đó 2 thế kỷ.
Từ đây chúng tôi suy ra rằng, chái là 1 từ thuần Việt cổ được dùng chủ yếu bởi người dân vùng trung du Bắc Bộ xưa, đã du nhập vào phía Nam, hòa vào TVNB và vẫn giữ nguyên nghĩa cho tới thời điểm khảo sát.