Thứ nhất, hành lang pháp lý.
Để đảm bảo sự phát triển công bằng của tất cả các thành phần kinh tế thì Chính phủ, NHNN và các bộ ngành có liên quan phải quy định và giám sát việc tuân thủ pháp luật của mọi đối tượng trong nền kinh tế. Hoạt động ngân hàng cũng không nằm ngoài sự quản lý chặt chẽ đó. Có thể nói, hành lang pháp lý có ảnh hưởng lớn đến nghiệp vụ huy động vốn của NHTM. Có những bộ luật tác động trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của ngân hàng như: Luật các tổ chức tín dụng, Luật NHNN, quyết định, nghị định, chỉ thị… trong nội
bộ hệ thống ngân hàng, và có những bộ luật tác động gián tiếp nhưng các NHTM cần phải lưu ý, như Luật đầu tư nước ngoài, Luật đất đai, Luật doanh nghiệp…
Bên cạnh những bộ luật đó thì chính sách tài chính tiền tệ của một quốc gia cũng ảnh hưởng rất lớn đến nghiệp vụ huy động vốn của NHTM. Nó thể hiện ở các khía cạnh như mục tiêu của chính sách tiền tệ, việc sử dụng các công cụ chính sách tiền tệ và chính sách đầu tư của nhà nước.
Thứ hai, tình hình kinh tế - xã hội trong và ngoài nước.
Nền kinh tế vào thời kỳ tăng trưởng, sản xuất phát triển tạo điều kiện tích lũy nhiều hơn nên việc thu hút vốn của ngân hàng dễ dàng hơn và ngược lại.
Tình hình kinh tế - xã hội thế giới:
Mọi sự biến động của nền kinh tế- xã hội thế giới đều ít nhiều có ảnh hưởng đến Việt Nam. Nhất là từ khi Việt Nam gia nhập tổ chức thương mại thế giới (WTO) thì sự ảnh hưởng này lại càng mạnh mẽ và sâu rộng hơn bao giờ hết. Điều này đặt ra nhiều cơ hội và thách thức cho nền kinh tế của Việt Nam. Do xu hướng toàn cầu hóa làm cho các nghiệp vụ ngân hàng phát triển, nguồn vốn dễ dàng di chuyển từ nước này sang nước khác. Mặt khác, xu hướng này cũng làm tăng rủi ro cho ngân hàng do việc thay đổi các chính sách tiền tệ của các nước trên thế giới, đặc biệt là sự thay đổi của các ngoại tệ mạnh như USD, EURO…
Tình hình kinh tế - xã hội trong nước:
Những yếu tố của nền kinh tế ảnh hưởng đến tăng trưởng nguồn vốn huy động của các NHTM phải kể đến đó là: Thu nhập bình quân đầu người, tốc độ tăng trưởng và phát triển kinh tế, tỷ lệ lạm phát… Khi nền kinh tế ổn định và đang trên đà phát triển thì thu nhập của người dân tăng lên, nhu cầu thanh toán không dùng tiền mặt cũng tăng lên, do đó nguồn vốn huy động trong thời gian này cũng tăng mạnh. Ngược lại, khi nền kinh tế rơi vào suy thoái, bất ổn
thì cũng gây khó khăn cho ngân hàng trong việc huy động vốn.
Thứ ba,tâm lý, thói quen tiêu dùng của khách hàng.
Các yếu tố thuộc về tâm lý, thói quen, phong tục của người dân tác động rất lớn đến hiệu quả công tác huy động vốn của ngân hàng. Các tiêu chí về độ tuổi, giới tính, học vấn, thu nhập, môi trường làm việc liên quan đến việc lựa chọn sử dụng các hình thức dịch vụ ngân hàng.
Nếu ở những vùng dân cư người ta quen sử dụng số tiền nhàn rỗi dưới hình thức cất trữ là chính thì việc huy động vốn của ngân hàng gặp khó khăn. Chẳng hạn, vào thời kỳ vang còn có giá trị thì người ta dùng tiền để mua vàng cất trữ. Còn khi người dân có nhu cầu hưởng lãi hoặc bảo quản tài sản thì họ gửi tiền vào ngân hàng nhiều hơn, do đó cơ hội huy động vốn của ngân hàng tăng lên.
Ở những nước phát triển, nhu cầu giao dịch thanh tóan qua ngân hàng rất phát triển. Hầu hết những người dân có thu nhập đều mở tài khoản séc để thanh toán qua ngân hàng. Tuy nhiên, ở những nước kém phát triển, thu nhập của người dân thấp, nhu cầu giao dịch thanh toán qua ngân hàng còn rất hạn chế nên ít người mở tài khoản tại ngân hàng. Điều này sẽ hạn chế khả năng huy động vốn của NHTM.
Về trình độ giáo dục, một người am hiểu tính chất hoạt động của NHTM, tường tận về các sản phẩm dịch vụ của ngân hàng sẽ mạnh dạn sử dụng các dịch vụ do ngân hàng cung ứng.
Mức thu nhập của người dân là một trong những yếu tố trực tiếp quyết định đến lượng tiền gửi vào ngân hàng. Nhìn chung, thu nhập của người dân càng cao, nhu cầu đầu tư và giao dịch của họ tăng lên tương đối so với nhu cầu tiêu dùng và lúc này nhu cầu mở tài khoản cũng như tiền gửi vào ngân hàng sẽ ngày một tăng lên.
Thứ tư, đối thủ cạnh tranh.
Với sự phát triển mạnh mẽ của ngành ngân hàng trong nước và sự gia nhập của các ngân hàng nước ngoài sau khi Việt Nam hội nhập kinh tế thế giới,cạnh tranh trong lĩnh vực ngân hàng ngày càng gay gắt hơn. Để vượt lên so với các đối thủ, các ngân hàng phải nâng cao năng lực cạnh tranh của mình, phải biết phân tích đặc điểm của từng nhóm đối tượng khách hàng, tiến hành phân đoạn và lựa chọn các đoạn thị trường chính, áp dụng chính sách khách hàng linh họat, phù hợp, liên tục hoàn thiện và đổi mới sản phẩm dịch vụ, cân nhắc lãi suất huy động, cho vay…, từng bước khẳng định sức mạnh và vị thế của mình.