Trong hoạt động tín dụng, các ngân hàng luôn là người có ít thông tin về dự án, về mục đích sử dụng khoản tín dụng được cấp hơn khách hàng. Do đó, để đảm bảo an toàn trong hoạt động của mình, bản thân các tổ chức tín dụng phải xử lý thông tin bất cân xứng để hạn chế lựa chọn bất lợi và tâm lý ỷ lại nhằm cho vay đúng người đúng đối tượng và giám sát chặt chẽ để khách hàng vay vốn có hành vi đúng đắn nhằm đảm việc thu hồi cả gốc và lãi khoản tín dụng đã cấp ra. Trường hợp có doanh nghiệp vi phạm nội dung của hợp đồng tín dụng, các NHTM cần thông tin cho nhau để thay đổi xếp hạng tín dụng của doanh nghiệp. Trong một nền
kinh tế, hầu như không một ngân hàng nào có đủ khả năng tự mình xử lý được vấn đề thông tin bất cân xứng mà cần phải có cơ sở hạ tầng và hệ thống thông tin đủ mạnh hỗ trợ cho hoạt động của NHTM.
Đối với hoạt động tín dụng xuất khẩu của DNNVV, vai trò của hệ thống thông tin về doanh nghiệp là cực kỳ quan trọng, trong khi khả năng thu thập lại khó khăn, vì hoạt động giao thương diễn ra trong phạm vi quốc tế, muốn có số liệu thông kê chính xác phải phối hợp cả với nước nhập khẩu. Bản thân hệ thống sổ sách của các DNNVV cũng không được ghi chép đầy đủ, và các doanh nghiệp này không phải chịu trách nhiệm công bố thông tin như những công ty đại chúng. Vai trò của chính phủ rất quan trọng trong việc phối hợp các cơ quan chức năng để tạo ra mạng lưới cung cấp thông tin phong phú, cập nhật, đầy đủ.
Những thông tin cơ bản mà NHTM cần thu thập khi tiến hành thẩm định tín dụng xuất khẩu bao gồm:
Thông tin về doanh nghiệp xuất khẩu: thành tích xuất khẩu, doanh thu, lợi nhuận hàng năm, lịch sử vay nợ và trả nợ....
Thông tin về ngành xuất khẩu: Tiềm năng phát triển của ngành, tốc độ tăng trưởng; tỷ suất doanh thu, lợi nhuận bình quân, định mức chi phí; vị thế của Việt Nam trên thị trưởng quốc tế của ngành đó ...
Thông tin về đối tác nhập khẩu: Vị trí, quy mô của đối tác nhập khẩu ở nước nhập khẩu, lịch sử tham gia thương mại quốc tế của đối tác đó...
Một số cơ quan nhà nước có vai trò quan trọng có khả năng nắm giữ thông tin cho hoạt động tín dụng xuất khẩu:
Trung tâm tín dụng thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (CIC) là tổ chức duy nhất thực hiện công tác thu thập thông tin của các khách hàng có quan hệ tín dụng với tất cả các tổ chức tín dụng. Cơ chế thu thập thông tin của CIC theo quy chế hoạt động thông tin tín dụng do Ngân hàng Nhà nước ban hành. Trong đó quy định các tổ chức tín dụng theo định kỳ có trách nhiệm báo cáo các thông tin liên quan đến khách hàng cho CIC và các tổ chức tín dụng được quyền khai thác thông tin của CIC.
Tổng cục thống kê (GSO)là cơ quan chịu trách nhiệm cập nhật các số liệu về tình hình xuất khẩu. GSO có thể thực hiện những tổng hợp, phân tích riêng đối với DNNVV.
Cơ quan hải quan và cơ quan thuế là các đơn vị có đầy đủ thông tin về hoạt động xuất khẩu của tất cả loại hình doanh nghiệp, các ngành hàng xuất khẩu, tình hình xuất khẩu của cả nước.
Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) là đơn vị chịu trách nhiệm hỗ trợ các doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội giao thương. Đơn vị này cũng tiếp xúc với khối lượng thông tin lớn của doanh nghiệp xuất khẩu thong qua việc cấp các giấy tờ liên quan cho doanh nghiệp như chứng nhận nguồn gốc xuất xứ (CO)
Một số đơn vị khác như Bộ Kế hoạch & Đầu tư, các Đại sứ quan Việt Nam ở nước ngòai....