Hạn chế thông tin về tình hình xuất khẩu của DNNVV khiến cho NHTM khó có cơ sở thẩm định chính xác năng lực xuất khẩu của doanh nghiệp để ra quyết định cho vay. Dù đã có nhiều tiến bộ về khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin ngày một phát triển nhưng nhìn chung, VN vẫn là một nước lạc hậu về thông tin, nguồn cung cấp thông tin chưa đầy đủ, còn nghèo nàn, kém phát triển so với thế giới. Thiếu thông tin, các số liệu điều tra, thống kê về các hoạt động sản xuất. kinh doanh, dịch vụ, nghiên cứu khoa học..đã hạn chế cơ hội để các DNVVN có thể tiếp cận, nắm bắt thị trường. Các NHTM phải mất nhiều thời gian để thẩm định hồ sơ vay và đưa ra các quyết định tín dụng đúng đắn, vì khó nắm bắt kịp thời sự thay đổi về thông tin thị trường trong nước lẫn các thông tin thương mại quốc tế, thông tin về tình hình lĩnh vực hoạt động của DN cũng như các đối tác làm ăn có liên quan.
Hiện nay, một số nguồn thông tin chủ yếu mà các NHTM khai thác để thẩm định hồ sơ vay vốn khách hàng là từ trung tâm thông tin tín dụng (CIC) và các website của các cơ quan ban ngành nhà nước, các DN, có liên quan đến hồ sơ khách hàng cần thẩm định. Về CIC, so với trước đây, tuy CIC đã cung cấp được nhiều thông tin hơn, gồm tình hình dư nợ vay của DN tại các NHTM, lịch sử vay vốn , thông tin tổng hợp về DN, xếp hạng tín dụng DN, thông tin về TSBĐ, nhưng vẫn còn hạn chế vì các số liệu chưa cập nhật kịp thời và đôi khi thiếu chính xác, đặc biệt là thiếu các thông tin phi tài chính. Sở dĩ còn tồn tại hạn chế trên vì CIC hoạt động dựa vào số liệu mà các NHTM cung cấp, nhưng chưa có những quy định, ràng buộc chặt chẽ, chế tài đủ mạnh để buộc các NHTM phải tuân thủ nghiêm túc việc cung cấp số liệu cho CIC. Điều này dẫn đến các NHTM cũng chưa thật sự hợp tác, phối hợp và tuân thủ việc cung cấp thông tin một cách đầy đủ, kịp thời, chính xác cho CIC. Thực tế xảy ra nhiều trường hợp khách hàng đã bị nợ quá hạn nhiều tháng, hay đã trả dứt nợ ngân hàng nhưng các NHTM không báo cho CIC, nên CIC vẫn không cập nhật được tình trạng nợ khách hàng. Do đó, nguồn thông tin mà CIC gửi đến cho các NHTM khác khi cần cũng bị hạn chế do chưa cập nhật được các biến động mới nhất về tình hình của DN. Đối với các nguồn thông tin từ các website của các cơ quan ban ngành nhà nước và các DN, khả năng NHTM có thể khai thác phục vụ cho công tác thẩm định cũng còn nhiều hạn chế, đặc biệt là các số liệu thống kê. Mặc dù đã được cải thiện hơn so với trước đây nhưng ngành thống kê, tổng hợp vẫn còn chậm phát triển, các thông tin tổng hợp từ hoạt động thống kê vừa thiếu số lượng lẫn chất lượng. Vì vậy, khi cần các số liệu như tỷ trọng nợ trung bình ngành, tỷ suất sinh lời trung bình, mức tồn kho trung bình, mức phải thu trung bình, tỷ trọng giá bán hàng vốn trung bình, quy mô định hướng phát triển ngành đối với mỗi lĩnh vực kinh doanh.., những thông tin có ý nghĩa lớn trong việc thẩm định phương án, dự án vay vốn, ngân hàng thường rất khó tìm tại các website chính thức của cơ quan nhà nước như ở Cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Việc thiếu sự hỗ trợ thông tin từ các cơ quan ban ngành, DN dẫn đến mỗi ngân hàng phải tự tìm tòi, khắc phục các hạn chế trên bằng cách tạo dựng cơ chế, quy định riêng nhằm khai
thác và cung cấp thông tin, phục vụ cho việc thẩm định cho vay, nên mức độ hiệu quả và rủi ro là khác nhau. Thiếu thông tin để thẩm định, nhiều NHTM ngại cho vay các DN có làm ăn với nước ngoài như các DN xuất nhập khẩu vì không thể thẩm định khả năng thực hiện hợp đồng của phía đối tác, sẽ rất dễ phát sinh rủi ro cho NHTM nếu phía đối tác nước ngoài vi phạm hợp đồng.