Chính phủ cần có những biện pháp ngăn ngừa và kiềm chế lạm phát, từ đó có cơ sở giảm mức lãi suất cho vay trên thị truờng, tạo điều kiện cho DNNVV có thể tiếp cận tín dụng xuất khẩu.
Để đối phó và kiềm chế lạm phát đang ở mức rất cao hiện nay, Chính phủ cần chỉ đạo thực thi nghiêm túc Nghị quyết số 11/2010/NQ-CP ngày 24 tháng 2 năm 2011 về kiềm chế lạm phát, bao gồm các giải pháp chính như cắt giảm đầu tư công và chi phí thường xuyên của các cơ quan sử dụng ngân sách, kiểm soát chặt chẽ đầu tư của các doanh nghiệp nhà nước, cố gắng giảm tỷ lệ thâm hụt ngân sách; tập trung sức phát triển sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, khắc phục nhanh hậu quả của thời tiết và dịch bệnh để tăng sản lượng lương thực; Tăng cường công tác quản lý thị trường, kiểm soát việc chấp hành pháp luật nhà nước về giá....
Tuy nhiên, trong khi kiên quyết thắt chặt tiền tệ, cần bảo đảm tính thanh khoản của nền kinh tế và hoạt động của các ngân hàng, tổ chức tín dụng, tạo điều kiện cho sản xuất hàng hoá và xuất khẩu phát triển. Cần có sự ưu tiên về vốn vay và lãi suất ưu đãi cho DNNVV xuất khẩu.
Về dài hạn, cần thực hiện tổng thể các giải pháp đổi mới mô hình tăng trưởng và chuyển đổi cơ cấu kinh tế nhằm giải quyết nguyên nhân cơ bản của lạm phát và bất ổn kinh tế vĩ mô ở nước ta. Sau hai mươi lăm năm đổi mới, nền kinh tế
Việt Nam vẫn là nền kinh tế cấp thấp, do mô hình tăng trưởng chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên, sử dụng vốn dễ dãi và lao động chất lượng thấp. Sự mất cân đối bắt nguồn từ mô hình tăng trưởng theo chiều rộng, dựa quá nhiều vào vốn đầu tư, trong khi hiệu quả lại thấp. Thế nên, càng tăng trưởng, sức ép lạm phát càng lớn và các mất cân đối càng nghiêm trọng.