Chính sách tiền tệ là quá trình quản lý hỗ trợ đồng tiền của chính phủ hay NHNN để đạt được những mục đích đặc biệt- như kiềm chế lạm phát, duy trì ổn định tỷ giá hối đoái, đạt được toàn dụng lao động hay tăng trưởng kinh tế. Chính sách tiền tệ bao gồm việc thay đổi các loại lãi suất nhất định, có thể trực tiếp hay gián tiếp thông qua các nghiệp vụ thị trường mở; qui định mức dự trữ bắt buộc; hoặc trao đổi trên thị trường ngoại hối.
Chính sách tiền tệ ảnh hưởng đến nguồn vốn tín dụng nói chung và tín dụng xuất khẩu ở hai khía cạnh: kiềm chế lạm phát và điều tiết tín dụng của NHTM.
Trong kinh tế học, lạm phát là sự tăng lên theo thời gian của mức giá chung của nền kinh tế. Trong điều kiện lạm phát, mọi giá cả đều tăng, cho nên giá vốn vay (hay lãi suất) cũng tăng theo. Khi lãi suất huy động tăng, lãi suất cho vay của NHTM cũng phải tăng theo, làm doanh nghiệp khó vay vốn tín dụng; vì phải gánh chịu gánh nặng nợ nần lớn và khó dự báo, ước tính được chi phí vốn hợp lý khi đi vay nhằm đảm bảo lợi nhuận. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của chính sách tiền tệ là kiềm chế lạm phát.
Chính sách tiền tệ còn điều tiết mức tăng trưởng tín dụng của các NHTM. Khi NHNN thực thi chính sách tiền tệ thắt chặt, các NHTM không còn mặn mà cho vay mà phải tập trung đảm bảo tính thanh khỏan và đáp ứng các yêu cầu của NHNN. Trong thực tế, khi NHNN tiến hành thắt chặt tiền tệ, các DNNVV chính là đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất.