CHƯƠNG 3: GIỌNG ĐIỆU TRUYỆN NGẮN LÊ MINH KHUÊ SAU
3.2.4. Giọng điệu lạnh lùng, tàn nhẫn
Tuy không phải là một chủ âm, song giọng điệu lạnh lùng, tàn nhẫn vẫn là một sắc điệu quan trọng trong hệ thống giọng điệu truyện ngắn Lê Minh Khuê. Theo chúng tôi, giọng điệu lạnh lùng, tàn nhẫn là giọng điệu không thể hiện thái độ, tình cảm của người kể chuyện trên bề mặt câu chữ, nhịp điệu…tức nhà văn tái hiện hiện thực một cách khách quan như nó vốn có. Khách quan nhưng không có nghĩa là nhà văn hoàn toàn thờ ơ, bàng quan trước những gì mình phản ánh trong tác phẩm, mà đó chỉ là một sự kìm nén cần thiết của tình cảm, cảm xúc. Sự kìm nén ấy của nhà văn có tác dụng tạo cơ hội cho người đọc tiếp cận với hiện thực ở mức độ trung thực nhất. Tất nhiên, đằng sau sự kìm nén là thái độ bất bình đến cực độ của nhà văn trước hiện thực cuộc sống.
Chúng tôi thấy cần thiết phải có sự phân biệt giọng điệu này với giọng điệu vô âm sắc. Giọng điệu vô âm sắc “chỉ cung cấp sự thật mà không kèm theo giọng điệu, không có ngữđiệu hoặc mang ngữđiệu ước lệ. Lời văn biên bản, thông báo khô khan dường như là lời vô giọng điệu, là chất liệu sống để
tạo thành tiếng nói”[ 4,233]. Giọng điệu vô âm sắc thường tiếp cận hiện thực
trong. Giọng điệu này không phải là sự kìm nén thái độ của nhà văn mà là nhà văn hoàn toàn dửng dưng, lãnh đạm, kiểu : “Pari 11 tháng 8 năm 2003, 39 độ
trong bóng râm, 42 độ tầng áp mái. 39 độ làm hai nghìn chín trăm cụ già đột tử. 42 độ khiến Liên có thêm sáu cái mụn, bốn cái đối xứng trên cằm, hai cái hai cánh mũi” (Pari 11tháng 8 - Thuận).
Có thể thấy, Lê Minh Khuê thường sử dụng giọng điệu lạnh lùng, tàn nhẫn để tái hiện những trạng huống oái oăm của cuộc đời, những tình cảnh đi ngược với luân thường, đạo lí, trái với đạo đức, truyền thống dân tộc. Đó có thể là cảnh con người đối xử tàn nhẫn với nhau để tranh giành của cải trong “Đồng đô la vĩ đại”: “Lão An từ trong nhà vọt ra. Con dao nhọn, loại dao biệt kích dùng thời chiến tranh, đâm một đường trúng phóc vào chỗ con mụ
Qua nằm. Có người sau còn nói phét là nghe tiếng đứa trẻ trong bụng khóc thét lên. Vợ Khang hực một tiếng. Cái bụng chửa đến tháng thứ bảy của mụ
lăn xuống bờ thềm. Người ta kịp giữ được Khang khi gã từ bên kia quán “Diêm què” phóng ra, tay cầm một thanh sắt dài một mét rưỡi. Khang chưa vội nâng vợ dậy. Khang điên dại lao theo em nhưng người ta giữđược Khang lại. Cô Cẩn đờ cả người trước cái cảnh hãi hung mà cô không ngờ lại trông thấy tận mắt. Máu từ dưới bụng vợ Khang chảy loang ra sân gạch”. Đoạn văn đã miêu tả lại một cảnh tượng ghê gớm, cảnh đầu rơi máu chảy giữa anh em trong gia đình để tranh giành những đồng đô la từ ngoại quốc. Nhà văn thản nhiên tường thuật lại một cách chính xác, miêu tả một cách khá tường tận mà không hề bộc lộ cảm xúc nào. Thậm chí, Lê Minh Khuê còn sử dụng từ địa phương “trúng phóc”, cùng cách nói bông lơn, đùa bỡn để nói về một việc “lạnh gáy”: “Có người sau còn nói phét là nghe tiếng đứa trẻ trong bụng khóc thét lên”. Hiện thực cuộc sống được tái hiện đến mức tàn nhẫn nhưng dường như nhà văn không hề run tay. Điều đó thể hiện thái độ kiên quyết đấu tranh với cái ác của Lê Minh Khuê. Nhà văn càng lạnh lùng, tàn nhẫn trong
việc tái hiện đời sống, càng làm cho bức tranh hiện thực trở nên khách quan hơn đồng thời càng thể hiện bản lĩnh cứng cỏi của nhà văn bấy nhiêu. Nhưng ghê gớm hơn, đọc tác phẩm Lê Minh Khuê, khó có ai có thể dễ dàng quên đi sự ám ảnh khi chứng kiến cảnh anh trai giết em để cướp vàng : “Một buổi tối nhập nhoạng, lão xông vào nhà em. Lâu nay lão Tái vẫn ngủ vào lúc chập tối, giấc ngủ lúc này quá mê muội nên lão không tỉnh lại được cho đến khi mũi lão bị chặn cái gối, hạ bộ lão bị bóp gần như nát ra. Khi đũng quần lão Tái nhầy nhụa một thứ nước gì đó trộn với phân, lão Tê bỗng bừng tỉnh. Lão tìm thấy xâu nhẫn vàng nặng. Bỏ xâu nhẫn vàng vào túi quần xong,lão bắt đầu hốt hoảng khi thấy hình hài gầy gò của lão em chỉ còn là cái xác…Lão cắt
đầu và hai cái chân lão Tái bằng cái dao đi rừng mà lão Tái đem theo về
thành phố, cho vào bao tải giấu trong góc nhà, chỗ vẫn để bàn học của cái Thải. Còn thân trên, lão gói vào cái chăn dạ - Biết rằng nửa đêm mụ Tái mới về, lão hì hục móc gạch lên và đào hai cái hốc dưới nền nhà. Một hốc lão bỏ
cái gói chăn dạ, hốc kia bỏ bao tải. Lão lấp đất, lát gạch lên rồi cẩn thận chùi hết máu me trên giường, dưới nền nhà”( Những kẻ chờ sung). Một tội ác
kinh hoàng nhưng lại được tác giả tái hiện lại bằng một giọng điệu dửng dưng, tàn nhẫn. Từ ngữ biểu cảm bị tước bỏ tới mức tuyệt đối, chỉ còn sự kiện và chi tiết . Nhân vật hành động như một cái máy, không có suy nghĩ, không có cảm giác. Nhịp văn được đặt ở mức trung tính. Vì vậy mà người đọc có cảm giác đoạn văn mang dáng dấp của một bản tin. Tuy vậy, chúng ta không nên cho rằng, Lê Minh Khuê hoàn toàn nhẫn tâm trước số phận và tội ác của con người. Ngược lại, cần phải thấy, bản thân việc nhà văn tái hiện hiện thực một cách trung thực cũng là cách bà bày tỏ thái độ của mình. Cần phải vạch trần cái ác ra ánh sáng để nó bị phơi bày, lên án và loại bỏ.
Đối với Lê Minh Khuê, đấu tranh loại trừ cái ác có nghĩa là nhìn thẳng vào sự thật, dù đó là sự thật đau lòng. Vì thế, hiếm có ở nhà văn nào con mắt
nhìn hiện thực lại tỉnh táo và đau xót hơn. Lê Minh Khuê nhìn thấy tình trạng con người bị xói mòn đến tận cùng về đạo đức làm người. Mọi giá trị đạo đức dường như bị đảo lộn khi con chặt tay cha vì nghi cha ăn trộm : “Lão Thiến run lập cập. Cầm con dao sắc như nước, lão Thiến nhìn con van nài:
…
- Rạch mặt đi!
- Thôi, đau lắm sao tao chịu được?
- Không rạch thì chặt đi một ngón tay. Làm ngay. Ông có làm thế, tôi mới tin không là tôi bóp cổ ông chết tươi. Chặt đi”.
Chứng kiến cảnh này, Lê Minh Khuê hoàn toàn dửng dưng lạnh lùng. Đoạn văn chỉ là sự tường thuật khách quan đến tàn nhẫn của người kể chuyện và cùng với nó cũng là giọng điệu tàn nhẫn của nhân vật. Người con sử dụng những câu mệnh lệnh, hoàn toàn vô cảm trước sự van nài của người cha. Trước mắt anh ta chỉ còn sự hiện diện tuyệt đối của tiền. Chính vì vậy, anh ta sẵn sàng chà đạp lên đạo lí, quan hệ ruột thịt bị phủ nhận, chỉ còn quan hệ giữa những kẻ thù.
Trước những truyện ngắn có giọng điệu lạnh lùng tàn nhẫn, nhiều độc giả không khỏi nghi ngờ những gì đã thấy được về một Lê Minh Khuê nhẹ nhàng, đằm thắm, đầy chất nữ tính qua những trang văn thấm đẫm cảm xúc trước đó. Nhưng nhìn ở một góc độ khác, điều đó không có gì là mâu thuẫn, bởi Lê Minh Khuê đằm thắm trước cái tốt, cái đẹp ở đời, nhưng rất quyết liệt trước cái xấu cái ác. Đây chính là cách mà nhà văn đấu tranh để phơi bày và loại trừ cái ác, cái xấu ra khỏi đời sống xã hội.
Đọc tác phẩm Lê Minh Khuê, có thể dễ dàng nhận ra : hiện thực được tái hiện trong tác phẩm càng tàn khốc bao nhiêu thì giọng điệu của nhà văn càng lạnh lùng bấy nhiêu. Như thế, không có nghĩa là nhà văn dửng dưng, bàng quan trước hiện thực, mà ngược lại, đó chỉ là cách kìm nén cảm xúc để phơi
bày hiện thực, đồng thời thể hiện thái độ trước thế thái nhân tình. Đó là thái độ căm ghét, lên án quyết liệt cái xấu, cái ác, cái bất lương trong xã hội. Nếu nhìn truyện ngắn Lê Minh Khuê dưới góc độ này, chúng ta sẽ đánh giá được đầy đủ giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo.