CHƯƠNG 3: GIỌNG ĐIỆU TRUYỆN NGẮN LÊ MINH KHUÊ SAU
3.2.3. Giọng điệu trữ tình
Tác giả Bùi Việt Thắng trong một bài viết về Lê Minh Khuê từng khẳng định: “Văn Lê Minh Khuê có vẻ đẹp của người phụ nữ tự tin vào nhan sắc trời phú của mình nên không cần trang điểm nhiều”. Theo chúng tôi, giọng điệu trữ tình thiết tha chính là một trong những yếu tố góp phần tạo nên vẻ đẹp ấy.
Ngay từ những truyện ngắn đầu tiên (tác phẩm trước năm 1975), Lê Minh Khuê đã thực sự thu hút sự chú ý của độc giả bằng giọng điệu trữ tình nhẹ nhàng, trong trẻo. Sau năm 1975, đặc biệt là sau đổi mới, vẫn là giọng điệu trữ tình nhưng ở Lê Minh Khuê đã bớt đi phần trong trẻo, mà thay vào đó là những trăn trở, suy tư của cuộc sống bộn bề. Vì vậy, văn Lê Minh Khuê càng về sau càng mang cái đằm thắm trữ tình, càng thể hiện chất nữ tính, đồng thời thể hiện rõ cái vững vàng của một cây bút đã thực sự trưởng thành.
Giọng điệu trữ tình là giọng điệu thiên về những tình cảm, cảm xúc. Người đọc có thể nhận diện một cách trực tiếp những suy nghĩ, trăn trở hay những tình cảm của nhà văn qua những trang văn dạt dào cảm xúc. Nhờ vậy mà tác phẩm văn chương, dù ở bất cứ thời kì nào vẫn mang đặc trưng riêng của nó, đó là giàu tình cảm, cảm xúc, dễ đi vào lòng người.
Khác với cái chát chúa của giọng điệu suồng sã, cái sâu cay của giọng điệu châm biếm, giễu nhại hay cái thâm trầm của giọng điệu triết lí, giọng điệu trữ tình trong trẻo, đằm thắm như những thanh âm của một bản nhạc du dương. Nó như luồng gió mát có thể thanh lọc tâm hồn người, khiến con người cảm thấy dễ chịu và trong lòng có những dư ba không dứt.
Lê Minh Khuê có một loạt những tác phẩm viết bằng giọng điệu trữ tình thiết tha như: Mong manh như là tia nắng, Một buổi chiều thật muộn, Anh rất yêu em, Trong làn gió heo may, Gió xoá dần những dấu chân, Khoảnh khắc của số phận…
Như trên chúng tôi đã nói, Lê Minh Khuê có khá nhiều tác phẩm viết về tình yêu. Giọng điệu trữ tình được tập trung chủ yếu ở những tác phẩm này.
Tình yêu trong văn Lê Minh Khuê thường hay bị đặt trong quĩ đạo của sự đổi thay, dở dang, mà thường người hay phải gánh chịu phần thiệt thòi là người phụ nữ. Đọc tác phẩm của nhà văn, người đọc khó có thể quên đi những hoài niệm xót xa về một tình yêu trong quá khứ: “Chiến tranh không thể cướp đi sợi dây thân ái nối liền giữa trái tim con người. Rồi anh ta sẽ ra sao với cái chân đau đớn thế, với cái tính quyết liệt chịu đựng ấy?...Chị mang hộp y cụ theo ông bác sĩ già, lội qua suối, toán tù binh đã lục đục lên đường. Tiếng những người áp giải đanh thép cất lên. Len lén anh ta giơ về phía chị. Buồn bã, tuyệt vọng khẩn cầu và cả hi vọng cho cái gì đó còn ở phía trước. Hai mươi năm đã trôi qua, mọi thứ hàng rào đã được dỡ bỏđể chị càng tuyệt vọng hơn vì không dò ra được địa chỉ. Giá gì nhỉ, trong cuộc đời chỉ cần một phút được gặp lại” (Mong manh như là tia nắng). Đoạn văn được thể hiện
bằng những câu văn dài, thong thả. Nhịp văn chậm tạo nên âm hưởng trầm, buồn cùng với sự xuất hiện ở mức độ dày đặc các từ ngữ biểu cảm như: thân ái, trái tim, đau đớn, lén lén, buồn bã, tuyệt vọng, khẩn cầu, hi vọng đã góp phần thể hiện sâu sắc sự nuối tiếc của con người. Đặc biệt, sự xuất hiện của câu hỏi tu từ: “Rồi anh ta sẽ ra sao với cái chân đau đớn thế, với cái tính quyết liệt chịu đựng ấy?”cùng với lời ước: “Giá gì nhỉ, trong cuộc đời chỉ cần một phút được gặp lại” đã tạo nên dư vị ngậm ngùi về một mối tình ngang trái bị ngăn trở. Đoạn văn kết thúc, để lại trong lòng người đọc sự thương
cảm, xót xa và một câu hỏi day dứt: nếu không có hàng rào vô hình kia thì mối tình đó liệu có đơm hoa, kết trái? Cùng giọng điệu trữ tình chất chứa sự day dứt về một mối tình giữa hai người của hai chiến tuyến như vậy là truyện ngắn “Một buổi chiều thật muộn”.
Khác với nhiều nhà văn khác, tác phẩm Lê Minh Khuê có không nhiều, mà hầu như rất ít những đoạn văn trữ tình ngoại đề. Lê Minh Khuê đã viết là thường đi thẳng vào vấn đề, nhưng không phải vì thế mà văn bà nghèo nàn về cảm xúc. Mà ngược lại, nhiều truyện ngắn của nhà văn vẫn thấm đẫm tình cảm. Chính vì liều lượng vừa phải ấy của giọng điệu trữ tình mà văn Lê Minh Khuê dù viết về nỗi đau, sự mất mát cũng không hề bị rơi vào bi luỵ, bế tắc. Con người trong tác phẩm của nhà văn vẫn vẹn nguyên khát vọng sống, khát vọng về tình yêu, khát vọng được làm lại cuộc đời. Điều đó được phản ánh rất rõ trong các truyện ngắn: Mưa, Lời chào ở ngưỡng cửa, Khoảnh khắc của số phận. Ngân trong “Mưa” đã sống hết mình vì tình yêu đầu. Tuy vậy, tình
yêu mãnh liệt của cô không được đền đáp xứng đáng. Ngân bị Quốc lợi dụng. Khi nhận ra, Ngân đau đớn ê chề, Song không vì thế mà cô rơi vào bế tắc và tuyệt vọng. Trước mắt cô vẫn còn là tương lai: “Ngân vẫn còn trẻ và ngày nào cô cũng cố quên cái xảy ra. Ngày nào cô cũng nhớ tới bức tranh phong cảnh treo trong căn phòng của Quốc trên công trường. Ngân nhớ đến khu rừng sáng lên trong mưa, nhớ những giọt nước mắt khát khao hạnh phúc ngày đó. Và Ngân lại ngồi nhìn ra phố mưa, chờ đợi”. Đoạn văn man mác buồn, nhưng nỗi buồn không làm cho Ngân tuyệt vọng. Hình ảnh “khu rừng sáng lên” cho chúng ta biết, trong Ngân vẫn cháy lên hi vọng về một hạnh
phúc tương lai. Tất cả vẫn đang chờ đợi cô ở phía trước. Cùng tâm trạng ấy với Ngân là Châu trong “Lời chào ở ngưỡng cửa”. Kết thúc một tình yêu mười năm không có kết quả, Châu không rơi vào bi lụy, mà ngược lại cô vẫn lạc quan vào tương lai : “Thôi anh đi đi. Em cũng phải lo cho đời em chứ. Lẽ
nào suốt mười năm qua em đã tranh đấu, buồn khổ hồi hộp vì chờ đợi câu chào ngày hôm nay của anh. Em còn trẻ mà. Thôi thì anh cứ vềđi. Châu khép cửa không nhìn theo người đàn ông. Cô liếc qua tờ lịch: Mùa xuân này mình mới có hai chín tuổi”. Châu không thấy tuyệt vọng, không thấy tuổi trẻ của
mình đã trôi qua, mà ngược lại cô vẫn lạc quan vào tương lai, vẫn thấy chưa phải là muộn để chờ đón hạnh phúc thật sự của đời mình, vì mùa xuân này cô mới có hai chín tuổi. Không để cho nhân vật rơi vào bế tắc và tuyệt vọng chính là cách mà Lê Minh Khuê thể hiện cái nhìn tin yêu, lạc quan của mình vào cuộc sống. Đây cũng chính là nội dung tạo nên chủ nghĩa nhân đạo sâu sắc trong sáng tác của nhà văn.
Giọng điệu trữ tình còn được Lê Minh Khuê sử dụng để miêu tả những rung động tinh tế nhất của lòng người. Đó là những rung động của mối tình đầu. “Hà cắp cặp đi dọc con đường vắng ở khu phố trung tâm. Hàng cây đẹp nhất thành phố như có một bầu trời riêng ở bên trên. Không khí xanh thẫm vì màu lá trong sạch. Ngôi biệt thự vẫn nằm sâu bên trong hàng rào sắt với những vườn toàn cây…Thế giới ấy cũng chẳng bao giờ mình được biết…Hà nghĩ vẩn vơ tự dưng muốn khóc. Oái oăm thay khi người đàn ông Hà yêu lại là thày…Trời hôm nay mát dịu. Giữa mùa hè thỉnh thoảng có một hôm khác lạ. Trăng trắng xanh trên bầu trời. Phảng phất mùi hoa lan. Hai người đoán xem mùi hoa lan ấy từ đâu. Và rồi ngạc nhiên quá khi tự nhiên cứ muốn nói thầm thì”. Bút pháp “tả cảnh ngụ tình” được nhà văn vận dụng tài tình để thể
hiện tâm hồn con người. Thiên nhiên trong sáng, trữ tình như tâm hồn thiếu nữ lần đầu tiên nhận ra tình cảm của mình dành cho đối tượng.
Không chỉ là lãnh địa riêng của tình yêu , giọng điệu trữ tình còn là địa hạt của nhiều thứ tình cảm khác của con người trong truyện ngắn Lê Minh Khuê. Có lúc giọng văn nghẹn ngào, xúc động khi đề cập đến những mất mát của số phận con người: “Ông dừng lại, thổn thức vì nước mắt ứ lên. Như một
đứa trẻ. Lại cũng như một người đàn bà. Trong nỗi đau, có ai hơn ai? Tôi nắm tay ông. Những ngón tay lạnh như là sự sống bắt đầu ra đi từđấy, nơi đã khơi dậy tình yêu, đã mang vác, đã rèn dũa, đã chạm vào lá cây, vào nước, vào mái tóc người đàn bà và bây giờ là chạm vào đất. Tôi không dám xiết mạnh tay ông, sợ cái mong manh của sự sống ấy sẽ vụt bay đi mất”. Đoạn văn khiến ta không thể không nhớ tới những lời nhận xét của tác giả Trung Nguyễn về nhà văn Lê Minh Khuê: “Đọc văn Lê Minh Khuê, chúng ta thấy khi viết dường như chị tựa hẳn vào những ấn tượng, cảm giác. Những ấn tượng này là mơ hồ, nhiều khi khó hiểu cứ bảng lảng thành thử câu văn gợi nhiều liên tưởng. Lối viết này là do cách cảm nhận đời sống bằng trực giác”. Tuy vậy, không phải bất cứ ở truyện ngắn nào, nhà văn cũng sáng tạo trên cơ sở những cảm giác, ấn tượng, mà đôi khi nó được xây dựng dựa trên những tình cảm rất thực của con người. Đó là tình cảm của đứa con xa quê lâu ngày, nay trở về thì mẹ đã không còn nữa : “Tôi ngồi thừ ra suốt buổi chiều trong phòng làm việc. Đã hàng chục năm nay chưa lúc nào ngồi thừ ra như vậy. Bây giờ tôi ngồi một mình, lòng nghẹn ngào cảm giác đơn côi của đứa trẻ lúc chiều về. Ôi, cô tôi, người mẹ nuôi của tôi từ ngày tôi còn bé tí. Thế là cụ đã làm tròn phận sự của kiếp người cơ cực. Cụđã yên phận ở bên kia thế giới , nơi con người không còn những ràng buộc, những giằng xé khốn khổ… Tôi cúi đầu, xoay người che gió, bật diêm châm nén hương và cắm lên mộ cô tôi. Rõ ràng là như cô tôi đã nói, con sẽ dịu lòng khi đặt chân lên đất này. Tôi muốn nằm úp mặt trên cỏđể hương vị mát lành của đất, cái mùi đất xa đô thị, xa tiếng ồn, không pha trộn mùi xăng xe, mùi hộp đêm, mùi những món ăn lạ
trong quán xá” (Dòng sông). Đó còn là tình phụ tử: “Chẳng có dấu chân nào
ở lâu trên cát. Những dấu chân in dấu một đời người, một số phận. Gío dửng dưng đã xóa hết dấu chân cha. Cha nằm trong lòng cát, có ai biết rằng một thời cha cũng có những dấu chân…” (Gío xóa dần những dấu chân). Giọng
kể tha thiết, lắng sâu, diễn đạt nhiều tình cảm sâu sắc, chân thành đã giúp nhà văn diễn tả thành công tâm trạng, cảm xúc con người.
Sử dụng sắc thái giọng điệu này, Lê Minh Khuê đã tạo lên những trang văn dạt dào cảm xúc. Nhiều truyện ngắn của nhà văn vì thế có cái man mác của một bài thơ trữ tình, tạo nên sự rung động chân thành và thực sự trong tâm hồn độc giả. Có lẽ vì vậy văn Lê Minh Khuê vẫn là những tác phẩm hấp dẫn với bạn đọc ngày hôm nay.