CHƯƠNG 3: GIỌNG ĐIỆU TRUYỆN NGẮN LÊ MINH KHUÊ SAU
3.1.2.2. Ngợi ca và tin tưởng vào những giá trị nhân bản, đời thường
Bên cạnh sự căm thù cái ác, cái xấu ta còn bắt gặp trong sáng tác Lê Minh Khuê một cảm hứng nữa cũng không kém phần mãnh liệt. Đó là cảm hứng ca ngợi và tin tưởng vào những giá trị nhân bản đời thường. Nguồn cảm hứng này cho thấy, trước những cái tiêu cực của xã hội, Lê Minh Khuê không hề bị rối trí, nhà văn vẫn bình tâm để đủ niềm tin tin vào những giá trị tốt đẹp mà bà đã cùng đồng đội và bao người phải đổ mồ hôi xương máu để giành lại. Lê Minh Khuê từng nói: “Mình chỉ nghĩ, hãy tái tạo đời sống của những người thân thiết. Những người cao tuổi, sống trong gia đình mình chẳng hạn, một thế giới giàu có, trải qua bao nhiêu thời cuộc vẫn giữđược tâm hồn trong sáng lành mạnh. Hay những mối quan hệ qua bao nhiêu sóng gió vẫn giữ được tốt đẹp. Mình tin ở những mối quan hệđời thường, cha mẹ, con cái hay một nhóm bạn thân”. Dưới cái nhìn khám phá của nhà văn, cái ác, cái xấu
nhan nhản khắp nơi nhưng cái đẹp cái thiện vẫn có sức sống bền bỉ trên các nẻo đường của cuộc sống. Cái thiện, cái đẹp trong văn Lê Minh Khuê không lộ diện rực rỡ mà ngược lại nó nhẹ nhàng đằm thắm, bình dị, đời thường, đôi khi nó như một thứ “dạ hương” khó phát hiện. Đặc biệt, nhà văn thường thể hiện cảm hứng ngợi ca sâu sắc đối với những giá trị truyền thống của dân tộc. Đó là sự tôn trọng quá khứ, tôn trọng những nền tảng đạo lý, hướng về nguồn cội tổ tiên. Cảm hứng ngợi ca còn được khắc sâu hơn bởi cách kết thúc tác phẩm của nhà văn. Ở những tác phẩm viết về những giá trị văn hoá truyền thống của Lê Minh Khuê, cho dù giữa cuộc sống hiện đại xô bồ, đầy rẫy những cái ngẫu nhiên, những cái khó lường nhưng những nhân vật mang trong mình nền tảng đạo lý thì không bao giờ có những kết thúc bi thảm. Mà ngược lại, nhà văn bao giờ cũng mở ra cho họ một lối thoát, một tia hi vọng (kết thúc của Làng xi măng, của Một đời, của Gió xóa dần những dấu
chân...). Cách kết thúc như vậy luôn khiến người đọc lạc quan, tin tưởng vào
cái đẹp, cái thiện để luôn có khát vọng hoàn thiện mình và sống tốt đẹp hơn. Viết về cái đẹp, cái thiện, Lê Minh Khuê xuất phát từ tâm niệm:
“Đáng mơ ước là thứ văn chương viết thật hay về mối quan hệ giữa những con người”. Soi vào toàn bộ sáng tác của Lê Minh Khuê, ta thấy thực chất
nguồn cảm hứng xuyên suốt chính là việc ca ngợi cái đẹp, cái thiện. Nhà văn, dù có viết về cái ác, cái xấu cũng chỉ là sự cảnh tỉnh con người và xã hội trước thực trạng cái đẹp, cái thiện đang ngày càng bị lấn lướt. Hồi chuông ấy của Lê Minh Khuê giúp cho tác phẩm của bà có giá trị nhân văn sâu sắc.
3.2. NHỮNG GIỌNG ĐIỆU CHÍNH TRONG TRUYỆN NGẮN LÊ