Tìm hiểu giọng điệu nghệ thuật truyện ngắn Lê Minh Khuê ở nhiều bình diện, chúng tôi đã thu được một số kết quả nhất định. Sau đây xin được tóm lược lại một cách ngắn gọn:
1. Giọng điệu đã và đang là vấn đề được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm, tìm hiểu. Đó là một trong những yếu tố quan trọng của hình thức tác phẩm văn học, là hình thức mang tính nội dung. Chính vì vậy, tìm hiểu giọng điệu của nhà văn trong tác phẩm văn học là đi vào khám phá phần nào của giá trị nội dung những sáng tác của nhà văn ấy.
2. Lê Minh Khuê là một trong số không nhiều những nhà văn “có duyên” với thể loại truyện ngắn. Nhà văn đã tạo dựng cho mình được một giọng điệu riêng trong sáng tác. Khảo sát giọng điệu truyện ngắn Lê Minh Khuê trên các bình diện cơ sở hình thành, cảm hứng sáng tác và các sắc thái giọng điệu chính, chúng tôi đã có được cái nhìn tương đối về sự vận động giọng điệu của nhà văn qua các thời kì. Đó là sự vận động tích cực với sự nghiệp sáng tác của Lê Minh Khuê. Sự vận động ấy là phù hợp với xu hướng của thời đại. Sự năng động này của Lê Minh Khuê trong nghệ thuật đã giúp bà đứng vững, tạo dựng được một vị trí xứng đáng trong nền văn học hiện đại Việt Nam.
3. Trước 1975, trong vai trò là một nữ thanh niên xung phong, Lê Minh Khuê đã trực tiếp tham gia cuộc kháng chiến chống giặc Mĩ của toàn dân tộc. Những trải nghiệm thực tế cùng sự nhạy cảm của tâm hồn nghệ sĩ đã
giúp nhà văn có được chất liệu sống cho sáng tác. Sáng tác của Lê Minh Khuê giai đoạn này, như hầu hết các tác phẩm cùng thời kì, đã tập trung vào khai thác đề tài chiến tranh với nhân vật trung tâm là những người lính, những thanh niên xung phong trên những tuyến đường Trường Sơn khói lửa. Cảm hứng xuyên suốt các tác phẩm của Lê Minh Khuê là cảm hứng lãng mạn cách mạng kết hợp với khuynh hướng sử thi. Đề tài chiến tranh và cảm hứng lãng mạn cách mạng đã định hướng cho việc hình thành những sắc thái giọng điệu chính trong sáng tác của nhà văn.
Giọng điệu thứ nhất của truyện ngắn Lê Minh Khuê trước 1975 là giọng điệu hồn nhiên trong sáng. Giọng điệu này là phù hợp và phản ánh đúng đặc điểm tâm hồn của nhà văn cũng như các nhân vật - Những chàng trai, cô gái mười tám đôi mươi trẻ trung và hăng say lí tưởng. Sắc thái giọng điệu thứ hai là giọng tự hào và ngợi ca. Lê Minh Khuê đã đem đến văn học cách mạng thời kì kháng chiến chống Mĩ một nguồn riêng trong dòng chảy chung. Đó là sự ngợi ca, tự hào về những chiến công, những con người Việt Nam anh dũng, kiên trung, sống và chiến đấu hết mình vì Tổ quốc. Tuy nhiên bằng con mắt tỉnh táo, chúng ta cũng phải thấy rằng, giọng điệu nghệ thuật Lê Minh Khuê trong giai đoạn này mang tính đơn giọng, một chiều. Có điều này là do người trần thuật luôn đứng từ xa, luôn tạo ra giữa người trần thuật và nhân vật một khoảng cách thiêng - khoảng cách sử thi. Tuy vậy, nhiều tác phẩm truyện ngắn Lê Minh Khuê vẫn là một trong những tác phẩm xuất sắc của văn học Việt Nam thời kì kháng chiến.
4. Sau 1975, nhất là từ sau đổi mới, truyện ngắn Lê Minh Khuê có sự đổi giọng. Thời đại thay đổi, kéo theo sự thay đổi về nhãn quan sáng tác của người nghệ sĩ. Từ đề tài chiến tranh với khuynh hướng sử thi, nhà văn trở về đời thực với đề tài đời tư, thế sự. Khai thác đề tài này, nhà văn nhìn thấy ở xã
hội sự tha hóa và lối sống thực dụng của con người trước nền kinh tế thị trường, trước sức mạnh của đồng tiền. Ngoài ra, Lê Minh Khuê còn thấy được những giá trị nhân bản tốt đẹp của con người vẫn hiện hữu đâu đó trong những con người ngoài xã hội. Cùng với sự thay đổi đề tài là sự chuyển hướng của cảm hứng sáng tác. Nhà văn đã mạnh dạn và quyết liệt lên án, phê phán sự xói mòn về nhân phẩm của con người cùng với lối sống thực dụng của họ. Lê Minh Khuê phơi bày không mệt mỏi cho độc giả thấy những cái ác, cái xấu xa đang tồn tại ngoài xã hội và trong mỗi con người. Những trang văn ấy có ý nghĩa vô cùng lớn lao trong cuộc chiến thanh lọc xã hội, đó là sự cảnh tỉnh con người trước nguy cơ cái xấu, cái ác đang lan tràn như một thứ dịch bệnh nguy hiểm. Một nguồn cảm hứng nữa cũng không kém phần quan trọng trong sáng tác Lê Minh Khuê, đó là sự ca ngợi và tin tưởng vào những giá trị nhân bản đời thường. Hai nguồn cảm hứng này hỗ trợ và cộng hưởng đã giúp văn Lê Minh Khuê có một vẻ đẹp mà không phải ai cũng có được, đó là vẻ đẹp của sự hướng thiện.
Đề tài ấy, cảm hứng ấy tất lẽ đã dẫn đến việc hình thành những giọng điệu nghệ thuật tương thích trong truyện ngắn Lê Minh Khuê.
Giọng điệu châm biếm, giễu nhại là một trong những giọng điệu chính trong truyện ngắn Lê Minh Khuê sau 1975. Ở giai đoạn này, một mặt nhà văn tiếp cận hiện thực một cách tỉnh táo, chân xác; mặt khác, Lê Minh Khuê đã thể hiện rõ quan điểm của mình trước hiện thực đó. Đó là thái độ vừa lên án, vừa giễu cợt, vừa châm biếm sâu cay. Khả năng ngôn ngữ đặc biệt của Lê Minh Khuê đã khiến cho những tác phẩm mang giọng điệu này trở nên rất hấp dẫn và cuốn hút người đọc.
Một sắc thái giọng điệu quan trọng nữa trong giọng điệu truyện ngắn Lê Minh Khuê là giọng điệu triết lí. Bằng vốn sống phong phú và khả năng khái quát cao, nhà văn đã đúc kết được khá nhiều triết lí bổ ích về nhiều lĩnh
vực, nhưng tập trung nhiều ở hai lĩnh vực là tình yêu và hôn nhân. Giọng điệu này đã mang đến cho văn Lê Minh Khuê vẻ đẹp sâu sắc và trí tuệ.
Giọng điệu trữ tình cũng là một trong những đóng góp quan trọng của Lê Minh Khuê. Với một tâm hồn nhạy cảm, đằm thắm và nữ tính, nhà văn dường như đã đạt được mục đích nghệ thuật, đó là tạo nên được những trang văn đẹp, dạt dào cảm xúc.
Giọng điệu suồng sã với lớp ngôn từ thô ráp đã khiến cho tác phẩm của Lê Minh Khuê thật hơn, đời hơn. Nó đã góp phần giúp nhà văn tái hiện lại một cách chân xác đời sống, đúng như nó vốn có.
Khác với những giọng điệu khác luôn thể hiện thái độ, tình cảm của nhà văn, giọng điệu lạnh lùng, tàn nhẫn lại là sự kìm nén của nhà văn trước hiện thực xã hội. Đằng sau sự kìm nén ấy là thái độ quyết liệt đấu tranh loại trừ cái xấu, cái ác ra khỏi đời sống. Vì vậy, suy cho cùng, giọng điệu này là sự thể hiện chủ nghĩa nhân đạo sâu sắc của nhà văn.
5. Trên đây, chỉ là những giọng điệu chính trong truyện ngắn Lê Minh Khuê mà chúng tôi có dịp tìm hiểu. Có thể có những giọng điệu phụ khác tồn tại trong tác phẩm của bà với tư cách là bè đệm, nhưng do giới hạn không cho phép của luận văn mà chúng tôi không có điều kiện để khảo sát tất cả, chỉ có thể khảo sát những giọng điệu chính. Tuy nhiên chúng tôi cần nhấn mạnh hai vấn đề. Thứ nhất, giọng điệu truyện ngắn Lê Minh Khuê sau 1975 là một giọng điệu mang tính đa thanh, phức điệu. Thứ hai, không có một tác phẩm nào, từ đầu đến cuối chỉ có một giọng điệu. Giữa các giọng điệu thường có sự xen kẽ, đan cài. Vì vậy, ở cùng một tác phẩm, có thể chúng ta sẽ bắt gặp nhiều giọng điệu khác nhau, và những giọng điệu này thường được tác giả tổ chức một cách hết sức nghệ thuật, hết sức hợp lí trong một chỉnh thể toàn vẹn là tác phẩm văn học.
6. Do những điều kiện khách quan và chủ quan, nhất là những khó khăn trong việc nghiên cứu một đề tài tương đối mới mẻ, nên dù đã cố gắng nhưng người viết cũng không tránh khỏi những thiếu sót và hạn chế. Những điều chúng tôi đã trình bày ở đây, chỉ xin được xem như những nghiên cứu bước đầu. Rất mong được sự chia sẻ và góp ý!