CHƯƠNG 3: GIỌNG ĐIỆU TRUYỆN NGẮN LÊ MINH KHUÊ SAU
3.1.2.1. Phê phán, lên án sự xói mòn về nhân phẩm và lối sống thực dụng của con người.
dụng của con người.
Nét cảm hứng nổi trội nhất trong sáng tác Lê Minh Khuê sau 1975 là cảm hứng phê phán, lên án sự xói mòn về nhân phẩm và lối sống thực dụng của con người trước nền kinh tế thị trường. Đã từng có một thời gian dài làm phóng viên (từ năm 1969 - 1977), có thể nói Lê Minh Khuê đã có một vốn sống, sự trải nghiệm phong phú, đủ để nhà văn không nhìn cuộc sống bằng cái nhìn giản đơn, hời hợt. Con mắt của một nhà báo giúp Lê Minh Khuê có cái nhìn phát hiện. Nhà văn thông hiểu mọi ngõ ngách của cuộc sống từ nông thôn đến thành thị. Chính vì vậy cái xấu, cái ác, đặc biệt là sự suy thoái đạo đức, lối sống thực dụng của con người ngày càng nhan nhản đã làm nhức buốt tâm hồn của một nhà văn có tâm như Lê Minh Khuê. Lê Minh Khuê nhận định: “Cái ác như nấm độc, như cỏ dại đang huỷ hoại cộng đồng, báo hiệu sự
suy kiệt khủng khiếp về văn hóa, báo hiệu sự mất trắng về đạo đức truyền thống của một dân tộc”. Vì vậy, trước cái ác, cái xấu nhà văn đã viết với một
thái độ riết róng, quyết liệt khiến không ít người phải nghi ngại, thậm chí phê phán cách nhìn của nhà văn. Với cảm hứng mãnh liệt, Lê Minh Khuê không ngại ngần tìm cách miêu tả trực diện cái xấu, cái ác, kể cả đôi khi phải dùng
tới những từ ngữ đời thường nhất, suồng sã nhất. Không chỉ vậy, bà còn bóc trần bộ mặt bề ngoài của nó, phơi bày bản chất thật của nó ra ánh sáng (truyện
Xóm nhỏ, Kí sự những mảnh đời trong ngõ, Đồng đô la có màu xanh
huyền ảo,…). Bằng cái nhìn phát hiện, Lê Minh Khuê thấy được cái xấu, cái
ác ở nơi nơi, từ nông thôn đến thành thị; ở bất kì lúc nào, từ những kẻ quyền cao chức trọng, từ những kẻ trí thức chữ nghĩa đầy mình cho đến những người thường dân, những kẻ ít học…Trở về từ cuộc chiến tranh gian khổ, cứ ngỡ con người sẽ biết quí trọng tự do, hoà bình, sẽ biết sống thân ái với nhau và xã hội này sẽ là một xã hội đại đồng. Nhưng Lê Minh Khuê không khỏi giật mình trước hiện thực cái xấu cái ác tràn lan. Có những hiện thực khiến con người không thể tin nổi như: trải qua bao bom đạn trong chiến tranh, tình yêu lại tan vỡ ở thời bình bởi sự bức bách của áo cơm. Anh em, bố con chém giết, tàn sát lẫn nhau chỉ vì những đồng đô la. Giáo sư tiến sĩ, thầy giáo, nhà báo…lại là những kẻ thô tục nhất. Cái ác, cái xấu trong văn Lê Minh Khuê được phơi bày ngổn ngang và trần trụi. Cảm hứng lên án càng mãnh liệt khi nhà văn có ý thức truy đuổi cái ác, cái xấu đến tận cùng, để cho chúng có những kết thúc đầy bi kịch (Kết thúc của những nhân vật trong Những kẻ chờ
sung, của Đồng đô la vĩ đại, của Bi kịch nhỏ….). Viết nhiều về cái ác, cái xấu, nhất là lối sống thực dụng và sự suy thoái về đạo đức không có nghĩa là Lê Minh Khuê có cái nhìn tiêu cực, bi quan về con người, về xã hội. Nhà văn từng khẳng định: “Viết về cái ác cũng là một cách thức tỉnh nhân tính”. Như
vậy, suy cho cùng, cảm hứng lên án, phê phán cái ác, cái xấu ở Lê Minh Khuê thực chất là sự biến tấu của thái độ đề cao, cổ vũ cái đẹp, cái thiện. Điều này đã thể hiện sâu sắc lương tâm và trách nhiệm của người cầm bút ở nhà văn. Phải chăng, đó chính là nguyên nhân khiến tác phẩm của Lê Minh Khuê thuyết phục được cả người đọc trong nước và nước ngoài ?