CHƯƠNG 3: GIỌNG ĐIỆU TRUYỆN NGẮN LÊ MINH KHUÊ SAU
3.2.5. Giọng điệu suồng sã
Sau năm 1975, văn học trở lại với quĩ đạo vốn có của nó. Tức là, thay vì cái nhìn sử thi về con người, văn học gần gũi với đời thực và nhìn con người bằng cái nhìn phi thành kính, phi sử thi, có phần suồng sã. Bởi thế, chất đời sống ùa vào văn chương, tạo nên giọng điệu khá riêng của văn học sau 1975, đó là giọng suồng sã.
Suồng sã là có lời nói, cử chỉ, thái độ tỏ ra thân mật, gần gũi quá trớn, thiếu đứng đắn, lễ độ. Vậy giọng điệu suồng sã trong văn chương nghệ thuật là giọng điệu thể hiện sự thân mật quá mức hoặc nhà văn đưa lời ăn tiếng nói của đời sống vào tác phẩm.
Trong tác phẩm Lê Minh Khuê, giọng điệu suồng sã xuất hiện khá nhiều. Giọng điệu này xuất hiện chủ yếu ở giọng điệu nhân vật, đặc biệt là những nhân vật tha hoá. Đó có thể là những trí thức thô bỉ, là lớp thị dân mới tôn thờ giá trị vật chất, chà đạp lên đạo đức, văn hoá truyền thống của dân tộc. Mục đích sống của những con người này là tiền, là đôla. Vì tiền họ có thể giẫm đạp lên mọi giá trị, sẵn sàng trở thành những con người không tình nghĩa, chao chát, cay nghiệt. Lớp ngôn từ và giọng điệu của họ trong tác phẩm chính là biểu hiện của lối sống tha hóa.
Yếu tố đặc trưng nhất của sắc thái giọng điệu này là lớp ngôn từ được tác giả lựa chọn, đó là lớp ngôn từ mang tính khấu ngữ, thậm chí là những ngôn từ thô tục, sống sượng của đời sống hàng ngày. Đôi khi độc giả tiếp
nhận giọng điệu này sẽ phải nhăn mặt, lắc đầu. Hãy nghe cuộc cãi vã giữa hai cha con lão Thiến (Anh lính Tony D):
- “Thán, quắn này mày vớ bẫm hả? - Cái chắc
- Qủa gì đậm thế? - Qủa C…
…
- Không ông lấy thì chó vào đây à? Nôn ra!
- …Tao thề với mày, tao mà nói điêu thì tàu xe chẹt tao nát ra như bụi. - Ông có mà chết. Ông thề mà chết được thì tôi ăn cứt chó. Nghe thủng chưa? Nôn ra, ọe ra. Tôi bóp cổ ông lè lưỡi ra bây giờ (…) Thề cái con chó (…) Thề đi, chặt đi, đồ sâu bọ! Chặt ngay đi không là thụt lưỡi với thằng này…”. Cuộc cãi vã đảo lộn mọi tôn ti trật tự trong gia đình. Đặc trưng của đoạn văn là những lời chửi thề dày đặc.Con chửi bới, dọa dẫm cha bằng những lời lẽ hỗn láo, kết hợp với hành động không chút tình người. Tất cả chỉ vì tiền. Cùng mục đích như vậy là cuộc đấu khẩu giữa hai chị em dâu trong một gia đình ở truyện ngắn khác của Lê Minh Khuê: “Cô không phải chì chiết tôi. Cô biết thừa cái con mặt choắt kia rồi chứ. Nó là con của đồ chó đẻ. Con nhà chó đẻ nên tham. Tham gì mà tham thế. Nó giữ rịt thằng bé hai tháng rồi. Hai tháng tiền đô để nó mua đầu chó về cúng ông bà tổ tiên bên nhà nó. Đến hôm nay nó phải cho thằng bé về bên tôi chứ. Nó lại giữ rịt lấy, quá nửa tháng rồi con gì. Nay nhắn, mai nhắn mấy lần đến đón hẳn hoi mà nó đâu có nhả ra. Bà thì bà rạch mặt mày ra, bà tưới xăng đốt mẹ cả chồng mày, thằng
đàn ông không biết dạy vợ, đang núp trong váy vợ kia…ăn gì mà ăn dầy thế?” (Đồng đô la vĩ đại). Một loạt những từ ngữ thô tục được nhân vật văng
ra một cách “hào phóng”. Nhiều câu văn ngắn được sử dụng liên tiếp. Ngắt nhịp nhanh, mạnh cho thấy mức độ gay cấn của cuộc cãi vã. Tất cả điều đó
đều thể hiện rõ ràng lối hành xử thiếu văn hóa theo kiểu chợ búa của các nhân vật. Giọng văn vì thế đã phản ánh được đúng cái nhịp thở của đời sống, cho thấy đúng cái bản chất “đời” của xã hội.
Sử dụng giọng điệu suồng sã trong văn chương nghệ thuật đòi hỏi nhà văn phải là người có vốn từ, vốn kinh nghiệm sống phong phú, và đặc biệt phải là một cây bút vững vàng. Một cây bút vững vàng sẽ biết đưa giọng điệu suồng sã vào tác phẩm của mình với một “liều lượng” hợp lí để đạt được mục đích nghệ thuật mà vẫn tạo được hiệu quả thẩm mĩ. Ngược lại, nếu nhà văn đưa vào quá “liều lượng” sẽ rất dễ gây phản cảm và phản ứng từ phía độc giả. Lê Minh Khuê là nhà văn biết rất rõ ranh giới đó. Với cái nhìn sắc sảo, nhiều chiều, bằng giọng điệu suồng sã, nhà văn đã cho thấy rõ hai mảng sáng - tối của cuộc sống mà không phải ai cũng có thể nhìn ra được. Đó là cái xấu đan xen với cái đẹp, cái ác đan xen với cái thiện.
Trong tác phẩm của Lê Minh Khuê, giọng điệu suồng sã không chỉ xuất hiện ở tầng lớp thị dân và những người lao động mà ở ngay cả những bậc trí thức. Tiêu biểu là giáo sư Mùi (Chó điên). Người đọc không khỏi kinh ngạc trước những lời lẽ tục tĩu mà một giáo sư, tiến sĩ của một viện văng ra để chửi vợ: “Lúc này lão đang gào lên. Tiên sư con phò, con đĩ ngựa. Tưởng bố mày sợ à? Mày mà không về tao tìm được tao xử lí mày như xử lí bọn chó”. Chỉ có
ba câu nhưng mức độ những lời lẽ mang tính tục được sử dụng một cách đậm đặc, khiến người nghe chóng mặt, nhức đầu. Hiệu quả nghệ thuật nổi bật nhất của giọng điệu này chính là khả năng thể hiện mức độ tha hoá của con người. Nhân vật nào sử dụng càng nhiều càng chứng tỏ mức độ thiếu văn hoá. Ở ví dụ trên, hoặc bao quát toàn bộ truyện ngắn “Chó điên”, chúng ta thấy bất cứ ở phát ngôn nào, giáo sư Mùi cũng sử dụng những lời lẽ mang tính thô tục, suồng sã. Điều đó đã lột trần bản chất của kẻ mang danh trí thức vừa dốt nát, vừa ti tiện, thiếu văn hoá.
Tuy nhiên, không phải lúc nào giọng điệu suồng sã cũng xuất hiện để cho thấy mức độ tha hoá của nhân vật, mà đôi khi tác giả cũng sử dụng nó để thể hiện tình cảm của con người. Viện trong “Một chiều xa thành phố” thường thể hiện tình yêu thương con mãnh liệt qua những lời cưng nựng, khen ngợi suồng sã mang tính thân mật, yêu thương:
- “Hôm qua, mẹ vay con hai đồng, hôm nay phải trả hai rưỡi nhá. - Sao lại hai rưỡi?
- Tiền mỗi ngày một giá, mẹ phải biết. - Thế hôm qua mày ăn miếng giò là của ai?
- Giò là tiền ông bô gửi về, của mẹ thì đừng hòng con ăn nhé.
- Được rồi, chiều nay tao mua giò nữa, mày mà bén mảng đến, tao tát vào mặt.
- Thèm vào.
Người đàn bà cười hể hả :
- Con với cái! Tí tuổi đầu mà khôn như ranh, lại đây cho mẹ “xơm” một tí nào!
Đứa bé con rúc cái đầu tổ quạ vào bụng mẹ nó. Hai mẹ con âu yếm nhau và người mẹ luôn miệng kêu: con ranh con, sau này mày đừng có bỏ mẹ
mà đi như thằng bố tóc quăn của mày nhé”. Người mẹ đã sử dụng rất nhiều
những từ, những cụm từ mang tính khẩu ngữ (tao – mày, tát vào mặt, khôn như ranh, con ranh con, thằng bố tóc quăn), ngữ điệu mang tính chất âu yếm để thể hiện tình mẫu tử của mình. Giọng điệu này, chúng ta có thể bắt gặp nhiều trong đời sống.
Hầu hết giọng điệu suồng sã trong văn Lê Minh Khuê thường xuất hiện ở lời của nhân vật, nhưng cũng có lúc nó là lời nửa trực tiếp: “Ngoài kia, mẹ
vẫn nói như cái loa phường. Leo lên đâu mà cũng đại học? Mọi thứ đỉnh có người cắm cờ rồi. Đấy là về khoa học. Hiểu chưa? Còn văn chương chữ
nghĩa ấy à? Thấy thằng hay viết lách bên kia đường không? Lúc nào cũng mắt la mày lét như chó ăn vụng bột. Vợ nó còn thiếu nước xắn váy phủ lên mặt. Viết với chả lách. Đồ con tườu. Viết lách mà khiến chúng nó rải nhựa cái đường này tao mới phục! Không thì vứt!” (Bước hụt). Thậm chí, có khi
đó là lời người kể chuyện : “Lão kéo hai gã đàn ông vô tích sựở cùng phố tới nhà, ngồi nhắm bia với lạc rang và đọc thơ. Gì chứ thơ thì các lão làm như
trẻ con đánh rắm. Mỗi giờ làm được vài chục bài”. Khi giọng điệu suồng sã
là của người kể chuyện, thì nó không để diễn tả sự thân mật, cũng không là những lời thể hiện sự tha hóa, mà nó thể hiện sự bất bình, lên án đến cực độ của nhà văn. Tuy nhiên giọng điệu này thường xuất hiện rất ít.
Sử dụng giọng điệu suồng sã một cách linh hoạt, Lê Minh Khuê đã cho thấy khả năng nắm bắt đời sống nhanh nhạy, kinh nghiệm sống đa dạng và vốn từ ngữ phong phú. Giọng điệu này không những không làm cho tác phẩm của nhà văn bị tầm thường hoá, mà ngược lại nó giúp văn chương Lê Minh Khuê gần gũi hơn, đời thường hơn và phản ánh cuộc sống chân thực hơn, đúng như nó vốn có.
Tiểu kết
1. Với xu hướng văn học trở về phản ánh cuộc sống đời thường, các nhân vật luôn phải đối diện với những vấn đề bức xúc, nhức nhối của cuộc sống, giọng điệu trần thuật trong những truyện ngắn của Lê Minh Khuê đã mang tính chất bình đẳng, đa thanh phức điệu. Từ chỗ đứng từ xa, và luôn đặt nhân vật của mình ở vị trí cao hơn, thì giờ đây, Lê Minh Khuê đã coi nhân vật của mình như một đối tượng để phân tích và mổ xẻ. Từ chỗ, nhìn nhân vật như những mô hình tính cách đã “hoàn kết”, giờ đây, Lê Minh Khuê đã khám phá chiều sâu tâm hồn nhân vật với đầy đủ sự phức tạp của nó, ở nhiều góc
độ. Con người hiện nguyên trạng là một mô hình tính cách “không hoàn kết”. Đó mới chính là con người của cuộc đời thực. Từ chỗ, trong tác phẩm của mình, nhà văn luôn để nhân vật, người trần thuật, và độc giả chỉ nói, nghĩ theo tiếng nói cộng đồng, thì giờ đây, mỗi truyện ngắn Lê Minh Khuê là một vấn đề nhức nhối, là tiếng nói của cá nhân và trong đó diễn ra cuộc đối thoại của nhiều tiếng nói, của nhiều giọng điệu.
2. Như vậy với hệ thống gồm năm giọng điệu trên đây, giọng điệu truyện ngắn Lê Minh Khuê sau 1975 thực sự đã tạo được dấu ấn riêng, trở thành một trong những giọng điệu độc đáo, không thể lẫn.