Xác định giá trị của Ngân hàng thương mại (NHTM):

Một phần của tài liệu Hợp nhất và sáp nhập trong lĩnh vực ngân hàng - Kinh nghiệm thế giới và giải pháp cho Việt Nam (Trang 28)

Xác định giá trị ngân hàng là quá trình xác định giá trị thực tế của ngân hàng tại thời điểm định giá. Như vậy, những căn cứ để xác định giá trị thực tế của ngân hàng gồm: Số liệu trong sổ sách kế toán của ngân hàng tại thời điểm định giá số lượng và chất lượng tài sản theo kiểm kê phân loại thực tế, giá trị thị trường của tài sản bao gồm cả giá trị quyền sử dụng đất, lợi thế kinh doanh, uy tín, tính chất độc quyền của sản phẩm dịch vụ, thương hiệu, khả năng sinh lời…2 phương pháp định giá thường được sử dụng đó là phương pháp tài sản và phương pháp dòng tiền chiết khấu.

Phương pháp tài sản là phương pháp xác định giá trị ngân hàng trên cơ sở đánh giá giá trị thực tế toàn bộ tài sản hiện có của ngân hàng tại thời điểm xác định giá trị.

Phương pháp dòng tiền chiết khấu là phương pháp xác định giá trị ngân hàng trên cơ sở khả năng sinh lời của ngân hàng trong tương lai.

Có thể nhận thấy phương pháp tài sản là phương pháp trực tiếp đánh giá giá trị của các tài sản của NHTM và việc đánh giá các tài sản đó dựa trên các thông tin quá khứ của ngân hàng. Còn phương pháp dòng tiền chiết khấu là phương pháp đánh giá giá trị gián tiếp của NHTM thông qua việc lượng hoá các khoản thu nhập kinh doanh mà NHTM có thể mang lại cho các nhà đầu tư trong suốt thời gian còn lại của NHTM, điều này có nghĩa việc xác định giá trị đó dựa trên các dự đoán về tương lai của ngân hàng. Vì vậy, 2 phương pháp trên đều cho ra các kết quả tương đối. Phương pháp dựa trên thông tin quá khứ có thể không phản ánh được hiện tại và tương lai. Còn phương pháp dựa trên suy đoán về tương lai thì lại phụ thuộc vào mức độ chính xác của suy đoán. Ngoài ra, khi áp dụng phương pháp dòng tiền chiết khấu, có thể không định lượng hết được giá trị thương hiệu và những lợi thế kinh doanh của NHTM. Giá trị của NHTM có thể bao gồm 4 nhóm sau:

- Giá trị còn lại của vốn chủ sở hữu tính đến thời điểm định giá: Giá trị còn lại của tài sản cố định hữu hình, vô hình, giá trị quyền sử dụng đất, các thiết bị không thuộc nhóm tài sản cố định, vốn đầu tư liên doanh vào NHTM khác, doanh nghiệp khác hay là các tài sản tài chính và vốn bằng tiền khác…

Chênh lệch ròng của các khoản phải thu so với tổng các khoản phải trả (bao gồm các các rủi ro liên quan).

Các quỹ chưa chia, chưa chi (nếu có).

Giá trị lợi thế kinh doanh: gồm vị trí địa lý, giá trị thương hiệu, tiềm năng phát triển.

Vấn đề cốt lõi khi xác định giá trị NHTM chính là phải lựa chọn một phương pháp phù hợp, phương pháp đó phải bảo đảm nguyên tắc xác định giá trị một cách chính xác các yếu tố hữu hình và lượng hoá được giá trị của các yếu tố vô hình. Do đó, khi xác định giá trị NHTM cần phải xem xét các yếu tố tác động toàn diện đến giá trị NHTM như: Khả năng sinh lời, sự lành mạnh của tình hình tài chính, xu thế biến động của lợi nhuận, tỷ suất lợi nhuận, khả năng thanh khoản, thực trạng tài sản hữu hình, tài sản vô hình, sự tăng trưởng, mở rộng hoạt động và phát triển, trình độ và sự nhạy bén của cán bộ lãnh đạo và nhân viên, mục tiêu dài hạn cũng như chiến lược kinh doanh của NHTM đó…

Trong quá trình xác định giá trị NHTMNN, nếu vẫn còn các khoản nợ xấu và tài sản kém giá trị thì phải được xử lý theo nguyên tắc thị trường. Còn đối với khoản nợ không có khả năng thu hồi thì cần được xử lý theo các quy định hiện hành.

Một phần của tài liệu Hợp nhất và sáp nhập trong lĩnh vực ngân hàng - Kinh nghiệm thế giới và giải pháp cho Việt Nam (Trang 28)