- Tỷ suất P/E: Bên mua có thể so sánh mức P/E trung bình của một cổ phiếu trong ngành để xác định mức chào mua một cách hợp lý.
- Tỷ suất Giá trị doanh nghiệp trên Doanh thu (EV/Sales): Với chỉ số này, bên mua so sánh với các doanh nghiệp khác trong ngành và sẽ chào giá ở một mức gấp một cơ số lần doanh thu
- Chi phí thay thế: Trong một số trường hợp, sáp nhập được dựa trên việc cân nhắc yếu tố chi phí để thiết lập một doanh nghiệp từ đầu so với việc mua một doanh nghiệp nào đó đang có sẵn. Chẳng hạn, nếu tính một cách đơn giản, giá trị doanh nghiệp bao gồm toàn bộ tài sản cố định, trang thiết bị và đội ngũ nhân viên.
Về lý thuyết, doanh nghiệp đi mua có thể đàm phán mua lại doanh nghiệp đang tồn tại với giá trị kể trên hoặc là thiết lập một doanh nghiệp mới tương tự để cạnh tranh. Rõ rang, để xây dựng một doanh nghiệp mới sẽ mất một khoảng thời gian dài để tập hợp đội ngũ quản lý và nhân sự tốt, mua sắm tài sản và tìm kiếm khách hàng chưa kể việc ra đời phải cạnh tranh với doanh nghiệp đang tồn tại trên thị trường. Tuy nhiên phương pháp này trở nên khó thực hiện đối với các ngành dịch vụ, nơi mà tài sản quan trọng nhất là con người.
- Phương pháp chiết khấu dòng tiền (DCF): Đây là công cụ định giá quan trọng hợp nhất và sáp nhập. Mục đích của DCF là xác định giá trị hiện tại của doanh nghiệp dựa trên ước tính dòng tiền mặt trong tương lai. Dòng tiền mặt ước tính (được tính bằng công
thức “Lợi nhuận + khấu hao – chi phí vốn – thay đổi vốn lưu thông”) được chiết khấu đến giá trị hiện tại có tính đến trọng số trung bình vốn của doanh nghiệp (WACC). Nói một cách đơn giản thì phương pháp DCF nhằm tìm ra giá trị hiện tại của công ty dựa trên việc phân tích lượng tiền mà công ty đó có khả năng tạo ra trong tương lai. Việc ứng dụng DCF mang lại nhiều tiện ích, tuy nhiên nó cũng có những hạn chế nhất định. DCF chỉ đơn thuần là một công cụ tính toán, vì vậy không thể tránh được những sai lệch. Một sự thay đổi nhỏ trong yếu tố đầu vào có thể dẫn tới thay đổi lớn về trị giá của một doanh nghiệp. Người ta thường cố gắng điều chỉnh dòng tiền đạt được một hạn mức nhất định. Mặc dù vậy, ít có công cụ nào có thể cạnh tranh được với phương thức định giá này về mặt phương pháp luận.
Vấn đề định giá doanh nghiệp luôn luôn là vấn đề cân não giữa nhà đầu tư và doanh nghiệp trên bàn đàm phán để đạt được các kết quả thuận lợi nhất về phía mình. Đối với các thị trường mới non trẻ như Việt Nam, việc phát triển hay suy thoái của một doanh nghiệp trong một nền kinh tế là rất khó dự đoán. Các phương pháp định giá truyền thống như phương pháp chiết khấu theo dòng tiền thường không mang lại kết quả thực sự chính xác như khi áp dụng với các doanh nghiệp đã có sự tăng trưởng ổn định và dễ dự đoán như ở các nền kinh tế phát triển. Phương pháp này phụ thuộc rất nhiều vào
các yếu tố giả định về thị trường cũng như khả năng tăng trưởng trong tương lai.
Một trong những yếu tố ngăn cản việc này là các doanh nghiệp thường không thực hiện việc nghiên cứu thị trường, nghiên cứu thị phần của doanh nghiệp một cách đúng đắn. Mặt khác, các số liệu kế toán trong quá khứ của doanh nghiệp cũng không đủ tin cậy và chi tiết để có thể thực hiện việc phân tích một cách chính xác. Các vấn đề tìm thấy khi thực hiện công việc rà soát đặc biệt tài chính của các doanh nghiệp cũng là các yếu tố ảnh hưởng đến các giả định dùng cho dự báo tài chính trong tương lai.
Một phương pháp khác cũng thường được nhà đầu tư lựa chọn thay thế, hoặc sử dụng cùng với phương pháp chiết khấu dòng tiền, đó là phương pháp dùng hệ số nhân doanh thu/ lợi nhuận. Với phương pháp này, nhà đầu tư sử dụng các số liệu về doanh thu hay lợi nhuận, hoặc EPS của doanh nghiệp, rồi nhân với một hệ số nhân mà có thể chấp nhận được trên thị trường. Tuy nhiên, phương pháp này cũng có những hạn chế nhất
định khi mà thị trường chứng khoán Việt Nam đang phát triển thì hệ số nhân này thường được nhà đầu tư trên thị trường chấp nhận ở mức cao. Ngoài ra, phương pháp này chỉ sử dụng các số liệu về lợi nhuận hiện tại cho các chỉ số P/E hiện tại, còn với các chỉ số P/E tương lai thì cũng phải dùng phương pháp dự đoán tài chính như phương pháp chiết khấu dòng tiền.
Định giá doanh nghiệp không chỉ là một khoa học chính xác mà là cả một nghệ thuật nữa. Mỗi phương pháp định giá thường cho một đáp số khác nhau, con số cao nhất có thể cách xa con số thấp nhất đến vài lần.
Giá trị của một doanh nghiệp (value) được “định” với một số giả thuyết chủ quan, khác với cái giá (price) là giá trị thuận mua vừa bán. Cái mà chủ doanh nghiệp quan tâm là cái giá cuối cùng mà người mua và người bán có thể gặp nhau.
Mục đích định giá của bên mua và bên bán chỉ để thực tập bài toán giá trị với một số giả thuyết tương đối hợp lý, nhưng rất chủ quan có lợi cho bên họ, để làm khởi điểm cho cuộc thương thuyết mua bán. Chủ doanh nghiệp nên giao cho các chuyên gia định giá làm công việc định lượng này. Tuy nhiên, cái giá cuối cùng giữa người mua và người bán phần lớn được quyết định bởi những yếu tố định tính chứ không phải định lượng.
Trong việc định giá doanh nghiệp, người ta thường quên giá trị lớn nhất của doanh nghiệp vẫn là con người: Nhân sự quản lý, hệ thống tổ chức quản lý, và văn hóa kinh doanh của doanh nghiệp. Đây là những yếu tố không dễ dàng định lượng được, là những giá trị định tính phải được thuyết phục trong cuộc thương lượng.
Giá trị nhất định của một doanh nghiệp chỉ có thể được khẳng định khi doanh nghiệp tìm được một người mua thuận mua ở một cái giá người bán vừa bán. Trên cơ sở lý thuyết, giá trị doanh nghiệp gồm có giá trị cứng (có thể tương đối cân đong đo đếm được, như tổng tài sản hiện có, khả năng sinh lời của doanh nghiệp…) cộng với giá trị thương hiệu của công ty. Giá trị thương hiệu là một yếu tố vô hình; giá trị này chỉ có thể định được ở một mức độ tương đối cho những công ty đã có một quá trình hoạt động ổn định lâu dài và phần lớn đã được niêm yết.