6. Cấu trúc luận văn
3.3.3. Sự nặng nề của hệ thống biểu tượng
Thơ bao giờ cũng cần đến các ẩn dụ, biểu tượng để thông qua đó, nhà thơ có thể nén nhiều lớp nghĩa hoặc phát ra nhiều kênh liên tưởng khác nhau. Việc sáng tạo một hệ thống biểu tượng mới, lạ, mang ý thức thẩm mĩ mới bao giờ cũng là kết quả của ý thức đổi mới của nhà thơ. Nguyễn Quang Thiều, với nỗ lực cách tân thơ, đã kiến tạo nên một hệ thống biểu tượng đa tầng. Trong bối cảnh thơ Việt Nam đã bị bó hẹp với hệ thống biểu tượng sáo mòn, đơn điệu và quen thuộc, đặc điểm này của thơ Nguyễn Quang Thiều đã đem đến một diện mạo mới cho thơ cùng với vẻ đẹp của một kiểu ngôn ngữ đậm màu sắc siêu thực của thơ ca hiện đại. Tuy nhiên, sự xuất hiện dày đặc của hệ thống biểu tượng trong thơ, mặt khác, lại là một giới hạn mà nếu Nguyễn Quang Thiều không vượt lên, sẽ tạo nên một khoảng cách ngày càng lớn giữa thơ ông và độc giả.
Thơ Nguyễn Quang Thiều là sự chồng chất của lớp lớp các biểu tượng. Nguyễn Quang Thiều không chỉ dựng lên những biểu tượng lớn trong thơ như: châu thổ, Làng Chùa, người phụ nữ, người nông dân, cánh đồng, dòng sông…mà còn tạo dựng nên một hệ thống biểu tượng dày đặc, đan cài vào nhau, gắn kết với nhau. Ngôn ngữ trong thơ Nguyễn Quang Thiều là ngôn
ngữ của biểu tượng và mọi ý nghĩa của văn bản đều được chứa đựng trong thế giới biểu tượng ấy. Chẳng hạn trong bài thơ Cái đẹp, nhà thơ dựng lên một
câu chuyện nhỏ, có nhân vật: người đàn bà, người đàn ông trong một hành trình dằng dặc và mệt mỏi; có số phận: người đàn bà lặng lẽ giấu mình và người đàn ông vất vả cay đắng. Nhưng từ câu chuyện đó, nhà thơ lại tạo nên một loạt biểu tượng: con đường, cỗ xe, người đàn ông, gương mặt đẹp của người đàn bà. Ý nghĩa bài thơ vì vậy vươn lên tầm khái quát: sự tồn tại của cái đẹp trong cuộc đời là vĩnh hằng, nó tồn tại ngay trong những hoàn cảnh bình thường và lầm lũi nhất, có khi khuất lấp khó nhận ra nhưng không hề biến mất. Nó cũng đồng thời phản ánh một mất mát có tính quy luật: khi cuộc sống quá nhọc nhằn, con người dễ đánh mất khả năng nhận ra cái đẹp.
Thiên hướng vươn đến những vấn đề nhân sinh có tính vĩnh cửu như: sự sống, cái chết, niềm tin, khát vọng… đã làm cho Nguyễn Quang Thiều tìm đến với thế giới biểu tượng, càng ngày càng trở nên dày đặc trong thơ. Những hình ảnh trong thơ Nguyễn Quang Thiều bắt nguồn từ đời sống quen thuộc Làng Chùa, nhưng khi trở thành biểu tượng, chúng là những khái quát cho số phận con người, số phận nhân loại, sự sống và lẽ sinh tồn trong vũ trụ. Những dòng sông, cánh đồng, khu vườn, ngôi mộ, những cào cào, châu chấu, ốc sên… đều là những ám gợi về cuộc đời rộng lớn với dòng chảy không ngừng của nó, về con người với sự sống nhọc nhằn thầm lặng nhưng không bao giờ tuyệt diệt. Nhờ sức mạnh của thế giới biểu tượng, Nguyễn Quang Thiều đã dựng lên sự tuần hoàn vĩ đại của toàn vũ trụ, dựng lên những ngôi đền thiêng của niềm tin bất diệt. Vì lẽ đó, từ những bài thơ chỉ xuất hiện một vài biểu tượng như Lễ tạ, Bầy chó của tôi, Những con thuyền sông Đáy, Cơn mê,
Nguyễn Quang Thiều đã kiến tạo nên một hệ thống trùng điệp các biểu tượng ngay trong một bài thơ. Chẳng hạn, trong Độc thoại, có sự xuất hiện của hàng loạt biểu tượng: cánh đồng, cỏ, luống đất, đại bàng, mũi tên tẩm độc, cái chết;
trong Nhịp điệu châu thổ mới: đám tang, bản di chúc, những nấm mộ, Người Nông Dân Già, Cậu Bé, cánh đồng, Châu thổ, ánh sáng, bài ca ngũ cốc,… Sự xuất hiện của hàng loạt biểu tượng đã làm cho bài thơ không dừng lại ở việc biểu đạt những mảnh tâm trạng của cái tôi nhà thơ mà đã trở thành những khái quát về sự sống lớn lao gắn liền với những cảm thức về thời đại.
Tuy nhiên, với chiều hướng kiến tạo hệ thống biểu tượng ngày càng trùng điệp, thơ Nguyễn Quang Thiều không tránh khỏi sự rậm rạp về ý tưởng và nặng nề trong diễn ngôn. Nó thiếu đi một sự cô đọng hàm súc vốn là một yếu tố làm nên vẻ đẹp và sức hấp dẫn của thơ. Các biểu tượng chồng chất lên nhau, nối tiếp nhau không khỏi khiến cho độc giả trở nên mệt mỏi do phải đuổi bắt các ý tưởng triền miên của tác giả. Biểu tượng nghệ thuật được coi là kí hiệu thẩm mỹ đa nghĩa. Nó chính là sự mã hóa cảm xúc, ý tưởng của nhà văn. Những tác phẩm viết theo lối biểu tượng không hề dễ đọc. Sự nặng nề của hệ thống biểu tượng trong thơ Nguyễn Quang Thiều vì thế không tránh khỏi cảm giác “quá tải” cho người đọc. Nhiều bài thơ của Nguyễn Quang Thiều do sự dày đặc của biểu tượng nên trở nên khó hiểu, đánh đố người đọc khi họ muốn bước vào thế giới nghệ thuật của ông. Những bài thơ, câu thơ khó hiểu như thế không thiếu trong sáng tác của Nguyễn Quang Thiều: Trên cánh đồng
mênh mông, cỏ không đặt ra nghi lễ bốn mùa/ Tôi trở về tìm nơi không có tiếng người, không có bóng cây/ Bền bỉ hơn sự im lặng, lưỡi cày từ tháng Giêng thưở trước/ Dựng lên những luống đất của cơn mơ, một người lạ đến gieo trồng
(Độc thoại). Một loạt biểu tượng: cánh đồng, cỏ, nghi lễ, tiếng người, bóng cây, lưỡi cày, luống đất… đã làm ý nghĩa đoạn thơ trở nên mơ hồ, khó nắm bắt. Đó là lí do để trong những cuộc tranh luận gay gắt về thơ Nguyễn Quang Thiều, có một trường phái đã gọi thơ ông là thơ “hũ nút”, “bí hiểm”.
Đặc biệt, do chú trọng việc sử dụng hệ thống biểu tượng nên thơ Nguyễn Quang Thiều có hiện tượng lặp đi lặp lại một số biểu tượng trong
nhiều bài thơ. Chẳng hạn, biểu tượng cánh đồng xuất hiện trong các bài thơ:
Cánh đồng, Tháng Mười, Một bài hát tình yêu của làng Chùa, Hồi tưởng,
Điều thiêng, Nhịp điệu châu thổ mới, Con bống đen đẻ trứng…; biểu tượng
con đường xuất hiện trong: Lễ tạ, Tha phương, Nhân chứng của một cái chết,
Bài ca trong đêm cuối cùng của năm cũ, Với chiếc xe một bánh, Cái đẹp…;
biểu tượng dòng sông xuất hiện trong: Những con thuyền sông Đáy, Sông Đáy, Tiếng cười, Dòng sông, Con bống đen đẻ trứng... Sự lặp lại này đã làm
cho văn bản hạn chế tính chất khơi mở của nó, bởi ý nghĩa của biểu tượng đã được xác định trong ý nghĩa của lần xuất hiện trước đó. Mặt khác, sự lặp đi lặp lại này không khỏi đem đến cho độc giả vốn khắt khe của ngày hôm nay cảm giác nhàm chán.
Biểu tượng bao giờ cũng chứa đựng trong đó dấu ấn của truyền thống, của lịch sử, của văn hóa, bao giờ cũng tích đọng trong đó những ý nghĩa sâu sắc đã được cộng đồng hay nhân loại chấp nhận. Vì vậy, việc kiến tạo hệ thống biểu tượng đa tầng đã góp phần tạo nên giọng điệu nghiêm cẩn trong thơ Nguyễn Quang Thiều. Tiếng nói của biểu tượng thiếu đi sự cụ thể linh hoạt của hiện thực đời sống. Nó cũng là một lý do hạn chế nhà thơ có thể sử dụng những giọng điệu linh hoạt và đa dạng như hài hước vui vẻ, giễu nhại, mỉa mai… So sánh những câu thơ của Nguyễn Quang Thiều với những câu thơ linh hoạt của các nhà thơ trẻ hôm nay, rất dễ nhận ra sự hạn chế đó:
Chiều/ Im im không nói/ Đi trên phố/ Rất đông/ Chiều/ Im im không nói/ Đi
trên phố/ Quá ồn (Ly Hoàng Ly); Sự căng thẳng này không biến chúng ta
thành dây đàn để ngân nga những hoan lạc hay đau đớn./ Sự im lặng này không biến chúng ta thành hiền triết để lớn lên bằng hằn học, nhỏ nhen./ Sự lịch lãm này không cứu được hệ thống vô luân đạo đức giả vênh vang tiêu chuẩn bao cấp/ Sự ồn ào này không chứng minh năng lực/ Sự nhu nhược này chẳng an toàn để tham lam (Phan Huyền Thư).
Như vậy, một mặt, việc kiến tạo hệ thống biểu tượng đa tầng là thành tựu cách tân nổi bật của Nguyễn Quang Thiều, mặt khác, sự kiến tạo này có phần quá đà, tạo nên sự nặng nề của hệ thống biểu tượng. Sự nặng nề này đem đến cho thơ Nguyễn Quang Thiều một sự rườm rà và khó hiểu, tạo nên khoảng cách giữa thơ ông và độc giả. Để đọc được thơ Nguyễn Quang Thiều, vì vậy, không phải dễ đối với tất cả mọi người, và không phải không đòi hỏi một sự kiên nhẫn.
Trên đây, chúng tôi đã chỉ ra những giới hạn trong sự cách tân của thơ Nguyễn Quang Thiều trên cả hai phương diện nội dung và hình thức để nhằm lí giải vì sao thơ Nguyễn Quang Thiều lại đem đến cho đời sống phê bình văn học những dư luận trái chiều gay gắt đến như thế, đồng thời xác lập vị trí của Nguyễn Quang Thiều trong nền thơ Việt Nam sau 1975 một cách thỏa đáng hơn. Đặt trong sự vận động của cả một nền thơ đương đại Việt Nam, Nguyễn Quang Thiều là một hiện tượng tiêu biểu có một trường ảnh hưởng rộng nhưng đồng thời cũng dừng lại ở những giới hạn mà chính ông chưa thể vượt qua. Những giới hạn này đã làm trì níu thơ Nguyễn Quang Thiều trong khi độc giả chờ đợi một sự cách tân triệt để hơn. Đặc biệt, so với những biểu hiện của chủ nghĩa hậu hiện đại đang manh nha xuất hiện, thơ Nguyễn Quang Thiều vẫn còn một khoảng cách rõ rệt. Con đường vận động phát triển của thơ Việt Nam đang đòi hỏi các nhà thơ trẻ một sự bứt phá để vượt lên khỏi cái bóng rậm rạp của Nguyễn Quang Thiều, và đó là một điều cần thiết.
KẾT LUẬN
1. Từ sau năm 1975, đời sống đất nước và công chúng thơ ca đòi hỏi thơ Việt Nam phải có những đổi mới mạnh bạo, quyết liệt. Với sức thúc đẩy thẩm mỹ từ mạch ngầm sáng tạo thơ ca những thời kỳ trước, các thế hệ nhà thơ tham gia thi đàn Việt Nam sau 1975 đã có những nỗ lực cách tân quan trọng. Những sáng tạo của họ đã làm nên một sự chuyển mình thực sự, một diện mạo mới của thơ Việt Nam đương đại. Đặt trong bối cảnh đó, Nguyễn Quang Thiều là một hiện tượng tiêu biểu, có một vai trò quan trọng trong việc tạo nên một xu hướng cách tân mới của nền thơ Việt Nam sau 1975. Hành trình sáng tạo của Nguyễn Quang Thiều là một hành trình kiên trì theo đuổi mục tiêu cách tân thơ không mệt mỏi. Từ Ngôi nhà 17 tuổi đến Sự mất ngủ của lửa và những tập thơ tiếp theo, Nguyễn Quang Thiều không ngừng sáng
tạo để định hình một phong cách khá độc đáo. Hành trình cách tân thơ của Nguyễn Quang Thiều vừa phản ánh sức sáng tạo dồi dào và bền bỉ của nhà thơ vừa đáp ứng được nhu cầu đổi mới một cách mạnh mẽ của thơ ca đương đại Việt Nam.
2. Với nỗ lực cách tân, Nguyễn Quang Thiều đã gặt hái được những thành tựu lớn trên cả hai phương diện: nội dung và hình thức thơ. Thành công của Nguyễn Quang Thiều vừa thể hiện cá tính sáng tạo của nhà thơ vừa gắn liền với những quan niệm thẩm mĩ mới của thời đại. Vì thế, thơ Nguyễn Quang Thiều phản ánh được những xu hướng đổi mới của thơ Việt Nam sau 1975. Qua khảo sát những thành tựu cách tân của thơ Nguyễn Quang Thiều, chúng tôi nhận thấy: Nguyễn Quang Thiều đã tích cực tiếp nhận những gợi ý cách tân từ các nguồn thơ phi chính thống, nắm bắt được tinh thần của thơ ca hiện đại thế giới để cố gắng vượt thoát ra khỏi những lối mòn quen thuộc cũ kĩ trong thơ Việt, xác lập một hướng đi mới, phù hợp với thời đại và nhu cầu
của công chúng. Những đóng góp của Nguyễn Quang Thiều tạo nên một “từ trường” mạnh, một độ “phủ sóng” rộng đối với các nhà thơ trẻ. Với tư cách là một hiện tượng tiêu biểu, những đóng góp của Nguyễn Quang Thiều trên cả hai phương diện nội dung và hình thức đã phản ánh được những thành tựu cách tân của thơ Việt Nam đương đại. Từ đó, chúng ta có thể nhìn thấy đặc điểm và sự vận động của cả một nền thơ từ sau 1975.
3. Thơ Nguyễn Quang Thiều cách tân nhưng không tách rời với truyền thống. Ở một góc độ khác, thơ Nguyễn Quang Thiều gắn liền với một trường thẩm mỹ có căn rễ truyền thống vững bền. Vì vậy, thơ Nguyễn Quang Thiều không xa lạ với tư duy quen thuộc của người Việt. Trong dòng chảy của thơ Việt Nam, Nguyễn Quang Thiều là người đã kết nối được hai yếu tố quan trọng: truyền thống và hiện đại. Sự kết nối ấy là cần thiết trong bối cảnh đổi mới thơ ca hiện nay. Đó là cơ sở để chúng ta khẳng định: gọi thơ Nguyễn Quang Thiều là “thơ dịch”, “thơ lai Tây” là thiếu thỏa đáng, là suy diễn nặng nề.
4. Trong khi nỗ lực để cách tân thơ, Nguyễn Quang Thiều không tránh khỏi một sự “quá đà”. Điều đó có thể lí giải được từ tâm thế nhiệt tình cách tân thơ của một nhà thơ thuộc thế hệ mới khi vừa thoát ra khỏi từ trường của thơ Kháng chiến. Mặt khác, căn rễ truyền thống lại đồng thời trì níu thơ Nguyễn Quang Thiều, khiến nó không tránh khỏi những giới hạn: thơ Nguyễn Quang Thiều vẫn còn một khoảng cách khá xa so với xu thế thơ đang vận động hiện nay, đặc biệt, so với thơ hậu hiện đại đang manh nha xuất hiện trên thi đàn Việt Nam. Một phần vì thế giữa thơ Nguyễn Quang Thiều và độc giả vẫn còn khoảng cách. Không phải không có lúc độc giả mệt mỏi trước lối thơ có phần nặng nề và khó hiểu của ông. Đánh giá hiện tượng thơ Nguyễn Quang Thiều, vì vậy không thể chỉ căn cứ vào những cách tân của ông để đưa ra những lời tụng ca dễ dãi. Tìm hiểu những giới hạn trong thơ Nguyễn
Quang Thiều là việc làm cần thiết nhằm khẳng định: thơ Nguyễn Quang Thiều nói riêng và thơ Việt Nam hiện nay nói chung không thể thỏa mãn với những gì đã đạt được. Để đáp ứng được nhu cầu đổi mới thơ, cần phải có nỗ lực mạnh mẽ hơn nữa để vượt lên những giới hạn.
5. Hiện tượng thơ Nguyễn Quang Thiều đã tạo nên những luồng dư luận khá phức tạp. Một mặt, có những ý kiến khẳng định, ủng hộ nhiều lúc mang tính bốc đồng, tán tụng quá lời và nặng về cảm tính, mặt khác lại có những ý kiến phủ nhận một cách triệt để những thành tựu cách tân của thơ Nguyễn Quang Thiều với những quy chụp, suy diễn nặng nề và ác ý. Qua việc tìm hiểu những thành tựu và những giới hạn trong thơ Nguyễn Quang Thiều, chúng tôi mong muốn một cái nhìn thỏa đáng hơn, một thái độ thiện chí và cởi mở hơn và cũng khoa học hơn đối với hiện tượng thơ Nguyễn Quang Thiều nói riêng và những hiện tượng cách tân thơ nói chung. Việc khẳng định những đóng góp quan trọng của Nguyễn Quang Thiều cũng như các cây bút trẻ sẽ tạo nên động lực để thúc đẩy khát vọng sáng tạo không ngừng của thi sĩ. Bên cạnh đó, nhận thức được những giới hạn có thật là để chỉ ra con đường cần phải đi tới của sáng tạo thi ca. Nguyễn Quang Thiều là một nhà thơ có sức sáng tạo mãnh liệt. Hành trình cách tân thơ liên tục không ngừng của ông đã chứng minh cho sức sáng tạo ấy. Trữ lượng sáng tác của Nguyễn Quang Thiều vẫn còn dồi dào với những tác phẩm sắp hoàn thành như trường ca Lò mổ, với những ý tưởng lớn đang hình thành trong quá trình sáng tạo trường ca Người thổi sáo. Thiết nghĩ, những ý kiến đánh giá khoa học và thiện chí về
thơ Nguyễn Quang Thiều sẽ góp phần hoàn thiện hơn con đường cách tân thơ của ông.
TÀI LIỆU THAM KHẢO