Xoáy sâu vào những thể nghiệm tâm linh

Một phần của tài liệu Thành tựu và giới hạn của sự cách tân trong thơ nguyễn quang thiều (Trang 65)

6. Cấu trúc luận văn

2.1.3. Xoáy sâu vào những thể nghiệm tâm linh

Đi sâu vào những vùng mờ tâm linh là một xu hướng nổi bật của thơ ca đương đại Việt Nam. Đặc điểm cơ bản của xu hướng này là nỗ lực đào sâu vào cái tôi ẩn giấu, phát hiện chiều sâu tâm linh của con người. Tiếp nhận ảnh hưởng của những nhà hiện đại chủ nghĩa phương Tây, xu hướng này thực chất đã được manh nha xuất hiện từ đầu thế kỷ XX, trong những sáng tác của Hàn Mặc Tử và nhóm Xuân Thu nhã tập. Từ sau năm 1945, trong những nỗ lực

cách tân âm thầm của những nhà văn thuộc nhóm Nhân văn - Giai phẩm, xu

hướng này trở lại với những thi phẩm của Hoàng Cầm, Lê Đạt, Đặng Đình Hưng, mặc dù chưa đem đến những thành tựu đáng kể. Phải đến khi lớp nhà thơ thế hệ Đổi mới xuất hiện, nó mới trở thành một xu hướng nổi bật, một đặc điểm cơ bản của nền thơ đương đại Việt Nam, trong đó Nguyễn Quang Thiều đóng vai trò tiên phong.

Với ý thức khám phá đến tận cùng bản thể con người, những nhà thơ cách tân theo xu hướng này “như là kẻ tự đi tìm gương mặt bên trong của

chính mình với niềm khát khao nhận biết, khám phá thế giới tâm linh, vô thức đầy bí ẩn ở mỗi con người” [34, 23]. Cái tôi trong thơ Nguyễn Quang

Thiều là cái tôi với đời sống tâm linh sâu thẳm. Cái tôi ấy nhận diện thế giới không chỉ ở “hiện thực của thể xác” mà chủ yếu ở “hiện thực của tinh

thần” (Chu Văn Sơn), tạo thành hai lớp đời sống trong thơ ông: một đời

sống dương gian và một đời sống ẩn chìm trong cõi tâm linh. Đời sống dương gian là phần nổi/ lộ thiên của thực tại với những hoạt động dương gian, được cảm nhận bằng ý thức. Đó là con đường gồ ghề nơi người làng Chùa ra đi và trở về, là cánh đồng phủ đầy những ngọn khói trẻ chăn trâu đốt rạ trên cánh đồng sau vụ gặt, là dòng sông không ngừng chuyển động,

là những ngôi nhà cao tầng chiếm đoạt dần không gian của cỏ, là những người đàn bà vác dậm trở về cuối ngày với mùi tanh cua ốc, là những

người nông dân nhọc nhằn gieo trồng những mùa ngũ cốc… Nhưng, đằng sau đời sống dương gian đó, nhà thơ nhìn thấy một đời sống khác: đời sống ẩn chìm của những hoạt động u hiển, chỉ cảm nhận được bằng tâm linh. Bằng trí tưởng tượng và những hình dung vô tận về đời sống, bằng con mắt tâm linh, Nguyễn Quang Thiều đã tái tạo lại đời sống ở một dạng thức khác: đó là sự trỗi dậy của thế giới linh hồn vạn vật. Nguyễn Quang Thiều như một nhà “ngoại cảm” mà sự giao tiếp của ông với đời sống vạn vật chủ yếu bằng con đường tâm linh, qua đó ông phát hiện ra đời sống bí ẩn u hiển của nó. Từ những nấm mộ hiện thân cho cái chết đến dòng sông và cánh đồng hiện thân cho cõi sống, từ những sinh linh nhỏ nhoi như ốc sên, cào cào châu chấu đến những sự vật vốn đóng khung trong một trạng thái tồn tại duy nhất của nó như những đồ vật trên bàn, những đồ gỗ trong nhà… tất thảy đều mang một đời sống riêng, có vận động, có sinh tử, có bất hạnh và hoan ca, có quá khứ và tương lai. Sự trỗi dậy của thế giới linh hồn vạn vật trong thơ Nguyễn Quang Thiều thật mãnh liệt. Cái chết không chôn vùi được nó: Cánh đồng bị thương kêu lên một tiếng cười ngái ngủ; Những con

rắn thủy táng trong rượu/ Linh hồn chúng bò qua miệng bình cuộn khoanh

đáy chén (Trong quán rượu rắn); Những cánh rừng đang khóc/ Linh hồn

cây vục dậy từ ổ lá mục (Dưới trăng và một bậc cửa); Trong tiếng khóc

khàn khàn của cánh đồng khô hạn/ Những nứt nẻ ngoạm chân tôi và nuốt

(Trong tiếng súng bắn tỉa); Ngước lên linh hồn của những hồ nước bị giết đang bay lượn tìm nơi hạ cánh (Lời cầu nguyện); Cỗ xe tang chở cái chết của màu xanh với hai cánh mũi lên cơn sốt rát bỏng / và tất cả những vệt cơ đang rung lên tiếng hí gọi hồn (Gọi hồn). Nếu như phần dương của đời

sống là sự tàn phá của cái được gọi tên là “văn minh công nghiệp” với

những hóa chất sặc mùi, những ngôi nhà cao tầng vừa thở dốc vừa chống

rượu rắn thì thế giới linh hồn của vạn vật được thức dậy là biểu hiện của

một sự sống không bao giờ tàn lụi. Nó không chấp nhận cái chết.

Nhưng, sức sống mãnh liệt nhất được mở ra từ thế giới của những linh hồn người. Sự tồn tại và trở về của những tiền kiếp không bao giờ mất đi được nhà thơ mô tả sống động như một dạng thức khác của đời sống. Đó là tiếng nói của tổ tiên dòng họ còn âm âm vọng về từ những ngôi miếu cổ:

Những ngôi mộ tổ tiên hắt sáng gọi tôi về/ Tôi khép đôi cánh xác xơ trước

ngày cúng giỗ (Bài hát); là sự trở về của bà nội trong âm nhạc tang lễ: Con

nhìn thấy bà nội con mặc áo tơ tằm ngồi giữa ngàn ngọn nến / Bà rót một bình nước mưa trong để đợi con về (Âm nhạc), là những người đàn bà góa

bụa từ sau cỏ trở về mang theo những khát khao giới tính đang bùng lên mãnh liệt (Những ví dụ), là linh hồn của những người chết đang trở về và sống đời sống của chúng ta. Hình ảnh của những ngôi mộ, của đám tang, của cái chết

cùng với thời gian đêm xuất hiện dày đặc trong thơ Nguyễn Quang Thiều như là sự hiện diện của một không gian tâm linh bên cạnh không gian hiện thực. Có thể nhận thấy một chiều hướng chuyển dịch không gian quan trọng trong thơ ông: sự chuyển dịch từ phần dương sang phần âm. Sự chuyển dịch này diễn ra ở nhiều cấp độ. Ở cấp độ khái quát trong toàn bộ sáng tác của Nguyễn Quang Thiều, nếu như ở Sự mất ngủ của lửa bắt đầu xuất hiện không gian

phần âm thì đến Những người đàn bà gánh nước sông và những tập thơ sau

đó, không gian âm lấn át không gian dương, đời sống tâm linh mạnh hơn đời sống dương gian. Ở cấp độ tác phẩm, sự chuyển dịch này được thể hiện rõ nét trong cảm thức cũng như trong cấu trúc hình tượng. Trong Lễ tạ, không gian

con đường là để Dắt ta về hồ nước cũ, từ đó mở ra một lá sen già trong cõi

hoài niệm, rồi khuất chìm hơn, là người hái hoa kiếp trước, và rồi đến thăm

thẳm cội nguồn với Phải đào ba tấc đất sâu/ Mới tìm được người uống rượu/ Phải lên đến bảy tầng trời/ Mới tìm được người hầu chuyện. Sự giao tiếp từ

hiện tại chuyển dần về quá khứ, từ cõi dương lui đến cõi âm, và cõi âm đó thì hun hút thăm thẳm của tiền kiếp, của những thế hệ xưa cũ. Trong Những ví

dụ, từ cảm nhận thời gian cứ lặng lẽ chảy vào chiếc bình gốm cổ khổng lồ,

không gian cõi âm mở ra trong tiếng nấc vô vọng: Tôi đứng trên con đường cuối làng khóc run lên như đứa trẻ mất mẹ. Tôi làm sao lật hết từng lá cỏ trên đất đai rộng lớn nhường kia, để tìm lại những người đàn bà góa bụa... Có thể

nhận ra chiều hướng chuyển dịch không gian như thế trong Âm nhạc, Dưới trăng và một bậc cửa... Không gian cõi âm bao bọc lấy nhiều phận người,

nhiều kiếp đời, gọi về chiều sâu lịch sử của làng quê, là bề dày của những lớp trầm tích văn hóa. Nhưng, quan trọng hơn, đó là sự sống vĩnh hằng của con người và xứ sở hiện thân trong thế giới linh hồn không bao giờ mất đi mà vẫn tồn tại trong nhịp thở của đời sống hôm nay.

Xoáy sâu vào những thể nghiệm tâm linh, thế giới nghệ thuật trong thơ của Nguyễn Quang Thiều là thế giới của những kí ức, những ám ảnh, những giấc mơ, những cơn mê, những hình dung vô tận. Hình ảnh những cơn mơ xuất hiện nhiều trong thơ Nguyễn Quang Thiều. Có những giấc mơ nặng nhọc: Cơn mơ nhàu nát hơn tấm áo ngủ, bẹp dí hơn chiếc gối mút và quẫn bách hơn tấm màn thủng (Bình minh đang lên); có những cơn mơ huyền

hoặc: Đêm nay trong mơ tôi đuổi kịp những đám mây (Những đám mây vàng). Có khi, cơn mơ dẫn nhà thơ về quá khứ để bao bọc nó trong một vòng hào quang của huyền thoại: trong cơn mơ vang tiếng cá quẫy tuột câu như một tiếng nấc là dòng sông Đáy với cánh buồm cổ tích, với đôi môi màu dâu chín

của em, với áo em rơi trên bến kín một trăng xưa (Sông Đáy), trong giấc mơ là vùng châu thổ nguyên sơ đầy mê hoặc: Thức dậy từ cơn mơ, cả cúc áo cũng chưa cài hết/ cả tóc cũng không kịp buộc, không kịp cả dặn dò / Tôi và em chạy về từ hai miền xa lạ/ Qua những cánh đồng, cỏ bần bật run lên/ Những hạt sương tung lên những chùm sao lấp lánh (Dòng sông). Cơn mơ

làm sống dậy nhịp sống nhẫn nại bền bỉ - hồn cốt ngàn đời của con người và xứ sở vùng châu thổ: Trong mơ tôi gặp họ ghé mắt qua cửa sổ/ Vội vã xây những chiếc tổ con cho lũ trẻ ra đời (Mỗi sáng tôi mở cửa). Giấc mơ làm

sống lại những mầm xanh mà đời sống dương gian đang mỗi ngày hủy hoại nó tàn khốc: Anh mơ một ngôi nhà trong ánh sáng của cây/ Có tiếng nấc đêm

đêm vọng về từ con đường xa khuất thế gian này/ Cái cây nhìn thấy chúng ta ngày ấy còn kia (Mười một khúc cảm).

Ám ảnh về một đời sống hiện đại đầy bất trắc và hủy diệt đã làm biến dạng những giấc mơ để trở thành những cơn mê hoang hoải. Trong Dưới trăng và một bậc cửa, tác giả mở ra hình ảnh của một đời sống đang chìm

trong những giấc ngủ nặng nhọc, ở đó Nhân loại bày ra trong giấc ngủ mụ mị/ Càng mơ càng cuống bước chân. Trong cơn mê đó, cái tôi mệt nhoài đói

khát đến kiệt sức trong những nỗ lực vượt thoát để đi tìm một bậc cửa: Tôi đói như chưa bao giờ đói hơn/ Tôi khát như chưa bao giờ khát hơn/ Tôi khóc/ Những rễ cây chộp lấy tôi và nghiền tôi thành nước. Trong Hồi tưởng, ở khúc Hồi tưởng tháng Bảy, khi hình dung sự tồn tại của con người như những thân

cây bị quật đổ sau bão, nhà thơ dựng lên một giấc mơ kinh hoàng đau đớn:

Trong giấc mơ anh thấy những gã thợ xẻ đeo mặt nạ/ Đang bật những dây mực dọc thân thể chúng ta/ Trong im lặng tuyệt đỉnh, những gã thợ/ Xẻ chúng ta thành những tấm thẫm đỏ/ Lưỡi cưa chạy qua chúng ta sáng lên ánh chớp.

Rồi từ đó, biến thành xưởng gỗ, thành giường, tủ, bàn ăn và những cỗ áo quan và cuối cùng bốc cháy trong ngọn lửa, trong một cuộc hỏa hoạn đời sống. Giấc mơ kinh hoàng này không chỉ là ám ảnh về sự tuyệt diệt của màu xanh, của những thân cây và những cánh rừng trong cơn lốc đô thị hóa mà còn là ám ảnh về sự sống đang chết cứng dần đi khi thế giới tiện nghi vật chất lên ngôi. Sự ám ảnh đó nằm sâu trong phần tiềm thức của con người, kết quả của một kiếp sống nặng nề trong cõi dương gian. Trong “cơn mê sảng những ý

nghĩ”, Nguyễn Quang Thiều đã dựng lên trong thơ mình một thế giới đầy lạ

lùng, hư thực, đôi khi đến kỳ dị. Có khi, tác giả hình dung mình trong cõi chết: Tôi đẩy chiếc xe một bánh chở sự thoi thóp trong sạch nhất của tôi / Đi qua những nơi tôi đã chết/ Tôi thấy xác tôi như sương vương trên cỏ dại (Với chiếc xe một bánh). Cũng bằng những cơn mơ, Nguyễn Quang Thiều tái tạo

một thế giới mới mang đậm chất huyền ảo. Đó là một thế giới hồi sinh mãnh liệt, diệu kỳ: Đó là lúc con bống đen/ Nổi lên giữa dòng sông Đáy/ Đôi mắt sáng hai vầng Nhật Nguyệt/ Đẻ cho ban mai một dải trứng hồng (Con bống đen đẻ trứng). Thế giới đó tinh khôi trong trắng và tràn trề nhựa sống: Và bình minh đang lên như khói, như nước, như da non, như răng mọc lẫy / Như hai cánh tay trần con gái trinh tiết vươn lên vấn tóc phía sau (Bình minh đang lên). Thế giới ấy biểu hiện niềm tin của nhà thơ về sự sống, về khả năng cứu

rỗi đời sống của những giá trị tinh thần bền vững.

Hiện thực trong thơ Nguyễn Quang Thiều, vì thế “chưa bao giờ là bản

sao của đời sống mà là hiện thực của thế giới thơ được phát hiện và tái tạo bằng những tri kiến và trí tưởng tượng của thi sĩ” (Lê Vũ) [9, 84]. Xoáy sâu

vào những thể nghiệm tâm linh của Nguyễn Quang Thiều, chính là mức độ cao của sự “trải nghiệm đánh thức bản thể”. Nhà thơ khám phá đến tối đa những vùng mờ tâm linh, những thế giới bí ẩn của ý thức và vô thức trong chính bản thể mình. Với thể nghiệm này, Nguyễn Quang Thiều đã đưa thơ của mình cách tân theo xu hướng siêu thực của chủ nghĩa hiện đại.

Có thể thấy, về phương diện nội dung, thơ Nguyễn Quang Thiều đem đến một quan niệm mới và một cách nhìn mới về hiện thực. Hiện thực không còn được giới hạn ở phạm trù dân tộc, nhân dân mà mở rộng đến hiện thực của muôn mặt đời thường, không còn được giới hạn ở “hiện thực của thể xác” mà mở rộng đến cả “hiện thực của tinh thần”. Trong thế giới này, không có gì lớn lao kỳ vĩ hơn sự sống con người, thơ Nguyễn Quang Thiều chạm đến được sự lớn lao đó bằng những thể nghiệm tâm linh.

Một phần của tài liệu Thành tựu và giới hạn của sự cách tân trong thơ nguyễn quang thiều (Trang 65)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(144 trang)